Phượng Thư. |
Hồi 114.
Vương
Hy Phượng trải qua cơn ảo nhớ lại Kim Lăng;
Chân
Ứng Gia được đội ơn vua về chầu ngọc khuyết.
Bảo Ngọc, Bảo Thoa nghe nói bệnh Phượng Thư nguy cấp vội
vàng ngồi dậy. A hoàn cầm đèn chờ sẵn. Đang định đi ra, thì thấy bên Vương phu
nhân sai người đến nói:
Mợ hai Liễn nguy lắm rồi, nhưng chưa tắt thở. Mợ và cậu hãy khoan sang. Bệnh mợ hai Liễn có phần kỳ quặc; từ canh ba đến canh tư, đòi hỏi luôn miệng, đòi thuyền đòi kiệu, nói là để về Kim Lăng nhập vào cuốn sổ gì đấy. Mọi người không hiểu. Mợ ta cứ kêu van khóc lóc. Cậu hai Liễn chẳng biết làm thế nào, đành phải sai người đi bẻ thuyền và kiệu giấy. Thuyền và kiệu chưa về, mợ ta cứ thở hổn hển chờ. Bà lớn sai chúng tôi đến đây, nói cậu mợ chờ mợ ấy tắt thở rồi hãy sang.
Bảo Ngọc nói:
Thế cũng lạ thật? Chị ấy đi Kim Lăng làm gì? Tập Nhân nói
khẽ:
Không phải năm trước cậu đã thấy chiêm bao. Tôi còn nhớ cậu
nói có những mấy cuốn sổ à? Phải chăng là mợ hai Liễn đi đến chỗ ấy?
Bảo Ngọc nghe xong, gật đầu nói:
Phải đấy! Đáng tiếc tôi không nhớ những lời ghi trong mấy
cuốn sổ ấy nữa. Xem như thế thì người ta ai cũng có số cả. Nhưng không biết em
Lâm thì đi chỗ nào? Bây giờ nghe chị nói, tôi hơi hiểu rồi. Nếu lại được thấy
chiêm bao lần nữa, thế nào tôi cũng xem cho kỹ, có lẽ chẳng phải bói cũng đã biết
trước.
Tập Nhân nói:
Cậu lẩn thẩn thế tôi không thể nói chuyện được. Tôi ngẫu
nhiên nhắc đến một câu, mà cậu đã cho là thật? Cậu có biết trước thì liệu còn
cách gì nữa.
Bảo Ngọc nói:
Chỉ sợ không biết trước thôi, nếu biết trước thì tôi cũng
không cần gì lo lắng hão cho các người!
Hai người đang nói chuyện, thì Bảo Thoa chạy đến hỏi:
Hai người nói gì đấy?
Bảo Ngọc sợ chị ta tra hỏi, liền trả lời:
Đang bàn chuyện chị Phượng.
Người ta sắp chết rồi. Các người cứ bàn chuyện chị ấy làm
gì. Năm trước cậu cứ nói tôi nguyền rủa chị ấy, chứ quẻ thẻ thần phải ứng nghiệm
đấy à?
Bảo Ngọc nghĩ một lát, rồi vỗ tay và nói:
Phải đấy! Xem như thế thì mợ có thể biết trước được. Tôi
hỏi mợ có biết tương lai của tôi sẽ như thế nào không?
Bảo Thoa cười và nói:
Lại nói nhảm rồi, tôi chẳng qua cứ lời trên quẻ thẻ chị ấy
xin mà nói bừa ra đấy thôi, thế mà cậu lại cho là thật. Cậu thật giống như chị
Hai nhà tôi. Lúc cậu mất ngọc, chị ta đi nhờ Diệu Ngọc cầu tiên, tiên viết chữ
ra, mọi người không hiểu. Khi vắng người, chị ta còn nói với tôi, Diệu Ngọc biết
trước như thế nào, tham thiền ngộ đạo như thế nào, bây giờ chính Diệu Ngọc mắc
nạn lớn, mà bản thân cô ấy lại không biết? Thế lại cho là biết trước à? Ngay cả
tôi ngẫu nhiên nói đúng việc của mợ Hai, thực ra thì làm sao biết số chị ấy như
thế nào? Ngay cả số tôi, tôi cũng chẳng biết nữa là. Những việc như thế, vốn là
chuyện hoang đường, tin làm sao được?
Bảo Ngọc nói:
Đừng nhắc chuyện chị ấy nữa, mợ chỉ nói chuyện chị Hai
thôi. Từ khi nhà ta luôn luôn có việc, lãng quên việc của chị ta. Một việc lớn
như thế, sao bên nhà lại làm qua loa xong chuyện? Cũng không mời mọc bà con bạn
bè gì cả.
Bảo Thoa nói:
Cậu nói như thế lại viễn vông rồi. Bà con nhà chúng tôi,
chỉ có nhà mình đây và nhà họ Vương là gần gũi. Nhà họ Vương hiện chẳng có ai
là người đứng đắn, còn nhà mình thì mắc việc tang bà, nên cũng không mời; chỉ
có anh Liễn là còn lo liệu việc này việc khác. Bà con nơi khác cũng có một vài
nhà. Cậu không sang làm sao mà biết. Kể ra số phận chị Hai nhà tôi cũng chẳng
khác tôi mấy, từ khi hứa gả cho anh Hai tôi, mẹ tôi vốn định cưới cho anh ấy thật
đường hoàng. Nhưng một là vì anh Cả tôi đang bị giam, anh Hai cũng không chịu
làm to; hai là vì việc nhà mình đây; ba là vì chị Hai ở bên nhà bà Cả khổ quá,
lại bị khám xét, bà Cả hết sức cay nghiệt, chị ấy không thể chịu nổi. Vì thế
tôi nói với mẹ tôi chịu làm qua loa bôi bác mà cưới về cho xong. Tôi xem chị
Hai tôi giờ đây thật là yên tâm vui vẻ, hiếu kính mẹ tôi, so với dâu thật còn
hơn gấp mười, đối đãi với anh Hai cũng giữ hết đạo làm vợ. Lại rất thân mật với
chị Hương Lăng. Khi anh Hai tôi đi vắng, hai người ăn ở vui vẻ hòa thuận, tuy
trong nhà có phần túng thiếu, nhưng gần đây mẹ tôi có phần ung dung hơn trước.
Chỉ khi nào nghĩ đến anh Cả tôi là mẹ tôi không khỏi đau lòng. Anh Cả tôi cũng
thường sai người về nhà lấy tiền tiêu, may nhờ anh Hai tính toán công nợ ở
ngoài, lo tiền gởi cho. Tôi nghe nói có mấy ngôi nhà trong thành đã cầm đi rồi,
còn lại một ngôi, bây giờ đang định dọn đến đấy ở.
Bảo Ngọc nói:
Tại sao lại định dọn đi? Ở chỗ này mợ qua lại cũng tiện,
nếu dọn đi xa, mợ muốn đến phải mất một ngày.
Bảo Thoa nói:
Tuy nói là bà con, nhưng ai ở nhà nấy thì vẫn tiện hơn, lẽ
nào lại ở nhà bà con suốt đời?
Bảo Ngọc còn định nói tại sao không nên dọn đi, thì thấy
Vương phu nhân cho người đến nói:
Mợ hai Liễn đã mất. Tất cả mọi người đều qua bên ấy rồi.
Mời cậu Hai và mợ Hai sang ngay.
Bảo Ngọc nghe nói, không nín được nữa, dẫm chân định
khóc. Bảo Thoa cũng thương xót, lại sợ Bảo Ngọc thương tâm, liền nói:
Đừng khóc ở đây, sang bên ấy mà khóc luôn thể.
Rồi hai người đi một mạch đến nhà Phượng Thư, thì thấy có
nhiều người đang đứng vây quanh mà khóc. Bảo Thoa tới nơi, thấy Phượng Thư chết
rồi, đã đặt nằm trên giường, liền oà khóc to. Bảo Ngọc cũng nắm lấy tay Giả Liễn,
khóc lóc thảm thiết. Giả Liễn lại khóc lóc lúc lâu. Bọn Bình Nhi thấy không có
ai khuyên giải, đành phải cố nhịn đau thương mà tới khuyên. Mọi người đều
thương khóc mãi.
Giả Liễn cuống quít sai người gọi Lại Đại đến, bảo ông ta
lo liệu việc tang, còn mình thì thưa lại đầu đuôi với Giả Chính, rồi đi lo liệu
công việc. Nhưng vì trong nhà thiếu thốn, nên việc gì cũng chật vật. Nhớ lại ngày
thường Phượng Thư ăn ở quí hóa, hắn càng không sao cầm được nước mắt. Lại thấy
Xảo Thư khóc lóc, chết đi sống lại, càng thêm thương tâm. Hắn khóc cho đến
sáng, rồi sai người đi mời cậu cả là Vương Nhân đến.
Bảo Thoa tới nơi, thấy
Phượng Thư chết rồi, đã đặt nằm trên giường, liền oà khóc to.
Sau khi Vương Tử Đằng chết, Vương Tử Thắng lại là người bất tài, Vương Nhân tha hồ càn dở làm cho bà con nội ngoại xích mích lẫn nhau. Nay nghe em gái chết, hắn ta đành phải chạy đến, khóc lóc một hồi. Thấy ở đấy mọi việc đều bôi bác qua loa, trong bụng hắn ta không bằng lòng, nói:
Em gái tôi ở nhà các người khó nhọc vất vả trông coi việc
cửa việc nhà mấy năm nay, chẳng có điều gì sai lầm. Nhà các người cần phải tống
táng cho ra trò mới phải. Tại sao đến giờ mà mọi việc vẫn chưa đầy đủ?
Giả Liễn vốn không bằng lòng với Vương Nhân, thấy hắn nói
những câu nhảm nhí. Biết hắn chẳng hiểu gì, nên cũng không để ý. Vương Nhân liền
gọi cháu ngoại là Xảo Thư lại, và nói:
Lúc mẹ cháu còn sống, ăn ở không chu đáo, chỉ biết một mực
chiều chuộng bà mà khinh thường bọn chúng ta. Cháu này, cháu đã lớn rồi. Cháu
thấy cậu xưa nay có nhờ vả gì nhà cháu không? Bây giờ mẹ cháu chết rồi. Mọi việc
cháu phải nghe lời cậu. Bà con bên ngoại nhà cháu chỉ có cậu đây và cậu Hai của
cháu thôi. Cha cháu người như thế nào, cậu cũng biết cả. Anh ta chỉ có kính trọng
người khác thôi. Năm nọ dì Vưu nào đó chết đi, cậu tuy không ở Kinh nhưng nghe
nói cha cháu mất khá nhiều tiền.
Nay mẹ cháu chết, cha cháu lại lo liệu qua loa như thế.
Cháu cũng không biết khuyên cha cháu à?
Xảo Thư nói:
Cha cháu cũng muốn lo liệu cho chu đáo. Nhưng bây giờ
không bì với trước được. Hiện giờ trong tay không có tiền, mọi việc đều phải dè
sẻn ít nhiều.
Đồ đạc của nhà cháu còn ít à?
Năm trước bị tịch thu hết, còn đâu nữa?
Cháu cũng nói như thế à? Cậu nghe nói cụ bà lại cho một số
đồ vật, cháu nên đưa ra mới phải.
Xảo Thư nói cha mình đã dùng đi rồi thì không tiện, nên
chỉ chối là không biết. Vương Nhân liền nói:
Chà! Tao biết rồi, chẳng qua mày muốn để dành sau này làm
đồ hồi môn đấy thôi. Xảo Thư nghe nói, không dám trả lời. Tức quá nghẹn ngào
khóc lên. Bình Nhi giận quá nói:
Cậu có điều gì thì chờ cậu Hai chúng tôi vào hãy nói. Cô
mới chừng ấy tuổi, đã hiểu cái gì?
Vương Nhân nói:
Bọn các người thì chỉ trông chờ cho mợ Hai chết đi, để dễ
làm vương làm tướng! Tôi có đòi gì đâu. Lo liệu cho chu đáo là thể diện của các
người đấy thôi. Nói xong, hắn hầm hầm ngồi xuống.
Xảo Thư trong bụng rất bực bội, nghĩ thầm: “Cha mình
không phải người phụ bạc. Khi mẹ mình đang còn, cậu lấy không biết bao nhiêu là
đồ vật, thế mà bây giờ lại chối trơn đi như thế”. Vì thế, cô ta không trọng cậu
lắm. Ngờ đâu Vương Nhân trong bụng suy nghĩ, em gái mình dành dụm không biết
bao nhiêu, tuy nhà bị khám xét, nhưng tiền bạc có phải ít đâu. Chắc là sợ mình
đến vòi vĩnh nên bày trò nói như thế. Con bé kia cũng không giúp mình được gì.
Từ đó Vương Nhân cũng ghét cả Xảo Thư. Giả Liễn chẳng hề biết gì, chỉ loay hoay
kiếm tiền để tiêu. Mọi việc ở ngoài, bảo Lại Đại lo liệu; bên trong cũng cần
tiêu khá nhiều tiền, không thể một lúc kiếm đâu ra được. Bình Nhi biết hắn hoảng
hốt liền can:
Cậu Hai cũng không nên hủy hoại đến thân thể lắm?
Còn thân với thể gì! Hiện giờ tiền tiêu hàng ngày không
còn nữa, việc này biết lo liệu làm sao? Thế mà lại có hạng người lẩn thẩn cứ ở
đây quấy rầy. Chị cứ nghĩ xem còn cách gì nữa?
Cậu cũng đừng hoảng lên, nếu không có tiền tiêu thì tôi
còn ít nhiều đồ vật. May mà năm trước không bị tịch thu, cậu cần thì đem cầm đi
mà tiêu.
Giả Liễn nghe nói, nghĩ bụng, thế thật may quá, liền cười
và nói:
Thế thì càng tốt, đỡ cho tôi khỏi phải chạy vay nơi này
nơi khác. Chờ khi nào tôi kiếm được tiền sẽ trả lại cho chị.
Của tôi cũng là của mợ cho, trả với vay gì! Cốt làm sao
lo liệu việc này cho dễ coi một chút là được.
Giả Liễn rất là cảm kích, liền đem đồ vật của chị ta cầm
đi mà tiêu. Mọi việc cùng bàn bạc với chị ta mà làm! Thu Đồng thấy vậy, trong bụng
khó chịu, thường nói ra miệng:
Mợ Hai chết rồi. Con Bình muốn leo lên đấy? Tôi là người
của ông lớn. Sao nó lại vượt cả tôi?
Bình Nhi cũng biết ý, nhưng cứ để mặc. Giả Liễn lúc đó biết
rõ, nên càng ghét Thu Đồng, gặp việc gì buồn bực thì đem Thu Đồng ra hành hạ.
Hình phu nhân biết thế, lại bảo Giả Liễn không tốt. Giả Liễn đành phải chịu nhịn.
Linh cữu của Phượng Thư để hẳn mười ngày rồi mới đưa đi.
Giả Chính chịu tang mẹ, nên chỉ ở thư phòng bên ngoài. Lúc bấy giờ bọn môn
khách đều dần dần từ biệt đi nơi khác, chỉ có Trình Nhật Hưng còn ở đấy, thường
ngồi tiếp chuyện. Giả Chính nói:
Vận nhà không may. Chết luôn mấy người, ông Cả và anh
Trân lại còn ở ngoài. Cảnh nhà càng ngày càng gặp khó khăn. Ruộng đất ở ngoài
trại Đông cũng chẳng biết ra làm sao. Thật là gay?
Trình Nhật Hưng nói:
Tôi ở đây đã mấy năm, cũng biết người nhà ở phủ đây không
ai là không tư túi. Năm nào họ cũng bòn của về nhà thì cố nhiên ở phủ đây càng
ngày càng thiếu hụt. Lại thêm phải chi tiêu cho bên ông Cả và ông Trân nữa. Bên
ngoài, còn có ít nhiều nợ, vừa rồi lại mất trộm một ít, trông mong các nha môn
truy lùng đám cướp để lấy lại của, là việc rất khó. Ông lớn nếu muốn cho việc
nhà ổn định, chỉ có cách gọi hết những người coi việc nhà đến, sai một người
tâm phúc tra xét rõ ràng các nơi; ai nên cho về thì cho về, ai nên ở lại thì ở
lại; chỗ nào bị thiếu hụt mất mát, thì bắt những người đã làm trước phải bồi
thường. Như thế mới được rõ ràng. Cái vườn lớn kia, không ai dám tấu, nhưng
trong đó có nhiều món lợi, thế mà lại không cắt người coi sóc. Mấy năm trước
đây khi ông lớn đi vắng, bọn họ bịa đặt ra ma quỷ làm cho không ai dám vào vườn.
Đó đều do bọn người nhà gây chuyện. Lúc này nên tra xét lại bọn tôi tớ, tốt thì
dùng, không tốt thì đuổi đi. Thế mới là hợp lý.
Giả Chính gật đầu nói:
Tiên sinh cũng chưa biết hết! Chẳng cần nói người nhà,
ngay cả cháu mình, cũng không thể tin cậy được! Nếu bảo tôi tra xét lấy thì làm
thế nào mà việc gì cũng tai nghe mắt thấy được hết? Vả lại tôi lại đang có
tang, không có thể trông nom được những việc ấy. Tôi xưa nay lại không hay xem
xét việc nhà. Cái gì có, cái gì không, tôi cũng không hề biết đến.
Ông lớn là người nhân đức, nếu như ở nhà khác mà gặp tình
cảnh thế này, dầu cho có túng thiếu đi nữa, năm năm mười năm cũng còn không sợ.
Chỉ bắt bọn quản gia mà lấy cũng đủ. Tôi nghe nói người nhà của ông còn có người
làm tri huyện kia mà.
Tiêu tiền của bọn người nhà thì còn ra gì nữa. Chỉ có
cách tự mình biết tiết kiệm ít nhiều là hơn. Những sản nghiệp trong sổ sách, nếu
mà có thật thì còn khá, chỉ sợ có danh mà không có thực thôi.
Ông lớn nói rất đúng. Nhưng ông lớn có hiểu vì sao vãn
sinh lại nói ông cần phải xem xét không?
Chắc là tiên sinh có nghe được việc gì chăng?
Tôi có biết ít nhiều về mánh khóe của những người coi việc
ở đây nhưng cũng không dám nói ra.
Trình Nhật Hưng hầu chuyện Giả Chính.
Giả Chính nghe nói, biết ngay là trong lời nói ấy thế nào cũng có duyên cớ, liền than thở:
Nhà chúng tôi từ cha ông tới nay, đều là nhân hậu, chưa hề
đối đãi khắc bạc với người dưới. Tôi xem giờ đây bọn người ấy mỗi ngày mỗi
khác! Đến ngay tôi mà chúng vẫn lên mặt chủ nhà, thực làm cho người ta chê cười!
Hai người đang nói chuyện thì người canh cửa vào thưa:
Cụ Chân ở Giang Nam đã đến. Giả Chính hỏi:
Cụ Chân đến kinh làm gì?
Con đã hỏi rồi. Nghe nói là nhờ ơn Hoàng thượng cho phục
chức.
Không cần nói nữa. Mày ra mời vào mau.
Người kia đi ra, mời vào ông Chân tức là cha Chân Bảo Ngọc,
tên là Chân Ứng Gia, tức là Hữu Trung, cũng người Kim Lăng, và là con cháu nhà
công thần. Ông ta vốn có bà con với phủ Giả. Xưa nay vẫn thường đi lại. Năm trước
vì phạm lỗi, bị cách chức, bị tịch thu gia sản. Nay gặp lúc hoàng thượng tưởng
nhớ đến công thần, trả lại chức thế tập và gọi vào kinh bệ kiến. Ông ta biết Giả
mẫu vừa mất, liền sắm sửa lễ vật, chọn ngày đến chỗ để linh cữu để viếng, vì thế
đến nhà hỏi thăm trước.
Giả Chính có tang, không thể ra đón xa, chỉ đứng bên
ngoài cửa thư phòng. Chân Ứng Gia vào gặp, vừa buồn vừa vui. Vì trong lúc có
tang, Giả Chính không tiện hành lễ, nên hai người cầm tay nhau nói mấy câu chuyện
xa cách tưởng nhớ, rồi đôi bên khách chủ cùng ngồi. Dâng trà xong, hai bên lại
nói về chuyện sau khi xa cách. Giả Chính hỏi:
Ông vào bệ kiến bao giờ?
Hôm trước.
Chúa thượng đã có ơn hậu, chắc là có chỉ dụ khoan hồng.
Ơn chúa thượng thật là cao hơn trời, có ban khá nhiều chỉ
ý.
Có chỉ ý gì hay?
Gần đây bọn giặc ở đất Việt lăng loàn. Một dãy ven biển,
nhân dân không yên. Chúa thượng đã sai An quốc công đi đánh dẹp. Biết tôi quen
thuộc nơi này, nên chúa thượng sai tôi qua đó vỗ yên dân chúng. Nhưng phải lên
đường ngay. Hôm qua nghe nói cụ bà quy tiên, tôi kính cẩn sắm nén hương đến trước
linh vị người cúng viếng, đặng tỏ chút lòng thành.
Giả Chính vội vàng khấu đầu bái tạ, và nói:
Ông đi lần này, chắc là trên thỏa lòng thánh thượng, dưới
yên ổn nhân dân. Công lao rất lớn chính là ở chuyến đi này. Mắt tôi không được
nhìn thấy tài cao. Xin chờ nghe tin báo tiệp. Quan trấn hải thống chế hiện nay
là thông gia nhà tôi. Thế nào cũng nhờ ông để ý giúp đỡ.
Ông với quan thống chế bà con thế nào?
Năm trước, lúc tôi nhậm chức lương đạo tỉnh Giang Tây, có
gả con gái cho quan thống chế. Chúng kết hôn đã ba năm rồi. Vì công việc miền
biển chưa xong, sau đó bọn giặc biển lại nhóm họp làm loạn, cho nên tin tức
không thông. Tôi rất nhớ cháu. Chờ khi nào việc vỗ yên dân chúng xong. Xin ông
tiện dịp qua thăm cháu một chút. Tôi xin viết vài chữ nhờ người nhà của ông đưa
đi luôn thể. Tôi rất lấy làm cảm kích!
Ai lại không thương cảm. Tôi cũng đang có việc muốn nhờ
ông. Vừa rồi đội ơn thánh thượng triệu vào kinh, vì cháu còn trẻ tuổi, trong
nhà lại thiếu người, nên phải đem cả gia quyến cùng vào kinh. Tôi vì lệnh trên
gấp rút, nên phải đi luôn cả đêm ngày để đến trước. Gia quyến còn đi chậm lại
sau. Ít hôm nữa mới tới kinh. Tôi vâng chỉ ra đi, không dám ở lại lâu. Sau này
gia quyến của tôi tới kinh, thế nào cũng đến tôn phủ đây. Và chắc sẽ bảo cháu tới
hầu. Nếu cháu có thể dạy bảo được thì gặp nơi nào có thể kết hôn, xin ông lưu ý
cho, tôi rất lấy làm cảm kích.
Giả Chính đều vâng lời.
Chân Ứng Gia lại nói mấy câu chuyện nữa rồi định đứng dậy
ra về, và nói:
Ngày mai tôi sẽ xin gặp lại ở ngoài thành.
Giả Chính thấy ông ta công việc vội vàng, liệu chừng
không thể ngồi lâu được nữa, đành phải tiễn khỏi thư phòng. Giả Liễn và Bảo Ngọc
đã chờ sẵn ở đấy để tiễn thay. Nhưng vì Giả Chính không gọi, nên chưa dám vào.
Khi Chân Ứng Gia đi ra, hai người tới hỏi thăm sức khỏe. Ứng Gia chợt thấy Bảo
Ngọc, hết sức sửng sốt, nghĩ bụng: “Anh này tại sao lại giống hệt Bảo Ngọc nhà
mình, chỉ có khác là mặc đồ trắng thôi”. Ông ta liền hỏi:
Bà con thân thiết, lâu ngày không gặp nhau. Các cậu đây
tôi đều không nhận ra ai được nữa cả.
Giả Chính vội vàng chỉ Giả Liễn mà nói:
Đây là cháu Hai Liễn. Con anh Xá nhà tôi. Lại chỉ Bảo Ngọc
mà nói:
Đây là cháu thứ hai của tôi, tên gọi là Bảo Ngọc.
Ứng Gia vỗ tay và nói:
Lạ thật! Lúc tôi ở nhà nghe nói ông có cậu con quý. Khi đẻ
ngậm hòn ngọc, tên là Bảo Ngọc. Vì là trùng tên với thằng cháu nhà tôi, nên
trong bụng tôi rất lấy làm lạ. Sau nghĩ việc ấy cũng thường, nên không để ý.
Không ngờ hôm nay gặp mặt, chẳng những tên giống nhau, mà diện mạo bộ điệu đi đứng
cũng hệt nhau, thì càng lạ quá!
Ứng Gia lại hỏi tuổi Bảo Ngọc, và nói:
Cháu nhà tôi kém cậu em đây một tuổi.
Giả Chính lại nhắc đến chuyện năm trước bên quý phủ tiến
cử Bao Dũng, và đã hỏi đến việc cậu em bên nhà cùng thằng cháu đây trùng tên. Ứng
Gia vì để ý vào Bảo Ngọc, nên cũng không kịp hỏi Bao Dũng hay dở như thế nào, cứ
nói luôn miệng: Thật là lạ lùng! Rồi ông ta cầm tay Bảo Ngọc, ngỏ ý ân cần.
Nhưng lại sợ An quốc công khởi hành rất gấp, cần phải sắm sửa để đi xa, nên
đành miễn cưỡng chia tay. Giả Liễn và Bảo Ngọc tiễn chân. Dọc đường, ông ta lại
hỏi Bảo Ngọc mấy câu rồi sau đó mới lên xe mà đi. Giả Liễn và Bảo Ngọc trở vào
gặp Giả Chính thuật lại những chuyện Ứng Gia vừa hỏi. Giả Chính bảo hai người về
nhà.
Giả Liễn lại xoay xở để cho xong số tiền tiêu về đám tang
Phượng Thư. Bảo Ngọc về phòng mình, nói chuyện với Bảo Thoa:
Anh Chân Bảo Ngọc mà ta thường nhắc đến, tôi cứ nghĩ là
không thể gặp được. Hôm nay lại gặp bố anh ta rồi. Nghe ông ta nói ít ngày nữa
Chân Bảo Ngọc cũng lên kinh, và sẽ đến chào cha. Ông ta cũng nói Chân Bảo Ngọc
giống hệt tôi, tôi vẫn không tin. Nếu hôm sau anh ta đến nhà mình, các chị đến
xem có thật giống tôi không?
Bảo Thoa nói:
Ái chà! Cậu nói rõ vớ vẩn! Người con trai nào giống mình
cậu cũng bàn tán, lại bảo chúng tôi ù lì xem mặt nữa kia!
Bảo Ngọc nghe nói, biết mình lỡ lời, đỏ mặt, định tìm lời
phân giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét