Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

4. TRĂNG SAO CỬA ĐỘNG ĐÁ ĐẦU NON

 


TRĂNG SAO CỬA ĐỘNG ĐÁ ĐẦU NON

 

Truyện Tây du dựng nên một nhân vật nổi bật là Tề thiên, một con khỉ. Diễn giải lý lịch của Tề thiên, truyện kể: Tại Đông Thắng Thần Châu, có nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả, trên đỉnh núi có tảng đá tiên. “Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay.” [TDK I 1982: 28]. Lý lịch xuất thân của Tề thiên đơn giản như thế, nhưng lại là cả một hàm dụ thâm trầm!

 

Tâm viên ý mã

Đỉnh đá đơn côi


Khỉ, hay tương cận với nó là vượn, theo Phật và Lão, tượng trưng cho tâm con người. Loài vượn, khỉ vốn hay lăng xăng, nhảy nhót, chuyền leo, không chịu ngồi yên. Cái tâm con người cũng lao xao, ưa tơ tưởng chuyện này, hay nhớ nhung việc nọ. Phật ví tâm người như loài khỉ, vượn nên gọi là tâm viên (con vượn lòng). “Bạn” của tâm viên là ý mã (ngựa ý). Tâm ý theo nhau, tâm chạy rong, ý cũng chạy rong. Giữ chặt cho tâm ý ở yên, tập trung tư tưởng vào một chỗ, là chuyện không dễ. Sách chú quyển Tham đồng khế của Ngụy Bá Dương có câu: “Tâm viên bất định, ý mã nan truy.” (Vượn lòng nhảy nhót không yên, ngựa ý rong ruổi theo liền khó thay.)


Người tu thiền, dù là hành giả theo pháp môn của Phật, Lão, hay Cao đài, tối kỵ bị “phóng tâm”, cho nên chỗ đầu tiên thực hành là phải cột lại tâm ý, không được để tâm ý nghĩ ngợi lung tung. Do sự liên quan ẩn dụ khỉ và ngựa nên mới bày ra chuyện Hầu vương (vua khỉ) lên trời giữ chức Bật mã ôn, trông coi, quản lý đàn ngựa. Đoạn tả cách Hầu vương săn sóc ngựa quả rất lạ đời: “Bật mã ngày đêm không ngủ, trông nom ngựa trại. Ban ngày còn chơi đùa, ban đêm chăm chỉ giữ gìn. Ngựa ngủ, đánh thức cho ăn cỏ; ngựa lồng, nhốt lại trong chuồng.” [TDK  I 1982: 104]


Cái tâm cái ý lúc con người thức hay chạy rong, lúc con người ngủ vẫn chạy rong. Những ức chế, dồn nén ban ngày chưa biến hình thành hành động, thì đợi đến đêm về, sẽ biến thành cơn mơ giấc mộng dẫn dắt người đi... hoang! Có những hành giả, ban ngày còn tỉnh táo, ý thức đè nén được sắc tình trước ngoại cảnh diễm kiều; nhưng khi canh khuya mơ màng giấc bướm hồn hoa, thì chỉ còn là chiếc xe lao dốc tuột thắng, bao nhiêu “vốn liếng” cỏn con tích trữ được cũng đành trút bỏ một lèo trong vô thức! Cho nên một số thiền đường phải luôn dè chừng chuyện ngủ nghê mê mệt, có nơi chỉ dám nằm nghiêng, hay như một thiền phái Cao đài (Chiếu minh) chỉ dám ngủ... ngồi. Đó là lý do mà, theo Tây du, muốn chăn ngựa thì phải “ngày đêm không ngủ”, và “ban đêm chăm chỉ giữ gìn”.


Các hành giả tập thiền, dù theo Phật, Lão, hay Cao đài, đều tối kỵ tâm trí mê muội, ngủ quên. Chứng bệnh đó chính là hôn trầm. Trong một số thiền đường, lúc cùng nhau tịnh tọa, có một người giám thị cầm gậy đứng canh, ai lỡ quên ngủ gà ngủ gật, lập tức quật gậy vào lưng cho tỉnh. Còn khi tỉnh, mà phóng tâm, đầu cứ lăng xăng hết chuyện nọ chuyện kia, phải rán diệt tan niệm lự, tập trung tư tưởng lại. Cho nên “ngựa ngủ, đánh thức cho ăn cỏ; ngựa lồng, nhốt lại trong chuồng.”


Tâm ý con người phát sinh từ đâu? Thông thường đều vẫn cho rằng từ cái đầu. Cái đầu là “quả trứng đá tròn”. Cái đầu sinh ra tư tưởng; tư tưởng không hình, không ảnh, không màu, không tiếng. Cho nên con khỉ (tư tưởng) sinh ra chỉ là nhờ “gặp gió hóa thành”.


Tư tưởng có tốc độ cực nhanh, vì vậy truyện Tây du mới bảo con khỉ học được phép cân đẩu vân, nhảy một cái xa tới một trăm lẻ tám ngàn dặm [xem bài Đường tăng! Anh là ai?].

 

Ý mã nan truy [tranh Diệp Túy Bạch]


Tâm viên bất định [tranh Lương Thiếu Hàng]

Một ánh trăng khuya

Ba sao hiu hắt


Hầu vương vào một ngày đẹp trời bỗng giác ngộ lẽ sinh tử cõi đời là vô thường, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi vua ở động Thủy liêm, lặn lội chiếc thân tầm sư học đạo. Câu chuyện rõ ràng mang dấu ấn của Thái tử Cồ đàm lìa bỏ hoàng cung của dòng họ Thích ca, đơn độc dấn mình tìm cầu giải thoát.


Trên đường gió bụi, Hầu vương gặp người kiếm củi chỉ đường, bảo hãy đến núi Linh đài Phương thốn, trong núi ấy có động Tà nguyệt Tam tinh, và hãy cầu học đạo với Bồ đề Tổ sư. Chốn ấy tìm đâu? Hà xứ tại?


Phương thốn theo đạo Lão là hạ đơn điền, nằm cách dưới rún ba đốt ngón tay. Theo phép luyện khí công, yoga, thiền, đấy là một trong những điểm quan trọng trong thân thể mà phép tu nội dược (luyện nội đan, interior alchemy) của đạo Lão và Cao đài đặc biệt nhấn mạnh.


Linh đài theo đạo Lão là tâm. Con người phàm phu thì tâm phàm phu, con người thánh thiện thì có thánh tâm. Tâm phật không phải tự nhiên mà có, tâm phật cũng trong chỗ tâm phàm đã khơi trong gạn đục trở thành; như đóa sen tinh khiết ngát hương đã nẩy mầm vươn lên từ tận đáy sình bùn ô trược. Truyện thơ Phật bà chùa Hương của bình dân Việt Nam diễn ý này rất tuyệt vời:


Thần thông nghìn mắt nghìn tay,

Cũng trong một điểm Linh đài hóa ra.


Tà nguyệt là trăng khuyết (lưỡi liềm). Tam tinh là ba ngôi sao. Kiều (?) có câu: “Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời.” Chính thực đây là cách chiết tự chữ Tâm . Do tâm mà thành phật, đắc đạo, cho nên đạo Lão có bài thơ cổ rằng:


Tam điểm như tinh tượng,

Hoành câu tựa nguyệt tà.

Phi mao tùng thử đắc,

Tố phật giả do tha.


Nghĩa là:

 

Ba điểm tượng hình sao,

Móc câu như trăng khuyết.

Thú cầm theo đây đắc,

Phật do đó mà ra.


Hóa ra con đường cầu đạo của Hầu vương là con đường hướng nội, trở vào tâm, tu thiền. Đạo Lão và Cao đài gọi là con đường phản tỉnh nội cầu, phản bổn hoàn nguyên.

 

Tà nguyệt Tam tinh động (chữ Tâm)

Hành giả tìm tâm [tranh Giới Tử Viên]



Ơn thầy như núi Thái

Sao gởi gió ngàn bay?


Không thầy đố mày làm nên. Hầu vương còn phải bái sư, tôn Bồ đề Tổ sư làm thầy.Bồ đề hay bodhi (tiếng Sanskrit) là trí giác ngộ. Chỉ có người giác ngộ (sáng suốt) mới đáng mặt làm thầy dạy kẻ mê muội (u tối). Theo Phật, thầy chỉ là người giúp đỡ. Một khi trò đã giác ngộ rồi, cái giác đó do chính bản thân trò tự mình kiến lập, tạo dựng, nào phải đâu của cải ông thầy ban trao tặng dữ.


Lúc Hầu vương học đạo xong rồi, chưa kịp... lãnh bằng tốt nghiệp, liền bị thầy lập tức đuổi về. Đã đuổi lại còn răn đe, cấm ngặt không được hở răng nói cho thiên hạ biết mình là đệ tử ruột của Tổ sư! Hầu vương lấy lễ học trò, thành khẩn tạ ơn biển trời dạy dỗ, thì cũng bị thầy quyết liệt phủ nhận: “Ân nghĩa gì đâu...” [TDK I 1982: 66]


Rõ ra là ẩn ngữ thiền tông. Khi đã giác ngộ, đạt tới trí bát nhã (prajna) thì con người đạt tới vô sư trí. Không có ai làm thầy ta, và ta cũng chẳng dám làm thầy ai. Đã thế, trổi hơn một bậc, cũng chẳng còn dám khinh khi rẻ rúng một ai, như Thường bất khinh Bồ tát tâm tâm niệm niệm: Ai ai cũng sẽ thành phật đó mà.


Lặng lẽ một phương trời lữ thứ

Mình riêng mình soi bóng cô liêu


Trở lại với chuyện hỏi thăm đường của Hầu vương. Truyện kể:


“Hầu vương nắm tay người kiếm củi, nói:

- Thưa lão huynh, làm ơn đưa tôi đến. Nếu tốt lành, tôi không bao giờ quên ơn chỉ dẫn.


Người kiếm củi nói:

- Bác là người hảo hán mà không biết thông biến. Tôi chẳng vừa nói với bác là gì, bác không hiểu ư? (...) Tôi còn bận kiếm củi, bác cứ đi đi!” [TDK I 1982: 43]


Đạo thần tiên phải tự thân mình thực hành, không nhờ ai giúp. Hầu vương phải đích thân tìm đến Tà nguyệt Tam tinh động. Con đường về nội tâm của hành giả là con đường cô đơn, lữ khách không thể trông cậy, lệ thuộc bất kỳ ai khác. Và cũng không còn bận bịu mưu sinh, áo cơm ràng buộc.


Cát bụi chân ai

Còn đây lòng trẻ


Những đoạn Tây du như dẫn trên, thoạt xem có vẻ dông dài, rườm rà, thừa thãi, nhưng thực ra mang đầy dấu ấn của thiền tông. Chẳng hạn, một đoạn khác cũng tưởng đâu rất lòng vòng, khi kể chuyện Bồ đề Tổ sư đặt họ tên cho Hầu vương.


Thoạt đầu, Tổ sư hỏi Hầu vương có tánh gì, Hầu vương đáp rằng không có tánh. Thế thì:


“Tổ sư cười nói: Ngươi tuy thân thể thô lậu, nhưng giống loài khỉ ăn quả tùng. Ta và ngươi trên thân đều lãnh họ tên, ý ta muốn đặt ngươi họ Hồ [chiết tự: khuyển (con chó) + cổ (xưa) + nguyệt (trăng)]. Chữ Hồ bỏ con thú [bỏ chữ khuyển] bên cạnh thì còn là cổ nguyệt. Cổ là già, nguyệt là âm, lão âm không thể sinh hóa dưỡng dục được. Nên ta đặt họ ngươi là Tôn [chiết tự: khuyển + tử + hệ] mới tốt. Chữ Tôn bỏ con thú [bỏ chữ khuyển] bên cạnh thì còn là tử hệ. Tử là con trai, hệ là trẻ sơ sinh, quả là hợp với bản chất trẻ thơ. Vậy ta đặt cho ngươi là họ Tôn nghe.”[[1]]


Một trò chơi chữ lý thú! Chữ Hán, tánh (tính) [bộ nữ] nghĩa là họ; nhưng theo Phật, tánh (tính) [bộ tâm] còn có nghĩa là bản thể, là phần trường tồn bất biến nơi con người. Nhờ đó mà con người dù xấu xa vẫn có thể tương lai tu thành phật được. Và tu Phật là cốt đạt tới chỗ minh tâm kiến tánh, theo Nho là tồn tâm dưỡng tánh, theo Lão là tu tâm luyện tánh.


Đặt cho tánh là Tôn, rồi giải chi li ra thành trẻ nhỏ, Tây du ký đã đưa ra một vấn đề trọng tâm của đạo Lão. Muốn tu hành đạt đạo, con người phải có được cái tâm hồn nhiên của trẻ mới đẻ (xích tử chi tâm). Cũng vậy, Tân ước chép lời Chúa Giê-xu khuyên môn đệ hãy giữ tâm hồn như con trẻ thì mới vào được thiên đàng nước Chúa.[“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không biến cải, và trở nên như con trẻ, thì hẳn chẳng được vào nước trời đâu.(Verily, I say unto you, except ye be converted and become as little as children, ye shall not enter into the kingdom of heaven.” Matthew, 18:3. The Gideons, 1967.]


Hầu vương có tên là Tôn hành giả. Hành giả là người thực hành thiền. Lại có pháp danh là Ngộ không, ngụ ý muốn ngộ nhập được cái Không (sunyata), hành giả phải dọn sạch lòng như tâm con trẻ.

Tổ sư đặt tên cho Hầu vương

Một hành giả thiền môn ngày xưa, dọc bước phong trần đi tìm cửa động trăng sao, như Tôn ngộ không hành giả, dấu chân cô đơn của khách lữ còn in lại lời thơ trầm trầm vọng vào u uẩn cõi phù vân:


Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du,

Thanh mục đổ nhân thiểu,

Vấn lộ bạch vân đầu.

[Tương truyền tác giả bài thơ này là hòa thượng Bố đại.]


Nghĩa là:

Một bát cơm ngàn nhà,

Thân đơn muôn dặm xa,

Mắt xanh nào ai có,

Hỏi đường mây trắng qua.


Phải! Mây trắng ơi, con đường nào ta đi? Câu hỏi của Tôn ngộ không hành giả sẽ vẫn còn được hỏi mãi giữa từng cuộc đời ai kia muốn xin được một lần trở về quê xưa để làm trẻ nhỏ ngồi bên thềm cũ hồn nhiên nhìn thế sự dần qua.


CHÚ THÍCH



[[1]] Bản dịch của Lê Anh Minh, căn cứ theo [TDK 1987: 8]. Nguyên văn chữ Hán: “Tổ sư tiếu đạo: Nễ thân khu tuy thị bỉ lậu, khước tượng cá thực tùng quả đích hồ tôn. Ngã dữ nễ tựu thân thượng thủ cá tính thị, ý tư giáo nễ tính Hồ. Hồ tự khử liễu cá thú bàng, nãi thị cá cổ nguyệt. Cổ giả lão dã, nguyệt giả âm dã, lão âm bất năng hóa dục. Giáo nễ tính Tôn đảo hảo. Tôn tự khử liễu thú bàng, nãi thị cá tử hệ. Tử giả nhi nam dã, hệ giả anh tế dã, chính hợp anh nhi chi bổn luận. Giáo nễ tính Tôn bãi.”


So với bản dịch [TDK I 1982: 48], những người dịch đã cắt bỏ sáu mươi bốn chữ trong nguyên tác (từ “Nễ thân khu tuy thị bỉ lậu” đến “Giáo nễ tính Tôn đảo hảo”). Thật đáng tiếc, vì đó là một đoạn rất hay liên quan đến quan niệm âm dương và Dịch lý trong thuật luyện nội đan, tức thiền, của đạo Lão.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét