HỒI 35.
Hối lộ trong ngoài
Sáng hôm sau Đạo Quốc gặp Lai Bảo bàn
tính. Lai Bảo nói:
– Bây giờ huynh phải gặp Ứng nhị gia, nhờ tới nói với gia gia, xin viết một tấm thiếp cho Lý Tri huyện thì mọi việc đều xong.
Đạo Quốc nghe lời vội tới nhà Ứng Bá
Tước thì Bá Tước không có nhà, bà vợ sai a hoàn ra trả lời rằng không biết Bá
Tước đi đâu, có thể là ở bên nhà Tây Môn đại nhân. Đạo Quốc lo quá, đành đi tìm
Bá Tước ở mấy nhà ca kỹ trong huyện.
Nguyên hôm đó Bá Tước được em trai của
Hà Đại, khách thương Hồ Châu, là Hà Nhị, hiệu là Hà Lưỡng Phong, mời tới uống
rượu nghe hát tại nhà nàng Kim Thiền ở ngõ Tứ Điều. Đạo Quốc tìm khắp nơi, sau
cùng tới nhà nàng Kim Thiền mới gặp Bá Tước, bèn kéo ra chỗ vắng kể hết sự
tình. Bá Tước uống rượu say mặt đỏ nhừ, bảo:
– Đã vậy thì để mình về nhà bàn tính.
Nói xong trở vào cáo lỗi với Hà Lưỡng
Phong rồi dẫn Đạo Quốc về nhà mình nói chuyện. Đạo Quốc kể lại tỉ mỉ câu chuyện
rồi nói:
– Sự việc được đem lên huyện rồi, chỉ
xin nhờ huynh tới nói với Tây Môn đại quan, xin viết một tấm thiếp cho Lý Tri
huyện, làm sao để bỏ qua vụ này cho, được vậy thì ơn của huynh tôi xin báo đền.
Nói xong thì quỳ ngay xuống. Bá Tước vội
đỡ dậy mà bảo:
– Huynh à, chuyện này tất là tôi phải
lo cho huynh rồi. Bây giờ trước hết huynh phải viết một lá đơn, khai rằng anh
em vợ chồng nhà huynh đang trò chuyện trong nhà thì có bọn du đãng lối xóm tới
chọc ghẹo tẩu tẩu rồi Hàn Nhị không dằn được nóng giận, xung đột với bọn chúng,
nhưng bị số đông vây lại mà đánh, huynh thì bỏ chạy, sau đó bọn côn đồ bắt trói
cả tẩu tẩu và Hàn Nhị mà vu oan. Tôi sẽ cầm lá đơn đó tới Tây Môn đại quan, nhờ
đại quan viết thiếp cho Lý Tri huyện vậy là ổn hơn cả.
Hàn Đạo Quốc nghe lời, lấy giấy bút viết
ngay rồi cuộn lại bỏ trong tay áo, cùng Ứng Bá Tước tới nhà Tây Môn Khánh. Tới
cổng, Bá Tước hỏi:
– Gia gia có nhà không?
Bình An đáp:
– Gia gia đang ngồi trong thư phòng ở
hoa viên, xin mời nhị gia và Hàn đại thúc vào chơi.
Bá Tước thông thuộc đường lối, xăm xăm
bước vào hoa viên, tới hiên Phỉ Thúy là nơi hóng mát của Tây Môn Khánh, nơi đó
bốn bề là hoa thắm trúc xanh, đầu hiên là thư phòng nhỏ. Họa Đồng đang quét dọn,
thấy hai người tới thì ngẩng dậy chào hỏi. Bá Tước gật đầu, vén mành bước vào,
nhưng không thấy Tây Môn Khánh trong thư phòng. Họa Đồng theo vào mời ngồi rồi
nói:
– Gia gia tôi mới vào trong nhà.
Bá Tước sai Họa Đồng vào mời ra ngay.
Họa Đồng tới phòng Kim Liên, gọi Xuân Mai mà hỏi:
– Gia gia có đây không?
Xuân Mai bảo:
– Đồ chết toi chết dịch, gia gia đang ở
bên phòng Lục nương, vậy mà xăm xăm tới đây hỏi.
Họa Đồng vội tới phòng Bình Nhi, thấy
Tú Xuân đang đứng ngoài thềm liền hỏi:
– Gia gia ở đây phải không? Có Ứng nhị
gia và Hàn đại thúc đang chờ tại thư phòng có chuyện muốn thưa.
Tú Xuân đáp:
– Gia gia đang ở trong đó xem nương
nương thay quần áo cho ca nhi.
Nguyên Tây Môn Khánh lấy ra ít lụa
quý, sai may quần áo, mũ đội và yếm rãi cho con, các thứ may xong, đang được
Bình Nhi đem ra mặc cho con để Tây Môn Khánh coi. Tây Môn Khánh đang ngắm con
thì Tú Xuân vào thưa:
– Họa Đồng tới nói là có Ứng nhị gia tới,
muốn thưa chuyện với gia gia.
Tây Môn Khánh bảo:
– Ra nói với Họa Đồng là mời nhị gia
ngồi chơi, ta ra bây giờ.
Tây Môn Khánh ngắm con thêm một lúc rồi
trở ra thư phòng trong hoa viên, chào hỏi hai người rồi bảo đem trà ra. Mọi người
yên lặng uống trà, Hàn Đạo Quốc chưa dám nói gì, Bá Tước mở lời:
– Hàn đại ca có chuyện gì thì thưa với
đại quan đi.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Hàn Đạo Quốc ấp úng nói:
– Trong xóm tôi có đứa côn đồ không biết
tên họ là gì...
Mới nói tới đó thì Bá Tước chặn lại mà
bảo:
– Hàn đại ca nói vậy thì đại quan đây
làm sao rõ chuyện. Nói gì thì cũng phải có đầu có đuôi chứ.
Đoạn quay sang Tây Môn Khánh:
– Câu chuyện nó như thế này: Hàn đại
ca đây rất siêng năng công việc, đêm đêm thường ngủ lại ngoài tiệm để coi sóc
hàng hóa, nên ít khi về nhà. Ở nhà chỉ có tẩu tẩu và cháu nhỏ. Lối xóm thấy vắng
người, bọn côn đồ trong xóm thường hay tới trêu ghẹo Hàn tẩu tẩu. Hôm qua thì
trong lúc vợ chồng Hàn đại ca đây và chú em tên là Hàn Nhị đang ngồi trò chuyện
trong nhà thì đám côn đồ đó tới buông lời chọc ghẹo tẩu tẩu. Hàn Nhị không dằn
được nóng giận, mới bước ra mắng mấy câu, không ngờ bọn côn đồ xúm lại hành
hung Hàn Nhị. Hàn đại ca sợ bỏ chạy, thế là đám côn đồ trói luôn cả Hàn Nhị và
tẩu tẩu, đem lên huyện vu cáo là hai người phạm tội thông gian. Hàn đại ca đây
chạy kiếm tôi khóc lóc nhờ tôi dẫn tới thưa với đại ca, xin đại ca cho vài chữ
gửi tới Tri huyện, xin dàn xếp việc này, miễn sao Hàn đại ca đây không phải lên
quan là được.
Đoạn quay sang bảo Đạo Quốc:
– Tờ khai của đại ca đâu, mau đưa ra
cho đại quan coi rồi đại quan sai người đi lo cho.
Đạo Quốc vội rút tờ giấy trong tay áo
ra rồi quỳ trước mặt Tây Môn Khánh mà nói:
– Tôi là gia nhân của đại quan, lại
xin đại quan nể lời Ứng nhị gia đây mà thương cho tôi một đôi phần, ơn này trọn
đời không dám quên.
Tây Môn Khánh cầm lấy tờ giấy rồi bảo:
– Ngươi cứ đứng lên đi.
Đoạn đọc qua tờ khai rồi nói:
– Khai như thế này là không được, chỉ
nên khai là có một mình Hàn Nhị ở nhà thôi, như vậy tiện cho ngươi hơn.
Rồi quay sang Bá Tước:
– Tờ khai này cứ về làm lại rồi mai
đem tới sở cho tôi, còn bây giờ tôi viết thiếp cho Tri huyện trước nhờ lo giùm.
Bá Tước bảo Đạo Quốc:
– Hàn đại ca không tạ ơn đại quan đi.
Đạo Quốc sụp lạy tạ ơn, rồi đứng dậy.
Tây Môn Khánh quay lại bảo:
– Đại An à, ngươi ra ngoài coi có viên
Tiết cấp nào, gọi vào đây cho ta.
Đại An trở ra, lát sau một viên Tiết cấp
mặc áo xanh bước vào đứng chờ lệnh. Tây Môn Khánh sai lấy bút mực và một tấm
thiếp viết ít chữ rồi dặn:
– Ngươi đem tấm thiếp này tới đưa cho
Lý lão gia, xin thả Vương thị ra ngay, sau đó tới nhà của Hàn Đạo Quốc hỏi tên
đám côn đồ trong xóm cho ta, rồi xin quan huyện cho bắt bọn đó giải tới viện Đề
hình để ta thẩm vấn.
Viên Tiết cấp vâng lời cầm thiếp lui
ra. Bá Tước bảo:
– Hàn đại ca nên theo đi mà lo việc
thì hơn, tôi còn ở đây hầu chuyện với đại quan.
Đạo Quốc vội đứng dậy tạ ơn Tây Môn
Khánh rồi bước ra cùng đi với viên Tiết cấp. Tây Môn Khánh mời Bá Tước ra hiên
Phỉ Thúy rồi bảo Đại An:
– Ngươi dọn bàn ra rồi vào thưa với Đại
nương cho lấy vò rượu Hà Hoa mà Lưu công mới biếu ra đây để ta và nhị gia thưởng
thức. Nhớ kiếm vài món thịt cá nữa.
Bá Tước nói:
– Nhắc tới cá tôi mới nhớ là chưa tạ
ơn đại ca. Hôm qua đại ca cho hai con cá ngon quá, tôi biếu một con cho ông anh
tôi, một con thì tôi bảo tiện nội xẻ ra, một nửa đem cho tiểu nữ, còn một nửa
thì để làm món đưa cay cho tôi. Bao nhiêu người cùng được hưởng ơn đại ca, như
vậy mới không phụ lòng đại ca.
Tây Môn Khánh nói:
– Chuyện cũng dài dòng lắm, chả là em
trai của Lưu Thái giám là Lưu Bách hộ chẳng biết tham nhũng thế nào mà kiếm được
nhiều tiền, mua đất đai, làm nhà cửa, không ngờ một viên Biện sự của tôi biết
được, định tố cáo ra. Lưu Thái giám vội đem một trăm lạng bạc đích thân tới gặp
tôi để xin bỏ qua. Nói ngay nhị ca cũng biết, với công việc làm ăn buôn bán hiện
nay tôi đâu cần đến tiền của Lưu Thái giám làm gì, vả lại Lưu Thái giám với tôi
là chỗ quen biết, thường biếu xén tôi vật này vật nọ, lấy tiền cũng không tiện,
do đó tôi từ chối. Lưu Thái giám xanh mặt, nói là nếu tôi không chịu nhận thì
anh em ông ta chỉ còn nước triệt hạ hết nhà cửa vườn tược mà thôi. Nhưng tôi bảo
là tuy không nhận bạc nhưng vẫn nhận lời lo việc. Hôm sau tôi ra viện Đề hình,
cho dẹp vụ đó đi. Lưu Thái giám cảm kích lắm, liền sai giết một con lợn, rồi
đem một vò rượu Hà Hoa, bốn chục cân cá, mấy xấp lụa quý, đích thân tới tạ ơn
tôi. Do đó mới có cá đem biếu nhị ca đấy.
Bá Tước nói:
– Đại ca quả thật là người cao thượng,
thật khác hẳn với Hạ Đề hình, ông ta xuất thân bần tiện nên tham lam lắm. Mà từ
ngày nhậm chức tới giờ, đại ca đã hỏi ông ta việc gì chưa?
Tây Môn Khánh đáp:
– Thì chuyện gì lớn lao cũng phải hỏi
qua ý kiến ông ta, còn thường thì tôi tự ý quyết định. Vả lại tôi cũng ghét ông
ta là người bần tiện tham lam, thấy tiền là híp mắt lại, chẳng cần luật lệ gì hết.
Mấy lần đó tôi không chịu, có nói rằng ông là một võ quan, bây giờ được lo về
hình pháp thì phải làm sao cho ra thể thống một chút chứ. Ông ta có ý thẹn lắm.
Hai người nói chuyện một lát thì rượu
thịt đã sẵn sàng. Tây Môn Khánh lấy chén Kim Cúc mà rót rượu Hà Hoa mời Bá Tước,
chén tạc chén thù quên cả thời gian.
Trong khi đó Đạo Quốc dẫn viên Tiết cấp
về nhà, gọi hàng xóm tới hỏi tên tuổi đám côn đồ để lính huyện tới bắt, sau đó
lại theo viên Tiết cấp ra huyện, lát sau thì Vương thị được thả ra. Hàng xóm thấy
vậy, đều xầm xì bàn tán là Đạo Quốc đã nhờ Tây Môn Khánh can thiệp. Công việc
xong xuôi. Đạo Quốc tạ ơn viên Tiết cấp ít tiền.
Hôm sau Hạ Đề hình và Tây Môn Thiên hộ
đăng đường, cho giải các can nhân ra. Trước hết là Hàn Nhị, rồi đám thanh niên
cùng xóm là Xa Đạm, Quẩn Thế Khoan, Phù Thủ và Hác Hiền, lần lượt ra quỳ trước
sảnh đường.
Hạ Đề hình đọc cáo trạng xong thì hỏi
Hàn Nhị:
– Tại sao lại có chuyện náo loạn này?
Hàn Nhị thưa:
– Bẩm đại quan xét giùm, anh tôi bận
việc làm ăn buôn bán thường vắng nhà. Ở nhà chỉ có chị dâu tôi và cháu nhỏ.
Trong xóm có một đám côn đồ thường lợi dụng lúc anh tôi vắng nhà tới buông lời
chọc trêu ghẹo chị dâu tôi, và có những cử chỉ thô lỗ. Hôm nọ tôi tới thăm anh
chị và cháu tôi, anh tôi vắng nhà, đám côn đồ lại tới trêu ghẹo chị dâu tôi, tôi
không nhịn được, bước ra mắng chúng nó vài câu thì bị cả bọn xúm lại đánh tôi
ngã xuống đất, rồi trói tôi lại, vu cáo mà giải lên quan.
Hạ Đề hình quay sang hỏi đám thanh
niên:
– Chúng bay thì khai thế nào?
Một người thưa:
– Xin đại quan đừng tin lời láo toét của
nó. Nó là thằng côn đồ, du thủ du thực kiếm ăn. Những lúc anh nó bận buôn bán vắng
nhà, nó thường tới thông gian với chị dâu là Vương thị, khiến cho lối xóm chướng
tai gai mắt. Anh em chúng tôi bèn chờ dịp bắt, giải lên quan để nhờ trừ hại cho
lối xóm.
Hạ Đề hình hỏi tả hữu:
– Tên Vương thị đâu, sao không thấy?
Một viên Bảo giáp tên là Tiêu Thành
đáp:
– Vương thị chân nhỏ, không đi được
nên không có mặt, nay có Hàn Nhị đây, xin cứ thẩm vấn hắn là được.
Nói xong đưa mắt cho Tây Môn Khánh.
Tây Môn Khánh bèn nghiêng mình nói với Hạ Đề hình:
– Thiết tưởng trưởng quan không cần phải
hỏi tới Vương thị, vì trong vụ này xét ra Vương thị vô can. Vả lại chắc Vương
thị cũng có nhan sắc nên đám côn đồ này mới chọc ghẹo mà gây nên vụ náo loạn
này.
Đoạn quay lại hỏi đám thanh niên:
– Bọn ngươi bắt trói Hàn Nhị tại nơi
nào?
Một thanh niên thưa:
– Bắt tại nhà Vương thị.
Tây Môn Khánh lại hỏi Hàn Nhị:
– Vương thị với ngươi là thế nào?
Hàn Nhị thưa:
– Là chị dâu.
Tây Môn Khánh hỏi tả hữu:
– Đám côn đồ kia làm thế nào mà vào được
nhà Vương thị?
Một viên Bảo giáp thưa:
– Chúng leo tường mà vào.
Tây Môn Khánh nổi giận đập bàn quát:
– Đám côn đồ kia tội đáng chết, các
ngươi muốn vào nhà người ta làm gì thì cũng phải theo cổng chính mà vào, sao lại
leo tường? Vả lại nhà người ta chỉ có đàn bà con trẻ, các ngươi vào như vậy thì
đúng là phi dâm tắc đạo. Rõ ràng là chúng bay vừa đánh trống vừa ăn cướp, vu
oan cho người khác để chạy tội cho mình.
Dứt lời, hét tả hữu đánh cho đám thanh
niên mỗi người hai chục trượng, máu rơi thịt nát. Đám thanh niên từ bé chưa bao
giờ biết cực hình, bây giờ bị đánh thì kêu khóc vang động quằn quại rên la trên
đất. Tây Môn Khánh không để cho Hạ Đề hình kịp nói gì, ra lệnh ngay:
– Cho tên Hàn Nhị lui, còn mấy đứa côn
đồ kia thì giam lại cho ta.
Tả hữu chạy ra dẫn đám thanh niên vào
ngục. Đám thanh niên than thở oán trách không thôi.
Trong ngục, có người bảo:
– Các chú gặp ai chứ gặp Tây Môn Thiên
hộ thì mệt lắm, các chú cố tình chạy tội thì chỉ có chết mà thôi.
Đám thanh niên sợ lắm, đợi gia đình
đem cơm lại thì nhắn là phải lo chạy chọt. Trong đám phụ huynh của mấy thanh
niên, có người đem tiền bạc tới thưa với Hạ Đề hình, nhưng Hạ Đề hình bảo:
– Thằng chồng của Vương thị là gia
nhân thân tín của Tây Môn Thiên hộ nên Thiên hộ đích thân đứng ra xử vụ này. Chỗ
đồng liêu, ta không tiện can thiệp, các ngươi nên nhờ người đến nói với Tây Môn
Thiên hộ thì hơn.
Các phụ huynh của đám thanh niên lo sợ
quá, vì Tây Môn Khánh là người giàu có, biết chạy bao nhiêu tiền cho vừa. Trong
số phụ huynh có người quen biết Ngô Đại cữu nên định nhờ Ngô Đại cữu nói giùm.
Nhưng lại có một người quen, hiểu rõ câu chuyện, bèn bảo:
– Không nên nhờ Ngô Đại cữu, vì chưa
chắc gì ông ta đã nhận lời, tôi biết có Ứng Bá Tước ở đường Đông Nhai là bạn
thân, lại là anh em kết nghĩa với Tây Môn Thiên hộ, các vị nên góp độ mười lạng
bạc tới nhờ Ứng nhị gia nói giùm là chắc hơn cả.
Cha của Xa Đạm mở tiệm rượu, đứng ra
góp của bốn gia đình bốn thanh niên đang bị giam, mỗi gia đình góp mười lạng, cộng
là bốn chục lạng, cùng nhau kéo đến nhà Ứng Bá Tước nhờ chạy chọt. Bá Tước nhận
bạc rồi cho đám phụ huynh về. Vợ Bá Tước thấy vậy bảo:
– Chàng đã đứng ra bày mưu tính kế cho
Hàn đại ca, bây giờ lại nhận bạc của những người này. Hàn đại ca biết rồi làm
sao?
Bá Tước cười:
– Cứ yên tâm, tôi đã có cách.
Nói xong, bớt một số bạc lại nhà cho vợ
cất, đem số bạc còn lại tới nhà Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh không có nhà, Bá
Tước vào đại sảnh ngồi chờ. Thư Đồng từ thư phòng bước ra, mặc áo lụa Tô Châu,
đội khăn ngọc sắc, chân mang hài mát, thấy Bá Tước thì vái chào rồi nói:
– Xin nhị gia ngồi chơi, để tôi bảo
đem trà ra nhị gia xơi.
Đoạn quay lại hách dịch bảo:
– Họa Đồng, ngươi mau vào lấy nước mời
nhị gia đây dùng, ta nói mà ngươi không chịu làm ngay thì gia gia về ngươi sẽ
biết.
Họa Đồng vừa tức vừa sợ, chạy vào đem
trà ra. Bá Tước hỏi:
– Gia gia ngươi ở phủ chưa về sao?
Thư Đồng đáp:
– Công việc ngoài phủ thì xong rồi,
nhưng gia gia tôi mới sai người về nhà dặn còn cùng Hạ Đề hình ra ngoại thành
thăm bạn bè, chẳng hay nhị gia có chuyện gì cần kíp không?
Bá Tước nói:
– Cũng không có chuyện gì cần kíp.
Thư Đồng nói:
– Chuyện của Hàn quản lý thì gia gia
tôi lo xong rồi, nghe nói là đã tống giam bọn côn đồ rồi mà.
Bá Tước thấy Thư Đồng biết chuyện, bèn
kéo lại gần nói nhỏ việc các phụ huynh của bốn thanh niên bị bắt nhờ lo lót, rồi
nói thêm:
– Đám phụ huynh đó sợ lắm, tới nhà ta
quỳ lạy khóc lóc nhờ ta nói với gia gia ngươi một câu. Ta nghĩ rằng ta đã lo
cho Hàn đại ca, bây giờ lại lo cho đám này thì Hàn đại ca phiền trách, nhưng họ
than khóc quá, lại gom góp được mười lăm lạng bạc nhờ ta mang tới đây, gọi là lễ
mọn, xin gia gia ngươi thả đám con họ ra. Ta nghĩ chỉ cần Hàn đại ca vô sự là
được, cho nên thả đám thanh niên đó ra cũng không hại gì.
Nói xong lấy ra mười lăm lạng bạc đưa
cho Thư Đồng. Thư Đồng nói:
– Nếu nhị gia đã dặn vậy thì nhị gia bảo
họ là phải đem thêm năm lạng cho tôi để tôi nói với gia gia. Hôm qua đâu như
Ngô Đại cữu có tới đây nói về vụ này mà gia gia tôi chưa chịu đó. Bây giờ tôi sẽ
đem số bạc này tới nói với Lục nương. Lục nương được gia gia yêu quý lắm vì có
con trai, Lục nương nói chắc gia gia nghe.
Bá Tước bảo:
– Thế thì để ta nói lại với họ vậy,
nhưng chừng nào thì xong được việc ấy?
Thư Đồng đáp:
– Gia gia hôm nay không biết giờ nào mới
về, chắc là phải ngày mai việc mới xong.
Bá Tước đưa bạc cho Thư Đồng rồi về.
Bình Nhi hỏi:
– Chuyện gì đây?
Thư Đồng thưa:
– Tôi có chút quà mọn tới kính biếu
nương nương.
Bình Nhi bảo:
– Đồ khỉ chỉ vẽ chuyện, khi không lại
đem nhiều thứ đến biếu ta như thế này?
Thư Đồng chỉ cười. Bình Nhi bảo:
– Mày không nói thì ta quyết không nhận
đâu.
Thư Đồng sắp xếp các món ăn ra bàn, bảo
Nghênh Xuân đem đũa và chung ra, rồi rót rượu đầy chung, quỳ xuống trước mặt
Bình Nhi, hai tay nâng lên mà nói:
– Xin nương nương dùng chung rượu này
rồi kẻ nô tài sẽ xin thưa.
Bình Nhi bảo:
– Mày có chuyện gì thì cứ nói đi đã rồi
ta uống sau, nếu mày không nói thì mày có quỳ đây đến trăm năm ta cũng quyết
không uống. Thôi, mày đứng dậy nói đi.
Thư Đồng bèn kể rõ đầu đuôi việc Ứng
Bá Tước nhờ cậy rồi nói thêm:
– Vì Ứng nhị gia đã giúp Hàn quản lý rồi
nên không tiện nói với gia gia, bây giờ xin nương nương nói lại với gia gia,
nhưng đừng bảo là kẻ nô tài này tới nói, xin cứ nói là Hoa đại gia nhờ người tới
nói và có gửi thiệp. Tôi đã viết sẵn một tấm thiếp để ở thư phòng, gia gia về
tôi sẽ nói là thiếp đó do nương nương sai đưa cho tôi cất để trình gia gia coi.
Vụ này thật không có gì, chỉ xin nương nương nói cho một câu là xong, đám thanh
niên đó được thả ra, Hàn quản lý cũng chẳng thiệt hại gì, mà mẹ cha người ta
còn đội ơn nương nương, như vậy cũng là nương nương làm được điều ân đức cho ca
nhi hưởng sau này.
Bình Nhi cười:
– Thì ra thế, nhưng chuyện đã không
quan trọng thì để ta nói với gia gia là được rồi, mày còn bày đặt đem những thứ
này tới làm gì? Hay là mày đã ăn tiền của người ta rồi? Thằng khốn gớm thật.
Thư Đồng thưa:
– Chẳng giấu gì nương nương, Ứng nhị
gia có cho tôi năm lạng.
Bình Nhi cười:
– Mày thật tham lam mà cũng biết cách
làm tiền lắm.
Nói xong bảo Nghênh Xuân rót cho mình
hai chung rượu. Uống xong lại bảo rót một chung cho Thư Đồng. Thư Đồng nói:
– Nô tài đâu dám vô lễ như vậy, vả lại
uống một chung vào là mặt đỏ lên, gia gia về thấy tất bị mắng.
Bình Nhi bảo:
– Ta thưởng cho mày mà, cứ uống đi, việc
gì mà sợ.
Thư Đồng rập đầu lạy tạ rồi đứng dậy uống
một hơi cạn chung rượu. Bình Nhi lại sai Nghênh Xuân lấy một ít thức ăn ra đĩa
cho Thư Đồng ăn. Thư Đồng không dám ăn nhiều, chỉ ngồi lại một lát rồi cáo lui.
Về tới thư phòng, vợ Lai Hưng dọn ít đồ
thừa lên, Thư Đồng mời Phó Quản lý, Bôn Tứ, Kính Tế và Đại An tới ăn uống,
nhưng lại quên mời Bình An. Bình An giận lắm. Đang lúc ăn uống vui say thì Tây
Môn Khánh về. Bình An không thèm chạy vào báo một lời, do đó bọn Thư Đồng chạy
không kịp. Thư Đồng phải vội bước ra đại sảnh để giúp chủ cởi áo ngoài để mấy
người lo dọn dẹp trong thư phòng. Tây Môn Khánh hỏi:
– Hôm nay có ai tới không?
Thư Đồng đáp:
– Thưa không.
Tây Môn Khánh cởi bỏ mũ áo đưa cho Thư
Đồng rồi ngồi xuống. Thư Đồng cất mũ áo đi rồi đem trà ra. Tây Môn Khánh uống một
hớp trà, rồi thấy mặt Thư Đồng đỏ thì hỏi:
– Mày uống rượu ở đâu vậy?
Thư Đồng đáp:
– Hồi nãy Lục nương gọi tôi xuống cho
uống rượu, bảo là của Hoa đại gia đem biếu, rồi đưa tôi tấm thiếp để trình gia
gia.
Nói xong chạy vào thư phòng lấy tấm thiếp
viết sẵn đưa cho chủ. Tây Môn Khánh đưa tấm thiếp cho Thư Đồng mà bảo:
– Cất vào hồ sơ cho ta.
Lại quay lại dặn đám lính hầu ngoài thềm:
– Ngày mai ta đăng đường, nhớ nhắc tấm
thiếp này.
Thư Đồng cất tấm thiếp xong lại trở ra
đứng hầu. Tây Môn Khánh thấy Thư Đồng uống rượu đỏ mặt thì bảo:
– Từ nay nên uống rượu ít thôi.
Thư Đồng đáp:
– Gia gia dặn, tôi xin nhớ.[69]
Trong lúc đó có một viên Tiết cấp cưỡi
ngựa tới cổng, rồi xuống ngựa chào Bình An mà hỏi:
– Chẳng hay có phải nhà Tây Môn Thiên
hộ không?
Bình An đang giận Thư Đồng uống rượu
không mời mình, nên có người chào hỏi mà cũng cứ ngồi yên không đáp. Người kia
bước tới gần nói:
– Chu lão gia ở soái phủ sai tôi tới
đây đưa thiếp cho Tây Môn Thiên hộ, mời Thiên hộ ngày mai tới chùa Vĩnh Phúc để
ăn tiệc tiễn hành Doanh Tu lão gia, có cả Kinh Đô giám, Hạ Chưởng hình. Vậy xin
đại ca vào bẩm giùm, để tôi còn về thưa lại.
Nói xong đưa tấm thiếp ra. Bình An cầm
thiếp vào đại sảnh. Họa Đồng đứng ngoài, thấy Bình An định vào thì vội xua tay.
Bình An biết là Tây Môn Khánh đang nói chuyện với Thư Đồng, bèn bước tới gần cửa
sổ mà nghe, nhưng chỉ thấy tiếng thì thào mà không nghe rõ gì. Lát sau Thư Đồng
bước ra lấy nước rửa tay cho chủ, thấy Bình An đứng ở cửa sổ thì chợt hổ thẹn
đi thẳng ra sau[70].
Bình An bước vào đưa thiếp cho chủ.
Tây Môn Khánh xem xong bảo:
– Ngươi vào thưa với Nhị nương lấy ra
một lạng bạc, đó là số phí đưa tiễn ngày mai, bảo Kính Tế gói lại rồi mang ra
đưa cho người của Chu đại nhân.
Bình An vâng lời lui ra. Thư Đồng đem
nước tới Tây Môn Khánh rửa tay rồi xuống phòng Bình Nhi.
Bình Nhi hỏi:
– Chàng uống rượu không, để tôi bảo a
hoàn nó dọn lên.
Tây Môn Khánh thấy trên bàn có hoa quả,
thức ăn và một vò rượu Kim Hoa thì hỏi:
– Ở đâu vậy?
Bình Nhi đáp:
– Hồi nãy tự nhiên tôi muốn uống rượu
giải buồn mới sai a hoàn đi mua về, nhưng uống được hai chung thì lại không muốn
uống nữa.
Tây Môn Khánh bảo:
– Muốn uống rượu sao không bảo gia
nhân nó lấy mà lại phải đi mua? Hôm nọ người họ Đinh có cho tôi mấy vò rượu Hải
Thanh, cất trong kho, sao không bảo gia nhân lấy chìa khóa mở ra, đem về đây mà
uống?
Bình Nhi gọi Nghênh Xuân dọn rượu thịt
ra, rồi ngồi tiếp rượu Tây Môn Khánh. Qua vài tuần rượu, Tây Môn Khánh chợt nhớ
tới cái thiếp hồi nãy bèn bảo:
– Hồi nãy Thư Đồng có đưa tôi tấm thiếp,
nói là do nàng đưa cho nó.
Bình Nhi nói:
– Đó là của Hoa đại cữu ở ngoại thành
đưa tới, xin chàng tha cho mấy đứa thanh niên đang bị giam.
Tây Môn Khánh bảo:
– Hôm qua Ngô Đại cữu cũng có nói
nhưng tôi chưa chịu. Bây giờ là Hoa đại cữu thì để sáng mai tôi đăng đường, sai
đánh thêm cho mỗi đứa một trận rồi thả ra.
Bình Nhi cười:
– Đã thả thì thả luôn đi, còn đánh đập
làm gì nữa.
Tây Môn Khánh bảo:
– Cái lệ ở viện Đề hình nó là như vậy
chứ ta có muốn đâu.
Bình Nhi nói:
– Chàng ơi, chàng làm việc quan, lại
thuộc về vấn đề hình pháp thì nên rộng rãi giúp đỡ mọi người, ít nhất thì chàng
được ơn, mà còn để cho con của chúng mình đây.
Tây Môn Khánh cười:
– Gì mà quan trọng thế?
Bình Nhi bảo:
– Chứ sao, từ nay chàng đừng nên đánh
người nữa, làm cái gì cũng phải nghĩ tới phúc đức mới được.
Tây Môn Khánh đáp cho qua:
– Nhiều lúc việc công nó không cho
mình nghĩ tới tình được, chỉ có lý mà thôi.
Hai người đang ăn uống chuyện trò thì
Xuân Mai vén mành bước vào thưa:
– Gia gia và nương nương uống rượu vui
vẻ quá mà quên cả cho người đi đón nương nương tôi rồi. Bây giờ cũng trễ rồi mà
chỉ có mình Lai An theo kiệu nương nương tôi mà thôi. Đường sá cũng cách bức, sợ
nương nương tôi về quá muộn, tôi lo quá mà gia gia thì có vẻ yên tâm lắm.
Tây Môn Khánh thấy Xuân Mai xiêm áo
không chỉnh tề, tóc tai lệch lạc thì cười bảo:
– Con này thật lo chuyện không đâu,
mày vừa mới ngủ dậy phải không?
Bình Nhi cũng cười:
– Thì coi xiêm áo tóc tai nó cũng đủ
biết. Có rượu Kim Hoa đây, ngươi uống một chung không?
Tây Môn Khánh tiếp lời:
– Mày cứ uống đi, để ta sai người đi
đón nương nương mày về cho.
Xuân Mai ngồi ghé xuống một bên nói:
– Tôi vừa ngủ dậy, trong người lười biếng,
không muốn uống rượu.
Tây Môn Khánh cười bảo Bình Nhi:
– Nàng coi, con nhỏ này nó chê rượu
đó.
Bình Nhi bảo:
– Hôm nay nương nương ngươi không có
nhà, ngươi cứ uống vài chung, có gì mà ngại.
Xuân Mai đáp:
– Xin nương nương cứ dùng, tính tôi
không thích rượu chứ có ngại gì đâu. Chính nương nương tôi nhiều lúc cũng bảo
tôi uống nhưng tôi không uống.
Tây Môn Khánh bảo:
– Mày không uống rượu thì uống một
chung trà vậy, để ta sai Nghênh Xuân nó gọi một đứa nào đi đón nương nương này.
Nói xong rót một chung trà đưa cho
Xuân Mai. Xuân Mai đờ đẫn tiếp lấy uống một ngụm rồi để xuống nói:
– Gia gia không cần phải sai Nghênh
Xuân, để tôi ra gọi Bình An đi thì hơn, Bình An nó lớn rồi, mấy đứa kia nhỏ
quá, sợ không biết gì.
Tây Môn Khánh thò đầu ra cửa sổ gọi
Bình An, Bình An đáp ngay:
– Dạ có tôi tới hầu.
Nói xong chạy tới, Tây Môn Khánh hỏi:
– Nếu ta sai ngươi đi việc thì ai coi
cổng?
Bình An đáp:
– Tôi giao cho Kỳ Đồng.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì ngươi đem theo một cái
đèn lồng, lấy ngựa đi đón Ngũ nương.
Bình An vâng lời cầm đèn dắt ngựa đi
ngay. Tới nửa đường thì gặp kiệu Kim Liên về, có Lai An đi theo. Hai phu kiệu
là Trương Xuyên và Ngụy Thống thấy Bình An từ xa đi tới thì nói:
– Có gia nhân đi đón nương nương kìa.
Bình An tới gần chào hỏi. Kim Liên hỏi:
– Gia gia hay ai sai ngươi đón ta?
Bình An đáp:
– Gia gia sai.
Kim Liên lại hỏi:
– Hôm nay gia gia từ viện về nhà ngay
hay còn đi đâu?
Bình An đáp:
– Gia gia còn ra ngoại thành thăm bè bạn
cùng với Hạ Đề hình mãi quá trưa mới về, rồi tới uống rượu với Lục nương từ đó
tới giờ. Thật ra Xuân Mai phải giục, gia gia mới sai tôi đi đón nương nương.
Lúc nãy Xuân Mai có nói với tôi rằng trời đã muộn, đường thì xa mà Lai An còn
nhỏ, sợ có điều gì bất tiện nên mới nhờ gia gia sai tôi.
Kim Liên lại hỏi:
– Lúc ngươi đi thì gia gia ở đâu?
Bình An đáp:
– Lúc tôi đi thì gia gia vẫn còn ngồi
uống rượu tại phòng Lục nương.
Kim Liên im lặng một lát rồi cười nhạt:
– Đồ bạc tình thế đấy, chắc là quên ta
rồi, suốt ngày chỉ vui chơi với con dâm phụ đó mà thôi, nó có con trai mà, quý
hóa lắm. Trương Xuyên đây cũng không phải người xa lạ gì nên ta mới nói, Trương
Xuyên ngươi nghĩ coi, thằng con trai mới bấy nhiêu tháng mà lấy ra toàn những
thứ lụa gấm rất quý rồi gọi thợ may, may quần áo cho nó mặc. Giả dụ như nhà
ngươi giàu có ức vạn, ngươi có làm vậy hay không?
Trương Xuyên đáp:
– Nương nương có hỏi tôi mới dám nói.
Làm vậy quả là không coi được. Đừng nói gì là phí của, mà cứ nói là làm vậy
không tốt đâu, đứa trẻ khó lòng mà yên ổn cho tới lớn được. Năm ngoái đây này, ở
ngoài Đông môn có một viên ngoại tuổi đã lục tuần, được hưởng gia tài của tổ
tiên để lại, ruộng đất bao la, tiền bạc đầy nhà, trâu ngựa từng bầy, thóc lúa
vô số, a hoàn thị thiếp thiếu gì, xung quanh lúc nào cũng có cả chục người thiếp,
vậy mà không có được một mụn con trai. Mọi người trong nhà cầu khấn không còn
thiếu chùa miếu nào nữa, rồi sau người thiếp thứ bảy sinh được một trai, thôi
thì vui mừng khôn xiết, cũng y như ở phủ nhà ta bây giờ vậy. Viên ngoại đó làm
riêng một ngôi nhà để cho cậu con đó, nuôi một lúc tới năm sáu vú em để săn sóc
nuôi nấng, quần áo mặc thì toàn là gấm lụa quý, không ngờ được ba tuổi thì mắc
bệnh đậu mà chết. Tôi nói chuyện này thật khó nghe, nhưng quả là không nên quý
hóa quá, làm như vậy chỉ khó nuôi mà thôi.
Kim Liên bảo:
– Khó nuôi hay không khó nuôi thì
không biết, chỉ biết bây giờ người ta đang quý như vàng như ngọc mà thôi.
Bình An nói:
– Còn chuyện này để tôi thưa với nương
nương luôn, cái vụ của Hàn Quản lý đó, đám thanh niên hiện bị giam tại ngục để
chờ thẩm vấn chịu tội, nhưng sáng sớm hôm nay tôi thấy Ứng nhị gia tới bàn bạc
gì với Thư Đồng, chắc là có ăn tiền ăn bạc gì. Lúc Ứng nhị gia về rồi thì Thư Đồng
nó đem tiền ra phố mua lung tung nhiều thứ lắm, mang về nhờ vợ Lai Hưng làm đủ
món ăn, rồi bưng lên phòng Lục nương, lại có cả một vò rượu Kim Hoa nữa, đem tới
biếu Lục nương. Sau đó trở về thư phòng dọn tiệc mời Phó Quản lý, cậu Kính Tế,
Bôn Tứ, Đại An và Lai Hưng lên ăn uống rầm rĩ cả lên, tới lúc gia gia về mới vội
dẹp đi. Không biết là họ bàn tính chuyện gì.
Kim Liên hỏi:
– Thằng khốn Thư Đồng nó không mời
ngươi ăn uống à?
Bình An đáp:
– Nó đâu có thèm mời tôi, vả lại chắc
nó cũng không dám mời, vì tôi ăn ngay nói thẳng, có ở trong phe tụi nó đâu. Rồi
sau đó gia gia về, không biết thằng khốn lại nhỏ to gì với gia gia trong thư
phòng, chắc là chuyện không ra gì, vì nó trước là thằng đi hát mà, thế nào chẳng
quen biết con này con nọ. Điệu này thì chắc là gia nhân chúng tôi khó sống với
thằng đó quá.
Kim Liên hỏi tiếp:
– Thằng khốn Thư Đồng tới phòng Lục
nương có lâu không?[71]
Bình An đáp:
– Ngồi lâu lắm, Lục nương còn cho nó uống
rượu nữa cơ mà. Lúc nó bước ra thì tôi thấy mặt mũi nó đỏ rần.
Kim Liên hỏi:
– Vậy mà gia gia không nói gì à?
Bình An đáp:
– Còn nói gì nữa? Nó thấy gia gia về
là le te hót hết chuyện này tới chuyện kia, rồi hầu hạ gia gia đủ thứ mà.
Kim Liên bảo:
– Thật là thằng khốn nạn chết toi chết
dịch. Được rồi, ngươi cứ theo dõi nó đi, thấy gì khác thì báo cho ta biết ngay.
Bình An nói:
– Nương nương dặn, tôi xin nhớ, nhưng
nương nương đừng nói gì, kẻo tôi mang vạ.
Kim Liên gật đầu không nói. Kiệu vẫn
tiếp tục đi. Lát sau thì tới nhà. Kim Liên xuống kiệu, trước hết vào hậu đường
chào Nguyệt nương. Nguyệt nương bảo:
– Thấy muộn quá mà muội muội chưa về,
tưởng là ở đêm đằng đó rồi.
Kim Liên nói:
– Mẫu thân tôi cũng giữ lại nhưng tôi
thấy bất tiện nên đòi về. Mẫu thân tôi nhờ tôi nói lại là cảm tạ Đại nương cho
quá nhiều.
Nói xong cáo từ để tới chào hỏi mọi
người, vì biết là Tây Môn Khánh đang ở với Bình Nhi nên tới phòng Bình Nhi sau
cùng. Bình Nhi thấy Kim Liên tới thì vội đứng dậy vồn vã mời ngồi rồi bảo:
– Thư thư mới về, xin dùng chén rượu
cho ấm.
Nói xong bảo Nghênh Xuân dọn rượu,
nhưng Kim Liên nói:
– Cám ơn thư thư, hôm nay tôi uống nhiều
quá rồi, bây giờ cũng hơi mệt. Tới chào thư thư rồi về nghỉ. Hôm nay tôi ăn tới
hai tiệc cơ mà.
Nói xong ngoe nguẩy quay ra. Tây Môn
Khánh bảo:
– To gan quá nhỉ, về nhà chào hỏi đủ hết
mọi người, còn tôi thì không thèm nói qua một tiếng phải không?
Kim Liên quay lại cười nhạt:
– Có gì đâu mà to gan. Nhà này còn nhiều
người to gan hơn tôi nữa. Đày tớ cũng to gan mà chủ nhà càng to gan hơn.
Nói xong bỏ đi, Tây Môn Khánh không hiểu
gì. Trong khi đó Kim Liên muốn ám chỉ là Bình Nhi hồi sáng uống rượu với Thư Đồng,
bây giờ tiếp rượu cho Tây Môn Khánh, như vậy là “ăn hai tiệc”, còn chủ nhà và
đày tớ thì rõ ràng là ám chỉ Bình Nhi và Thư Đồng.
Chú
thích.
[69] Theo
bản tiếng Anh, khi thấy khuôn mặt của Thư Đồng đỏ lên trông rất hấp dẫn, Tây
Môn Khánh kéo Thư Đồng vào lòng và hai người ôm ấp nhau như một đôi tình nhân.
Bản này đã lược bỏ chi tiết này khiến người đọc mất đi cái nhìn đầy đủ về xu hướng
tình dục của Tây Môn Khánh.
[70] Theo
bản tiếng Anh, khi thấy Họa Đồng xua tay, Bình An hiểu ngay là giữa Tây Môn
Khánh và Thư Đồng hẳn đang có chuyện gì đó nên lén lại gần cửa sổ để nghe
ngóng. Y nhận ra hai người đang quan hệ tình dục ở trong phòng. Lát sau, Thư Đồng
bước ra lấy nước rửa tay cho chủ, thấy Bình An và Họa Đồng đang đứng dưới cửa sổ
thì rất hổ thẹn.
[71] Theo
bản tiếng Anh, Bình An kể lại cho Kim Liên việc Tây Môn Khánh tư tình với Thư Đồng.
Về phần Kim Liên, vốn bản tính nhỏ nhen và ác khẩu, nàng rủa Bình Nhi cũng tư
thông với Thư Đồng bằng những lời lẽ tục tĩu: “Lão thông đít thằng nô tài ấy
xong thì nó cũng phang luôn con thiếp cưng của lão”. Chú ý là tác giả để Kim
Liên thường xuyên thốt ra những lời lẽ tục tĩu để tô đậm tính cách dâm đãng, hạ
tiện của nàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét