Kim Bình Mai bí hí đồ - Hồ Dã Phật dạ tập.
HỒI 50.
Đã mê danh vọng, lại cầu trường sinh
Hôm sau Hạ Đề hình tới tạ ơn Tây Môn
Khánh, đoạn nói:
– Quan anh đối với tôi thật có ơn cứu mệnh, tôi thật được nhờ quan anh nhiều lắm, chỉ còn lo là không biết chuyện chúng mình chừng nào được giải quyết xong.
Tây Môn Khánh cười:
– Xin quan anh cứ yên tâm, tôi với
quan anh có phạm lỗi gì lớn đâu. Thái sư sẽ lo cho chúng ta.
Nói xong sai gia nhân bày dọn bàn tiệc,
hai người ăn uống tới chiều.
Về phần Tăng Ngự sử, thấy văn thư của
mình gửi đi đã lâu mà không nghe tin tức gì thì biết là hai viên tham quan để
chạy chọt được, trong lòng giận lắm. Lại nghe Thái sư điều trần nhiều việc,
toàn là nhằm mục đích bóc lột dân gian, bèn lên đường về kinh, viết một tờ điều
trần, trong đó có những câu như: “Thần trộm nghĩ tiền tài trong thiên hạ
quý ở sự lưu thông, đem mồ hôi xương máu của dân tụ về kinh sư thì không phải
là chính trị hay, việc đúc tiền mới chỉ gây tệ hại, việc nắm giữ ngành muối chỉ
là bóc lột dân...” Thái Kinh được đọc tờ điều trần đó, giận lắm, tâu với
vua là Tăng Ngự sử khinh mạn cuồng ngôn, ngăn trở quốc sách, giáng xuống làm
Tri châu Khánh Châu thuộc Thiểm Tây. Viên Tuần án Ngự sử ở Thiểm Tây lại là anh
vợ của Đại học sĩ Thái Du, tên là Tống Hàn. Thái sư ngầm ra lệnh cho Tống Hàn
tìm cách hãm hại Tăng Tri châu.
Trong khi đó Tây Môn Khánh sai Hàn Đạo
Quốc cùng cháu Kiều Đại hộ là Thôi Bản tới Cao Dương Quan gặp gỡ viên chức họ
Hàn của Hộ bộ để lo việc làm ăn kiếm lời, đồng thời sai Lai Bảo dò hỏi tin tức
Thái Trạng nguyên. Một hôm Lai Bảo dò hỏi, biết là Thái Trạng nguyên cũng được
làm Tuần án Ngự sử, hiện đi cùng thuyền với Tống Ngự sử tới địa phận phủ Đông
Xương, liền về nói ngay với chủ. Tây Môn Khánh bèn cùng Hạ Đề hình đem quân hầu
đày tớ ra khỏi thành năm mươi dặm, đón tiếp tại Tân Hà khẩu rồi xuống thuyền
bái kiến mời cả Tống Ngự sử tới huyện Thanh Hà. Thái Ngự sử cười bảo:
– Quan ngự sử đây biết rồi, thế nào
cũng tới nhà. Sau đó thì Tri phủ họ Hồ đem đủ mặt viên chức trong phủ, trong đó
có Chu Thủ bị, Kinh Đô giám, Trương Đoàn luyện, cả một đoàn người ngựa chiêng
trống rùm trời. Hai viên Ngự sử được đón rước trọng thể về Án sát viện của phủ
Đông Bình, các quan lớn nhỏ lần lượt tới lạy chào. Sau đó là tiệc tùng.
Hôm sau Thái Ngự sử nói với Tống Ngự sử
rằng:
– Tại huyện Thanh Hà đệ có một người
quen biết, đó là Tây Môn Thiên hộ, thuộc dòng họ lớn, tính tình rất dễ chịu,
nhà giàu ức vạn mà rất hiếu khách, lại cũng là môn hạ của Thái lão gia, tôi
cũng đang định tới nhà thăm đây.
Tống Ngự sử hỏi:
– Viên Thiên hộ này hiện giữ chức vụ
gì?
Thái Ngự sử đáp:
– Hiện đang là Đề hình Thiên hộ, hôm
qua cũng có bái kiến niên huynh rồi mà.
Tống Ngự sử lại hỏi:
– À có phải là Tây Môn Thiên hộ này có
thân thích gì với Địch Quản gia không?
Thái Ngự sử đáp:
– Chính vậy, hiện Tây Môn Thiên hộ
đang chờ ở ngoài để mời niên huynh cùng tôi tới nhà, chẳng hay tôn ý niên huynh
thế nào?
Tống Ngự sử hơi ngần ngại:
– Đệ mới nhậm chức nơi này, tới nhà
Tây Môn Thiên hộ sợ không tiện.
Thái Ngự sử bảo:
– Niên huynh cẩn thận quá, có gì mà ngại,
vì nể mặt Địch gia, đệ và niên huynh nên tới đó một chút, thiết tưởng cũng chẳng
hại gì.
Nói xong dặn gia nhân quân hầu sửa soạn
kiệu, đồng thời sai ra báo cho Tây Môn Khánh biết. Tây Môn Khánh cùng Bôn Tứ và
Lai Bảo vội phi ngựa về nhà trước sửa soạn tiệc tùng khoản đãi, gọi ban tuồng,
dàn nhạc và các ca nữ.
Lát sau Tống Ngự sử chỉ đem theo vài quân hầu và gia nhân thân tín, rồi cùng Thái Ngự sử ngồi trên hai cỗ kiệu lớn, che rèm mà tới nhà Tây Môn Khánh. Vậy mà cả phủ Đông Bình và huyện Thanh Hà cũng ầm ĩ dư luận bàn tán rằng quan Tuần án Ngự sử là chỗ quen biết với Tây Môn Thiên hộ, đang cùng Thái Trạng nguyên tới nhà dùng tiệc. Bọn Chu Thủ bị, Trương Đoàn luyện và Kinh Đô giám hoảng lên, vội thống lãnh các viên chức và lính tráng tới cổng nhà Tây Môn Khánh để nghênh đón. Tây Môn Khánh mũ mãng cân đai, ra tận ngoài đường nghênh tiếp. Kiệu của hai viên ngự sử vừa tới cổng thì dàn nhạc tấu lên vang lừng. Tây Môn Khánh theo kiệu đến thềm đại sảnh, hai viên ngự sử bước xuống, được mời lên đại sảnh. Nơi đây trang hoàng rực rỡ, mành tương cuốn cao, bình phong la liệt, giữa đại sảnh là hai bàn tiệc bát tiên[85], mọi thứ đều tề chỉnh sẵn sàng. Hai bên chủ khách thi lễ rồi ngồi xuống. Thái Ngự sử sai gia nhân đem lễ vật tặng Tây Môn Khánh, phần lớn các lễ vật là đồ văn phòng tứ bảo. Tống Ngự sử thì chỉ có tấm thiếp hồng, trên ghi hàng chữ: “Thị sinh Tống Kiều Niên kính bái”.
Chủ khách an vị, Tống Ngự sử nói:
– Chúng tôi nghe danh Thiên hộ đã lâu,
nay may mắn diện kiến, chỉ sợ quấy quả quá nhiều. Nếu hôm nay không có Thái
niên huynh đây thì làm sao tôi được hân hạnh diện kiến tôn nhan.
Tây Môn Khánh thấy Tống Ngự sử ăn nói
hạ mình quá, bèn sợ hãi đứng dậy vái một vái mà thưa:
– Tiểu nhân đây chỉ là một chức võ
quan nhỏ, bổn phận là phải hầu hạ đại quan, nay nhờ phúc tổ tiên mà đại quan
giáng lâm đến nơi nhà tranh vách lá này, chính là tiểu nhân có phúc lớn.
Nói xong lại cúi gập người mà vái. Tống
Ngự sử cũng đứng dậy vái lại. Sau mấy tuần trà, tiệc rượu bắt đầu, dàn nhạc tấu
lên những khúc du dương, Tây Môn Khánh đích thân rót rượu mời khách quý.
Đám chức việc quân hầu và gia nhân
theo hai vị khách đều được mời vào khoản đãi tại nhà ngang.
Bữa tiệc tràn ngập rượu quý và các sơn
hào hải vị. Nhưng Tống Ngự sử là người Nam Xương thuộc Giang Tây, tính tình
nóng nẩy, không ngồi được lâu, do đó chỉ lát sau đã đứng dậy định cáo từ. Tây
Môn Khánh hoảng lên vái dài mà giữ. Thái Ngự sử cũng nói:
– Hôm nay niên huynh cũng nhàn hạ vô sự,
sao không nán lại một lúc nữa, về làm gì sớm vậy?
Tống Ngự sử nói:
– Niên huynh có thể ngồi lại, nhưng
tôi phải ra Giám sát viện để lo thu xếp công việc, mới nhậm chức cho nên công
việc còn bề bộn lắm.
Tây Môn Khánh biết Tống Ngự sử e ngại
việc giao du, không thể lưu giữ được, bèn sai gia nhân lấy một cái quả lớn, giả
danh là đồ biếu ăn, nhưng sự thật là để tặng đồ quý. Trong cái quả dành cho Tống
Ngự sử có toàn những bình rượu bằng bạc nạm vàng, những chén đĩa bằng bạc, những
đôi đũa ngà bịt vàng, kể tới gần hai chục loại như vậy. Thái Ngự sử cũng được tặng
y như vậy.
Gia nhân soạn xong, đem tới cho Tây
Môn Khánh coi. Tây Môn Khánh mời Tống Ngự sử coi. Tống Ngự sử vừa nhìn quả đựng
lễ vật vừa nhìn Thái Ngự sử rồi nói:
– Quan nhân cho nhiều quá như thế này,
tôi đâu dám nhận.
Thái Ngự sử nói:
– Niên huynh là khách quý của quan
nhân đây, nhận lễ vật của chủ nhà là chuyện phải, còn tôi mới là người không
dám nhận.
Tây Môn Khánh cúi mình thưa:
– Một chút lễ mọn, có gì đáng để nhị vị
đại quan phải ngại ngần, xin nhận giùm để chúng tôi khỏi phải lo sợ.
Hai người từ chối lấy lệ thêm vài câu
nữa rồi sai gia nhân thâu nhận lễ vật. Tống Ngự sử đứng dậy vái tạ mà nói:
– Hôm nay mới là lần sơ kiến mà đã được
hậu đãi quá như thế này, thật là quấy quả qua nhân lắm lắm, ơn đó chúng tôi
không bao giờ quên, chỉ sợ là không có dịp báo đáp mà thôi.
Đoạn quay sang bảo Thái Ngự sử:
– Niên huynh nên nán lại, để tôi được
cáo biệt.
Nói xong vái chào mà bước ra. Tây Môn
Khánh muốn thân tiễn ra đường nhưng Tống Ngự sử nhất định không chịu, chỉ lên
kiệu rồi xin về ngay. Tây Môn Khánh trở lên đại sảnh thù tiếp Thái Ngự sử, rồi
sai bày một tiệc khác tại phòng nhỏ trong hoa viên. Xong xuôi, Tây Môn Khánh mời
khách sang tiệc mới. Thái Ngự sử nói:
– Cho các ban tuồng ban nhạc về đi, chỉ
lưu lại mấy ca công thôi.
Tây Môn Khánh làm theo lời ngay rồi tiếp
tục mời khách ăn uống. Thái Ngự sử nói:
– Hôm nay là tôi chỉ theo Tống niên
huynh tới đây thôi, quan nhân cho nhiều thứ quá, biết lấy gì báo đáp?
Tây Môn Khánh cười sung sướng:
– Mấy vật mọn đó có đáng gì, chỉ sợ đại
quan chê mà thôi.
Lát sau lại hỏi:
– Chẳng hay tôn hiệu của Tống công là
gì?
Thái Ngự sử đáp:
– Tống niên huynh hiệu là Tùng Nguyên.
Hôm nay tôi phải vật nài mãi mới mời đi được đó, đáng lẽ là Tống niên huynh giữ
ý, nhất định không chịu đến. Ấy cũng nhờ Tống niên huynh với tôi là chỗ thân
giao, vả lại cũng biết quan nhân là chỗ thân thích của Địch gia nên mới chịu đến.
Tây Môn Khánh nói:
– Chắc Địch gia cũng nói giùm chúng
tôi vài câu. Tôi xem Tống công có vẻ khó khăn nóng nảy lắm.
Thái Ngự sử nói:
– Tống niên huynh tuy là người Giang
Nam nhưng cũng không nóng nảy chấp nhất lắm đâu, tính tình tương đối dễ chịu, tại
đây là lần sơ kiến đó thôi, chứ thật ra thì cũng... nghĩa là dễ chịu lắm...
Nói xong cười ha hả. Tây Môn Khánh
cũng cười hỏi:
– Chừng nào thì đại quan khởi hành?
Hôm nay có về thuyền chăng?
Thái Ngự sử đáp:
– Sáng sớm mai là tôi phải lên đường rồi.
Tây Môn Khánh nói:
– Nếu đại quan không chê thì xin ở lại
nơi chật hẹp này đêm nay, sáng mai tôi sẽ xin tiễn hành.
Thái Ngự sử cười:
– Lại làm phiền quan nhân thêm nữa rồi.
Đoạn quay lại bảo gia nhân:
– Bay ra ngoại thành hết đi, sáng sớm
mai lại rước ta.
Đám gia nhân quân hầu vâng lời đi
ngay, chỉ có hai gia nhân thân tín ở lại hầu. Tây Môn Khánh thấy gia nhân của
Thái Ngự sử đi hết, bèn gọi Đại An ra ghé tai dặn nhỏ:
– Ngươi đi gọi ngay Đổng Kiều và Ngọc
Xuyến lại đây, bảo ngồi kiệu theo cổng sau mà vào, đừng cho ai biết.
Đại An vâng lời đi ngay. Tây Môn Khánh
tiếp tục rót rượu mời khách. Mấy ca công tiếp tục đàn hát.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Lần trước đại quan về nhà, sau đó
bao lâu thì trở lại kinh, lệnh đường lão phu nhân chắc cũng khang kiện?
Thái Ngự sử đáp:
– Đa tạ quan nhân, lão mẫu tôi vẫn được
bình an. Tôi ở nhà được ít lâu về tới kinh chẳng may bị mấy lão Ngự sử già đàn
hặc những chuyện vu vơ, anh em đồng khóa chúng tôi gồm mười bốn người bị đưa về
Sử quán rồi sau đó tất cả đều phải làm ngoại quan, tôi thì làm chức Tuần Diêm,
còn Tống niên huynh thì về đây nhậm chức Tuần án. Tống niên huynh đây cũng là
môn hạ của Thái sư.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Còn An Tiến sĩ thì bây giờ làm gì?
Thái Ngự sử đáp:
– An Phượng Sơn thì bây giờ thăng chức
Công bộ Chủ sự.
Tây Môn Khánh gọi ca công bảo đàn hát
cho Thái Ngự sử nghe. Lát sau Đại An thập thò ở ngoài, Tây Môn Khánh gọi vào, Đại
An ghé tai chủ nói nhỏ:
– Đổng Kiều và Ngọc Xuyến đã dùng kiệu
theo cổng sau mà vào hiện đang chờ trong phòng Đại nương.
Tây Môn Khánh bảo:
– Cho đám phu kiệu về đi, đừng bảo chờ
làm gì.
Đại An thưa:
– Cho họ về cả rồi.
Tây Môn Khánh xin phép Thái Ngự sử để
vào phòng Nguyệt nương. Hai ca nữ lạy chào. Tây Môn Khánh bảo:
– Hôm nay đặc biệt mời hai nàng tới
đây là để nhờ hai nàng hát cho Thái Trạng nguyên nghe, Thái Trạng nguyên hiện
làm chức Tuần Diêm Ngự sử, hai nàng cố gắng trổ tài tất sẽ trọng thưởng.
Ngọc Xuyến cười:
– Gia gia khỏi cần dặn, chúng tôi biết
cả rồi.
Tây Môn Khánh nói đùa:
– Thái Ngự sử vốn người miền Nam, hơi
nóng nảy một chút, các nàng đừng sợ đấy nhé!
Đổng Kiều cười:
– Khó tới đâu chúng tôi cũng chiều được
hết.
Tây Môn Khánh mỉm cười bước ra, tới
ngoài thì gặp Kính Tế và Lai Bảo từ ngoài đi vào, tay cầm một tấm thiếp nói:
– Kiều thân gia dặn là nhân dịp có
Thái Ngự sử ở đây, gia gia thưa chuyện làm ăn luôn đi, kẻo sáng mai vội vàng rồi
quên, cậu Kính Tế đã viết sẵn tên tuổi của hai đứa tôi đây rồi.
Tây Môn Khánh bảo:
– Theo ta.
Lai Bảo theo vào hoa viên, đứng chờ
ngoài phòng khách. Tây Môn Khánh tiếp tục rót rượu mời Thái Ngự sử, lát sau mới
mở lời:
– Tiểu nhân có một chuyện nhỏ, nhưng cứ
sợ, không dám nói.
Thái Ngự sử bảo:
– Quan nhân có chuyện gì, cứ nói, nếu
không quá sức tôi thì chẳng bao giờ tôi dám từ nan.
Tây Môn Khánh nói:
– Thân gia của chúng tôi từ năm ngoái
lo việc cung cấp lương thực, nay xin đại quan giúp đỡ về việc muối ở Dương
Châu, có tên tuổi của các gia nhân đây.
Nói xong đưa tấm thiếp ra. Thái Ngự sử
cầm tấm thiếp, thấy ghi tên Lai Bảo và Thôi Bản, nghề nghiệp là chế tạo và buôn
bán muối, bèn cười:
– Tưởng chuyện gì, chứ chuyện này có
khó gì đâu.
Tây Môn Khánh gọi Lai Bảo vào. Lai Bảo
bước tới mặt Thái Ngự sử Sụp lạy. Thái Ngự sử dặn:
– Khi ta tới Dương Châu thì tới án sát
viện gặp ta, ta sẽ để cho người được sớm hơn những thương gia khác một tháng.
Tây Môn Khánh đỡ lời:
– Đa tạ đại quan thương giùm, nhưng chỉ
xin mười ngày là đủ.
Nói xong chủ tớ lại lạy tạ. Lai Bảo
lui ra, Tây Môn Khánh rót rượu mời, các ca công lại đàn hát. Thái Ngự sử bỏ tấm
thiếp vào tay áo.
Tới lúc trời chạng vạng, Thái Ngự sử
nói:
– Quấy quả quan nhân suốt sáng tôi giờ,
tôi không uống thêm được nữa đâu.
Đám gia nhân định đốt đèn, nhưng Tây
Môn Khánh bảo:
– Đừng thắp đèn vội.
Đoạn quay sang Thái Ngự sử:
– Thỉnh đại quan vào trong nhà thay áo
cho khỏe.
Nói xong dẫn Thái Ngự sử ra ngoài hoa
viên thăm viếng các cảnh trí rồi tới hiên Phỉ Thúy, nơi đây đèn đuốc sáng
trưng, tiệc mới đã dọn, hai ca nữ trang điểm cực kỳ lộng lẫy bước ra thềm sụp lạy
bốn lạy.
Thái Ngự sử ngạc nhiên vừa hồi hộp vui
mừng, đứng khựng lại mà bảo:
– Quan nhân yêu quý tôi tới mức này
hay sao? E rằng tôi không xứng đáng.
Tây Môn Khánh cười:
– Lần này đại quan đi chơi, nào có
khác cuộc đi chơi Đông Sơn thuở trước.
Thái Ngự sử cười:
– Nhưng tôi không có cái tài của An Thạch,
còn đại quan thì chẳng khác gì Vương Hữu Quân.
Nói xong nắm tay hai ca nữ mà bước
vào. Bên trong trang trí cực thanh nhã, có cả một án thư với văn phòng tứ bảo.
Thái Ngự sử thấy vậy tự nhiên cao hứng muốn làm thơ tặng. Tây Môn Khánh vội sai
Thư Đồng lấy nghiên mài mực rồi lấy giấy cẩm tiên ra để trên án thư. Thái Ngự sử
bước tới cầm bút viết ngay một bài thơ, nét chữ như rồng như phượng:
“Không đến nhà chơi đã nửa niên,
Nơi này văn vật vẫn y nguyên.
Hoa thơm cỏ biếc thêm lưu luyến,
Gió mát trăng trong hết não phiền.
Rượu đã tràn say chung rượu quý,
Thơ còn vương vấn ý thơ tiên.
Biệt ly lòng những bao buồn nhớ,
Biết đến ngày nao nối cựu duyên.”
Viết xong buông bút đứng dậy. Tây Môn
Khánh bước tới đọc, khen tặng không hết lời rồi sai Thư Đồng dán lên tường để
khách khứa tới thưởng lãm. Thái Ngự sử trở về chỗ ngồi rồi hỏi hai ca nữ:
– Hai nàng tên gì?
Đổng Kiều thưa:
– Tôi họ Đổng, tên Kiều, chị bạn đây họ
Hàn, tên Ngọc Xuyến.
Thái Ngự sử lại hỏi:
– Hai nàng có tên hiệu không?
Đổng Kiều đáp:
– Chúng tôi làm nghề ca xướng thấp
hèn, làm gì có tên hiệu.
Thái Ngự sử bảo:
– Hai nàng chớ quá khiêm nhường, cứ
nói ta nghe.
Hỏi tới ba bốn lần, Ngọc Xuyến mới
đáp:
– Tiểu nhân hiệu là Ngọc Khanh.
Đổng Kiều nói tiếp:
– Tiểu nhân hiệu là Vi Tiên.
Thái Ngự sử khen hiệu Vi Tiên là hay,
rồi bảo Thư Đồng đem bàn cờ tới, cùng Đổng Kiều đánh cờ.
Tây Môn Khánh ngồi bên coi. Ngọc Xuyến
chuốc rượu bằng chén vàng. Còn Thư Đồng thì hát. Xong một ván cờ, Đổng Kiều đứng
dậy rót rượu dâng Thái Ngự sử, Ngọc Xuyến cũng chuốc rượu cho Tây Môn Khánh. Cứ
sau một ván cờ, lại tới lượt chuốc rượu. Mấy ván qua đi, Thái Ngự sử bảo:
– Quan nhân à, tôi không uống nổi nữa,
xin ra ngoài cho khoan khoái một chút.
Nói xong bước ra hoa viên, đứng dưới mấy
giàn hoa. Lúc đó là vào trung tuần tháng tư, trăng sáng vừa lên. Tây Môn Khánh
nói:
– Trời hãy còn sớm, để Ngọc Xuyến hầu
đại quan một chung rượu.
Thái Ngự sử bảo:
– Được lắm, gọi nàng ra đây, ta đứng
dưới hoa này mà uống một chung.
Đổng Kiều và Ngọc Xuyến bước ra hoa
viên. Đổng Kiều cầm bình rượu quý mà rót, Ngọc Xuyến cầm chén Kim Đào dâng lên
tận miệng Thái Ngự sử. Thái Ngự sử uống xong, tự tay rót một chung thưởng cho
Ngọc Xuyến, rồi quay sang cầm tay Tây Môn Khánh bảo:
– Hôm nay được quan nhân hậu đãi thế
này quả là ngoài cả lòng mong mỏi, đủ biết thịnh tình của quan nhân đối với tôi
là thế nào. Lúc trước ở kinh tôi cũng nhắc nhở Địch gia nhiều lần, từ nay tôi
cũng để ý tìm cơ hội để giúp quan nhân tiến bước phong vân. Ơn của quan nhân với
tôi, dù có thế nào cũng chẳng bao giờ tôi quên được.
Tây Môn Khánh sung sướng vái tạ rồi
nói:
– Được đại quan để ý cho là chúng tôi
mang ơn rồi, đại quan việc gì phải dạy như vậy.
Thái Ngự sử lại quay sang nắm tay Đổng
Kiều hỏi han trò chuyện. Ngọc Xuyến thấy vậy lui vào trong rồi tới phòng Nguyệt
nương. Nguyệt nương hỏi:
– Sao ngươi không săn sóc cho Thái Ngự
sử ngủ?
Ngọc Xuyến cười:
– Thái Ngự sử đang nắm tay nắm chân Đổng
Kiều rồi, tôi ở đó mà làm gì.
Lát sau Tây Môn Khánh vào trong gọi
Lai Hưng dặn:
– Sáng sớm mai, khoảng canh năm, ngươi
phải làm sao có tiệc rượu ở chùa Vĩnh Phúc tại ngoại thành để ta tiễn đưa Thái
Ngự sử. Nhớ gọi hai tên ca công tới. Đừng quên đấy.
Lai Hưng nói:
– Nhưng tới ngày sinh nhật của Nhị
nương rồi, tôi phải lo nhiều việc.
Tây Môn Khánh bảo:
– Thì ngươi cứ bảo thằng Kỳ Đồng mua
bán rồi sai nhà bếp làm, ngươi chỉ để mắt cho ta mà thôi.
Trong khi đó Đại An và Thư Đồng dẹp tiệc
rượu, rồi đem trà ra. Sau đó dọn giường trong thư phòng cạnh hiên Phỉ Thúy để
Thái Ngự sử đi nghỉ.
Thái Ngự sử thấy Đổng Kiều cầm trong
tay một cây quạt bằng trúc Tương phi, trên vẽ một bức tranh thủy mặc, thì cứ
nhìn đăm đăm. Đổng Kiều thấy vậy bèn nói:
– Xin đại quan ban cho tôi một bài thơ
trên cây quạt này.
Thái Ngự sử cười:
– Chẳng biết lấy đề tài gì, thôi thì để
ta nói về tên hiệu của nàng là Vi Tiên vậy.
Nói xong bước tới án thư, cầm bút đề
lên quạt bài thơ như sau:
“Vườn hoa, lầu thúy, mối tình si,
Trăng sáng cành xuân, tương ngộ thì,
Duyên đẹp nào hay đêm đã muộn,
Người thơ mải ngắm đóa tường vi.”
Viết xong, trao cây quạt cho Đổng Kiều.
Đổng Kiều lạy tạ. Sau đó hai người lên giường nghỉ. Thư Đồng, Đại An và hai gia
nhân của Thái Ngự sử nằm ngủ bên ngoài để phòng khi gọi tới.
Sáng sớm hôm sau, trước canh năm, Thái
Ngự sử đã dậy, gói một lạng bạc trong giấy điều tặng cho Đổng Kiều. Đổng Kiều
đem vào cho Tây Môn Khánh coi. Tây Môn Khánh cười:
– Ngự sử làm gì có tiền nên mới thưởng
ít như vậy đó, để ta thưởng thêm cho ngươi.
Nói xong bảo Nguyệt nương cho mỗi nàng
năm lạng, rồi sai người gọi kiệu theo cổng sau mà đưa ra. Trong khi đó Thư Đồng
lấy nước rửa mặt cho Thái Ngự sử. Tây Môn Khánh mời Thái Ngự sử dùng cháo. Lát
sau gia nhân quân hầu đem kiệu tới đón, Thái Ngự sử đứng đậy cáo biệt. Tây Môn
Khánh nói:
– Chuyện hôm qua tiểu nhân nhờ cậy,
xin đại quan lưu tâm, tới nơi xin viết thư về cho tiểu nhân.
Thái Ngự sử nói:
– Quan nhân cứ yên tâm, tôi xin hết
lòng, không bao giờ dám từ nan, cần gì, quan nhân cứ cho người mang vài nét chữ
tới, tôi nguyện làm theo.
Sau đó Thái Ngự sử lên kiệu, Tây Môn
Khánh cưỡi ngựa cùng gia nhân tới chùa Vĩnh Phúc ở ngoại thành. Nơi đây tiệc rượu
tiễn đưa đã được Lai Hưng cho chuẩn bị chỉnh tề, Lý Minh và Ngô Huệ đứng bên tiệc
đàn hát.
Tiệc xong, Thái Ngự sử đứng dậy tạ từ,
Tây Môn Khánh nhắc chuyện Miêu Thanh rồi nói:
– Hắn là chỗ quen biết với tiểu nhân,
chẳng qua bị vị Tuần án tiền nhiệm họ Tăng kết án, ra lệnh cho người tới Dương
Châu truy nã, vậy xin đại quan nói giùm với Tống công một câu.
Thái Ngự sử nhận lời, đôi bên dùng dằng
ly biệt. Thái Ngự sử thấy Tây Môn Khánh chưa có vẻ yên tâm về vụ Miêu Thanh bèn
hứa:
– Xin quan nhân cứ yên tâm, tôi sẽ nói
với Tống công dẹp vụ đó đi là xong.
Tây Môn Khánh vái tạ.
Sau này, khi Tống Ngự sử tới Tế Nam,
trên đường đi gặp thuyền của Thái Ngự sử, hai người nói chuyện, có nhắc tới vụ
Miêu Thanh ở Dương Châu. Thái Ngự sử bảo:
– Vụ án đó là của Tăng Ngự sử lúc trước,
niên huynh hơi đâu lo làm gì.
Do đó mà Tống Ngự sử bỏ qua vụ này.
Nhưng đó là chuyện về sau...
Lại nói, Tây Môn Khánh đòi tiễn Thái
Ngự sử tới thuyền nhưng Thái Ngự sử không chịu:
– Quả không dám làm phiền quan nhân
hơn nữa.
Tây Môn Khánh nói:
– Dọc đường xin đại quan bảo trọng
thân thể, ít hôm nữa tôi sẽ sai người tới vấn an.
Hai người chia tay. Thái Ngự sử lên kiệu
mà đi. Tây Môn Khánh trở vào chùa, ngồi tại phương trượng, chuyện trò với vị
tăng trưởng, thưởng tiền bạc cho nhà chùa. Tây Môn Khánh thấy vị tăng trưởng
tóc bạc trắng như tuyết, bèn hỏi:
– Chẳng hay trưởng lão năm nay niên kỷ
bao nhiêu?
Vị trưởng lão đáp:
– Bần tăng bảy mươi tư tuổi rồi.
Tây Môn Khánh nói:
– Vậy mà lão còn khang kiện lắm, chẳng
hay quý pháp hiệu là gì?
Vị trưởng lão đáp:
– Pháp danh của bần đạo là Đạo Kiên.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Chẳng hay trưởng lão có bao nhiêu vị
đồ đệ?
Vị trưởng lão đáp:
– Bần tăng chỉ có hai người tiểu đồ,
nhưng tăng chúng chùa này thì gồm ba mươi vị.
Tây Môn Khánh nói:
– Chùa này cũng lớn, nhưng hình như
không được tu bổ.
Vị trưởng lão nói:
– Chẳng giấu gì lão gia, chùa này
nguyên là do Chu Tú lão gia tạo dựng, nhưng các vị trụ trì ở đây chẳng vị nào
có tiền để tu bổ nên cảnh Phật mới tiêu điều như thế này đây.
Tây Môn Khánh ngạc nhiên:
– Thì ra chùa này là công quả của phủ
Thủ Bị sao? Nếu vậy trưởng lão hãy nói với Chu đại nhân, làm một cuốn sổ lạc
quyên, tôi sẽ cúng ít nhiều.
Vị trưởng lão vội đứng dậy vái tạ. Tây
Môn Khánh quay lại bảo Đại An:
– Ngươi lấy một lạng bạc để tạ ơn trưởng
lão. Hôm nay ta quấy quả cửa thiền nhiều quá.
Vị trưởng lão nói:
– Bần tăng không ngờ hôm nay có lão
gia tới nên không kịp chuẩn bị tiệc chay.
Tây Môn Khánh nói:
– Phiền trưởng lão cho tôi được thay
áo.
Vị trưởng lão sai một tiểu tăng đưa
Tây Môn Khánh vào hậu đường thay áo. Lúc trở ra, Tây Môn Khánh nhìn vào năm
gian đại thiền đường, thấy bên trong có rất nhiều vị tăng đi vân du bốn phương,
đang ghé lại tá túc và tụng kinh, Tây Môn Khánh tự nhiên bước vào, thấy có một
vị hòa thượng mặt mũi gầy ốm hình dung cổ quái, đầu beo mắt vượn, không tụng
kinh như mọi người mà ngồi bất động trên giường. Tây Môn Khánh nghĩ rằng đây hẳn
là một vị cao tăng có nhiều pháp thuật, nên muốn tới hỏi vài câu, bèn bước tới
vái rồi hỏi:
– Sư phụ là người quê quán nơi nào, trụ trì tại đâu?
Vị tăng im lặng, mắt nhìn đâu đâu. Tây
Môn Khánh hỏi lại lần thứ nhì, vị tăng vẫn im lặng. Tây Môn Khánh hỏi lại lần
thứ ba, vị tăng mới từ từ nhìn thẳng vào Tây Môn Khánh cất giọng khàn khàn trả
lời:
– Quan nhân hỏi làm gì? Bần tăng đi
không đổi tên, ngồi không đổi họ, vốn trụ trì tại chùa Hàn Đình dưới chân ngọn
Tề Yêu Phong trong rừng Mật Tùng nước Thiên Trúc thuộc Tây Vực. Bần tăng vân du
bốn phương dùng thuốc chữa bệnh cho thế gian, nay ghé đây tá túc. Chẳng hay
quan nhân muốn dạy bảo chuyện chi?
Tây Môn Khánh nói:
– Sư phụ nói là dùng thuốc cứu đời, vậy
tôi muốn xin ít thuốc bổ, chẳng hay sư phụ có sẵn đây không?
Vị tăng đáp:
– Có chứ.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Nay tôi muốn mời sư phụ tới nhà, sư
phụ chịu đi chăng.
Vị tăng đáp:
– Đi chứ.
Tây Môn Khánh nói:
– Nếu vậy thì tôi thỉnh sư phụ ngay
bây giờ.
Vị tăng im lặng bước xuống giường, đeo
túi thuốc lên vai, tay chống thuyền trượng bước ra. Tây Môn Khánh bảo Đại An:
– Ngươi lấy một con lừa cho sư phụ cưỡi,
thỉnh sư phụ về nhà trước, ta về sau.
Vị tăng Tây Trúc nói:
– Tôi không quen cưỡi lừa ngựa, chỉ
quen đi bộ, quan nhân cứ lên ngựa đi, tôi sẽ tới quý phủ trước cả quan nhân nữa.
Tây Môn Khánh càng tin là vị cao tăng
này có pháp thuật cao cường bèn vái chào vị trưởng lão rồi lên ngựa dẫn vị tăng
vào thành.
Hôm đó là ngày mười bảy tháng tư, vừa
là sinh nhật của Kiều Nhi và Vương thị. Trong nhà Tây Môn tiệc tùng linh đình,
khách khứa tấp nập. Tới quá trưa thì Vương thị sai em là Vương Kinh tới mời.
Nhưng Vương Kinh không dám vào nhà mà
chỉ hỏi Bình An ở cổng là cho gặp Đại An. Đại An theo Tây Môn Khánh chưa về,
Vương Kinh cứ thẩn thơ ngoài cổng mà đợi. Đang đứng đợi thì Nguyệt nương và
Bình Nhi tiễn Lý bà ra cổng. Lý bà lên kiệu về xong, Nguyệt nương thấy một thiếu
niên mười lăm mười sáu tuổi đứng thẩn thơ ngoài cổng thì hỏi:
– Ngươi là ai?
Tên Vương Kinh không biết Nguyệt nương
nên chạy tới vái chào mà thưa:
– Dạ, tôi là người của nhà họ Hàn, tới
muốn tìm Đại An ca ca nói câu chuyện.
Bình An sợ Nguyệt nương biết Vương
Kinh do Vương thị sai tới mời Tây Môn Khánh, lại sợ Vương Kinh sơ suất tiết lộ
chuyện kín của chủ, bèn bước tới đẩy Vương Kinh ra một bên rồi thưa:
– Tên này là người của Hàn Quản lý, tới
đây tìm Đại An để hỏi là chừng nào Hàn Quản lý về được.
Nguyệt nương không nói gì, chỉ im lặng
quay vào. Lát sau Đại An và vị tăng tới cổng, vị tăng đi bộ mà mặt mày thung
dung, còn Đại An đi ngựa mà mồ hôi như tắm. Bình An chạy ra nói nhỏ với Đại An
về việc Vương thị sai Vương Kinh đi mời Tây Môn Khánh. Lại nói thêm:
– Nhưng không ngờ Đại nương tiễn khách
ra cổng bắt gặp và hỏi nó, tôi phải nhảy ra nói đỡ như vậy. Nếu Đại nương có hỏi
thì anh cứ nói đúng như thế. Tôi mà không lanh trí thì chuyện lộ rồi còn đâu.
Đại An gật đầu rồi bảo:
– Hôm nay tự nhiên gia gia cho mời vị
tăng này tới, bảo lấy lừa cho cưỡi, ông ta không chịu mà đòi đi bộ. Dọc đường
ông ta chạy như bay tôi phi ngựa mới đuổi kịp. Thật là bực mình.
Vừa nói vừa quạt, Bình An hỏi:
– Gia gia mời vị tăng tới nhà làm gì?
Đại An đáp:
– Ai mà biết, nhưng nghe đâu là để xin
thuốc uống.
Hai đứa đang trò chuyện thì Tây Môn
Khánh phi ngựa về tới, thấy vị tăng đang đứng dựa cổng thì cười bảo:
– Sư phụ quả là thần nhân, quả nhiên
sư phụ về trước tôi.
Nói xong xuống ngựa mời vị tăng vào đại
sảnh. Chủ khách an tọa dùng trà. Vị tăng ngắm nhìn tòa đại sảnh, thấy cao rộng
nguy nga, ngoài treo rèm quý, thêm có sư tử đá, trong bày toàn bình phong quý,
có một cái bình phong cẩn đá Đại Lý, xung quanh tường treo nhiều bức tranh cổ
giá trị, đồ đạc trưng bày toàn thứ hiếm có đắt tiền. Qua một tuần trà, Tây Môn
Khánh hỏi:
– Sư phụ có dùng rượu được chăng?
Vị tăng nói:
– Bần tăng không kiêng cữ gì rượu thịt
cả.
Tây Môn Khánh bèn quay lại bảo gia
nhân dọn rượu thịt. Hôm đó là sinh nhật của Kiều Nhi bên trong nhà sẵn tiệc
ngon. Đại An bày bàn ra, nhà bếp mang lên toàn thịt cá đủ loại xào nấu thơm
ngon, Thư Đồng đem ra một bình rượu quý. Trong các món ăn, có đủ loại thịt gà vịt
dê lợn, đặc biệt có món canh thịt, thịt được băm ra nặn thành hình rồng và hai
khối thịt tròn, gọi tên là “Nhất long hí nhị châu”. Cầm Đồng rót rượu Tư âm bạch
tuyết vào cái chung liên bồng, dâng cho vị tăng. Tây Môn Khánh ân cần tiếp đãi.
Vị tăng ăn như sấm sét, tửu lượng rất cao, một loáng ăn gần hết bàn tiệc, uống
gần cạn một bình rượu lớn. Lát sau nói:
– Bần tăng đã no say rồi.
Tây Môn Khánh mời vị tăng tới bàn bên
cạnh dùng hoa quả rồi nói:
– Tôi chỉ xin cầu thuốc trường sinh.
Vị tăng nói:
– Tôi có một thứ thuốc chế bằng tinh
túy của bách hoa vạn thảo. Hàng năm cứ tới những ngày mồng ba tháng ba, mồng
năm tháng năm, mồng bảy tháng bảy, mồng chín tháng chín thì tôi trai giới, nấu
luyện thành cao. Sau đó bốn chín ngày, tôi tán thành bột rồi chế thành thuốc
hoàn. Tôi chưa dám cho ai vì chưa gặp người có duyên. Nay gặp quan nhân hậu
đãi, tôi xin tặng vài hoàn.
Nói xong lấy một cái hồ lô trong tay nải
ra, đổ ra mười viên thuốc rồi dặn:
– Mỗi sáng sớm uống với nước trà.
Tây Môn Khánh nhận mấy viên thuốc rồi
nói:
– Chẳng hay công hiệu của thứ thuốc
này là thế nào?
Vị tăng đáp:
– Thứ thuốc này:
“Hiếm như nước ngọc
Quý tựa quỳnh tương
Tháng tháng tinh thần sảng khoái
Ngày ngày khí huyết phương cương
Đọc sách nhiều nhưng vẫn nhớ
Công việc bận cũng không quên.
Thuốc có ngọt có đắng
Ấy là thọ với khang
Trăm năm tóc đen nhánh
Ngàn năm thể lực cường
Chắc răng lại sáng mắt
Bổ tim, bổ gan ruột, lại bổ dương
Mùa đông trong người ấm áp
Mùa hè mát mẻ như thường
Thuốc này nếu chịu uống
Tuổi thọ sẽ miên trường
Tặng cho người tri kỷ
Xin chớ coi tầm thường.”
Tây Môn Khánh nghe xong mừng lắm nói:
– Tôi rất tin, nhưng có điều xin thưa
cùng sư phụ. Người đời thường nói “mời lang y thì chọn người tốt, xin thuốc thì
phải xin đơn”. Nay sư phụ cho tôi nhưng không cho đơn, ít hôm nữa tôi uống hết
rồi làm sao tìm được sư phụ.
Nói xong quay lại bảo Đại An vào lấy
ba chục lạng bạc ra đưa cho vị tăng để xin đơn thuốc. Nhưng vị tăng cười bảo:
– Bần tăng là người tu hành, vân du bốn
phương, tới đâu là chẳng có ăn, đâu có cần những thứ này làm gì. Xin quan nhân
cất đi.
Nói xong, không cho đơn thuốc, mà đứng
dậy cáo từ. Tây Môn Khánh nói:
– Nếu sư phụ không nhận tiền thì tôi
xin tặng ít vải để sư phụ may quần áo.
Nói xong sai Đại An lấy một xấp vải tốt
ra. Tây Môn Khánh hai tay đưa cho vị tăng. Vị tăng nhận vải, cho vào tay nải,
nói lời cảm tạ rồi cáo từ, thoăn thoắt bước ra cổng, chớp mắt đã không thấy đâu
nữa.
Chú
thích.
[85] Bàn
vuông to cho tám người ngồi (mỗi phía ngồi được hai người).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét