THIÊN HẠ
Chương I
1
Bát quái thành liệt, tượng tại kì trung hĩ; nhân nhi trùng
chi, hào tại kì trung hĩ.
八卦成列,象在其中矣;因而重之,爻在其中矣。
Dịch: Bát quái
thành hàng thì “tượng” có ở trong đó; rồi nhân đó mà chồng bát quái lên với
nhau (thành 64 trùng quái) thì (sáu) hào có ở trong đó.
Chú thích: Theo Chu Hi, bát quái sắp thành hàng nghĩa là sắp theo thứ
tự: Càn nhất, Đoái nhì, Li ba, Chấn bốn (theo chiều nghịch kim đồng hồ), rồi
bắt từ: Tốn là năm, theo chiều thuận kim đồng hồ, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám.
Coi hình Tiên thiên bát quái Phần
I, Chương I.
2
Cương nhu tương thôi, biến tại kì trung hĩ; hệ từ yên nhi
mệnh chi, động tại kì trung hĩ.
剛柔相推,變在其中矣;繫辭焉而命之,動在其中矣。
Dịch: Cứng mềm
(tức nét dương, nét âm) đun đẩy (thay chỗ) nhau mà có sự biến hóa ở trong; lời
đoán tốt, xấu được (ghép) vào mỗi hào, mà sự động của hào sẽ ra sao đã chỉ ở
trong đó.
Chú thích: chữ “động” [動] ở đây cũng có thể hiểu là cách hành động (nên ra sao).
3
Cát hung hối lận giả sinh hồ động giả dã.
吉凶悔吝者生乎動者也。
Dịch: Tốt xấu,
ăn năn và tiếc nhân cái động trong quẻ và hào mà thấy.
4
Cương nhu giả lập bản dã; biến thông giả thú thời giả dã.
剛柔者立本者也;變通者趣時者也。
Dịch: Cứng mềm
(nét dương, nét âm) có ngôi nhất định sẵn (nét dương nên ở ngôi lẻ: 1, 3, 5;
nét âm
nên ở ngôi
chẵn: 2, 4, 6); từ ngôi này mà đổi ra ngôi kia phải theo đời.
Chú thích: Tiết này tối nghĩa, mỗi nhà hiểu một cách. Chúng tôi theo
Chu Hi.
5
Cát hung giả, trinh thắng giả dã.
吉凶者,貞勝者也。
Dịch: Cát và
hung luôn luôn thắng lẫn nhau theo một luật nhất định (vì một việc đời, không
cát thì hung, hết cát lại hung, hết hung lại cát, cứ thuận lẽ là tốt, trái lẽ
là xấu).
Chú thích: Tiết này cũng tối nghĩa. Chữ “trinh” [貞] ở đây Chu Hi
giảng là “thường”, nhất định. R. Wilhelm giảng là kiên nhẫn, lâu bền
(perseverance, duration), ý muốn nói là phải lâu rồi mới xoay chiều, cát biến
ra hung hoặc ngược lại.
6
Thiên địa chi đạo trinh quan giả dã; nhật nguyệt chi đạo
trinh minh giả dã; thiên hạ chi động trinh phù nhất giả dã.
天地之道貞觀者也;日月之道貞明者也;天下之動貞夫一者也。
Dịch: Đạo trời
đất chỉ bảo (quan) cho ta luật đó; đạo mặt trời mặt trăng sáng tỏ theo luật đó;
các hoạt động trong thiên hạ cũng theo một luật đó mà thôi.
Chú thích: R. Wilhelm dịch khác: đạo trời đất nhờ kiên nhẫn mà thấy
được (quan); đạo mặt trời và mặt trăng nhờ kiên nhẫn mà sáng; mọi hoạt động
trong thiên hạ nhờ kiên nhẫn, lâu mà giống nhau, như một.
7
Phù Càn xác nhiên thị nhân dị hĩ; phù Khôn đồi nhiên thị
nhân giản hĩ.
夫乾確然示人易矣;夫坤隤然示人簡矣。
Dịch:
Đạo càn mạnh mẽ, chỉ cho ta cái dễ dàng của nó; đạo khôn nhu thuận chỉ cho
người ta cái đơn giản của nó.
8
Hào dã giả, hiệu thử giả dã; tượng dã giả, tượng thử giả dã.
爻也者,效此者也;象也者,像此者也。
Dịch: Hào (có
lẻ, chẵn) là bắt chước đạo càn khôn đó, “tượng” là phỏng theo đạo càn, khôn mà
diễn bằng hình tượng.
9
Hào tượng động hồ nội, cát hung hiện hồ ngoại. Công nghiệp
hiện hồ biến, thánh nhân chi tình hiện hồ từ.
爻象動乎內,吉凶見乎外。功業見乎變,聖人之情見乎辭。
Dịch: Hào và
tượng động ở trong, mà cát hung hiện ra ngoài. Công nghiệp hiện ra ở sự biến
hóa, mà tình ý của thánh nhân hiện ra lời giảng (quái từ, Hào Từ).
10
Thiên địa chi đại đức viết sinh, thánh nhân chi đại bảo viết
vị. Hà dĩ thủ vị? Viết nhân. Hà dĩ tụ nhân? Viết tài, Lí tài chính từ cấm dân
vi phi viết nghĩa.
天地之大德曰生,聖人之大寶曰位。何以守位?曰仁。何以聚人?曰財,理財正辭禁民為非曰義。
Dịch: Đức lớn
của trời đất là sinh (sinh sinh hóa hóa), cái rất quí của thánh nhân là cái
ngôi. Nhờ cái gì mà giữ được ngôi? Nhờ điều nhân (1). Nhờ cái gì mà tụ họp được
người lại? Nhờ tiền của, điều khiển (điều hòa) tài chính (tức các sản phẩm để
nuôi dân), điều chỉnh lời để dạy dân, lại (dùng pháp luật hiến chương) cấm dân
làm bậy, như vậy là điều nghĩa.
Chú thích: Chữ nhân ở đây, bản cổ là 人 (người), các
bản ngày nay sửa là 仁 (nhân từ). J. Legge và R. Wilhelm đều dịch theo bản cổ. Bản
cổ cho rằng phải có người mới giữ được nước, được ngôi cho thánh nhân; vả lại
hiểu “nhân” là người thì ý mới liền với câu sau: “Hà dĩ tụ nhân…”
(Cả chương này, Phan Bội Châu chỉ dịch mỗi tiết thứ 10 này
thôi).
Chương II
1
Cổ giả Bào Hi thị chi vương thiên hạ dã, ngưỡng tắc quan
tượng ư thiên, phủ tắc quan pháp ư địa, quan điểu[115] thú
chi văn dữ thiên địa chi nghi, cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật, ư thị thủy
tác bát quái dĩ thông thần minh chí đức, dĩ loại vạn vật chi tình.
古者包羲氏之王天下也,仰則觀像於天,俯則觀法於地,觀鳥獸之文與地之宜,近取諸身,遠取諸物,於是始作八卦以通神明之德,以類萬物之情。
Dịch: Ngày xưa
họ Bào Hi (tức Phục Hi) cai trị thiên hạ, ngửng lên thì xem các hình tượng trên
trời, cúi xuống thì xem các phép tắc dưới đất, xem các văn vẻ của chim muông
cùng những thích nghi với trời đất (của từng miền). Gần thì lấy ở thân mình, xa
thì lấy ở vật, rồi làm ra bát quái để thông suốt cái đức thần minh và điều hòa
cái tình của vạn vật.
Chú thích: Phan Bội Châu chỉ dịch tiết này và tiết 5, còn thì bỏ hết.
2
Tác kết thằng vi võng cổ, dĩ điền dĩ ngư, cái thủ chư Li.
作結繩而為罔罟,以佃以漁,蓋取諸離。
Dịch: (Bào Hi)
Thắt dây mà làm ra cái rớ, cái lưới để săn thú, đánh cá, là lấy tượng của quẻ
Li.
Chú thích: Vậy là Bào Hi phỏng theo một cái gì đó trong thiên nhiên mà
vạch ra quẻ Li rồi lại phỏng theo quẻ Li mà tạo ra cái lưới?
3
Bào Hi thị một, Thần Nông thị tác[116], trác[117] mộc vi tỉ (cũng đọc là cử hoặc tự), nhu mộc vi lỗi, lỗi nậu
chi lợi, dĩ giáo thiên hạ, cái thủ chư Ích.
包羲氏沒,神農氏作,斲木為耜,揉木為耒,耒耨之利,以教天下,蓋取諸益。
Dịch: Họ Bào Hi
mất, tới khi họ thần Nông dấy lên, đẽo gỗ làm cái lưới cày, uốn gỗ làm cái cán
cày, đem cái lợi của cái cày, cái bừa dạy cho thiên hạ, là lấy tượng quẻ Ích.
4
Nhật trung vi thị, trí thiên hạ chi dân, tụ thiên hạ chi
hóa, giao dịch nhi thoái, các đắc kì sở, cái thủ chi Phệ hạp.
日中為市,致天下之民,聚天下之貨,交易而退,各得其所,蓋取諸噬嗑。
Dịch: Mặt trời
đứng bóng thì họp chợ, khiến dân trong thiên hạ tụ lại trao đổi hàng hóa với
nhau xong rồi về, ai cũng được như ý, là lấy tượng ở quẻ Phệ hạp.
5
Thần Nông thị một, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn thị tác, thông kì
biến, sử dân bất quyện, thần nhi hóa chi, sử dân nghi chi. Dịch cùng tắc biến,
biến tắc thông, thông tắc cửu. Thị dĩ tự nhiên hựu chi cát, vô bất lợi. Hoàng
Đế, Nghiêu, Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ chư Càn, Khôn.
神農氏沒,黃帝,堯,舜氏作,通其變,使民不倦,神而化之,使民宜之。易窮則變,變則通,通則久。是以自天佑之吉,無不利。黃帝,堯,舜垂衣裳而天下治,蓋取諸乾,坤。
Dịch: Họ Thần
Nông mất rồi các họ Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, nổi lên tiếp tục sự biến đổi,
khiến cho dân không buồn chán (về những việc cũ); cách biến đổi của các ông ấy
thần diệu. Khiến cho dân vui lòng thích nghi. Đạo dịch là đến lúc cũng tất phải
biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài. Thế là tự trời giúp cho,
tốt, không có gì là chẳng lợi. Vua Hoàng Ðế, vua Nghiêu, vua Thuấn rũ áo (ngồi
yên trên ngôi, không làm gì cả) mà thiên hạ được trị, là lấy tượng ở quẻ Càn,
quẻ Khôn.
6
Khô mộc vi chu, diệm mộc vi tiếp. Chu tiếp chi lợi dĩ tế bất
thông trí viễn dĩ lợi thiên hạ, cái thủ chư Hoán.
刳木為舟,剡木為楫。舟楫之利以濟不通致遠以利天下,蓋取諸渙。
Dịch: Xẻ gỗ làm
thuyền, đẽo gỗ làm mái chèo. Cái ích lợi của thuyền, chèo là có phương tiện
giao
thông, tới
những nơi xa được, làm lợi cho thiên hạ; đó là lấy tượng ở quẻ Hoán.
Chú thích: Chu Hi ngờ rằng những chữ “trí viễn dĩ lợi thiên hạ” (tới
những nơi xa được, làm lợi cho thiên hạ) là thừa.
7
Phục ngưu thừa mã, dẫn trọng trí viễn dĩ lợi thiên hạ, cái
thủ chư Tùy.
服牛乘馬,引重致遠以利天下,蓋取諸隨。
Dịch: Đánh bò
cưỡi ngựa chở nặng đến xa, làm lợi cho thiên hạ, đó là lấy tượng ở quẻ Tùy.
8
Trùng môn kích thác dĩ đãi bạo khách, cái thủ chư Dự.
重門擊柝以待暴客,蓋取諸豫。
Dịch: Đóng hai
lần cửa, đánh mõ để báo động kẻ cướp, là lấy tượng ở quẻ Dự.
9
Đoạn mộc vi chữ[118], quật địa vi cữu; cữu chữ chi lợi vạn dân dĩ tế, cái thủ
chư Tiểu quá.
斷木為杵,掘地為臼;臼杵之利萬民以濟,蓋取諸小過。
Dịch: Đẽo gỗ
làm chày, đào đất làm cối; cái ích lợi của cối chày là để giúp nhân dân, là lấy
tượng ở quẻ Tiểu quá.
10
Huyền mộc vi hồ, diệm mộc vi thỉ; hồ chỉ chi lợi dĩ uy thiên
hạ, cái thủ chư Khuê.
弦木為弧,剡木為矢;弧矢之利以威天下,蓋取諸睽。
Dịch: Giăng dây
để uốn gỗ thành cung, đẽo gỗ làm tên; dùng cái lợi của cung tên để làm uy với
thiên hạ, là lấy tượng ở quẻ Khuê.
11
Thượng cổ huyệt cư nhi dã xử; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ
cung thất, thượng đống hạ vũ dĩ đãi phong vũ, cái thủ chư Đại tráng.
上古穴居而野處;後世聖人易之以宮室,上棟下宇以待風雨,蓋取諸大壯。
Dịch: Thời
thượng cổ người ta (mùa đông) ở trong hang (mùa hè) ở giữa đồng; thánh nhân đời
sau mới thay bằng nhà cửa, trên có đòn nóc, dưới có mái che để phòng lúc mưa
gió là lấy cái tượng ở quẻ Đại tráng.
12
Cổ chi táng giả, hậu y chi dĩ tân, táng chi trung dã, bất
phong bất thụ; tang kì vô số; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ quan quách, cái
thủ chư Đại quá.
古之葬者,厚衣之以薪,葬故中野,不封不樹,喪期無數;後世聖人易之以棺槨,蓋取諸大過。
Dịch: Thời xưa,
chôn cất người chết thì lấy củi bó một lớp dày chung quanh rồi chôn ở giữa
đồng, không đắp mộ cũng không trồng cây; để tang bao lâu không hạn định; thánh
nhân đời sau thay đổi (cách thức), dùng áo quan và quách, là lấy tượng ở quẻ
Đại quá.
13
Thượng cổ kết thằng nhi trị; hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ
thư khế, bách quan dĩ trị, vạn dân dĩ sát, cái thủ chư Quải.
上古結繩而治;後世聖人易之以書契,百官以治,萬民以察,蓋取諸夬。
Dịch: Thời
thượng cổ thắt nút dây (để ghi nhớ các việc) mà cai trị; thánh nhân đời sau
thay đổi (cách thức), dùng văn tự, khế ước, mà cai trị trăm quan, kiểm soát dân
chúng, là lấy tượng ở quẻ Quải.
Chú thích: Tác giả chương này cho ta thấy một công dụng bất ngờ của Kinh Dịch, bảo nó là nguồn gốc của văn
minh, bao nhiêu phát minh thời thượng cổ từ nhà cửa, chữ viết, tới việc trị dân
vô bị, phòng cướp,
giao thông, chôn cất… đều do Kinh Dịch mà có cả; vì Phục Hi, Thần Nông… nhận xét các hiện tượng
trong vũ trụ mà đặt ra tám đơn quái và 64 trùng quái để tượng trưng mọi sự vật,
rồi lại phỏng theo 64 trùng quái đó để tạo nên nền văn minh thời cổ.
Ví dụ: Phục Hi nhận xét một vật gì đó trong vũ trụ mà tạo ra
quẻ Li rồi phỏng theo hình quẻ đó tạo ra lưới bẫy thú và đánh cá. Điều đó có
cái gì khó hiểu. Sao không nói rằng Phục Hi nhận xét chẳng hạn một mạng nhện
rồi chế tạo ngay ra chiếc lưới, mà lại phải qua giai đoạn trung gian là quẻ Li?
Sau mỗi tiết trong chương này, Chu Hi thường giải thích cổ nhân mượn ý nào
trong một quẻ nào đó để tạo nên một đồ dùng; nhưng giải thích của ông sơ sài
quá, khiên cưỡng nữa.
Chẳng hạn sau tiết 8, về việc cổ nhân đóng hai lần cửa, đánh
mõ để báo động kẻ cướp, là lấy tượng ở quẻ Dự, ông bảo “dự” đây là ý dự bị, đề
phòng; nhưng thực ra, theo Thoán Từ
(coi phần dịch) thì quẻ Dự có nghĩa là vui, chứ không có nghĩa là đề phòng. Chữ
dự có cả hai nghĩa khác nhau xa đó.
Trong phần Truyện (Hệ Từ Hạ truyện
này) Chu Hi dùng một nghĩa khác phần Kinh (Thoán
Từ), như vậy là khiên cưỡng.
R. Wilhelm không biết theo sách nào, dùng tượng của quẻ để
giải thích kĩ hơn: “Quẻ Lôi địa Dự gồm quẻ Chấn có nghĩa là động, ở trên quẻ
Khôn là đất. Hào 3, 4, 5 hợp thành quẻ hỗ (1)[119]: Khảm có nghĩa là nguy hiểm; hào 2, 3, 4 hợp thành một quẻ
hỗ nữa: quẻ Cấn là núi. Quẻ Khôn tượng trưng một cái cửa đóng, mà quẻ Cấn cũng
có nghĩa là cái cửa; vậy là có hai lần cửa. Quẻ Khảm có nghĩa là ăn trộm. Bên
kia cửa, có động (quẻ Chấn) với gỗ (Chấn là gỗ) ở trong tay (Cấn là tay) dùng
để dự bị (tên quẻ: Dự cũng có nghĩa là dự bị) chống lại kẻ trộm” (Sách đã dẫn –
tr.333).
Cũng rất khiên cưỡng: Chấn là gỗ, Cấn là cửa, là tay!
Vô lí nhất là lời chú giải này của Chu Hi: về quẻ Phệ hạp,
Thần Nông mượn chữ phệ 噬 làm chữ thị 巿, chữ hạp 嗑 làm chữ hạp 合 (nghĩa là lấy những chữ phát âm giống nhau nhiều ít như phệ và thị mà thay cho nhau), do đó mà phệ
hạp nghĩa là cắn để họp lại (coi quẻ Phệ hạp – số 21) hóa ra thị hạp nghĩa là họp chợ. Từ đó mới có
chợ (thị). Nhưng trước khi Thần Nông đặt ra chợ thì làm gì có chữ thị để ông mượn mà thay cho chữ phệ? Chưa có vật thì làm sao có tên để
chỉ vật? Còn như nếu đã có chữ thị
rồi, có việc họp chợ rồi, thì cần gì phải mượn hai chữ phệ hạp để tạo ra hai chữ thị
hạp nữa?
Chú thích Chương II
[115]. Điểu: sách in là điểm. (Goldfish).
[116]. Bào Hi tức Phục Hi. Cụ Trần Trọng Kim lấy bốn chữ đầu của Tiết 3 này ghép vào đầu Tiết 5: “Phục Hi thị một, Thần Nông thị tác. Thần Nông thị một, Hoàng Đế…”. (Goldfish).
[117]. Trác 斲: nhiều bản chữ Hán trên mạng chép là chước 斫 (Thiều Chửu giảng là: Phạt, đẵn, lấy dao đẵn cây gọi là “chước”. (Goldfish)
[118].
Chữ chữ 杵, Thiều Chửu
đọc là xử. (Goldfish).
[119].
Quẻ hỗ là quẻ được lập ra để hỗ trợ quẻ chủ, bằng cách lấy hào 3, 4, 5 làm quẻ
Thượng và lấy hào 2,
3, 4 làm quẻ Hạ. Ở đây quẻ chủ là Lôi địa Dự (xem đồ hình ở trên), quẻ hỗ Thượng là Khảm và quẻ hỗ Hạ là Cấn .
(Vì trong sách không thấy in lời chú thích (1), nên tôi tạm viết như vậy, không biết có diễn sai ý của cụ Nguyễn Hiến Lê hay không?). (Goldfish).
Chương III
1
Thị cố Dịch giả tượng dã; tượng 象 dã[120] giả tượng 像 dã.
是故易者像也;像也者像也。
Dịch: Cho nên
Dịch là hình tượng: hình tượng là phỏng theo, là tương tự.
2
Thoán giả tài dã.
彖者材也。
Dịch: Thoán
(từ) là ý nghĩa của mỗi quẻ. (Có người dịch là tài liệu của mỗi quẻ).
3
Hào dã giả, hiệu thiên hạ chi động giả dã.
爻也者,效天下故動者也。
Dịch: Hào là phỏng theo các biến động trong thiên hạ.
4
Thị cố cát hung sinh nhi hối lận trứ dã.
是故吉凶生而悔吝著也。
Dịch: Cho nên
tốt xấu sinh ra mà sự hối tiếc hiện rõ.
(Chương này không diễn thêm được ý gì. Bốn tiết có thể gom
làm một. Phan Bội Châu bỏ cả chương).
Chú thích Chương III
[120].
Sách in thiếu chữ “dã”. (Goldfish).
Chương IV
1
Dương quái đa âm, âm quái đa dương.
陽卦多陰,陰卦多陽。
Dịch: Trong quẻ
dương có nhiều âm, trong quẻ âm có nhiều dương.
Chú thích: Như các quẻ Chấn, Khảm và Cấn là dương mà đều có hai hào
âm, một hào dương; như các quẻ Tốn, Li, Đoái là âm mà đều có hai hào dương, một
hào âm.
2
Kì cố hà dã? Dương quái cơ, âm quái ngẫu.
其故何也?陽卦奇,陰卦偶。
Dịch: Tại sao
như vậy? Tại quẻ dương lẻ, quẻ âm chẵn.
Chú thích: Chu Hi giảng: quẻ này dương lẻ vì có 5 nét (5 là số lẻ),
như quẻ Khảm có hai hào âm, mỗi hào 2 nét, với 1 hào dương, 1 nét, cộng là 5
nét; quẻ âm chẵn vì có 4 nét (4 là số chẵn) như quẻ Li có 2 hào dương, mỗi hào
1 nét, với 1 hào âm 2 nét, cộng là 4 nét.
Có người giảng theo luật: “Chúng dĩ quả vi chủ” (coi lại
Phần I, chương IV: như quẻ Khảm có 2 hào âm, 1 hào dương thì lấy hào dương (hào
ít) làm chủ, cho nên gọi là quẻ dương; quẻ Li có hai hào dương, 1 hào âm thì
lấy hào âm (ít) làm chủ, nên gọi là quẻ âm).
R. Wilhelm giảng một cách khác nữa, rắc rối, tôi không chép
lại. (Coi sách đã dẫn – tr.337).
3
Kì đức hạnh hà dã? Dương nhất quân nhi nhị dân, quân tử chi
đạo dã; âm nhị quân nhi nhất dân, tiểu nhân chi đạo dã.
其德行何也?陽一君而二民,君子故道也;陰二君而一民,小人之道也。
Dịch: Đức hạnh
(1) của những quẻ dương và âm ra sao? Trong các quẻ dương có một vua (tức hào
dương) và hai dân (tức hào âm) hợp với đạo của quân tử; trong các quẻ âm có hai
vua và một dân, đó là “đạo” (thái độ, tư cách) của tiểu nhân (2).
Chú thích:
R. Wilhelm đọc là hành và dịch đức hành là bản chất và hành động.
Thí dụ theo Chu Hi: quẻ Khảm 1 hào
dương là 1 vua, 2 hào âm là 2 dân; quẻ Li hai hào dương, 1 hào âm là 2 vua, 1
dân. Nhưng ở tiết trên, Chu Hi lấy số nét mà giảng, ở đây lại lấy số hào mà
giảng, không nhất trí. R. Wilhelm không giảng gì cả.
Chương này Phan Bội Châu cũng bỏ trọn.
Chương V
1
Dịch viết: “Xung xung (đồng đồng) vãng lai, bằng tòng nhĩ tư[121]”.
Tử viết: “Thiên hạ hà tư hà lự, thiên hạ đồng qui nhi thù
đồ, nhất trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự?”
易曰:“憧憧往來,朋從爾思”。
子曰:“天下何思何慮,天下同歸而殊塗,一致而百慮,天下何思何慮?”
Dịch: Kinh Dịch
(hào 4 quẻ Hàm) nói: “(Trong việc giao thiệp mà) lăng xăng, tính toán có qua có
lại với nhau thì những người qua lại với anh chỉ là những người anh nghĩ tới mà
thôi” (ý muốn nói số bạn không đông, đoàn thể không lớn được).
Thầy (Khổng)
giảng: “Đạo lí trong thiên hạ cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng (tư), tính
toán bằng mẹo vặt (lự), vì thiên hạ đường đi tuy khác nhau mà qui kết thì y như
nhau: tính toán trăm lối mà cuối cùng chỉ tóm vào một lẽ, (lẽ đó là có cảm thì
có ứng, ứng lại gây ra cảm), cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng
mẹo vặt.
2
“Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật
nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên; hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn
lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên; vãng giả khuất dã, lai giả thân (1)
dã, khuất thân tương cảm nhi lợi sinh yên”.
“日往則月來,月往則日來,日月相推而明生焉;寒往則暑來,暑往則寒來,寒暑相推而歲成焉;往者屈也,來者信也,屈信相感而利生焉”。
Dịch: (Đây vẫn
tiếp lời Khổng Tử trong tiết trên).
“(Tỉ như) mặt
trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại, mặt trời mặt trăng
(cảm ứng nhau) xô đẩy nhau mà ánh sáng phát ra; mùa lạnh qua thì mùa nóng lại,
mùa nóng qua thì mùa lạnh lại, lạnh nóng (cảm ứng nhau) xô đẩy nhau mà thành ra
năm tháng; cái đã qua co rút lại, cái sắp tới duỗi dài ra, co rút (khuất), duỗi
dài (thân), hai cái đó cảm ứng với nhau mà ích lợi mới nảy ra.
Chú thích: (1) chữ 信 ở đây đọc là thân và dùng như chữ 伸 là duỗi.
3
“Xích oánh (có người đọc là quặc hay hoạch) chi khuất dĩ cầu
thân[122] dã; long xà chi trập[123] dĩ tồn thân dã; tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã; lợi
dụng an thân dĩ sùng đức dã.
“尺蠖之屈以求信也;龍蛇之蟄以存身也;精義入神以致用也;利用安身以崇德也”。
Dịch: (Cũng vẫn
tiếp lời Khổng Tử).
“Con sâu đo co
lại là để rồi duỗi ra; con rồng con rắn nấp (dưới vực, dưới đất) là để giữ
mình. (Người quân tử) tìm hiểu nghĩa lí tới chỗ tinh vi, vào tới được chỗ thần
diệu là để có công dụng cực kì (mà lập nên sự nghiệp); lợi dụng sự an định tâm
thân là để cho đức được cao quí.
4
“Quá thử dĩ vãng, vị chi hoặc tri dã; cùng thần tri hóa, đức
chi thịnh dã”.
“過此以往,未之或知也;窮神知化,德之盛也”。
Dịch: (Cũng vẫn
tiếp lời Khổng Tử).
(Khi cái đức đã
cao quí rồi) từ đó mà tiến lên mãi thì sẽ đạt tới mức mà người thường khó trắc
lường được; vì lúc đó đã cực kì thần diệu, biết hết lẽ biến hóa rồi, thánh đức
đã rất thịnh rồi” (tới đây mới hết lời giảng hào 4 quẻ Hàm của Khổng Tử).
5
Dịch viết: “Khốn vu thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kì cung,
bất kiến kì thê, hung”.
Tử viết: “Phi sở khốn nhi khốn yên, danh tất nhục; phi sở cứ
nhi cứ yên, thân tất nguy; Kí nhục thả nguy, tử kì tương chi, thê kì khả đắc
kiến da?”
易曰:“困於石,據於蒺藜,入於其宮,不見其妻,兇”。
子曰:“非所困而困焉,名必辱;非所據而據焉,身必危;既辱且危,死期將至,
Dịch: Kinh Dịch
(hào 3 quẻ Khốn) nói: “(Như một người) bị khốn vì đá (dằn ở trên – tức hào 4 –
coi phần dịch 64 quẻ) mà lại dựa vào cây tật lê (một loại cây gai) (tức hào 2 ở
dưới), vô nhà thì lại không thấy vợ (trỏ hào 6 ở trên), xấu”.
Thầy (Khổng) giảng: “Không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị
khốn thì danh ắt bị nhục; không phải chỗ đáng dựa mà mình dựa vào thì thân mình
tất bị nguy; đã bị nhục lại bị nguy thì sắp chết tới nơi, còn thấy sao được vợ
nữa”.
Chú thích: Về nhà không thấy vợ, chỉ có ý muốn nói rằng đã nguy đến
cùng cực rồi, dù người thân cũng không cứu mình được. Hào này rất xấu. Coi lại
phần dịch quẻ Khốn.
6
Dịch viết: “Công dụng thiệc (1) chuẩn vu cao dung chi
thượng, hoạch chi, vô bất lợi”.
Tử viết: “Chuẩn giả cầm dã, cung thỉ giả khí dã, thiệc chi
giả nhân dã. Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động, hà bất lợi chi hữu?
Động nhi bất quát, thị dĩ xuất nhi hữu hoạch, ngữ thành khí nhi động giả dã”.
易曰:“公用射隼子高墉之上,獲之,無不利”。
子曰:“隼者禽也,弓矢者器也,射之者人也。君子藏器於身,待時而動,何不利之有?動而不括,是以出而有獲,語成器而動者也”。
Dịch: Kinh Dịch
(hào 6 quẻ Giải) nói: “Một vị công nhắm bắn cho chim chuẩn ở trên bức tường
cao.
Bắn được, không
có gì là không lợi”.
Thầy (Khổng)
giảng: “Chuẩn là một loài chim, cung tên là đồ dùng, kẻ bắn là người. Người
quân tử chứa sẵn đồ dùng (tài đức) ở trong mình, đợi thời mà hoạt động, thì có
gì mà chẳng lợi? Hoạt động mà không bị chướng ngại thì ra làm tất thành công; ý
muốn nói phải có đủ đồ dùng rồi hoạt động (cho đúng lúc)”.
Chú thích: (1) Chữ 射 ở đây đọc là thiệc, nhưng có người đọc là xạ. Nghĩa không khác nhau mấy: xạ là
thuật bắn mũi tên đi xa, thiệc là nhắm mắt bắn một con vật.
7
Tử viết: “Tiểu nhân bất sỉ bất nhân, bất úy bất nghĩa, bất
kiến lợi bất khuyến, bất uy bất trừng. Tiểu
trừng nhi đại giới, thử tiểu nhân chi phúc dã. Dịch viết:
“Lí[124] giảo diệt chỉ, vô cữu”, thử chi vị dã.
子曰:“小人不恥不仁,不畏不義,不見利不勸,不威不懲。小懲而大誡,此小人
之福也”。易曰:“屨校滅趾,無咎”,此之謂也。
Dịch: Thầy
(Khổng) nói: “Kẻ tiểu nhân (người tư cách, đạo đức thấp kém) không xấu hổ về
điều bất nhân, không sợ điều bất nghĩa, không thấy lợi thì không gắng sức,
không thấy cái uy (sự trừng trị) thì không răn mình. Nếu họ mới có tội nhỏ mà
bị trừng trị ngay thì biết răn đe mà không mắc tội lớn, đó là phúc cho họ”.
Kinh Dịch nói: “Ví như mắc chân vào cái cùm mà đứt ngón chân cái (không có tội
lớn) (1) là nghĩa vậy”.
Chú thích: (1) Câu này là lời hào 1 quẻ Phệ Hạp (một quẻ về hình ngục)
có nghĩa là: Mới làm bậy mà bị trừng trị nhẹ ngay (cùm chân chặt ngón chân cái)
thì sẽ sợ phép mà sau không làm điều ác nữa, không có lỗi lớn.
8
“Thiện bất tích bất túc dĩ thành danh; ác bất tích bất túc
dĩ diệt thân. Tiểu nhân dĩ tiểu thiện vi vô ích nhi phất vi dã, dĩ tiểu ác vi
vô thương nhi phất khứ[125] dã; cố ác tích nhi bất khả yểm, tội đại nhi bất khả giải.
Dịch viết: “Hạ giảo diệt nhĩ, hung”.
“善不積不足以成名;惡不積不足以滅身。小人以小善為無益而弗為也,以小惡為無傷而弗去也;故惡積而不可掩,罪大而不可解。易曰:“何校滅耳,兇 ”。
Dịch: Không
tích lũy được nhiều điều thiện thì không có danh tiếng được, không tích lũy
nhiều điều ác thì không đến nỗi bị diệt thân thể. Kẻ tiểu nhân cho rằng một
điều thiện nhỏ là vô ích nên không làm, một điều ác nhỏ là vô hại nên cứ làm;
vì vậy mà các điều ác cứ tích lũy tới lúc không che giấu được nữa, tội hóa lớn
mà không thể tha được. Kinh Dịch nói: “Cổ tra vào gông, bị tội cắt tai, xấu”
(1).
Chú thích:
Câu này là lời hào 6 quẻ Phệ Hạp.
Đây là một tội lớn, hình phạt nặng (đeo gông, cắt tai) rồi, cho nên xấu hơn hào
1, mới bị cùm chân và chặt ngón chân cái thôi. Chữ 何 ở đây đọc là hạ
nghĩa là vác như chữ 荷. Tiết này tiếp tiết trên, cũng là lời của Khổng Tử.
9
Tử viết: “Nguy giả an kì vị giả dã; vong giả bảo kì tồn giả
dã; loạn giả hữu kì trị giả dã. Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy, tồn nhi
bất vong vong, trị nhi bất vong loạn. Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo dã”.
Dịch viết: “Kì vong, kì vong, hệ vu bao tang”.
子曰:“危者安其位者也;亡者保其存者也;亂者有其治者也。者故君子安而不忘危,存而不忘亡,治而不忘亂。是以身安而國家可保也”。易曰:“其亡,其亡,係於苞桑”。
Dịch: Thầy
(Khổng) nói: “Sở dĩ đến nỗi nguy là vì mình chắc giữ yên được vị của mình (1);
sở dĩ đến nỗi mất là vì mình chắc bảo tồn được; sở dĩ đến nỗi loạn là vì mình
chắc sẽ có cách trị được (ý muốn nói không đề phòng trước). Cho nên người quân
tử (người có tài đức, sáng suốt) khi yên ổn thì không quên rằng sẽ có thể nguy;
khi vững thì không quên rằng sẽ có thể mất; khi trị thì không quên rằng sẽ có
thể loạn. Nhờ vậy mà thân an, nước vững”. Kinh Dịch nói: “Có thể mất đấy, có
thể mất đấy. Biết lo trước như vậy thì sự nghiệp mình mới vững như buộc vào một
cụm dâu (2) (cây dâu nhiều rễ ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ”.
Chú thích:
Câu này cũng có người dịch là: “Cái
nguy làm cho yên ngôi”, tức: đừng quên cái nguy thì mới giữ yên được cái ngôi.
Hai câu sau cũng vậy.
Đây là lời Hào 5 quẻ Bĩ.
10
Tử viết: “Đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, lực[126] tiểu
nhi nhiệm trọng, tiển bất cập hĩ”. Dịch
viết: “Đỉnh chiết túc, phúc công tốc, kì hình ốc, hung”.
Ngôn bất thăng kì nhiệm dã.
子曰:“德薄而位尊,知小而謀大,力小而任重,鮮不及矣”。易曰:“鼎折足,覆公餗,其形渥,兇。言不勝其任也”。
Dịch: Thầy
(Khổng) nói: “Đức mỏng mà ngôi tôn, trí nhỏ mà mưu lớn, sức yếu mà gánh nặng,
thì ít khi tránh được (tai nạn). Kinh Dịch nói: “Chân vạc gẫy, đánh đổ thức ăn
của nhà công hầu mà bị hình phạt nặng, xấu” (1). Lỗi đó nói về cái họa không
gánh nỗi trách nhiệm.
Chú thích: (1) đây là Hào 4 quẻ Đỉnh. Hai chữ “hình ốc” 形渥, chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. Cụ cho rằng
sách Chu Lễ có chữ “ốc tru” 渥誅, trỏ một hình phạt nặng. Các sách khác đều dịch là thân
mình bị ướt vấy vì thức ăn tung tóe.
11
Tử viết: “Tri cơ kì thần hồ! Quân tử thượng giao bất siểm,
hạ giao bất độc, kì tri cơ hồ! Cơ giả động chi vi, cát chi tiên kiến giả dã. Quân
tử kiến cơ nhi tác, bất sĩ chung nhật”. Dịch viết: “Giới vu thạch, bất chung
nhật, trinh cát. Giới như thạch yên, ninh dụng chung nhật, đoán khả thức hĩ.
Quân tử tri vi, tri chương, tri nhu, tri cương, vạn phu chi vọng”.
子曰:“知幾其神乎!君子上交不諂,下交不瀆,其知幾乎!幾者動之微,吉之先見者也。君子見幾而作,不俟終日”。易曰:“介於石,不終日,貞吉。介如石焉,寧用終日,斷可識矣。君子知微,知彰,知柔,知剛,萬夫之望”。
Dịch: Thầy
(Khổng) nói: “Biết trước được cái triệu chứng (từ khi mới có dấu hiệu) thì quả
là thần diệu. Người quân tử giao tiếp với người trên thì không nịnh, với kẻ
dưới thì không nhờn, là biết trước cái triệu chứng vậy. Triệu chứng là cái dấu
hiệu đầu tiên rất nhỏ của sự biến động, cát (1) (hay hung) chưa hiện mà đã thấy
được. Người quân tử thấy trước triệu chứng mà ứng phó ngay, không đợi cho tới
hết ngày. Kinh Dịch nói: “Chí bền chắc như đá, chẳng đợi tới hết ngày (mà ứng
phó ngay), chính đính, bền vững, tốt”
(2). Chí bền
chắc như đá thì chẳng cần đợi tới hết ngày, vì phán đoán đã rành rẽ rồi (3).
Người quân tử biết được lúc còn lờ mờ, lúc đã rõ rệt, biết lúc nào nên nhu, lúc
nào nên cương. Vì vậy mà vạn người trông vào mình”.
Chú thích:
Đây là lời Hào 2 quẻ Dự.
R. Wilhelm dịch là: “Lời đoán (quẻ)
có thể biết được rồi (?).
12
Tử viết: “Nhan thị chi tử kì đãi thứ cơ hồ? Hữu bất thiện vị
thường bất tri, tri chi vị thường phục hành
dã”. Dịch viết: “Bất viễn phục vô kì hối, nguyên, cát.”
子曰:“顏氏之子其殆庶幾乎?有不善未嘗不知,知之未嘗復行也”。易曰:“不遠复無祇悔,元,吉 ”。
Dịch: Thầy
(Khổng) nói: “Người con họ Nhan (tức Nhan Hồi) chăng? Nếu anh ấy có lầm lỗi gì
thì biết ngay, biết rồi thì không mắc lần thứ nhì nữa (1). Kinh Dịch nói: “Tuy
lầm lỗi nhưng thời gian chẳng xa, trở lại tốt lành ngay, thì không đến nỗi ăn
năn lớn; rất tốt (2).
Chú thích:
Sách Luận Ngữ, thiên Ung dã, bài 2, Khổng Tử khen Nhan Hồi: “bất nhị
quá”, không mắc một lỗi nào tới lần thứ hai.
Đây là lời Hào 1 quẻ Phục.
13
Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần; nam nữ cấu tinh, vạn
vật hóa sinh. Dịch viết: “Tam nhân hành tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành tắc
đắc kì hữu. Ngôn trí nhất dã”.
天地因缊,萬物化醇;男女構精,萬物化生。易曰:“三人行則損一人,一人行則得其友。言致一也”。
Dịch: (Có lẽ
thiếu hai chữ “Tử viết” ở đầu tiết này). Trời đất (tức âm dương) giao cảm mà
vạn vật hóa ra có đủ hình (?), giống đực giống cái kết hợp tinh khí mà vạn vật
sinh nó biến hóa. Kinh Dịch nói: “Ba người cùng đi thì bớt đi một người, một
người đi (một mình) thì được thêm bạn” (1), đó là nói về lẽ duy nhất (2).
Chú thích:
đây là lời Hào 3 quẻ Tốn.
Chúng tôi chưa thấy sách nào giảng
câu này cho thông. Chu Hi không giảng. R. Wilhelm không dịch. Chúng tôi dịch
gượng như vậy, ngờ rằng tác giả muốn nói luật duy nhất trong vũ trụ là vật gì
cũng phải có đôi, đó là điều kiện sinh sinh hóa hóa của vạn vật.
14
Tử viết: “Quân tử an kì thân nhi hậu động, dị (1) kì tâm nhi
hậu ngữ, định kì giao nhi hậu cầu. Quân tử tu thử tam giả, cố toàn dã. Nguy dĩ
động tắc dân bất dữ dã, cụ dĩ ngữ tắc dân bất ứng dã, vô giao nhi cầu tắc dân
bất dữ dã. Mạc chi dữ tắc thương chi giả chí hĩ”. Dịch viết: “Mạc ích chi, hoặc
kích chi, lập tâm vật hằng, hung”.
子曰:“君子安其身而後動,易其心而後語,定其交而後求。君子修此三者,故全也。危以動則民不與也,懼以語則民不應也,無交而求則民不與也。莫之與則傷之者至矣”。易曰:“莫益之,或擊之,立心勿恆,兇 ”。
Dịch: Thầy
(Khổng) nói: “Người quân tử làm cho thân mình được an ổn rồi sau mới hành động
(nếu không thì là táo động, nóng nảy, hấp tấp); khiến cho lòng mình bình dị rồi
sau mới nói – thuyết phục người khác (nếu không thì là vọng ngữ); làm cho giao
tình được bền rồi sau mới yêu cầu (nếu không thì là vụng về, sẽ thất bại).
Người quân tử trau giồi ba điều đó nên được trọn vẹn, yên ổn. Nếu ở trong cảnh
nguy mà đã vội hành động thì dân không tin mình; còn sợ hãi mà đã vội hành động
thì dân không hưởng ứng; giao tình chưa được bền mà đã vội yêu cầu thì dân sẽ
từ chối. Không ai biểu đồng tình với mình thì cái hại sẽ tới ngay”. Kinh Dịch
nói: “Không ai làm ích cho mình mà có kẻ đả kích mình nữa, là vì không giữ được
hằng tâm (lòng luôn luôn tốt); xấu” (1).
Chú thích: (1) Đây là Hào 5 quẻ Ích.
Chú thích Chương V
[121]. Tư: các bản chữ Hán trên mạng đều chép là tư 思, sách in là lai. (Goldfish).
[122].
Chữ 信 ở đây cũng đọc là thân
(xem lại chú thích trên của tác giả). (Goldfish).
[123].
Trập: Chữ 蟄, Thiều Chửu đọc là “chập”. (Goldfish).
[124].
Lí: chữ 履, Thiều Chửu đọc là “lũ”. (Goldfish).
[125].
Khứ: sách in là khử. (Goldfish).
[126].
Sách in thiếu chữ “lực”. (Goldfish).
Chương VI
1
Tử viết: “Càn Khôn, kì dịch chi môn da? Càn dương vật dã,
Khôn âm vật dã. Âm dương hợp đức nhi cương nhu hữu thể, dĩ thể thiên địa chi
soạn, dĩ thông thần minh chi đức”.
子曰:“乾坤其易之門邪?乾陽物也,坤陰物也。陰陽合德而剛柔有體,以體天地之撰,以通神明之德 ”。
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Càn, Khôn là cửa của Dịch chăng?
Càn đại biểu những vật thuộc về dương, Khôn đại biểu những vật thuộc về âm. Đức
(tính cách) của âm dương hợp với nhau mà hào cương[127] và
hào nhu mới có thực thể, nhân đó mà suy trắc được công việc của trời đất và
thông cảm được đức của thần minh!”
2
Kì xưng danh dã tạp nhi bất việt. Ư kê kì loại, kì suy thế
chi ý da?
其稱名也雜而不越。於稽其類,其衰世之意邪?
Dịch: Tên của
các quẻ tuy lộn xộn nhưng ý nghĩa (?) không trật ra ngoài (sự biến hòa của âm
dương) khi xét về lời đoán của mỗi quẻ thì Dịch là mối suy tư (của thánh nhân)
trong một đời loạn chăng? (tức của Văn Vương ở thời vua Trụ).
Chú thích: Tiết nầy rất tối nghĩa các sách đều chấm câu ở sau chữ
“việt”. Duy Phan Bội Châu là cho câu đi liền tới chữ “loại” rồi mới chấm. Chữ
“loại” mỗi nhà hiểu một khác: Phan Bội Châu không dịch, Chu Hi không giảng, J.
Legge hiểu là “bản chất và cách thức” của các lời đoán. R. Wilhelm hiểu là hoàn
cảnh.
3
Phù Dịch chương vãng nhi sát lai, nhi vi hiển (1) triển u;
khai nhi (2) đáng danh biện vật, chính ngôn, đoán từ, tắc bị hĩ.
夫易彰往而察來,而微顯闡幽;開而當名辨物,正言,斷辭,則備矣。
Dịch: Dịch làm
rõ cái đã qua mà xét cái sắp tới, làm sáng tỏ cái kín đáo, mở cái bí mật. (Văn
Vương) khai triển hình tượng (hay ý nghĩa), phân biệt mọi vật đúng với tên của
chúng; ngôn được chính, lời đoán được định rồi, thế là (Kinh Dịch) đầy đủ.
Chú thích:
Ba chữ “nhi vi hiển”, ngờ là lầm;
“vi hiển nhi (triển u)” thì phải hơn.
Chữ “nhi” ở đây cũng ngờ là lầm.
Vì hai chỗ đáng ngờ như vậy nên tiết này khó hiểu, mà Phan
Bội Châu không dịch. Chúng tôi dịch theo J. Legge mà J.Legge cũng chỉ đoán
phỏng thôi.
4
Kì xưng danh dã tiểu, kì thủ loại dã đại, kì chỉ viễn, kì từ
văn, kì ngôn khúc nhi trúng, kì sự tứ nhi ẩn, nhân nhị dĩ tế dân hạnh, dĩ minh
thất đắc chi báo.
其稱名也小,其取類也大,其旨遠,其辭文,其言曲而中,其事肆而隱,因貳以濟民行,以明失得之報。
Dịch: Về sự đặt
tên trong Dịch thì tới cả những vật rất nhỏ (hay tầm thường), mà bao gồm cả
những loại rất lớn (như thiên địa, âm dương, vũ trụ) (1), ý nghĩa của Dịch sâu
xa mà lời thì văn vẻ, lời (giảng) ngoắt ngoéo mà đúng sự việc, trình bày rõ
ràng mà thâm điểu, u ẩn, nhân lòng dân có điều nghi ngờ (nhị) mà giúp dân về
đức hạnh, (bằng cách) tỏ cho dân thấy rõ sự báo ứng về việc hỏng hay được (tức
hậu quả của hành động tốt hay xấu).
Chú thích:
Câu đầu này R. Wilhelm dịch là:
Những tên (để gọi các quẻ) có vẻ không quan trọng nhưng khả năng áp dụng thì
lớn; J. Legge dịch là: Tên gọi chỉ là vấn đề nhỏ mọn, nhưng các loại sự vật
chứa trong những tên đó thì rộng lớn.
(Chương này tối nghĩa, có chỗ chép lầm, mà ý nghĩa cũng
không có gì sâu sắc, chỉ là xét chung về bản thể, công dụng của Kinh Dịch).
Chú thích Chương VI
[127]. Cương: sách in là dương. (Goldfish).
Chương VII
1
Dịch chi hưng dã, kì ư trung cổ hồ? Tác Dịch giả kì hữu ưu
hoạn hồ?
易之興也,其於中古乎?作易者其有憂患乎?
Dịch: Đạo Dịch
hưng thịnh lên ở thời trung cổ chăng? Người làm Dịch có điều ưu tư lo lắng đấy
chăng?
Chú thích: Tiết này ám chỉ thời Văn Vương, Văn Vương bị Trụ giam ở
ngục Dữu Lí mà đặt ra Thoán Từ cho
mỗi quẻ.
2
Thị cố, Lí, đức chi cơ dã; Khiêm, đức chi bính dã; Phục, đức
chi bản dã; Hằng, đức chi cố dã; Tổn, đức chi tu dã; Ích, đức chi dụ dã; Khốn,
đức chi biện dã; Tỉnh, đức chi địa dã; Tốn, đức chi chế dã.
是故,履,德之基也;謙,德之柄也;复,德之本也;恆,德之固也;損,德之修也;益,德之裕也;困,德之辯也;井,德之地也;巽,德之製也。
Dịch: Quẻ Lí là
cái nền của đức, quẻ Khiêm là cái cán của đức, quẻ Phục là gốc của đức; quẻ
Hằng là cái bền vững của đức; quẻ Tổn là sự trau giồi đức; quẻ Ích là sự nẩy nở
đầy đủ của đức; quẻ Khốn là để nghiệm xem đức cao hay thấp; quẻ Tỉnh là sự dày
dặn của đức; quẻ Tốn là sự chế ngự đức (cho nó thuần thục, linh hoạt).
Chú thích: Tiết này nói về chín quẻ giúp cho người ta tu đức. Lí là lễ
(coi phần dịch 64 quẻ) cung kính, cẩn thận, cho nên gọi là nền của đức. Khiêm
là khiêm tốn. Phục là trở lại, hoàn phục thiên lí. Hằng là giữ lòng cho bền,
không biến đổi. Tốn là bớt lòng dục, lòng giận. Ích là làm cho đức tăng tiến.
Khốn là gặp nghịch cảnh, mới kiểm điểm được đức của mình. Tỉnh là giếng khơi
nước không cạn, cũng không tràn, mọi người đều lại lấy nước, ý nói công dụng
đầy khắp, dày dặn. Tốn là thuận theo lẽ phải mà chế ngự đức.
3
Lí, hòa nhi chí; Khiêm, tôn nhi quang; Phục, tiểu nhi biện ư
vật; Hằng, tạp nhi bất yếm; Tổn, tiên nan nhi hậu dị; Ích, trưởng dụ nhi bất
thiết; Khốn, cùng nhi thông; Tỉnh, cư kì sở nhi thiên; Tốn, xứng nhi ẩn.
履,和而至;謙,尊而光;复,小而辨於物;恆,雜而不厭;損,先難而後易;益,長裕而不設;困,窮而通;井,居其所而遷;巽,稱而隱 。
Dịch: Lí, thì
ôn hòa mà (đạo nghĩa) tới cực điểm; Khiêm (tự hạ) thì lại được tôn trọng mà vẻ
vang; Phục tuy nhỏ (vì một hào dương ở dưới 5 hào âm) nhưng việc gì cũng biện
biệt được (vì dương là ánh sáng, âm là bóng tối, một dương 5 âm như một ngọn
đèn trong phòng tối); Hằng thì ở thời phức tạp mà giữ được đức, chứ không chán;
Tổn (bớt tư dục) thì mới đầu tuy khó sau (thành thói quen) hóa dễ; Ích (là
thêm) thì nảy nở thêm (một cách tự nhiên mà không tốn công sắp đặt), Khốn thì
thân tuy cùng mà đạo vẫn thông, nhờ đó hết cùng thì sẽ thông. Tỉnh thì tuy ở
một nơi mà ơn nhuận lưu hành khắp (như nước giếng); Tốn thì xứng hợp với mọi
hoàn cảnh mà không để lộ tài đức ra.
4
Lí dĩ hòa hạnh; Khiêm dĩ chế lễ; Phục dĩ tự tri; Hằng dĩ nhất
đức; Tổn dĩ viễn hại, Ích dĩ hưng lợi; Khốn dĩ quả oán; Tỉnh dĩ biện nghĩa; Tốn
dĩ hành quyền.
履以和行;謙以製禮;復以自知;恆以一德;損以遠害;益以興利;困以寡怨;井以辯義;巽以行權。
Dịch: (Dùng) quẻ Lí để điều hòa tính của mình; quẻ Khiêm để
điều chế điều lễ, quẻ Phục để làm (chữ tri [知] ở đây có nghĩa là làm chủ) mình; quẻ Hằng để cho đức của
mình được thuần nhất; quẻ Tốn để tránh xa mọi cái hại; quẻ Ích để hứng khởi mọi
cái lợi; quẻ Khốn để khi hoạn nạn ít phải oán hận; quẻ Tỉnh để biện minh điều
nghĩa, quẻ Tốn để biết quyền biến.
Chương VIII
1
Dịch chi vi thư dã bất khả viễn.
Vi đạo dã lũ thiên,
Biến động bất cư,
Chu lưu lục hư,
Thượng hạ vô thường,
Cương nhu tương dịch
Bất khả vi điển yếu,
Duy biến sở thích.
易之為書也不可遠。
為道也屢遷,
變動不居,
周流六虛,
上下無常,
剛柔相易,
不可為典要,
唯變所適。
Dịch:
Sách dịch không thể quên (1)
Đạo Dịch thường
biến thiên,
Biến động không
ngừng,
Xoay quanh sáu
cõi (2)
Thăng giáng
không nhất định (3)
Cương nhu
(dương âm) thay nhau
Không dùng làm
khuôn mẫu bất dịch được (4)
Có biến hóa mới
thích hợp.
Chú thích: Tiết này có âm tiết, có vần gần như thơ, đại ý bảo Dịch là Biến Dịch.
Không thể quên hay không thể rời được vì Dịch là sách hướng dẫn ta trong mọi việc hằng ngày. Có người hiểu là Dịch không xa rời âm dương được, vì căn bản của Dịch là âm dương.
Lục hư ở đây có thể hiểu là 6 hào trong mỗi quẻ.
Vì “dương” thăng mà cương có khi giáng; âm giáng cũng có khi thăng.
Điểm yếu là khuôn mẫu bất dịch cho
mọi việc mọi thời được.
2
Kì xuất nhập dĩ độ,
Nội ngoại sử tri cụ.
其出入以度,
外內使知懼。
Dịch: (Dịch) ra vào có chừng mực.
(Việc) trong (việc) ngoài, (Dịch) khuyên ta phải thận trọng.
Chú thích: Tiết này tối nghĩa, e sót chữ hay lầm. Phan Bội Châu không
dịch.
3
Hựu minh ư ưu hoạn dữ cố,
Vô hữu sư bảo,
Như lâm phụ mẫu.
又明於憂患與故,
無有師保,
如臨父母。
Dịch: (Dịch)
lại làm cho (ta) rõ sự lo lắng và nguyện ước.
(Cho nên) ta tuy không có thầy
mà như được cha
mẹ săn sóc (vì có Kinh Dịch).
Chú thích: Tiết này Phan Bội Châu cũng bỏ.
4
Sơ suất kì từ nhi quĩ kì phương.
Kí hữu điển thường,
Cẩu phi kì nhân,
Đạo bất hư hành.
初率其辭而揆其方,
既有典常,
苟非其人,
道不虛行。
Dịch:
Mới đầu do lời
(Thoán Từ, Hào Từ) mà đắn đo ý nghĩa, Khi thấy qui tắc rồi,
nhưng nếu không
phải là người (sáng suốt)
thì cũng không thi hành đạo (dịch) được.
Chú thích: Hai câu cuối có thể hiểu là:
Nhưng nếu không
có người (sáng suốt) thì đạo (Dịch) không thể sáng tỏ được.
Chương IX
(Chương này Phan Bội Châu bỏ trọn)
1
Dịch chi vị thư dã, nguyên thủy yếu chung dĩ vi chất dã. Lục
hào tương tạp, duy kì thời vật dã.
易之為書也,原始要終以為質也。六爻相雜,唯其時物也。
Dịch: Trong
Kinh Dịch mỗi quẻ bắt đầu từ hào sơ, kết thúc ở hào thượng, đó là đủ thẻ của
quẻ. Sáu hào là sáu thành phần của quẻ, xen lẫn nhau, chỉ cho biết ý nghĩa tùy
từng thời thôi.
Chú thích: Nghĩa là khi xét ý nghĩa của quẻ thì phải xem toàn thể sáu
hào; khi xét mỗi hào thì chỉ biết sự biến chuyển vào một thời nào đó thôi.
2
Kì sơ nan tri, kì thượng dị tri, bản mạt dã. Sơ từ nghĩ chi, tốt thành chi chung.
其初難知,其上易知,本末也。初辭擬之,卒成之終。
Dịch: Ý nghĩa
hào sơ khó biết, ý nghĩa hào thượng dễ biết, vì hào sơ trỏ lúc đầu (chưa biết
sự việc biến chuyển ra sao), hào thượng trỏ lúc cuối (lúc mãn cuộc, mọi biến
chuyển đã biết rõ rồi). Lời đoán hào sơ là lời đắn đo tính toán; kết quả tốt
cuối mới biết.
3
Nhược phù tạp vật soạn đức, biện thị dữ phi, tắc phi kì
trung hào bất bị.
若夫雜物撰德,辨是與非,則非其中爻不備。
Dịch: Còn như
muốn biết việc làm và tính cách của mỗi sự việc, phân biệt phải trái, thì phải
xét (bốn) hào ở giữa mới đủ được.
4
Y, diệc yêu (1) tồn vong cát hung, tắc cư khả tri hĩ. Trí
giả quan kì Thoán Từ, tắc tự quá bán hĩ.
噫,亦要存亡吉凶,則居可知矣。知者觀其彖辭,則思過半矣。
Dịch: Ôi, muốn
biết (1) về sự mất còn, tốt xấu có thể dễ dàng (2) biết được. Kẻ sáng suốt
(trí) xem lời Thoán Từ (lời đoán toàn quẻ) thì nghĩ ra được quá nửa rồi.
Chú thích:
Chữ yêu [要] ở đây R. Wilhelm đọc là yếu, nghĩa là quan trọng, và dịch: cái điều quan trọng nhất về mất còn, tốt xấu.
chữ cư 居 này chúng tôi
đoán nghĩa như vậy, không biết đúng không.
5
Nhị dữ tứ đồng công nhi dị vị, kì thiện bất đồng. Nhị đa dự,
tứ đa cụ, cận dã. Nhu chi vi đạo, bất lợi viễn giả, kì yếu vô cữu, kì dụng nhu
trung dã.
二與四同功而異位,其善不同。二多譽,四多懼,近也。柔之為道,不利遠者,其要無咎,其用柔中也。
Dịch: Hào 2 và
hào 4 cùng “công” (cùng ở vị trí ngẫu – chẵn – tức 2 và 4) mà khác bậc (cao
thấp khác nhau: 2 ở dưới, 4 ở trên) cái hay do đó cũng khác nhau. Hào 2 được
nhiều tiếng khen, hào 4 thì nhiều sợ hãi (vì hào 4 ở gần hào 5 là gần vua). Một
hào nhu (nghĩa là ở vị trí ngẫu) mà ở xa (1) thì không lợi, nhưng điều quan
trọng là khỏi bị lỗi, mà (hào 2) được lợi là nhu thuận mà đắc trung (2) (do đó
không bị lỗi).
Chú thích:
Ở xa hào 5, xa vua.
Trong mỗi quẻ, hào 2 ở giữa nội quái
và hào 5 ở giữa ngoại quái, gọi là đắc trung, tốt. Coi phần I, chương IV.
6
Tam dữ ngũ đồng công nhi dị vị, tam đa hung, ngũ đa công, quí tiện chi đẳng dã. Kì nhu nguy, kì cương thăng (1) da?
三與五同功而異位,三多兇,五多功,貴賤之等也。其柔危,其剛勝邪?
Dịch: Hào 3 và
hào 5 cùng “công” (công ở vị trí cơ – lẻ – tức 3 và 5) mà khác bậc (3 ở thấp, 5
ở cao). Hào 3 gặp nhiều cái xấu, hào 5 làm được nhiều việc lớn, là do sang hèn
khác nhau. Ở vị trí cơ, nhu nhược thì nguy, cương cường mới kham được chăng?
Chú thích: R. Wilhelm và J. Legge đều đọc là thắng và dịch là thắng.
Theo Chu Hi thì phải đọc là thăng.
Chương X
1
Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị: hữu thiên đạo yên, hữu
nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố lục. Lục giả, phi
tha dã, tam tài chi đạo dã.
易之為書也,廣大悉備:有天道焉,有人道焉,有地道焉,兼三才而兩之,故六。
六者,非它也,三才之道也。
Dịch: Sách Dịch
bao la (rộng lớn) gồm đủ cả: có đạo trời; có đạo người, có đạo đất, gồm cả ba
ngôi (tam tài là trời, người, đất) mà nhân hai lên, cho nên thành ra sáu hào.
Sáu hào không có gì khác là đạo của ba ngôi.
Chú thích: Mỗi đơn quái có ba hào trỏ ba ngôi: hào trên cao là trời,
hào giữa là người, hào dưới là đất.
Một trùng quái gồm nội quái và ngoại quái, tức hai đơn quái,
cho nên nói là “nhân hai lên thành sáu hào”.
Nhưng xét trọn trùng quái thì có khi người ta cho hào 5, 6
là trời, hào 3, 4 là người, hào 1, 2 là đất.
2
Đạo hữu biến động, cố viết hào. Hào hữu đẳng, cố viết vật.
Vật tương hạp, cố viết văn. Văn bất đáng, cố cát hung sinh yên.
道有變動,故曰爻。爻有等,故曰物。物相雜,故曰文。文不當,故吉凶生焉。
Dịch: Đạo có
thay đổi biến động, nên sáu vạch trong quẻ gọi là hào. Hào có bậc (cao thấp)
trong quẻ, cho nên nó tượng trưng sự vật. Sự vật (cương nhu) xen nhau, cho nên
có những đặc tính của mỗi hào. Đặc tính của mỗi hào có khi không thích hợp với
vị trí của nó, cho nên mới sinh ra tốt xấu.
Chú thích: Tiết này rất tối nghĩa (Phan Bội Châu chỉ dịch mỗi câu
đầu), mỗi người hiểu một khác. Chu Hi không giảng thế nào là “văn”. Chúng tôi
miễn cưỡng dịch. Có lẽ bỏ, không dịch 3 câu sau như Phan Bội Châu thì hơn.
Chữ hào [爻] có nghĩa là (âm dương) giao nhau, sinh biến động.
Chương XI
1
Tiết độc nhất.
Dịch chi hưng dã, kì đương Ân chi mạt thế, Chu chi thịnh đức
da? Ðương Văn Vương dữ Trụ chi sự da? Thị cố kì từ nguy. Nguy giả sử bình, dị
giả sử khuynh, kì đạo thậm đại, bách vật bất phế. Cụ dĩ chung thủy, kì yêu vô
cữu, thủ chi vị Dịch chi đạo dã?
易之興也,其當殷之末世,週之盛德邪?當文王與紂之事耶?是故其辭危。危者使平,易者使傾,其道甚大,百物不廢。懼以終始,其要無咎,此之謂易之道也?
Dịch: Đạo Dịch hưng thịnh lên (1) vào cuối đời nhà Ân, lúc
đức nhà Chu đang thịnh ư? Vào lúc vua Văn Vương có chuyện với Trụ đấy ư? (2)[128]. Vì vậy mà Thoán Từ
(của Văn Vương) có giọng nguy sợ. Hễ có lòng nguy sợ thì (tìm cách) khiến cho
nguy thành yên; mà (ngược lại) hễ có lòng khinh dị (coi thường) thì tự gây cho
mình sự sụp đổ. (Đạo trời như vậy mà) đạo Dịch (cũng vậy) thật to lớn, không bỏ
một vật nào không xét tới. (Biết) lo sự (thận trọng) từ đầu tới cuối là để
không mắc lỗi, như vậy là đạo Dịch chăng?
Chú thích:
Tác giả chương này dùng chữ “hưng”
có lẽ là ngầm bảo rằng dịch đã có từ trước (đời Phục Hi), đến đời Văn Vương mới
thịnh lên.
Ám chỉ vụ Văn Vương bị Trụ giam
trong ngục Dữu Lí.
Chú thích Chương XI
[128].
Số (2) này do tôi thêm vào. (Goldfish).
Chương XII
1
Phù Càn, thiên hạ chi chí kiện dã, đức hạnh hằng dị, dĩ tri
hiểm. Phù Khôn, thiên hạ chi chí thuận dã, đức hạnh hằng giản, dĩ tri trở.
夫乾,天下之至健也,德行恆易,以知險。夫坤,天下之至順也,德行恆簡,以知阻。
Dịch: Đạo Càn
mạnh nhất trong thiên hạ, đức (đặc tính) của nó là làm việc gì cũng dễ dàng,
bình dị, mà biết được chốn nguy hiểm. Ðạo Khôn nhu thuận nhất trong thiên hạ,
đức của nó là đơn giản, mà biết được sự trở ngại.
Chú thích: So sánh tiết này với tiết 6 Chương 1 thiên Thượng.
2
Năng duyệt chư tâm, năng nghiên chư hầu chi (1) lự, định
thiên hạ chi cát hung, thành thiên hạ chi vỉ vỉ giả [129].
能說諸心,能研諸侯之慮,定天下之吉凶,成天下之亹亹者。
Dịch: (Thánh
nhân) biết vui trong lòng và tìm tòi trong ý nghĩ (cho nên) định được cát hung
trong thiên hạ, và làm được những việc gắng gỏi trong thiên hạ.
Chú thích: (1) Hai chữ “hầu chi” này dư, chắc là chép lầm. Phan Bội
Châu bỏ tiết này và hai tiết sau.
3
Thị cố biến hóa vân vi, cát sự hữu tường, tượng sự tri khí,
chiêm sự tri lai.
是故變化雲為,吉事有祥,象事知器,佔事知來。
Dịch: (Biết)
biến hóa trong lời nói (1) và việc làm (biết) vì tốt có điềm lành, xem hình
tượng mà biết cách chế đồ dùng, xem bói mà biết được tương lai.
Chú thích: (1) R. Wilhelm cơ hồ bỏ chữ “vân”, dịch là: Biến hóa đưa
tới việc làm. J. Leggen dịch khác
hẳn: trong các biến hóa, lời nói và việc làm, sự việc gì tốt
đều có điềm lành.
Chúng tôi dịch theo lời giảng của Chu Hi: “Biến hóa trong
lời nói và việc làm, cho nên do việc xem hình tượng mà biết cách chế đồ dùng;
việc tốt có điềm lành, cho nên xem bói mà biết được tương lai”. Về việc xem
hình tượng mà chế đồ dùng, xem lại Chương 2, thiên Hệ Từ Hạ truyện này.
4
Thiên địa thiết vị, thánh nhân thành năng, nhân mưu quỉ mưu,
bách tính dự năng.
天地設位,聖人成能,人謀鬼謀,百姓與能。
Dịch: Trời đất
đặt ngôi rồi, thánh nhân hoàn thành khả năng của mình (Kinh Dịch) nhờ vậy mà
trăm họ được dự vào những lời khuyên (mưu tính) của người và của quỉ thần.
Chú thích: Tiết này tối nghĩa, mỗi nhà hiểu một khác. Chúng tôi châm
chước Chu Hi và J. Legge.
5
Bát quái dĩ tượng cáo, hào thoán dĩ tình ngôn. Cương nhu tạp
cư nhi cát hung khả kiến hĩ.
八卦以像告,爻彖以情言。剛柔雜居而吉凶可見矣。
Dịch: Bát quái
lấy “tượng” mà bảo, những lời đặt ở sau các hào và các quẻ tùy hoàn cảnh, sự
việc (tình) mà chỉ cho ta (1). Cứng mềm (các hào dương âm) lẫn lộn với nhau, do
đó mà biết được cát hung.
Chú thích: (1) Câu này có nghĩa là: thời thượng cổ, người ta chỉ xem
hình tượng mỗi quẻ mà biết được tốt xấu; tới đời sau Văn Vương, Chu Công mới
đặt Thoán Từ, Hào Từ để giảng cho rõ.
6
Biến động dĩ lợi ngôn, cát hung dĩ tình thiên. Thị cố ái ố
tương công nhi cát hung sinh, viễn cận tương thủ nhi hối lận sinh, tình ngụy
tương cảm nhi lợi hại sinh. Phàm Dịch chi tình, cận nhi bất tương đắc tắc hung,
hoặc hại chi, hối thả lận.
變動以利言,吉凶以情遷。是故愛惡相攻而吉凶生,遠近相取而悔吝生,情偽相感而利害生。凡易之情,近而不相得則兇,或害之,悔且吝。
Dịch: (Tiết này
Chu Hi không giảng gì cả. Có hai cách hiểu, tôi dịch cả ra dưới đây).
Phan Bội Châu – Quái, hào, lấy lợi
mà nói gì thì phải có biến động (vì có biến mới thông, có thông mới lợi), cát
hung tùy ở tình người mà thiên chuyển (tĩnh mà thiện thì cát, ác thì hung). Cho
nên yêu ghét, hai tình đó xung đột nhau mà sinh ra cát, hung (xung đột, phía
nào phải thì được, là cát); xa gần xâu xé nhau mà sinh ra hối tiếc, chân thật,
giả dối đối đãi với nhau mà sinh ra lợi hay hại.
Tóm lại, cái tình tả trong Dịch là gần nhau mà không tương
đắc nhau thì hung, hoặc mắc tổn hại, hối và tiếc. (Phan Bội Châu không dịch,
chỉ giảng rất dài, non ba trang, chúng tôi tóm tắt lại như trên).
b) (R. Wilhelm và J. Legge hiểu đại khái như nhau. Chúng tôi
lựa bản dịch của Wilhelm).
“Biến và động
được xét theo các lợi (mà chúng mang lại). Cát và hung thay đổi tùy theo điều
kiện (conditions). Cho nên yêu và ghét xung đột nhau mà cát hung từ đó sinh ra
(1). Xa và gần làm hại nhau mà hối và tiếc từ đó sinh ra. Chân và ngụy ảnh
hưởng lẫn nhau mà lợi hại từ đó sinh ra. Mọi hoàn cảnh trong Kinh Dịch tóm lại
như sau: khi sự vật gần nhau mà không hòa hợp với nhau thì hung: sinh ra hại,
hối và xấu hổ!”
(1) Wilhelm giảng: “tùy theo các hào thu hút hay xô đẩy nhau
mà cát hung sinh ra”.
Vậy Phan Bội Châu cho tiết này nói về tình người, R. Wilhelm
và J. Legge hiểu là sự hòa hợp hay xung khắc của các hào, có thể gọi là “tình”
của các hào.
Hai cách hiểu đó đều chấp nhận được. Phan Bội Châu thiên về
đạo lí. R.Wilhelm và J. Legge chỉ xét sự tương quan của các hào. Có thể bảo hai
nhà sau dịch sát còn Phan Bội Châu giảng và áp dụng vào xử thế.
7
Tương phản giả, kì từ tàm; trung tâm nghi giả, kì từ chi.
Cát nhân chi từ quả; táo nhân chi từ đa. Vu thiện chi nhân, kì từ du; thất kì
thủ giả, kì từ khuất.
將叛者,其辭慚;中心疑者,其辭枝。吉人之辭寡;躁人之辭多。誣善之人,其辭遊;失其守者,其辭屈。
Dịch: Người nào
sắp làm phản thì lời nói có ý thẹn; người nào trong lòng nghi ngờ thì lời nói
nước đôi
(1). Người tốt
thì ít lời, người nóng nảy thì nhiều lời. Người giả dối (giả nhân nghĩa) thì
lời nói không thực
(2), người
không giữ vững chí thì lời nói quanh co.
Chú thích:
Chi có nghĩa là cành; có người dịch là chia nhánh, hoặc tán loạn.
Du [游] Từ Hải giảng là trôi nổi, hư phù,
không thực, có người dịch là bông lông, hoặc vòng vo. (Chương cuối này tóm tắt
và kết luận về ích lợi của Kinh Dịch).
Chú thích Chương XII
[129]. Giả:
sách in là dã, tôi sửa lại thành giả vì các bản chữ Hán mạng không có bản
nào chép là dã 也 cả. (Goldfish).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét