"Nguyễn Huy Thiệp có viết một truyện ngắn mà tôi thích hơn cả bộ ba nổi tiếng “Vàng lửa - Phẩm tiết - Kiếm sắc”. Đó là truyện “Chú Hoạt tôi”, đăng lần đầu trên báo Nông nghiệp Việt Nam.
Lần đó tôi và Thiệp rủ nhau đi Ba Vì chơi thăm danh họa Lưu Công Nhân. Đi bằng xe máy. Chúng tôi đi hai xe. Thiệp chạy chiếc Chaly, tôi chạy Dream. Lần đi đó tôi được cụ Lưu Công Nhân giải thích cụ gốc Hoa có họ kép “Lưu Công”. Vì bố mẹ mong con nên người đã đặt tên cụ là “Nhân”. Hai chữ “Công Nhân” họ kép của cụ không hiểu như những cái tên “tin tưởng” hay “quyết thắng”.
Trên đường đi mệt đâu nghỉ đó. Chúng tôi đã ăn trưa trong một quán bên đường. Bà chủ quán cởi mở vui chuyện với khách.
Thiệp chỉ lên vách nơi treo nhiều ảnh gia đình chủ quán rồi nói “Treo nhiều ảnh thế”. Bà chủ mau mồm miệng kể hết từng người trong ảnh. Nào kỵ tôi, nội tôi, bà tôi... vị này dạy học vị kia chánh tổng...
Điều bất ngờ là những chuyện mơ hồ đó đã cho Thiệp liên tưởng viết truyện ngắn “Chú Hoạt tôi”. Nếu ai đã đọc “Chú Hoạt tôi” sẽ thấy truyện đó không hề có cốt truyện kỳ vĩ, những nhân vật xuất chúng hay những người đàn bà đẹp hút hồn người.
Truyện đó không có lòng cao thượng để xúc động ngưỡng mộ học hỏi, cũng không có tội ác ghê rợn trời tru đất diệt. Truyện thật bình dị đọc mà thấy như nhan nhản khắp nơi những gia đình khó khăn mà còn phải làm người tốt, với một người bà con tật nguyền. Một truyện hiện thực tới mức cực thực về hoàn cảnh “lá rách đùm lá nát”.
Trong mớ lá rách nát đùm vào nhau đó chi chít những chi tiết hài hước đen. “Chú Hoạt tôi” là một truyện mà từng chữ cứ như giễu cợt lòng trắc ẩn của người đọc. Một truyện bi hài người đọc không thể cười."
Nguyễn Hồng Hưng
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng |
CHÚ HOẠT TÔI
Truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Quê tôi ở một xóm nghèo vùng đồi trung
du, đi quá một chút nữa là đến Chũ. Vâng, ở đấy người ta gọi là đất “chó ăn đá,
gà ăn sỏi”. Thế ông hỏi người ta ăn gì cơ? Thôi thì ăn gì thì ăn miễn là no bụng.
Món ăn sở trường ở nhà chúng tôi là món sắn giã. Sắn tươi trên đồi rỡ về, luộc
lên, cho vào cối gỗ giã cho nát nhừ ra, chiên thêm tí mỡ lợn cho nó dễ nuốt.
Vâng, nếu ông xơi một lần thì cũng thấy ngon bởi vì lạ miệng, nhưng ông thử xơi
một tuần, rồi một tháng, rồi hàng năm trời như thế thì ông phát khiếp, phát sốt,
phát rét lên chứ! Sau này lớn lên, nói thật với ông, tôi không dám ăn, thậm chí
không bao giờ dám nhìn củ sắn. Không biết ai nghĩ ra câu “sống mà ăn sắn”, câu ấy
nói ra ở hoàn cảnh nào với ý nghĩa gì không biết nhưng người nghĩ ra câu ấy hẳn
là người có những kỷ niệm chẳng thiện cảm gì với sắn cũng giống như tôi.
Vâng, bố tôi là một giáo viên cấp Một.
Còn mẹ tôi, khi khai lý lịch trong mục nghề nghiệp thì thường ghi là “nội trợ”
nhưng nhà tôi có gì mà phải “nội trợ”? Mẹ tôi làm ruộng, trồng rau, đi chợ, kiếm
củi... thôi thì làm tất cả mọi việc để có chút tiền nuôi mấy chị em tôi.
Trên tôi có hai chị đều chỉ học đến hết
cấp Một rồi thôi, cũng ở nhà để giúp mẹ tôi “nội trợ”. Em trai bố tôi là chú Hoạt,
chú bị thọt chân, cái chân thọt chỉ bé như một thân cây sắn nhỡ. Hàng ngày chú
đi chăn bò. Chú Hoạt có tài khoét sáo, thổi sáo hay tuyệt vời. Mẹ tôi bảo chú
Hoạt trước đây khi còn ông nội tôi cũng được học hành, chú đã từng đọc khá nhiều
sách báo. Sau đó do ông nội tôi sa cơ lỡ vận, do thời thế, do chú Hoạt đau
chân, thế là không còn được đi học nữa.
Bố tôi dạy học trong xóm, học trò bữa
đực, bữa cái. Ông cũng chẳng có vẻ gì là một giáo viên giỏi. Ông vừa đọc chính
tả vừa ho sù sù: “Trong đầm a... gì đẹp a... bằng sen a...” Lũ học trò vẫn
gọi ông là con Quạ. Ông có một tay thước dài một mét bằng gỗ gụ, lúc nào cùng
lăm lăm trong tay. Vô phúc đứa nào nghịch ngợm mà bị ông gõ thước lên đầu thì
nhớ đến già.
Nhà tôi luôn luôn thiếu tiền. Tôi nhớ
có lần nhà nước đổi tiền, nhà tôi chỉ có đâu mỗi đồng bạc, tương đương với một
nghìn đồng bây giờ. Khi đổi tiền, lại phải xuống tận huyện tức là phải đi hơn
năm cây số chứ có ít đâu! Nói thật với ông, với số tiền ấy bây giờ thì tôi vứt
mẹ nó đi, đổi với chác quái gì! Nói thế không phải vì bây giờ tôi khinh tiền
(nói dại, ai mà khinh tiền được) nhưng một nghìn thì ông bảo mua được cái quái
gì đây? ấy thế mà bấy giờ mẹ tôi cũng lặn lội đi đổi bằng được đồng tiền còm
cõi ấy. Mang đồng tiền mới về, cả nhà chúng tôi chuyền tay nhau xem, ai cũng trầm
trồ khen ngợi đồng tiền vẽ khéo mà tinh vi quá... Chú Hoạt nhận xét hình người
trên đồng tiền trông hơi béo tốt khác thường thì bị mẹ tôi giật phắt lấy, lườm
cho một cái hết hồn khiến chú nín bặt.
Trong nhà tôi, vì là người cầm chịch
chi tiêu nên mẹ tôi luôn đau khổ cau có vì thiếu tiền. Mẹ tôi luôn luôn ca
thán, rồi trách Trời, trách số phận hẩm hiu, trách bố tôi bất tài, mẹ tôi coi
chú Hoạt và mấy chị em chúng tôi là những “cái tàu há mõm”. Mẹ tôi chắc hẳn chẳng
biết “cái tàu há mõm” là cái tàu gì, nhưng nghe người ta nói vậy thì bà nói thế,
chắc mẹ tôi hình dung “há mõm” nghĩa là phải ăn uống nhiều kinh khủng! Bố tôi
khi nghe mẹ tôi ca thán thì rất đau lòng. Ông ngồi im lặng một chỗ thở dài,
loay hoay với cái ống điếu thuốc lào trong tay. “Tọa thực sơn băng, tọa thực
sơn băng... ngồi ăn thì núi cũng lơ”. Ông cứ thế nhắc đi nhắc lại. Tôi thấy
ông bất lực, hoàn toàn bất lực. A! Nếu như bây giờ nhà tôi đào được một cái hũ
vàng! Tôi nhớ trong truyện cổ tích có những phép lạ và nhiều vận may vẫn đến với
những người nghèo lương thiện thấp cổ bé họng giống như chúng tôi.
Khi mấy chị em tôi lớn lên nhu cầu về
tiền ngày càng khẩn thiết! Tôi thì không sao nhưng hai chị tôi rất khốn khổ vì
không có đủ áo quần. Mùa rét đến thường rất đáng sợ với những người nghèo. Mẹ
tôi thường chì chiết và nói bóng gió về sự vô tích sự của chú Hoạt, rõ ràng chú
là một của nợ, một đồ thừa bám vào một con thuyền nát là gia đình chúng tôi
đây. Đương nhiên mẹ tôi chẳng bao giờ chì chiết chú Hoạt trước mặt bố tôi. Thường
nghe được những câu mẹ tôi nói bóng gió xa xôi, mặt chú Hoạt bỗng dưng tái nhợt,
chú quay phắt bỏ đi lên đồi. Mẹ tôi bảo tôi: “Này Vương, mày đi theo xem sao
không nó nhảy xuống sông, xuống vực tự tử nhà mình lại mang tiếng ác... nhưng
ngữ ấy lại ham sống lắm kia, mà sống làm gì, sống mà ăn sắn! Thật là tiền oan
nghiệp chướng cho cái nhà này...”.
Một lần có đoàn chèo đến lưu diễn ở
huyện, bố tôi cho mấy chú cháu chị em chúng tôi đi xem. Trời buốt giá. Chị Nhu,
chị Nhã hai chị chỉ có chung mỗi cái áo len cộc tay màu xanh lá cây đã sờn
rách, cứ nhường nhau chẳng ai dám mặc, thế là mong manh mỗi người một cái áo
cánh mỏng tang hò nhau chạy thoăn thoắt để cho ấm người. Chú Hoạt khập khiễng
đuổi theo... Ông bảo cảm động à? Thưa ông, cảm động cái con mẹ gì khi người ta
nghèo. Cách nghĩ của ông là cách nghĩ của người no nê nhìn xuống dưới đáy xã hội.
Hôm ấy, đoàn chèo diễn tích “Quan Âm Thị Kính”, người xem đông như hội. Đây là
lần đầu tiên mấy chú cháu chị em chúng tôi được xem “văn nghệ”. Chúng tôi say
mê như điên như cuồng, từ lời ca tiếng hát, từ ánh đèn rực rỡ, từ cả không khí
hào hứng của đám đông người. Ông đã bao giờ nghe thấy tiếng thở dài của cả vạn
người cùng một lúc chưa? Chưa à? ồ, hay tuyệt vời, thật đấy! Tôi không biết tả
thế nào mà chỉ thấy rằng nó hay một cách rùng rợn mà thôi! Thế đấy, hôm ấy chúng
tôi xem chèo. Đấy là một thế giới khác với thế giới hàng ngày của chúng tôi. Về
sau, những câu hát cứ bám theo mãi ở trong tâm trí không dứt ra được. Ông hỏi
bây giờ tôi còn nhớ được câu nào không ư? Nhớ chứ: “Nữ tử Thị Kính thủ bút:
Ơn sơn hải chút gì báo đáp. ở sao đành đi cũng sao đành. Phận liễu bồ mười có
cũng là không (tức là ý nói “thập nữ viết vô”, mười người nữ cũng là không). Sống
cũng tủi, dẫu thác thời cũng tủi... Cực lòng kẻ ở, đau lòng người đi. Ngộ phải
cơn gia biến bất kỳ!”.
Tôi nhớ câu hát ấy vì nó vận vào cảnh
nhà chúng tôi. Sau đêm xem hát chèo ấy, chị Nhã tôi bỏ nhà đi. Chị Nhã thông
minh nhất nhà, chị đã nhận ra một thế giới khác ở chân trời khác dưới tấm áo
xanh đỏ tím vàng của đám diễn viên sân khấu kia. Bố mẹ tôi điếng người vì không
ngờ tới. Sau lần ấy bố tôi già sọp hẳn đi. Mẹ tôi mắng bố tôi vô dụng, lại
không sốt sắng đi tìm con gái... Chắc bố tôi cũng hiểu nếu chị Nhã tôi ở lại
thì còn khốn khó hơn nhiều. Năm ấy, chị Nhã tôi vừa tròn 18 tuổi, chị bỏ nhà đi
nhường lại cái áo len cộc tay màu xanh lá cây cho người chị cả. Xin ông cho tôi
một cốc nước lọc... Mẹ khỉ, sao bây giờ tự dưng tôi lại trở nên đa cảm thế này,
thế là hơn 30 năm qua rồi mà tôi chẳng biết chị Nhã tôi bây giờ ở đâu, đúng là
“sống cũng tủi, dẫu thác thời cũng tủi”.
Tất cả những nỗi phiền muộn ở nhà tôi
từ đấy bắt đầu trút cả lên đầu chú Hoạt. Mẹ tôi cũng chẳng nể nang gì nữa, mẹ
tôi riếc móc, mắng chửi chú Hoạt ngay cả trước mặt bố tôi. Nói của đáng tội,
chú Hoạt cũng là người vô tích sự và vụng về thật, chú thường xuyên lóng ngóng
làm đổ bát đĩa, chai lọ là những thứ thường ở nhà khác thì người ta vứt cho
hàng đồng nát từ lâu nhưng ở nhà tôi lại là gia bảo.
Sau lần đi xem hát chèo, thỉnh thoảng
chú Hoạt lại xin tôi giấy bút loay hoay làm cái gì đó. Độ mấy tháng sau, một
hôm tôi thấy chú Hoạt cầm tập giấy ghi kín đặc chữ gặp riêng bố tôi rụt rè:
“Anh ạ, em muốn nhờ anh xem thử cái này...” Chú Hoạt đọc cho bố tôi nghe những
câu thơ vần vè gì đó về bầu trời và sông núi. Bố tôi tím mặt lại, tôi chưa bao
giờ thấy ông lại mất tự chủ đến thế. Ông văng tục: “A... hóa ra mày làm thơ viết
văn! Giời ạ! Thật là đồ chó... Hóa ra nhà tôi lại có một văn nghệ sĩ nữa kia!
Rõ phúc nhà tôi to quá... Mày định viết văn làm thơ dạy ai kia chứ?”. Chú Hoạt
vặn vẹo hai bàn tay khổ sở, nước mắt trào ra: “Anh ơi, anh hiểu nhầm rồi! Em
đâu có định dạy ai mà em bộc bạch!”. “Lại còn bộc bạch nữa kia - Bố tôi cười nhạt
- mày định ca thán, oán trách chúng tao chứ gì? Mày định chê bai chúng tao chứ
gì. Giời ơi, thật là nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà... Vô phúc! Thật là vô
phúc cho cái nhà này!”. Bố tôi xé tập giấy, di xuống đất, rồi lại nhặt ném vào
mặt chú Hoạt. Từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy bố tôi nổi giận điên cuồng
như vậy! Hình như việc làm dại dột của chú Hoạt động đến một cái gì sâu thăm từ
trong lòng bố tôi, ta vẫn gọi là từ sâu trong “thâm căn cố đế”, ở đấy có cả
lòng căm hờn sâu sắc của đêm với ngày, của nước với lửa, có cả sự xúc phạm đố kỵ,
có cả nỗi buồn tủi chán chường, có cả sự ê chề đau đớn, trên hết là nỗi sợ hãi
- vâng, chính xác là nỗi sợ hãi ghê gớm, với một thế giới khác thường, một đối
thủ khác thường mà mấy dòng chữ vớ vẩn kia chỉ là một bức thông điệp giao chiến
chết chóc đầu tiên gửi tới. Bố tôi dạy học, suốt đời ê a những con chữ như người
tụng kinh gõ mõ, ông cũng chưa bao giờ đặt ra câu hỏi về cuộc sống này... Nay
chú Hoạt, cái thằng thọt chân, một gã chăn bò, một đồ thừa lại đi vần vè về bầu
trời và sông núi, đặt ra câu hỏi cho toàn bộ cuộc sống của ông, của cả gia
đình! Như người ta nói, thế là “cốc nước đã tràn”, bố tôi thẳng thừng đuổi chú
Hoạt đi. Mẹ tôi sợ hãi, ngày thường mẹ tôi vẫn ca thán về chú Hoạt, nhưng lần
này mẹ tôi lại đứng ra bênh vực chú, mẹ tôi cầu xin bố tôi xem lại, mẹ tôi xin
bố tôi rằng chớ có nhẫn tâm như thế, rằng tình anh em máu mủ ruột già... Bố tôi
dứt khoát không chịu. Thế là chú Hoạt quay đi, chú quỳ trước sân vái vọng vào
nhà. Bố tôi ném cả cái điếu cày vào chú... Mẹ tôi nức nở chạy theo: “Hoạt ơi,
em ơi... Chị dâu có lỗi với em! Chú đừng giận chị, chú đừng bỏ đi như thế...”
Chú Hoạt gỡ tay mẹ tôi ra, nước mắt lưng tròng rồi khập khiễng chạy vào trong
đêm tối... Hôm ấy cũng vào một ngày đầu tháng giống như hôm nay, trăng lưỡi liềm
lơ lửng lạnh lùng ở trên không trung như một nét vẽ buồn thảm... Ông bảo đẹp ư?
Sao ông lại chỉ chú ý đến những cái đẹp vớ vẩn, cảnh giả như thế? Ông là một
người ở đẳng cấp trên, ăn sung mặc sướng quen rồi nên mới có những thứ tình cảm
kiểu này. Với người nghèo, cái đẹp phải là cái gì tựa như sự phồn thực, trăng
phải tròn, cây đầy trái, túi đầy tiền, nghĩa là cái gì cũng phải đầy đặn như cốc
bia này, một trăm phần trăm ông ạ...
Sau khi chị Nhã và chú Hoạt đi, nhà
tôi như thể có tang. Mọi người còn lại đều cảm thấy như mình có lỗi, ai cũng
tránh nói to, tránh cả nhìn mặt nhau. Chị Nhu tôi héo quắt người đi, lưng bố
tôi còng xuống. Mẹ tôi từ xưa đến nay không bao giờ ốm, không bao giờ dám ốm
thì nay suốt ngày lử khử lừ khừ. Bố tôi bàn với mẹ tôi chuyển nhà về một nơi
nào “gần gũi với văn minh hơn, có nhiều khuôn mặt người hơn” như vậy mới có điều
kiện cho tôi ăn học, mở mang sự nghiệp sau này. Thế là chúng tôi chuyển về thị
trấn X... nơi mà tôi đang ngồi tiếp chuyện ông đây. Chúng tôi bán cơm, bán rau,
đi chợ, rồi loay hoay dựng được ngôi nhà cạnh chợ... Tôi được đi học, chị Nhu
tôi lấy một ông già góa vợ. Ông anh rể tôi tuy có tuổi nhưng là một tay cóc
vàng giàu có và cũng hào hiệp, thôi thế cũng là xong việc. Chị Nhu tôi cũng xây
được một tổ ấm, có được chỗ dựa về già. Cuộc sống đô thị thay đổi con người,
thú thực với ông là tôi vẫn thích vùng đồi núi trung du nghèo khổ ngày xưa nhiều
hơn, bố mẹ tôi đã thật sai lầm khi chuyển đến nơi ở mới này. Đây đâu phải là
“nơi văn minh với có nhiều khuôn mặt người” như bố tôi nghĩ. Nhưng thôi, đấy lại
là chuyện khác không can hệ gì đến chuỵện mà tôi kể đây. ở đây tôi đang kể chuyện
cho ông nghe về chú Hoạt tôi cơ mà...
Cũng chẳng ai biết chú Hoạt tôi đi đâu
và làm việc gì. Bỗng có một lần bố tôi nhặt ở đâu được một tờ báo có in hình và
một bài thơ của chú Hoạt kèm theo cả lời bình luận. Bài thơ nói gì đó về phân
bón ruộng và sâu bọ, tôi thì tôi thấy nhảm nhí, buồn cười mà vô bổ nữa, nhưng bố
tôi lại reo lên như bắt được vàng: “Trời ơi, chú Hoạt đã thành nhà văn - nhà
thơ đây này! Cả lời bình luận hẳn hoi in bằng kiểu chữ i-ta-líc nữa”. Bố mẹ tôi
rối rít vui mừng. Mẹ tôi xuýt xoa nói: “Đấy! Ngày xưa ông cứ bảo chú ấy là vô
tích sự nữa đi! Bây giờ thì chú ấy giàu to rồi! Tiền tiêu chắc là không hết!”.
Bố tôi đọc đi đọc lại bài thơ rồi ngẩn người ra ngạc nhiên: “Giỏi! Giỏi quá! Thật
tôi không ngờ kia đấy. Hóa ra chú ấy là người vốn có tài ngầm, văn chương là thứ
khó nhất trần đời mà chú ấy thành thì tôi phục quá!”. Bố tôi vuốt ve tờ báo, bố
tôi sai gọi anh Phục tức là ông anh rể cóc vàng của tôi đến để uống rượu khoe
bài thơ. Anh Phục đầu hói, lơ thơ có vài sợi tóc trên đầu, cứ thế gục đầu xuống
gật gù: “Cũng được! Cũng hay! Kể ra chữ tái mà đổi thành chữ chín thì thâm thúy
hơn”. Bố tôi có vẻ coi thường anh Phục chỉ là một tay trọc phú phàm phu tục tử
tầm thường. Bố tôi bảo: “Chữ tái nó hay vì chưa chín, nó chỉ gợi cho người ta
nghĩ đến chữ chín mà thôi. Nếu không có chữ tái thì tôi hỏi anh, anh có nghĩ được
chữ chín hay không?) Anh Phục thừa nhận: “Đúng là không có chữ tái thì trình độ
con không thể nghĩ đến chữ chín kia được”. Bố tôi cười: “Đấy! Cái ảo diệu của
văn chương là đấy! Thế người ta mới coi văn chương là đệ nhất ở trong các môn
nghệ thuật!”.
Quả thật, tôi không tin gì lắm về chuyện
văn chương với những hư vinh tầm phào của nó. Ngày xửa ngày xưa, ở nước mình
người học văn chương gắn với thi cử đỗ đạt và bổ dụng quan lại. Đỗ đạt nhỏ thì
làm quan nhỏ, đỗ đạt lớn thì làm quan lớn. Văn chương thời đó gắn với quan trường
nên ghê gớm lắm. Về sau, khi chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm, chữ Hán, người ta
làm văn làm thơ theo lối Tây phương, nói thật với ông, tôi lại thấy toàn bọn ăn
không ngồi rồi dị dạng với bọn lưu manh đi theo nghề này. Cũng có nổi lên dăm
ba khuôn mặt trí thức đại gia có tư tưởng nhưng đấy đều là những nhà cách mạng
xã hội còn thì toàn vứt đi cả. ở thời nay, nhiều người vẫn coi văn chương như một
phương tiện, như cái cần câu để mà câu danh kiếm lợi. ừ thì danh lợi cũng hay,
cũng cần nhưng phải là thứ danh lợi thế nào mới đáng. Nhưng thôi, tôi cũng
không bàn chuyện ấy nữa. Đây là tôi đang nói đến chú Hoạt với những bài thơ
phân gio và sâu bọ của chú ấy cơ. Bố tôi đã nhầm vì ông chẳng hiểu biết gì về
văn chương cả, xin ông đừng cười, văn chương là thứ chẳng ai hiểu gì có phải
không nào? Nói như Homère: “Chắc chắn có một Thượng đế ở đó”.
Cứ thế thỉnh thoảng, độ dăm ba tháng,
bố tôi lại lục đâu ra được một bài thơ, bài vè gì đó của chú Hoạt ở trên một tờ
báo lẻ. Bố tôi theo dõi rất kỹ các báo. Tiền mua báo ở nhà tôi cũng thành một
khoản chi tiêu kha khá nhưng được cái ông anh rể cóc vàng của tôi bao tất. Anh
Phục bảo tôi: “Cứ để ông cụ ham chuyện ấy vì nó vô bổ, chứ nếu ông già lại ham
chuyện khác thì chết con cháu chúng mình”. Tôi không thích lắm cách nghĩ của
ông anh rể thực dụng nhưng vì anh lớn xuýt soát bằng tuổi bố tôi mà lại cũng
hay cho tôi tiền nữa nên tôi cũng nể.
Dần dần, không hiểu tại sao bố tôi dứt
khoát tin rằng chú Hoạt là người thành đạt lắm ở trong xã hội, còn mẹ tôi thì
chắc mẩm chú Hoạt nay đã rất giàu. Bố mẹ tôi suốt ngày nhắc đến chú Hoạt. Mẹ
tôi nói với bố tôi: “Này ông! Hay là ông đi Hà Nội một chuyến thăm chú ấy xem!
Vợ chồng mình có lỗi đối với chú ấy. Bây giờ chú ấy là người đã có tên tuổi địa
vị hẳn hoi. Thật tình tôi áy náy quá! Mà còn cả tương lai thằng Vương nhà mình,
biết đâu chú ấy chỉ nói một tiếng là nó nên người? Chú ấy thiếu gì những nơi nhờ
vả... Thế chẳng nhẽ cứ để thằng Vương ăn chơi lêu lổng như thế này sao?”. Bố
tôi gật đầu: “Bà nói cũng phải... Tôi phải xin lỗi chú ấy thì tôi có chết mới
yên, mới nhắm mắt được! Rồi phải nhờ chú ấy xem chuyện tương lai thằng Vương
nhà mình thế nào”.
Bố mẹ tôi tính toán xong lại mời anh
Phục đến để bàn tiếp. Anh Phục bảo: “Tùy bố thôi! Theo con thì bố nên đi...
Nhưng con đã từng đi Hà Nội con biết, đấy là một nơi ăn thịt người nghèo, nó nhẫn
tâm lắm, chẳng có thương xót ai đâu”. Bố tôi bảo: “Tôi định bán con lợn 20 cân
giắt lưng ít tiền cho nó chắc chắn. Tôi sẽ cho thằng Vương đi cùng với tôi”.
Anh Phục bảo: “Cũng được! Nhưng đi Hà Nội thì món tiền bán lợn của bố chỉ đủ để
ăn một bữa tráng miệng sơ sài chẳng thấm tháp gì. Thôi được! Con sẽ cho cậu
Vương mượn con dao nhíp Mỹ của con mang đi cho nó chắc dạ. Ngày xưa khi mới làm
giàu bằng tuổi cậu ấy, con cũng chỉ có mỗi một cái phi tiêu mà thôi!”. Anh Phục
đưa cho tôi một con dao nhíp nặng chịch. Anh Phục bảo: “Con dao này có chín chức
năng, lưỡi dao lại có lò xo đẩy tự động, nếu có phải đâm ai thì cậu cứ ấn vào
cái nút này một cái, lưỡi dao tự động phụt ra với sức đẩy chừng 5 cân đủ giết
chết một người lực lưỡng. Cậu xoay ngang cổ tay như thế này là máu sẽ ộc ra liền.
Mẹ tôi thở dài: “Thôi thôi, anh nói ghê quá, nếu đi Hà Nội mà phải đánh nhau giết
người thì đi làm gì?”. Bố tôi bảo: “Nói thế là để phòng xa. Con nó có ý dè chừng
bảo bố con tôi đi Hà Nội đừng để bị nhục đấy thôi”.
Hai bố con tôi ra ga mua vé xe lửa để
đi Hà Nội. Chúng tôi tìm đến tòa báo đăng bài chú Hoạt để hỏi thăm xem chú Hoạt
ở đâu nhưng người ta chẳng biết gì nhiều: “Có! Có một ông để râu tóc dài, chân
đi khập khiễng thỉnh thoảng có đến đưa bài nói tên là Hoạt, thỉnh thoảng lại ký
bút danh là Độc Cước nữa. Ông ấy vẫn hay uống bia khoảng tầm giờ chiều ở mấy
quán bia quanh hồ Hoàn Kiếm”. Bố tôi thở dài, lời chỉ dẫn có vẻ hơi phóng túng
quá làm ông ngần ngại. Bố tôi là một nhà giáo quê mùa, đối với ông những gì
liên quan đến chữ nghĩa là thiêng liêng lắm không phải trò đùa. Hai bố con tôi
đi quanh hồ Gươm ba vòng chăm chú nhìn từng người một khiến cho mấy nhân viên bảo
vệ ở đây tỏ ý nghi ngờ, họ gọi bố con tôi lại để hỏi giấy tờ tùy thân. Bố tôi
phân bua về việc đi tìm chú Hoạt. Họ nói: “Nếu như người nhà của bác vẫn thường
xuyên uống bia ở xung quanh đây thì phải hỏi bọn du thủ du thực với đánh giày
bán báo thì mới biết được”. Anh đội trưởng bảo vệ đeo băng đỏ chặn một người
đeo kính, mặc áo ca-rô đi ngang qua hỏi: “Này Sói, mày có biết một người tên là
Hoạt thọt chân vẫn hay uống bia tầm giờ chiều ở quanh đây không?”. Người kia giật
nảy mình, cúi đầu chào, sợ hãi nói: “Dạ thưa, tên ấy đã đi khỏi đây chừng một
tháng rồi, bị vỡ vòm, nghe nói dạt xuống Nam Định”. Anh đội trưởng bảo vệ bật
tay cho người kia đi chỗ khác rồi bảo bố tôi: “Người nhà của bác không còn ở
đây nữa đâu. Chắc nó sợ công an nên bỏ chạy xuống Nam Định cả tháng nay rồi”. Bố
tôi trợn tròn mắt, rất hoang mang, ông nói với anh đội trưởng bảo vệ: “Chắc các
anh nhầm! Chú em tôi là người đàng hoàng mà hiền lành lắm cơ mà. Chú ấy lại còn
viết văn, viết báo hẳn hoi”. Anh đội trưởng bảo vệ mỉm cười: “Thế mới chết! ở
Hà Nội cái gì cũng có thể cả! Thằng Sói nó đã nói là không hề sai bao giờ! Thôi
bác nên đi về nhà mà nghỉ!”.
Chúng tôi chào mấy người bảo vệ rồi đi
chỗ khác. Loanh quanh một lúc, hai bố con tôi suýt bị lạc đường. Bỗng có một
đoàn xe loang loáng chạy qua, bố tôi reo lên khi thấy một người ngồi trên ô-tô
thò đầu ra ngoài vẫy tay. Bố tôi bảo: “Chú Hoạt! Đúng là chú Hoạt kia rồi!” Tôi
cũng cảm thấy người trên xe ô-tô đúng là chú Hoạt, hình như trông chú cũng
không khác lắm so với khi còn hàn vi. Bố tôi cứ đứng nhìn theo và ngơ ngẩn mãi.
Cuối giờ chiều, bố con tôi rẽ vào một
ngôi chùa nhỏ. Lúc ấy đang có một hòa thượng ngồi thuyết pháp, có khoảng hơn
ba, bốn chục người nghe, thấy có cả một số sinh viên cầm bút ghi chép, có cả
người nước ngoài xem nữa. Hòa thượng đang nói gì đó về văn chương và đạo. Ông
nói:
- Văn chương thật gần gũi với đạo vậy.
Có mà không. Không mà có. “Hữu” và “không” là hai phạm trù của ý thức. Nếu người
ta bên ngoài mê chấp vào tướng thì tà kiến phát sinh: “Người này mà làm văn
chương ư? Người kia mà có đạo ư?” Nếu người ta bên trong mê chấp vào “không”
thường hay chê bai văn chương kinh văn, cho rằng Phật pháp chỉ dùng lời nói thẳng
chứ không lập văn tự rườm rà, không cần đến văn chương văn tự làm gì. Đã nói
không cần đến văn chương văn tự thì hóa ra con người ta cũng không cần dùng đến
cả lời nói nữa ư? Chúng ta biết rằng lời nói chính là tướng của văn tự. Tạo hóa
đã sinh ra thế. Tự mình mê chấp thì không kể gì nhưng chê bai kinh văn cũng là
tội chướng. Cũng cần phân biệt văn chương của phàm phu và của thánh nhân. Đừng
chê mắng vội mà nên phân biệt để xem nên phải đọc gì, học gì. Nhiều kẻ mê chấp
hình tướng bên ngoài, dùng cách này hay cách khác truy cầu chân lý, cứ biện luận
suông về “hữu” và “vô”, coi thường trước tác kinh văn thì cũng không thể sáng
tâm thấy tính. Nếu coi văn chương cũng là hình thức tu luyện, cũng là một trong
muôn pháp thì người ta cũng không phải quá rối lòng...
Ngồi nghe một lúc, bố tôi bảo tôi:
“Hóa ra chú Hoạt theo nghiệp văn chương cũng là một kiểu tu hành mà thôi, mà đã
tu hành thì việc dứt bỏ trần tục là thường, ta cũng không nên truy tìm rốt
ráo... Thôi thôi, cầu mong sao để cho chú ấy an lạc sáng tâm thấy tính, đi theo
chân lý lựa chọn của mình.” Ra khỏi chùa, hai bố con tôi đi mua vài thứ lặt vặt
sau đó về nhà. Từ đấy, ở nhà tôi cũng không ai nhắc gì đến chú Hoạt nữa... Chuyện
ấy xảy ra cách đây hơn chục năm rồi.
- Ông uống bia đi! Đấy! Ông hỏi về cái
chân dung mờ mờ treo trên tường kia là ai thì đấy chính là chú Hoạt... Nào! Một
trăm phần trăm! Xin ông uống cạn hết cốc bia này!
*
*
*
Tôi đã nghe câu chuyện trên trong một
lần đi qua Bắc Giang. Hôm ấy trời mưa, tôi rẽ vào một quán ăn ven đường, chủ
quán là một người niềm nở và khá hay chuyện. Trên vách quán ăn có treo một vài
bức ảnh gia đình. Tôi chỉ hú họa vào một bức ảnh chụp hình một người mắt sáng,
có cái nhìn khá chăm chú, có phần căng thẳng và đau đớn. Cái nhìn cứ ám ảnh tôi
không dứt. Tôi hỏi chủ quán người ấy là ai. Anh ta nói:
- A... Đấy là chú Hoạt tôi. Ông có muốn
nghe chuyện hay không? Vậy xin ông gọi mấy chai bia và món nhắm rồi tôi sẽ kể
ông nghe. Với thời tiết này cũng chẳng thể đi đâu được.
Tôi đã ghi lại nguyên văn lời kể của
người chủ quán. Trong bản ghi chép, tôi có sửa tên vài ba nhân vật và có thêm bớt
ít dấu chấm phẩy để cho dễ đọc.
Nhân dịp ngày Xuân, vậy xin hiến tặng
bạn đọc thân mến gọi là món quà mừng năm mới.
2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét