Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 41.
Tâm trạng thèm con
Sáng hôm sau Nguyệt nương dậy sớm nhất,
tới uống trà với hai đạo cô, Vương đạo cô hỏi:
– Sao Đại nương không có tin mừng gì cả?
Nguyệt nương buồn rầu:
– Còn tin mừng gì nữa, tháng tám năm
ngoái, nhân chúng tôi mua lại ngôi nhà của Kiều đại hộ ở trước mặt đây, tôi
sang xem nhà, bước lên cầu thang thì bị trượt chân, về tới nhà thì hư cái bào
thai con trai khoảng năm sáu tháng. Như vậy thì bây giờ còn mong gì có tin mừng
nữa.
Vương đạo cô hỏi:
– Như vậy thì hình dáng cũng đầy đủ rồi.
Nguyệt nương đáp:
– Chứ sao, đêm đó, tôi và a hoàn vặn
đèn lên coi thì rõ ràng là con trai mà.
Vương đạo cô nói:
– Tiếc quá nhỉ. Đại nương mà sinh con
trai thì phải biết không còn ai sánh kịp nữa. Cứ xem như Lục nương đó, mới về
quý phủ đây chưa được bao lâu mà đã có con trai, được yêu quý biết là bao
nhiêu.
Nguyệt nương thở dài:
– Chuyện con cái phúc đức cũng do trời
định cả rồi.
Vương đạo cô nói:
– Cũng chưa hẳn đáng buồn, chúng tôi
quen với Tiết sư phụ, giỏi về thuốc lắm. Năm trước đây này, vợ của Trần Lang
trung lớn tuổi rồi mà cũng không có con lại bị tiểu sản mấy lần, vậy mà uống
thuốc và dùng phép của Tiết sư phụ nay đã sinh được một đứa con trai bế cứ là nặng
trĩu cả tay. Cả nhà bây giờ còn quý hơn cả vàng cả ngọc nữa.
Nguyệt nương hỏi:
– Thuốc và phép đó như thế nào vậy?
Vương đạo cô nói:
– Nghe đâu như là lấy cái y bào của đứa
con trước dùng rượu rửa sạch rồi đốt thành than, hòa với thuốc và bùa phép gì
đó rồi tới lúc đói uống với hoàng tửu, thì chỉ chừng một tháng sau là có thai
ngay.
Nguyệt nương lại hỏi:
– Tiết sư phụ là nam tăng hay nữ tăng?
Hiện tu hành tại đâu?
Vương đạo cô đáp:
– Tiết sư phụ là nữ tăng, trước tu ở
chùa Địa Tạng, bây giờ thì tu ở chùa Pháp Hoa, đã bảy mươi tuổi rồi, đạo hạnh
cao siêu, kinh điển đều thông, rất giỏi về kinh Kim Cương, giảng kinh đó cả
tháng không hết, thường hay tới lui các gia đình quyền thế để làm chuyện công đức,
nhiều khi được các gia đình đó lưu giữ cả nửa tháng.
Nguyệt nương bảo:
– Ngày mai đạo cô thử mời Tiết sư phụ
tới đây xem có được không.
Vương đạo cô nói:
– Được rồi, để tôi mời cho, nếu không
mời được thì tôi cũng xin thuốc cho, có điều khó là bây giờ làm sao tìm được một
cái bào thai tiểu sản, hay là Đại nương có thể cho đào cái bào thai trước lên
được chăng?
Nguyệt nương nói:
– Cũng lâu quá rồi, sợ không dùng được
nữa, hay là để chúng tôi đưa tiền, nhờ đạo cô tìm cho được không?
Vương đạo cô nói:
– Đáng lẽ thì Đại nương phải tìm rồi
đưa cho Tiết sư phụ làm thuốc, nhưng thôi để tôi lo tìm cho cũng được, sau đó
có kết quả rồi thì Đại nương muốn thưởng cho Tiết sư phụ thế nào thì tùy tâm.
Nguyệt nương dặn:
– Nhưng xin giữ kín giùm cho, đừng nói
gì với ai cả.
Vương đạo cô nói:
– Xin cô nương cứ yên lòng, chuyện này
làm sao nói với ai được.
Hai người nói chuyện một lúc nữa thì
Tây Môn Khánh mới về, Nguyệt nương đón tiếp vào phòng, Ngọc Tiêu lo cất mũ áo.
Nguyệt nương hỏi:
– Hôm qua Ngũ nương chờ mãi chàng về
ăn sinh nhật, sao chàng không về?
Tây Môn Khánh nói:
– Việc cúng lễ kéo dài quá, lại còn tiệc
tùng, Ngô Đạo quan nhất định không cho tôi về sớm. Hết tiệc chay tới tiệc mặn,
Hoa đại ca cứ bắt tôi ở lại uống rượu nghe hai tên kép hát suốt đêm. Sáng nay một
mình tôi về trước đó, còn Ứng, Tạ và mọi người hiện đang ở lại đó uống rượu.
Ngọc Tiêu đem trà ra, Tây Môn Khánh uống
xong rồi vào thư phòng mà ngủ.
Lát sau, Kim Liên và Bình Nhi tới
phòng trên uống trà với Nguyệt nương. Bình Nhi bồng cả con lên theo. Nguyệt
nương bảo Bình Nhi:
– Gia gia về rồi đấy, vừa mới uống trà
ở đây xong, bây giờ đang ở thư phòng. Muội muội nên mặc quần áo đạo sĩ cho cậu
đạo sĩ tí hon này đi rồi bồng lên thư phòng cho gia gia xem.
Kim Liên nói ngay:
– Để tôi mặc quần áo cho cậu đạo sĩ tí
hon rồi cùng đi với.
Nói xong lăng xăng lấy mũ áo đạo sĩ mặc
cho Tố Quan định bồng đi, nhưng Nguyệt nương bảo:
– Để mẹ nó bồng, kẻo nó đái ướt hết
xiêm y bây giờ.
Kim Liên ngượng ngùng trao Tố Quan cho
Bình Nhi rồi cùng Bình Nhi lên thư phòng. Thư Đồng thấy hai người tới thì vội
chạy ra vén mành mời vào. Kim Liên thấy Tây Môn Khánh nằm quay mặt vào trong mà
ngủ thì gọi:
– Này ông kia ơi, có vị tiểu đạo sĩ tới gọi ông dậy ăn cơm đây này, đừng có ngủ nữa. Mau dậy đi.
Tây Môn Khánh ngồi uống rượu suốt đêm
nhức đầu mỏi mệt nên cứ nằm ngáy như sấm. Kim Liên và Bình Nhi cùng bước tới ngồi
xuống cạnh giường, Bình Nhi để Tố Quan quờ quạng vào mặt Tây Môn Khánh. Tây Môn
Khánh mở mắt thấy con trai mặc quần áo đạo sĩ thì vui lắm, ngồi ngay dậy mà bồng,
nựng nịu hôn hít. Kim Liên bảo:
– Cái miệng có sạch không mà hôn hít
con người ta thế?
Đoạn nắm tay Tố Quan mà bảo:
– Con nói đi, nói là bố đi đâu suốt
đêm qua, bây giờ say nhè mới chịu về nhà, để cho Ngũ ma ma chờ mỏi mắt. Con bắt
lão này phải lạy xin lỗi Ngũ ma ma đi con.
Tây Môn Khánh bảo:
– Hôm qua làm lễ cũng lâu, sau đó lại
tiệc chay tiệc mặn, ăn uống suốt đêm, sáng nay mình tôi mới dứt ra về được đấy,
hiện mọi người còn ở lại tiệc tùng, rồi lát nữa thì kéo tới nhà Thượng Cử nhân
ăn uống nữa.
Kim Liên hỏi:
– Chàng không tới mà được sao?
Tây Môn Khánh nói:
– Người ta gửi thiếp từ hôm qua mà
mình không đi thì sợ mất lòng.
Kim Liên bảo:
– Được rồi, đi thì đi, nhưng nhớ về sớm
sớm, tôi đợi đấy.
Bình Nhi nói:
– Đại nương đã cho dọn cơm, có canh
ngon lắm, mời chàng xuống ăn đã.
Tây Môn Khánh nói:
– Tôi làm biếng quá, chẳng muốn ăn cơm
gì cả, thôi để tôi xuống húp canh vậy.
Nói xong vươn vai đứng dậy, vào phòng
Nguyệt nương. Bình Nhi và Kim Liên còn ở trong thư phòng, Kim Liên thấy ấm ấm ở
chân, vội nhìn xuống, thì ra cái lò sưởi đặt ở dưới giường. Kim Liên co chân
lên mà sưởi. Bình Nhi bảo:
– Thôi mình ra đi, gia gia húp canh
xong lên bây giờ đó.
Kim Liên nói:
– Lên thì lên chứ sợ gì?
Tuy nhiên cũng đứng lên theo Bình Nhi
đi ra.
Tây Môn Khánh ăn canh xong thì dặn gia
nhân chuẩn bị ngựa, tới quá trưa, lên ngựa tới nhà Thượng Cử nhân ăn tiệc.
Chiều hôm đó Phan bà cáo từ ra về.
Vương đạo cô cũng xin về, Nguyệt nương dúi cho Vương đạo cô một lạng bạc rồi dặn
nhỏ:
– Đừng nói với ai nhé, nhớ lo sớm sớm
giùm tôi.
Vương đạo cô nhận bạc rồi nói:
– Xin Đại nương cứ yên lòng, chừng qua
ngày mười sáu thì tôi tới báo tin cho Đại nương biết.
Nguyệt nương bảo:
– Được rồi, đạo cô cứ lo thỏa đáng
giùm tôi, tôi sẽ đền ơn thật hậu.
Hai đạo cô vái chào rồi về. Thế mới biết
xã hội điên đảo thì chẳng còn tin được ai. Các đạo sĩ ni cô thì chỉ thường lấy
cớ đến các nhà giàu tụng kinh giảng đạo, nhưng thật sự là để kết giao với đám phụ
nữ trong nhà, chuyện gì cũng có thể làm được. Trong khi đó, Kim Liên tới trước
gương, hóa trang ăn mặc y như một a hoàn, rồi cho mời Bình Nhi sang coi. Bình
Nhi vừa nhìn thấy đã cười ngặt nghẽo:
– Thư thư giả trang giống quá, không
nhìn kỹ thì không nhận ra đâu, để tôi lên phòng trên nói với mọi người là gia
gia vừa mới kiếm được một đứa a hoàn, xem họ có tin không.
Lúc đó trời cũng chạng vạng, Xuân Mai
cầm đèn lồng đi trước, Bình Nhi và Kim Liên đi sau. Tới cổng trong thì gặp Kính
Tế đi ra. Kính Tế thấy người lạ đi cùng Bình Nhi và Xuân Mai thì đứng lại coi kỹ
rồi cười phá lên:
– Tưởng ai, hóa ra Ngũ nương.
Bình Nhi vội ra dấu bảo Kính Tế im lặng
rồi dặn:
– Bây giờ cậu vào trong, cứ nói như thế...
như thế...
Kính Tế cười:
– Được rồi, tôi đã có cách lừa mọi người.
Nói xong vào trong trước thấy mọi người
đang cùng Nguyệt nương uống trà, bèn bước vào nói:
– Thưa Đại nương, gia gia bỏ ra tới mười
sáu lạng bạc nhờ Tiết tẩu mua một người con gái hai mươi lăm tuổi rất đẹp, biết
đàn hát. Tiết tẩu vừa mới cho kiệu đem tới, hiện Lục nương sắp dẫn tới đây.
Nguyệt nương thật thà:
– Thật vậy hả, nhưng sao Tiết tẩu
không nói cho ta biết trước.
Kính Tế nói:
– Có lẽ vì vậy mà đưa kiệu tới đây là
Tiết tẩu bỏ đi ngay, không dám vào sợ bị Đại nương mắng.
Ngô Đại cữu mẫu ngồi yên. Dương cô
nương nói:
– Quan nhân đây thiếu gì người hầu hạ,
thiếu gì người đàn giỏi hát hay mà còn phải rước thêm thứ đó về nữa.
Nguyệt nương cười nhạt:
– Lão nhân gia đâu có biết, đàn ông
thì chẳng bao giờ cho là đủ, vả lại có tiền thì mua cả trăm đứa như thế về nhà
cũng được, chúng tôi đây có bao giờ thèm để ý đến những chuyện đó làm gì.
Ngọc Tiêu nói:
– Để tôi chạy ra coi.
Nói xong bước ra ngoài thì cũng vừa
lúc Bình Nhi dẫn Kim Liên vào, có Xuân Mai đem đèn đi theo.
Kim Liên bước vào sụp lạy Ngọc Tiêu rồi
sụp lạy Kiều Nhi. Hai người hoảng lên đứng tránh ra. Ngọc Tiêu chỉ Nguyệt nương
bảo:
– Đây mới là Đại nương của chúng tôi.
Kim Liên lừ đừ bước tới. Ngọc Tiêu bảo:
– Bây giờ sao không lạy chào đi?
Nói xong bước tới ấn vai Kim Liên xuống.
Kim Liên vừa mới quỳ xuống thì không nín được, cười khẽ một tiếng. Ngọc Tiêu nạt
nộ:
– À cái chị này giỏi thật, không lạy
chào chủ mà dám vô lễ cười như vậy sao?
Nguyệt nương cười bảo:
– Thôi, Ngũ nương đấy chứ ai, thật đồ
yêu đồ quỷ, hết cách chơi rồi hay sao mà định đánh lừa chúng tôi đây?
Kim Liên cứ quỳ phục xuống. Ngọc Tiêu
bảo:
– Đâu phải Ngũ nương.
Dương cô nương nói:
– Phải chứ sao không, coi lại coi.
Kiều Nhi bảo:
– Tôi cũng nói là Ngũ nương đó.
Mọi người đang bàn tán thì Cầm Đồng
thưa là Tây Môn Khánh đã về. Ngọc Lâu vội đứng dậy nói:
– Thôi Ngũ nương tạm lui vào nhà trong
đi, để gia gia về đây, tôi lừa gia gia cho mà coi.
Nói xong Tây Môn Khánh bước vào, Kim
Liên đã kịp núp sau bình phong. Mọi người đứng dậy đón tiếp. Tây Môn Khánh ngồi
xuống, Ngọc Tiêu đem trà ra. Ngọc Lâu nói:
– Hôm nay Tiết tẩu có cho kiệu đưa một
người con gái hai mươi lăm tuổi tới, nói là do gia gia sai mua về. Chúng tôi
đang nói là gia gia cũng lớn tuổi rồi, lại đang giữ chức này chức kia, làm vậy
coi sao được.
Tây Môn Khánh hơi ngạc nhiên cười bảo:
– Tôi đâu có nhờ Tiết tẩu mua a hoàn
bao giờ đâu, tin lời con mẹ khốn đó sao được.
Ngọc Lâu bảo:
– Có Đại nương đây, chẳng lẽ tôi nói
láo hay sao, a hoàn đó được đưa tới đây rồi, không tin thì để tôi gọi nó ra cho
mà xem.
Nói xong bảo Ngọc Tiêu:
– Ngươi dẫn con a hoàn đó ra đây để lạy
chào gia gia.
Ngọc Tiêu đáp:
– Vâng, để tôi lôi đầu nó ra, hồi nãy
coi cung cách nó có vẻ cứng đầu khó dạy làm đó.
Nói xong vào sau bình phong kéo Kim
Liên ra, Kim Liên bảo:
– Lạ chưa, thì để tôi ra, làm gì lôi
kéo vậy?
Kim Liên cố ý nói tiếng khác đi nên Ngọc
Tiêu không nhận ra được bèn quát:
– Con này gớm thật, mày là con cái nhà
ai mà không biết phép tắc gì cả, có ra lạy chào gia gia không.
Nói xong lôi Kim Liên ra cho bằng được.
Kim Liên bước ra quỳ xuống, Tây Môn Khánh cúi xuống nhìn kỹ rồi cười phá lên.
Kim Liên biết là Tây Môn Khánh đã nhận ra mình, bèn đứng dậy bước tới ngồi cạnh
bàn. Ngọc Lâu cười bảo:
– Chết không, đời thuở nhà ai, a hoàn
mới tới đã leo lên ngồi cùng với chủ vậy?
Nguyệt nương cũng cười:
– Hồi nãy thì lạy lung tung, bây giờ
ông chủ về thì lại không chịu lạy là thế nào.
Kim Liên vội bước vào trong cởi bỏ y
phục a hoàn trang điểm sơ lại rồi bước ra. Nguyệt nương cười:
– Đồ quỷ, hết chuyện đùa rồi mà.
Mọi người vui vẻ cười nói một hồi. Lát
sau Nguyệt nương nói:
– Hôm nay bên Kiều thân gia có cho Kiều
Thông đem sáu cái thiếp tới mời chị em chúng tôi, ngày mười hai này tới uống rượu
xem đèn, ngày mai mình phải cho đem lễ vật tới mới được.
Tây Môn Khánh bảo:
– Ngày mai bảo Lai Hưng đi mua trà rượu
và bánh đem lại cho người ta, rồi tới ngày mười bốn thì mình làm tiệc mời lại họ,
rồi luôn tiện mời cả Chu Thủ bị phu nhân, Kinh Đô giám phu nhân, Hạ Đề hình phu
nhân và mấy thân quyến nữa, lại bảo Bôn Tứ nó tới mời ban tuồng của Vương Hoàng
thân tới hát, cùng đám Quế Thư, Ngân Nhi. Các nàng ở nhà tiếp khách uống rượu
xem đèn, còn tôi với Ứng, Tạ hai người tới nhà ở đường Sư Tử uống rượu xem chợ
đèn cũng được.
Nguyệt nương gật đầu rồi bảo gia nhân
bày bàn dọn rượu, Kim Liên đứng lên rót rượu mời mọi người. Tây Môn Khánh sực
nhớ lúc nãy Kim Liên giả làm a hoàn thì nhan sắc lại lộng lẫy bội phần, do đó
trong lòng vui thích, đưa mắt cho Kim Liên. Kim Liên hiểu ý, ngồi uống vài chén
rượu rồi lẻn về phòng, trang điểm lên cho thật đẹp, và dọn sẵn một bàn tiệc mà
chờ. Lát sau quả nhiên Tây Môn Khánh tới ngồi vào bàn tiệc mà ngắm Kim Liên.
Xuân Mai rót rượu, hai người ăn uống chuyện trò. Kim Liên hỏi:
– Tôi hỏi chàng, ngày mười hai này Kiều
đại hộ mời thì tất cả chúng tôi cùng đi hay chỉ có một mình Đại nương đi?
Tây Môn Khánh đáp:
– Người ta mời cả thì đi cả chứ sao lại
không đi, bảo nhũ mẫu bồng luôn ca nhi đi theo để khỏi phải khóc tìm mẹ rồi lại
phải sai người đi gọi về.
Kim Liên lại nói:
– Ngày mai đi, Đại nương và mọi người
đều có quần áo đẹp, riêng tôi thì chỉ có mấy bộ xiêm y mặc đi mặc lại mãi cũng
chán mắt. Hay là cho người gọi thợ tới gấp, rồi chàng lấy ít gấm và lụa Hàng
Châu ra may xiêm y mới cho tất cả chúng tôi. Ngày mai trong bàn tiệc toàn là
phu nhân các quan, chúng tôi cũng phải sang trọng cho người ta khen chàng chứ,
chẳng lẽ để người ta chê cười cho hay sao?
Tây Môn Khánh cười:
– Được rồi, để mai gọi thợ tới may
xiêm y cho các nàng.
Kim Liên nói:
– Đợi ngày mai mới may thì trễ mất rồi
còn gì, ít ra cũng mất hai ngày.
Tây Môn Khánh bảo:
– Gọi phó may họ Triệu tới và mấy người
nữa cùng làm thì cũng mau, vả lại chỉ người nào cần may thì may, còn người nào
không cần thì để may sau cũng không muộn.
Kim Liên nói:
– Nếu có người không cần may thì may
luôn cho tôi hai bộ đi, mà phải chọn thứ hàng thật quý mới được, tôi đã có xiêm
y mà toàn thứ xấu, thật thua hết mọi người.
Tây Môn Khánh cười:
– Đồ quỷ, thật tham lam quá, được rồi,
cứ yên tâm đi, muốn gì được nấy, không phải nói nhiều.
Hai người ăn uống chuyện trò tới ngoài
canh một thì lên giường ngủ.
Hôm sau, khi ở viện Đề hình về, Tây
Môn Khánh cho mở kho, lấy ra mấy xấp gấm và lụa Hàng Châu, gọi thợ may, may
xiêm y cho mọi người. Riêng xiêm y của Nguyệt nương được may trước tiên, gồm một
bộ bằng gấm hoa ngũ sắc, một bộ bằng lụa màu huyền có hoa ngũ sắc, một bộ bằng
đoạn màu hồ lam.
Còn năm người kia mỗi người được may
hai bộ, cộng tất cả mười ba bộ xiêm y. Tiền công may hết năm lạng. Phó may họ
Triệu phải đem mười người thợ tới may mới kịp.
***
Tới ngày mười hai, nhà họ Kiều từ sáng
sớm đã cho gia nhân tới mời lại một lần nữa. Tây Môn Khánh cho gia nhân đem lễ
vật tới trước. Gần trưa, Nguyệt nương để Tuyết Nga ở nhà trông nhà, cho nhũ mẫu
Như Ý bồng Tố Quan đi, có Huệ Tú đem quần áo tã lót theo. Sau đó Nguyệt nương
cùng mọi người lên kiệu mà đi.
Tây Môn Khánh ở nhà một mặt sai Bôn Tứ
gọi thợ tới làm đèn lồng để treo trong dịp Nguyên tiêu, một mặt sai viết thiếp
để mượn mấy kép hát bên Vương Hoàng thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét