Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

CHUYỆN BÀ MÓNG

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và
họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng 

CHUYỆN BÀ MÓNG

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Bà Móng tên thật là Dương Thị Hợp, hồi nhỏ ở với bố mẹ ở xóm núi Bò, sau đường Đội Cấn Hà Nội bây giờ.

Bốn chục năm trước, xóm núi Bò phong cảnh vẫn còn tiêu tao giống như ở vùng sơn cước chứ không hề bề bộn nhà cửa khang trang như bây giờ. Trên núi là những cây mít mật mọc hoang chĩu chịt quả. Dưới chân núi là những ruộng rau muống, mưa xuống là ễnh ương, chão chuộc gầm gào suốt thâu đêm. Gia đình cô Hợp làm nghề bán chim. Họ có cửa hàng ở chợ Giảng Võ. Cô Hợp cất chim ở các tỉnh về: nào cu gáy, sáo sậu, chích choè than, chích choè lửa, hoạ mi, yến phụng, nhồng, bạc má, chiền chiện, gà nước, cuốc lủi, đa đa, cưỡng, vàng anh, khướu, yểng, vẹt, quạ, thậm chí có cả đại bàng.

Cô Hợp có tài dạy chim, tài bẫy chim. Nghề dạy chim là nghề khó nhất trần đời, ông Móng chồng cô Hợp sau này có ví nghề đó “khó như nghề đào tạo gián điệp”. Nếu ai hiểu biết về nghề nuôi chim sẽ thấy ông Móng ví von có lý.

Cô Hợp thừa hưởng ở ông cụ thân sinh tài nghệ bắt chước đủ loại tiếng chim. ở trong xiếc người ta gọi đây là trò khẩu thuật. Bạn đã bao giờ xem biểu diễn trò khẩu thuật chưa? Diễn viên chúm miệng lại bắt chước tiếng chim, tiếng chó sủa, tiếng dê kêu, tiếng còi tàu, tiếng máy bay gầm rú, thậm chí cả tiếng của lãnh tụ đang đọc diễn văn vô cùng ngoạn mục. Từ nhỏ, tôi đã hết sức khâm phục những người có tài bắt chước, tôi nghiệm thấy ở trong cuộc sống họ vẫn thường thành công hơn những người tự phụ lúc nào cũng khăng khăng giữ lập trường độc đáo cho riêng mình.

Phải nhìn cô Hợp dạy chim, bẫy chim mới thấy công phu của nghề nghiệp này. Trong tay cô Hợp có chừng hơn chục con chim mồi. Đây là những con chim cốt cán, nó vừa khôn, lại vừa dữ. Đào tạo được nó là cả một quá trình công phu không sao tả xiết. Thỉnh thoảng cô Hợp lại mang lũ chim mồi đi về các tỉnh giăng lưới bắt chim hoang dã. Con chim mồi được đặt vào ở trong lục, tức là một cái bẫy có lưới rập. Cô Hợp nấp ở trong bụi cây kín đáo gần đó ngồi chén bánh mì và uống nước lọc cầm hơi. Xong xuôi, cô chúm miệng lại bắt chước tiếng chim hót để thúc chim mồi. Chủ và tớ rất hiểu ý nhau. Nghe cô Hợp và con chim mồi ríu rít, bọn chim rừng lêu lổng quen thói giang hồ tưởng bở có món nhắm tốt hoặc có kẻ lân la gây sự bèn sà xuống xem xét. Chim chóc là loài có thói sân si, ích kỷ và hay đố kỵ ghen tuông kinh khủng. Chim mồi khôn ngoan ra sức hót thúc, hót căng để dụ địch quân vào bẫy. Không thể ngờ được sự hóc hiểm của trường đời, bọn chim rừng thật thà chất phác, quen thói cư xử nghĩa khí giang hồ mười con thì tới chín con sập bẫy. Chim “tù binh” gọi là chim bổi. Cô Hợp cho chim vào lồng, trùm ra bên ngoài một tấm vải gọi là áo lồng, chuyển về trại núi Bò huấn luyện.

Chim bổi bị bắt, cũng giống như khi chúng ta bị công an mời vào đồn làm việc, ta sẽ hết sức hoang mang, hoảng sợ. Luyện cho chim bổi quen dần là cả một nghệ thuật tâm lý. Cô Hợp cho chúng vào lồng, hé áo lồng dần dần từng tí một để cho chúng quen dần, đến một lúc nào đấy mới gọi là “sếch-xy” cả lồng hoàn toàn để chim bổi làm quen với môi trường. Có con chim bổi tuyệt thực không chịu ăn gì, thậm chí lao thẳng lên nóc lồng tự tử hết sức thương tâm. Khi ấy, cô Hợp lại khéo léo “gài” vào lồng chim bổi một con chim đã được huấn luyện, ta có thể gọi đó là chim chân gỗ. Bọn chân gỗ có nhiệm vụ lung lạc ý chí phản kháng của con chim bổi, dạy cho chúng biết thế nào là “ngộ biến phải tòng quyền”. Ta biết rằng để bắt được một con châu chấu, cào cào, bọn chim giang hồ thường vẫn phải âm mưu, rượt đuổi đứt hơi; nay bỗng dưng lại được người ta mời ăn cao lương mỹ vị tử tế thì vô lý quá, chúng bỗng sinh nghi và không phải một sớm một chiều quen được. Mỗi loại chim lại có thức ăn riêng, nhiêu khê, phức tạp vô cùng. Nhồng (yểng), sáo, cưỡng thích gạo trộn trứng gà và chuối. Chích choè thích bột đậu trộn trứng gà với cào cào, sâu tươi, trứng kiến. Cu gáy (một loài chim lúc nào cũng tỏ ra ngớ ngẩn, bộc trực, thật thà nhưng thật ra lại rất bạc bẽo, bất nghĩa) lại chỉ thích ăn thóc mà thôi… Chim chóc cũng hệt như người, “thực bất tri kỳ vị”, phải ở trong nghề mới tường tận được.

Cô Hợp biết tất cả kỹ thuật dạy chim hót, chim nói và chim chọi. Các giống chim biết nói tiếng người thì đứng đầu bảng là nhồng (yểng), sau đó là đến két (vẹt), cà cưỡng, sáo, quạ. Mối tình của ông Móng với cô Hợp thực ra lúc đầu cũng do một con nhồng biết nói đứng ra làm mối.

Lần ấy, ông Móng mới ở quân đội phục viên về. Thất nghiệp, không có việc làm, gã lính cựu thất thểu bèn đi xin việc. Qua chợ Giảng Võ, Móng sững sờ trước một khu vực dày đặc lồng chim. Một con vẹt xoè đôi cánh sặc sỡ ra làm lễ triều kiến khiến hắn vừa giật mình vừa vô cùng thích thú. Ngay sau đó, con nhồng cất giọng ồm ồm hỏi hắn:

- Khoẻ không ông bạn?

Móng giật lùi, há miệng ra, hết sức ngạc nhiên. Hắn đến gần lồng chim xem xét. Con nhồng liếc mắt nhìn hắn với vẻ khinh bỉ, lại cất cái giọng ồm ồm lúc nãy bình luận:

- Đời cũng chó nhỉ?

Móng phá lên cười. Đến nước này thì không tài nào chịu nổi. Con nhồng từ bố lồng nhảy lên cần lồng lại cất tiếng bình luận tiếp:

- Cười hở mười cái răng!

Ngay lúc ấy cô Hợp xuất hiện trước Móng. Nụ cười của cô gái thấp lùn, da bánh mật, có hai cái răng cửa trông như răng thỏ trông rất hiền lành đôn hậu. Móng hỏi:

- Nó biết nói à?

- “Vưỡn”!

- Thế đằng ấy dạy nó nói à?

- Thì cũng “vưỡn”!

Móng phì cười. Thiện cảm của hắn với lũ chim, với con nhồng chuyển hết sang cả cô gái. Ai tình – theo các nhà tâm lý học, nó là tác động tức thì của những thiện cảm vô hình, có sức mạnh bùng nổ, bột phát, ghi dấu ấn trực tiếp lên vỏ đại não, nó khiến cho người ta nảy sinh tình cảm trìu mến và phát lộ dục vọng. Tình yêu sét đánh từ một cái nhìn đầu tiên chính là như thế, thiện cảm là vị tiên tri, là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền, là tên lính kèn báo hiệu cho hôn nhân giường chiếu, cho những đứa con, cho nợ nần và những cuộc cãi vã bất phân thắng bại, cho cái mà ta gọi là “hạnh phúc trần gian”.

Hôm ấy, cô Hợp chỉ dẫn cho Móng về các loại chim. Trước đây, Móng gần như mù tịt về nó. Đối với hắn, tất cả những con chim biết bay đều là “con quéc”. Cô Hợp, với bản tính hiền lành, nhẫn nại và kiên trì của một nhà huấn luyện tài ba đã khai mở cho Móng những kiến thức sơ đẳng về chim và hắn hân hoan thu nhận những kiến thức ấy.

Ngày nào Móng cũng lân la đến chỗ cô Hợp bán hàng. Dưới mắt cô Hợp, Móng đúng là một con chim bổi man rợ lì lợm. Mũi tên của thần ái tình không phải một sớm một chiều khoan thủng được lớp da dày dạn sương gió kia. Để cho hắn tự nguyện chui vào lục, tức là dấn thân vào cuộc hôn nhân mà cô Hợp mong ước là chuyện hết sức công phu. Nhưng rồi “những gì phải đến cũng đến”, đám cưới của cặp tình nhân chất phác ấy đã được tổ chức đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng vào đúng một năm sau cái ngày mà con nhồng khôn ngoan kia tiên tri:

- Đời cũng chó nhỉ!

Đêm tân hôn, Móng và cô Hợp gác chân lên nhau trò chuyện. Cô Hợp bảo:

- Hôm đầu, em cứ tưởng mình là ông khách đến để mua chim.

Ông Móng cười:

- Rốt cuộc, tớ lại là thằng bán chim cho mình!

Cô Hợp mắng yêu:

- Đồ phải gió!

Rồi cô mỉm cười ở trong bóng tối:

- Mình là con chim lớn nhất mà em bẫy được!

Ông Móng và cô Hợp sống hạnh phúc bên nhau. Cửa hàng bán chim của họ khá phát đạt. Trước kia, ở Hà Nội người ta phần lớn chỉ nuôi chim hót, chim làm cảnh, người ta muốn đưa một phần nhỏ của thiên nhiên tươi mát vào trong phố thị chật hẹp vốn dĩ có nhiều sức ép; nhưng về sau này không hiểu vì sao người ta chỉ thích nuôi chim chọi mà thôi. Những con chim hoạ mi vốn có tiếng hót thánh thót mê ly lại được huấn luyện thành các chiến binh, chúng có thể đánh nhau đến chết. Người ta bỏ tiền ra cá cược cho các trận chiến. Nghề nuôi chim không còn tuân theo các phương pháp cổ truyền tao nhã ngày xưa, người ta ép nó ăn những thức ăn công nghiệp, họ cho chim dùng cả tân dược, cả doping. Gần đây, dịch cúm gà và dịch cúm gia cầm xuất hiện nên cũng ít người dám nuôi chim làm cảnh.

Ông Móng và bà Hợp vẫn cố gắng cầm cự với nghề nuôi chim cổ truyền của họ. Những khi rỗi rãi, ông ngồi chép lại những kinh nghiệm nuôi chim mà bà Hợp kể ra. Cuốn sách của ông thiên về kỹ thuật nên có phần rắc rối, khó hiểu. Ông có cho tôi xem cuốn sách này, nhưng quả thật về kỹ thuật nuôi chim thì tôi mù tịt. Tôi có nói với ông về một bài kệ của thiền sư Ngoạ Luân ở Trung Quốc ngày xưa, vị thiền sư này rất chú trọng đến các kỹ năng ứng xử cũng như trong học thuật. Bài kệ như sau:

Ngọa Luân có kỹ năng

Dừng ngắt trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm chẳng vương

Bồ đề ngày tháng trường.

Khi nghe thấy bài kệ này, Lục Tổ Huệ Năng (sinh năm 638 mất năm 713) có nói:

- Bài kệ ấy tỏ ra chưa thấy bản tâm tự tính, chưa rõ thế nào là tâm địa, nếu theo đó mà thực hành thì chỉ tăng thêm trói buộc.

Nhân đó, Lục Tổ đọc bài kệ này:

Huệ Năng chẳng kỹ năng

Chẳng dứt trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm nhiều vương

Bồ - đề nào đoạn trường!

Sau này, những đệ tử của Lục Tổ giải thích bài kệ như sau: “Nói Huệ Năng không có bất cứ kỹ năng màu nhiệm nào cũng như nói ý thức tư tưởng vốn không có, cho nên dù có trăm nghìn ý nghĩ cũng chẳng cần phải đoạn tuyệt, dụng tâm không tạp nhiễm, không có tâm phân biệt “người – ta”, hãy như tấm gương phản chiếu vạn vật. Vì vậy, đối với mọi tình huống ngoại cảnh tựa hồ như tâm ý khơi lên rất nhiều nhưng thực ra đều ứng theo tâm, đã đạt tới trình độ vô lượng tri kiến. Người học Phật không cần phải dứt bỏ ý nghĩ vì như thế là mê chấp vào ý nghĩ phải “dứt bỏ ý nghĩ” rồi. Phải như hang núi dội lại tiếng vang, tự nhiên như nước chảy thành ngòi. Đạo lớn Bồ - đề có gì đáng gọi là lâu dài mà nói”.

Ông Móng và bà Hợp ngồi nghe, bèn bảo tôi:

- Nghề nuôi chim của chúng tôi, giống như nghề viết văn của anh – cũng có lẽ chẳng gì gọi là lâu dài mà nói!

Có lẽ thế chăng? Có lẽ vậy chăng? Nghề nào mà chẳng bạc với người… Người nào mà chẳng bạc với ta? Chỉ có lòng ta không bạc với nghề, với người vậy.

2004

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét