Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

PHỤ LỤC 1. NHÌN LẠI QUÃNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

 

PHỤ LỤC


 

NHÌN LẠI QUÃNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA


 

Năm nay tôi đã 69 tuổi, đương thu xếp để về Long Xuyên, dự định từ sang năm sẽ nghỉ ngơi chấm dứt hẳn công việc biên khảo, nếu có viết lách gì nữa thì cũng chỉ là chép ít hồi kí, ghi vài suy tư hoặc dịch ít trang sách. Vậy cuốn Kinh Dịch, đạo của người quân tử này là tập biên khảo cuối cùng của tôi[130].

 

Nhớ lại trên năm chục năm trước, hồi tôi mới vào trường Bưởi, mỗi vụ hè, Mẹ tôi cho tôi về Phương Khê (Sơn Tây) học thêm chữ Hán với Bác Hai tôi[131] để “đọc gia phả bên nội ngoại” như Người nói, thì ngay Bác tôi và tôi cũng cho sự học đó là một việc để tiêu khiển chớ không thể ngờ được hoàn cảnh và thời cuộc khiến cho tôi vài chục năm sau thành một người nghiên cứu về cổ học Trung Hoa.

 

Tôi học với Bác tôi được hai vụ hè, tổng cộng độ ba tháng, biết được độ một ngàn chữ Hán rồi bỏ dở, một phần vì tôi mắc học thi, một phần vì Bác tôi già rồi, không dạy học nữa. Số vốn ngàn chữ đó chưa dùng được vào việc gì, nếu bỏ lâu chắc sẽ quên hết.

 

May sao, khoảng bốn năm sau, tôi ở trường Cao đẳng Công chánh ra, phải đợi sáu tháng mới được bổ, không biết làm gì cho qua ngày, tôi học lại chữ Hán. Lúc này tôi phải tự học trong bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và cuốn Grammaire Chinoise của Cordier, vì Bác tôi đã qui tiên, không còn ai để chỉ dẫn cho tôi.

 

Học như vậy được bốn năm tháng, biết thêm chừng hai ngàn chữ nữa, lõm bõm đọc xong được bộ Tam Quốc Chí diễn nghĩa (có lời bình của Thánh Thán) thì được bổ vào làm việc trong Nam.

 

Vì có nhiều thì giờ rảnh, tôi kiếm mua được một ít sách Hán: Mạnh Tử, Luật Ngữ, Ẩm băng thất của Lương Khải Siêu, Nam du tạp ức của Hồ Thích, Cổ văn quan chỉ, vài cuốn Văn Học sử Trung Quốc mò mẫm đọc lấy, chỗ nào không hiểu thì viết thư hỏi Bác Ba tôi ở Đốc Vàng thượng, Long Xuyên.

 

Nhờ vậy tôi vỡ nghĩa lần lần và năm 1953, nhờ Bác Ba tôi khuyến khích, hướng dẫn, tôi viết được bộ Đại cương Văn học sử Trung Quốc, 3 cuốn. Bộ này tôi tự xuất bản năm 1955, biết rằng có nhiều sơ sót, nên xin lỗi trước độc giả và độc giả không ai nở trách mà còn cho là một tác phẩm đứng đắn, hữu ích vì là cuốn đầu tiên bằng tiếng Việt viết về văn học Trung Quốc. Lần tái bản tôi có sửa lại.

 

   Hai năm sau, năm 1957, tôi viết cuốn: Nho giáo, một triết lí chính trị (tôi cũng tự xuất bản năm 1958).

 

Viết xong hai cuốn đó, tôi định bỏ hẳn khu vực cổ học Trung Quốc mà soạn những sách về Việt Nam và phương Tây.

 

Nhưng thời cuộc khiến cho có cuộc di cư 1954, và nhờ cuộc di cư đó mà tôi được quen ông Giản Chi NGUYỄN HỮU VĂN. Ông quê ở làng Cót (gần Hà Nội), lớn hơn tôi sáu tuổi, hồi nhỏ học chữ Hán tới mười lăm tuổi, đậu bằng Khóa sinh rồi mới chuyển qua học tiếng Pháp, nên sức học về chữ Hán vững hơn tôi nhiều. Chúng tôi lần lần thân với nhau và năm 1962, tôi đề nghị với ông viết chung bộ Đại Cương triết học Trung Quốc, tài liệu do ông bạn TẠ TRỌNG HIỆP ở Paris tìm mua giùm cho. Ông nhận lời, chúng tôi hăng hái bắt tay vào việc ngay, chưa đầy hai năm thì xong, nhà Cảo Thơm in thành hai cuốn năm 1965 và 1966. Viết tuy mệt thật, nhưng càng đi sâu vào cổ học Trung Quốc tôi càng thích, tôi liên tiếp cho ra:

 

     Cổ Văn Trung Quốc – Tao Đàn 1966. 

     Chiến Quốc Sách – Viết chung với Giản Chi – Lá Bối 1968.

    Văn học Trung Quốc hiện đại từ 1898 tới 1960: 2 cuốn, tôi tự xuất bản – 1969.

     Sử Kí của Tư Mã Thiên, viết chung với Giản Chi – Lá Bối 1970.

     Tô Đông Pha – Cảo thơm 1970.

     Dịch Nhân sinh quan và Thơ văn Trung Hoa của Lâm Ngữ Đường. Ca Dao 1970.

 

Bộ Đại cương Triết học Trung Quốc không sắp thành từng thời đại, từng môn phái như đa số các sách viết về triết học, mà chia thành từng vấn đề. Chẳng hạn về nhân sinh luận có những vấn đề tính, tâm, tình, dục, nhân nghĩa… mỗi vấn đề chúng tôi xét theo thứ tự thời gian: mới đầu thời Tiên Tần, ai là người đặt ra vấn đề, rồi tuần tự các triết gia đời sau bàn thêm về vấn đề đó ra sao, hoặc sửa đổi, thêm bớt, hoặc phản đối hay dung hòa ý kiến của người trước.

 

Cách trình bày đó mới mẻ, ở Trung Hoa chúng tôi mới thấy có Vũ Đồng trong bộ Trung Quốc Triết học đại cương mà chúng tôi đã dùng làm tài liệu chính. Ở nước nhà, tác phẩm của chúng tôi cũng nhờ tính cách mới mẻ đó mà được độc giả hoan nghinh. Nhưng nó chỉ là một đại cương. Từ 1971, tôi muốn nghiên cứu riêng về thời Tiên Tần, thời rực rỡ nhất trong lịch sử triết học Trung Hoa, và định viết kĩ về mỗi triết gia chính, phân tích tư tưởng của họ, dịch trọn hoặc gần trọn tác phẩm của họ.

 

Đã có sẵn một số tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi nhờ một bạn trẻ: Cô THIÊN MAI, sinh viên du


học ở Đài Bắc kiếm thêm cho tôi tất cả những sách bằng tiếng Trung Hoa xuất bản ở Đài Loan, Hương Cảng.

Năm 1972, tôi viết xong: 

     Liệt Tử và Dương Tử – Lá Bối 1973. 

     Nhà giáo họ Khổng – Cảo Thơm 1972. 


     Năm 1974 xong ba cuốn nữa:

     Mạnh Tử – Cảo Thơm đầu 1975. 

     Tuân Tử – viết chung với Giản Chi – chưa kịp xuất bản thì chiến tranh chấm dứt, nước nhà được thống nhất.

     Trang Tử – chưa in, cuốn này bắt đầu viết từ 1973.

 

Sau ngày giải phóng, mặc dầu biết loại sách này của chúng tôi không thể xuất bản trong mười năm sắp tới được, tôi cũng vẫn tiếp tục thực hiện cho xong chương trình đã hoạch định, rồi cứ để đó, không bao giờ in được cũng không sao. Tôi viết vì tôi muốn học thêm, mà tôi muốn học thêm vì tôi thích tinh thần nhân bản rất cao trong triết học thời Tiên Tần.

 

Tôi cặm cụi viết như trước ngày giải phóng, nhờ vậy từ 1975 đến nay, xong được sáu tập nữa, đều chưa in:

     Hàn Phi, viết chung với Giản Chi, 1975. 

     Mặc học, dịch một phần bộ Mặc Tử, 1976.

     Lão Tử, dịch trọn Đạo Đức Kinh, 1977.

     Khổng Tử, 1978. Tập này dài gấp năm cuốn Nhà giáo họ Khổng và phân tích tư tưởng của triết gia họ Khổng về đạo đức, chính trị.

     Luận Ngữ, dịch trọn bộ và chú thích, 1978.

     Sau cùng là Kinh Dịch, đạo của người quân tử, 1979.

 

Tôi kết thúc triết học Tiên Tần bằng tập này vì cho rằng Dịch học phái trong thời Chiến Quốc đã biết lựa những tinh hoa của Nho và Lão, rồi dung hòa để vạch cho dân tộc Trung Hoa một phép xử thế khá cao thượng mà rất thực tiễn. Có thể nói Dịch KinhDịch truyện đại biểu cho sự minh triết của dân tộc Trung Hoa thời cổ. Nó tổng hợp các triết thuyết chính thời Tiên Tần.

 

Nhìn lại quãng đường đã qua trong hai mươi bảy năm nay từ 1953, tôi thấy mới đầu tôi chỉ tính viết hai cuốn rồi ngưng vì tự biết Hán học không phải là sở trường của mình; nhưng nhờ gặp bạn, nhờ được độc giả khuyến khích, tôi đã mỗi năm tiến thêm một ít bước, rốt cuộc đã viết được 19 nhan đề về Cổ học Trung Hoa (không kể một cuốn dịch của Lâm Ngữ đường), trong số đó có 6 nhan đề về Văn học đều đã xuất bản và 13 nhan đề về triết học mà mới có 5 nhan đề đã xuất bản, còn 8 nhan đề chỉ là bản thảo. Có những nhan đề chỉ gồm trên trăm trang, nhưng cũng có nhan đề gồm nhiều tập, dày bảy tám trăm trang, trên ngàn rưỡi trang; trung bình là ba bốn trăm trang.

 

Như vậy chỉ nhờ mỗi một câu của Mẹ tôi: “Con nhà Nho không lẽ không đọc được gia phả bên nội bên ngoại”. Khi nói với tôi như vậy, Người chỉ nghĩ đến công của tổ tiên, có ngờ đâu rằng, đã vô tình vạch cho tôi một hướng đi, tìm cho tôi một lẽ sống, tạo cho tôi một cuộc đời có ý nghĩa.

 

Hôm nay là ngày giỗ của Người, không khí chung quanh bàn thờ thật lạnh lẽo: về hàng con chỉ có hai vợ chồng tôi, về hàng cháu và chắt không có một ai. Nhưng mừng rằng còn được một nén hương trầm, một bình trà ngon của một bạn văn và một độc giả cho. Tôi ghi lại đấy mấy trang này để con cháu ở xa nhớ công Người: “Phúc đức tại Mẫu”.

 

Sài Gòn, ngày Rằm tháng Ba năm Kỉ mùi (11-04-1979) Nguyễn Hiến Lê.


 

TRÍCH HỒI KÍ NGUYỄN HIẾN LÊ

 

Năm 1979 tôi viết cuối cùng về triết học Tiên Tần, tức cuốn Kinh Dịch.

 

Tôi đã thu thập tài liệu Hoa, Việt, Pháp, Anh về Kinh Dịch từ non 20 năm trước, được 15 cuốn. Tôi đọc lại hết, ghi chép mất bốn tháng, rồi viết mất sáu tháng nữa, được khoảng 500 trang.

 

Chủ trương của tôi khác hẳn các học giả của mình gần đây. Tôi chỉ nhắm mục đích hướng dẫn những bạn trẻ muốn tìm hiểu triết lí trong Kinh Dịch, nghĩa là vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách xử thế, tu thân trong Kinh Dịch, đạo của bậc chính nhân quân tử ngày xưa. Vì vậy tôi bỏ hết phần bói toán huyền bí, nhất là phần tướng số và rán trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng của cổ nhân.

 

Tôi đã xét về: 

     Nguồn gốc Kinh Dịch (bỏ những thuyết huyền bí đi), sự tạo thành của tám quẻ đơn, 64 quẻ trùng, 

     Nội dung phần kinh,

     Nội dung phần truyện, đã giảng kĩ

     Các thuật ngữ và qui tắc cần nhớ: ý nghĩa các hào, thế nào là trung, chính, tương quan giữa các hào, hào làm chủ…

 

Theo tôi, vũ trụ quan trong Kinh Dịch tổng hợp thuyết âm dương có từ đời Ân (hay trước nữa) và đạo Lão; còn nhân sinh quan tổng hợp đạo Lão và đạo Khổng. Trước sau vẫn là đạo Khổng (Kinh đó làm kinh của đạo Nho), nhưng Dịch học phái đã biết dùng đạo Lão mà sửa đạo Khổng cho bớt hữu vi đi, trọng khiêm nhu hơn; trọng phụ nữ hơn (quẻ Khôn và quẻ Gia nhân chẳng hạn) - Khổng không nói đến phụ nữ, có thì chỉ chê là “nan hóa” thôi; trọng sự ẩn dật hơn (quẻ Tiệm). Tôi có thể bảo vì vậy Dịch là tổng hợp được minh triết của dân tộc Trung Hoa thời Chiến Quốc.

 

Triết lí trong Dịch thực tế: Việc đời không bao giờ hết được, xong việc rồi (Kí tế) thì phải bắt vào việc khác (sau Kí tế tới Vị tế); lạc quan: tuy biết rằng không bao giờ diệt được hết ác, được tiểu nhân; thiện ác, quân tử, tiểu nhân cũng như dương âm vẫn thay đổi nhau lên lên xuống xuống, nhưng Dịch vẫn khuyến thiện, vẫn thiên vị với quân tử, chỉ cho quân tử cách đợi thời ra sao, hành động ra sao; Dịch lại rất thực tiển: 64 quẻ đều xét những việc thường ngày từ việc ăn uống, cưới xin, kiện cáo, xuất quân, dạy con, tới những việc trị dân, làm cách mạng, tu thân, tiến lui… cả, những cách giữ thân khi gặp nguy khốn, khi ở đậu đất khách; mà như vậy chỉ dùng có hai vạch liền và đứt thay đổi nhau, chồng chất lên nhau. Tôi nhấn mạnh vào phần nhân sinh quan đó trong phần giới thiệu và cả trong phần dịch 64 quẻ.

 

Leibniz, một triết gia Đức ở thế kỉ XVII tìm ra được rằng 64 quẻ trong đồ phương vị của Phục Hi hợp với phép Nhị tiến (numération binaire) của ông, tài tình thật. Nhưng tương truyền Thiệu Ung, triết gia đời Tống ở thế kỉ XI đã vẽ đồ đó, vậy thì ông hay người thời Chiến Quốc đã tìm ra phép Nhị tiến trước Leibniz chăng? Đáng phục hơn hết các nhà trong Dịch học phái đời Chiến Quốc đã “tán” thoán từ và hào từ trong Kinh Dịch một cách rất lôgích, biến một sách bói thành một bộ triết lí gom hết các tinh hoa của cổ nhân. Họ có óc tưởng tượng mạnh thật. Càng suy nghĩ tôi càng thấy Dịch là một kì thư.

 

Bộ Kinh Dịch, đạo của người quân tử viết xong tôi đưa cho vài bạn đọc, bạn nào cũng khen; một bạn chịu khó chép tay để giữ (vì không biết bao giờ mới in được), một bạn khác nhờ đánh máy 6 bản để tặng người thân[132]”.

 

(Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn Học, năm 1993, trang 547-548).


CHÚ THÍCH

            [130]. Tôi định vậy, nhưng sau vẫn viết thêm được bộ Sử Trung Quốc 700 trang nữa, và chưa biết chừng còn biên khảo thêm nữa (cước chú năm 1984). 

            [131]. Tôi được học vở lòng chữ Hán với Cha tôi hơn một năm, rồi tám tuổi học chữ Quốc ngữ, mười tuổi mồ côi cha.

           [132]. Trong ĐVVCT, cụ NHL còn cho biết thêm: “… bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giảng viên Đại học Y khoa Sài Gòn xin phép tôi đánh máy sáu bản, tặng tôi một bản, còn thì tặng các bạn thân đã giúp công giúp của trong việc đánh máy. Cậu xin mười năm nữa khi nào có dịp xuất bản thì cậu sẽ lo cho”. BS Nguyễn Chấn Hùng, trong bài Kinh Dịch và tinh thần của giếng, cho biết: “Tôi xin ông được giữ một bản, tự tay ông đã viết phần chữ Hán trong sách cho tôi”. (Goldfish).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét