Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 24.
Người đầy tớ may mắn
Một hôm vào cuối đông sang xuân, thời
tiết rất đẹp, Tây Môn Khánh đi ăn tiệc ở ngoài, Nguyệt nương cũng tới thăm Ngô
đại cữu, Ngọc Lâu và Kim Liên tới phòng Bình Nhi đánh cờ cho tới trưa. Ngọc Lâu
nói:
– Chúng mình phải đánh cờ ăn tiền để tổ chức cái gì vui mới được.
Kim Liên bảo:
– Bây giờ đánh một ván, ai thua thì phải
bỏ ra năm tiền để làm tiệc rượu đãi mọi người. Ba tiền dùng để mua rượu Kim
Hoa, còn hai tiền để mua một thủ lợn nhỏ, bảo vợ Lai Vượng quay thật ngon để
chúng mình ăn.
Ngọc Lâu đáp:
– Đại nương không có nhà, tính sao cho
tiện?
Kim Liên bảo:
– Khó gì, để lại một phần, đem vào
phòng chờ Đại nương về thì mời ăn.
Nói xong, ba người bày bàn cờ mới, Ngọc Lâu và Kim Liên một phe, Bình Nhi thua luôn ba ván, phải bỏ ra năm tiền.
Kim Liên sai Tú Xuân gọi Lai Hưng tới
bảo:
– Tiền đây, ngươi mua một vò rượu Kim
Hoa và một đầu lợn nhỏ cùng các đồ gia vị, đem xuống bảo Huệ Liên quay lên rồi
dọn tiệc tại phòng Tam nương, chúng ta sẽ tới.
Ngọc Lâu bảo:
– Ngũ thư thư à, mình cứ bảo chúng nó
dọn tiệc tại đây thì tiện hơn. Chứ ăn uống ở phòng tôi mà không mời Kiều Nhi và
Tuyết Nga thì cũng phiền.
Kim Liên khen phải, Lai Hưng cầm tiền
đi ra.
Lát sau, sai Hưng mua rượu và thủ lợn
về. Huệ Liên đang ngồi nói chuyện với Ngọc Tiêu. Lai Hưng tìm tới bảo:
– Chị Huệ Liên à, Tam nương và Ngũ
nương sai tôi mua thủ lợn đây, bảo chị đem xuống bếp quay lên, rồi dọn tiệc tại
phòng Lục nương.
Huệ Liên bảo:
– Tôi không rảnh, vì còn đang phải làm
hài cho Đại nương đi, anh nhờ ai làm giùm cũng được.
Lai Hưng nói:
– Chị làm hay không làm thì tôi không
biết, giao cho chị thì tôi cứ giao, nếu chị bận thì lên nói lại với các nương
nương.
Ngọc Tiêu bảo:
– Thôi chị cứ đi làm giùm đi, chứ cái
miệng Ngũ nương gớm lắm, lại chuyện này chuyện kia rắc rối lắm.
Huệ Liên cười bảo:
– Ngũ nương đâu biết làm ăn gì, nhưng
lại muốn ăn ngon nên mới phải nhờ đến tôi.
Nói xong vào bếp, lấy thủ lợn, làm sạch
sẽ rồi quay thật ngon, mùi thơm ngào ngạt, gia vị đầy đủ, rồi để trên một cái
đĩa lớn, bỏ trong cái quả, đem lên phòng Bình Nhi. Ngọc Lâu đã chuẩn bị sẵn
sàng, chia ra một phần thịt, sớt rượu sang một cái bình nhỏ rồi sai a hoàn đem
tới phòng Nguyệt nương. Sau đó ba người nhập tiệc, chén tạc chén thù, chuyện
trò vui vẻ. Đang lúc ăn uống thì Huệ Liên bước tới cười hỏi:
– Các nương nương thấy thủ lợn quay
như vậy có ngon hay không?
Kim Liên bảo:
– Tam nương vừa mới khen ngươi đó,
quay như thế này là nhất rồi, ngươi khéo lắm.
Ngọc Lâu bảo:
– Tú Xuân, ngươi rót một chung rượu mời
Huệ Liên gọi là thưởng công.
Bình Nhi cũng chọn một miếng thịt ngon
đưa cho Huệ Liên mà bảo:
– Ngươi làm thì ngươi cũng phải ăn thử
một miếng chứ. Ngươi ngồi xuống đây đi.
Huệ Liên lạy tạ ba lạy rồi ngồi ghé
vào một bên, cùng mọi người ăn uống.
Tới gần tối tiệc mới tan, Nguyệt nương
cũng vừa về. Mấy người tiểu thiếp kéo nhau tới thăm, Tiểu Ngọc bưng rượu thịt
ra, Ngọc Lâu cười:
– Hôm nay chúng tôi đánh cờ, Lục thư
thư thua phải bỏ tiền ra mua rượu thịt, chúng tôi để phần Đại nương đó.
Nguyệt nương bảo:
– Làm như thế này chỉ người nào thua
là chịu thiệt. Tôi nghĩ rằng bây giờ đang là thời tiết đẹp, muốn cho công bằng
vui vẻ thì mấy chị em mình đây chia phiên nhau, mỗi người đứng ra làm tiệc một
ngày để đãi những người khác. Tôi tính như vậy có được không?
Mọi người đáp:
– Đại nương dạy phải lắm.
Nguyệt nương bảo:
– Ngày mai là mồng năm, tôi xin đứng
ra làm trước hết. Rồi mồng sáu thì Kiều Nhi, mồng bảy thì Ngọc Lâu, mồng tám
thì Kim Liên...
Kim Liên ngắt lời cười bảo:
– Chỉ có tôi là lợi nhất, hôm đó đúng
là ngày sinh nhật của tôi, thật nhất cử lưỡng tiện. Còn Tuyết Nga thì ngày nào?
Tuyết Nga im lặng, Nguyệt nương bảo:
– Thôi, Tuyết Nga thì khỏi tính.
Ngọc Lâu nói:
– Mồng chín nhà mình không rảnh, thôi
Bình Nhi thì để tới mồng mười.
Mọi người bàn định xong, cứ thế mà thi
hành.
Suốt từ ngày mồng năm, đám thê thiếp
trong nhà vui vẻ ăn uống, nghe đàn hát. Cho tới mồng mười là đến lượt Bình Nhi.
Bình Nhi sai Tú Xuân tới mời Tuyết Nga. Mời lần đầu Tuyết Nga từ chối, mời lần
thứ nhì Tuyết Nga nhận lời, nhưng lại không chịu tới. Ngọc Lâu bảo:
– Tôi đã biết trước là Tuyết Nga không
tới đâu, mời đi mời lại làm gì cho phiền phức.
Nguyệt nương bảo:
– Thôi, không đến thì thôi, mình cũng
chẳng nên để ý.
Nói xong mời Ngô đại tẩu và Tây Môn đại
thư cùng mọi người vào tiệc. Đám Xuân Mai cũng được gọi tới đàn hát giúp vui.
Nguyệt nương bảo:
– Gia gia không có nhà, cứ để bao giờ
về thì mời vào cũng được.
Mọi người vui vẻ ăn uống.
Tới trưa thì Tây Môn Khánh về tới nhà.
Ngọc Tiêu hầu hạ, đem quần áo cho chủ thay. Tây Môn Khánh hỏi:
– Đại nương đâu?
Ngọc Tiêu đáp:
– Đại nương đang cùng các nương nương
và Phan bà, Ngô đại cữu mẫu và Đại thư thư ăn tiệc tại phòng Lục nương nương.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Có chuyện gì mà tiệc tùng vậy?
Ngọc Tiêu đáp:
– Các nương nương thay phiên nhau tổ
chức cho vui mà thôi.
Tây Môn Khánh lại hỏi:
– Các nương nương uống rượu gì?
Ngọc Tiêu đáp:
– Rượu Kim Hoa.
Tây Môn Khánh bảo:
– Trong nhà còn rượu Mạt Lỵ do Ứng nhị
gia biếu đó, lấy ra đem đến cho các nương nương uống.
Ngọc Tiêu vào lấy rượu rồi đem tới
phòng Bình Nhi. Huệ Liên đang đứng cạnh Nguyệt nương để hầu rượu, thấy Ngọc
Tiêu đem rượu vào thì chạy tới đỡ. Ngọc Tiêu đưa mắt, Huệ Liên hiểu ý ngay,
Nguyệt nương hỏi:
– Rượu ở đâu vậy?
Ngọc Tiêu đáp:
– Gia gia sai đem tới để các nương
nương dùng.
Nguyệt nương hỏi:
– Gia gia về lúc nào vậy?
Ngọc Tiêu thưa:
– Gia gia vừa mới về, hỏi tôi là các
nương nương uống rượu gì, rồi sai tôi đem vò rượu Mạt Lỵ này tới để các nương
nương dùng.
Nguyệt nương bảo:
– Thôi, chẳng nên mời gia gia tới đây
làm gì, ngươi có thể dọn rượu và thức ăn cho gia gia ăn uống một mình cũng được.
Ngọc Tiêu vâng lời lui ra. Huệ Liên đứng
hầu rượu thêm một lát rồi nói:
– Để tôi xuống lo trà sẵn.
Nguyệt nương bảo:
– Phải đấy, trên phòng ta còn trà Lục
An, ngươi lên lấy xuống mà pha.
Lúc đó Tây Môn Khánh đang ở trong
phòng Nguyệt nương, Ngọc Tiêu đứng đợi Huệ Liên trên thềm. Huệ Liên đang đi tới
thì Đại An đã vào trước thưa:
– Có các vị Ứng, Tạ, Chúc, Thường tới.
Tây Môn Khánh bảo:
– Mời họ vào phòng khách rồi dọn rượu
tại đó.
Tây Môn Khánh nói xong bước ra phòng khách
tiếp bạn. Chủ khách an tọa, Ứng Bá Tước nói:
– Mấy hôm nay không gặp đại ca nên tới
thăm, nào ngờ giữa đường gặp mấy anh em đây, tôi liền rủ họ cùng tới.
Tạ Hy Đại nói:
– Xin đại ca bỏ lỗi cho, mấy ngày tết
vừa qua đáng lẽ là phải tới chúc tết đại ca, nhưng rồi cứ bận chuyện này chuyện
kia thành thử hôm nay mới tới được.
Tây Môn Khánh cười:
– Chẳng lẽ tôi không có rượu mời các
anh em trong mấy ngày tết hay sao?
Chúc Thật Niệm nói:
– Đại ca ở đây thì ngày giờ nào mà chẳng
có rượu cho anh em chúng tôi, còn mấy người họ hàng thân thuộc của chúng tôi
thì cả năm mới có rượu uống trong mấy ngày tết nên mới mời, chúng tôi không từ
chối được.
Chủ khách trò chuyện một hồi, rồi vào
tiệc. Lúc đó cũng gần tối, Đại An thắp đèn, lên bữa tiệc rất vui vẻ.
Rượu được vài tuần, Ứng Bá Tước nói:
– Có lẽ chúng mình nên dùng tửu lệnh
cho vui.
Tạ Hy Đại nói:
– Ứng nhị gia có tài kể chuyện cười, mấy
lần kể chuyện nhà Quế Thư khiến mọi người cười nghiêng ngửa, hôm nay nhị ca nên
kể chuyện cho anh em cười vui là nhất rồi, không cần tửu lệnh.
Tây Môn Khánh bảo Hy Đại:
– Tạ ca cũng giỏi khôi hài lắm, chẳng
lẽ không kể chuyện cười được sao?
Ứng Bá Tước nói:
– Kể chuyện cười cũng là dùng tửu lệnh
vậy. Bây giờ anh em mình, mỗi người phải kể một chuyện cười, kể xong mà không
ai cười thì bị phạt ba chung rượu lớn.
Chúc Thật Niệm nói:
– Nếu vậy để tôi kể trước.
Thường Trĩ Tiết bảo:
– Tôi không biết kể chuyện cười, xin
chịu phạt ba chung rượu là xong.
Chúc Thật Niệm bắt đầu kể:
– Ai cũng biết Khổng Tử có bảy mươi
hai người học trò giỏi là thất thập nhị hiền chứ gì, nhưng quá nửa thật ra là
những người chẳng ra gì cả.
Thường Trĩ Tiết chặn lại hỏi:
– Sao vậy?
Chúc Thật Niệm nhân việc Thường Trĩ Tiết
đã lớn tuổi mà chưa từng lấy vợ lần nào bèn bảo:
– Yên trí, tôi nói có sách mách có chứng,
trong sách có câu “bất hữu quan giả lục ngũ nhân, đồng tử lục thất nhân”...
trong câu đó, người đã có vợ gọi là “quan”, người chưa có vợ gọi là “đồng “,
năm sáu ba mươi, sáu bảy bốn hai, cộng lại không phải bảy mươi hai người hay
sao?...
Mọi người cười ầm cả lên. Đến lượt Ứng
Bá Tước kể:
– Tôi cũng nói chuyện sách vở thánh hiền.
Các ca ca có biết tại sao con gái của Khổng Tử không lấy người chồng học vấn
uyên thâm, mà lại lấy anh phạm nhân Công Dã Trường? Ấy là tại trong đám cao đệ
của Khổng Tử, thì Nhan Uyên là người vắn số, sợ rằng con gái mình ở góa không nổi.
Mẫn Tử Khiên thì có mẹ già, sợ hành hạ con gái mình, Nhiễm Bá Ngưu thì bệnh tật,
Trọng Cung thì có người cha không ra gì, sợ làm điều vô liêm sỉ với con dâu,
còn Tề Ngã thì có tài ăn nói nhưng lại phải cái tật cứ ngủ suốt ngày...
Tây Môn Khánh nghe tới đây thì hơi chạnh
lòng, bèn bảo:
– Thôi, khỏi cần kể nữa, mới chỉ kể ra
năm người mà cũng đủ buồn cười lắm rồi.
Mọi người cùng cười. Tạ Hy Đại trầm
ngâm hỏi:
– Đại ca à, tôi có phải kể hay không?
Tây Môn Khánh bảo:
– Thì cứ kể đi, nếu không ai cười thì
chịu phạt chứ sao.
Tạ Hy Đại nói:
– Đại ca đây làm chuyện gì cũng đúng
sách thánh hiền, đại ca có nhiều vợ, nhưng lại không chịu đến với họ, để họ ở
không, như vậy là hợp với câu “Hồi dã, kỳ thứ hồ lũ không, thứ giả, tiểu thiếp
chi vị dã”.
Tây Môn Khánh cười, đập lên đầu Hy Đại
mà bảo:
– Chỉ được cái miệng giỏi ăn nói hàm hồ
thôi.
Trong khi đó, tại bàn tiệc trong phòng
Bình Nhi, Kim Liên thấy Huệ Liên tự ý đi pha trà thì nghi rằng Huệ Liên kiếm cớ
để lên tình tự với Tây Môn Khánh trên phòng Nguyệt nương, bèn giả vờ ra ngoài rồi
đi thẳng tới phòng Nguyệt nương, nhưng nghe a hoàn nói là Tây Môn Khánh đang uống
rượu với khách tại phòng khách, Kim Liên lại rón rén ra phòng khách, núp ở sau
rèm mà nghe, nghe tới câu chuyện của Tạ Hy Đại thì có ý thẹn thùng, liền trở về
phòng riêng. Về phần Huệ Liên, biết Tây Môn Khánh phải tiếp bạn, thì quay xuống
lo pha trà. Đang loay hoay ở đằng sau thì Tiểu Ngọc tới bảo:
– Đại nương nói sao chị pha trà lâu
quá vậy?
Huệ Liên đáp:
– Xong rồi đây, để tôi đem lên.
Nói xong bưng trà lên phòng tiệc. Nguyệt
nương hỏi:
– Sao giờ này trà mới xong?
Huệ Liên đáp:
– Gia gia đang cùng khách khứa uống rượu,
nhà bếp bận làm đồ ăn, bây giờ mới có bếp trống.
Mọi người uống trà rồi lại tiếp tục bữa
tiệc. Huệ Liên lại được ngồi bên cạnh cùng ăn, thỉnh thoảng lại nói xen vài
câu. Ngọc Lâu khó chịu bảo:
– Chúng ta đông đủ ở đây trò chuyện mà
sao ngươi cứ nói leo vậy?
Huệ Liên xấu hổ quá, đứng dậy lui ra
sau.
Đám thê thiếp ăn uống tới lúc lên đèn
thì thấy Tây Môn Khánh vén rèm bước vào, cười bảo:
– Mọi người vui vẻ quá nhỉ.
Ngô cữu mẫu đứng dậy chào:
– Quan nhân đã tới.
Rồi vội kéo ghế mời ngồi. Nguyệt nương
hỏi:
– Chàng uống rượu với bạn xong rồi hay
sao? Chỗ này toàn đàn là con gái, tới đây làm gì?
Tây Môn Khánh đã ngà ngà say, nghe vậy
cười bảo:
– Nếu vậy thì tôi đi.
Nói xong sang phòng Kim Liên, Kim Liên
hỏi:
– Hồi nãy Tạ Hy Đại kể chuyện cười như
vậy là ngụ ý gì?
Tây Môn Khánh bảo:
– Hơi đâu mà để ý đến những chuyện
bông lơn đó. Tôi có chuyện muốn bàn với nàng đây. Tôi muốn gặp Huệ Liên một đêm
nhưng chẳng có chỗ nào thuận tiện. Nếu nàng dung được nó thì cho tôi mượn nơi
này của nàng một đêm.
Kim Liên đáp:
– Tôi thì lúc nào cũng nghe theo
chàng, nhưng không phải là tôi không dung được Huệ Liên, mà chỉ sợ Xuân Mai nó
không chịu, chàng thử hỏi qua nó một câu xem.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì thôi, để tôi báo a hoàn
nó đem chăn nệm ra căn nhà mát trong hoa viên vậy.
Nói xong bước ra. Lát sau Huệ Liên
theo ra tới nơi, nhìn vào thấy đèn sáng. Huệ Liên nói:
– Bộ nhà hết chỗ rồi hay sao mà phải
đưa tôi ra chỗ trống trải lạnh lùng như thế này? Lạnh quá làm sao ngủ được.
Chàng không thấy đôi bàn chân nhỏ xíu của tôi muốn tê đi vì lạnh hay sao? Vậy
mà tôi vẫn không có nổi một đôi hài mà đi, trong khi mọi người thì ai cũng thừa
mứa.
Tây Môn Khánh bảo:
– Được rồi, để mai ta bảo lấy tiền mua
cho nàng đủ thứ hài đẹp và ấm.
Đoạn ngắm bàn chân của Huệ Liên mà bảo:
– Thật không ngờ bàn chân nàng lại có
thể nhỏ hơn của Kim Liên như thế này.
Huệ Liên nói:
– Tôi làm sao so được với Ngũ nương,
nhưng hôm qua tôi có thử mang một đôi hài của Ngũ nương thì thấy rộng mông
mênh, tuy nhiên có mua hài cho tôi thì phải mua đúng như của Ngũ nương cơ.
Kim Liên đứng ngoài nghiến răng nhủ thầm:
“Con nô tài dâm phụ này gớm thật, dám chê bai ta”.
Đoạn lại nghe tiếp Huệ Liên hỏi:
– Chàng cưới Ngũ nương về lâu chưa,
Ngũ nương là người thế nào mà có vẻ hợm mình như vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Ờ cũng lâu rồi, nó cũng là người chẳng ra gì, được về đây là phúc lắm.
Kim Liên đứng ngoài nghiến răng căm hận,
nghĩ thầm: “Con nô tài dâm phụ này quá lắm rồi, để ta phải tìm cách trả thù mới
được, sau này rồi nó sẽ biết ta”. Nghĩ xong đứng lặng giây lâu[56], rồi rút chiếc trâm trên đầu xuống,
cài vào hai cái khoen cửa, sau đó nuốt hận về phòng.
Sáng sớm hôm sau Huệ Liên dậy mở cửa để
ra nhưng cửa bị cài chặt bên ngoài, không mở được.
Tây Môn Khánh phải lên tiếng gọi
Nghênh Xuân tới mở, Huệ Liên thấy cây trâm thì biết là đêm qua Kim Liên đã rình
nghe ở ngoài, trong lòng vừa giận vừa sợ, vừa hổ thẹn, vội bước ra khỏi hoa
viên. Đi được một quãng thì gặp Bình An từ trong đi ra, cứ nhìn mình mà cười.
Huệ Liên chột dạ hỏi:
– Cười gì mà cứ nhe răng ra vậy?
Bình An đáp:
– Tôi cười gì kệ tôi, chị hỏi làm gì?
Huệ Liên bảo:
– Phải có cái gì mới cười được chứ,
nói vậy nghe sao được?
Bình An đáp:
– Tôi cười chị đó, cả đêm qua chị đi
đâu?
Huệ Liên đỏ bừng mặt:
– Thằng ông mãnh, tao đi đâu mặc kệ
tao, việc gì đến mày?
Bình An bảo:
– Ngũ nương nói là chị nên cúng vái
sám hối đi là vừa.
Huệ Liên giật mình, sợ cuống lên,
nhưng mắng át đi:
– Thằng khốn đừng có ăn nói hàm hồ bịa
đặt, rồi mày biết tao.
Nói xong đuổi Bình An định đánh. Vừa
lúc đó Đại An đi tới, vội hỏi:
– Sao chị đánh nó?
Huệ Liên đáp:
– Còn sao nữa, nó làm tôi tức muốn chết
đây này.
Bình An bỏ đi. Đại An bảo:
– Chị cũng chẳng nên giận làm gì, vào
trong mà lo việc đi.
Huệ Liên lấy ra ít tiền, nhờ Đại An
mua cháo thịt về, hai người cùng ăn. Sau đó Huệ Liên vào phòng Nguyệt nương dọn
dẹp rồi tới phòng Kim Liên. Kim Liên đang trang điểm trước gương. Huệ Liên nhẹ
nhàng vào phòng dọn dẹp đồ đạc lau chùi bàn ghế, rồi lấy nước nóng cho Kim Liên
rửa tay. Kim Liên không thèm ngó tới Huệ Liên. Lát sau Huệ Liên nói:
– Đôi hài ngủ của nương nương đâu để
tôi đi giặt.
Kim Liên bảo:
– Kệ nó.
Đoạn gọi:
– Thu Cúc đâu, con khốn này đi đâu mất
mặt vậy?
Huệ Liên nói:
– Thu Cúc đang quét dọn ở ngoài, còn
Xuân Mai thì đang chải đầu.
Kim Liên bảo:
– Để đó rồi chúng nó vào dọn dẹp,
ngươi đừng làm gì cả sợ bẩn tay ngươi. Ngươi nên tới săn sóc hầu hạ cho gia gia
thì hơn. Gia gia có người như ngươi hầu hạ là nhất rồi, chúng ta là người chẳng
ra gì, chỉ có ngươi xứng đáng là chính thất của gia gia mà thôi.
Huệ Liên biết ngay là Kim Liên muốn nhắc
lại chuyện đêm qua, bèn quỳ ngay xuống mà nói:
– Nương nương là chủ của tôi, nếu
nương nương không thương tình thì làm sao tôi sống được. Nếu nương nương không
khoan dung thì đêm qua tôi đâu dám nghe lời gia gia. Tôi lúc nào cũng mang ơn
nương nương không bao giờ dám nghĩ khác. Xin nương nương cứ hỏi gia gia, nếu
tôi có điều gì vô lễ với nương nương thì sau này tôi chết không yên.
Kim Liên bảo:
– Thôi, xin đừng nói vậy mà tôi thêm
mang tội. Gia gia đã yêu mến thư thư, chúng tôi đâu có tranh chấp gì, chỉ xin
thư thư khi kề cận gia gia thì đừng nói xấu hạ nhục chúng tôi, từ đây trở đi
nên bớt cái thói đó.
Huệ Liên nói:
– Xin nương nương cứ hỏi lại gia gia,
tôi quả không bao giờ dám vậy. Có thể là đêm qua nương nương nghe lầm điều gì
chăng?
Kim Liên dằn giọng:
– Đứng có già hàm, ta nói cho ngươi biết
là trong nhà này, gia gia không bao giờ giấu ta chuyện gì hết, kể cả những chuyện
gia gia xích mích với Đại nương. Chuyện với Đại nương mà gia gia còn kể cho ta
nghe thì chuyện của ngươi, gia gia lại giấu ta sao? Ngươi liệu có so được với Đại
nương hay không. Cho nên chuyện gì của ngươi, ngươi nói câu gì, ta đều biết hết.
Huệ Liên đứng lặng một hồi rồi bước
ra. Đi được một quãng thì gặp Tây Môn Khánh, bèn chặn lại mà bảo:
– Đêm qua tôi nói với gia gia những
gì, gia gia đem kể hết cho người ta nghe, người ta vừa mắng tôi như tát nước.
Những điều tôi nói với gia gia, gia gia nói lại với người ta làm gì?
Tây Môn Khánh ngạc nhiên:
– Chuyện gì vậy? Ta có nói gì với ai
đâu.
Huệ Liên vùng vằng bỏ đi.
Từ đó, cậy được Tây Môn Khánh yêu quý,
Huệ Liên ngày càng tỏ ra kiêu căng, quên hẳn mình là phận tôi đòi, khinh miệt tất
cả gia nhân trong nhà, coi thường cả từ viên quản lý tiệm thuốc tới con rể Tây
Môn Khánh là Trần Kính Tế. Viên quản lý họ Phó là người có tuổi bị Huệ Liên gọi
là Phó đại lang thì lấy làm lạ lắm. Huệ Liên thường nhờ Phó quản lý mua giùm
son phấn. Một hôm Phó quản lý mua son phấn, nhờ Đại An mang vào. Đại An đứng
ngoài réo gọi:
– Chị Huệ Liên ơi, mua son phấn thì ra
đây mà lấy, mang vào thoa đánh cho nó đẹp.
Huệ Liên bước ra xỉa xói:
– Thằng khốn, làm gì mà ồn ào lên vậy?
Đây là Ngũ nương sai tao mua, chứ có phải tao mua cho tao đâu, mày dám bảo Ngũ
nương là mua son phấn làm đẹp phải không? Để tao mách Ngũ nương cho mà coi.
Đại An bảo:
– Việc gì chị cứ phải đem Ngũ nương ra
dọa tôi vậy? Này, tử tế thì muốn mua bán gì tôi còn giúp, chứ không thì từ nay
đừng có hòng mà nhờ tôi.
Huệ Liên dịu giọng gọi Đại An vào, nhờ
mua các vật dụng khác, rồi đưa ra một thỏi bạc nặng bảy tiền năm phân. Đại An cầm
bạc, cứ lật qua lật lại mà coi, Huệ Liên bảo:
– Thằng khỉ, cầm bạc rồi không chạy đi
lo việc cho người ta, còn đứng đó mà nhìn ngắm cái gì? Coi cái mắt mày nhìn tiền
nhìn bạc cũng đủ biết mày tham lam, cỡ mày ban đêm ban hôm chó má nó ngủ quên
là mày dám vào nhà người ta ăn trộm lắm.
Đại An bảo:
– Ăn trộm hay không thì kệ tôi, có điều
là thoi bạc này tôi thấy quen quá, giống như bạc của gia gia vậy. Hôm nọ sau
khi mua bán, còn thừa ít bạc, bảo tôi đếm rồi cất đi, tôi nhớ đúng là thứ bạc
này chớ không thể sai.
Huệ Liên mắng át:
– Này thằng khốn chớ nói bậy, tiền bạc
thế gian thiếu gì, bạc nào chẳng giống bạc nào, bộ chỉ mình gia gia có thứ này
thôi hay sao. Mà bạc của gia gia làm sao ta lại có được.
Đại An bảo:
– À, cái đó thì tôi đâu có biết.
Huệ Liên định sấn tới đánh, Đại An cầm
bạc chạy ra đưa cho gia nhân khác lo mua bán, tiền dư thì giữ lại mà không trả,
Huệ Liên gọi và bảo:
– Tiền thừa đâu sao không trả cho tao?
Đại An cười:
– Tiền này không phải tiền của chị,
còn thừa thì chị cũng nên để tôi mua bánh ăn chứ.
Huệ Liên bảo:
– Cứ đưa đây cho tao coi còn bao nhiêu
rồi tao cho.
Đại An đưa tiền, Huệ Liên cầm lấy đếm
rồi lấy ra một ít cho Đại An, còn bao nhiêu thì giắt vào lưng.
Từ đó Huệ Liên luôn luôn có nhiều tiền,
thường sắm mua quần áo, đồ trang sức quan trọng, lại thường đứng ở cổng chờ các
hàng quà đi ngang mua ăn, không nể nang e dè gì cả, nhiều khi còn mua thật nhiều,
chia cho các gia nhân cùng ăn. Huệ Liên ăn mặc chải chuốt, áo tay rộng như chủ
nhà, quần dài lết phết, thoa son dồi phấn, cài trâm vàng thoa bạc, ăn xài rộng
rãi, mỗi ngày tốn cả hai ba tiền. Tất cả đều do Tây Môn Khánh lén lút đưa cho.
Huệ Liên lại khôn ngoan, biết Kim Liên hiểu rõ chuyện riêng của mình thì ngày
ngày quanh quẩn bên Kim Liên, hầu hạ từng ly từng tí, nịnh hót đủ điều. Hàng
ngày thường cùng Kim Liên và Bình Nhi đánh cờ, đánh bài giải trí. Thảng hoặc
Tây Môn Khánh tình cờ tới thì Kim Liên cho Huệ Liên ngồi cạnh uống rượu chuyện
trò. Phận sự chính của Huệ Liên là cùng Ngọc Tiêu hầu hạ Nguyệt nương, nhưng mỗi
ngày chỉ đảo qua cho Nguyệt nương thấy mặt rồi lại sang với Kim Liên.
Chú
thích.
[56] Một
lát lâu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét