Kim Bình Mai bí hí đồ - Hồ Dã Phật dạ tập.
HỒI 56.
Một chuyến về kinh
Nhiệm y quan trầm ngâm uống trà. Tây
Môn Khánh hỏi:
– Dám xin hỏi bệnh chứng như vậy là tại sao?
Nhiệm y quan đáp:
– Bệnh phu nhân đây là do sự không cẩn
thận sau khi sinh nở mà ra. Cho nên mắt lờ đờ, da mặt vàng, biếng ăn biếng ngủ,
cử động mệt nhọc. Theo ngu ý của vãn sinh thì phải nên thận trọng lắm mới được.
Nay coi mạch của phu nhân thì thấy mạch hư mà không thật, ấy là do hỏa trong
gan bốc lên. Thổ hư mà mộc vượng nên mới sinh huyết hư vọng hành. Nếu không điều
trị kỹ lưỡng, e sau này có nhiều biến chứng.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Vậy thì bây giờ phải dùng thuốc gì?
Nhiệm y quan đáp:
– Phải dùng thuốc thanh hỏa chỉ huyết,
lấy hoàng bách trì mẫu làm vị chính, rồi tùy đó mà gia giảm, uống vào xem có bớt
không đã.
Tây Môn Khánh quay lại bảo Thư Đồng
gói một lạng bạc đưa cho Nhiệm y quan. Nhiệm y quan vờ từ chối lấy lệ rồi nhận
bạc, đoạn cáo từ mà về.
Lát sau Nhiệm y quan sai người đem thuốc
lại, Tây Môn Khánh bắt sắc ngay cho Bình Nhi uống.
Nhiệm y quan về rồi thì Tây Môn Khánh
trở vào nói chuyện với Bá Tước, Bá Tước nói:
– Sáng sớm hôm nay, Lý Tam và Hoàng Tứ
có tới tôi, nói là cần gấp tiền để mua hương liệu, khẩn khoản nhờ tôi đến nói với
đại ca, xin đại ca nể mặt tôi mà giúp đỡ thêm cho họ lần này.
Tây Môn Khánh ngẫm nghĩ rồi bảo:
– Nếu đã cần gấp như vậy thì tôi cũng
theo lời nhị ca mà giúp đỡ cho họ. Ngày mai nhị ca bảo họ tới đây.
Đoạn mời Bá Tước ra phòng khách tại
hoa viên dùng cơm.
Bá Tước hỏi:
– Lý Quế Thư còn nương náu ở đây phải
không? Việc chạy chọt ở Đông Kinh phải gấp rút hơn mới được.
Tây Môn Khánh đáp:
– Chính vậy, tôi cũng đang đợi Lai Bảo
về. Vì sau đó còn phải sai hắn đi Dương Châu nữa. Chắc là hắn cũng sắp về nay
mai.
Cơm xong, Bá Tước cáo từ.
Hôm sau, Tây Môn Khánh từ nha môn về
thì đã thấy Bá Tước cùng Lý Tam và Hoàng Tứ ngồi chờ đợi tại đại sảnh. Ba người
thấy Tây Môn Khánh về thì lật đật đứng dậy vái chào.
Tây Môn Khánh đáp lễ rồi vào phòng
trong thay mũ áo, đoạn bảo Nguyệt nương:
– Số bạc hai trăm năm chục lạng do Từ
Tứ trả hôm nọ, nàng lấy ra rồi thêm hai trăm năm chục lạng nữa, bảo Kính Tế nó
đem ra đại sảnh để cho Lý Tam và Hoàng Tứ vay.
Thay mũ áo xong, Tây Môn Khánh trở ra
đại sảnh bảo Lý Hoàng:
– Tôi thật cũng đang kẹt tiền, mà cũng
đang cần tiền nữa, nhưng Ứng nhị ca đã nói thì tôi cũng ráng gom góp mà cho
vay.
Lý Tam nói:
– Đội ơn lão gia giúp đỡ, chúng tôi
xin trả đúng hẹn, không dám sai sót.
Nói xong làm giấy tờ nhận bạc rồi
thiên ân vạn tạ mà về.
Bá Tước cũng định cáo từ, nhưng Tây
Môn Khánh giữ lại ngồi uống trà nói chuyện. Lát sau Bình An vào thưa:
– Lai Bảo từ Đông Kinh mới về.
Bá Tước bảo:
– Hôm qua tôi vừa nhắc xong.
Lai Bảo bước lên đại sảnh lạy chào.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Có gặp Địch gia không? Việc của Quế
Thư thế nào?
Lai Bảo đáp:
– Tôi đã gặp Địch gia. Địch gia coi
thư của gia gia xong thì sai người viết thiếp đưa ngay sang cho Chu Thái úy,
tôi cũng có đi theo và được yết kiến. Chu Thái úy đích thân nói rằng, nếu đã do
phủ Thái sư can thiệp thì sẵn lòng bỏ qua, nhưng sự việc đã như thế này, nếu
chưa giải lên kinh thì thôi, còn đã giải lên rồi thì phải giam lại ít ngày, rồi
tìm cách giảm tội đi.
Bá Tước vội nói:
– Nếu như vậy thì cả Tề Hương cũng
không bị gì nữa, thật là đại phúc cho nàng ta.
Lai Bảo nói:
– Còn Chúc gia và những người khác thì
cũng chỉ bị trừng phạt đánh đập sơ sài mà thôi.
Nói xong đưa thư của Địch quản gia
lên. Tây Môn Khánh xem thư xong bảo:
– Tôn ca và Chúc ca phen này thoát tội
cũng là nhờ tôi đó.
Bá Tước nói:
– Như vậy là đại ca cũng làm được điều
ân đức.
Lai Bảo lại nói:
– Địch gia thấy tôi lên thì mừng lắm,
hỏi thăm gia gia và hỏi thêm là lễ thượng thọ của Thái sư năm nay, gia gia liệu
có lên Đông Kinh không, tôi không biết sao, cứ đáp xuôi là có thể gia gia lên
được. Địch gia nói rằng mong gia gia lên để được gặp mặt.
Tây Môn Khánh bảo:
– Ta cũng chưa biết có nên đi hay
không, nhưng Địch gia đã nói vậy thì ta phải đi rồi. Ngươi mới đi xa về nên nghỉ
ngơi một vài ngày rồi còn phải đi Dương Châu giùm ta nữa.
Lai Bảo vâng lời lui ra. Tây Môn Khánh
muốn vào báo cho Quế Thư, liền bảo Bá Tước:
– Nhị ca ngồi đây, chút nữa tôi trở
ra.
Bá Tước cũng đang muốn gặp Lý Tam và
Hoàng Tứ để kiếm tiền nên cũng đứng dậy nói:
– Thôi để tôi về, lúc khác tôi lại.
Nói xong cáo từ mà đi. Tây Môn Khánh
vào phòng Nguyệt nương. Quế Thư đã biết tin, vội tới lạy tạ Tây Môn Khánh và
Nguyệt nương mà nói:
– Gia gia và nương nương hết lòng cứu
con thoát khỏi nạn lớn, ơn này con biết lấy gì báo đáp.
Nguyệt nương bảo:
– Ngươi và nhà này là chỗ thân tình,
ngươi gặp khó khăn gì chẳng lẽ chúng ta không hết lòng hay sao?
Quế Thư nói:
– Con được may mắn có gia gia và nương
nương thương xót mà cứu cho, nhưng cái con dâm phụ Tề Hương cũng nhờ vậy mà
thoát nạn. Cha nó lấy tiền của người ta nên mới liên lụy tới con. Vậy mà bây giờ
nó cũng được miễn tội, đáng lẽ nó bị tội mới phải.
Tây Môn Khánh cười:
– Kể ra thì số con nhỏ đó cũng may lắm.
Trò chuyện một hồi, Quế Thư muốn về
nhà bèn thưa:
– Mẫu thân con ở nhà chắc chưa biết
tin mừng này, để con xin phép về nhà báo tin cho mẫu thân con biết để mẫu thân
con tới đây lạy tạ gia gia và nương nương.
Tây Môn Khánh bảo:
– Vậy cũng được, bây giờ thì ta cũng
chẳng giữ ngươi làm gì, ngươi nên về báo tin mừng cho mẫu thân ngươi đi.
Nguyệt nương bảo:
– Thì ăn cơm đã rồi hãy về.
Quế Thư nói:
– Thôi, con không ăn đâu.
Nói xong lạy chào vợ chồng Tây Môn
Khánh và mọi người.
Lúc Quế Thư ra về, Tây Môn Khánh dặn:
– Chuyện như vậy là yên rồi, từ nay
ngươi cũng đừng nên liên lạc với Vương Tam làm gì.
Quế Thư nói:
– Việc gì gia gia phải dặn như vậy?
Con dại gì dính dấp với tên đó để mang họa một lần nữa. Vả lại chuyện vừa rồi
có phải là do con lăng nhăng gì với Vương Tam đâu.
Nguyệt nương bảo:
– Nhưng cứ cẩn thận đừng dính dấp gì vẫn
hơn.
Quế Thư vâng lời, lạy chào lần nữa rồi
lên kiệu về nhà.
Tây Môn Khánh cho Nguyệt nương biết
chuyện mình định đi Đông Kinh.
Nguyệt nương bảo:
– Nếu định đi thì phải chuẩn bị các thứ
trước đi, kẻo tới cận ngày lại vội vã.
Tây Môn Khánh nói:
– Vàng bạc gấm vóc dùng làm lễ chúc thọ
thì có sẵn rồi, chỉ có hành lý của tôi là chưa sắp xếp mà thôi.
Nguyệt nương nói:
– Hành lý thì để tôi bảo chúng nó thu
xếp.
Tây Môn Khánh nói vài câu chuyện nữa rồi
xuống phòng thăm Bình Nhi.
Hôm sau, Tây Môn Khánh bảo Kính Tế viết
thư cho Thái ngự sử, rồi gọi Lai Bảo tới, giao thư và tiền bạc để ngày mai thì
lên đường đi Dương Châu...
***
Ngày giờ qua mau, thấm thoát đã gần tới
ngày thượng thọ của Thái sư.
Tây Môn Khánh kiểm lại lễ vật, hành
lý, chọn bốn gia nhân để theo mình tới kinh, là Cầm Đồng, Đại An, Thư Đồng và Họa
Đồng. Rồi lựa ngày tốt chuẩn bị lên đường. Nguyệt nương và đám tiểu thiếp đặt
tiệc tiễn hành. Tiệc xong, Tây Môn Khánh vào nghỉ đêm tại phòng Nguyệt nương.
Sáng hôm sau, xe ngựa và hai mươi hai
rương hành lý lễ vật đã chuẩn bị sẵn sàng. Tây Môn Khánh xuống thăm Tố Quan rồi
nói với Bình Nhi:
– Nàng ở nhà phải điều trị cho hết bệnh,
cần thuốc men gì cứ cho mời Nhiệm y quan tới. Tôi đi ít ngày sẽ về.
Bình Nhi ứa nước mắt bảo:
– Đường xá xa xôi, chàng nhớ bảo trọng
thân thể.
Tây Môn Khánh trở lên đại sảnh. Bình
Nhi cũng lên theo, rồi cùng đám thê thiếp tiễn Tây Môn Khánh ra tới cổng ngoài.
Tây Môn Khánh ngồi kiệu, bốn gia nhân cưỡi ngựa đi xung quanh. Quân hầu đầy tớ
tải hành lý và lễ vật theo sau.
Trên đường đi, Tây Môn Khánh vui vẻ
thưởng ngoạn cảnh sơn minh thủy tú. Tây Môn Khánh cũng gặp rất nhiều vị quan
văn võ các nơi đem lễ vật về kinh để chúc thọ Thái sư. Đường tới kinh nườm nượp
quan quyền xe ngựa.
Tới kinh, vào cửa thành Vạn Thọ thì trời
cũng đã chiều, Tây Môn Khánh bảo gia nhân đi mau tới nhà Địch quản gia để nghỉ
ngơi.
Địch quản gia thấy Tây Môn Khánh tới
thì mừng rỡ ra mặt, vội đón vào, đôi bên trà nước hàn huyên. Sau đó Địch quản
gia sai người cất hành lý cho Tây Môn Khánh rồi thết tiệc tẩy trần.
Bữa tiệc thật vô cùng thịnh soạn, sơn
hào hải vị không thiếu thứ gì, chỉ thiếu gan rồng tủy phượng mà thôi. Thiết tưởng
đại tiệc trong phủ Thái sư cũng chỉ đến vậy là cùng. Địch quản gia thân rót rượu
mời Tây Môn Khánh. Rượu được vài tuần, Tây Môn Khánh nói:
– Vãn sinh tới đây là để mừng lễ thượng
thọ của Thái sư, nên cũng có chút vật mọn tới kính biếu, tưởng cũng phải nhờ
thân gia nói trước giùm cho một câu để vãn sinh được tới hầu Thái sư cho thỏa
lòng hiếu thuận, chẳng hay thân gia có sẵn lòng giúp cho chăng?
Đoạn ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp:
– Vãn sinh nhân dịp này nhờ thân gia
nói giùm để được xin làm con nuôi của Thái sư, thân gia nghĩ thế nào? Nếu được
thì quả là sự may mắn nhất đời của vãn sinh. Thân gia giúp được thì ơn ấy xin đền
đáp.
Địch quản gia ngẫm nghĩ một lúc rồi
nói:
– Chuyện đó thì cũng không có gì khó.
Chủ nhân tôi tuy là đại thần trong triều, bổng lộc có thừa, nhưng với lễ vật thịnh
soạn của thân gia thì chắc là chẳng những thân gia được nhận làm con nuôi, mà
còn được thăng quan tiến chức nữa là khác.
Tây Môn Khánh nghe nới mừng rỡ vô hạn,
cùng Địch quản gia vui vẻ ăn uống. Một hồi sau thì Tây Môn Khánh từ chối không
uống rượu nữa. Địch quản gia bảo:
– Thì uống thêm một chung nữa đã.
Tây Môn Khánh nói:
– Ngày mai còn nhiều chuyện quan trọng
phải làm nên hôm nay không dám uống nhiều.
Địch quản gia phải mời ba bốn lần nữa,
Tây Môn Khánh mới chịu uống thêm một chung. Địch quản gia sai đãi đám gia nhân
tùy tòng rồi mời Tây Môn Khánh vào phòng trong nghỉ ngơi. Đó là một căn phòng lộng
lẫy, giường nệm chăn màn đều là thứ quý, lại có cả gia nhân hầu hạ. Tây Môn
Khánh cởi áo lên giường nhưng cả đời không quen ngủ một mình nên suốt đêm cứ trằn
trọc không yên, trời chưa sáng đã trở dậy, nhưng thấy trong nhà ai nấy còn ngủ
yên, nên cứ quanh quẩn trong phòng mà chờ đợi. Mãi tới lúc trời sáng rõ mới thấy
gia nhân đem khăn và nước rửa mặt vào. Tây Môn Khánh rửa mặt, mũ áo chỉnh tề ra
phòng khách. Địch quản gia đã ngồi chờ sẵn. Gia nhân dọn đồ ăn sáng, gồm hơn ba
mươi thức ăn khác nhau.
Địch quản gia bảo:
– Xin thỉnh thân gia dùng bữa sáng, rồi
tôi vào phủ bẩm với Thái sư trước, sau đó thân gia hãy đem lễ vật tới.
Tây Môn Khánh nói:
– Đại tạ thân gia phí tâm.
Hai người ăn sáng ăn xong. Địch quản
gia đứng dậy bảo:
– Thân gia cứ ngồi đây dùng trà chờ
tôi. Lát nữa tôi về sẽ hay.
Nói xong bước ra. Tây Môn Khánh ngồi một
mình phập phồng chờ đợi.
Một lúc lâu sau, Địch quản gia trở về
nói:
– Thái sư đang rửa mặt mặc quần áo,
nhưng bên ngoài đã có rất nhiều quan văn võ đứng hầu để chờ chúc thọ, tôi đã
vào bẩm rồi, mình nhân lúc này nên tới trước đi, kẻo lát nữa đông đúc ồn ào bất
tiện lắm. Bây giờ tôi đi, thân gia sửa soạn lễ vật rồi tới ngay nhé.
Nói xong lại tất tả bước ra. Tây Môn
Khánh mừng lắm, lật đật quay gọi gia nhân đem những rương lễ vật theo mình tới
phủ Thái sư. Tới gần phủ, Tây Môn Khánh đang ngồi trên kiệu thì thấy một cỗ kiệu
khác đang đi tới. Tây Môn Khánh nhận ra người ngồi trên kiệu là Miêu viên ngoại
ở Dương Châu, cũng là chỗ quen biết lâu ngày. Hai người nhận ra nhau, xuống kiệu
vái chào, hàn huyên vài câu. Viên ngoại này cũng nhờ lui tới phủ Thái sư nên được
một chức quan nhỏ, hôm nay cũng tới dâng lễ vật chúc thọ. Sau vài câu thăm hỏi,
hai người cáo biệt, ai lên kiệu nấy.
Tây Môn Khánh vào phủ Thái sư, thấy cảnh
lầu các nguy nga, thềm son gác tía muôn phần rực rỡ cao sang. Trong phủ các
quan văn võ rộn rịp đứng ngồi chờ đợi để được tiếp kiến. Thật là:
Ngoại trừ thiên tử con trời,
Chỉ còn tể tướng tót vời ngôi cao.
Qua một lần cổng. Tây Môn Khánh cũng
như các quan đều phải theo cổng nhỏ ở bên mà vào, còn cổng lớn ở giữa thì không
mở. Vào tới trong, đã thấy Địch quản gia chạy ra tiếp đón. Tây Môn Khánh hỏi:
– Hôm nay là ngày thượng thọ, quan lại
trong triều tới nhiều, sao không cho mở cổng giữa?
Địch quản gia đáp:
– Cổng giữa chỉ dành riêng cho hoàng
gia tới mà thôi, ai mà dám mở.
Lúc đó Tây Môn Khánh mới hiểu, đi theo
Địch quản gia qua mấy lần cổng nữa, cổng nào cũng có võ quan đứng coi giữ. Người
nào thấy Địch quản gia cũng cúi đầu thi lễ. Một người hỏi:
– Quản gia tới sớm vậy?
Địch quản gia đáp:
– Hôm nay có người nhà ở Sơn Đông lên
chúc thọ Thái sư nên phải dẫn tới sớm.
Tây Môn Khánh theo Địch quản gia qua
những dãy hành lang, nơi nào cũng tường hoa cột chạm, xa xa văng vẳng tiếng nhã
nhạc du dương, thật chẳng khác cảnh thần tiên. Tây Môn Khánh hỏi:
– Tiếng nhạc ở đâu vậy?
Địch quản gia đáp:
– Tiếng nhạc đó chứng tỏ là Thái sư
đang dùng bữa sáng.
Trong phủ này có một ban nhạc nữa gồm
hai mươi bốn người sành âm luật, giỏi ca vũ, biết các điệu múa Nghê thường,
Quan âm, mỗi khi Thái sư ăn sáng, ăn trưa hay dùng cơm tối, đám nữ nhạc công đều
phải tấu nhạc để Thái sư thưởng thức.
Đi được một khúc nữa thì tiếng nhạc
nghe rõ hơn, và Tây Môn Khánh ngửi thấy mùi đồ ăn thơm phức bay ra. Địch quản
gia lại nói:
– Chỗ này là gần thư phòng của Thái sư
rồi đó.
Nói xong nhẹ nhàng nhón gót mà đi. Tây
Môn Khánh cũng nhẹ bước theo sau. Qua một khúc quanh thì tới tòa đại sảnh trông
chẳng khác gì bảo điện tiên cung. Ngoài thềm là những bầy chim quý như khổng tước
và tiên hạc, lại có những bồn hoa quý như hoa quỳnh, hoa Phật tang bốn mùa
không héo.
Địch quản gia bước lên thềm, Tây Môn Khánh thụt lùi lại sau, cung kính chắp tay khom người mà đi. Lên tới thềm, nhìn vào trong, thấy Thái sư cân đai rực rỡ ngồi trên cái ghế bành bọc da hổ. Sau bức bình phong có khoảng hai ba chục mỹ nữ lấp ló, người cầm quạt kẻ cầm khăn để hầu Thái sư ăn sáng. Địch quản gia bước vào vái dài rồi giật lùi đứng qua một bên. Tây Môn Khánh thì phục ngay ngoài thềm, lạy bốn lạy. Thái sư hơi nhỏm người dậy gọi là đáp lễ.
Địch quản gia bước tới ghé tai Thái sư
nói nhỏ. Tây Môn Khánh thấy vậy, lại phục xuống mà lạy như tế sao.
Chỉ thấy Thái sư gật đầu liền mấy cái.
Địch quản gia lui ra một bên đưa mắt. Tây Môn Khánh biết là mọi việc đã xong
xuôi bèn quỳ mọp xuống, dùng lối xưng hô giữa cha con mà thưa:
– Hôm nay là ngày thánh đản, tiểu nhi
chẳng có gì để hiếu thuận gia gia, chỉ có ít lễ mọn, gọi là lòng hiếu kính của
tiểu nhi, xin kính chúc gia gia thọ tỷ nam sơn.
Thái sư chậm rãi bảo:
– Ngươi thật phí tâm.
Đoạn bảo nhắc cẩm đôn cho Tây Môn
Khánh ngồi gần bên.
Tây Môn Khánh vội thưa:
– Trước mặt gia gia, tiểu nhi đâu dám
vô lễ.
Nói xong cứ chắp tay khom người mà đứng
một bên xa xa, Thái sư bảo:
– Đã là người trong nhà thì còn khách
sáo làm gì, cứ ngồi đi.
Tây Môn Khánh vái mấy vái rồi nói:
– Con xin vô phép.
Đoạn khép nép ngồi ghé xuống một bên cẩm
đôn. Thái sư bảo đem trà ra mời. Địch quản gia thì ra ngoài bảo gia nhân đem lễ
vật vào. Khoảnh khắc, hai chục rương lễ vật được đem vào đại sảnh, các nắp
rương mở rộng. Địch quản gia trình tờ kê khai các lễ vật lên. Thôi thì gấm Hán,
gấm Thục, vải lụa Tô Châu, Hàng Châu, đai ngọc hài vàng, chén bát bằng sừng tê
giác vàng nạm ngọc vô số kể, ngoài ra còn có hai trăm lạng vàng tốt. Thái sư đọc
xong bản kê khai lễ vật, lại liếc qua các rương lễ vật bày la liệt trước mặt
thì thập phần hoan hỷ, bảo Tây Môn Khánh:
– Thật làm phiền ngươi quá.
Đoạn quay lại bảo Địch quản gia cho
đem lễ vật vào kho, rồi cho lệnh dọn tiệc khoản đãi Tây Môn Khánh. Nhưng Tây
Môn Khánh biết là Thái sư rất bận vì còn bao nhiêu quan văn võ đang chờ được yết
kiến, nên đứng dậy cáo từ.
Thái sư bảo:
– Nếu vậy thì trưa nay nhớ lại đây sớm
một chút.
Tây Môn Khánh lạy tạ rồi theo Địch quản
gia bước ra. Thái sư đứng dậy tiễn hai bước rồi trở lại chỗ ngồi.
Địch quản gia đưa Tây Môn Khánh về nhà
mình rồi trở lại phủ Thái sư.
Tây Môn Khánh sửa soạn mũ áo để trưa tới
phủ Thái sư dự tiệc, lại sai gia nhân chuẩn bị gói sẵn bạc vào từng bao nhỏ để
sẽ thưởng cho các gia nhân trong phủ Thái sư. Tới gần trưa thì thầy trò tới phủ
Thái sư. Nơi đây tưng bừng rộn rịp không sao kể xiết.
Nguyên là Thái sư tổ chức yến tiệc liền
trong ba ngày. Ngày thứ nhất nhằm đúng ngày sinh nhật của mình, là tiệc khoản
đãi các hoàng thân, ngày thứ nhì đãi các thượng thư và các đại thần khác, ngày
thứ ba mới dành để đãi các quan chức khác. Riêng Tây Môn Khánh vừa là người đem
lễ vật tới nhiều nhất toàn là đồ quý, vả lại đã được nhận là con nuôi, do đó được
mời tới vào ngày thứ nhất.
Thái sư thấy Tây Môn Khánh tới thì bước
ra tận thềm đón tiếp. Tây Môn Khánh sụp lạy rồi khom mình theo vào đại sảnh.
Thái sư bảo:
– Ngươi từ xa đến, cho ta nhiều thứ
quá, ta thật không yên lòng.
Tây Môn Khánh thưa:
– Con sống giữa trời đất này trăm sự đều
nhờ vào hồng phúc của gia gia, chút lễ mọn chỉ là để hiếu kính, xin gia gia chớ
bận lòng để con được yên tâm.
Gia nhân đem trà ra. Hai người trò
chuyện vui vẻ cứ y như cha con thật.
Lát sau thì hai mươi bốn nữ nhạc công
tấu nhạc, tiệc được dọn ra. Thái sư định cầm chung rượu đưa mời nhưng Tây Môn
Khánh không dám. Thái sư phải ép mãi, Tây Môn Khánh mới đứng dậy, hai tay đỡ lấy
chung rượu uống cạn rồi mới ngồi xuống. Đoạn quay lại bảo Thư Đồng lấy ra một
cái chung vàng, tự tay rót đầy rượu rồi quỳ trước mặt Thái sư, hai tay nâng
chung rượu lên mà nói:
– Cầu mong gia gia sống lâu muôn tuổi.
Thái sư thập phần vừa ý, tiếp lấy
chung rượu tươi cười bảo:
– Thôi con đứng dậy đi.
Nói xong ngửa cổ uống cạn chung rượu.
Tây Môn Khánh chờ Thái sư uống xong mới lom khom đứng dậy.
Hai người dùng tiệc tới chiều, Tây Môn
Khánh sai Đại An đem các gói bạc ra thưởng cho đám gia nhân hầu tiệc rồi nói:
– Hôm nay được tới chúc thọ gia gia là
con mãn nguyện lắm.
Nói xong cáo từ. Thái sư thân tiễn ra
tới thềm.
Tây Môn Khánh lại trở về nhà Địch quản
gia nghỉ ngơi.
Hôm sau, Tây Môn Khánh dẫn gia nhân tới
nhà Lý thái giám ở phía đông hoàng thành để thăm Miêu viên ngoại. Miêu viên ngoại
nói:
– Đệ đang mong một người bạn cố tri
thì huynh tới đúng lúc.
Đoạn giữ Tây Môn Khánh ở lại dùng tiệc. Tây Môn Khánh không từ chối được, đành phải ở lại. Lát sau tiệc được dọn ra, sơn hào hải vị đầy bàn, lại có cả hai ca công mi thanh mục tú đàn hát mua vui.
Tây Môn Khánh quay lại chỉ vào Đại An
và Cẩm Đồng đứng hầu phía trước mà bảo:
– Hai thằng này chỉ được tài uống rượu
chứ đâu được như hai thằng kia.
Miêu viên ngoại cười:
– Nếu huynh thích thì để tôi cho chúng
nó về hầu, có khó gì đâu, chỉ sợ chúng nó không biết hầu hạ mà thôi.
Tây Môn Khánh mỉm cười:
– Tôi đâu dám đoạt người của huynh như
vậy?
Hai người chén thù chén tạc mãi tới
khuya mới cáo từ trở lại nhà Địch quản gia nghỉ ngơi.
Liên tiếp tám chín hôm sau, các nơi
trong kinh đô biết Tây Môn Khánh là con nuôi của Thái sư thì đua nhau mời dự tiệc.
Tây Môn Khánh nóng ruột muốn về. Địch quản gia giữ thế nào cũng không được, nên
bày tiệc tiễn hành.
Hôm sau Tây Môn Khánh dậy sớm, từ biệt
Địch quản gia mà về Sơn Đông.
***
Trong thời gian Tây Môn Khánh vắng
nhà, đám thê thiếp ai cũng ở phòng nấy, thêu thùa cho qua ngày giờ, không ra tới
ngoài. Chỉ riêng Kim Liên phấn son lộng lẫy, nói cười vui vẻ, rủ người này ra
hoa viên chơi, rủ người kia đánh bài, trong lòng thì chỉ nghĩ tới Kính Tế.
Hàng ngày, Kim Liên thường vào động đá
trong ngọn giả sơn tại hoa viên lả lơi cười cợt với Kính Tế, nhưng vì gia nhân
đi lại nhiều nên hai người chưa dám làm chuyện nguyệt hoa.
Một hôm, Nguyệt nương, Ngọc Lâu và
Bình Nhi đang ngồi nói chuyện thì Đại An từ ngoài lật đật chạy vào lạy chào rồi
thưa:
– Gia gia đã về rồi.
Nguyệt nương hỏi:
– Gia gia đâu?
Đại An đáp:
– Tôi cưỡi ngựa về trước báo tin, gia
gia hiện đang cách ngoại thành hai mươi dặm, cũng sắp về tới.
Nguyệt nương lại hỏi:
– Ngươi đã ăn uống gì chưa?
Đại An thưa:
– Mới ăn sáng, chưa ăn cơm trưa.
Nguyệt nương bảo:
– Vào nhà sau nói chúng nó dọn cơm cho
mà ăn rồi dặn chúng nó chuẩn bị làm tiệc tẩy trần.
Nói xong cho gọi các tiểu thiếp lên đại
sảnh chờ đợi.
Một lúc lâu sau thì Tây Môn Khánh về tới.
Kiệu vừa hạ xuống trước đại sảnh, đám thê thiếp đã ào ra nghênh tiếp. Tây Môn
Khánh cùng thê thiếp bước vào đại sảnh hàn huyên.
Thư Đồng, Cầm Đồng và Họa Đồng cũng bước
lên lạy chào các thê thiếp của chủ, rồi xuống nhà sau rửa ráy ăn uống.
Tây Môn Khánh kể lại chuyện đi đường,
chuyện được Địch quản gia và Thái sư tiếp đãi, chuyện tiệc tùng tại kinh đô cho
thê thiếp nghe. Kể xong thì hỏi Bình Nhi:
– Ca nhi mấy hôm nay có ngoan không?
Còn nàng dùng thuốc của Nhiệm y quan có thấy khá hơn không? Tôi tuy thân ở Đông
Kinh nhưng lòng dạ thì chỉ lo chuyện nhà mà thôi.
Bình Nhi đáp:
– Ca nhi vẫn chơi như thường, còn tôi
thì uống thuốc vào cũng thấy khá hơn đôi chút.
Nguyệt nương một mặt sai xếp dọn hành
lý và các tặng vật của Thái sư và Địch quản gia, một mặt sai gia nhân dọn tiệc.
Tây Môn Khánh cùng thê thiếp ăn uống tới
tối, rồi vào phòng Nguyệt nương. Vợ chồng muôn phần thắm thiết.
Hôm sau vợ chồng Kính Tế tới lạy chào.
Kính Tế thưa chuyện buôn bán ngoài tiệm.
Bá Tước và Trĩ Tiết nghe tin Tây Môn
Khánh về, cũng tới thăm hỏi. Tây Môn Khánh vui vẻ tiếp đón. Hai người hỏi thăm
chuyện đường đi và cảnh Đông Kinh. Tây Môn Khánh nhất nhất thuật lại đầy đủ.
Hai người ngồi nghe cứ luôn miệng xuýt xoa. Sau đó Tây Môn Khánh lưu hai người
lại uống rượu, ăn uống no say, lúc sắp ra về, Trĩ Tiết đứng dậy nói:
– Nhà cửa tôi đang cư ngụ hiện nay quả
là tồi tàn chật hẹp quá, tôi muốn mua một căn nhà khá hơn, nhưng không có tiền,
nay xin đại ca mở lòng thương cho vay ít nhiều, sau này vốn lãi tôi xin hoàn đủ.
Tây Môn Khánh bảo:
– Chỗ anh em mà nói gì đến chuyện lời
lãi, nhị ca cần thì tôi giúp, nhưng tôi mới ở xa về, còn bận rộn nhiều chuyện,
đợi thuyền hàng của Hàn quản lý về tới, tôi sẽ đưa cho nhị ca.
Trĩ Tiết cám ơn rồi cùng Bá Tước cáo từ
mà về.
Lại nói về Miêu viên ngoại, nhân trong
bữa tiệc đã hứa tặng hai gia nhân có tài đàn hát cho Tây Môn Khánh, nhưng Tây
Môn Khánh vội về, không kịp ghé cáo biệt, nên Miêu viên ngoại tưởng là Tây Môn
Khánh còn ở Đông Kinh, mới sai người tới nhà Địch quản gia. Lúc đó Miêu viên
ngoại mới biết là Tây Môn Khánh đã về Sơn Đông rồi, bèn nghĩ thầm: “Quân tử nhất
ngôn, mình đã hứa, chẳng lẽ lại thất tín”.
Đoạn gọi hai tên ca đồng lại bảo:
– Hôm trước Tây Môn đại quan ở Sơn
Đông có ăn tiệc tại đây, ta đã hứa để hai ngươi về hầu hạ đại quan, nay các
ngươi nên mau mau thu xếp hành lý để đi Sơn Đông, làm gia nhân của Tây Môn đại
quan.
Hai tên ca đồng nhất tề quỳ xuống
thưa:
– Chúng tôi hầu hạ viên ngoại đã lâu,
lại được viên ngoại cho học đàn ca, tại sao không để chúng tôi ở lại hầu hạ mà
lại bắt chúng tôi phải đi nhà khác?
Nói xong thì cả hai đều khóc. Miêu
viên ngoại cũng rầu rầu bảo:
– Hai ngươi nói rất đúng, để hai ngươi
đi ta nào có vui sướng gì, có điều làm người mà thất tín thì còn ra gì nữa.
Thánh hiền đã dạy như vậy thì ta đâu dám làm sai, cho nên bây giờ các ngươi dầu
muốn ở lại cũng không được. Thôi thì để ta viết thư sai người đưa các ngươi đi,
ta sẽ nói với Tây Môn đại quan lo lắng cho các ngươi.
Hai tên ca đồng không biết làm sao, chỉ
đành vâng lời.
Miêu viên ngoại sai người viết một bức
thư và soạn ít lễ vật, rồi sai gia nhân thân tín là Miêu Thật đem thư và hai ca
đồng đi. Hai tên ca đồng gạt lệ lạy chào Miêu viên ngoại mà lên ngựa trực chỉ
Sơn Đông.
Tây Môn Khánh thì từ khi về nhà, ngày
nào cũng bận rộn tiệc tùng khách khứa, không thể tới nha môn làm việc. Mãi mấy
hôm sau mới rảnh rang, tới nha môn thẩm vấn phạm nhân, cùng Hạ Đề hình giải quyết
việc công. Tới trưa, công việc xong xuôi mới lên kiệu, tiền hô hậu ủng mà về.
Tới cổng đã thấy Miêu Thật và hai tên
ca đồng đứng đợi. Ba người theo kiệu Tây Môn Khánh mà vào đại sảnh. Miêu Thật lạy
chào rồi thưa:
– Chúng tiểu nhân là người của Miêu
viên ngoại ở Dương Châu, viên ngoại chúng tôi có thư hầu lão gia.
Nói xong đưa thư lên. Tây Môn Khánh nhận
thư rồi bảo:
– Ngươi cứ đứng dậy tự nhiên đi.
Đoạn mở thư ra coi. Coi thư xong, hoan
hỉ lắm, bảo:
– Ta và viên ngoại của ngươi tình cờ
tái ngộ ở kinh, chỉ là lời nói trong bữa tiệc mà viên ngoại không thất tín, đường
xa nghìn dặm mà vẫn sai ngươi đem hai ca đồng tới, viên ngoại của ngươi quả là
người hiếm có trên đời, thật khó nghĩ quá.
Hai tên ca đồng cũng bước tới lạy
chào, rồi thưa:
– Chúng tôi vâng lời viên ngoại tới hầu
hạ lão gia, nguyện xin lão gia thương xót.
Tây Môn Khánh vội bảo:
– Hai ngươi đứng dậy đi, tất nhiên là
ta phải biệt đãi hai ngươi rồi.
Nói xong hai dọn tiệc khoản đãi Miêu
Thật và hai ca đồng. Sau đó sai soạn lễ vật thật hậu và viết thư cảm tạ Miêu
viên ngoại.
Lại nói về Vương thị, vợ Hàn Đạo Quốc,
mỗi lần muốn thông báo tin tức với Tây Môn Khánh thường gặp khó khăn, vì không
biết nhờ ai, nhân có đứa em trai là Vương Kinh, mười sáu tuổi, mặt mũi thanh tú
khôi ngô, nên định tâm cho vào hầu Tây Môn Môn Khánh để làm người liên lạc. Hôm
đó Vương thị cũng sai người dẫn em tới. Vương Kinh được Tây Môn Khánh thu nhận,
cho hầu trong thư phòng.
Tây Môn Khánh đang ở đại sảnh lo sai bảo
gia nhân thì Bá Tước tới. Tây Môn Khánh sai dọn rượu mời, rồi nói chuyện Miêu
viên ngoại tặng hai tên ca đồng, lại gọi hai ca đồng ra ca hát. Hai ca đồng đứng
gần bàn rượu hát mấy khúc Nam, giọng trong như tuyết trắng, cao vút tới ngàn
mây, Tây Môn Khánh hoan hỷ ngồi nghe. Bá Tước thì hết lời khen tặng rồi nói:
– Đại ca thật là có phúc lớn, tự nhiên
lại có quý nhân tặng hai tay tài tử như thế này. Thế mới biết cái tình của Miêu
viên ngoại đối với đại ca quả là hậu lắm.
Tây Môn Khánh cười:
– Tất nhiên là tôi phải có lễ thật hậu
để đáp tạ chứ.
Nói xong quay sang đặt tên cho hai ca
đồng, một đứa là Xuân Hồng, một đứa là Xuân Yến.
Sau đó hai người lại uống rượu, nghe
Xuân Hồng và Xuân Yến ca hát.
Lát sau thì Bá Tước đứng dậy cáo từ.
Hôm sau, Tây Môn Khánh thưởng bạc cho
Miêu Thật và sai đem thư cùng lễ vật lên Đông Kinh cho Miêu viên ngoại. Miêu Thật
nhận thư và lễ vật rồi lạy chào mà lên đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét