Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

5. Chương III. CÁC PHÁI DỊCH HỌC TỪ HÁN TỚI NAY

 

Chương III. CÁC PHÁI DỊCH HỌC TỪ HÁN TỚI NAY


 

Vì Dịch học chỉ xây dựng trên 64 quẻ do hai vạch âm, dương chồng lên nhau, đổi chỗ cho nhau ba bốn lần mà thành, cho nên nó có một sức hấp dẫn lạ lùng, ai cũng tò mò muốn biết, mà những người có óc tưởng tượng dồi dào có thể dễ dàng cho mỗi quẻ một ý nghĩa mới, giảng mỗi quẻ theo vũ trụ quan, nhân sinh quan của mình, ý nghĩa đó càng huyền bí thì lại càng có vẻ thâm thúy; do đó mà không một danh Nho nào từ đời Hán đến đời Thanh không tìm hiểu Kinh Dịch, hiệu đính, chú thích và một số đã tạo cho nó một nội dung mới khác xa nội dung thời Văn Vương, Chu Công. Nó gần thành một thứ khoa học biến hóa theo thời đại.

 

Số sách viết về Kinh Dịch trong hơn 2.000 năm nay rất nhiều, không ai đọc hết được; nhưng tài liệu chúng tôi có về các phái Dịch học thì rất ít, chỉ vài chục trang, cho nên chúng tôi chỉ có thể phác dưới đây vài nét chính về lịch sử Dịch học trong mỗi thời đại thôi.


 

Hán


 Ở trên tôi đã nói Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt hết các sách và triết học, văn học, sử học… chỉ cho giữ những sách dạy nghề, mà môn bói thời đó là một nghề được trọng, cho nên Kinh Dịch không bị hủy; một số học giả nhân cơ hội đó nghiên cứu Kinh Dịch lén gài vô các “Truyện” một số tư tưởng của Nho, Lão hoặc của chính họ để giải thích Kinh Dịch. Nhờ vậy mà qua đời Hán, Dịch học rất thịnh.

 

Đại khái có thể chia làm hai phái.

 

     Phái thứ nhất gồm: Phí Trực, Trịnh Huyền, Tuân Sảng, Tiêu Diên Thọ, theo truyền thống của Nho giáo, vẫn coi Dịch là sách bói và luân lí mà phát triển thêm.

     Phái thứ nhì chỉ có Kinh Phòng là trứ danh, lập ra môn học “Tượng số”.

 

Phí Trực sắp đặt lại Kinh Dịch, (như cuối chương trên tôi đã nói) giải thích Dịch theo tư tưởng của Nho gia. Ông truyền cho Mã Dung, Mã Dung lại truyền cho Trịnh Huyền.

 

Trịnh Huyền dùng Thi, Thư, Lễ, Nhạc để giảng Kinh Dịch, cho nên rất chú trọng về học vấn, ông chú giải thích tinh vi, dẫn chứng kĩ lưỡng. Ông còn coi mười hai hào của quẻ Càn và quẻ Khôn là 12 thần tức 12 ngôi sao vào hàng thứ (hành tinh?), muốn dùng Dịch để lập một thuyết về thiên văn học, nhưng sáng kiến đó không có giá trị, ít người theo.

 

Tuân Sảng đưa ra thuyết “Thăng, giáng” bảo “hào 2 của quẻ Càn nên thăng lên hào 5 của quẻ Khôn” v.v… Hào dương của quẻ Càn mà thăng lên ở quẻ Khôn thì gọi là “Vân hành” (mây bay); hào âm của Khôn giáng xuống ở quẻ Càn thì gọi là “Vũ thí” (mưa rơi).

 

Thuyết đó hẹp hòi, cũng không ai theo.

 

Tiêu Diên Thọ có sáng kiến cho mỗi quẻ (trùng quái) biến thành 64 quẻ, như vậy 64×64 được 4.096 quẻ. Tôi không hiểu cách “biến” đó ra sao (lại lấy 64 quẻ chồng lên nhau?). Cách đó cũng không ai theo, vì số quẻ nhiều quá, làm sao đặt tên giải thích cho hết được? Ông còn lấy mỗi hào làm chủ cho một ngày: 64 quẻ có 384 hào, mà mỗi năm chỉ có 365 hay 366, còn lại non 20 hào nữa, ông dùng làm gì, cũng không biết.

 

Chỉ có môn học tượng số của Kinh Phòng là có ảnh hưởng đến đời sau.

 

Môn học đó nhằm giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục. Quan niệm “Tượng” chúng tôi đã giảng trong Chương trên (trang 48-49). Còn về số thì trong Hệ Từ truyện, Thiên thượng, Chương 9 đã nói tới rồi. “Số của Trời là một, của đất là hai, của Trời là ba, của đất là bốn, của trời là năm, của đất là sáu, của trời là bảy, của đất là tám, của trời là chín, của đất là mười”.

 

Như vậy những số lẻ từ một đến chín là số dương, số của trời; những số chẵn từ hai tới mười là số âm, số của đất. Số của trời có năm con: 1, 3, 5, 7, 9, cộng lại là 25. Số của đất cũng có năm con 2, 4, 6, 8, 10 cộng lại là 30. Tác giả chương đó có thể sống vào đầu đời Hán, và Kinh Phòng có thể dựa vào chương đó để lập ra môn tượng số, đại khái chủ trương rằng: “hết thảy sự vật trong vũ trụ và hết thảy biến hóa của các sự vật đều có thể biểu thị bằng những biểu tượng, và hết thảy sự vật trong vũ trụ đều cấu thành và biến hóa mỗi loại theo qui luật của một số mục.”

 

Tôi không rõ thuyết của Kinh Phòng ra sao, nhưng người đời sau cho là lôi thôi, phiền toái, làm mất tính cách triết học rất nhiều, và phải đợi tới đời Tống, Thiệu Khang Tiết mới phát huy môn tượng số cho có thêm màu triết học.


Từ Tam Quốc tới Ngũ Đại


 

Đời Tam Quốc có Ngu Phiên nhấn mạnh về thuyết tiêu tức (tăng, giảm, thịnh, suy), Dương mà động thì tiến từ 7 lên 9, âm mà động thì lùi, từ 8 về 6; thuyết này có từ xưa, nhưng ông là người đầu tiên dùng nó để giải Kinh Dịch. Ông lấy hai quẻ Càn, Khôn là cơ bản cho Dịch học, đời sau khen ông là có công với Dịch học.

 

Xét chung, đời Tam Quốc, các nhà Dịch học như Lưu Biểu, Quản Lộ chú trọng đến bói, đặt ra nhiều thuật, các sách bói đời sau đem ra dùng.

 

Qua đời Ngụy, chúng ta mới thấy một nhà Dịch học, Vương Bật, có hùng tâm quét sạch cái học tượng số và bói toán, chuyên nghiên cứu về nghĩa lí, mở đường cho lí học đời Tống. Ông sắp đặt lại Kinh Dịch, đem Thoán truyện, Tượng truyệnVăn Ngôn truyện xen vào phần kinh cho người đọc dễ thấy ý nghĩa của mỗi quẻ. Cách sắp đặt đó hiện nay còn được dùng. Ông chú giải Dịch học của Phí Trực đời Hán, viện dẫn nhiều lời của Lão Tử. Ông thường tự bảo: “Được ý rồi thì quên tượng, được tượng rồi thì quên lời”, nghĩa là đọc Dịch, chỉ cần chú trọng tới ý nghĩa của quẻ mà thôi, không câu nệ vào tượng và lời.

 

Ảnh hưởng của ông rất lớn. Thời Nam Bắc triều, ông được độc tôn ở phương Nam, cũng như Trịnh Huyền được độc tôn ở phương Bắc.

 

Đời Đường, Phật giáo thịnh muốn lấn Nho học, ít nhà nghiên cứu Dịch học, đáng kể chỉ có Khổng Dĩnh Đạt, theo chủ trương của Vương Bật; và Lí Đỉnh Tộ, học rộng, sưu tập các sách viết về Dịch của trên 30 nhà, hiệu đính được nhiều chỗ, tìm được nhiều điều thâm thúy.

 

Đời Ngũ Đại và Tống sơ, một đạo sĩ tên là Trần Đoàn, hiệu là Hi Di, sáng tác “Dịch đồ”, cho rằng bát quái gốc ở Hà Đồ (trang ở trên), đưa dịch học vào một nẻo mới, nẻo thuật số (tức thuật đoán số mạng). Ông đặt ra môn Bát tự Hà Lạc, chuyển can chi của ngày tháng, năm sinh thành những con số rồi chuyển số thành quẻ, để đoán vận mạng con người.

 

Trần Đoàn cũng sáng lập ra môn Tử vi đẩu số nữa, có uy tín rất lớn trong giới thuật sĩ. Học thuyết của ông sau truyền cho Thiệu Ung đời Tống.


Từ Tống đến Minh


 

Qua đời Tống, dịch học phát triển mạnh. Có hai phái chính:

 

     Phái Đồ Thư (Hà Đồ, Lạc Thư), tức phái Tượng số học.

 

     Phái Lí học, chú trọng về nghĩa lí, về thiên lí, nhân đạo.

 

Phái Đồ Thư chịu ảnh hưởng của Lão học. Hai nhà nổi danh nhất, môn sinh rất đông, uy tín rất lớn là Chu Đôn Di (Chu Liêm Khê) và Thiệu Ung (Thiệu Khang Tiết).

 

Chu Đôn Di sáng tác Thái Cực đồ sau sửa thành Vô cực đồ và Dịch Thông thư, nhưng Thái cực đồ thuyết chỉ là một phép luyện khí của đạo gia, ít liên can tới Kinh Dịch. Câu “Vô cực nhi thái cực” (có thể hiểu là vô cực với thái cực là một, hoặc vô cực chuyển qua thái cực) chỉ là diễn cái ý “hữu sinh ư vô” (hữu từ vô mà sinh ra) của Lão Tử. Còn Dịch Thông thư thì là tư tưởng trong Đạo Đức Kinh trộn với tư tưởng trong Hệ Từ truyện; Chu chủ trương vô vi, hoàn toàn tĩnh thì mới biết được cái điềm (cái mầm thiện ác); như vậy là thiên về Lão, Trang, không hợp với tư tưởng của Khổng phái “quân tử tự cường bất tức” trong quẻ Càn.

 

Thiệu Ung chịu ảnh hưởng của Trần Đoàn, vẽ ra đồ Tiên thiên và Hậu thiên bát quái (có lẽ đây là lần đầu tiên hình Tiên thiên và Hậu thiên bát quái được in trên sách và phổ biến) có tính cách đạo thuật.

 

Ông phát huy thêm môn tượng số của Kinh Phòng đời Hán. Ông chia các số ra thể số, dụng số, biến số, hóa số, động số, thực số v.v… như “thể số” của thái dương là 160, của thái âm là 192, “biến số” của nhật nguyệt, tinh, thần là 17024… Thật bí hiểm.

 

Tuy nhiên, Thiệu Ung không lấy tượng số làm cứu cánh; cứu cánh chính vẫn là đạo, là lí, căn bản của tượng số. Ông bảo: “Có ý thì mới có lời, có lời thì tất có tượng, có tượng thì tất có số. Số và tượng làm cho lời và ý sáng tỏ. Tượng và Số ví như cái đó, cái lưới, lời và ý ví như cá, như thỏ. Được cá, được thỏ mà quên đó, quên lưới thì được, chứ bỏ đó bỏ lưới không dùng mà muốn được cá được thỏ thì chưa thấy được cá, được thỏ bao giờ”.

 

Vậy đạo lí là gốc, quan trọng nhất. Tượng và Số chỉ là những công cụ giúp cho ngôn ngữ để biểu thị ý tưởng được thêm rõ ràng mà dễ nắm được đạo lí.

 

Quan niệm của ông về tượng, có chỗ khác với Dịch, chẳng hạn ông cho “Thái nhu” (cực nhu) là nước, “Thái cương” (cực cương) là lửa; còn Dịch cho Thái nhu là đất (Khôn), Thái cương là núi (Cấn)[29].

 

Trong phái Lí học, phải kể Trình Di, Trương Tái và Chu Hi.

 

Trình Di trở lại cái học của Vương Bật, bỏ những cái huyền bí, tìm đạo lí trong Kinh Dịch để giữ cái học trọng nhân đức của Khổng Tử. Ông chú giải Kinh Dịch theo chủ trương đó, nhưng không phát huy thêm được gì.

 

Trương Tái có sáng kiến hơn, tìm thêm ý nghĩa mới cho các quẻ, chẳng hạn bảo: ý nghĩa của quẻ Phục là “vì thiên địa mà lập tâm”; của quẻ Đại Súc là “vì dân sinh mà lập mệnh”; của quẻ Độn là “vì thánh nhân để kế tục cái học đã mất”; của quẻ Thái là “vì vạn thế mở hội thái bình”. Ông muốn đem đạo tu thân để trị quốc, bình thiên hạ vào Kinh Dịch.

 

Chu Hi chiết trung cả hai phái (mặc dầu thiên về lí học), soạn Chu Dịch bản nghĩa để tiếp bộ Dịch truyện (giảng về Kinh Dịch) của Trình Di, lại soạn Dịch số Khải Mông để phát minh cái nghĩa trong Tiên thiên bát quái đồ của Thiệu Ung. Ông chê Vương Bật là sắp đặt lại Kinh Dịch, làm cho đời sau không phân biệt đâu là Kinh, đâu là Truyện; và đã để mất hết cách thức chú giải kinh điển của Hán Nho. Chu Hi cũng dùng Kinh Dịch để bói, có thể bảo ông tập đại thành những tư tưởng Dịch học của đời Tống, chứ không phát minh được gì.

 

Bản Chu Dịch đại toàn hiện thời là bản Dịch có lời chú giải của Trình Di và Chu Hi. Nhà Mai Lĩnh, trước thế chiến xuất bản bộ Kinh Dịch do Ngô Tất Tố dịch, cũng gồm những lời chú giải của Trình, Chu.

 

Ngoài ra, hầu hết các danh Nho đời Tống như Tư Mã Quang, Âu Dương Tu, Lí Cấu, Phạm Trọng Yên, Vương An Thạch, Tô Tuân, Lữ Đại Phòng, Trình Hạo v.v… đều có nghiên cứu Kinh Dịch, đưa ra ít nhiều ý kiến riêng, như Âu Dương Tu trong tập “Dịch: Đồng Tử Vấn” mà chúng tôi đã nhắc tới trong Chương I.

 

Các nhà Dịch học trong hai thời Nguyên và Minh không lưu lại công trình gì đáng kể. Xét chung họ đều theo cái học đời Tống.


Thanh

 

Qua đời Thanh, dân tộc Trung Hoa cực khổ trăm chiều, mới đầu bị người Mãn ức hiếp, sau lại người Âu coi như con thịt, tha hồ cắt xé, chia xẻ, cho nên các triết gia của họ không thể tỉnh tọa suy luận về Thái cực, Thái hư, tâm tính được nữa, mà bắt buộc phải nghĩ đến thực tế.

 

Do đó triết học đời Thanh có những biến chuyển lớn: đạo học suy tàn, Nho vẫn giữ địa vị cũ, nhưng thiên về thực dụng, khảo cứu, rồi canh tân cho hợp thời.

 

Dịch học cũng theo trào lưu tư tưởng mới, lần lần quét sạch những thuyết huyền bí khó tin.

 

Hồi đầu đời Thanh, Hoàng Tôn Hi viết cuốn Dịch học tượng số luận rất có giá trị, Hoàng (có sách chép là Hồ) Tôn Viêm viết cuốn Dịch Đồ thư biện hoặc, rồi Mao Kì Linh viết cuốn Hà Đồ Lạc thư nguyên suyễn, không còn tin Hà Đồ với Dịch có quan hệ gì với nhau nữa. Tới khi Hồ Vị cho ra cuốn Dịch đồ minh biện, đem lai lịch của Hà Đồ và Dịch phân tích minh bạch, bảo đồ là đồ, dịch là dịch, không liên can gì với nhau, mà quét bỏ được những giải thích lầm lẫn của Tống Nho.

 

Giữa đời Thanh, Huệ Đồng và Trương Huệ Ngôn chuyên nghiên cứu Dịch học đời Hán, dùng phương pháp qui nạp, hơi có tính cách khoa học.

 

Nhưng người nghiên cứu Chu Dịch một cách thâm thúy, phát minh được ít nhiều là Tiêu Tuần. Ông căn cứ vào quái, hào, giải thích từng chữ để làm sáng tỏ phép hào biến, nói được những điều chưa ai nói.

 

Nên kể thêm Lí Quang Địa đời Khang Hi dùng toán học phương Tây để giải thích Dịch, dùng Lí Hóa để tính phương vị của Quái, Hào.

 

Theo Tào Thăng, đó là một phát minh lớn[30].


Hiện nay


 

Trong mấy chục năm gần đây, các nhà xuất bản ở Hương Cảng và Đài Bắc vẫn thường in sách viết về Dịch, nhưng chúng tôi không thể theo dõi được, mới thấy được ba cuốn đáng chú ý:

 

     Chu Dịch Tân Giải của Tào Thăng mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên.

   Chu Dịch Cổ Kinh Kim Chú của Cao Hanh do nhà Khai Minh thư điếm ấn hành.

 

Hai nhà trên đều theo chủ trương khảo chứng, “dùng Chu Dịch để chứng minh Chu Dịch”, dùng các quẻ để giải thích các hào của hai quẻ Càn, Khôn.

 

     Dịch Học Tân Luận của Nghiêm Linh Phong (do nhà Chính Trung Thư Cục ấn hành 1973) chú trọng về việc hiệu đính.

 

Chúng tôi thấy có nhiều giải thích các quẻ, hào, mỗi nhà có một kiến giải riêng, mà chúng tôi không có thì giờ phương tiện nghiên cứu môn học đó, nên không thể đưa ý kiến về những thuyết mới đó được.

 

Dịch học quả là một khu rừng mênh mông, ai muốn theo đường nào thì theo. Cổ kim chưa hề có tác phẩm nào gây ra nhiều suy luận như vậy cho đời sau.


 

       Việt Nam

 

Ở nước ta chưa có ai có thể gọi là nhà Dịch học được. Ngoài bốn bản dịch Kinh Dịch của Ngô Tất Tố (Mai Lĩnh xuất bản), của Nguyễn Mạnh Bảo (dịch giả tự xuất bản), của Nguyễn Duy Tinh (Trung Tâm Học liệu xuất bản năm 1968) và của cụ Phan Bội Châu (Khai Trí xuất bản năm 1969) – bản này có giá trị nhất – mới chỉ có ít tập nhận xét hay tìm hiểu Kinh Dịch của:


 Nguyễn Uyển Diễm: Một nhận xét về Kinh Dịch – Vỡ Đất – Hà Nội 1953.

 Bửu Cầm: Tìm hiểu Kinh Dịch – Nguyễn Đỗ xuất bản 1957.

 Nguyễn Hữu Lương: Kinh Dịch với Vũ trụ quan Đông Phương – Nha Tuyên Úy Phật giáo ấn hành – 1971.

Nguyễn Duy Cần: Dịch Học Tinh Hoa – Tủ sách Thu Giang – 1973.

 Lê Chí Thiệp: Kinh Dịch Nguyên thủy – Khai Trí – 1973.


Phụ lục

 

Dịch học ở phương Tây


 

Alfred Douglas trong cuốn The Oracle of Change (1972) đã kê và giới thiệu vắn tắt tất cả các bản Kinh Dịch ra ngôn ngữ phương Tây từ trước tới nay, theo chỗ ông biết. Mới chỉ có bảy bản, so với số các bản dịch Đạo Đức Kinh thì kém xa.

 

      Regis, P, Y.King, Antiquissimus Sinarum, Liber Paris, 1834.

 

Đây là bản dịch đầu tiên ra ngôn ngữ phương Tây của các nhà truyền giáo Giòng Tên (Jesuites).

      McClatchie, Rev. Canon, A translation of the Confucian Yi King, or the Classic of Changes, có chú thích và phụ lục. Thượng Hải, 1876.

Bản này lạ lùng ở điểm người dịch muốn đem khoa Thần thoại học tỉ giảo (Mythologie comparée) để tìm hiểu những bí mật của Kinh Dịch.

      De Harley, C., Le Yih-King, Texte primitif rétabli, traduit et commenté. Bruselles, 1889. Một bản dịch đáng chú ý, nhưng theo các tiêu chuẩn ngày nay thì không đáng tin.

      Legge J., The texts of Confucianism, Pt II, the Yi King – Oxford 1899.

Một bản dịch sát và kĩ lưỡng bản Kinh Dịch in năm 1715 đời Khang Hi. Nhưng Legge không coi Kinh Dịch là một sách bói, không tin môn bói Dịch, và những chú thích của ông cũng sơ sài quá. Ông không nói gì về cách bói cả.

 

      Wilhelm, R., I Ging: Das Buch der Wandlungen – Jena 1924.

Wilhelm dịch ra tiếng Đức, rồi C.F Bayness lại dịch tiếng Đức ra tiếng Anh, nhan đề là The I Ching or Book of Changes, London – 1950. Bản dịch của Wilhelm đầy đủ nhất, được nhiều người thích nhất, có lời giới thiệu rất hay và lời mở đầu sâu sắc của Tiến sĩ C.G. Jung. Nhưng cách sắp xếp rắc rối quá, tốn công cho người đọc.

 

      Blofeld J., The Book of Change – London 1965.

Một bản dịch mới của một học giả Anh, đáng đọc. Nói kĩ về cách bói. Nhưng không dịch những lời chú thích của Khổng Tử (A. Douglas muốn nói phần Truyện).

      Siu, R.G.H., The man of many qualities: A legacy of the I Ching, Cambridge. Mass, 1968.

Một bản dịch mới riêng về phần kinh của Văn Vương và Chu Công. Dịch giả trích dẫn trên 700 chỗ trong văn học thế giới để giải thích phần kinh đó. Ông lại luận về cách bói, ý tưởng mới mẻ, hấp dẫn[31].


Tôi được biết thêm hai bản dịch, sơ sài nhưng chú trọng đến việc bói:

 

     Alfred Douglas, The oracle of Change – Penguin Books – 1972.

 

Phần I – giới thiệu qua loa nguồn gốc Kinh Dịch, tư tưởng trong Kinh Dịch, rồi chỉ cách bói. Phần II – Dịch Thoán Từ, Hào Từ, với ít lời giải thích theo quan niệm của Nho gia.

     J. Lavier, Le Livre de la Terre et du Ciel – Édition Tchou, Paris 1969.

Tác giả là giáo sư dạy khoa châm cứu ở Đài Loan. Ông cho rằng Kinh Dịch là công trình của Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, nhưng lại bảo nó là “cuốn sách thiêng của Đạo Lão truyền thống”.

 

Phần đầu ông tìm ý nghĩa cổ nhất của một số danh từ như: Thái Ất, đạo, âm dương, dịch, quái, càn, khôn, khảm, li, cấn, đoái, tốn, chấn… Chẳng hạn ông cho (Dịch) là con kì nhông thay đổi màu sắc dễ dàng, (Li) gồm con yack (một giống trâu rất mạnh) ở bên trái , với con chim ở bên phải , do đó Li có nghĩa là mạnh và đẹp (như chim), sau đó ông giảng qua loa về 2 cách sắp đặt các quẻ đếm trên vòng tròn của Phục Hi và của Văn Vương (ông cho cách của Phục Hi có lí, của Văn Vương vô lí).

 

Phần sau ông dịch Thoán TừHào Từ một cách rất vắn tắt, có lẽ theo quan niệm của Đạo gia; chẳng hạn quẻ Càn, về ý nghĩa của quẻ, ông viết: “Nguồn gốc của mọi vật, tiến lần tới hoàn hảo”, về ý nghĩa của mỗi hào, ông viết:

 

Hào 1: Ở trong hang, con rồng không hoạt động.

Hào 2: Con rồng hiện lên, người ta thấy nó (!)

Hào 3: Bậc đại nhân không được ngưng hoạt động.

Hào 4: Con rồng vẫy vùng.

Hào 5: Con rồng bay.

Hào 6: (Hào thượng) Dương không được tuyệt đối, đôi khi phải nhường chỗ cho âm, nếu không thì không sinh sản được gì.

 

Phần cuối ông tìm ý nghĩa của vài quẻ để áp dụng vào việc đời nay mà thời xưa không có. Như quẻ Thủy Lôi Truân, ông giảng rằng nó diễn tâm thần do dự hoang mang của thanh niên; quẻ Thủy Thiên Nhu diễn tốc độ nguy hiểm của một chiếc xe, quẻ Thuần Khảm chính là cái ý tượng của khoa học hiện đại (khoa học phát triển quá thì nguy cho nhân loại)…

 

Ông ta cũng bói thử cho một thiếu nữ hỏi về hôn nhân, được quẻ Lôi trạch Qui muội biến ra quẻ Địa trạch Lâm[32], khuyên thiếu nữ đó đợi một cơ hội khác, vì theo quẻ thì mới đầu tốt, rồi sau biến thành xấu.

 

Tóm lại cuốn của J. Lavier có nhiều ý mới, đúng hay không, tôi không dám quyết; còn việc giảng ý nghĩa các quẻ thì sơ lược quá.

 

Đặc biệt nhất là cuốn The Symbols of Yi King của Z.D Sung – Paragon (Paragon có phải là tên nhà xuất bản không? Ở đâu? In năm nào, không biết, chỉ biết bài tựa của tác giả viết năm 1934).

 

Không phải là một bản dịch Kinh Dịch; tác giả chỉ ghi lại những sự ngẫu nhiên trùng hợp giữa một số quẻ với vài môn học như: Đại số học, Vật lí, Thiên văn, Luận lí mà ông đã rất tốn công tìm ra được.

 

Tôi chỉ xin dẫn một thí dụ ở đầu sách. Ông cho hào dương   (vạch liền) là A, hào âm  (vạch đứt) là B. Rồi ông đổi 8 quẻ đơn ra:

 

Càn   thành AAA: A3; Khôn  thành BBB: B3.

 

Ba quẻ có 2 hào dương, 1 hào âm:

 

Đoái  thành BAA: A2B; Li  thành ABA: A2B; Tốn  thành AAB: A2B Cộng 3 quẻ đó thành 3A2B.


Ba quẻ có 1 hào dương, 2 hào âm:

 Chấn  thành BBA: AB2; Khảm  thành BAB: AB2; Cấn  thành ABB: AB2Cộng 3 quẻ đó thành 3AB2.

 

Cộng cả 8 quẻ thành một công thức đại số:

 

A3 + 3A2B + 3AB2 + B3: (A + B)3.

 

Kể ra cũng tài tình.


Nhưng theo tôi dưới đây mới là hai phát kiến nổi danh nhất của học giả phương Tây về Kinh Dịch.


 

Phát kiến của Leibniz


 

Leibniz, triết gia kiêm toán học gia Đức (1646-1716), là người đầu tiên nghĩ ra phép nhị tiến về số học, thay cho phép thập tiến, nghĩa là chỉ dùng hai síp (chiffre) 1 và 0 chứ không dùng mười síp từ 0 đến 9. Theo phép nhị tiến[33] thì cứ thêm con 0 tức là nhân với 2 chứ không phải với 10 như trong phép thập tiến[34].

 

Ví dụ: 10 con số đầu trong phép thập tiến đổi ra phép nhị tiến như sau:

 

    1

    10

    11

    100

    101

    110

    111

    1000

    1001

    1010

(4+2): 100 + 10 = 110

(4+3): 100 + 11 = 111

(8+2): 1000 + 10 = 1010.

 

Ngày nay các máy điện tử dùng nguyên tắc đó của Leibniz: hễ luồng điện vô, đèn bật thì là 1; tắt điện thì là 0. Bật tắt, bật tắt, chỉ có 2 “thế” đó thôi.

 

Leibniz đăng sáng kiến của ông trên một tờ báo năm 1679. Trong khoảng từ 1679 đến 1702, ông thư từ với một nhà truyền giáo Giòng Tên ở Trung Hoa, và nhờ nhà truyền giáo này mà ông biết được 64 quẻ Kinh Dịch, thấy người Trung Hoa chỉ dùng hai vạch dương và âm mà vạch được các quẻ, cũng như ông chỉ dùng số 1 và số 0 mà viết được mọi số. Ông xin vị truyền giáo đó 1 bản Phương vị 64 quẻ của Phục Hi (coi trang sau): suy nghĩ, tìm tòi và thấy rằng nếu ông thay con 0 vào vạch âm, con 1 vào vạch dương thì 64 quẻ đúng là 64 con số từ 0 đến 63 trong phép nhị tiến của ông.

 

Chẳng hạn quẻ Bác    (ở bên mặt quẻ Khôn, ở giữa hình; và ở bên trái quẻ Khôn ở trên vòng tròn, khi ta nhìn từ trong ra ngoài) đúng là số 1 trong phép nhị tiến của ông, nếu không kể năm con 0 đứng trước số 1.

 

Rồi quẻ Tỉ   ở bên quẻ Bác đổi ra thành 000010, đúng là con số 2 trong phép nhị tiến[35].

 

Cứ như vậy, chúng ta được những số:

0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 trên hàng đầu ở giữa hình.

8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 trên hàng nhì ở giữa hình.

v.v… tới quẻ Càn ở cuối hàng 8 (tức hàng cuối) là số 63.

 

Bạn có thể kiểm soát lại, đổi con số 63 ra phép nhị tiến thì thấy. Muốn đổi như vậy, bạn chia 63 cho 2 được 31, còn 1, bạn ghi 1, và vạch một nét dương; rồi chia thương số 31 cho 2, được 15, còn 1, lại ghi 1 và vạch một nét dương nữa; chia 15 cho 2 được 7, còn 1, lại ghi 1 và vạch một nét dương nữa; chia 7 cho 2 được 3, còn 1, được thêm một nét dương nữa; chia 3 cho 2, được 1, thêm một nét dương nữa, còn lại 1, lại thêm một nét dương nữa; (cứ còn lẻ 1 là thêm 1 nét dương). Rốt cuộc được hết thảy 6 nét dương, đúng là quẻ Càn.

 

PHƯƠNG VỊ 64 QUẺ CỦA PHỤC HI

 

Với phép nhị tiến (numération binaire) của Leibniz



Thứ tự các quẻ trùng sắp theo Tiên thiên bát quái của Phục Hi. Trên vòng tròn: khởi từ quẻ Khôn, kể là 0 (đánh số theo Leibniz), tiến ngược chiều kim đồng hồ, đến quẻ 31, rồi lại bắt từ quẻ 32 ở bên cạnh quẻ Khôn, tiến thuận chiều kim đồng hồ, đến quẻ cuối cùng là quẻ Càn, số 63.

 Ở giữa hình, các quẻ sắp theo hàng ngang từ trái qua phải, hàng đầu từ quẻ 0 (quẻ Khôn) đến 7, hàng nhì từ 8 đến 15 v.v… hàng cuối từ 56 đến 63 (quẻ Càn). Độc giả nhận thấy các quẻ 7, 15, 23… trên vòng tròn cũng là những quẻ mang các số đó trên khung vuông ở giữa.

 

Một thí dụ nữa, muốn biết quẻ thứ 50 trên hình ở giữa là quẻ gì, bạn cũng chia như trên:

 

        2 = 25, không còn lại, tức là 0, bạn vạch nét Âm.

        2 = 12, còn lại 1, tức là 1, bạn vạch nét dương.

        2 = 6, không còn lại, tức là 0, bạn vạch nét Âm.

      2 = 3; không còn lại, tức là 0, bạn vạch nét Âm.

      2 = 1, còn lại 1, tức là 1, bạn vạch nét Dương. và còn lại 1, bạn vạch nét Dương.

 

Bạn được quẻ Thủy trạch Tiết, đúng là quẻ thứ 50, tức là quẻ thứ 3 trên hàng thứ 7 ở giữa hình.

 

Theo phép nhị tiến thì được số 110010 vì kể từ dưới lên cứ vạch liền là 1, vạch đứt là 0.

 

Số 110010 đó là 50. Đó là đổi số thập tiến ra nhị tiến.

 

Ngược lại: muốn đổi số nhị tiến thành số thập tiến thì lấy số 110010, đổi từ phải qua trái: số nào cũng nhân với hai, số ở dưới cùng bên phải luỹ thừa 0, cứ tiến qua bên trái một hàng thì tăng luỹ thừa lên 1:

 

0 = 0×2                           luỹ thừa 0 = 0                               luỹ thừa 0 = 0


1=1×2

luỹ thừa 1 = 2

luỹ thừa 1 = 2

0=0×2

luỹ thừa 2 = 0

luỹ thừa 2 = 0

0=0×2

luỹ thừa 3 = 0

luỹ thừa 3 = 0

1=1×2

luỹ thừa 4 = 2

luỹ thừa 4 = 16

1=1×2

luỹ thừa 5 = 2

luỹ thừa 5 = 32

 

 

Cộng lại được 50

 

Kết quả: 110010 là số 50 [36].

 

Người ta bảo Thiệu Ung đời Tống đã vẽ đồ đó; nếu đúng vậy thì ông đã tìm ra được phép nhị tiến trên sáu thế kỉ trước Leibniz chăng? Thật là một sự ngẫu hợp lạ lùng. Vì sự sắp đặt các quẻ Tiên Thiên và cách thức trùng quái không có chút liên quan gì với phép nhị tiến của Leibniz cả.

 

Chúng ta để ý: trên vòng tròn của đồ, thứ tự không theo một chiều mà theo hai chiều như cách sắp trùng quái tương truyền của Phục Hi nhưng quẻ cuối cùng, số 63 cũng vẫn là quẻ Thuần Càn.

 

Vậy bạn theo ngược chiều kim đồng hồ, đánh số từ quẻ Thuần Khôn là 0, tới 1, 2, 3… đến 31 là quẻ Sơn phong Cổ, bên cạnh quẻ Thuần Càn; rồi bạn bắt từ quẻ Địa lôi Phục ở bên cạnh quẻ Thuần Khôn, đánh số quẻ Phục là 32, theo chiều kim đồng hồ tiếp tục đánh số: 33, 34, 35… đến quẻ 62 là Trạch thiên Quải cuối cùng là quẻ Thuần Càn số 63.


 

Phát kiến – đúng hơn một ý kiến – của nhà tâm lí học C.G. Jung.


 

Jung gốc Thụy Sĩ, sinh năm 1875, cùng với Freud là một trong những thủy tổ của Khoa phân tâm học (psychanalyse), nghiên cứu về tiềm thức của loài người. Ông là bạn của Richard Wilhelm, người dịch Kinh Dịch ra tiếng Đức, và ông nhờ Wilhelm mà hiểu được Kinh Dịch.

 

Trong lời mở đầu bản tiếng Anh của Wilhelm xuất bản ở London, ông kể chuyện năm 1949 ông thành tâm bói hai lần theo cách gieo ba đồng tiền:

     Lần thứ nhất để biết bản tiếng Anh sắp in có được độc giả phương Tây hiểu hơn bản tiếng Đức không.

 

Ông được quẻ Đỉnh biến ra quẻ Tấn  (động hào 2, 3). Lời đoán là bản tiếng Anh lần này có ích hơn bản tiếng Đức lần trước.

 

Ông muốn viết Lời nói đầu cho bản dịch tiếng Anh, lại bói một quẻ nữa để biết việc nên làm không, vì ông còn do dự: Ông là một nhà khoa học, tự cho có trách nhiệm với khoa học, mà lại đi giới thiệu một tác phẩm có tính cách huyền bí thời cổ ư? Nhất là ông có thể ngờ bản Kinh Dịch Wilhelm dùng để dịch, trải qua bao nhiêu thời đại chắc gì đã đúng, mà bản dịch của Wilhelm chắc gì đã tin cậy được.

 

Lần này ông được quẻ Khảm  biến ra quẻ Tỉnh , động hào 3; lời đoán là nên viết lời giới thiệu vì Kinh Dịch như một cái giếng cổ, hư hỏng bùn lấp cả rồi, nhưng có thể sửa sang lại mà dùng được.

 

Ông thấy như vậy, hai lần bói đều có ý nghĩa cả, bảo: “Nếu một người trần mắt tục nào đó mà trả lời tôi hai lần như vậy, thì tôi, một nhà chuyên về thần kinh học, cũng phải nhận rằng người đó có tinh thần lành mạnh”. Không những vậy, ông còn phục người đó sao mà thấu được nỗi do dự, nghi ngờ thầm kín của ông nữa, nghĩa là đi sâu được vào tiềm thức của ông.

 

Do đó Jung tin bói Dịch, cho môn đó là một phương tiện rất mới để dò xét cõi tiềm thức của con người.

 

Raymond de Becker trong lời giới thiệu bản dịch Kinh Dịch của Charles de Harley (lần tái bản năm 1970) cũng nghĩ như Jung. Nếu người xin quẻ thật tĩnh tâm, tập trung tư tưởng vào điều mình muốn hỏi, thì quẻ cho biết được sự diễn biến của tình thế từ trước tới sau có thể sẽ ra sao, và tự mình lựa lấy một thái độ trong mỗi tình thế, tùy thái độ đó mà có thể thay đổi một phần nào sự diễn biến của tình thế được. Đó là cái ích lợi của bói Dịch về sự tìm hiểu tâm lí bề sâu (psychologie des profondeurs), tức tìm hiểu cõi tiềm thức.

 

Ông cho rằng bói Dịch không bao giờ bảo việc nhất định sẽ xẩy ra như thế này, hay thế khác, mình không sao thay đổi được[37]. Nếu 2 lần bói về một việc thì hai quẻ tất sẽ khác vì lần sau tâm trạng của người bói và tình thế ở ngoài đều thay đổi rồi.


 

Tóm lại, theo chỗ chúng tôi thấy thì tới nay ở phương Tây có ba xu hướng trong việc nghiên cứu Kinh Dịch:

 

     Xu hướng tìm hiểu đạo lí Trung Hoa, như J. Legge, R. Wilhelm.

 

     Xu hướng tìm những cái ngẫu hợp giữa Kinh Dịch và các khoa học ngày nay, như Leibniz, Z.D. Sung.

     Xu hướng chỉ coi Kinh Dịch là một sách bói.

 

Một hạng người như Alfred Douglas, J. Lavier theo đúng cách bói và đoán của Trung Hoa mà không phát kiến được gì; một hạng nữa như C. Jung, R. de Becker coi bói dịch là một cách đi sâu vào tiềm thức con người. Chính hạng học giả sau cùng này có công phát huy Kinh Dịch nhất, hoặc khoác cho Kinh Dịch một bộ áo mới mẻ nhất. Họ chỉ mới vạch cái hướng đi, chưa nghiên cứu gì được nhiều. Nhưng chúng ta nên theo dõi công trình của họ, có thể trong dăm ba chục năm nữa, chúng ta sẽ được biết thêm nhiều điều rất mới.


Chú thích 5

 

           [29]. Về tượng số, độc giả có thể coi thêm trang 447-461 trong Đại cương triết học Trung Quốc – Thượng – của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. 

           [30]. Từ đầu chương tới đây, tài liệu chúng tôi dùng hầu hết rút trong cuốn Dịch học tân giải (Chương Dịch học nguyên lưu) của Tào Thăng, nhà xuất bản Trung Hoa Văn hóa – Đài Bắc – 1956.

           [31]. Tất cả những lời giới thiệu ở trên đều của Alfred Douglas. 

         [32]. Biến ở đây là một thuật ngữ của môn bói. Hễ có một hào động thì từ âm biến ra dương hoặc từ dương biến ra âm. Chương sau sẽ giảng.

           [33]. Cũng gọi là nhị phân.

           [34]. Cũng gọi là thập phân. 

       [35]. Trong bảng “Tóm tắt ý nghĩa các quẻ” đặt ở cuối ebook, sau mỗi quẻ, tôi ghi thêm số nhị tiến tương ứng của quẻ đó. Ví dụ như sau quẻ Tỉ (Thủy địa Tỉ) tôi ghi: 000010. Đối với quẻ đơn tôi ghi thêm chữ D, ví dụ như sau quẻ Khảm , tôi ghi: D010. Nếu ta thấy hình một quẻ mà ta không biết tên của quẻ đó là gì thì ta chuyển hình quẻ đó ra số nhị tiến, rồi dùng số nhị tiến đó để tìm kiếm. (Goldfish).

        [36].

        Tức:

0→0×20=0×1=0

1→1×21=0×2=2

0→0×22=0×4=0

0→0×23=0×8=0

1 → 1×24 = 1×16 = 16

1 → 1×25 = 1×32 = 32.

(QuocSan). 

           [37]. Hệ Từ thượng, Chương III, đoạn 5 cũng bảo: “Lời đoán cho ta cái hướng diễn biến” (Từ dã giả, các chi kì sở chi).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét