Kim Bình Mai bí hí đồ - Hồ Dã Phật dạ tập. |
HỒI 52.
Vẫn chuyện ghét ghen
Suốt đêm hôm trước Kim Liên buồn bực
không ngủ được, sáng hôm sau, khi Tây Môn Khánh ra viện làm việc thì Kim Liên
vào nói với Nguyệt nương:
– Hôm qua Lục nương nói là Đại nương ỷ thế người trên, muốn nói gì thì nói. Gia gia đã say rượu vào phòng Lục nương nghỉ mà Đại nương còn nói này nói kia khiến Lục nương phải mất mặt, phải về phòng lôi gia gia tới, sau đó không thèm ngồi lại, mà trở về phòng mình ngay. Lát sau thì gia gia cũng về phòng Lục nương bảo là có giữ được đâu mà đòi giữ.
Nguyệt nương nghe xong giận lắm, nói với
Ngô Đại cữu mẫu và Ngọc Lâu:
– Hôm qua có mấy người đó, tôi có nói
gì đâu. Gia nhân vào đưa quần áo mũ mãng, tôi chỉ hỏi là gia gia đâu, sao không
vào đây, gia nhân nói là gia gia đang ở phòng Lục nương, tôi chỉ nói là hôm nay
sinh nhật Nhị nương, mọi người đang chờ, sao gia gia không vào, có thế thôi.
Tôi nói vậy có gì đâu mà bảo là làm mất mặt Lục nương, mà bảo là tôi ỷ thế người
trên muốn nói gì thì nói. Xưa nay tôi vẫn tin Lục nương là người tốt, biết điều,
ngờ đâu “tri diện bất tri tâm” là thế. Hèn gì tối qua, khi dẫn gia gia vào đây
là Lục nương bỏ về phòng ngay. Tôi nói thật, tôi chẳng cần gì phải giữ, gia gia
muốn đến phòng nào thì đến, tôi chỉ như người ở góa mà thôi, tôi có cần gì đâu,
ở góa không được thì lấy chồng khác, có ngại gì.
Ngô Đại cữu mẫu khuyên:
– Cô đừng nên nóng, cứ nên nghĩ tới ca
nhi là hơn. Mình là người trên, chuyện gì không phải chỉ nên để trong lòng,
không nên chấp nhất.
Nguyệt nương bảo:
– Nhưng mà tức lắm, chịu không được,
thà mình có nói thì không sao, đằng này mình không nói gì mới tức chứ, để rồi
tôi sẽ hỏi Lục nương là tôi làm gì, nói gì mà bảo tôi ỷ thế.
Kim Liên nghe vậy hoảng quá vội nói:
– Thôi xin Đại nương tha thứ cho Lục
nương, người ta thường nói người trên không chấp lỗi kẻ dưới. Lục nương cậy có
con trai, mấy chị em mình đây, ai chẳng bị Lục nương nói xấu với gia gia. Lục
nương lại thường nói là nay mai con trai lớn lên, người nào có ơn thì lấy ơn mà
báo, người nào có thù thì lấy thù mà báo, chúng mình bây giờ toàn là những người
ngoài rìa, nói làm gì cho mệt.
Ngô Đại cữu mẫu bảo:
– Làm gì có chuyện đó.
Tây Môn Đại thư thường ngày vẫn tới
chuyện trò thân thiết với Bình Nhi, thấy Bình Nhi là người tốt, lại thường được
Bình Nhi cho vải lụa tiền bạc, nay ngồi bên nghe chuyện này, bèn tới nói lại
cho Bình Nhi biết.
Bình Nhi đang ngồi khâu quần áo cho
con mặc trong lễ Đoan ngọ, thấy Đại thư vào vội đứng dậy mời ngồi, đoạn bảo
Nghênh Xuân:
– Đem trà ra để cô nương dùng.
Đại thư hỏi:
– Hồi nãy Đại nương có mời Lục nương
vào dùng trà, sao không vào.
Bình Nhi đáp:
– Nhân lúc gia gia vắng nhà, được rảnh
rang, tôi ngồi khâu cho em mấy cái quần áo.
Đại thư bảo:
– Có chuyện này, không phải tôi ngồi
lê đôi mách nhưng tôi phải nói với nương nương. Tôi biết nương nương chẳng bao
giờ buồn giận gì Ngũ nương, vậy mà Ngũ nương tới nói với Đại nương là nương
nương bảo Đại nương ỷ thế. Hiện Ngũ nương còn đang ngồi kể xấu nương nương ở
trong đó. Vậy nương nương nên chuẩn bị mà trả lời Đại nương. Nhớ đừng nói là
tôi cho nương nương biết chuyện này, kẻo Đại nương và Ngũ nương lại thù ghét
tôi.
Bình Nhi đang bệnh mà vẫn gắng gượng
làm việc, nay nghe Đại thư nói vậy thì chân tay tự nhiên bủn rủn, cầm cây kim
không nổi, ngồi lặng đi hồi lâu, chảy nước mắt nói:
– Cô nương chắc biết là tôi không bao giờ
có ý đó chớ đừng nói là lại nói như vậy. Tối qua nghe gia nhân bảo gia gia đang
ở phòng tôi, tôi vội trở về giục gia gia vào trong vui vẻ với mọi người, chứ
tôi có nói tiếng nào đâu. Đại nương đối xử với tôi rất tốt, lẽ nào tôi không biết,
để đến nỗi nói những lời khiến Đại nương buồn lòng. Đây chẳng qua người ta ghen
ghét với tôi mà đặt chuyện nói xấu tôi mà thôi.
Đại thư nói:
– Lúc nghe Đại nương nói là sẽ hỏi
nương nương thì Ngũ nương hoảng lên, vội kiếm cách ngăn cản.
Bình Nhi bảo:
– Tôi mà có nói gì thì trời biết cho
tôi. Chẳng qua là Ngũ nương tìm cách hại tôi, có lẽ một ngày nào đó hai mẹ con
tôi cũng bị người ta hãm hại mà thôi.
Nói xong chỉ khóc. Đại thư hết lời
khuyên giải. Lát sau thì Tiểu Ngọc chạy tới nói:
– Thỉnh Lục nương và đại cô nương vào
dùng cơm.
Hai người đứng dậy theo Tiểu Ngọc, tới
nơi, thấy chưa có cơm, Bình Nhi trở về phòng nằm, rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Gần trưa, Tây Môn Khánh mới về tới nhà
là ghé thăm Bình Nhi trước nhất, thấy Bình Nhi nằm ngủ bèn hỏi Nghênh Xuân.
Nghênh Xuân đáp:
– Hôm nay nương nương chẳng ăn uống gì
cả.
Tây Môn Khánh lo lắng bước tới giường,
lay Bình Nhi dậy bảo:
– Nàng làm sao mà bỏ cơm vậy? Hay là bệnh
trở nặng? Hôm nay đã uống thuốc chưa?
Bình Nhi quay ra, Tây Môn Khánh thấy mắt
Bình Nhi đỏ lên và sưng húp thì hỏi:
– Sao vậy? Có chuyện gì cứ nói cho tôi
nghe.
Bình Nhi ngồi dậy dụi mắt đáp:
– Có gì đâu, không hiểu sao tôi chẳng
muốn ăn uống gì cả, mà hôm nay lại làm như đau mắt nữa.
Chuyện Kim Liên nói xấu mình, Bình Nhi
tuyệt nhiên không nói. Trong khi đó, trên thượng phòng, Đại thư nói với Nguyệt
nương:
– Chuyện Ngũ nương nói hồi sáng đó,
con đã tới hỏi Lục nương, Lục nương thề rằng không bao giờ dám nói như vậy, thề
xong chỉ biết khóc. Lục nương lại bảo con rằng, Đại nương đối xử rất tốt, lẽ
nào Lục nương lại ăn nói làm buồn lòng Đại nương.
Ngô Đại cữu mẫu cũng bảo:
– Hồi sáng nghe chuyện tôi đã không
tin. Lục nương là người rất tốt, đâu có ăn nói như vậy bao giờ.
Nguyệt nương ngẫm nghĩ rồi nói:
– Chắc là có điều khó hiểu bên trong
đây.
Ngô Đại cữu mẫu nói:
– Tôi nói thật, Lục nương là người
đoan chính biết điều lắm, Ngũ nương quả không bén gót.
Đang nói chuyện thì Cầm Đồng đem mấy
cái bao lớn vào.
Nguyệt nương hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Cầm Đồng thưa:
– Chuyện buôn muối. Gia gia bảo làm
cơm cho Hàn Quản lý và Thôi Bản ăn, rồi xếp bạc vào mấy bao này, ngày kia là
ngày hai mươi, tốt ngày lắm, gia gia sẽ cho hai người cùng Lai Bảo đi Dương
Châu.
Ngô Đại cữu mẫu nói:
– Chắc chú ấy cũng sắp vào, để tôi và
nhị vị sư phụ tới phòng Nhị nương cho tiện.
Vừa nói xong thì Tây Môn Khánh bước
vào. Mấy người rút không kịp. Tây Môn Khánh chỉ hai vị đạo cô hỏi:
– Mấy người này tới đây làm gì vậy? Có
phải Tiết đạo cô chăng?
Nguyệt nương bảo:
– Sao chàng ăn nói vậy? Người tu hành
tới đây cầu phúc cho mình đấy mà. Nhưng Tiết đạo cô mới tới đây lần đầu, sao
chàng biết được?
Tây Môn Khánh bảo:
– Sao lại không biết, tu hành gì mà
giúp cho tiểu thư của Trần Tam Chính tới am hẹn hò với một thằng đàn ông để lấy
ba lạng bạc. Sự việc tiết lộ, đem lên quan, tôi cho lột áo đánh hai chục roi, bắt
phải hoàn tục lấy chồng. Vậy mà sao giờ này lại tới đây mà chưa chịu hoàn tục?
Để tôi cho bắt đem lên nha môn, kẹp tay cho biết.
Nguyệt nương vội nói:
– Chết chửa, sao chàng lại nhạo báng
tăng ni, khinh lờn Phật pháp như thế. Người ta là đệ tử của Phật, tu hành như vậy
là có thiện căn, khi không hoàn tục sao được? Chàng không biết đấy thôi, chứ Tiết
đạo cô đây có đạo hạnh lắm.
Tây Môn Khánh cười khẩy:
– Nàng cứ việc hỏi thẳng mụ Tiết xem mụ
ta có những đạo hạnh gì.
Nguyệt nương bảo:
– Cứ cái tật ăn nói báng bổ như vậy
thôi.
Đoạn vội lảng ngay sang chuyện khác:
– Bao giờ thì định cho ba người đó đi
Dương Châu đây?
Tây Môn Khánh đáp:
– Tôi vừa mới cho Lai Bảo sang nói
chuyện với Kiều thân gia, bên đó bỏ ra năm trăm lạng, bên này mình cũng bỏ ra
năm trăm lạng, ngày hai mươi tốt ngày sẽ cho ba người đó lên đường.
Nguyệt nương lại hỏi:
– Hàn Quản lý đi thì tiệm tơ sợi giao
cho ai?
Tây Môn Khánh đáp:
– Tạm để Bôn Tứ trông nom.
Nói xong bảo Nguyệt nương lấy bạc ra
cho vào bao rồi sai Cầm Đồng đem ra đại sảnh, giao cho ba người. Đúng lúc đó
thì Ứng Bá Tước đến, thấy vậy bèn hỏi:
– Đại ca cho đem tiền bạc đi đâu vậy?
Tây Môn Khánh nói chuyện buôn muối cho
Bá Tước biết. Bá Tước nghe xong vội đứng dậy vái một vái mà nói:
– Xin thành thật chúc mừng đại ca,
chuyến này quả là đại lợi.
Tây Môn Khánh mời Bá Tước ngồi xuống
dùng trà rồi hỏi:
– Số bạc Lý Tam và Hoàng Tứ vay, chừng
nào trả?
Bá Tước đáp:
– Chắc cũng chỉ nội trong tháng này mà
thôi. Hôm qua họ có nói với tôi là mới có nhiều vật liệu làm nhang từ phủ Đông
Bình tới, nên họ cần vay đại ca năm trăm lạng để lo vụ đó. Họ trả tiền vốn tiền
lời đúng hạn nhưng họ xin được đại ca cứ tiếp tục giúp đỡ.
Tây Môn Khánh nói:
– Nhị ca biết đó, hồi này tôi phải
tiêu pha nhiều thứ tốn kém quá, trong nhà không còn tiền nữa, vụ buôn muối này
tôi phải vay của Kiều thân gia năm trăm lạng đó, còn tiền đâu mà cho vay.
Bá Tước nài nỉ:
– Họ cứ khẩn khoản van xin tôi nói với
đại ca, nếu đại ca không giúp đỡ làm ơn cho họ thì họ biết nhờ vả ai bây giờ?
Tây Môn Khánh ngẫm nghĩ rồi bảo:
– Từ Tứ có tiệm ở ngoại thành hiện còn
thiếu tiền tôi, hay là để tôi đòi năm trăm lạng về cho họ vay vậy.
Bá Tước mừng lắm:
– Thế thì tốt quá rồi còn gì.
Đang nói chuyện thì Bình An vào đưa tấm
thiếp rồi thưa:
– Hạ lão gia sai Hạ Thọ tới thỉnh gia
gia ngày mai tới chơi.
Tây Môn Khánh cầm thiếp coi qua rồi bảo:
– Được rồi.
Bình An lui ra.
Bá Tước nói:
– Tôi còn chuyện này muốn nói cho đại
ca biết, đại ca có biết tại sao Lý Quế Thư không tới đây không? Có biết nó làm
gì không?
Tây Môn Khánh nói:
– Suốt từ tháng giêng tới giờ không thấy
Quế Thư tới đây, tôi cũng chẳng hiểu tại sao.
Bá Tước nói:
– Thế thì đại ca không biết thật rồi.
Vương Tam[88] ở trong phủ Vương Chiêu Tuyên
nguyên là cháu rể của Lục Hoàng Thái úy ở Đông Kinh. Hồi tháng giêng có lên
Đông Kinh chúc tết, được Thái úy thưởng cho một ngàn lạng bạc để hai vợ chồng
ăn tết. Về đây Vương Tam được Tôn ca và Chúc ca dẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm,
rồi tới nhà Quế Thư bỏ tiền ra bao bọc, giữ làm của riêng. Hôm trước tới ngày
sinh nhật của Thái úy, Vương Tam miệt mài bỏ đi chơi, vợ mới lên Đông Kinh chúc
thọ rồi kể tội chồng. Thái úy giận lắm, viết một tấm thiếp cho Chu Thái úy, Chu
Thái úy mới tư cho phủ Đông Bình, phủ tư về huyện mình, sai bắt Tôn, Chúc hai
người. Hôm qua cả hai cùng bị bắt ở nhà Quế Thư. Quế Thư chạy sang hàng xóm ngủ
nhờ một đêm, hôm nay nói là thỉnh đại ca tới che chở.
Tây Môn Khánh nói:
– Tôi từ tháng giêng tới giờ bận rộn
không sao kể xiết, công chuyện lo không xuể, vậy mà còn người này người nọ làm
phiền.
Bá Tước đứng dậy:
– Thì tôi biết sao nói vậy mà thôi,
bây giờ tôi về, chắc là Quế Thư sắp mò tới đây. Đại ca quyết định ra sao nhớ
sai gia nhân cho tôi biết.
Tây Môn Khánh dặn:
– Nhị ca cũng đừng hứa trước gì với họ
cả, để tôi xem có đòi tiền được không đã, rồi sẽ báo cho nhị ca biết sau.
Bá Tước đáp:
– Tôi hiểu rồi.
Nói xong cáo từ mà về. Ra khỏi cổng
Tây Môn Khánh đi một quãng thì Bá Tước gặp Quế Thư ngồi kiệu đi tới.
Trong khi đó Tây Môn Khánh dặn Kính Tế:
– Sửa soạn tới tiệm của Từ Tứ ở ngoại
thành đòi tiền cho ta.
Đang nói thì Cầm Đồng chạy tới thưa:
– Có Quế Thư tới, Đại nương thỉnh gia
gia vào trong thưa chuyện.
Tây Môn Khánh vào phòng Nguyệt nương
thì Quế Thư ăn mặc đơn sơ, tóc tai không chải, mặt không trang điểm, sụp lạy,
khóc mà nói:
– Gia gia ơi, xin cứu con, thật khi
không gặp tai bay vạ gió. Con có quen biết với Vương Tam bao giờ đâu, vậy mà
Tôn gia và Chúc gia dẫn ngay tới. Thư thư con vắng nhà thì con phải ra mời nước,
rồi tự nhiên có lính huyện xông vào bắt bớ, Vương Tam nhanh chân tông cửa sau
chạy thoát, con thì trốn sang hàng xóm. Tôn gia và Chúc gia bị bắt, mẫu thân
con thì phải một phen sợ gần chết. Sáng nay thì trên huyện cho đem trát tới bảo
là con bị bắt giải lên Đông Kinh. Gia gia ơi, xin thương con mà cứu cho con.
Đoạn quay sang Nguyệt nương:
– Xin nương nương nói giùm con một lời.
Tây Môn Khánh cười:
– Thì cứ đứng dậy đi đã, việc gì mà cuống
cả lên vậy? Trong tờ trát đó còn có tên những ai nữa?
Quế Thư đáp:
– Còn có tên Tề Hương Nhi nữa, Tề Hương
Nhi bị buộc tội là lấy tiền đem đến cho con, con thề rằng có nhìn thấy tiền bạc
gì thì trời làm nổ con ngươi lòi tròng mắt con đi.
Nguyệt nương nói với chồng:
– Thôi, chàng cũng nên nói giùm nó một
câu.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Hiện Tề Hương Nhi đã bị bắt chưa?
Quế Thư đáp:
– Tề Hương Nhi hiện đang trốn tại nhà
Vương Hoàng thân.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì ngươi cũng nên tạm ở đây
vài ngày để ta nói với trên huyện cho.
Đoạn quay lại bảo Thư Đồng:
– Ngươi viết một tấm thiếp rồi đem tới
thưa với Lý Tri huyện rằng Quế Thư hiện đang ở đây, xin Tri huyện miễn cho.
Thư Đồng vâng lời, trở lên thư phòng
viết thiếp rồi mặc áo đội mũ đi ngay. Lát sau trở về đem theo thiếp của Tri huyện,
rồi thưa:
– Lý lão gia dặn tôi về thưa rằng,
chuyện gì khác thì xin nghe lời gia gia, nhưng chuyện này là do văn thư từ Đông
Kinh sức về nên không thể bất tuân thượng lệnh. Nhưng vì nể gia gia nên Tri huyện
bằng lòng gia hạn cho Quế Thư vài ngày, mong gia gia hiểu giùm, còn xin gì cho
Quế Thư thì cứ xin thẳng với thượng ty ở Đông Kinh.
Tây Môn Khánh nghe xong trầm ngâm một
lúc rồi nói:
– Lai Bảo hiện bận việc, sắp phải đi
Dương Châu, làm gì có người sai đi Đông Kinh.
Nguyệt nương nói:
– Hay là cứ để Hàn Quản lý và Thôi Bản
đi Dương Châu trước đi, để Lai Bảo lên Đông Kinh lo việc này, rồi về sẽ đi
Dương Châu sau cũng được chứ gì. Tội nghiệp cho Quế Thư mà, nó sợ quá.
Quế Thư nghe vậy thì sụp xuống lạy vợ
chồng Tây Môn Khánh như tế sao. Tây Môn Khánh sai gọi Lai Bảo và dặn:
– Ngày kia cứ để Hàn Quản lý và Thôi Bản
đi Dương Châu trước đi, còn ngươi thì ngày mai chịu khó lên Đông Kinh lo việc
giùm cho Quế Thư, tìm Địch gia mà nhờ.
Quế Thư sụp lạy Lai Bảo. Lai Bảo hoảng
lên, tránh xa mà vái rồi nói:
– Xin đừng làm vậy, gia gia sai là tôi
đi mà.
Tây Môn Khánh sai Thư Đồng viết thiếp
cho Địch Quản gia, cảm ơn về việc đã nhắc nhở với Tống Ngự sử, báo tin việc tiếp
đãi hai ngự sử Tống Thái, rồi nhờ việc Quế Thư. Lại bảo Nguyệt nương gói hai chục
lạng bạc làm lễ vật. Rồi giao cả thư và bạc cho Lai Bảo. Quế Thư lúc đó mới yên
tâm, vội lấy ra năm lạng bạc đưa cho Lai Bảo làm lộ phí rồi nói:
– Về đây rồi mẫu thân tôi đền đáp xứng
đáng. Xin Bảo ca gắng lo giùm cho.
Tây Môn Khánh không chịu, bắt trả lại
bạc cho Quế Thư rồi bảo Nguyệt nương đưa năm lạng bạc khác cho Lai Bảo. Quế Thư
nói:
– Con đã nhờ gia gia và nương nương
giúp, lẽ nào con lại để gia gia và nương nương tốn kém thêm.
Tây Môn Khánh cười:
– Chừng nào ta không có năm lạng bạc
này thì lúc đó mới cần tiền của ngươi.
Quế Thư đành phải cất bạc đi rồi vái
Lai Bảo mà nói:
– Xin Bảo ca ngày mai đi sớm giùm, tôi
sợ trễ mất.
Lai Bảo nói:
– Canh năm ngày mai tôi lên đường rồi,
cứ yên tâm.
Nói xong nhận thư từ tiền bạc rồi tới
nhà Hàn Đạo Quốc ở đường Sư Tử. Vương thị đang khâu và thấy Lai Bảo tới liền hỏi:
– Bảo ca đi đâu vậy? Có chuyện gì
không? Nhà tôi chạy ra ngoài một chút cũng sắp về bây giờ, xin mời vào ngồi
chơi.
Đoạn quay lại bảo Cầm Nhi:
– Ngươi chạy tới nhà thợ may họ Từ mời
gia gia về, nói là có Lai đại gia chờ ở nhà.
Lai Bảo nói:
– Cũng chẳng có chuyện gì quan trọng,
tôi tới đây để nói là tôi không đi cùng Hàn đại ca được, vì ngày mai tôi phải
lên Đông Kinh chạy việc cho cô ả Quế Thư. Cô ả đang khóc lóc lạy van với gia
gia rồi khẩn khoản nhờ tôi đi giùm, Hàn đại ca và Thôi Bản cứ đi trước, tôi về
sẽ tới Dương Châu sau.
Đang nói chuyện thì Đạo Quốc về. Hai
người chào hỏi, Lai Bảo kể chuyện phải lên Đông Kinh rồi nói:
– Hôm nào tôi về sẽ tới Dương Châu tìm
đại ca.
Đạo Quốc hỏi:
– Có tìm thì cứ tới khách sạn của
Vương Bá Nhu ở bờ sông, gia gia nói là lúc trước có quen biết với thân phụ của
Bá Nhu, nên dặn chúng tôi tới cư ngụ tại đó. Nơi đó phòng rộng, khách thương
trú ngụ cũng nhiều, mình khỏi lo về đồ đạc hàng hóa thất lạc.
Lai Bảo lại quay lại Vương thị:
– Ngày mai tôi lên Đông Kinh, tẩu tẩu
không gửi gì cho thư thư nhà hay sao?
Vương thị nói:
– Cũng chẳng có gì, chỉ có cha nó đánh
cho nó mấy cái trâm bạc và tôi làm cho nó mấy đôi hài, để nhờ Bảo ca đem lên
giùm.
Nói xong gói trâm và hài lại cẩn thận,
trao cho Lai Bảo rồi sai Cẩm Nhi dọn rượu. Lai Bảo vội nói:
– Thôi xin tẩu tẩu khỏi phí tâm, để
tôi về nhà sửa soạn hành lý chứ, canh năm ngày mai là tôi đi rồi.
Vương thị cười:
– Làm gì mà gấp vậy, đi xa thì phải để
anh em bạn tiễn hành chứ. Bảo ca cứ ngồi lại uống chung rượu đã.
Đoạn bảo chồng:
– Kìa, chàng không mời Bảo ca uống rượu
sao? Cứ đờ đẫn như người vô sự ấy thôi.
Cẩm Nhi đem rượu và thức ăn ra. Đạo Quốc
rót rượu mời Lai Bảo, Vương thị cũng ngồi bên tiếp đãi. Ba người ăn uống chuyện
trò một lúc thì Lai Bảo nói:
– Thôi, cho tôi về, muộn rồi còn gì.
Đạo Quốc hỏi:
– Công việc sắp xếp đã xong chưa?
Lai Bảo đáp:
– Sổ sách các thứ ở tiệm đã giao hết
cho Bôn Tứ rồi, tối nay đại ca khỏi phải ngủ ở ngoài tiệm nữa, nghỉ ở nhà một
đêm đi rồi ngày kia lên đường đi Dương Châu.
Đạo Quốc nói:
– Ngày mai tôi cũng còn giao công việc
thêm cho Bôn Tứ nữa.
Vương thị rót một chung rượu lớn đưa
cho Lai Bảo:
– Xin Bảo ca cạn nốt chung này, chúng
tôi không dám lưu giữ nữa.
Lai Bảo nói:
– Tẩu tẩu bắt uống thêm thì xin cho
tôi rượu nóng.
Vương thị vội sai Cẩm Nhi đổi rượu hâm
nóng, rồi hai tay nâng lên đưa cho Lai Bảo:
– Hôm nay chẳng có món gì ngon đãi Bảo
ca.
Lai Bảo nói:
– Tẩu tẩu cho ăn thế này là đủ lắm rồi.
Nói xong uống cạn chung rượu rồi cáo từ.
Vương thị đưa gói quà cho Lai Bảo mà nói:
– Xin Bảo ca làm ơn đem lên cho cháu,
rồi xem nó có vui vẻ khỏe mạnh không để về nói lại cho chúng tôi được yên tâm.
Nói xong cùng chồng tiễn Lai Bảo ra cổng.
Lai Bảo về nhà sửa soạn hành lý rồi
hôm sau lên đường. Hôm đó Ngô Đại cữu tới bảo Tây Môn Khánh:
– Có văn thư từ phủ Đông Bình đưa xuống,
nói là nhà tôi phải lo tu sửa gấp mấy cái kho lớn, hạn trong sáu tháng phải làm
xong, nếu đúng hạn thì được thăng một cấp, mà trễ hạn thì giao cho Tuần án Ngự
sử định tội. Nhưng văn thư tới mà tiền bạc chưa tới. Tôi phải nhờ đến dượng
đây, xin cho tôi vay ít bạc để gọi thợ làm kho, nay mai công khố xuất bạc thì
tôi xin hoàn lại ngay.
Tây Môn Khánh nói:
– Đại cữu cần bao nhiêu, xin cứ nói.
Ngô Đại cữu đáp:
– Cũng chẳng bao nhiêu, nếu dượng có
lòng thì chỉ xin mượn hai chục lạng.
Tây Môn Khánh mời Ngô Đại cữu vào thượng
phòng, bảo Nguyệt nương lấy hai chục lạng đưa cho Ngô Đại cữu. Nhân trong phòng
có khách đàn bà nên Nguyệt nương bảo chồng mời anh mình ra đại sảnh uống rượu.
Lát sau hai người đang uống rượu ở đại
sảnh thì Kính Tế bước tới vái chào rồi thưa:
– Từ Tứ ở ngoại thành xin khất gia gia
vài hôm nữa.
Tây Môn Khánh gắt:
– Vậy đâu được, ta đang cần tiền,
ngươi tới bảo nó có trả hay không, mắng nó một trận cho ta.
Kính Tế vâng lời lui ra. Hai người lại
tiếp tục uống rượu.
Trong khi đó tại phòng Nguyệt nương
cũng bắt đầu nhập tiệc, có cả Ngô Đại cữu mẫu Dương cô nương, và Quế Thư cùng
đám tiểu thiếp và Đại thư. Cạnh tiệc có Úc Đại thư đàn hát. Hát xong một bản,
Ngọc Lâu rót rượu mời Úc Đại thư:
– Đàn hát cũng phải có rượu mới hay chứ.
Kim Liên cũng gắp một miếng thịt đưa
vào mũi Úc Đại thư mà đùa giỡn. Quế Thư gọi Ngọc Tiêu:
– Đem giùm chị cái đàn tỳ bà của Úc Đại
thư tới đây cho chị hát một bài, để Đại nương và các vị đây nghe.
Nguyệt nương bảo:
– Thôi Quế Thư à, trong lòng còn lo buồn
thì đừng hát làm gì.
Quế Thư thưa:
– Dạ không sao, gia gia và nương nương
đã lo cho con thì con không còn buồn sợ gì nữa.
Ngọc Lâu cười bảo:
– Quế Thư thật vô tư, hồi nãy tới đây
khóc lóc, mặt không lau, đầu không chải, trà cũng không uống, vậy mà bây giờ lại
như thường rồi.
Quế Thư mỉm cười đàn hát tự nhiên.
Đang hát thì thấy Cầm Đồng dọn dẹp ly tách. Nguyệt nương hỏi:
– Đại cữu về rồi à?
Ngô Đại cữu mẫu bảo:
– Thế thì có thể dượng ấy sắp vào đây,
mình lo dọn dẹp đi.
Cầm Đồng vội nói:
– Gia gia tới phòng Ngũ nương rồi.
Kim Liên nghe vậy thì nôn nao trong lòng,
muốn về phòng nhưng sợ bất tiện nên cứ nhấp nhổm không yên. Nguyệt nương biết ý
bảo:
– Muội muội nên về phòng săn sóc cho
gia gia.
Kim Liên đứng ngay dậy cáo từ mọi người
rồi tất tả bước ra.
Vào tới phòng, thấy Tây Môn Khánh tay cầm quạt phe phẩy, đang đùa với con mèo quý, Kim Liên bước lại giằng lấy cái quạt, dùng giáo quạt đập cho con mèo mấy cái nên thân, con mèo cong đuôi chạy mất[89].
Tây Môn Khánh bảo:
– Đang tiệc tùng vui vẻ trong đó, về
phòng làm gì vậy?
Kim Liên đáp:
– Vui thì kể cũng vui, Úc Đại thư đàn
hát rồi cả Quế Thư cũng đàn hát, Quế Thư lại chuốc rượu cho tôi. Nhưng lát sau
thì thấy Cầm Đồng vào bảo là Ngô Đại cữu về rồi mà gia gia thì tới đây, Đại
nương bảo tôi về phòng săn sóc gia gia.
Tây Môn Khánh bảo:
– Quế Thư đang có chuyện lo buồn, lòng
dạ nào mà đàn hát?
Kim Liên nói:
– Đã có gia gia lo cho rồi còn gì phải
lo buồn nữa.
Đoạn gọi Xuân Mai:
– Đem trà lên đây.
Xuân Mai đem trà lên, Kim Liên rót uống
rồi lại dặn:
– Ngươi đun nước pha thêm một bình trà
nữa cho ta, không hiểu sao hôm nay ta khát nước thế này, chắc là tại uống nhiều
rượu quá.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Hôm nọ đằng nha môn có đem lại biếu
ít trà quý, Cầm Đồng nó đã đem tới đây chưa?
Kim Liên đáp:
– Nó có đem tới rồi, nhưng không biết
tôi để đâu quên mất.
Đoạn bảo Xuân Mai:
– Ngươi tìm trà đó, pha cho ta một
bình.
Xuân Mai vào trong tìm trà rồi pha một
bình đem ra. Kim Liên nói với Tây Môn Khánh:
– Tôi nghe người ta nói thứ trà này phải
là sản xuất tại Huệ Tuyền thuộc Tô Châu và Vũ Di thuộc Phúc Châu thì mới là trà
ngon, còn các nơi khác thì dở lắm.
Tây Môn Khánh nói:
– Thứ trà này tuy không phải là trà Vũ
Di, Huệ Tuyền nhưng vị đậm hương thanh không kém, uống được lắm đấy chứ.
Kim Liên rót trà ra uống, uống vài
chung thấy tinh thần sảng khoái đôi phần, bèn bảo:
– Trà này cũng ngon.
Lát sau lại nói:
– Không biết giờ này tiệc trong nhà đã
tan chưa, nếu chưa tan, tôi vào đó nghe Úc Đại thư hát vài khúc cho đỡ buồn.
Tây Môn Khánh bảo:
– Hồi trước tôi và mấy anh em làm lễ kết
nghĩa, trong tiệc có mấy ca nữ hát rất hay, bây giờ tôi còn nhớ được vài bài
ca, tôi hát cho nàng nghe, nàng chịu không?
Kim Liên cười:
– Sao lại chịu với không chịu? Tôi phải
đa tạ chàng mới đúng.
Tây Môn Khánh cất tiếng hát:
“Đêm vắng quạ kêu.
Trăng mờ soi dáng liễu tiêu điều
Dấu hài xinh còn đậm nét đường rêu
Đèn khuya dáng gầy in bóng
Đợi chờ dài lâu
Tuổi xuân qua chóng
Mùa xuân qua rồi
Bằn bặt trông tin, nhưng nhạn kia vắng
bóng.”
Lại hát luôn bài khác:
“Trăng giãi song sa
Tâm sự mười năm gửi tiếng tỳ bà
Ôm một mối tương tư thầm kín
Người ở chân trời
Chờ hết mùa xuân không thấy đến
Tình này gửi cánh uyên ương
Lòng cô đơn buốt giá
Chợt thấy tới chốn xưa
Nắm tay nhau đi chơi khắp đền đài đình
tạ
Sực tỉnh dậy, bên song mới biết nằm mơ.”
Tiếng hát ngừng, Kim Liên khen rối
rít:
– Hát hay quá.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Mấy khúc hát đó trước đây Ứng, Tạ
hai người thích hát lắm, nàng thấy thế nào?
Kim Liên đáp:
– Điệu hát và lời hay lắm, nhưng tôi
không hiểu hết ý tứ.
Hai người tiếp tục trò chuyện. Đêm đó
Tây Môn Khánh nghỉ tại phòng Kim Liên.
Sáng sớm hôm sau, mới gà gáy, Tây Môn
Khánh đã thức dậy, rửa mặt chải đầu rồi lên đại sảnh. Tại đây Đạo Quốc và Thôi
Bản đã chờ sẵn. Tây Môn Khánh trao cho hai bức thư mà dặn:
– Bức thứ nhất này thì đưa cho Vương
Bá Nhu, còn bức thư nhì thì tìm Miêu Thanh mà đưa, hỏi thăm xem thế nào rồi gửi
thư về cho ta biết. Tiền bạc thì nếu không đủ, ta sẽ sai Lai Bảo đem thêm sau.
Thôi Bản nhắc:
– Gia gia không có thư cho Thái Ngự sử
sao?
Tây Môn Khánh đáp:
– Thư cho Thái Ngự sử, ta chưa viết, để
Lai Bảo sẽ đem đi sau.
Hai người lạy chào rồi lên đường. Tây
Môn Khánh cũng sửa soạn mũ áo cân đai rồi ra viện làm việc.
Lát sau có một người cưỡi ngựa tới, mồ
hôi ướt áo, dừng ngựa ở cổng, hỏi Bình An:
– Đây có phải tư thất của Tây Môn Đề
hình không?
Bình An hỏi lại:
– Anh ở đâu tới?
Người này xuống ngựa đáp:
– An lão gia sai tôi đem lễ tới. Gia
gia tôi hiện cùng Hoàng lão gia cai quản xưởng gạch đang uống rượu tại nhà Hồ
lão gia trên phủ Đông Bình, nên sai tôi tới trước hỏi xem Thiên hộ có nhà không
để tới bái kiến.
Bình An lại hỏi:
– Có thiếp gì không?
Người này thò tay vào bụng lấy ra một
tấm thiếp ghi các lễ vật và trao lễ vật cho Bình An. Bình An đem tất cả trình với
Nguyệt nương. Nguyệt nương sai gói năm tiền đem ra thưởng cho người đem lễ vật.
Gần trưa Tây Môn Khánh về, Nguyệt
nương nói lại. Tây Môn Khánh sai chuẩn bị ngay tiệc rượu.
Tới trưa thì An, Hoàng hai người ngồi
kiệu, tiền hô hậu ủng, quân lính dẹp đường mà tới. Kiệu ngừng tại cổng, gia
nhân đem danh thiếp rồi bước lên đại sảnh, phân ngôi chủ khách hàn huyên.
Chủ khách an vị, Hoàng Chủ sự nói:
– Lâu nay nghe danh quan nhân, bây giờ
mới được tới bái kiến thật là quá trễ.
Tây Môn Khánh chắp tay nói:
– Đại quan dạy quá lời, đại quan quang
lâm tới hàn xá là hân hạnh cho chúng tôi lắm, dám hỏi tôn hiệu là chi?
An Chủ sự đỡ lời:
– Hoàng niên huynh đây hiệu là Thái
Vũ.
Hoàng Chủ sự nói:
– Cũng xin hỏi hiệu tôn quan nhân.
Tây Môn Khánh đáp:
– Tiện hiệu của tiểu nhân là Tứ Tuyền.
Hoàng Chủ sự nói:
– Hôm trước tôi phải gặp Thái niên
huynh, nói là cùng với Tống niên huynh tới đây quấy quả quan nhân.
Tây Môn Khánh nói:
– Cũng nhờ Địch đại nhân ở kinh cho biết
trước nên chúng tôi mới có dịp nghênh tiếp nhị vị ngự sử Thái Tống. Dám hỏi chừng
nào nhị vị đại quan lên đường tới quý phủ?
An Chủ sự đáp:
– Năm ngoái, sau khi từ biệt quan nhân
thì tôi về nhà thăm song thân tới tháng giêng năm nay mới tới kinh, được bổ làm
chủ sự tại bộ Công, bây giờ thì chúng tôi được cử tới Kinh Châu, nhân đi ngang
đây, phải ghé thăm quan nhân chừng mai mốt thì tiếp tục hành trình.
Tây Môn Khánh lại hết lời cảm tạ. Qua
vài tuần trà, Tây Môn Khánh mời khách nhập tiệc. Hoàng Chủ sự làm bộ đứng dậy
xin về. An Chủ sự cũng phụ họa:
– Nói thật với quan nhân, tôi và Hoàng
niên huynh đây bây giờ phải về dự tiệc đằng nhà Hồ Tri phủ ở Đông Bình. Chúng
tôi tới đây là để bái kiến quan nhân mà thôi, còn tiệc tùng thì xin để cho khi
khác.
Tây Môn Khánh nói:
– Đường tới nhà Hồ lão gia cũng xa, chỉ
xin nhị vị đại quan nán lại uống chén rượu nhạt, để tiểu nhân được được khoan
đãi các vị tùy tòng mà thôi.
Nói xong mời hai người vào tiệc, đồng
thời sai gia nhân dọn tiệc bên ngoài khoản đãi đám tùy tòng.
Trên đại sảnh, tiệc gồm đủ loại sơn
hào hải vị. Tây Môn Khánh thân rót rượu quý ra chén vàng mà mời khách.
Tiệc tàn, khách đứng dậy cáo từ. An Chủ
sự nói:
– Ngày mai hai chúng tôi có làm tiệc
nhỏ tại trại của Lưu Thái giám, xin kính mời quan nhân hạ cố tới dùng chén rượu
nhạt, chẳng hay quan nhân có vui lòng tới chăng?
Tây Môn Khánh nghiêng mình đáp:
– Nhị vị đại quan đã ban ơn, tiểu nhân
đâu dám trái lệnh.
Nói xong tiễn khách ra tận cổng, hai
người lên kiệu mà đi.
Tây Môn Khánh vào nhà được một lát thì
có gia nhân của Hạ Đề hình tới mời. Tây Môn Khánh vào trong thay áo rồi dặn lấy
ngựa, đem theo Đại An và Cầm Đồng cùng vài tên quân hầu tới nhà Hạ Đề hình.
Tới nơi, chủ khách thi lễ, an vị tại đại
sảnh. Tây Môn Khánh nói:
– Vừa rồi có hai vị Chủ sự An, Hoàng tại
Công bộ ghé thăm nên phải tiếp đãi, nếu không, tôi đã tới sớm rồi, khỏi đợi
quan anh cho gọi.
Hạ Đề hình mời Tây Môn Khánh uống trà,
sau đó mời vào tiệc, trong tiệc có cả một vị tú tài. Tây Môn Khánh hỏi:
– Dám xin cho biết tôn hiệu.
Vị tú tài đáp:
– Tiểu nhân tên Nghê Bằng, tự là Thời
Viễn, hiệu là Quế Nham, được Đề hình đây thương, gọi về lo việc hành cử nghiệp
cho hiền lang đây, tiểu nhân lòng riêng vẫn lấy làm thẹn lắm.
Ba người tiếp tục ăn uống trò chuyện.
Cạnh tiệc có hai ca công đàn hát.
Hôm đó, Kim Liên ngủ tới gần trưa mới
dậy, vì dậy trễ nên hổ thẹn không dám vào thượng phòng, lúc Nguyệt nương cho
người ra mời ăn cơm. Kim Liên cũng không ăn, lấy cớ là trong người không khỏe.
Tới xế chiều mới ăn mặc chải chuốt vào
chào Nguyệt nương.
Nhân lúc Tây Môn Khánh vắng nhà, Nguyệt
nương muốn nghe Tiết đạo cô giảng Phật pháp và giảng kinh Kim Cương, bèn cho
bày tiệc trà và hoa quả rồi gọi mọi người tới nghe. Tiết đạo cô và Vương đạo cô
ngồi chính giữa, hai đồ đệ là Diệu Phượng và Diệu Thú đứng hầu đằng sau, xung
quanh là đủ mặt đám đàn bà con gái, vợ con thê thiếp của Tây Môn Khánh, lại có
cả Dương cô nương và Ngô Đại cữu mẫu.
Hai sư bà niệm Phật một hồi rồi Tiết
sư bà giảng rằng:
– Ánh sáng huy hoàng thì dễ tắt, chỉ
có đất đá thì không bị hao mòn. Việc đời thay đổi cũng như hoa đã rụng thì
không trở lại cành được, mà nước đã chảy thì không trở về nguồn được. Lầu son
gác tía mà mệnh tận thì cũng là không, quan tước cực cao mà lộc tuyệt thì cũng
như giấc mộng. Hoàng kim bạch ngọc chỉ là mối họa, mà vải lụa gấm vóc chỉ là bận
bịu con người. Hầu non gái đẹp đầy nhà, ngựa quý gia nhân cả đám cũng chỉ là thứ
phù du. Nay mai bằn bặt trên gối, hồn về cõi hoàng tuyền thì công danh phú quý
chỉ còn là cái danh giả để lại trên đời. Khi thân đã vùi sâu dưới ba tấc đất
thì của cải ruộng nương bị con cái tranh giành. Cái khổ ở đời là vậy.
Mọi người im lặng ngồi nghe, có vẻ
kính phục lắm. Sau đó hai sư bà lại thay nhau kể các chuyện về Thích Ca, về
Quan Âm. Đang kể chuyện hào hứng thì thấy Bình An từ ngoài chạy vào thưa:
– Có gia nhân của Tuần án Ngự sử Tống
lão gia đem lễ vật tới.
Nguyệt nương hoảng lên:
– Gia gia đang uống rượu tại nhà Hạ Đề
hình rồi, bây giờ làm sao?
Bình An cũng đang lúng túng thì Đại An
từ ngoài vào bảo:
– Tôi vừa về tới, biết chuyện rồi,
không sao, để tôi đem thiếp của Tống Ngự sử tới trình gia gia, còn bây giờ thì
bảo cậu Kính Tế mời người của Tống Ngự sử vào mời người ta chén rượu.
Nói xong cầm thiếp phi ngựa tới nhà Hạ
Đề hình đưa cho chủ nhà mà nói:
– Tống Ngự sử sai người đem lễ vật tới.
Tây Môn Khánh xem thiếp, thấy ghi tên
Tống Kiều Niên và kê khai các lễ vật gồm sách vở giấy bút và rượu thịt, rồi dặn:
– Về bảo Thư Đồng viết thiếp cám ơn, rồi
lấy vải lụa và tiền bạc cho những người đem lễ vật.
Đại An về nhà tìm Thư Đồng không thấy.
Kính Tế cũng không có nhà, vội nhờ Phó Quản lý tiếp đãi các gia nhân của Tống
Ngự sử, viết thiếp cám ơn, rồi chạy ra hỏi Bình An:
– Cậu Kính Tế và thằng Thư Đồng đâu?
Bình An đáp:
– Hồi nãy cậu Kính Tế ở nhà thì thấy
thằng Thư Đồng cũng ở nhà, bây giờ cậu Kính Tế ra ngoại thành đòi tiền thì chẳng
thấy nó đâu cả.
Đại An bảo:
– Thằng khốn kiếp giỏi thật, dám bỏ
thư phòng mà đi chơi, để tội nó đó.
Đang nói thì thấy Kính Tế và Thư Đồng
đủng đỉnh cưỡi lừa từ cổng vào, Đai An mắng Thư Đồng ngay:
– Thằng nô tài khốn kiếp dám bỏ thư
phòng đi chơi, để ta mách gia gia cho mày xem.
Thư Đồng vênh váo:
– Tao đâu sợ mày, tao thách mày đấy,
mày không dám mách thì mày làm con tao.
Đại An nổi giận:
– Thằng chó đẻ dám hỗn với cha mày
sao?
Nói xong lôi cổ Thư Đồng xuống, nhổ một
bãi nước miếng vào giữa mặt Thư Đồng mà bảo:
– Để tao đi đón gia gia về rồi xử tội
mày sau.
Nói xong lên ngựa phóng ra cổng.
Trong khi đó, tại phòng Nguyệt nương,
hai sư bà vẫn lải nhải tụng kinh đọc kệ. Kim Liên chán ngấy, muốn bỏ đi lại sợ
không tiện, bèn khều Ngọc Lâu, Ngọc Lâu im lặng. Kim Liên lại khều Bình Nhi, lần
này thì Nguyệt nương trông thấy, biết ý bèn bảo:
– Ngũ muội muội gọi Lục muội muội kìa,
hai người ra ngoài nói chuyện một chút cho khuây khỏa đi.
Hai người hơi ngượng ngùng kéo nhau ra
ngoài. Kim Liên bảo:
– Đại nương thật chẳng hiểu nghĩ sao,
nhà không có đám ma, không có người bệnh mà tự nhiên đi rước hai bà sư về tụng kinh
đọc kệ rầm rĩ cả lên.
Nói xong kéo nhau lên đại sảnh thấy
thư phòng cạnh đại sảnh có thắp đèn, bên trong vợ chồng Kính Tế đang to tiếng.
Kim Liên đứng ngoài gõ vào cửa sổ mà bảo:
– Không vào trong nghe tụng kinh đọc kệ
mà ở ngoài này đấu khẩu với nhau hay sao?
Kính Tế quay ra thấy hai người thì
nói:
– Tưởng ai, té ra nhị vị nương nương,
xin mời nhị vị vào trong này.
Hai người chậm rãi bước vào. Kim Liên
hỏi:
– Hai người đang nói chuyện gì mà ồn
ào lên vậy?
Kính Tế đáp:
– Nhị vị tính coi, hôm nay gia gia sai
tôi ra ngoại thành đòi tiền, vợ tôi đưa cho tôi ba tiền, dặn mua khăn tay. Lúc
sờ tới tiền thì không thấy, do đó tôi không mua được. Không hiểu tiền rơi đâu mất,
vậy mà bây giờ nó cứ bảo là tôi đem tiền cho gái, rồi mắng chửi tôi đủ điều.
Tôi đã thề độc mà nó cũng chẳng chịu tin. Ngờ đâu a hoàn quét nhà, thấy tiền rớt
mới lượm đưa cho nó, nó không chịu đưa tiền cho tôi mà lại bắt ngày mai tôi phải
mua khăn tay cho nó nữa. Nhị vị nương nương xem thế có chịu được không cơ chứ.
Đại thư xỉa xói:
– Thôi đi tên khốn, không tằng tịu với
con nào sao lại đem cả thằng Thư Đồng đi theo làm gì? Hai cậu cháu chắc là âm
mưu chuyện gì đó chứ không đâu.
Kim Liên hỏi:
– Mà tìm thấy tiền rồi chứ gì?
Đại thư đáp:
– Hồi nãy a hoàn quét nhà lượm được,
đưa cho tôi rồi.
Kim Liên bảo:
– Thế thì việc gì phải cãi nhau nữa.
Đoạn quay sang Kính Tế:
– Để tôi cũng gửi ít tiền nhờ cậu mua
cho ít khăn tay.
Bình Nhi cũng bảo:
– Ở ngoại thành nếu có nhiều khăn đẹp,
cũng mua giùm tôi mấy cái.
Kính Tế nói:
– Ở ngoại thành có chỗ chuyên bán đủ
các loại khăn tay quý, đủ màu và thêu đủ kiểu hoa rất đẹp. Nhị vị thích màu gì,
thêu hoa gì xin nói trước để ngày mai tôi mua về cho đúng ý.
Bình Nhi bảo:
– Tôi thích loại khăn màu vàng có thêu
hình chim phượng màu thúy.
Kính Tế nói:
– Màu vàng với màu thúy sợ không nổi.
Bình Nhi bảo:
– Không nổi nhưng tôi thích, với lại
xem có thử màu nước biển thêu kim tuyến thì cũng mua cho tôi mấy cái.
Kính Tế gật đầu cười rồi hỏi Kim Liên:
– Còn Ngũ nương thì thích màu gì, hoa
gì?
Kim Liên đáp:
– Tôi không có tiền nên chỉ nhờ mua mấy
cái bằng lụa màu bạch ngọc có thêu kim tuyến mà thôi.
Kính Tế nói:
– Ngũ nương chưa già gì sao lại dùng
khăn màu trắng?
Kim Liên bảo:
– Tôi thích thì kệ tôi, với lại xem có
thứ khăn màu tía bồ đào bằng lụa Tứ Xuyên có thêu chữ “Song hỷ” thì mua thêm
cho tôi.
Bình Nhi lấy ra ít bạc, đưa cho Kính Tế
mà bảo:
– Tôi gửi tiền luôn cho Ngũ nương đó.
Kim Liên lắc đầu:
– Thôi, của tôi để tôi trả.
Bình Nhi bảo:
– Có đáng là bao, tiện đây đưa cho cậu
ấy luôn, thư thư khỏi phải mất công về phòng lấy tiền.
Kính Tế nhận bạc nói:
– Chỗ này mua cả cho Ngũ nương cũng vẫn
còn thừa.
Đoạn nhấc tay mà nói:
– Chỗ này cũng phải tới một lạng chín
tiền chứ không ít đâu.
Bình Nhi bảo:
– Nếu còn thừa thì mua giùm đại cô
nương đây luôn.
Đại thư vội đứng dậy cám ơn. Kim Liên
bảo:
– Lục nương đã bỏ tiền ra mua khăn cho
đại cô nương thì số bạc ba tiền hồi nãy nên bỏ ra mua vịt quay và rượu, ngày
mai gia gia vắng nhà, đãi Lục nương và tôi, được không?
Kính Tế bảo vợ:
– Ngũ nương đã nói vậy thì nàng phải bỏ
tiền ra làm tiệc nghe không.
Đại thư lấy ra ba tiền trao cho Kim
Liên:
– Nhờ Ngũ nương đứng ra lo cho.
Kim Liên lại đưa cho Bình Nhi:
– Để Lục nương lo được rồi.
Bốn người đang nói chuyện thì có gia
nhân vào báo là Tây Môn Khánh về. Bình Nhi, Kim Liên và Đại thư vội ai về phòng
nấy. Kính Tế vội bước ra nghênh đón cha vợ rồi thưa:
– Từ Tứ nói ngày kia sẽ xin trả trước
hai trăm năm chục lạng, còn bao nhiêu thì xin cho tới sang tháng sẽ trả nốt.
Tây Môn Khánh cằn nhằn mấy câu rồi vào
thượng phòng thay quần áo, sau đó tới phòng Kim Liên.
Chú
thích.
[88] Con
thứ ba nhà họ Vương
[89] Theo
bản tiếng Anh, đêm đó, Tây Môn Khánh đem bộ dụng cụ kích dục và thuốc nhà sư Ấn
Độ tới phòng Kim Liên để thử. Trong lúc Kim Liên đang dùng miệng kích thích
dương vật của Tây Môn Khánh, có con mèo lân la tới gần, Tây Môn Khánh cầm cây
quạt chơi đùa với nó, nhưng Kim Liên giằng lấy cây quạt đập cho con mèo mấy cái
nên thân. Lưu ý đây là một tình tiết thể hiện sự thô mãng của Kim Liên, khi
chính cô sau này tỏ ra yêu quý mèo và nuôi một con, nhưng thực chất là dùng nó
hòng hại mẹ con Bình Nhi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét