Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 15 - Hạ Toàn Lã Chu Chung Ly truyện

 


Thuyền tam bản trên sông Trường Giang, đoạn chảy qua Khiếu Đình

NGÔ THƯ QUYỂN 15 - Hạ Toàn Lã Chu Chung Ly truyện

Hạ Tề, Toàn Tông, Lã Đại, Chu Phường, Chung Ly Mục

 

LÃ ĐẠI TRUYỆN

 

Lã Đại tự Định Công, người quận Quảng Lăng huyện Hải Lăng, Đại làm huyện lại trong quận, tránh loạn đến huyện Nam Độ. Tôn Quyền thống quản công việc, Đại đến thẳng mạc phủ(1), được cho ra giữ chức Thừa ở huyện Ngô. Quyền đích thân phá kho tàng và nhà ngục, các trưởng lại huyện thừa đều đến gặp, Đại theo phép tắc đến hỏi, rất đúng ý Quyền, nên được triệu đến tạm nhận chức Lục sự, sau cho ra ngoài bổ nhiệm làm trưởng huyện Dư Diêu, Đại chiêu mộ được hơn nghìn quân tinh nhuệ. Bọn giặc là Lã Cáp, Tần Lang ở năm huyện Đông Dã, quận Cối Kê làm loạn, Quyền dùng Đại làm Đốc quân Hiệu úy, cùng bọn tướng quân Tưởng Khâm đem binh đánh dẹp, sau bắt được bọn Cáp, Lang, năm huyện bình định, Đại được bái làm Chiêu tín trung lang tướng.

 

Ngô thư chép: Năm Kiến An thứ mười sáu, Đại đốc xuất bọn lang tướng là Doãn Dị, đem hai nghìn binh sĩ sang phía tây dụ tên giặc ở Hán Trung là Trương Lỗ đến thành Hán Hưng, Lỗ nghi ngờ là đường đi bị cắt đứt, việc toan tính không thành, Quyền bèn triệu Đại trở về.

 

Năm Kiến An thứ hai mươi, Đại thống lĩnh bọn Tôn Mậu gồm mười tướng quân theo đi lấy ba quận ở Trường Sa. Các huyện lại ở bốn huyện An Thành, Du, Vĩnh Tân, Trà Lăng cùng vào thành Âm Sơn, tập hợp binh chúng chống cự Đại, Đại vây đánh, chúng mau chóng ra hàng, ba quận yên định ngay. Quyền lưu Đại lại trấn thủ Trường Sa. Trưởng huyện An Thành là Ngô Nãng cùng bọn Trung lang tướng Viên Long lần lượt theo Quan Vũ, lại quay lại làm phản gây loạn. Nãng chiếm cứ huyện Du, Long ở huyện Lễ Lăng. Quyền phái Hoành Giang tướng quân là Lỗ Túc đánh huyện Du, Nãng phá vây trốn chạy. Đại đánh huyện Lễ Lăng, sau cầm tù và chém đầu Long, Đại được thăng làm Thái thú Lư Lăng.

 

Năm Diên Khang nguyên niên, Đại lên thay Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu. Lúc đến châu, tên đầu lĩnh của giặc ở Cao Lương là Tiền Bác xin hàng, Đại nhân đó thừa chế, lấy Bác làm Cao Lương tây bộ Đô úy. Lại có giặc người Di ở Uất Lâm tấn công vây quận huyện, Đại đánh dẹp phá chúng. Bấy giờ có tên giặc là Vương Kim ở huyện Trinh Dương quận Quế Dương tụ hợp quân chúng trên địa giới quận Nam Hải, cầm đầu quân phản loạn gây hại, Quyền lại chiếu lệnh cho Đại đánh dẹp bọn ấy, bắt sống được Kim, giải đến kinh đô, chém đầu, còn bắt sống cả thảy hơn vạn một người. Đại được thăng làm An Nam tướng quân, ban cho Giả tiết, phong tước Đô Hương hầu.

 

Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp chết, Quyền dùng con của Tiếp là Huy làm An Viễn tướng quân, lĩnh chức Thái thú Cửu Chân, lấy Hiệu úy Trần Thì lên thay Tiếp. Đại dâng biểu xin chia ba quận ở Hải Nam lập ra Giao Châu, lấy Tướng quân Đái Lương làm Thứ sử, chia bốn quận ở Hải Đông làm Quảng Châu, Đại tự mình làm Thứ sử. Rồi phái Lương và Thì vào phương nam, nhưng Huy không vâng lệnh, dấy binh đóng ở cửa biển để chống cự bọn Lương. Đại vì thế dâng sớ xin đánh dẹp Huy trị tội, đốc suất ba nghìn quân đêm ngày vượt biển. Có người bảo Đại rằng: "Huy mượn cái ân mấy đời, được người một châu phục tùng, không dễ mà xem thường". Đại nói: "Nay Huy dẫu mang lòng toan tính phản nghịch, nhưng chưa liệu được là quân sĩ của ta kéo đến, nếu ta ngầm đem khinh quân đến, đánh chỗ không phòng bị, việc phá chúng tất xong vậy. Trì hoãn mà không làm mau chóng, khiến cho giặc sinh lòng ngờ, sẽ vây quanh thành cố thủ, trăm họ người Man ở bảy quận, tụ họp nhau hưởng ứng, dù có là bậc trí giả, ai có thể giết hết được bọn chúng?" Rồi đi, qua Hợp Phố, cùng với bọn Lương đều tiến lên. Huy nghe tin Đại đến, quả nhiên kinh hãi cuống cuồng, không biết chạy đâu, bèn thống suất sáu người anh em cởi trần trùng trục ra nghênh đón Đại. Đại chém hết bọn họ đưa đầu về kinh đô. Đại tướng của Huy là bọn Cam Lễ, Hoàn Trị thống suất quan dân tấn công Đại, Đại gắng sức đánh đại phá chúng, bởi có công Đại được tấn phong tước Phiên ngu hầu. Vì thế giữ chức ở Quảng Châu, sau lại làm Thứ sử Giao Châu như cũ.

 

Đại đã bình định được Giao Châu, lại tiến lên đánh dẹp quận Cửu Chân, chém và bắt sống mấy vạn người. Lại phái quan Tòng sự xuôi nam tuyên bố phong hóa của nhà nước, truyền đến các bậc Vương của các nước Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh ở ngoài biên, bọn họ đều phái sứ giả dâng cống vật. Quyền khen ngợi công lao ấy, bái Đại làm Trấn Nam tướng quân.

 

Năm Hoàng Long tam niên, vì đất phương nam yên định thanh bình, triều đình triệu Đại về đóng ở Âu Khẩu quận Trường Sa.

 

Giao Quảng ký của Vương Ẩn chép: Nước Ngô sau khi đặt lại Quảng Châu, dùng người ở nam Dương là Đằng Tu làm Thứ sử. Có người nói với Tu là có con Hà Tu dài một trượng, Tu không tin, về sau người ấy có việc đến Đông Hải, lấy được một con Hà Tu dài bốn trượng bốn thước, gói lại mang về bảo với Tu, Tu mới chịu phục người ấy.

 

Gặp lúc người Man người Di ở Vũ Lăng khuấy động, Đại và Thái thường là Phan Tuấn cùng đến đánh dẹp yên. Năm Gia Hòa thứ ba, Quyền ra lệnh cho Đại đốc xuất binh sĩ của Phan Chương, đóng ở Lục Khẩu, sau dời đến Bồ Kỳ. Năm thứ tư, giặc ở Lư Lăng là Lý Hoàn, giặc ở Lô Hợp và huyện Đông Dã quận Cối Kê là Tùy Xuân, giặc ở Nam Hải là bọn La Lệ nhất thời cùng nổi dậy. Quyền lại hạ chiếu cho Đại đốc suất bọn Lưu Toản, Đường Tư phân chia bộ hạ đánh dẹp, Xuân lập tức ra hàng, Đại bái Xuân làm Thiên tướng quân, sai lĩnh binh ấy, sau Xuân làm Liệt tướng, bọn Hoàn, Lệ đều bị chém đầu, đưa thủ cấp tới kinh đô. Quyền hạ chiếu cho Đại nói: “Lệ cậy chỗ hiểm gây loạn, tự đưa mình đến chỗ bị bêu đầu; Hoàn hung ác gian giảo phản phúc, đã hàng rồi lại làm phản. Ta trước sau thảo phạt, nhiều năm không bắt được, chẳng phải là ngươi có tài mưu lược, thì ai có thể bêu đầu chúng? Cái khí tiết trung vũ của ngươi, vì thế càng sáng rõ. Kẻ ác đầu sỏ đã bị trừ, lớn nhỏ rung động mất hồn phách, những kẻ đồng loại nhỏ nhặt của chúng, bị quét sạch như đám bụi. Từ nay về sau, quốc gia mãi mãi không phải lo lắng trông về phương nam, ba quận yên bình phẳng lặng, không còn cảnh tượng sợ hãi kinh hoàng, kẻ ác dân phải làm việc để cung cấp thuế khoá, ngươi đáng được trọng dụng và khen ngợi. Việc khen thưởng chẳng để qua một tháng, đó là phép thường của quốc gia, chế độ ấy là thích hợp, ngươi hãy tuân theo quốc điển."

 

Phan Tuấn chết, Đại thay Tuấn kiêm quản việc văn thư ở Kinh Châu(2), cùng với Lục Tốn đều ở Vũ Xương, cho nên vẫn đốc trách ở Bồ Kỳ. Không lâu sau đó, Liêu Thức gây loạn, vây đánh thành ấp, các quận Linh Lăng, Thương Ngô, Uất Lâm dao động không yên, Đại tự dâng biểu rồi đi ngay, sao đêm còn sáng trên đường. Quyền phái sứ giả đuổi theo bái Đại làm Giao Châu mục, đồng thời phái chư tướng là bọn Đường Tư cưỡi ngựa trạm đi theo không dứt, đánh dẹp một năm thì phá được, chém Thức rồi sai phái mấy người ở đó vờ đặt bọn Phí Dương làm Thái thú Lâm Hạ, thâu gồm bè đảng của chúng, các quận huyện bình được cả, Đại lại quay về Vũ Xương. Năm ấy Đại tuổi đã tám mươi, nhưng thể chất vẫn tỉnh táo cần mẫn, hết mình vì vương ngiệp. Phấn uy tướng quân Trương Thừa gửi thư cho Đại nói: "Xưa kia Đán, Thích(3) cùng giúp đỡ nhà Chu, làm ra khúc ca Nhị Nam, nay thì có túc hạ và Lục Tử(4) vậy. Vì lẽ trung cần thì cùng tiến lên, có công lao thì cùng khiêm nhượng, công việc thì quyền biến mà thành, thay đổi thì hợp đạo lý, bậc quân tử ngợi khen cái đức ấy, kẻ tiểu nhân vui thích sự cao đẹp ấy. Thêm nữa là ngài có việc văn thư khó nhọc, tân khách suốt ngày, nghỉ ngơi chẳng quên công việc, nhọc nhằn chẳng nói là mỏi mệt. Lại biết nhảy múa trên lưng ngựa, chẳng cần kẹp chân mà bước xuống nhẹ nhàng, như thế túc hạ đã hơn Liêm Pha(5) rồi vậy. Ngài làm việc gì cũng quyết đoán. Theo Chu Dịch nói, về lễ thì cung kính, về đức thì là thịnh, túc hạ sao lại có được hết những điều cao đẹp như thế vậy!" Lục Tốn chết, Gia Cát Khác lên thay Tốn, Quyền bèn chia Vũ Xương làm hai bộ, Đại làm Đốc hữu bộ, từ Vũ Xương Thượng đến Bồ Kỳ. Lại thăng Đại lên chức Thượng Đại tướng quân, bái con của Đại là Khải làm Phó quân Hiệu uý, làm Giám binh ở Bồ Kỳ, Tôn Lượng lên tức vị, bái Đại làm Đại tư mã.

 

Đại đem thân thanh bạch phụng sự việc công, địa phương kể lại. Khi trước Đại ở Giao Châu, nhiều năm không đem tiền lương về nhà, vợ con đói rét. Quyền nghe nói than thở, liền trách quần thần rằng: "Lã Đại đem thân ra nơi vạn dặm, vì quốc gia chuyên cần vơi công việc, gia môn ở trong khốn khó, mà Cô không biết sớm. Các ngươi là bầy tôi tai mắt của ta, họ đưa lời trách móc thì ta sao được yên?" Vì thế ban cho tiền bạc, gạo, vải vóc, lụa là, mỗi năm theo hạn định.

 

Ban đầu, người thân cận với Đại ở Ngô quận là Từ Nguyên, khảng khái mà có tài năng và chí khí, Đại biết người ấy có thể thành đạt, đem tặng cho mũ áo, cùng nhau bàn luận, sau liền tiến cử đề bạt lên, làm quan đến chức Ngự sử. Nguyên bản tính trung tráng, ưa nói thẳng, Đại thì nói năng có cân nhắc được mất, Nguyên liền can ngăn, lại công khai bàn về việc ấy, có người đem kể với Đại, Đại than rằng: "Ta sở dĩ quý mến Đức Uyên là điều ấy vậy." Lúc Nguyên chết, Đại khóc lóc rất bi ai, nói: "Đức Uyên, Lã Đại này có một người bạn, nay bất hạnh, Đại làm sao còn nghe được lỗi lầm của mình nữa đây?" Kẻ bàn bạc khen lời ấy.
Năm Thái Bình nguyên niên, năm chín mươi sáu tuổi Đại chết, con Đại là Khải nối tự. Đại có di lệnh khi chôn cất mình dùng áo quan mộc, đội khăn thưa mặc áo cộc, theo đúng phép tống táng, mọi việc đơn giản tiết kiệm, Khải đều vâng mệnh theo lời.

 

Chú thích:

 

(1) Mạc phủ là nơi màn trướng của tướng quân.

(2) Kinh Châu là đất chiến thủ, tiếp giáp với Ngô và Thục, trông coi việc văn thư ở đó tức là trực tiếp thực thi các vấn đề đại sự của quốc gia liên quan đến lân bang, một việc rất hệ trọng, có ảnh hưởng lớn. Có thể thấy rằng Đại nắm giữ chức vụ cực kỳ quan trọng.

(3) Là Chu Công Đán và Thiệu Công Thích, hai đại thần phò tá giúp Chu Thành Vương dẹp nội loạn, yên định vương nghiệp.

(4) Là Lục Tốn?

(5) Liêm Pha là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, tám mươi tuổi vẫn lên ngựa ra trận, quân nước Tần kinh sợ.

 

 

CHUNG LY MỤC TRUYỆN

 

Chung Ly Mục tự Tử Cán, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê, là cháu đời thứ bảy của Lỗ Tướng là Ý (1) thời nhà Hán vậy.

 

Cối Kê điển lục chép: Cha Mục là Tự, làm Lâu thuyền Đô úy, anh là Nhân, làm Thượng kế lại, lúc trẻ cùng nổi tiếng với người cùng quận là Tạ Tán, người quận Ngô là Cố Đàm. Thủa trẻ nhỏ Mục gọi là Trì Nột, Nhân thường bảo mọi người rằng: "Mục tất hơn ta, không nên coi thường". Người thời ấy đều cho là không đúng.

 

Thủa trẻ đến ở huyện Vĩnh Hưng, tự thân khẩn ruộng, trồng lúa hơn hai mươi mẫu. Lúc chín, có người dân trong huyện biết được điều ấy, Mục nói: "Vốn là ruộng hoang, cho nên mở mang thôi". Rồi đem lúa cho người trong huyện. Huyện trưởng nghe tin, gọi người dân ấy đến bắt vào ngục, muốn dùng hình phạt, Mục xin tha cho người đó, huyện trưởng nói: "Ông học theo Thặng Cung, tự làm việc nghĩa,

 

Tục Hán thư chép: Cung tự Thiếu Tử, người quận Lang Nha, từng trồng trọt lúa tắc ở trong núi Mông Âm, lúc chín, mọi người đến biết được. Cung liền trao cho mọi người rồi bỏ đi, đó đó mà nổi danh, làm đến Tả trung lang tướng, Thị trung.

 

Ta là kẻ chăn dân, (2) phải dùng pháp trị kẻ dưới, sao có thể bỏ phép công mà theo ý ông được"? Mục nói: "Chỗ ấy là ranh giới của quận, mong ngài chú ý, nên tạm đến đấy xem qua. Nay nếu vì một ít lúa mà giết người dân của huyện ấy, làm sao yên lòng"? Rồi trả đồ dùng, quay về huyện Sơn Âm, huyện trưởng tự đến can ngăn, lại cởi trói cho người dân ấy. Người dân ấy hổ thẹn, đem sáu mươi hộc gạo mà vợ con mình đã giã mà trả cho Mục, Mục đóng cửa không nhận. Người dân ấy chở đến để ở bên đường, chẳng ai dám lấy. Do đó Mục nổi tiếng.

 

Từ Chúng (3) bình rằng: "Mục làm theo phép tắc cao thượng. Có người hỏi rằng: 'Như điều mà Mục làm, bị người ta xâm phạm mà chẳng vướng bận, lại tha mà giúp người ta, mình đúng mà chẳng thu lấy lúa, lại nữa người ta trả lúa về mà chẳng nhận, đấy chẳng phải gọi là nhân nhượng hay sao'? Đáp rằng: 'Lạ thay điều mà mà ta nghe biết! Nguyên Hiến (4) đến hỏi với Khổng Tử rằng: 'Người không làm điều gọi là ưa thắng, kiêu căng, oán giận, tham muốn, có thể coi là người có lòng nhân không'? Khổng Tử nói: 'Làm được như thế thì khó lắm, lòng nhân thì ta không thấy vậy. Ghét người không có lòng nhân, cốt ở tự mình làm điều nhân mà thôi'. Nay người dân kia không làm được bốn điều kia, lại cho rằng là lúa của mình, thế là rất không có lòng nhân vậy. Vậy mà Mục trao lúa cho người ấy, lại cứu tội của người ấy, thế là nhún nhường chẳng đúng chỗ, cứu chẳng đúng người, đấy không phải là ghét người không có lòng nhân vậy. Nếu không ghét người không có lòng nhân thì làm sao mà làm điều nhân đây! Thương Ngô Kiêu (5) cưới vợ xinh đẹp, nhường cho anh mình; Vĩ Sinh (6) giữ tín, nước dâng tràn nhưng không chạy mà chết; Trực Cung (7) thẳng thắn, tố cha trộm dê, Thân Minh (8) vâng lệnh, dốc hết lòng trung với vua mà bắt cha mình. Trung, tín , thẳng thắn, nhún nhường là bốn đức hạnh, là điều mà bậc thánh hiền quý trọng vậy. Nhưng không quý trọng cái nhún nhường của Thương Ngô Kiêu, vì đấy không phải là cái đạo nhún nhường vậy; không chọn cái tín của Vĩ Sinh, vì không phải là đạo tín vậy; không theo cái thẳn thắn của Trực Cung, vì không phải là cái gốc của đức thẳng thắn vậy; không khen lòng trung của Thân Minh, vì đấy không phải là lòng trung thật vậy. Nay Mục bị xâm phạm mà chẳng vướng bận, người ta trả về mà chẳng lấy, có thể cho là nạn vậy, chưa thể là nhân nhượng vậy. Thánh nhân lấy đức báo đức, lấy thẳng thắn báo oán, mà Mục muốn lấy đức báo oán, là sai vậy. Nếu bất đắc dĩ phải chọn ai trong hai người thì ta theo Khổng Tử".

 

Năm Xích Ô thứ năm, từ chức Lang trung được bái làm Phụ nghĩa Đô úy giúp Thái tử, chuyển làm Nam Hải Thái thú.

 

Cối Kê điển lục chép: Tướng giặc ở huyện Cao Lương là bọn Nhưng Nỗ cướp phá trăm họ, tàn hại quan dân, Mục qua quận đánh dẹp, trong một tuần đều hàng phục. Lại có tướng giặc ở huyện Yết Dương là bọn Tăng Hội có mấy nghìn người, trải hơn mười năm, triều đình phong tước Hầu tặng nghìn tấm gấm lụa, gửi thư chiêu dụ, nhưng chống lại không theo. Mục sai người vỗ về, bèn đều cúi đầu, tự đổi làm dân lành. Thủy Hưng Thái thú Dương Đạo gửi thư cho Thái thường Đằng Dận rằng: "Chung Li Tử Cán là người quen biết của ta ngày xưa, nay được gặp hắn ở quận Nam Hải, ân uy trùm quân sĩ, trí dũng nổi rõ, lại có tiết tháo trong sạch, có phong thái của người xưa". Người này được quý trọng như thế. Ở tại quận được bốn năm, vì bệnh mà bỏ chức.

 

Chuyển làm Thặng tướng Trưởng sử, lại chuyển làm Tư trực, rồi chuyển làm Trung thư lệnh. Gặp lúc người miền núi ở ba quận Kiến An, Bà Dương, Tân Đô làm loạn, cho Mục ra làm Giám quân sứ giả, đánh dẹp chúng. Tướng giặc là bọn Hoàng Loạn, Thường Cụ đưa quân bản bộ ra hàng, đem vào quân ngũ. Phong làm Tần Đình Hầu, bái Việt kị Đô úy.

Năm Vĩnh An thứ sáu, nước Thục bị nhà Ngụy chiếm, người rợ ở vùng Ngũ Khê liền kề với nước Thục, bấy giờ bàn luận sợ rằng họ phản loạn, bèn lấy Mục làm Bình Ngụy Tướng quân, lĩnh chức Vũ Lăng Thái thú, đến tại quận. Nhà Ngụy sai quan Trưởng của huyện Hán Tiết là Quách Thuần đến thử giữ chức Vũ Lăng Thái thú, đem dân ở huyện Phù Lăng vào huyện Thiên Lăng của đất Thục, đóng đồn ở Xích Sa, chiêu dụ tù trưởng của người rợ, có kẻ nổi dậy theo Thuần, lại đến đánh huyện Dậu Dương, người trong quận sợ hãi. Mục hỏi quan lại ở triều đình rằng: "Tây Thục nghiêng lật, biên giới bị lấn, nên làm gì để chống lại"? Đều đáp nói: "Nay hai huyện có núi hiểm, người rợ lại đem quân ngăn chặn, không nên đem quân đến làm kinh động, nếu kinh động thì người rợ tất liên kết với nhau. Nên để dần dần yên lặng, rồi sai quan lại đến dùng ân tín mà vỗ về". Mục nói: "Không được. Bờ cõi bị vào lấn, dụ dỗ người dân, nên nhân lúc gốc rễ của địch chưa cắm sâu mà đến nhổ đi, đấy là việc dập lửa cốt ở nhanh gấp vậy". Bèn hạ lệnh quan quân ở ngoài nghiêm ngặt, bọn quan lại bàn luận chống lại lời của Mục đều phải theo phép quân. Phủ Di Tướng quân Cao Thượng khuyên Mục rằng: "Ngày xưa Phan Thái thường (9) lĩnh được năm vạn quân rồi mới đến đánh người rợ ở Ngũ Khê vậy. Bấy giờ liên hòa với họ Lưu, (10)người rợ theo giáo hóa, nhưng ngày nay không có cái giúp của các việc ngày xưa ấy, vả lại Quách Thuần đã chiếm Thiên Lăng, vậy mà phủ quân đem ba nghìn quân vào sâu, Thượng này chưa thấy được lợi vậy". Mục nói: "Việc làm khác thường, cần gì theo phép xưa"? Liền đem quân bản bộ ngày đêm lên đường, men núi hiểm mà đi, trải dài hai nghìn dặm, theo đường trên biên ải, chém hơn trăm đầu cừ súy của dân ác mang lòng khác và mấy nghìn phe đảng của chúng, bọn Thuần tan chạy, vùng Ngũ Khê được bình. Chuyển làm Công An Đốc, Dương vũ Tướng quân, phong Đô Hương hầu, lại chuyển làm Nhu Tu Đốc.

 

Cối Kê điển lục chép: Mục ở tại Nhu Tu, ngầm mưu kế tiến đánh có thể được, nhưng không dám bày tỏ kế của mình, dự yến với quan Thị trung Đông Quán Lệnh là Chu Dục, cảm khái than thở. Dục cho là Mục hận vì kế mình không được làm, nhân đó bảo Mục rằng: "Các quan lại ở triều đình ngày nay chỉ ngồi giữ chức cao, mà không ai có công sánh được với quân hầu, quân hầu lại không chịu ở dưới người ta, cho nên kẻ dòm ngó vẫn lấy làm buồn rầu, huống chi là đình hầu"! Mục cười mà đáp rằng: "Lời mà ông nói, chưa hợp ý ta vậy. Mã Viện (11) có nói: 'Người ta nên lập công nhiều và nhận thưởng ít'. Huống chi ta lập công không đủ để ghi chép mà lại được ban sủng quá mức, há cho là giận? Nhà nước không ai biết ý ta, ta lại thấy người ở triều đình bị hại, cho nên im ỉm không dám bày kế. Nếu triều đình không thế thì ta sẽ bày kế đến đánh để báo đền cái ân mà ta từng chịu nhận, không chỉ là tự giữ chức mà thôi. Ta than buồn là do ấy vậy". Dục lại nói: "Nhà nước biết đến quân hầu, nếu dùng cái tài của quân hầu thì không việc gì không thành. Kẻ ngu này sẽ tự bày kể tấm lòng của quân hầu". Mục nói: "Vũ An Quân (12) bảo Tần Vương (13) rằng: 'Lập nghiệp không khó, tìm được người hiền mới khó; tìm được người hiền không khó, dùng người hiền mới khó; dùng người hiền không khó, tin dùng người hiền mới khó'. Vũ An Quân muốn giúp Tần Vương chiếm cả sáu nước, nhưng sợ trao việc mà không được tin dùng, cho nên nói ra lời ấy trước. Tần Vương đã hứa theo mà lại không tin dùng, rút cuộc làm lỡ cái nghiệp sắp thành, ban kiếm tự sát ở ấp Đỗ Bưu. Ngày nay dẫu nhà nước biết ta nhưng không bằng Tần Vương biết dùng Vũ An Quân, mà kẻ muốn hại ta lại còn hơn cả Phạm Thư. (14) Vào thời Đại Hoàng Đế, (15) Lục Thặng tướng (16) đánh quận Bà Dương, đem hai nghìn quân trao cho ta, Phan Thái thường đánh quận Vũ Lăng, ta lại được lĩnh ba nghìn quân, vậy mà ngày nay triều đình bàn luận vứt ta ở đây, sai các tướng ở vùng bờ sông không được phát binh giúp nhau. Ta chịu ân nhà nước mà giúp đỡ, vậy mà ngày làm việc bình thường. Nếu ta không xét nghĩ đến cái việc nên làm thời nay mà có ý dâng kế, lúc ấy nếu được trao việc thì thế quân cũng chẳng đủ, rút cuộc sẽ có cái hại thua vỡ, lúc ấy há không việc gì không thành sao"?

 

Lại bái làm Tiền Tướng quân, ban Giả tiết, lĩnh chức Vũ Lăng Thái thú. Chết ở sở quan. Nhà không có của thừa, quan dân nhớ ân. Con là Y nối tự, thay lĩnh quân.

 

Cối Kê điển lục chép: Con thứ của Mục là Thịnh, cũng có đức khiêm nhường, làm Thượng thư lang. Em là Tuân làm tướng lĩnh quân, bái Thiên tướng quân, giữ Tây Lăng, bàn luận hình thế địa lí với Giám quân sứ giả Đường Thịnh, bảo là các huyện Nghi Thành, Tín Lăng liền kề huyện Kiến Bình, nếu không đắp thành ở đấy trước thì quân định tất vào trước. Thịnh lấy bọn Thi Tích, Lưu Bình là tướng giỏi mưu lược, thường tuần tra ở đấy, có người nói là không nên đắp thành ở đấy, không theo kế của Tuân. Nửa năm sau, quả nhiên quân Tấn sai tướng đến đắp thành ở Tín Lăng. Quân Tấn bình Ngô, Tuân lĩnh quân thủy, vào đánh chết trong trận.

 

Chú thích

(1) Lỗ Tướng là Ý: chỉ Chung Li Ý (钟离意) tự Tử A, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê., vào thời Minh Đế của nhà Hán ra làm Lỗ Tướng.

(2) Kẻ chăn dân: thời xưa xem quan lại ở địa phương là cha mẹ của dân, dân như con đỏ, cần phải dẫn dắt, do đó gọi quan lại là 'kẻ chăn dân' vậy.

(3) Từ Chúng: Từ Chúng (徐众), còn có tên là Từ Huề (徐觽), người thời nhà Tấn, viết lời bình sách Tam quốc chí.

(4) Nguyên Hiến: Nguyên Hiến () tự Tử Tư, người nước Lỗ thời Xuân thu, là học trò của Khổng Tử.

(5) Thương Ngô Kiêu: theo sách Hoài Nam Tử (淮南子) thời Tây Hán chép có người là Thương Ngô Kiêu (苍梧绕), người thời Đông Hán là Cao Dụ () chú thích rằng: "Thương Ngô Kiêu là người cùng thời với Khổng Tử, lấy vợ đẹp lại nhường cho anh của mình".

(6) Vĩ Sinh: theo sách Trang Tử (庄子) thời Chiến quốc chép: "Có người là Vĩ Sinh (尾生) hẹn với con gái ở dưới cầu, con gái không đến, nước sông tràn lên mà không bỏ đi, ôm cột cầu mà chết".

(7) Trực Cung: theo sách Lữ thị Xuân thu (吕氏春秋) thời Tần chép: "Có người nước Sở là Trực Cung (直躬), cha mình trộm dê thì báo lên quan lại, quan lại bắt giữ muốn giết đi. Trực Cung xin chết thay cha. Lúc sắp giết, bảo với quan lại rằng: 'Cha trộm dê mà con báo lên quan, cũng chẳng phải là người có tín sao? Cha bị giết mà thay cha, cũng chẳng phải là người có hiếu sao? Người có tín và hiếu mà lại bị giết, nước này sắp có kẻ không bị giết chăng'? Vua Sở nghe tin, bèn không giết. Khổng Tử nghe tin ấy, nói: 'Lạ thay Trực Cung làm điều tín kia, người cha lại cũng được cái tiếng ấy'. Do đó cái tín của Trực Cung chẳng bằng không có tín".

(8) Thân Minh: theo sách Thuyết uyển (说苑) thời Tây Hán chép: "Có kẻ sĩ là Thân Minh () ở nhà mà nuôi dưỡng cha, có hiếu nổi tiếng ở nước Sở, nhà vua muốn bái làm Tướng quốc, Thân Minh từ chối không nhận, người cha nói: 'Nhà vua muốn cho mi làm Tướng quốc, sao mi không nhận vậy'? Thân Minh đáp nói: 'Bỏ làm người con có hiếu của người cha để làm tôi trung của nhà vua, được sao'? Người cha nói: 'Nếu lập công ở nước, lập nghĩa ở nhà, mi vui thì ta chẳng buồn vậy. Ta muốn mi làm Tước quốc'. Thân Minh nói: 'Dạ'. Bèn vào triều đình, vua Sở cho làm Tướng quốc. Được ba năm, Bạch Công làm loạn, giết Tư mã Tử Kì, Thân Minh muốn đến liều chết cùng, người cha ngăn lại nói: 'Bỏ cha mà chết, như thế được sao'? Thân Minh nói: 'Nghe nói người làm quan đem thân trao cho vua mà đem lộc trao cho người thân. Nay đã bỏ cha mà thờ vua, há không chết vì nạn ấy sao'? Rồi từ tạ mà đi, nhân đó đem quân vây Bạch Công. Bạch Công bảo Thạch Khất nói: 'Thân Minh là dũng sĩ trong thiên hạ, nay đem quân vây ta, ta biết làm sao đây'? Thạch Khất nói: 'Thân Minh là là người con có hiếu của trong thiên hạ, nay nên đến bắt cha hắn làm con tin, Thân Minh nghe tin tất đi đến, nhân đó mà khuyên dụ hắn". Bạch Công nói: 'Hay'. Liền đến bắt người cha, cầm lấy mà chống Thân Minh, báo cho Thân Minh rằng: 'Ngài với ta, ta với ngài đều thờ nước Sở; nếu ngài không giúp ta thì cha ngài tất chết thôi'. Thân Minh khóc lóc mà đáp rằng: 'Lúc trước ta là người con có hiếu của cha, ngày nay ta là tôi trung của vua. Ta nghe nói rằng ăn lộc của người nào thì chết vì người đó, đã nhận lộc của của vua phải dốc hết tài sức; nay ta đã không còn là người con có hiếu của cha nữa, mà là tôi trung của vua vậy. Ta làm gì để trọn vẹn'! Rồi cầm khiên gõ trống, đến giết Bạch Công, người cha cũng chết. Nhà vua thưởng cho nghìn cân vàng, Thân Minh nói: 'Ăn lộc của vua mà tránh nạn của vua, thế là không phải tôi trung vậy. Dựng lại nước của vua mà lại giết cha của mình, thế là không phải là người con có hiếu vậy. Hai tiếng ấy không cùng lập, làm không thể trọn cả hai. Nếu mà sống trên đời thì còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa'! Bèn tự sát".

(9) Phan Thái thường: chỉ Phan Tuấn (潘濬) tự Thặng Minh, thời Tôn Quyền làm quan Thái thường.
(10) Họ Lưu: chỉ cha con Lưu Bị, Lưu Thiện của đất Thục.

(11) Mã Viện: Mã Viện (马援) tự Văn Uyên, người huyện Mậu Lăng quận Phù Phong, thời vua Quang Vũ nhà Đông Hán đánh quận Giao Chỉ trở về, phong Tân Tức Hầu, thực ấp ba nghìn hộ, nhưng tự cho là lập công ít mà được thưởng nhiều.

(12) Vũ An Quân: chỉ Bạch Khởi (白起), người huyện Mi nước Tần thời Chiến quốc, thời Chiêu Vương của nước Tần được dùng làm tướng, đánh hãm các thành Yên, Dĩnh của nước Sở, được phong làm Vũ An Quân.

(13) Tần Vương: chỉ Chiêu Vương của nước Tần.

(14) Phạm Thư: Phạm Thư (范睢), người ấp Đại Lương của nước Ngụy, trốn sang nước Tần, được Chiêu Vương của nước Tần tin dùng làm Tướng quốc, giỏi ăn nói lí lẽ. Sau khi Bạch Khởi phá quân Triệu ở trậnTrường Bình, muốn nhân đó mà đánh đến thành Hàm Đan của nước Triệu, nhưng Phạm Thư xui Chiêu Vương sai Bạch Khởi rút quân, bỏ lỡ thời cơ phá nước Triệu. Do đó Bạch Khởi hiềm khích với Phạm Thư. Phạm Thư lại gièm Bạch Khởi khiến cho Chiêu Vương ban kiếm cho Bạch Khởi phải tự sát.

(15) Đại Hoàng Đế: chỉ Tôn Quyền, được người Ngô tôn làm Đại Hoàng Đế.

(16) Lục Thặng tướng: chỉ Lục Tốn (陆逊) tự Bá Ngôn, thời Tôn Quyền làm Thặng tướng.

 

 

HẠ TỀ TRUYỆN

 

Hạ Tề tự Công Miêu, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê.

 

Tấn thư của Ngu Dự chép: Họ Hạ vốn là họ Khánh. Bác ruột của Tề là Thuần, học đạo Nho có tiếng tăm, vào thời An Đế của nhà Hán làm Thị trung, Giang Hạ Thái thú, bỏ quan với người quận Giang Hạ là Hoàng Quỳnh, người quận Hán Trung là Dương Hậu cùng ngôi xe vua gọi. Tránh tên húy cha của An Đế là Hiếu Đức Hoàng Đế, đổi sang họ Hạ. Cha Tề là Phụ, làm Vĩnh Ninh Trưởng.

 

Thủa trẻ làm quan trong quận, giữ chức Diệm Trưởng. Có viên quan trong huyện là Tư Tòng càn rỡ làm việc ác, Tề muốn bắt trị tội hắn, quan Chủ bạ can ngăn rằng: "Tòng là con nhà họ lớn trong huyện, lại được người Sơn Việt theo phục, nếu ngày nay bắt hắn, ngày sau giặc cướp tất đến". Tề nghe xong thì cả giận, liền đứng dậy đi chém Tòng. Phe đảng của Tòng bèn tụ họp với nhau, có đến hơn nghìn người, đem quân đánh huyện. Tề đem quan dân mở cửa thành ra đánh, đại phá bọn chúng, rúng động cả vùng người Sơn Việt. Sau đó dân các huyện Thái Mạt, Phong Phố làm phản, chuyển làm Thái Mạt Trưởng, giết kẻ ác, giúp người tốt, một tháng thì bình xong.

Năm Kiến An thứ nhất, Tôn Sách đến quận, (1) xét Tề trúng Hiếu liêm. Bấy giờ Vương Lang trốn đến ở Đông Dã, Hầu Quan Trưởng là Thương Thăng giúp Lang dấy binh. Sách sai Vĩnh Ninh Trưởng là Hàn Yến lĩnh chức Nam bộ Đô úy, (2) đem quân đánh Thăng, lấy Tề làm Vĩnh Ninh Trưởng. Yến bị Thăng đánh thua, Tề lại thay Yến làm việc quan Đô úy. Thăng sợ oai danh của Tề, sai sứ đến thề ước, Tề nhân đó khuyên dụ, kể rõ họa phúc, Thăng bèn trao nạp ấn thao, ra trại xin hàng. Tướng giặc là bọn Trương Nhã, Chiêm Cương không muốn hàng theo Thăng hàng, cùng nhau giết Thăng, Nhã xưng là Vô thượng Tướng quân, Cường xưng là Cối Kê Thái thú. Giặc mạnh mà quân mình ít, chưa đủ để đánh, Tề dừng quân nghỉ ngơi. Nhã cùng con rể là Hà Hùng tranh thế mạnh hai bên, Tề sai người Sơn Việt nhân đó mà giao kết với họ, dẫn đến nghi ngờ, đem quân đánh nhau. Tề lại đến đánh, một trận phá được Nhã, quân của Cường sợ hãi, dắt nhau ra hàng.

Đã bình huyện Hầu Quan, rồi các huyện Kiến An, Hán Hưng, Nam Bình lại phản, Tề đem quân đến Kiến An, lập phủ Đô úy, năm đó là năm thứ tám vậy. Quận phát năm nghìn quân của các huyện, đều sai các quan huyện trưởng lĩnh lấy, đều chịu sự trông coi của Tề. Năm người bọn giặc là Hồng Minh, Hồng Tiến, Uyển Ngự, Ngô Miễn, Hoa Đương đều lĩnh vạn hộ, đóng đồn liền tiếp ở huyện Hán Hưng, đem năm, sáu nghìn hộ ở huyện Ngô đóng đồn riêng ở huyện Đại Trạch, đem sáu nghìn hộ ở huyện Trâu Lâm đóng đồn riêng ở huyện Cái Trúc, lại cùng đến huyện Dư Can, Đọc âm là 'can'. đem quân đánh huyện Hán Hưng, qua huyện Dư Can. Tề cho rằng quân giặc ít, vào sâu mà không nối tiếp, sợ bị đánh chặn, do đó sai Tùng Dương Trưởng là Đinh Phiên ở lại giữ huyện Dư Can. Phiên vốn ở bên thành của Tề, lấy làm thẹn vì bị gọi vào đội ngũ, từ chối không chịu ở lại. Tề bèn chém Phiên, do đó trong quân run sợ, không ai không vâng mệnh. Rồi chia quân ở lại giữ, đến đánh bọn Minh, liên tiếp phá được bọn chúng. Chém được Minh ở trong trận, Miễn, Đương, Tiến, Ngự đều ra hàng. Sang đánh huyện Cái Trúc, đem quân hướng đến huyện Đại Trạch, tướng giặc ở đấy ra hàng. Cả thảy đánh dẹp chém sáu nghìn đầu, tướng giặc bị bắt cả, lại lập ra huyện ấp, thu nạp được vạn quân, bái làm Bình đông Hiệu úy. Năm thứ mười, sang đánh huyện Thượng Nghiêu, chia huyện ấy lập ra huyện Kiến Bình.

 

Năm thứ mười ba, chuyển làm Uy vũ Trung lang tướng, đánh các huyện Y, Thiệp của quận Đan Dương. Bấy giờ, người bốn ấp Vũ Cường, Diệp Hương, Đông Dương, Phong Phố hàng trước, Tề dâng biểu xin lấy ấp Diệp Hương lập thành huyện Thủy Tân. Nhưng tướng giặc ở huyện Thiệp là Kim Kì đem vạn hộ đóng đồn ở núi Vạn Lặc, Mao Cam đem vạn hộ đóng đồn ở núi Ô Liêu, tướng giặc ở huyện Y là bọn Trần Bộc, Tổ Sơn đem hai vạn hộ đóng đồn ở núi Lâm Lịch. Núi Lâm Lịch bốn bề vách đá dựng đứng, cao đến mấy chục trượng, đường hẹp ngăn trở, không vừa đao khiên, giặc lên chỗ cao ném đá xuống, do đó không đánh lên được. Đóng quân nhiều ngày, quan tướng lo lắng. Tề tự đi xung quanh, xem xét địa hình, ngầm kén chọn quân khỏe mạnh, tạo ra lưỡi câu sắt, ém nấp ở chỗ hiểm mà quân giặc không phòng bị, lấy lưỡi câu móc mà men theo đường, buổi đêm ngầm sai trèo lên, lại bày treo nhiều dây xuống dưới, do đó đem mấy trăm người trèo lên được, bốn bề bủa vây, lại cùng đánh trống thổi tù và, Tề lĩnh quân đợi giặc. Giặc buổi đêm nghe tiếng trống bốn bề, bảo nhau là đại quân đã lên được hết, sợ hãi rối loạn, không biết làm gì, những kẻ giữ chỗ hiểm đều chạy về dựa vào quân mình. Đại quân nhân đó trèo lên trên, đại phá bọn Bộc, bọn còn lại đều hàng phục, cả thảy chém bảy nghìn đầu.

 

Bão Phác Tử chép: Ngày xưa vua Ngô sai Hạ Tướng quân đánh giặc trên núi, bọn giặc có vật chỗng đỡ tốt, hễ lúc giao tranh, đao kiếm của quan quân không đâm chém được, cung nỏ tên đạn đều bị bật trở lại, do đó thường không được lợi. Hạ Tướng quân suy nghĩ hồi lâu, rồi nói: "Ta nghe nói mũi đao sắt cứng vẫn ngăn được, rắn có nọc độc vẫn chống được. Nếu không phải là vật có mũi nhọn, không phải là rắn có nọc độc thì không ngăn được. Địch ngăn được vũ khí của quân ta, chắc không thể ngăn được vũ khí không có mũi nhọn vậy". Bèn làm nhiều cây gậy màu trắng cứng chắc, chọn năm nghìn quân khỏe mạnh trèo lên trước, đều nắm chặt gậy. Giặc trên núi cậy vào vật ngăn chống tốt kia mà không lo phòng bị. Do đó quan quân cầm gậy trắng mà đánh đập, vật ngăn chống kia quả nhiên không còn đỡ được, giặc bị đánh giết đến vạn người.

 

Tề lại dâng biểu xin chia huyện Thiệp lập ra các huyện Tân Định, Lê Dương, Hưu Dương, gồm cả huyện Y, huyện Thiệp, cả thảy là sáu huyện, (3) Quyền bèn chia đặt thành quận Tân Đô, lấy Tề làm Thái thú, lập phủ ở huyện Thủy Tân, bái thêm chức Thiên tướng quân.

 

Năm thứ mười sáu, dân ở huyện Dư Hàng quận Ngô là Lang Trĩ hợp phe đảng nổi dậy, có đến mấy nghìn người, Tề lại ra đánh, liền chém được Trĩ, dâng biểu xin chia huyện Dư Hàng lập ra huyện Lâm Thủy.

 

Ngô lục chép: Nhà Tấn đổi tên thành huyện Lâm An.

 

Ra lệnh về sở quan, lúc đang về quận, Quyền ra đón ở đường, bày voi tấu nhạc.

 

Ngô thư chép: Quyền bảo Tề rằng: "Ngày nay định yên thiên hạ, đóng đô ở Trung Quốc, khiến cho phương xa dâng vật quý, thú dữ cũng thần phục, không phải do ông thì ai đây"? Tề đáp rằng: "Điện hạ trổ oai thần vũ đúng kì, mở mang nghiệp Vương, thần chỉ là may mắn gặp thời, được rong ruổi dưới gió bụi, giúp đỡ việc chưa làm, dùng sức của ưng chó, đấy là mong muốn của thần vậy. Như phương xa dâng cống, thú dữ thần phục, là do ở đức thánh, không phải do cái tài của thần vậy".

 

Ban cỗ xe dùng đôi ngựa khỏe cho Tề, rời chỗ ngồi đến bên xe, sai Tề lên xe. Tề từ chối không dám lên, Quyền sai tả hữu đỡ Tề lên xe, sai dẫn quan quân lính kị như lễ nghi ở quận. Quyền đứng từ xa mà cười rằng: "Mọi người nên gắng sức, nếu không làm việc góp công thì không được như thế". Đi mấy trăm bước rồi quay lại.

Năm thứ mười tám, dân phía đông quận Dự Chương là bọn Bành Tài, Lí Ngọc, Vương Mai nổi dậy làm loạn, có đến mấy vạn người. Tề đến đánh dẹp chúng, giết kẻ đứng đầu, bọn còn lại đều hàng phục. Chọn kẻ khỏe mạnh vào làm lính, còn lại cho vào sổ hộ. Chuyển làm Phấn vũ Tướng quân.


Năm thứ hai mươi, theo Quyền đi đánh quận Hợp Phì. Bấy giờ quân trong thành ra đánh, Từ Thịnh bị thương làm rơi cây mâu. Tề xua quân đánh chặn, lấy được cây mâu mà Thịnh làm rơi.

 

Giang Biểu truyện chép: Quyền đánh quận Hợp Phì rút về, bị Trương Liêu đánh úp ở phía bắc bờ sông, suýt bị giết chết. Bấy giờ Tề đem ba nghìn quân ở tại bờ nam đón Quyền. Quyền đã vào thuyền lớn, họp các tướng ăn yến, Tề quỳ xuống chiếu khóc lóc mà nói: "Vua là bậc chí tôn, nên thường cẩn thận. Gặp việc ngày nay, suýt bị vỡ lở, bầy tôi sợ hãi như không còn thấy trời đất nữa. Mong lấy đó làm gương cả đời". Quyền đến trước mặt mà lau nước mắt của Tề, nói: "Thẹn thay! Ta kính ghi nhớ trong lòng, không chỉ chép vào các sách mà thôi".

 

Năm thứ hai mươi mốt, dân ở quận Bà Dương là Vưu Đột nhận ấn thao của Tào Công, dụ dân làm giặc, dân các huyện Lăng Dương, huyện Thủy An, huyện Kinh đều ứng theo với Đột. Tề cùng Lục Tốn đánh phá Đột, chém mấy nghìn đầu, bọn còn lại sợ phục, ba huyện của quận Đan Dương đều bình, thu được tám nghìn quân tinh nhuệ. Bái làm An đông Tướng quân, phong Sơn Âm Hầu, ra giữ ở miền trên sông Giang, trông coi miền Phù Châu lên đến huyện Hoản.

Đầu năm Hoàng Sơ, nhà Ngụy sai Tào Hưu đến đánh, Tề vì đường xa mà đến sau, nhân đó đóng quân ở Tân Thị mà ngăn chống. Gặp lúc các quân ở Động Khẩu gặp gió giật mà rơi xuống nước chìm đắm, chết đuối rất nhiều, tướng sĩ biến sắc, cậy vào việc Tề chưa qua sông, quân khỏe vẫn còn, do đó các tướng được nhờ vào thế của Tề.

Tính Tề hoa lệ, ưa làm việc quân, các đồ binh khí rất là đẹp đẽ, thuyền mà mình ngồi có khắc vẽ hoa văn màu đỏ, che lọng màu xanh, trùm màn gấm, các đồ can qua mâu kích đều vẽ hình đẹp, cung nỏ tên đạn đều làm bằng gỗ tốt, trùm bít các đồ lên trên đầu thuyền, nhìn từ xa như quả núi. Bọn Hưu e ngại, bèn dẫn quân về. Chuyển làm Hậu tướng quân, ban Giả tiết, lĩnh chức Từ Châu Mục.

Lúc trước, Tấn Tông làm Hí Khẩu Đốc, đem quân phản theo Ngụy, về làm Kì Xuân Thái thú, mưu đánh úp huyện An Lạc, bắt lấy quân dân. Do đó Quyền thẹn giận, nhân lúc mới bãi binh, vào giữa mùa hạ tháng sáu mà ra chỗ không ngờ, hạ chiếu sai Tề đem bọn Mi Phương, Tiên Vu Đan đánh úp quận Kì Xuân, bèn bắt sống được Tông. Sau đó năm thứ tư thì chết, con là Đạt và em là Cảnh đều có tiếng tăm, là tướng giỏi vậy.

 

Cối Kê điển lục chép: Cảnh làm Diệt tặc Hiệu úy, trị quân nghiêm ngặt mà có ân, binh khí sáng loáng, đứng đầu vào thời ấy, nhưng chết sớm. Đạt cũng có khí mạnh, nhưng nhiều lần làm trái, cho nên dẫu đánh dẹp có công mà không được ban chức tước, nhưng khinh tiền trọng nghĩa, tráng liệt hơn người. Con là Chất, làm đến Hổ nha Tướng quân. Con Cảnh là Thiệu, cũng có truyện chép.

 

Chú thích

(1) Tôn Sách đến quận: ý nói Tôn Sách vượt sông sang phía đông chiếm lấy quận Cối Kê.

(2) Nam bộ Đô úy: ý chỉ Cối Kê Nam bộ Đô úy. Quan Đô úy trông coi việc quân của một quận. Bấy giờ quận Cối Kê rộng lớn, nhà Ngô chia thành hai bộ Đông và Nam, mỗi bộ do một quan Đô úy nắm việc quân.

(3) Sáu huyện: tức sáu huyện Thủy Tân, Tân Định, Lê Dương, Hưu Dương, Y, Thiệp, lập thành quận Tân Đô, trị ở huyện Thủy Tân.

 

 

 

TOÀN TÔNG TRUYỆN

 

Toàn Tông tự Tử Hoàng, người huyện Tiền Đường quận Ngô. Cha là Nhu, thời Linh Đế của nhà Hán cử Hiếu liêm, bái làm Thượng thư lang Hữu thặng. Vào thời loạn Đổng Trác, bỏ quan về quê. Châu gọi làm Biệt giá Tòng sự, hạ chiếu đến bái làm Cối Kê Đông bộ Đô úy. Vào thời Tôn Sách đến quận Ngô, Nhu đem quân theo phục trước, Sách cử Nhu làm Đan Dương Đô úy. Tôn Quyền làm Xa kị Tướng quân, lấy Nhu làm Trưởng sử, chuyển làm Quế Dương Thái thú. Nhu từng sai Tông đem mấy nghìn hộc gạo đến quận Ngô, cho được trao đổi. Tông đến, đều chia ra dùng, thuyền rỗng mà về, Nhu cả giận, Tông cúi đầu nói: "Kẻ ngu này cho rằng việc trao đổi không phải là việc cần gấp, mà là kẻ sĩ đang có cái nạn treo ngược, cho nên mới chia ra cấp chẩn, không kịp bẩm báo". Nhu bèn cho là lạ.

 

Từ Chúng bình rằng: "Theo đúng lễ nghĩa thì con thờ cha không cất của riêng, không được tự ý chia của mà cấp chẩn, là để kính trọng người trên vậy. Vậy mà trái lệnh chia của để mong nổi danh, đấy chưa phải là dốc hết cái lễ của con đối với cha vậy". Thần là Tùng Chi cho rằng: Tử Lộ hỏi rằng: "Nghe rồi làm được không"? Khổng Tử đáp rằng: "Có cha anh còn đấy". (1)Tông chia tiền của của cha, thực là không có đạo của người con, nhưng quân sĩ đang treo mạng sống, gặp nạn trong sớm tối, phải cân nhắc nặng nhẹ, cứu người là việc gấp trước, người này cũng như bọn Phùng Noãn mua nghĩa, Cấp Ảm cứu chẩn (2) vậy. Nếu cho rằng Tông làm việc ấy để mong nổi danh thì e rằng là trái với ý thật của Tông.

 

Bấy giờ kẻ sĩ ở Trung Châu tránh loạn về phía nam, có mấy trăm người đến nương nhờ ở nhà Tông, Tông đem tiền trong nhà cứu giúp, cấp cho kẻ không có tiền, do đó nổi danh gần xa. Sau đó Quyền bái làm Phấn uy Hiệu úy, trao cho mấy nghìn quân, sai đi đánh người Sơn Việt. Nhân đó chiêu dụ, thu nạp hơn vạn quân tinh nhuệ, ra đóng đồn ở Ngưu Chử, chuyển làm Thiên tướng quân.

Năm Kiến An thứ hai mươi tư, tướng của Lưu Bị là Quan Vũ vây thành Phàn, Tương Dương, Tông dâng sớ bày kế đánh được Vũ, bấy giờ Quyền đã mưu với Lữ Mông đánh úp Vũ, sợ việc lộ, cho nên giữ kín sớ biểu của Tông mà không đáp. Đến lúc bắt được Vũ, Quyền mở yến uống rượu ở Công An, ngoảnh bảo Tông rằng: "Lúc trước ông bày kể việc ấy, ta không đáp lại, nhưng nay đã thắng, xét thấy cũng có công của ông vậy". Do đó phong Dương Hoa Đình Hầu.

Năm Hoàng Sơ thứ nhất, nhà Ngụy đem quân thuyền ra ở Động Khẩu, Quyền sai Lữ Phạm đem các tướng chống giữ, cái trại ngóng nhau, địch nhiều lần đem thuyền nhẹ đánh cướp, Tông thường mặc giáp cầm kiếm, canh gác không nghỉ. Chốc lát, địch đem mấy nghìn quân vào giữa sông, Tông đánh phá chúng, treo đầu Tướng quân Doãn Lô của địch. Chuyển Tông làm Tuy nam Tướng quân, tiến phong Tiền Đường Hầu. Năm thứ tư, ban Giả tiết, lĩnh chức Cửu Giang Thái thú.

Năm thứ bảy, Quyền đến huyện Hoản, sai Tông cùng Phụ quốc Tướng quân Lục Tốn đánh Tào Hưu, phá Hưu ở Thạch Đình. Bấy giờ dân ở các quận Đan Dương, Ngô, Cối (3) lại làm giặc cướp, đánh diệt ấp huyện, Quyền chia chỗ hiểm của ba quận ấy lập thành Đông An, lấy Tông làm Thái thú.

 

Ngô lục chép: Bấy giờ Tông trị ở Phú Xuân.

 

Đến nơi, nêu rõ thưởng phạt, vỗ về kẻ hàng phục, trong vòng mấy năm, thu được mấy vạn người. Quyền gọi Tông về Ngưu Chử, bỏ quận Đông An.

 

Giang Biểu truyện chép: Tông về, đi qua huyện Tiền Đường, sửa tế phần mộ tổ tiên, trùm trướng che lọng, rạng rỡ thôn ấp, mời gặp người quen cũ trong ấp, anh em họ hàng của Tông đều được ban tặng, có đến hàng nghìn hàng vạn tiền, thôn ấp cho là vinh dự.

 

Năm Hoàng Long thứ nhất, chuyển làm Vệ tướng quân, Tả hộ quân, Từ Châu Mục,

 

Ngô thư chép: Lúc trước, Tông là tướng dũng cảm, dẫu đánh địch gặp nạn nhưng vẫn cố gắng không chịu lùi bước. Đến lúc làm tướng súy, oai danh thêm lừng, hễ lĩnh quân, thường bày kế sách, không mưu cái lợi nhỏ. Giang Biểu truyện chép: Quyền sai con là Đăng đi đánh, đã xuất quân, đến ở huyện An Lạc, bầy tôi chẳng ai dám can ngăn. Tông dâng biểu kín nói: "Xưa nay Thái tử chưa từng đi đánh vậy, theo phép xưa, đi đánh thì gọi là Phủ quân, ở lại thì gọi là Giám quốc. Ngày nay Thái tử ra đánh phía đông là trái với phép xưa vậy. Thần trộm nghĩ mà nghi ngờ". Quyền liền nghe theo, sai Đăng rút quân về, mọi người bàn luận đều cho rằng Tông có khí tiết của bậc đại thần.

lấy công chúa.

 

Năm Gia Hòa thứ hai, lĩnh năm vạn quân bộ kị đánh huyện Lục An, dân huyện Lục An tan chạy, các tướng muốn chia quân đi bắt giữ. Tông nói: "Vào chỗ nguy để mong được lợi thì không được trọn vẹn, đấy không phải là thể diện của nhà nước vậy. Nay chia quân đi bắt dân, được và mặt ngang nhau, há gọi là trọn vẹn sao? Nếu ra bắt được, vẫn không đủ để làm cho địch suy yếu và giúp được nhà nước vậy. Nếu có lầm lỡ thì tổn hại không nhỏ, cùng bắt được và bị tội, lúc ấy Tông thà đem thân gánh lấy, chứ không dám mong lập công ấy để phụ lại nhà nước vậy".

 

Năm Xích Ô thứ chín, chuyển làm Hữu đại Tư mã, Tả quân sư. Là người kính thuận, giỏi ở việc vâng theo phép tắc, chưa từng nói lời xằng tiện. Lúc trước, Quyến muốn vây đánh quận Châu Nhai và Di Châu, đều hỏi Tông trước, Tông nói: "Dựa vào cái oai của triều đình thì đánh đâu mà chẳng thắng được? Nhưng phương xa xứ lạ, cách trở nơi góc biển, thủy thổ độc hại, từ xưa đã có việc quân vào dân đến, tất sinh bệnh tật, lây nhiễm lẫn nhau, người đến sợ chẳng về được, có thu được nhiều lợi đâu? Đem nhiều quân ở bờ sông để mong thu cái lợi của một vùng nhỏ, kẻ ngu này vẫn không yên lòng". Quyền không nghe, đem quân đi hơn một năm, quân sĩ bệnh tật đến tám, chín phần mười, Quyền rất hối tiếc. Sau lại nói đến việc ấy, Tông đáp rằng: "Vào thời ấy, trong bầy tôi có kẻ không can gián, thần cho rằng đấy là không có lòng trung".


Tông đã được coi trọng, con em họ hàng đều được tôn quý, ban cho nghìn vàng, nhưng vẫn khiêm nhường đãi kẻ sĩ, vẻ mặt không kiêu căng. Năm thứ mười hai thì chết. Con là Dịch nối tự, sau đó nối nghiệp lĩnh binh, cứu Gia Cát Đản ở Thọ Xuân, ra thành hàng trước, nhà Ngụy cho làm Bình đông Tướng quân, phong Lâm Tương Hầu. Con của anh Dịch là bọn Y, Nghi, Tĩnh cũng hàng Ngụy, đều làm Quận thú, phong Liệt hầu.

 

Ngô thư chép: Con cả của Tông là Tự, thủa bé được biết tên, vâng lệnh triều đình, trao cho quân, dần dần chuyển làm Dương vũ Tướng quân, Ngưu Chử Đốc. Tôn Lượng lên ngôi, chuyển làm Trấn bắc Tướng quân. Ở trận Đông Quan, Tự cùng Đinh Phụng bàn nghị nên dẫn quân ra trước để phá quân Ngụy, phong một người con làm Đình hầu. Chết vào năm bốn mươi bốn tuổi. Con thứ là Kí, khép tội hùa theo Lỗ Vương là Bá mà ban chết. Con út là Ngô, là cháu ngoại của Tôn Quyền, phong Đô hương hầu.

 

Chú thích

(1) Tử Lộ hỏi rằng: "Nghe rồi làm ngay được không"? Khổng Tử đáp rằng: "Có cha anh còn đấy".: theo sách Luận ngữ (论语) chép: "Tử Lộ hỏi rằng: 'Nghe rồi làm được không'? Khổng Tử đáp nói: 'Có cha anh còn đấy, sao lại nghe rồi là làm ngay được'"! Ý nói có cha anh thì không nên tự ý làm gì đó mà phải hỏi trước rồi làm.

(2) Phùng Noãn mua nghĩa, Cấp Ảm cứu chẩn: Phùng Noãn (冯暖) là một trong những tân khách của Mạnh Thường Quân của nước Tề thời Chiến quốc, Mạnh Thường Quân sai Phùng Noãn đi thu tiền nợ ở ấp Tiết, nhưng Phùng Noãn đến đốt hết giấy ghi nợ rồi về, người dân đều khen ngợi, bảo Mạnh Thường Quân rằng: "Nhà ngài chất đầy vật báu, chó ngựa đầy trong chuồng, gái đẹp đầy phòng. Cái mà nhà ngài ít có là nghĩa mà thôi, ta giúp ngài mua nghĩa vậy". Cấp Ảm (汲黯) là danh thần thời Vũ Đế của nhà Hán, gặp lúc quận Hà Nội bị cháy, vua sai Ảm đến xem, đi qua quận Hà Nam thấy cảnh khô hạn, hơn nghìn nhà nghèo đói, có người ăn thịt nhau, tự ý cầm cờ tiết sai mở kho thóc của quận Hà Nam để cứu chẩn dân nghèo, vua cho là hiền mà tha tội tự ý ra lệnh.

(3) Ngô, Cối: chỉ quận Ngô, quận Cối Kê.

 

 

CHU PHƯỜNG TRUYỆN

 

Chu Phường tự Tử Ngư, người huyện Dương Tiện quận Ngô. Thủa trẻ ham học, cử Hiếu liêm, làm Ninh Quốc Trưởng, dời đến huyện Hoài An. Đại súy (1) ở huyện Tiền Đường là bọn Bành Thức tụ tập làm cướp, lấy Phường làm Tiền Đường Hầu tướng, trong vòng một tháng, chém đầu Thức và phe đảng của hắn, chuyển làm Đan Dương Tây bộ Đô úy. Giữa năm Hoàng Vũ, đại súy ở quận Bà Dương là Bành Ỷ làm loạn, đánh diệt thành ấp, lại lấy Phường làm Bà Dương Thái thú, cùng Hồ Tống gắng sức đánh dẹp, bèn bắt sống Ỷ, chở về Vũ Xương, bái thêm chức Chiêu nghĩa Hiệu úy. Hạ lệnh ngầm tìm các cừ súy họ hàng trong núi được quân bắc nghe biết, sai dụ dỗ Đại tư mã Dương Châu Mục của nhà Ngụy là Tào Hưu. Phường đáp e rằng cừ súy của dân ấy xấu xa không đáng tin dùng, nếu việc tiết lộ thì không dụ được Hưu, xin sai người thân cận mang thư kể bảy điều để dụ Hưu. (2)

 

Báo thư sai làm. Hưu quả nhiên tin Phường, lĩnh mười vạn quân kị bộ, đồ xe nặng đầy đường, đến thẳng huyện Hoản. Phường cũng hợp quân, theo Lục Tốn chặn đánh Hưu, quân của Hưu vỡ lở tan rã, bị bắt chém đến vạn người.

 

Lúc trước, vào lúc Phường lập kế, có quan lại vâng chiếu đến xét hỏi các việc, Phường bèn đến dưới cửa bộ quận, nhân đó cắt tóc xuống để tạ, do đó Hưu nghe tin, không còn nghi ngờ. Việc xong rút quân, Quyền mở hội các tướng vui vẻ dự yến, rót rượu, bảo Phường rằng: "Ông cắt tóc làm tin, lập thành việc lớn của ta, công danh của ông, đáng ghi vào tre lụa". Bái thêm chức Tì tướng quân, ban tước Quan nội hầu.

 

Từ Chúng bình rằng: "Tôi thần lập công giữ tiết, dẫu không phải một đường, nhưng đều có chức phận vậy. Làm tướng cầm can qua thì phải có nghĩa liều chết, giữ chí thì có cái nghĩa làm theo chức vụ, dẫu chết cũng phải đúng việc, nghĩa chẳng vụng về. Phường làm Quận thú, chức tại trị dân, vậy mà không được vua sai mà tự ý dụ địch, cắt xén râu tóc để mong lập công danh. Dẫu việc thành được ban tước nhưng không được quân tử khen hay".

 

Tướng giặc là Đổng Tự cậy vào chỗ hiểm mà cướp bóc, các quận Dự Chương, Lâm Xuyên đều bị hắn gây hại.

 

Thần là Tùng Chi xét: Vào năm Thái Bình thứ hai thời Tôn Lượng mới lập quận Lâm Xuyên, bấy giờ chưa có quận Lâm Xuyên.

 

Ngô Xán, Đường Tư từng đem ba nghìn quân đánh dẹp, nhiều tháng không thắng được. Phường dâng biểu xin rút quân, nên tùy lúc vừa hợp mà làm việc. Phường sai người đi dò xét, trao cho kế sách, dụ kẻ gian giết Tự. Em của Tự sợ hãi, đến Vũ Xương theo hàng Lục Tốn, xin ra ở tại đất bằng, tự đổi làm việc thiện, do đó mấy quận không còn nỗi lo.

 

Phường ở tại quận mười ba năm thì chết. Thưởng thiện phạt ác, ban bố ân uy. Con là Xứ, cũng có tài năng văn võ, giữa năm Thiên Kỉ làm Đông Quán Lệnh, Vô Nạn Đốc.

 

Tấn thư của Ngu Dự chép: Xứ vào nhà Tấn, làm Ngự sử Trung thặng, nhiều lần xét hỏi, không kiêng dè quan lớn. Tề Vạn Niên (3) phản, lấy Xứ làm Kiến uy Tướng quân, đánh phía tây, quân ít không địch được, Xứ khảng khái xông trận, gắng sức không lùi, bèn chết ở trong trận, truy tặng chức Bình tây Tướng quân. Con Xứ là Dương, Trát, đều có tài võ, buổi đầu trung hưng, (4) đều được tin dùng, các con em đều nắm chức cao, làm hào tộc ở Dương Châu, nhưng Trát hung hăng phóng túng, bị trăm họ ghét. Giữa năm Thái Ninh, Vương Đôn (5) giết Trát, diệt cả họ.

 

Bình rằng: Người Sơn Việt hay làm loạn, dễ động khó yên, cho nên Tôn Quyền không vội đánh nước ngoài, phải nhún nhường nhà Ngụy. Các tôi thần kia đều dẹp nạn trong nước, đúng là người vỗ yên đất nước vậy. Lữ Đại trong sạch làm việc công; Chu Phương nhiều kế gian lạ; Chung Li Mục học theo phép tắc của người cao thượng; Toàn Tông có tài giúp đời, đều được quý trọng ở thời ấy, nhưng không biết xét dạy con em, bị hủy hoại danh tiếng vậy.

Chú thích

(1) Đại súy: đại súy () hay còn gọi là cừ súy () , nghĩa là thủ lĩnh lớn, thường chỉ thủ lĩnh của người rợ miền núi. Bấy giờ chỉ thủ lĩnh của người Sơn Việt.

(2) Phường đáp e rằng cừ súy của dân ấy xấu xa không đáng tin dùng, nếu việc tiết lộ thì không dụ được Hưu, xin sai người thân cận mang thư kể bảy điều để dụ Hưu: sau đoạn văn này có chép thư kể bảy điều gửi cho Tào Hưu và bức thư kín gửi về cho Tôn Quyền nhưng người dịch tạm bỏ qua không dịch.

(3) Tề Vạn Niên: Tề Vạn Niên (齐万年) là thủ lĩnh của người Đê ở Ung Châu thời Tây Tấn.

(4) Buổi đầu trung hưng: chỉ thời loạn tám vị Vương, nhà Tấn bị người rợ Hung Nô vào xâm lấn, nhà Tấn phải dời về miền Giang Nam lập nên nhà Đông Tấn.

(5) Vương Đôn: Vương Đôn (王敦), người quận Lang Nha, hành trạng chép trong Tấn thư - Vương Đôn truyện.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét