HỒI 58.
Làm chuyện công đức
Tại phủ Đông Bình thuộc tỉnh Sơn Đông
có ngôi chùa Vĩnh Phúc. Chùa này được dựng lên từ đời Lương Vũ Đế, người sáng lập
là Vạn Hồi Lão tổ. Sở dĩ có tên như vậy vì hồi lão tổ mới bảy tám tuổi, có người
anh tòng quân trấn giữ biên giới. Người đó đi đã lâu mà tin tức không thấy gửi
về, chẳng biết sống chết ra sao. Người mẹ thường lo buồn mà khóc. Một hôm Lão tổ
hỏi mẹ:
– Mẫu thân à, bây giờ đang là lúc thanh bình, nhà mình cũng chẳng đến nỗi nào, sao mẫu thân lại khóc? Mẫu thân có gì lo buồn xin cứ nói với con để xem con có chia sẻ được phần nào chăng.
Người mẹ gạt nước mắt đáp:
– Con ơi, con đâu có biết, sau khi cha
con mất đi thì anh con tòng quân trấn giữ biên giới, cũng làm tới chức trưởng
quan, đã bốn năm năm nay chẳng thấy tin tức gì, không biết giờ này anh con sống
chết thế nào.
Nói xong lại khóc. Lão tổ nói:
– Vậy thì có gì là khó, bây giờ anh
còn ở đâu xin mẫu thân cứ nói cho con biết, con là em, con sẽ tìm rồi trở về
báo tin cho mẫu thân hay, như vậy có phải tiện không.
Người mẹ đang khóc cũng phải bật cười
bảo:
– Con đâu biết rằng anh con đóng binh
mãi tận Liêu Đông, cách đây cũng ngoài vạn dặm. Người trai tráng mạnh khỏe đi
suốt ngày đêm không nghỉ cũng phải mất bốn năm tháng mới tới nơi, con là con
nít, làm sao đi được.
Lão tổ nói:
– Thì ở Liêu Đông chứ có phải ở trên
trời đâu mà không tới được. Mẫu thân cứ để con đi tìm ca ca con.
Nói xong cột lại giầy vải, đem theo
vài cái quần áo rồi lạy từ mẹ mà đi.
Người mẹ hoảng sợ gọi ầm lên cũng
không quay lại, chạy theo cũng không đuổi kịp đành quay về sống cô đơn sầu muộn,
khóc lóc không thôi. Có bà hàng xóm khuyên giải rằng:
– Nó tuy là con nít, không đi xa được
đâu, thế nào chốc lát cũng mò về ngay đấy mà.
Người mẹ tạm nguôi sầu, nhưng cứ nóng
lòng sốt ruột chạy ra chạy vào ngóng con. Mãi tới gần tối, mới thấy bóng dáng một
đứa bé từ đằng xa. Người mẹ lẩm bẩm khấn vái:
– Lạy trời đất Phật thần, lạy nhật
nguyệt tam quang, nếu quả là con tôi trở về thì cũng không uổng công tôi ăn
chay niệm Phật bấy lâu nay.
Vừa khấn xong thì thấy con đã vụt tới
trước mặt quỳ xuống thưa:
– Sao mẹ chưa đi ngủ? Con đã tới Liêu
Đông tìm được ca ca con và đem tin lành về đây.
Người mẹ cười:
– Thằng quỷ sứ này đi đâu làm ta lo sợ.
Ngươi không đi được thì đi làm gì, rồi về lại còn ăn nói ngông cuồng tính lừa dối
mẹ. Đường xa hơn vạn dặm mà con vừa đi vừa về trong một sớm một chiều như thế
là thế nào?
Lão tổ nói:
– Mẫu thân không tin con hay sao?
Nói xong đặt túi quần áo xuống, lấy ra
một phong thư. Người mẹ mở ra coi thì đúng là nét chữ của con trai lớn. Lão tổ
lại đưa ra một cái áo lót nói là anh mình bảo đem về nhà giặt. Người mẹ cầm áo
lên coi thì đúng là áo do chính tay mình đã may lúc trước.
Tin đó loan truyền đi, làm náo động cả
một vùng. Từ đó thiên hạ đặt cho biệt hiệu là Vạn Hồi. Về sau Vạn Hồi xuất gia
đầu Phật, người đời gọi là Vạn Hồi Trưởng lão. Vạn Hồi Trưởng lão thần thông quảng
đại, đạo đức cao diệu, được Hoàng Đế Hậu Triệu vô cùng kính trọng, sau lại được
Lương Vũ Đế tặng nhiều tiền bạc, rồi nhân đó quyên góp thêm mà dựng nên chùa
Vinh Phúc đồ sộ nguy nga.
Nhưng sau khi Vạn Hồi Lão tổ viên tịch
thì những người trụ trì kế tiếp toàn là lại hòa thượng hổ mang, lười biếng mà
tham tiền, lén lấy vợ, ăn thịt uống rượu, không chuyện gì là không làm. Thậm
chí đem cả áo cà sa cầm thế đi, đem các đồ thờ bán đi, khiến cho cảnh thiền
ngày thêm hoang phế, tượng Phật chơ vơ lạnh lẽo. Suốt ba bốn chục năm không ai
nghĩ đến việc trùng tu chỉnh đốn.
Mãi sau có một vị trưởng lão, nguyên
là người miền Tây Ấn Độ, hâm mộ cảnh trí Trung Quốc, mới theo sông Lưu sa, vượt
biển Tinh túc, đi liền trong tám chín năm mới tới nội địa Trung Quốc, rồi tới tỉnh
Sơn Đông, tá túc tại ngôi chùa hoang phế. Vị Trưởng lão Ấn Độ ở đó luôn trong
chín năm, suốt ngày ngồi quay mặt vào tường, không nói không rằng.
Một hôm vị trưởng lão này nghĩ rằng:
– Ngôi chùa hoang phế quá rồi, chắc là
các vị trụ trì trước đây là những người chẳng ra gì nên mới để cảnh thiền thê
lương đến mức này, thật là đáng tiếc. Nếu bây giờ ta không đứng ra lo việc
trùng tu thì còn ai chịu lo nữa. Vả lại trong tỉnh Sơn Đông này nghe nói có một
vị võ quan họ Tây Môn, gia tư ức vạn, giàu ngang các bậc Vương Hầu. Bữa trước
có đặt tiệc tiễn vị ngự sử họ Thái tại đây, thấy cửa thiền hoang tàn, dường như
cũng có ý làm điều công quả. Nếu được Tây Môn Đại quan nhân đứng ra giúp đỡ thì
lo gì việc chẳng thành. Mình phải đến gặp mới được.
Nghĩ xong gọi đồ đệ, sai đánh chuông
triệu tập chúng tăng, loan báo ý định của mình. Sau đó lấy giấy bút viết một tờ
sớ văn, rồi cáo từ chúng tăng để tới nhà Tây Môn Khánh.
***
Hôm đó, sau khi Ứng Bá Tước ra về, Tây
Môn Khánh vào thượng phòng, gặp Nguyệt nương, kể lại chuyện Bá Tước tiến cử Thủy
Tú tài, đoạn nói:
– Hôm nọ tôi đi Đông Kinh về, các người
tai mắt trong vùng đều đãi tiệc mừng, bây giờ mình phải đãi lại họ. Hôm nay
nhân rảnh rang, mình tính chuyện đó đi.
Nói xong gọi Đại An dặn mua các đồ ăn
chuẩn bị làm tiệc, đồng thời sai phái gia nhân đi mời thực khách. Xong xuôi, rủ
Nguyệt nương xuống phòng Bình Nhi thăm Tố Quan.
Bình Nhi tươi cười tiếp đón và gọi nhũ
mẫu bồng Tố Quan ra. Tố Quan mặt mày tươi tỉnh, sà ngay vào lòng Nguyệt nương.
Nguyệt nương đưa tay bồng mà nựng:
– Con mình thông minh lắm đây, nay mai
lớn lên chắc là vinh hiển. Nhưng mà con nhớ phải phụng dưỡng mẹ già này đấy
nhé.
Bình Nhi cười:
– Sao Đại nương nói vậy? Con nó sau
này lớn lên may mắn mà có chút địa vị chức tước thì trước hết là phải báo hiếu
mẹ lớn của nó chứ.
Tây Môn Khánh cũng cầm tay con nói:
– Con ơi, sau này lớn lên thì ráng học
hành để làm quan văn nhé, đừng như cha đây chỉ là một chức võ quan xuất thân từ
một người bạch đinh. Con phải làm quan văn thì mới được người đời vị nể.
Kim Liên định vào phòng Bình Nhi,
nhưng thấy Tây Môn Khánh và Nguyệt nương đang có mặt ở trong thì núp ở ngoài
xem nói gì. Đến lúc nghe vậy thì giận dữ lẩm bẩm:
– Thật là một lũ người không biết xấu
hổ, có tí con trai, chưa qua được ba mùa đông, bốn mùa hạ mà đã tính chuyện
tương lai. Biết nó có sống được đến năm mươi lăm mươi bảy để đi học không hay
là lại làm bạn với Diêm Vương sớm, vậy mà đã dặn là phải làm quan văn, đừng làm
quan võ giống cha. Rồi chưa gì đã tính tới chuyện báo hiếu người này, phụng dưỡng
người kia. Rõ thật không biết nhục.
Kim Liên đang một mình lẩn bẩm tức tối
thì Đại An chạy tới hỏi:
– Ngũ nương có biết gia gia đang ở đâu
không?
Kim Liên quay lại mắng:
– Đồ chết bầm chết dịch, tao làm sao
biết gia gia nhà mày ở đâu mà hỏi tao? Mày muốn tìm thì đến chỗ nào sau này có
người phụng dưỡng gia gia, đến chỗ nào có vị thái nãi nãi đội mũ ngũ hoa, mẹ của
vị văn quan đại thần, đến chỗ nào có bát trâm ngũ đỉnh mà hỏi, chứ sao lại hỏi
tao?
Đại An chẳng hiểu gì, bèn bỏ vào phòng
Bình Nhi. Tới nơi, thấy Tây Môn Khánh bèn đằng hắng rồi chắp tay thưa:
– Ứng nhị gia đang chờ gia gia tại đại
sảnh.
Tây Môn Khánh hỏi lại:
– Ứng nhị gia vừa mới về mà, bây giờ lại
trở lại làm gì?
Đại An đáp:
– Tôi cũng không hiểu, gia gia ra hỏi
tất biết.
Tây Môn Khánh bước lên sảnh đường,
chưa kịp hỏi Bá Tước thì đã thấy vị trưởng lão người Tây Trúc đến từ bao giờ,
nói lớn:
– A di đà phật? Phải Tây Môn Đại quan
nhân đó chăng?
Nguyên Tây Môn Khánh vốn là người ăn
tiêu hoang phí, nay lại được làm quan, trong lòng vui mừng khôn xiết, cũng muốn
làm chuyện gì phúc đức để lo cho con cháu. Nay thấy một vị Trưởng lão tới thì
niềm nở mời lên đại sảnh. Vị Trưởng lão vái chào rồi nói:
– Bần tăng vốn là người miền Tây Ấn Độ,
vân du bốn phương, ngừng lại tại chùa Vĩnh Phúc tĩnh tọa liền trong chín năm thấy
cảnh thiền hoang liêu tàn phế, không đừng được, phải đứng dậy xuất lực làm công
việc của người đệ tử Phật. Rồi bần tăng chợt nhớ ra rằng hôm trước trong khi
làm tiệc tiễn hành mấy vị đại quan thì quan nhân đã dường như có ý thương xót cảnh
hoang tàn của bổn tự, và cũng muốn góp phần công đức trùng tu lại chốn cửa thiền.
Nếu quan nhân làm được điều công đức đó thì chư Phật Bồ Tát sẽ chứng minh. Bần
tăng nhớ kinh Phật có dạy rằng tín nam thiện nữ trên đời mà bỏ tiền của ra dựng
chùa chiền thì con cái sau này được phúc lộc hiển vinh, một nhà lan quế, làm rạng
rỡ cha ông. Hôm nay bần tăng đem điều đó tại thưa với quan nhân để tùy quan
nhân mở lòng Bồ Tát, bần đạo đã viết sẵn một tờ văn sớ để tùy quan nhân khai sớ
phát tâm.
Tây Môn Khánh vừa nói chuyện với Tố
Quan về việc tương lai thì gặp ngài Trưởng lão này nói trúng điều mong ước, do
đó mừng rỡ vô hạn, tiếp lấy lá sớ rồi sai gia nhân đem trà ra. Sau đó mở tờ sớ
ra đọc, đọc xong, cung kính đặt lá sớ lên bàn rồi nói:
– Chẳng nói giấu gì trưởng lão, tại hạ
tuy thua kém nhiều người nhưng cũng có đôi chút sản nghiệp, gần đây tuổi đã lớn
lại thêm được một chức võ quan. Nhưng dưới gối vẫn không có được mụn con trai,
do đó trong lòng vẫn muốn làm điều công đức. May mắn là năm ngoái, đệ lục phòng
của tại hạ đã sinh được một mụn con trai. Vậy là bây giờ tại hạ chẳng còn thiếu
thứ gì. Nhân hôm trước làm tiệc tiễn hành mấy vị đại quan tại chùa Vĩnh Phúc, tại
hạ thấy miếu vũ hoang tàn nên cũng có ý bỏ tiền ra trùng tu lại cửa thiền. Nay
trưởng lão đã tới đây lẽ nào tại hạ lại từ chối.
Nói xong sai đem bút ra để viết số tiền
vào tờ sớ, nhưng cứ do dự không biết nên cúng bao nhiêu. Bá Tước ngồi bèn nói:
– Nếu đại ca đã có hảo tâm để sau này
dành đức cho ca nhi thì sao không một mình đứng ra lo việc trùng tu cửa Phật có
phải là gọn hơn không.
Tây Môn Khánh xoay xoay cán bút cười bảo:
– Nhưng sợ không đủ sức.
Bá Tước lại nói:
– Nếu vậy thì ít nhất đại ca cũng phải
giúp một ngàn lạng mới coi được.
Tây Môn Khánh lại cười:
– Cũng vẫn còn quá sức.
Vị Trưởng lão nói:
– Việc công đức là việc tùy tâm, bần
tăng không dám nhiều lời. Quả thật là trong việc này không nên ép. Quan nhân
đây cho được bao nhiêu cũng là quý, bần tăng sẽ xin thêm các vị thí chủ khác nữa.
Tây Môn Khánh nói:
– Xin trưởng lão thể lượng cho, tại hạ xin cúng năm trăm lạng.
Nói xong viết số tiền vào lá sớ. Vị
trưởng lão đứng dậy vái tạ. Tây Môn Khánh lại nói:
– Trong vùng này còn nhiều vị thái
giám và các quan, để tại hạ sẽ cầm tờ sớ này đến nói với các vị đó, kẻ ít người
nhiều, một hai trăm, vài chục lạng cũng quý, để trưởng lão lo việc trùng tu cửa
Phật. Các vị đó đều là chỗ thân giao với tại hạ cả.
Vị trưởng lão lại đứng dậy vái tạ.
Tây Môn Khánh mời vị trưởng lão ở lại
dùng tiệc chay rồi mới thân tiễn ra về.
Vị trưởng lão về xong. Tây Môn Khánh
trở lên đại sảnh nói với Bá Tước:
– Nhị ca đến thật đúng lúc, tôi đang định
cho đi mời nhị ca.
Nguyên là từ hôm ở Đông Kinh về, các
thân bằng đồng liêu thay phiên nhau mở tiệc đãi đằng, hôm nay tôi cũng phải làm
một tiệc đãi lại họ, cần có nhị ca giúp tôi tiếp khách. Nãy giờ gặp vị trưởng
lão nên chưa nói gì được với nhị ca.
Bá Tước nói:
– Vị trưởng lão này ắt là có đạo hạnh
cao thâm, trưởng lão nói mà tôi nghe cũng động tâm, không có tiền mà cũng tự đứng
ra xin đại ca giúp đỡ, làm một thứ thí chủ không tiền.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Đã có lần nào nhị ca làm thí chủ,
cúng dường cho cửa Phật ít nhiều chưa?
Bá Tước cười:
– Đại ca không biết, kinh Phật dạy rằng
đáng quý nhất là tâm thí, thứ nhì là pháp thí, rồi thứ ba mới đến tài thí. Hồi
nãy thì nói giúp Trưởng lão để đại ca bỏ tiền ra, như vậy tức là tôi đã làm thí
chủ rồi.
Tây Môn Khánh cười:
– Thì ra tôi là tài thí mà nhị ca là
tâm thí hay sao? Chỉ sợ là nhị ca hữu khẩu vô tâm mà thôi.
Cả hai cùng cười. Bá Tước bảo:
– Bây giờ để tôi ngồi đây tiếp khách
cho, đại ca có chuyện gì phải lo xin cứ tự nhiên.
Tây Môn Khánh gật đầu bước vào nhà
trong.
Kim Liên thì sau khi tức giận, bỏ về
phòng, leo lên chiếc giường ngà mà ngủ.
Bình Nhi vì Tố Quan khóc nên tự mình
trông con. Chỉ có Nguyệt nương và Tuyết Nga lo chỉ huy gia nhân làm tiệc. Tây
Môn Khánh vào trong kể chuyện mình cúng năm trăm lạng cho vị trưởng lão, lại kể
cả chuyện Bá Tước làm thí chủ tâm thí, mọi người cười ầm cả lên. Nguyệt nương
là người đứng đắn, lại mộ đạo, nên bảo:
– Chàng là người có phước lớn lắm nên
mới sinh được ca nhi. Nay lại làm điều công đức như vậy thì chẳng những để đức
lại cho ca nhi mà còn khiến cho chúng tôi cũng được hưởng phúc lây. Có điều là
từ nay chàng phải lo tu sửa đức độ mới được, những điều gian tà, những chuyện
tham tài hiếu sắc cũng phải gạt bỏ. Như vậy thì tự nhiên ca nhi mau trưởng
thành mà có tương lai vinh hiển. Sách có nói “thiện giả thiện báo, ác giả ác
báo, hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” mà.
Tây Môn Khánh cười:
– Rõ thật khổ cho tôi, tôi làm điều tốt,
nói cho vợ con nghe, không ngờ lại bị mắng.
Nguyệt nương cũng cười:
– Ai mắng bao giờ, người ta lo cho nên
mới dặn dò đấy chứ.
Vợ chồng đang vui cười trò chuyện thì
hai sư bà Vương, Tiết khệ nệ khiêng một cái quả vào. Thấy Tây Môn Khánh, cả hai
người vội đặt quả xuống và vái chào, rồi lại vái chào Nguyệt nương. Nguyệt
nương mời hai người ngồi.
Vương sư bà hỏi:
– Lão gia cũng ở trong này hay sao?
Nguyên Tiết sư bà không phải là người
xuất gia tu hành từ nhỏ. Hồi còn trẻ đã lấy chồng một lần, vợ chồng làm nghề
bán bánh chưng ở trước cửa chùa Hoàng Thành. Nhưng Tiết sư bà hồi đó lẳng lơ trắc
nết, thường mắt qua mày lại với các hòa thượng trong chùa, các hòa thượng này
thường đem đồ chay ra cho Tiết sư bà ăn, lại thường lấy tiền cúng dường của Phật
tử bốn phương đem cho Tiết sư bà may mặc ăn uống. Về sau chồng chết, Tiết sư bà
nhân quen thuộc chốn cửa thiền nên mới cạo đầu làm sư bà, chuyên thậm thụt ra
vào các nhà quyền thế, dùng lời lẽ giả dối mà lừa gạt đám đàn bà con gái giàu
sang. Do đó mới tìm cách ra vào được nhà Tây Môn Khánh.
Lại nói sau khi ngồi xuống. Tiết sư bà
mở nắp quả ra nói:
– Chúng tôi chẳng biết lấy gì để kính
biếu thí chủ, chỉ có ít trái cây tươi này để thí chủ dùng gọi là lấy thơm lấy
thảo mà thôi.
Nguyệt nương bảo:
– Đến thì cứ đến, việc gì phải nhọc
công biếu xén thế này.
Kim Liên đã thức dậy, nghe nói Nguyệt
nương đang có khách nên vào hóng chuyện. Bình Nhi thì nghe tin hai sư bà Vương
Tiết tới, cũng muốn nhờ cậy cúng vái cho con, nên cũng tới phòng Nguyệt nương.
Mọi người chào hỏi nhau rồi uống trà nói chuyện.
Tây Môn Khánh từ nãy vẫn yên lặng, thấy
Bình Nhi tới, mới đem chuyện cúng năm trăm lạng trùng tu chùa Vinh Phúc để cầu
phúc cho con, kể cho Bình Nhi nghe. Kim Liên nghe xong, cơn giận lại bốc lên,
ngúng nguẩy bỏ đi. Hai sư bà nghe vậy thì đua nhau khen tặng. Tiết sư bà đứng dậy
chắp tay trước ngực:
– A di đà Phật! Lão gia hảo tâm tác
phúc như vậy thì tuổi thọ phải tới nghìn năm, mà ca nhi sau này chắc chắn là
vinh hiển. Công đức của lão gia thật không gì sánh kịp. Chúng tôi biết lão gia
là người có lòng hỷ xả như vậy, thật lấy làm mừng lắm.
Tây Môn Khánh biết ý cười bảo:
– Mời sư phụ cứ ngồi xuống, bây giờ sư
phụ muốn tôi làm chuyện công đức gì xin cứ dạy bảo, chúng tôi sẵn sàng nghe
theo.
Tiết sư bà ngồi xuống nói:
– Phật tổ chúng tôi thấy nhân thế toàn
là người phàm mắt thịt nên đã để lại một cuốn kinh Đà La, khuyên mọi người nên
chuyên tâm niệm Phật, sau này được về cõi Tây phương tĩnh thổ, không bị sa vào
kiếp luân hồi. Phật còn dạy rằng ai sao chép hoặc in ra cho ngàn vạn người cùng
được đọc cuốn kinh đó thì công đức vô lượng. Vả lại cuốn kinh này còn có công dụng
hộ phù cho con trẻ. Nhà nào có con cái lại càng nên phát tâm tụng niệm và sao
chép ấn hành, như vậy con cái mau lớn khôn mà tai khứ phúc lai. Nay phó bản cuốn
kinh đó vẫn còn, chỉ không có người chịu đứng ra ấn loát mà thôi. Nay lão gia
nhận đứng ra ấn hành lấy vài ngàn cuốn mà phân phát đi thập phương thì công đức
lớn không sao kể xiết.
Tây Môn Khánh nói:
– Điều đó không khó, nhưng phải biết
cuốn kinh dày mỏng thế nào, tốn chừng bao nhiêu giấy, bao nhiêu công, hễ có con
số chính xác thì mới tính đứng ra làm được.
Tiết sư bà nói:
– Lão gia việc gì phải để ý đến những
chuyện nhỏ mọn đó, Lão gia chỉ cần bỏ ra ít lạng là nhà in họ in ra vài ngàn cuốn
cho phân phát đi bốn phương là xong.
Trong lúc mọi người đang nói chuyện
vui vẻ thì Kính Tế thơ thẩn trong hoa viên mong gặp Kim Liên, vừa đúng lúc Kim
Liên tức giận bỏ đi, định vào hoa viên ngắm cảnh giải khuây. Vào tới hoa viên,
nhìn thấy Kính Tế, bao nhiêu sầu muộn bực tức của Kim Liên đã tan biến, nhường
chỗ cho vui vẻ rộn ràng.
Hai người bước lại gần nhau, thấy hoa viên vắng vẻ bèn dắt nhau vào một chỗ khuất nắm tay nói chuyện yêu thương. Kính Tế trong người rạo rực khôn cùng, nhưng còn sợ Tây Môn Khánh ra hoa viên thình lình bắt gặp nên cứ mắt la mày lét như con chuột sợ mèo, nhìn tả ngó hữu muốn rồi cùng Kim Liên hành sự, nhưng rồi cả hai cùng sợ, nên chỉ đành cười hoa cợt liễu một lát rồi chia tay.
Trong nhà, Tây Môn Khánh nghe Tiết sư
bà thuyết phục, tự nhiên thấy thiện tâm nổi dậy bèn sai Đại An vào lấy hai chục
lạng bạc, gói kỹ lại mà đưa cho Tiết sư bà, lại nhờ cả Vương sư bà lo liệu
giùm, đoạn nói:
– Nhờ nhị vị sư phụ đưa cho nhà in, bảo
in cho tôi năm ngàn cuốn, thừa thiếu gì sẽ tính sau.
Đang nói chuyện thì Thư Đồng từ ngoài
chạy vào thưa:
– Các vị khách đã tới đông đủ, mời gia
gia ra nghênh tiếp.
Tây Môn Khánh vội sửa lại mũ áo rồi bước
ra sảnh đường tiếp khách. Khách khứa phân ngôi trẻ già cao thấp mà ngồi. Sau
vài tuần trà, mọi người nhập tiệc. Thôi thì cá thịt ê hề, trân cam mỹ vị la liệt.
Đàn ngọt hát hay, chủ khách thù tạc say sưa. Tây Môn Khánh thích chí lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét