HỒI 43.
Một tối nguyên tiêu
Tây Môn Khánh cũng tới bàn tính với
Nguyệt nương, Ngô Đại cữu mẫu và Bình Nhi. Nguyệt nương nói:
– Người ta đem lễ vật sang nhà cho con mình trước thì mình cũng phải có lễ vật sang cho trưởng thư nhà người ta chứ.
Ngô Đại cữu mẫu nói:
– Việc này phải có một người mai mối đứng
ra lo liệu mới được.
Nguyệt nương nói:
– Người ta bên đó có Khổng tẩu, còn
mình biết nhờ ai bây giờ?
Tây Môn Khánh bảo:
– Thôi thì bây giờ lại phải nhờ tới
Phùng lão vậy.
Nói xong sai viết tám tấm thiếp, bảo
Phùng lão và Đại An đem đi mời Kiều Đại nương, Kiều ngũ thái thái, vị Thượng Cử
nhân, vợ Chu Tự Ban, Đoạn Đại thư, Trịnh Tam thư, tới ngày rằm sang dự tiệc. Một
mặt sai Lai Hưng mua rất nhiều lễ vật về, sau đó sai Kính Tế và Bôn Tứ đem sang
nhà họ Kiều.
Hôm sau trong nhà Tây Môn Khánh cứ rộn
rịp cả lên. Đang lúc người nào cũng bận rộn thì Ứng Bá Tước đến, thấy vậy thì hỏi
nguyên do. Tây Môn Khánh kể lại việc kết thân với Kiều đại hộ, rồi nói tiếp:
– Ngày rằm, ở đây mở tiệc đãi thân gia
và các khách đàn bà, anh em mình thì tới nhà ở đường Sư Tử vừa uống rượu vừa ngắm
chợ đèn.
Bá Tước ngồi chơi một lúc rồi về.
Tới ngày rằm, từ sáng sớm Ngô Ngân Nhi
đã sai người đem rất nhiều lễ vật đắt tiền tới tặng Bình Nhi và Tố Quan, đồng
thời viết thiếp xin làm con nuôi. Bình Nhi nhận lễ vật và gửi lời cảm tạ. Lát
sau thì Ngân Nhi thân tới lạy Bình Nhi. Trong khi đó Quế Thư đang ngồi nói chuyện
với Nguyệt nương, thấy Ngân Nhi thì hỏi nguyên do, Nguyệt nương bèn kể lại đầu
đuôi, nói rõ việc Ngân Nhi xin làm con nuôi Bình Nhi.
Quế Thư nghe xong không nói gì nhưng
trong lòng giận Ngân Nhi lắm. Hôm đó hai người tuy gần nhau mà không nói với
nhau câu nào.
Trong khi đó, tại sảnh đường, ban hát
gồm hai mươi người từ phủ Vương Hoàng thân tới, đang ra mắt Tây Môn Khánh. Tây
Môn Khánh sai gia nhân dọn phòng cho họ ở và bày tiệc rượu khoản đãi. Đoàn hát
này do hai người thầy tuồng dẫn dắt. Lát sau thì Chu Thủ bị phu nhân, mẫu thân
của Kinh Đô giám, Kinh Đô giám phu nhân, Trương Đoàn luyện phu nhân, cùng nhau
kéo đến, kiệu lớn kiệu nhỏ, gia nhân quân hầu dẹp đường ầm ĩ. Nguyệt nương dẫn
đám tiểu thiếp ra tận cổng đón tiếp vào phòng khách, đôi bên thi lễ rồi phân
ngôi chủ khách mà ngồi. Gia nhân đem trà ra, mọi người vừa uống trà vừa có ý chờ
đợi Hạ Đề hình phu nhân. Mãi tới trưa mới nghe lính tráng dẹp đường, rồi kiệu của
Hạ Đề hình phu nhân từ cổng tiến vào, quân hầu đầy tớ xúm xít trước sau. Hạ phu
nhân bước lên sảnh đường chào hỏi mọi người. Khách khứa đã đông đủ, sau mấy tuần
trà, Nguyệt nương mời mọi người nhập tiệc. Xuân Mai, Nghênh Xuân, Ngọc Tiêu và
Lan Hương xiêm y lộng lẫy đàn hát trước tiệc mua vui, đồng thời thay phiên nhau
chuốc rượu cho khách. Sau nhiều tuần rượu, Nguyệt nương cho đoàn hát ca diễn tại
một sân khấu đã dựng sẵn trước sảnh đường, khách ngồi dự tiệc vừa uống rượu vừa
xem tuồng.
Tây Môn Khánh thì lúc bắt đầu tiệc, ra
chào hỏi khách, rồi trở ra lên ngựa tới căn nhà ở đường Sư Tử, nơi đây đã được
dọn tiệc để đãi Ứng, Tạ hai người. Đồng thời cũng sai Đại An tới mời Vương thị
tới đó.
Đại An tới nhà Vương thị bảo:
– Gia gia sai tôi mời Hàn đại thẩm tới
nhà tại đường Sư Tử uống rượu xem đèn.
Vương thị bảo:
– Đi khỏi nơi này ta ngại lắm, vả lại
Hàn đại thúc của người biết được thì sao?
Đại An bảo:
– Gia gia đã nói trước với Hàn đại
thúc rồi. Nếu đại thẩm không tới thì lấy ai chuốc rượu cho gia gia.
Vương thị im lặng suy nghĩ, chưa biết
nên đi hay không thì Hàn Đạo Quốc về. Đại An nói ngay:
– Hàn đại thúc về đây rồi, Hàn đại thẩm
không chịu tin lời tôi nói đây này.
Vương thị hỏi chồng:
– Có thật gia gia cho gọi tôi không?
Đạo Quốc bảo:
– Thật chứ sao không, ở đó chỉ có hai
ca nữ đàn hát, không ai lo việc bếp nước và làm món ăn, nàng có đến đó mau mau
hay không. Gia gia bảo tôi đóng cửa tiệm sớm rồi lát ghé nơi đó uống rượu luôn.
Vương thị nói lấy lệ:
– Không biết lúc nào tiệc mới tan để về
cho sớm, nhà chẳng có ai.
Nói xong trở vào trang điểm, thay xiêm
y theo Đại An đi. Tới nơi đã thấy vợ Lai Chiêu tới trước trang hoàng nhà cửa,
trầm hương thơm lừng. Trong khi đó, Ứng Bá Tước đã đến và đang cùng Tây Môn
Khánh đứng trên bao lơn vén mành nhìn xuống chợ đèn bên dưới. Bỗng thấy Tạ Hy Đại,
Chúc Thật Niệm và một người đầu đội khăn hình vuông, đang chen chúc trong đám
đông xem đèn. Tây Môn Khánh bèn chỉ xuống hỏi Bá Tước:
– Nhị ca có quen người đội khăn vuông
dưới kia không?
Bá Tước nhìn kỹ rồi đáp:
– Người này quen mặt lắm, nhưng thình
lình không thể nhớ ra.
Tây Môn Khánh gọi Đại An lên bảo:
– Mày xuống dưới kia ngầm mời Tạ gia
lên đây, nhớ đừng cho Chúc gia và người đội khăn vuông kia biết.
Đại An vội chạy xuống lầu, mở cửa ra đường,
len lỏi vào đám đông đi theo ba người, rồi lựa lúc Chúc Thật Niệm và người lạ
đi trước, Tạ Hy Đại đi sau, bèn bước tới kéo nhẹ tay áo Tạ Hy Đại. Hy Đại giật
mình quay lại, Đại An nói ngay:
– Gia gia tôi và Ứng nhị gia đang ở
trên lầu, mời đại gia lên ngay có chuyện muốn nói.
Hy Đại bảo:
– Được rồi, ngươi lên thưa là chút nữa
ta tới.
Đại An trở về, Tạ Hy Đại cùng đi với
hai người tới một nơi đông đúc rồi lẩn về căn nhà lầu của Tây Môn Khánh. Hai
người kia, cứ mãi xem đèn, quay lại không thấy Hy Đại thì rủ nhau đi tìm. Trong
khi đó Hy Đại bước lên lầu vái chào rồi nói:
– Đại ca và Ứng nhị ca ở đây, sao
không sai người nói cho đệ một tiếng?
Tây Môn Khánh nói:
– Tôi đã nhờ Ứng nhị ca đây tới mời
nhưng nhị ca tới thì ca ca không có nhà. Bây giờ tôi tin hỏi, lúc ca ca tới đây
thì Chúc ca có biết không?
Hy Đại không biết chuyện gì nhưng cũng
đáp:
– Chúc ca không biết, nhưng chuyện gì
vậy?
Tây Môn Khánh hỏi:
– Người đội khăn vuông đi cùng với nhị
vị ca ca là ai vậy?
Hy Đại đáp:
– Người đội khăn vuông đó là Vương Tam
quan nhân ở trong phủ Vương Chiêu Tuyên đó. Hôm nay Vương Tam và Chúc ca tới
nhà tôi, họ Vương muốn nhờ tôi và Chúc ca đứng ra bảo lãnh để vay ba trăm lạng
để lên kinh đô theo học tại nhà Vũ học hầu thi ra làm quan võ, nhưng tôi biết
vay ai giùm bây giờ. Do đó ba chúng tôi rủ nhau đi coi chợ đèn nguyên tiêu giải
muộn.
Đoạn quay lại hỏi Bá Tước:
– Nhị ca tới đây lâu chưa?
Bá Tước đáp:
– Vì tôi còn ghé nhà huynh để mời
huynh, nhưng không gặp, nên cũng chỉ mới tới đây được một lát mà thôi.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Huynh đã ăn uống gì chưa?
Hy Đại đáp:
– Đã ăn uống gì đâu, theo hai ông đó
đi rã cả cẳng mà chẳng có lấy một hớp rượu nữa.
Tây Môn Khánh quay lại bảo Đại An:
– Bảo nhà bếp đem cơm rượu lên đây cho
Tạ đại gia của ngươi ăn.
Đại An đã bưng ra bốn đĩa đồ ăn, một
bình rượu nhỏ và mấy thố cơm. Hy Đại ngồi xuống ăn một mình, loáng cái đã hết sạch.
Trong khi đó Tây Môn Khánh và Bá Tước ngồi đánh cờ giải trí. Hy Đại ăn xong, Đại
An dọn dẹp bát đĩa. Lúc đó, hai ca nữ ngồi kiệu tới. Hai người xuống kiệu ngoài
cửa rồi dắt tay nhau tươi cười bước vào. Bá Tước từ trên lầu trông thấy thì cười:
– Hai con tiện tỳ giờ này mới dẫn xác
tới.
Đoạn quay lại bảo Đại An:
– Đừng dẫn chúng nó vào phòng trong
nghỉ vội, dẫn chúng nó lên đây gặp ta.
Hy Đại hỏi:
– Hôm nay cho mời hai nàng nào vậy?
Đại An đáp:
– Gia gia cho mời Đổng Kiều Nhi và Hàn
Ngọc Xuyến.
Nói xong chạy xuống lầu nói:
– Ứng nhị gia mời hai thư thư lên lầu
nói chuyện.
Hai ca nữ không chịu, bước thẳng vào
phòng trong. Vợ Lai Chiêu bước ra tiếp đón. Hai ca nữ thấy Vương thị ăn mặc
sang trọng, trang điểm lộng lẫy, không biết là ai nhưng cũng vái chào rồi ngồi
xuống giường. Vợ Lai Chiêu đem trà ra. Vương thị đứng dậy mời hai ca nữ uống
trà. Hai ca nữ cám ơn, vừa uống trà vừa nhìn Vương thị không chớp mắt. Lát sau
Đại An bước vào hai người níu lại hỏi nhỏ:
– Vị nương tử ngồi kia là ai vậy?
Hỏi xong thì tủm tỉm cười. Đại An đáp:
– Đấy là một thân quyến của gia gia
tôi, hôm nay được mời tới đây để xem đèn.
Hai người bảo nhau:
– Sao chúng mình tới nhà Tây Môn đại
quan mấy lần mà không gặp vị nương tử này. Nhưng nếu đã là thân quyến của đại
quan thì mình phải làm lễ ra mắt cho đàng hoàng.
Nói xong kéo nhau tới trước mặt Vương
thị sụp lạy ra mắt. Vương thị hoảng lên, vội vái trả, nâng hai người dậy, rồi mời
hai người ăn cơm uống rượu. Vương thị cũng cùng ăn cơm. Ăn xong hai người đàn
hát cho Vương thị nghe. Bá Tước trên lầu nghe tiếng đàn ca vọng lên, bèn gọi Đại
An hỏi:
– Này, ngươi nói ta nghe, hai con nhỏ
đó đang đàn hát cho ai nghe ở dưới ấy vậy?
Đại An cười đáp:
– Người ta hát xướng thì mặc người ta,
nhị gia hỏi làm gì?
Bá Tước bảo:
– Thằng khốn này ăn nói hay nhỉ, mày
không nói thì tưởng ta không biết hay sao?
Đại An cười:
– Nhị gia biết thì còn hỏi làm gì nữa.
Nói xong xuống lầu. Cũng lúc đó Lý
Minh và Ngô Huệ lên lầu lạy chào. Bá Tước hỏi:
– Sao hai người biết chúng ta đang ở
đây mà đến?
Lý Minh quỳ thưa:
– Chúng tôi tới chủ nhà trước, nhưng
gia nhân nói là gia gia và nhị vị ở đây, nên chúng tôi tới để hầu hạ.
Tây Môn Khánh vui lắm, cho hai người
xuống dưới uống rượu ăn cơm, lại sai Đại An đi mời Hàn Đạo Quốc. Lát sau Đạo Quốc
tới, Tây Môn Khánh mời mọi người nhập tiệc. Cầm Đồng rót rượu mời. Đổng Kiều và
Ngọc Xuyến bước lên trước tiệc lạy chào. Bá Tước mắng:
– Hai con tiện tỳ kia, sao đến đây mà
không lên yết kiến ta ngay? Ta cho gọi cũng không chịu lên nữa, bây giờ còn vác
xác lên đây làm gì?
Đổng Kiều cười đáp:
– Tại tôi trên đường tới đây có thằng
phải gió nó định ghẹo nên tới trễ.
Ngọc Xuyến thì cười bảo:
– Còn tôi thì lạc mất một đứa con
trai, bây giờ mới thấy.
Bá Tước tức quá bảo:
– Đại ca, ở đây đã có Lý Minh và Ngô
Huệ rồi, đại ca còn cho gọi hai con khốn kiếp này tới đây làm gì cho nó nói
láo. Đêm nguyên tiêu mà nghe hai con tiện tỳ này hát thì xui xẻo suốt cả năm
cho mà coi. Đại ca cho ít bạc lẻ rồi đuổi về đi.
Ngọc Xuyến nói:
– Ơ hay, đại quan đây cho gọi chúng
tôi lại chứ có phải ông đâu mà ông đòi đuổi.
Bá Tước nổi sùng:
– Đồ dâm phụ, ta ngồi đây ngươi cũng
phải hầu hạ ta vậy, ta không thèm thứ ngươi nên đuổi ngươi được chứ sao?
Ngọc Xuyến nói:
– Hầu hạ ông sao được, hát cho ông
nghe thì như đàn gẩy tai trâu chứ gì?
Bá Tước đập bàn:
– Giỏi lắm, con tiện tỳ khốn nạn, lát
nữa ở đây về rồi chúng mày biết tay tao, tao đã có cách, chúng bay đừng tưởng
là thoát khỏi tay tao đâu.
Đổng Kiều hỏi:
– Ông ơi, ông có cách gì đâu, nói nghe
thử coi.
Bá Tước hùng hổ nói:
– Lát nữa tiệc tan chắc là khuya lắm,
một là ta hô hoán với đội tuần phòng bắt mày về tội đi quá khuya ngoài đường,
triều đình có lệnh cấm đi khuya rồi mày biết không? Mày bị bắt là cứ đòn nhừ tử.
Hai là ta chỉ bỏ ra ít tiền mua rượu cho bọn phu kiệu uống thật say, đêm khuya
đám phu kiệu đó nó cho mày xuống hố.
Ngọc Xuyến bảo:
– Trời ơi, mưu cơ thần diệu quá, thật
không biết xấu hổ, hại đàn bà con gái không xong. Này, nếu quá khuya thì chúng
tôi ở lại đây, ngủ lại đây, chẳng lẽ đại quan đây đuổi chúng tôi ra đường sao?
Mọi người cười ầm lên. Bá Tước cũng cười
theo, không khí vui vẻ trở lại. Hai nữ ca bắt đầu đàn hát, mọi người ăn uống
chuyện trò. Bỗng Đại An chạy lên thưa:
– Chúc gia tới.
Mọi người ngạc nhiên nhìn nhau. Chúc
Thật Niệm lên lầu, bước tới vái chào mọi người rồi cười:
– Mọi người ăn uống vui vẻ quá nhỉ.
Đoạn quay sang Hy Đại:
– Huynh tới đây với đại ca mà sao
không thèm nói với tôi một tiếng, cứ âm thầm bỏ tôi mà đi, làm tôi tìm kiếm gần
chết.
Hy Đại đáp:
– Tôi cũng tình cờ ngó lên thì thấy Đại
ca và Ứng nhị ca đang đứng trên lầu nên chỉ định lên vái chào mà thôi, không ngờ
bị đại ca giữ thật lại, không làm sao bỏ đi được.
Tây Môn Khánh từ nãy giờ không biết phải
nói gì, bây giờ mới gọi Đại An:
– Ngươi mang thêm ghế tới đây để Chúc
gia và ta uống rượu.
Đại An vội vàng đem ghế ra và lấy thêm
bát đũa. Chúc Thật Niệm ngồi xuống ăn uống như sấm.
Ngô Huệ và Lý Minh bước tới rót rượu
và đàn hát. Hy Đại hỏi Thật Niệm:
– Huynh đi với hắn tới đâu thì chia tay?
Mà sao huynh biết chúng tôi ở đây?
Thật Niệm đáp:
– Tôi với Vương Tam quan tìm huynh mãi
không thấy nên mới tới nhà lão Tôn. Vương Tam mượn được ba trăm lạng bạc, nhưng
lại gặp tên Tôn Thiên Hóa viết sai văn tự nợ mới chết chứ.
Hy Đại đáp:
– Nếu vậy thì văn tự đó không dính dấp
gì tới tôi vì Tôn Thiên Hóa đứng ra bảo lãnh. Nhưng viết sai thế nào?
Thật Niệm nói:
– Tôi đã dặn rồi, văn tự nợ là phải viết
rõ ít nhất là ba kỳ hạn, vậy mà hắn không chịu nghe, cứ làm khác đi.
Hy Đại hỏi:
– Huynh định ra ba thời hạn như thế
nào?
Thật Niệm nói:
– Hạn thứ nhất là lúc heo may thổi
chim nhạn kéo về, hạn thứ nhì là khi cá ở dưới nước nhảy lên bờ, hạn thứ ba là
đá ở dưới nước được phơi khô. Hạn thứ ba là hạn chót phải trả tiền lại.
Hy Đại bảo:
– Thời hạn gì mà kỳ lạ vậy? Văn tự nợ
mà viết như vậy đâu được, ít nhất cũng phải rõ ràng một chút chứ?
Thật Niệm trợn mắt:
– Sao lại không rõ ràng? Một hạn là
mùa thu, một hạn là mùa xuân, hạn chót là mùa hè. Mùa hè trời làm hạn hán, nước
thiếu, triều đình phải cho vét lại sông rạch, như vậy đất đá ở dưới nước chẳng
bị liệng lên bờ và phơi khô là gì?
Mọi người cười ầm cả lên, tiếp tục ăn
uống trò chuyện. Trời đã chạng vạng tối, Tây Môn Khánh sai đốt đèn lồng treo khắp
trên lầu, trong ngoài rực rỡ, đủ kiểu đèn hoa soi sáng. Ở nhà Nguyệt nương lại
sai Kỳ Đồng đem bốn quả đựng thức ăn và bánh trái tới, toàn là loại quý. Tây
Môn Khánh hỏi:
– Tiệc ở nhà đã tan chưa? Ai sai ngươi
lại đây?
Kỳ Đồng đáp:
– Chính Đại nương sai tôi đem những thức
này tới để gia gia dùng. Tiệc ở nhà đã xong, nhưng Đại nương còn giữ khách ở lại
sảnh đường uống rượu xem tuồng, và lát nữa thì xem đèn.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Đèn ở nhà đẹp không?
Kỳ Đồng đáp:
– Đẹp và nhiều vô cùng, treo suốt từ
ngoài đường vào trong nhà treo đầy cả hoa viên, sáng rực một vùng, dân trong
huyện đổ xô tới đứng chật đường để coi đèn của nhà mình đó.
Tây Môn Khánh bảo:
– Ta đã dặn đám lính phải cầm binh khí
đứng gác dọc ngoài cổng, không cho ai đột nhập, chúng nó có canh gác đàng hoàng
không?
Kỳ Đồng đáp:
– Mấy anh ấy canh gác cẩn thận lắm,
không ai dám quấy nhiễu hết, họ chỉ đứng ngoài xem và reo hò mà thôi.
ảnh
43a
Tây Môn Khánh không nói gì, Kỳ Đồng mở
quả, bày thức ăn và bánh trái ra, hai ca nữ lại tiếp tục hát, Ngô Huệ và Lý
Minh bước tới tiệc rót rượu. Tây Môn Khánh dặn Kỳ Đồng về nhà lấy thêm rượu
quý.
Ngô Huệ và Lý Minh rót rượu xong lui
ra vài bước, đàn hát những khúc Nguyên tiêu.
ảnh
43b
Lát sau thì Hàn Đạo Quốc xin phép về
trước. Sau vài tuần rượu nữa, Tây Môn Khánh sai Lai Chiêu mở cửa dưới nhà, đem
các dàn pháo bông và pháo thăng thiên ra đường để đốt, lại gọi vợ Lai Chiêu và
Vương thị lên lầu xem. Từ trên lầu nhìn xuống, dân chúng từ chợ đèn đổ xô ra
xem gia nhân Tây Môn Thiên hộ đốt pháo, họ chen chúc ồn ào, bu quanh như kiến.
Lai Chiêu và Đại An lần lượt ra đốt pháo, mỗi lần một tiếng nổ ầm, pháo bông nổ
tung trong không gian, pháo thăng thiên muôn màu vọt lên trời thì dân chúng lại
vỗ tay dậm chân reo hò long trời lở đất. Tây Môn Khánh đứng trên lầu xem, trong
lòng vui vẻ lắm. Giàn pháo bông và pháo thăng thiên đốt xong, mọi người quay
vào bàn tiệc. Dưới đường dân chúng còn xôn xao bàn tán khen ngợi không thôi.
Lát sau, Bá Tước thấy Tây Môn Khánh đã
ngà ngà say, lại có sự hiện diện của Vương thị, nên giả vờ xuống lầu rửa tay, rồi
kéo Hy Đại ra cửa đi luôn. Đại An hỏi theo:
– Nhị vị đi đâu đây?
Bá Tước quay lại bảo:
– Chúng ta không tiện ngồi lâu, vả lại
cũng có chút việc. Gia gia ngươi có hỏi thì cứ nói chúng ta đi rồi.
Đại An trở lên hầu tiệc. Lát sau Tây
Môn Khánh hỏi:
– Nhị vị Ứng, Tạ đâu rồi?
Đại An thưa:
– Nhị vị đi từ nãy rồi, dặn tôi là gia
gia có hỏi thì thưa lại.
Tây Môn Khánh không hỏi tiếp nữa, chỉ
gọi Lý Minh và Ngô Huệ tới thưởng cho mỗi người một chung rượu lớn rồi nói:
– Hôm nay ta không thưởng tiền cho hai
ngươi vội, nhớ tới ngày mười sáu đến giúp ta, ta mở tiệc đãi tất cả những người
giúp ta trong việc buôn bán làm ăn, hôm đó ta sẽ thưởng sau.
Lý Minh uống xong chung rượu thì quỳ
xuống thưa:
– Chúng tôi xin thưa trước với gia gia
là ngày mười sáu thì tôi và Ngô Huệ phải hát ở nhà Hồ gia, vị quan mới thăng chức
tại phủ Đông Bình, nên phải tới chiều chúng tôi mới đến được.
Tây Môn Khánh bảo:
– Chiều tối gì cũng được, hôm đó ta
cũng đãi muộn, miễn là các ngươi đừng quên là được.
Ngô Huệ thưa:
– Chúng tôi làm sao dám quên.
Nói xong cả hai lạy chào mà về. Tây
Môn Khánh dặn theo:
– Ngày mai ta cũng bày tiệc tại nhà,
có cả Quế Thư và Ngân Nhi đó, hai người nhớ đến.
Hai người vâng lời, xuống lầu mà đi.
Tây Môn Khánh quay lại thưởng tiền cho hai ca nữ rồi cho về.
Thật Niệm cũng cáo từ. Tây Môn Khánh
sai gia nhân dẹp bàn tiệc, tắt đèn nến trên lầu, rồi lui vào phòng trong.
Đứa con nhỏ của Lai Chiêu từ tối cũng
tới xem cha đốt pháo, giờ đây cùng mẹ lên dọn dẹp trên lầu, thấy còn mấy đĩa đồ
ăn, nó định lấy ăn. Mẹ nó đuổi đánh, nó chạy ngay vào bên trong, thấy trong
phòng đèn sáng, lại có tiếng đàn bà cười nói thì tưởng rằng mấy ca nữ chưa về,
bèn ghé mắt vào coi thì thấy Tây Môn Khánh và Vương thị đang đùa giỡn trên giường[81], đứa nhỏ vội thụt lùi. Tây Môn Khánh
nghe tiếng động ngoài cửa, vội nhỏm dậy chạy ra coi thì thấy đứa nhỏ đang bị mẹ
nó mắng chửi và lôi đi. Tây Môn Khánh quay vào với Vương thị. Tới gần khuya,
Tây Môn Khánh mới trở ra bảo Đại An gọi kiệu đưa Vương thị ra về, rồi sau đó chủ
tớ cũng lên ngựa về nhà.
Chú
thích.
[81] Tây
Môn Khánh và Vương thị đang quan hệ tình dục trên giường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét