Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

6. Núi cao chi mấy núi ơi

 

Mượn trong [Max Kaltenmark 1965: 111]

NÚI CAO CHI MẤY NÚI ƠI

 

Tề thiên sau khi nhảy ra khỏi lò bát quái của Lão quân, như mãnh hổ thoát cũi sổ chuồng, mặc sức vận dụng hết phép thần thông tài nghệ đánh phá cung Trời đến nỗi:


Thiên cung đại náo phen này,

Thiên binh thần tướng bó tay chịu lùi.


“Thượng đế bèn sai ngay Du dịch Linh quang và Dực thánh Chân quân sang phương Tây mời Phật tổ tới bắt yêu quái.” Gặp Phật, Tề thiên hỏi, thì “Như lai cười, nói: Ta là Phật A di đà Thích ca Mâu ni...” [TDK  I 1982: 169]


Để ý cách xưng hô ở đây rất thâm thúy. Tại sao phải dùng đến bốn danh xưng: Phật tổ, Như lai, A di đà, Thích ca?

Di Đà và Thích Ca


- Phật (Buddha) theo tiếng Sanskrit là Đấng giác ngộ, không còn mê muội, sai lầm nữa, là Đấng có thể cứu vớt người khác, và đã tự cứu được mình. Nên, khi cõi trời cần được cứu, thì chỉ có Phật mới cứu được. Đúng người đúng việc.


- Như lai (Tathâgatha) nghĩa là thường trụ, bất biến. Kinh Kim cang chép rằng Phật vốn không do đâu mà tới; tới cũng chẳng đi về đâu. Chính vì vậy, người tu thành phật mà thật ra thì không có chỗ thành phật, vì phật vốn đã ở sẵn nơi tự thân con người. Phật không có ở ngoài người, không phải từ bên ngoài đi tới người. Như lai là thật tướng. Cái gì nói ra từ Như lai, đó là Chân lý.


- A di đà là Phật quá khứ so với Thích ca Mâu ni. Đã có Di đà thuyết pháp trước khi Thích ca thuyết pháp. Vậy tại sao ở cửa miệng Chân lý (Như lai) lại nói điều tưởng như là sai chân lý: Đã là Di đà thì Di đà, chứ lẽ đâu vừa là Di đà vừa là Thích ca?


Di đà và Thích ca là một. Chúng sanh với phật là một. Phật đã thành từ thiên cổ và phật sẽ thành từ trong nhân loại, từ trong chúng sanh mai hậu là một. Đây là triết lý thượng thừa của đạo lý phương Đông. Mặc dù nói qua tưởng như hàm hồ, ngụy biện.


Trời và người


Cuộc đấu lý giữa Tề thiên và Phật tổ cũng rất thú vị. Phật nói Thượng đế đã tu 1750 kiếp, mỗi kiếp 129.600 năm, còn con khỉ “mới từ súc sinh lên làm người” tại sao lại dám đòi ngang bằng Trời (Tề thiên)! [TDK I 1982: 172]


Trước tiên, phải nói người viết truyện có sơ sót ở con số này. Theo Phật giáo, một kiếp (kalpa) mà gọi là tiểu kiếp dài 168.000.000 năm, trung kiếp 336.000.000 năm, đại kiếp 1.344.000.000 năm!


Trở lại với việc Tề thiên tranh cãi với Phật tổ. Khi bị Phật... mắng vì dám đòi làm Trời, Tề thiên nói tỉnh bơ: “Thượng đế tuy tu luyện lâu lắm, nhưng cũng không nên ngồi mãi ngôi ấy.” [TDK I 1982: 172]. Lời lẽ rất phạm thượng! Phạm thượng mà không hề hủy báng Trời, lại rất đúng đạo lý nữa chứ! Đúng đến mức có lẽ Ngọc hoàng cũng không giận.

 

Ở đời, ông thầy giỏi là người dạy ra học trò còn giỏi hơn thầy. Con hơn cha, nhà có phúc. Thích ca thành Phật rồi đâu có thèm giữ độc quyền làm Phật cho riêng Thích ca. Thích ca khuyến khích rằng mọi người đều có khả năng để làm ông Phật như Thích ca.


Ngày nay trong Cao đài vẫn cho rằng con người tiến hóa từ con thú đi lên, nhưng chưa đủ, người lại phải còn tiến hóa thêm để hoàn thiện là tiên là phật, thậm chí là Trời. Cho nên Cao đài chủ trương con người đến thế gian từ Trời và còn phải rán học hỏi không ngừng để sẽ tiến hóa lên làm Trời:


Tu hành là học làm Trời,

Phải đâu muôn kiếp làm người thế gian.


Vì vậy, phải dám nói rằng, khi Tề thiên đòi... đảo chánh, soán ngôi Ngọc hoàng, thì Ngọc hoàng lại vẫn yêu thương Tề thiên hơn ai hết.



Bàn tay trùm vạn dặm

Cuộc tỉ thí giữa Tề thiên và Phật tổ là cuộc tỉ thí không cân sức. Phật tổ thách thức:“Ta đánh cuộc với nhà ngươi, nếu nhà ngươi có tài nhảy một cân đẩu vân ra khỏi được lòng bàn tay phải của ta, thì nhà ngươi thắng.” [TDK I 1982: 173]


Tề thiên là trí, dù có thông minh sáng suốt đến đâu chăng nữa thì cũng vẫn còn trong chướng ngại của thế gian trí, trong hạn chế của phàm phu trí. Đó là lý do của nghịch lý Tây du: chỉ cần một cân đẩu vân là có thể vượt qua mười vạn tám ngàn dặm dễ dàng, thế mà Tề thiên dù cố gắng đến đâu vẫn cứ phải quẩn quanh trong lòng bàn tay Phật tổ!


Phật là Pháp vương (Dharma Lord, Vua Pháp) nên bàn tay của Phật nắm trọn vạn pháp. Cân đẩu vân là cái trí phàm. Tề thiên là một pháp trong vạn pháp thì làm sao lọt ra khỏi bàn tay của Phật! Trên nguyên tắc, Tề thiên chưa đấu thì đã thua rồi, nào phải đợi đến lúc so tài.


Ngũ hành năm ngọn


Khi biết mình thua, toan... xù vụ đánh cuộc. Tề thiên “vội vàng tung người nhảy vút đi, nhưng bị ngay Phật tổ lật bàn tay túm chặt lấy, mang ngay ra ngoài cửa Tây thiên, biến năm ngón tay thành năm quả núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi là núi Ngũ hành, nhẹ nhàng đè chặt Đại thánh xuống dưới.” [TDK I 1982: 175]


Bàn tay vốn có năm ngón dài ngắn không đều. Theo thuật đoán số mệnh qua bàn tay, người ta cho rằng trong bàn tay có đủ cả ngũ hành: ngón cái là kim; ngón trỏ, mộc; ngón út, thủy; ngón vô danh, hỏa; ngón giữa, thổ. [Thông thường, khi cưới vợ lấy chồng, người ta đeo nhẫn vàng ở ngón vô danh (ngón áp út), phải chăng ngụ ý muốn lấy lửa (hỏa) để thử “tuổi” vàng, để coi hôn nhân có bền được cùng năm tháng hay không?]


Mượn hình tượng bàn tay năm ngón ứng với ngũ hành để từ đó chuyển sang hình tượng ngọn núi Ngũ hành nhốt Tề thiên, quả là cả một tài tình của Ngô Thừa Ân! Núi Ngũ hành là chi? Tề thiên là chi?


Theo Phật giáo, thân con người vốn do năm yếu tố cấu tạo thành, gọi là ngũ đại, gồm có đất, nước, gió, lửa, và hư không. Mỗi người đều có ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Mỗi căn đều có một ý thích riêng, do đó con người có ngũ tình: mắt thích xem cái đẹp, hấp dẫn, khêu gợi; tai thích nghe cái êm dịu, du dương, thích nghe nịnh hơn là lời nói phải; mũi thích hít mùi thơm ngon; lưỡi thích nếm thích ăn những gì hợp khẩu vị; thân lại thích sự hưởng thụ sung sướng an nhàn, v.v... Do có ngũ căn mà con người có năm thứ ham muốn (ngũ dục); những thứ đó cứ đè chặt tâm linh, tinh thần con người, rất khó gỡ ra. Do đó, con người dễ xuôi theo cái xấu cái ác mà khó vươn lên cái đẹp cái thiện.


Theo Nho giáo và Lão giáo, con người do sự phối hợp của âm dương, của năm yếu tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (ngũ hành) tạo nên. Sách Lễ ký miêu tả “thành phần cơ cấu” con người như sau: “Nhân giả, kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí.” (Người là cái đức của trời đất, nơi gặp gỡ của âm dương, nơi tụ hội của thần minh, là tinh hoa tốt đẹp của ngũ hành hiệp lại.) Chính vì vậy, luôn luôn có sự liên hệ giữa thân xác và ngũ hành, chẳng hạn như biểu sau đây:

ngũ hành

kim

mộc

thủy

hỏa

thổ

ngũ tạng

phổi

gan

thận

tim

dạ dày

 

(phế)

(can)

(thận)

(tâm)

(tì)

 










Đông y xây dựng lý thuyết cũng căn cứ trên ngũ hành âm dương. Thuật luyện nội đan (thiền) của Lão giáo và Cao đài cũng vận dụng sự tương quan âm dương, ngũ hành với thân xác.


Núi Ngũ hành là bàn tay hóa ra, bàn tay là một phần của thân xác, vậy núi Ngũ hành chính là cách ám chỉ thân xác con người. Tề thiên vốn dĩ thần thông mà chịu bị nhốt trong núi Ngũ hành. Ngô Thừa Ân muốn nói xa nói gần rằng: khi còn mang xác phàm nặng nề trọng trược thì chưa thể khai phóng cho phần thần diệu linh thiêng trong tự thân nội thể con người hiển lộ. Do đó, Tề thiên từ cõi người bay đi bay về cõi phật như... đi chợ, nhưng không thể cõng Đường tăng bay vù một lèo tới chùa Lôi âm cho tiện, và Đường tăng cứ phải lẽo đẽo đi qua muôn dặm hồng trần.


Muốn đạt được thần thông, tự do khai phóng, muốn được ngang bằng Trời (Tề thiên), bắt buộc phải cởi bỏ xong xác phàm. Cho nên trước khi vào đến Linh sơn, tại bến Lăng Vân, lúc bước chân xuống thuyền bát nhã, Đường tăng phải bỏ xác trôi sông, còn cái người đứng trên đò với Tiếp dẫn Phật tổ là một Đường tăng khác, một bậc chơn nhơn đã siêu thoát [TDK X 1988: 162].


Lá bùa sáu chữ


Lại nói về việc giải cứu Tề thiên thoát ra khỏi núi Ngũ hành [TDK II 1982: 72-73]. Ngô Thừa Ân đã cốt ý muốn rằng chỉ có Tam tạng mới cứu được Tề thiên, chỉ có Tam tạng mới giúp nổi Tề thiên hất tung cả núi Ngũ hành. Tại sao lại là và chỉ là Tam tạng? Mà Tam tạng có nghĩa gì?


- Tam tạng (tripitaka) là ba kho báu của nhà Phật. Con người muốn giải thoát, phải nương nhờ vào ba kho bảo vật này, gồm có:


- Kinh tạng (sutra pitaka): là các kinh, tức là giáo lý của đức Phật.


- Luận tạng (abhidharma pitaka): là các lời bình luận để giảng giải kinh Phật. (Cũng giống như ở Nho giáo, có sự phân biệt giữa kinh và truyện, truyện là phần diễn giải lời kinh.)


- Luật tạng (vinaya pitaka) là giới luật, kỷ luật nhà Phật, phương tiện giúp con người kềm chế thói hư tật xấu để tu sửa thân tâm cho nên thánh thiện.


Trong việc nhốt Tề thiên dưới núi Ngũ hành cũng như cứu Tề thiên ra khỏi núi Ngũ hành đều liên quan tới một lá bùa. Lúc đầu, khi nghe Củ soát Linh quan đi tuần tra báo cáo lại rằng Tề thiên đã thò đầu ra khỏi núi, để cho Tề thiên khỏi cục cựa làm đổ núi Ngũ hành, Phật tổ bèn “rút trong tay áo ra một tờ giấy, trên có sáu chữ vàng Úm-ma-ni-bát-mê-hồng, đưa cho A nan dặn mang đi dán trên đỉnh núi.” [TDK I 1982: 180]


Tại sao phải chọn đỉnh núi mà dán? Lẽ ra phải dán chỗ nào kín gió mưa sương tuyết chứ? Phải chăng vì lá bùa này không có thể dán được chỗ nào khác hơn là ngoài đỉnh núi?


Sáu chữ vàng trên lá bùa Phật tổ cũng gọi là lục tự chơn ngôn, là thần chú, là đà la ni (dharani); cũng chính là sáu vần (syllables) Om mani padme hum, xuất phát từ Lạt ma giáo của Tây Tạng. Người ta tin tưởng rằng mỗi một âm trong sáu âm này đều có một huyền năng siêu phàm, cứu giúp con người khỏi sa vào đường luân hồi làm cầm thú, thoát kiếp súc sanh.[[1]]


Phân tích từng âm lại có thêm nhiều ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn:


- Om hay Aum, có nghĩa như cung kính tuân phục, và theo ý nghĩa này nó được hiểu tương đương như chữ Amen của đạo Thiên chúa. Om là cái tên bí nhiệm để gọi Thượng đế Ba ngôi trong đạo Bà la môn. Đối với nhiều tu sĩ Phật giáo, đặc biệt là Mật tông, Om được dùng như thần chú, và là một đề tài hay đối tượng khi tham thiền quán tưởng.[[2]]


- Mani cũng gọi Ma ni bảo châu, ngọc Mani, tượng trưng cho sự thánh thiện, thuần khiết, do đó Mani còn dùng để tượng trưng cho Phật Thích ca và giáo lý của Phật.[[3]]


Theo Mật tông, sáu chữ thần bí này còn ám chỉ một cái “huyệt” nằm ngay trong đỉnh đầu con người. Cho nên mới phải dán bùa trên đỉnh núi. Sáu chữ này còn mang ý nghĩa:Ôi ngọc châu viên giác nằm tại liên hoa cung. Đạo Lão và Cao đài gọi đó là nê hoàn cung. Sách Ấu học quỳnh lâm gọi đó là Cao đài, nên chép “Cao đài viết đầu...” và còn chép “Đầu vi Cao đài” (Cao đài gọi là đầu... Cái đầu là Cao đài). [Bản in tại Thượng Hải 1912, quyển 2, chương Thân thể, tr. 21.] Trong Đạo đức kinh, tên nó là cốc thần.


Tóm lại, lá bùa sáu chữ Úm-ma-ni-bát-mê-hồng dán trên đỉnh núi Ngũ hành là ẩn dụ của các hành giả tham thiền, ám chỉ rằng trong đầu não con người có tiềm tàng một huyền năng linh diệu, nhờ đó mà con người có thể tiến hóa lên làm Phật làm Trời.



Ăn sắt uống đồng


Trở lại với chuyện nhốt Tề thiên dưới núi Ngũ hành. Tây du chép một đoạn rất... oái oăm và cắc cớ. Truyện kể rằng trước khi Như lai trở về chùa Lôi âm, thì... “Lúc ấy, Ngài lại phát tâm từ bi, niệm thần chú, gọi cả Thổ địa, Thần kỳ, cùng Ngũ phương Yết đế dặn canh giữ núi Ngũ hành, thấy khi nào Đại thánh đói thì cho ăn viên sắt, khát thì cho uống nước rỉ đồng...” [TDK I 1982: 180]


Sắt hòn và nước rỉ đồng thì ăn làm sao uống làm sao cho nổi! Nuôi... “khỉ” mà tại sao không dặn đem trái cây? Tại sao Như lai chỉ định một thực đơn loại đặc sản quái lạ như thế?! Đã vậy, lúc mở đầu chuyện ăn sắt uống đồng này, thì truyện chép rõ ràng rằng Như lai nói như vậy, và do “Ngài phát tâm từ bi”. Từ bi thấy mà... ớn!


Như lai là Chân lý. Cái gì do Như lai nói ra đều đồng nghĩa với Chân lý. Vậy, dặn cho ăn viên sắt uống nước rỉ đồng nhất định phải là lời thật, lẽ thật, việc thật, và đúng là phát sinh do lòng từ bi thật sự.


Đạo Lão có thuật luyện đan, để trường sinh bất tử, tức là bỏ xác phàm làm tiên. Câu chuyện ăn sắt uống đồng hóa ra chỉ là một ẩn dụ, nhằm nói xa nói gần đến việc tu luyện mà thôi. Phật từ bi muốn cứu người sống, nên dặn dò phải biết tham thiền luyện đạo.


Qua Tây du, Phật và Lão đều rất đề huề. Ngô Thừa Ân khéo léo vận dụng cả hai nguồn giáo lý ấy để nói về con đường gian khổ mà hành giả bắt buộc phải vượt qua để tìm thấy Người Yêu lý tưởng của mình, là Chúa, là Phật, là Thượng đế. Muốn nhìn được chân dung Người Yêu, đành phải vượt núi.


Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Có điều, trong cõi người ta,

Con đường leo núi vẫn là gai chông.

Cho nên lắm khách... anh hùng,

Ngậm ngùi ngó núi chạnh lòng thở than.


Than rằng:


Núi cao chi mấy núi ơi,

Che khuất mặt trời, chẳng thấy Người Yêu!



CHÚ THÍCH



[[1]]  “(...) Om mani padme hum, which is a formula of Lamaistic branch, (...); each of the six syllables having its own mystic power of salvation from the lower paths of transmigration, etc.” [Soothill 1962: 344].

[[2]]  “Om; aum: a word of solemn affirmation and respectful assent (...) and in this sense compared with Amen. It is the mystic name for the Hindu triad (...). It was adopted by Buddhists, especially by the Tantric school, as a mystic spell, and as an object of meditation.” [Soothill 1962: 343]

 

[[3]] “Mani: a jewel, a crystal, a pearl, symbol of purity, therefore of Buddha and of his doctrine.” [Soothill 1962: 191]

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét