Chương II. NỘI DUNG PHẦN
TRUYỆN
Ai viết Thập Dực?
Có lời đoán cho mỗi quẻ (Thoán Từ tức Quái Từ), và lời đoán cho mỗi hào (Hào Từ) rồi, thế là sách Chu Dịch hoàn thành. Người đời sau chỉ thêm những lời chú giải. Không có cuốn nào được nhiều người chú giải như cuốn đó. Tới đầu đời Thanh đã có trên một trăm bảy chục bản chú giải còn giữ được, nếu kể cả những bản đã thất lạc, chỉ còn lại cái tên thì con số phải gấp hai, gấp ba. Tiếp tục cho tới nay vẫn còn có người chú giải lại, có cả người Nhật, người Âu (Đức, Anh, Pháp…), người Việt mình nữa. Và chắc chắn sau này sẽ còn thêm nhiều. Ai cũng muốn xen ý kiến riêng của mình, của thời đại mình vô bộ Kinh đó.
Quan trọng nhất vẫn là chú giải đầu tiên, tức Thập Dực, cũng gọi là Thập Truyện.
Đại đa số các học giả Trung Hoa thời xưa cho rằng: Thập Dực là công trình của Khổng Tử. Sách Hán thư – phần Nghệ văn chí, bảo “Dịch đạo thâm hĩ nhân canh tam thánh, thế lịch tam cổ”. Nghĩa là: Đạo Dịch rất thâm thúy, là công của ba vị thánh, trải ba đời mới xong. Ba vị thánh đó là Phục Hi, Văn Vương, Khổng Tử; ba đời là đời Thượng cổ (Phục Hi), đời Trung cổ (Văn Vương) đời Hạ cổ (Khổng Tử). (Hán thư cho công việc viết quái từ và Hào Từ đều là của Văn Vương; nhưng thuyết Chu Công viết Hào Từ được nhiều người chấp nhận hơn; và các thầy bói ngày nay khi bói đều khấn cả bốn vị Thánh: Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử).
Nhưng Khổng Tử có thực là người viết Thập Dực không? Điều đó còn đáng ngờ.
Trong tập Khổng Tử, tôi đã dẫn nhiều chứng cớ rằng muốn biết đời và tư tưởng Khổng Tử thì chỉ nên căn cứ vào Luận Ngữ, những sách khác đều không đáng tin.
Trong Luận Ngữ chỉ có hai bài nhắc tới Kinh Dịch: bài Tử Lộ – 22, Khổng Tử dẫn một Hào Từ trong quẻ Hằng; và bài Thuật nhi – 16, Khổng Tử nói: “Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hĩ” (Cho ta sống thêm ít năm nữa, tới 50 tuổi để nghiên cứu Kinh Dịch, thì có thể không lầm lỗi lớn).
Bài sau, có người cho là chép sai, hai chữ “ngũ thập” 五十 chính là chữ “tốt” 卒, chữ dịch 易 chính là chữ diệc 亦. Và phải chấm câu như sau: “Gia ngã sổ niên tốt dĩ học, diệc khả dĩ vô đại quá hĩ”, dịch là: “Cho ta sống thêm ít năm nữa để học thì cũng có thể không lầm lỗi lớn”[21].
Dù chép đúng chăng nữa, thì bài đó cũng như bài trên chỉ đủ chứng tỏ rằng Khổng Tử có đọc Kinh Dịch, chứ không có gì chắc chắn rằng ông đã viết về Kinh Dịch.
Huống hồ trong Luận Ngữ, ông không hề giảng Kinh Dịch cho môn sinh, như giảng về thi, thư, lễ nhạc. Mạnh Tử, Tuân Tử cũng không hề nói ông viết Thập Dực, chỉ nói ông viết Kinh Xuân Thu thôi. Mà danh từ Thập Dực này không hề xuất hiện trong thời Tiền Tấn, mãi tới đời Hán mới thấy.
Ba lẽ nữa:
Tư tưởng trong Thập Dực rất tạp, có tư tưởng của Lão Tử, có câu giống trong Trung Dung, Đại Học.
Trong Văn Ngôn và Hệ Từ (2 truyện dực – trong Thập Dực) có chép: “Tử viết” (nghĩa là thầy dạy, hay Khổng Tử dạy), như vậy không phải là của Khổng Tử viết rồi.
Giọng văn cũng nhiều chỗ khác nhau,
ý nghĩa có chỗ thâm thúy, có chỗ rất tầm thường, không thể do một người viết
được, mà do nhiều người trong nhiều thời viết rồi người sau gom cả lại.
Do những lẽ đó, từ đời Tống, Âu Dương Tu, Diệp Thích đã ngờ
thuyết Khổng Tử viết Thập Dực (coi
cuốn: Dịch, đồng tử vấn của Âu Dương
Tu), và gần đây, từ Khang Hữu Vi tới Phùng Hữu Lan đều nhận là Âu Dương Tu có
lí.
Nhiều lắm thì ta chỉ có thể nói rằng Khổng Tử đã nghiên cứu Kinh Dịch, nhưng về già chỉ giảng cho một số rất ít môn sinh, và Thập Dực do một phái Dịch học đời Chiến Quốc – gồm cả Khổng gia lẫn Lão gia, viết kẻ trước người sau, do đó mà hoàn thành rất trễ, có thể là cuối thời Chiến Quốc đầu đời Hán không thể nào ngay sau đời Khổng Tử được[22].
-------------------------
Nội dung Thập Dực
Sự thực chỉ có Thất Dực, bảy truyện, nhưng gồm 10 thiên nên gọi là Thập Dực:
I. Thoán truyện – 2 thiên
II. Tượng truyện – 2 thiên.
III Hệ Từ truyện cũng gọi là Đại truyện – 2 thiên.
IV. Văn Ngôn truyện – 1 thiên.
V. Thuyết Quái truyện – 1 thiên.
VI. Tự Quái truyện – 1 thiên.
VII. Tạp Quái truyện – 1 thiên.
Ngay cái điều gọi mỗi thiên là một truyện cũng vô lí rồi; mà đọc những trang sau, độc giả sẽ thấy sự chia ba truyện đầu mỗi truyện thành hai thiên cũng không theo một qui tắc chung nào cả.
Vì vậy mà sự chia thiên như trên không được mọi sách theo. Chẳng hạn bản cụ Phan Bội Châu cho Thoán truyện chỉ có 1 thiên, chỉ là truyện; mà lại cho Tự Quái truyện gồm hai thiên, thành 2 truyện.
Một bản khác, James Legge dùng để dịch, lại cho Văn Ngôn truyện có 2 thiên (một cho 30 quẻ đầu, một cho 34 quẻ sau) như vậy là ngoài Thuyết Quái truyện và Tạp Quái truyện, mỗi truyện chỉ có 1 thiên, kể là 1 truyện, còn 5 truyện kia, mỗi truyện có 2 thiên, kể làm hai truyện; cộng cả lại là 12 truyện chớ không phải 10 truyện.
Cách chia thiên và gọi thiên là truyện, như vậy vừa vô lí vừa lộn xộn, cho nên chúng tôi nghĩ phần truyện trong Kinh Dịch chỉ nên coi là có 7 truyện thôi.
Dưới đây, tôi tóm tắt nội dung bảy truyện đó.
I. Thoán truyện
Ở trên tôi đã nói Văn Vương viết Thoán Từ, tức lời đoán cho mỗi quẻ: ông
chỉ cho biết vắn tắt mỗi quẻ tốt xấu ra sao, đôi khi cũng cho biết ý nghĩa ra
sao, chứ không giảng tại sao.
Người viết Thoán
truyện (theo Vũ Đồng, sống sau Khổng Tử, trước hoặc sau Mạnh Tử) giảng giải
thêm.
Thí dụ: Quẻ Càn, Thoán Từ chỉ có
5 chữ: Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh (coi trang 37).
Thoán truyện giải thích: “Đại tại càn nguyên, vạn vật tư thủy, nãi thống
thiên; vận hành vũ thí, phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thủy, lục vị thời
thành, thời thừa lục long dĩ ngự thiên. Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh,
bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh, thủ xuất thứ vật, vạn quốc hàm ninh”.
Nghĩa là: đức “nguyên” của càn lớn thay, vạn vật đều nhờ nó
mà bắt đầu nảy nở, nó thống quát thiên đạo (đó là giảng về đức nguyên). Càn làm
ra mây, khiến cho mây biến hóa, làm ra mưa, khiến cho mưa thấm nhuần khắp, mà
vạn vật thành hình thành sắc, sinh trưởng đến vô cùng (đó là giảng về đức
hanh).
Bậc thánh nhân (đại minh: cực sáng suốt) thấy được cả trước
sau, cả sáu hào của quẻ Càn, mỗi hào có một vị (ngôi) nên thuận thời mà hành đạo, như
cưỡi 6 con rồng (ám chỉ sáu hào dương của quẻ Càn) mà thống ngự cả vùng trời[23] (khuyên
chúng ta nên tùy thời mà hành động, lúc nào nên ẩn thì ẩn, nên hiện thì hiện,
nên tĩnh thì tĩnh, nên động thì động). Tóm lại là đạo Càn biến hóa, khiến cho
vật gì cũng giữ được tính mệnh trời phú, giữ được cái nguyên khí cho thái hòa
(thái là rất). Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật (theo đạo Càn) thì vạn nước đều
bình an vô sự (đó là giảng về hai đức lợi, trinh)
Chúng ta thấy tác giả Thoán
truyện (sống ở đời Chiến Quốc, sau Văn Vương có thể bảy tám trăm năm) đã
cho Kinh Dịch có một ý nghĩa triết
lí, chứ không phải chỉ để bói nữa.
Thoán truyện chia làm hai thiên: thiên thượng giải thích Thoán Từ của 30 quẻ đầu, thiên hạ giải
thích Thoán Từ của 34 quẻ sau. Như
vậy là theo đúng sự chia thiên trong phần Kinh.
Theo Nghiêm Linh Phong, tác giả Dịch học Tân luận (Chính trung Thư cục Hương Cảng – 1971),
Thoán truyện có nhiều chỗ thoát văn, hoặc chưa giải thích, tư tưởng có nhiều chỗ giống Nho gia, như đoạn Thoán truyện quẻ Càn dẫn trên, ý nghĩa rất giống.
Câu này trong Luận Ngữ, thiên Dương Hóa: “Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên,
vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai!” (Trời nói gì đâu! Bốn mùa vận hành mà vạn
vật sinh ra, trời nói gì đâu!).
Và câu này trong Trung Dung: “Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” (Cực Trung hòa thì trời đất đều ở đúng vị trí mà vạn vật mới sinh).
II. Tượng Truyện
Giải thích cái “tượng của mỗi quẻ”. Cũng chia làm hai thiên:
thiên thượng cho 30 quẻ đầu, thiên hạ cho 34 quẻ sau. Mỗi quẻ đều thích nghĩa
cái tượng của cả quẻ (gọi là Đại tượng)
rồi lại thích nghĩa cái tượng của mỗi hào (gọi là Tiểu tượng).
Vũ Đồng cho là Tượng
truyện viết sau Thoán truyện, có
học giả lại cho là viết trong khi nhà Tần đốt sách, cấm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu và các học thuyết khác thời Tiên Tần,
trừ Chu Dịch – vì là sách bói cho nên
các học giả trong phái Nho gia mới nhân chỗ hở đó, đem tư tưởng trong Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ vô Chu Dịch, để “Tá thi hoàn hồn” (mượn cái
thây cho hồn nhập vào mà sống lại) mà làm công tác tuyên truyền. Cho nên trong Tượng truyện có nhiều chỗ lời rất giống ba bộ sách đó (Dịch Kinh Tân luận – tr.178).
Có thể kể mấy chục thí dụ, tôi chỉ xin dẫn ba thôi:
Luận Ngữ nói: “Quá tắc
vật đạn cải” (có lỗi thì không sợ sửa).
Quẻ Ích, Đại Tượng
truyện cũng nói: “Hữu quá tắc cải” (có lỗi thì sửa).
Trung Dung
nói: “Ẩn ác nhi dương thiện” (giấu cái ác mà nêu cái thiện của người).
Quẻ Đại hữu, Đại tượng
nói: “Át ác dương thiện” (che cái xấu mà nêu cái thiện cho người).
Đại Học nói: “Cổ chi
dục minh minh đức ư thiên hạ” (người xưa muốn làm sáng cái đức sáng trong thiên
hạ…).
Quẻ Tấn, Đại tượng
cũng nói: “Quân tử dĩ tự chiêu minh đức” (người quân tử coi đó mà tự làm sáng
cái đức sáng của mình).
Rồi những danh từ quân tử, tiên vương, đại nhân… trong Đại Tượng truyện có thể nói là mượn
trong Luận Ngữ, Đại học, Trung Dung để
đưa những tư tưởng chính giáo của nhà Nho vào, chứ rất ít liên quan tới môn bói.
Tượng: có hai nghĩa:
Hình thái, như trong câu: “Tại thiên
thành tượng, tại địa thành hình” (trên trời thành tượng, dưới đất thành hình)
trong Hệ Từ Thượng truyện.
Biểu tượng, như chữ tượng thứ nhì
trong câu này: “Thiên thùy tượng, kiến cát hung, thánh nhân tượng chi” (Trời rủ
tượng – rủ là từ trên hiện ra? – thấy điềm lành điềm dữ. Đấng thánh nhân phỏng
theo đó mà lập nên biểu tượng (Hệ Từ
Thượng truyện).
Chữ “tượng” trên trong “Thiên thùy tượng” có nghĩa là hình
thái; chữ tượng dưới trong “thánh nhân tượng chi”, có nghĩa là biểu tượng.
Biểu tượng lại phân biệt làm hai thứ:
Vật tượng, biểu tượng một vật (như
quẻ Li biểu tượng lò lửa).
Ý tượng, biểu tượng một ý (như quẻ
Càn biểu tượng sự cương cường; quẻ Khôn biểu tượng sự nhu thuận).
Trong Tượng Truyện,
ý tượng được dùng nhiều hơn cả, nhất là trong Tiểu Tượng. Tiểu Tượng truyện
cốt giải ý của mỗi hào, một hào khó có thể có một hình thái, khó là một vật
tượng được, nên thường diễn được một ý tượng, Richard Wilhelm trong cuốn I Ching (bản dịch ra tiếng Anh của nhà
Routledge và Kegan Paul – London – 1951) trang 257, đã nhận thấy vậy cho nên
bảo những lời giải thích mỗi hào trong Tiểu
Tượng truyện không liên quan gì tới hình tượng cả (do not deal in any way
with images) và ông ngỡ rằng vì lầm
lẫn mà sắp những lời đó vào Tượng truyện.
Đoạn trên chúng ta đã biết Thoán truyện giải nghĩa lời đoán trong Thoán Từ của mỗi quẻ.
Đại Tượng
truyện lại giải thích thêm về ý tượng của
mỗi quẻ nữa. Như quẻ Càn, Đại Tượng
truyện chép:
Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức (天行键, 君子以自强不息):
Sự vận chuyển của trời đất rất mạnh (không lúc nào nghỉ), người quân tử cũng
theo trời mà tự cường không nghỉ.
Đó là về toàn quẻ. Về riêng mỗi hào, Chu Công đã đặt ra Hào Từ để giải thích mỗi hào; đời sau
lại viết thêm Tiểu Tượng truyện để
giải thích… (lời Chu Công), nhưng lời Tiểu
Tượng truyện lại ngắn, nhiều khi chỉ lặp lại thôi.
Chẳng hạn quẻ Càn , hào sơ, Hào Từ của Chu Công bảo:
Tiềm long vật dụng (rồng còn ẩn náu, không dùng được), Tiểu Tượng truyện lặp lại, chỉ thêm bốn
chữ: “dương tại hạ dã”: (chữ Hán)[24]… nghĩa là rồng còn ẩn náu, không dùng được, vì hào dương ở
dưới cùng.
Hào hai, Hào Từ là:
Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân (coi nghĩa trang
trước) Tiểu Tượng “giảng” là: Hiện
long tại điền, đức thi phổ dã.
Nghĩa là: rồng đã hiện lên cánh đồng, đức đã ban bố khắp
nơi.
Hào ba, Hào Từ là:
Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược, lệ, vô cữu (coi
trang trước) Tiểu Tượng “giảng”:
Chung nhật càn càn, phản phục đạo dã.
Nghĩa là suốt ngày hăng hái tự cường, trở đi trở lại, cốt
cho đúng đạo lí (có nghĩa là chưa tiến được). Ba hào sau cũng vậy.
Cả Đại Tượng truyện
lẫn Tiểu Tượng truyện đều có tính
cách gượng ép, vì quá thiên về luân lí, về đạo trị nước, xử thế của người quân
tử, nên nhiều khi bỏ ý nghĩa của Thoán Từ,
Hào Từ.
Ví dụ quẻ Lữ (số 56) Thoán
Từ nói về cách xử thế của người tha hương ở đậu phải mềm mỏng, vừa tự
trọng, giữ được phẩm cách của mình; vậy mà Đại
Tượng truyện lại đem áp dụng vào việc hình pháp, khuyên nhà chức trách phải
xử đoán sáng suốt, thận trọng, đừng giam tội nhân quá lâu trong ngục.
Hào 2 quẻ Tiệm (số 53) nói về hoàn cảnh một người bắt đầu
tiến được một cách dễ dàng, như con chim hồng đã rời bờ nước mà tiến lên một
phiến đá lớn, vui vẻ, ung dung, ăn uống thảnh thơi. Tiểu Tượng truyện khuyên: được người ta giúp đỡ thì phải làm gì đáp
lại, chứ đừng ăn không.
Đúng là cái giọng của “Dịch
Kinh Tân luận” đã nói.
Tóm lại, Tượng truyện
tuy cũng giúp ta hiểu thêm được Thoán Từ
và Hào Từ, nhưng ít thôi.
Thoán truyện và Đại truyện đều
để giải thích cả quẻ tùy theo nguyên tắc, Thoán
truyện giải thích lời đoán (Thoán Từ)
của Văn Vương, Đại Tượng truyện giải
thích “ý tượng” của mỗi quẻ, nhưng sự phân biệt đó, nhiều khi rất tế nhị, chung
qui đều là giải thích ý nghĩa của quẻ; chỉ khác Thoán truyện theo sát Thoán
Từ mà Đại Tượng truyện thì thường bàn ra ngoài đưa thêm tư tưởng đạo lí
vào.
Còn Tiểu Tượng truyện
tuy để giải thích “ý tượng” của mỗi hào, nhưng đa số chỉ lặp lại lời Hào Từ của Chu Công, rồi giảng thêm về
đạo lí có khi lạc đề++, gượng ép.
III. Hệ Từ truyện
Cũng gồm hai thiên thượng và hạ nhưng có lẽ chỉ vì dài nhất
(cho nên còn có tên là Đại truyện) mà
chia hai, chứ cả hai thiên đều chứa những nhận xét linh tinh, những chú giải
chung về Chu Dịch, sắp đặt lộn xộn,
không theo một thứ tự nào cả.
Theo Chu Hi thì Hệ Từ
vốn là của Văn Vương và Chu Công làm ra rồi buộc (hệ: buộc) ở dưới mỗi quẻ, mỗi
hào thành lời kinh văn ngày nay. Còn Hệ
Từ truyện là lời Khổng Tử giải thích Hệ
Từ và đồng thời bàn về cả đại thể của kinh.
Lời của Chu Hi rất lờ mờ. Nếu Hệ Từ là những lời của Văn Vương và Chu Công viết ra để giảng thêm
và buộc vào dưới mỗi quẻ mỗi hào, thì tất phải phân biệt được lời nào thuộc quẻ
nào, lời nào thuộc hào nào, chứ sao lại hầu hết là những lời bàn về đại thể của
kinh, như chúng ta thấy ngày nay.
Xét nội dung Hệ Từ truyện, chúng ta không thấy phần nào là
Hệ Từ, phần nào là Hệ Từ truyện để giải thích Hệ Từ, chỉ thấy toàn là những
truyện, bàn về:
Lẽ càn khôn (thiên thượng – Chương 1)
Việc thánh nhân làm dịch, (thiên thượng – Chương 2).
Sự to lớn của đạo dịch, (thiên thượng – Chương 4, Chương 7).
Lẽ âm dương (thiên thượng – Chương 5, 6)
Các con số đại diễn trong dịch và phép bói (thiên thượng –
Chương 9.)
Công dụng của đạo dịch (thiên thượng – Chương 10).
Việc bói (thiên thượng – Chương 11, 12)
Sự tốt xấu trong quẻ và hào (thiên hạ – Chương 1)
Cổ nhân lấy tượng ở các quẻ mà tạo đồ dùng (thiên hạ –
Chương 2).
Luật tuần hoàn và luận lí trong dịch (thiên hạ – Chương 5)
Hào nhị và hào tứ khác nhau ra sao, hào tam và ngũ khác nhau
ra sao (thiên hạ – Chương 9). Xét chung về dịch (thiên hạ – Chương 12) v.v…
Như vậy lời của Chu Hi sai, chúng ta chắc chắn rằng Văn
Vương và Chu Công không hề viết Hệ Từ. Mà Khổng Tử cũng không hề viết Hệ Từ
truyện vì có nhiều đoạn bắt đầu bằng chữ “Tử viết” (Thầy nói), chẳng hạn đoạn ở
đầu Chương 7 Thiên thượng, đoạn cuối Chương 8 Thiên thượng, đoạn cuối Chương 9
Thiên hạ v.v… (coi phần dịch ở cuối sách).
Chỉ có thể bảo rằng Hệ
Từ truyện do môn sinh xa của Khổng Tử chép lại thôi, mà cũng không phải của
một môn sinh, tất phải là cả một nhóm môn sinh chép. Vũ Đồng bảo truyện này
xuất hiện chậm hơn hai truyện Thoán
truyện và Tượng truyện. Tôi ngờ
rằng có một số Chương như chương 9 Thiên
thượng viết về các con số, xuất hiện vào cuối Chiến Quốc hoặc đầu Hán.
Chúng ta nhận thấy rằng cả trong Thoán Từ, Hào Từ, Thoán truyện, Tượng truyện, không hề thấy chữ dịch [易], trong Hệ Từ Thượng truyện, Chương 4, mới xuất
hiện chữ đó: Dịch dữ thiên địa chuẩn… (đạo dịch làm chuẩn đích với trời đất).
Hai chữ âm dương cũng chỉ xuất hiện ở Hệ
Từ Thượng truyện, Chương 5: Nhất âm nhất dương chi vị đạo. (Một âm, một
dương gọi là đạo).
Cũng trong truyện III[25] này chúng ta thấy nói đến Bào Hi (Phục Hi), Hà đồ, Lạc thư.
Nội dung của truyện vừa nhiều vẻ, vừa phong phú, cho nên chúng tôi sẽ dịch
trong một phần sau[26].
IV. Văn Ngôn Truyện
Văn Ngôn truyện (giảng về “lời văn” tức lời kinh) tuy ngắn nhưng cũng quan
trọng, cũng có những ý sâu sắc, cũng do Khổng phái viết – theo Vũ Đồng thì vào
đời Tần.
Truyện này chia làm hai thiên: Thiên thượng bàn về quẻ Thuần
Càn, thiên hạ bàn thêm về Thuần Khôn (nhưng nhiều sách chỉ kể là một thiên),
nói về ý nghĩa của hai quẻ đó đối với bản tính và hành vi của con người. Sáu
quẻ Thuần khác (Khảm, Li, Cấn, Đoái, Chấn, Tốn) không được bàn thêm như vậy, có
lẻ vì không có ý nghĩa gì liên quan chặt chẽ với con người như hai quẻ Càn,
Khôn.
Lời văn trong truyện thứ tư này có chỗ giống Trung Dung[27], Đại Học, có chỗ
giống văn Mạnh Tử. Nhưng có khuyết
điểm là không đều. Có nhiều đoạn ý sâu sắc, lời cô đọng, đăng đối, như đoạn
dưới đây giảng về hào 3 quẻ Càn: “Tử
viết: Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung Tín sở dĩ tiến đức dã; tu từ lập kì
thành, sở dĩ cư nghiệp dã; tri chí chí chi, khả dữ cơ dã, tri chung chung chi,
khả dữ tồn nghĩa dã. Thị cố cư thượng vị nhi bất kiêu, tại hạ vi nhi bất ưu”.
“Thầy nói: Người quân tử tiến đức tu nghiệp (sự nghiệp). Giữ
trung tín để tiến đức, sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng lòng thành để lập sự
nghiệp; biết được như thế mới là biết đến nơi, biết được đến nơi thì làm cho
đến nơi, do đó có thể thấy được đạo lí vi diệu; biết được chỗ cuối cùng của sự
việc thì làm cho tới chỗ cuối cùng, do đó mà giữ được điều nghĩa. Cho nên người
quân tử ở địa vị cao mà không kiêu, ở địa vị thấp mà không lo…?”
Rõ ràng tác giả đoạn đó chịu ảnh hưởng của Đại học, Trung Dung. Trái lại có những
câu ngắn không diễn một ý gì mới, chỉ như lặp lại lời trong Tiểu Tượng truyện, như câu: “Tiềm long
vật dụng, hạ dã”.
rồi câu: “Tiềm long vật dụng, dương khí tiềm tàng”.
Hai câu đó đều ở trong Văn
Ngôn truyện (quẻ Càn) so với câu trong Tiểu
Tượng truyện:
Vì vậy chúng tôi sẽ không dịch trọn Văn Ngôn truyện, chỉ lựa ít đoạn bổ túc cho Thoán truyện, Tượng truyện,
mà cho xen vào lời giảng hai quẻ Thuần Càn, Thuần Khôn, ở phần sau thôi.
V. Thuyết Quái Truyện
Giảng về tám quẻ đơn căn bản.
Truyện này chỉ có một thiên gồm 11 chương ngắn, bàn nhiều về
bói, chủ ý để dùng vào việc bói, và nhiều chỗ nghĩa rất tối, không ai hiểu
được, như ở các chương 5, 6, 10, 11; nội dung cũng không đều, vài đoạn có thể
so sánh với Hệ Từ truyện được, còn đa
số lời rất thô thiển, có chỗ thoát văn.
nghĩa các quẻ có từ thời cổ, trước
Khổng Tử xa, rồi sau môn sinh của Khổng Tử (Vũ Đồng cho là ở đời Hán) giảng
thêm.
Chúng tôi sẽ không dịch truyện này, chỉ giới thiệu vài đoạn.
Đầu truyện, tác giả viết:
“Thánh nhân đời xưa làm Kinh
Dịch để giúp việc thần minh một cách sâu kín mà đặt ra cách bói cỏ thi”
(Tích giả thánh nhân chi tác dịch dã, u tán ư thần minh nhi sinh thi).
Vậy mục đích Kinh Dịch
là để bói. Nhưng qua chương 2, tác giả cũng bảo đạo làm người phải thuận với
đạo trời, đạo đất: “Thánh nhân đời xưa làm Kinh
Dịch, là để thuận cái lẽ về tính mệnh, cho nên dựng cái đạo trời là âm với
dương, dựng cái đạo đất là cứng với mềm, dựng cái đạo người là nhân nghĩa, gồm
tam tài (là ba ngôi vị trời, đất, người) mà gấp đôi lên cho nên ở Kinh Dịch vạch sáu nét mà thành quẻ[28] chia
ra âm dương mềm cứng thay đổi nhau…”
Cho hiểu mục đích Kinh
Dịch rồi, tác giả giảng ý nghĩa của mỗi quẻ đơn: “Càn là mạnh, Khôn là
thuận, Chấn là động, Tốn là vào, Khảm là hãm, Li là sáng, Cấn là ngăn lại, Đoái
là vui” (càn kiện dã, khôn thuận dã, chấn động dã, tốn nhập dã, khảm hãm dã, Li
lệ dã, Cấn súc dã, Đoái duyệt dã) – Chương 7.
Sau cùng từ Chương 8 đến Chương 11, tác giả cho biết mỗi quẻ
tượng trưng cho những vật gì:
“Càn là con ngựa, Khôn là con bò, Chấn là con rồng, Tốn là
con gà, Khảm là con lợn, Li là con trĩ, Cấn là con chó, Đoái là con dê” –
Chương 8.
“Càn là trời, là hình tròn, là ông vua, là người cha, là
ngọc, là vàng là băng, là sắc đỏ thẳm, là con ngựa tốt, là con ngựa già, là con
ngựa gầy, là con ngựa vằn, là trái cây” – Chương 11.
“Li là lửa,… là áo giáp mũ sắt… là bụng lớn… là con ba ba,
con cua, con tò vò…” – Chương 11.
Trích bấy nhiêu chúng tôi thấy đã đủ để độc giả nhận được
giá trị truyện này ra sao rồi. So với Kinh
thì nhiều chỗ không đúng, có thể là của một bọn thầy bói đặt ra, người sau
chẳng phán đoán gì cả, cứ tom góp cho thật nhiều thôi.
VI. Tự Quái Truyện
Có mục đích giải thích về thứ tự các quẻ. Trong bản Chu Dịch ngày nay 64 quẻ không sắp theo
thứ tự của Trùng quái của
Phục Hi (dùng Tiên thiên bát
quái), cũng không theo thứ tự của Văn
Vương (dùng Hậu thiên bát quái) – mà
theo một thứ tự riêng: 1. Thuần Càn, 2. Thuần Khôn, 3. Thủy lôi Truân, 4. Sơn
thủy Mông, 5. Thủy thiên Nhu… Sự sắp đặt này không rõ
có từ thời nào, do ai.
Tác giả Tự Quái truyện,
chắc chắn không phải là Khổng Tử (Vũ Đồng ngờ là một người đời Hán) giảng cho
ta tại sao lại sắp theo thứ tự như vậy. Truyện tuy ngắn mà cũng chia làm hai
thiên: thiên thượng về thứ tự 30 quẻ đầu, thiên hạ về 34 quẻ sau. Theo tác giả
thì sở dĩ chia như vậy là vì thiên thượng mở đầu bằng hai quẻ Càn và Khôn, nói
về vũ trụ, có những luật trong vũ trụ thiên hạ mở đầu bằng hai quẻ Hàm và Hằng,
nói về nhân sự và những gì xảy ra trong xã hội. Có trời đất (Càn, Khôn, tức vũ
trụ), rồi sau mới có vạn vật, nam nữ (Hàm), vợ chồng (Hằng), cha con, vua tôi,
lễ nghĩa v.v… đó là sự diễn biến tự nhiên trong vũ trụ.
Nhưng sự thực, trong thiên thượng có rất nhiều quẻ nói về
nhân sự, như Tụng, Sư, Đồng nhân, Cổ, Di, Phệ hạp…; mà trong thiên hạ cũng có
nhiều quẻ nói về luật vũ trụ như Tiệm, Tốn, Ích, Vị tế… Vậy thứ tự của các quẻ
không luôn luôn có ý nghĩa rành rẽ như tác giả muốn.
Lại thêm nhiều khi ông cố gò cho có sự liên lạc về ý nghĩa
giữa quẻ trước và quẻ sau, chẳng hạn bảo: “có trời đất – tức Càn và Khôn – rồi
vạn vật mới sinh ra. Đầy trong khoảng trời đất là vạn vật, cho nên tiếp tới quẻ
Truân: truân là đầy, Truân là lúc vạn vật mới sinh ra; vạn vật mới sinh thì còn
non trẻ, mù mờ, cho nên tiếp tới quẻ Mông; mông là mù mờ, non trẻ, vật còn non
trẻ thì phải nuôi, cho nên tiếp tới quẻ Nhu: nhu là đạo ăn uống; ăn uống tất có
kiện cáo, nên tiếp theo là quẻ Tụng; kiện cáo thì tất cả có nhiều người đứng
dạy, nên tiếp theo là quẻ Sư: sư là quần chúng đông người v.v…
Chúng tôi không biết chữ truân 屯 thời xưa có nghĩa là đầy, là lúc vạn vật mới sinh ra không,
chứ các bộ Từ Hải, Từ Nguyên ngày nay không có nghĩa đó,
chỉ có nghĩa là gian nan. Có thể tác giả hiểu rằng khi mới sinh ra thì gian
nan, cũng có lí một phần; còn nghĩa “đầy” mà thành ra nghĩa gian nan thì có lẽ
tại đã đầy rồi, khó giữ cho đầy hoài, cũng còn có thể hiểu được.
Nhưng tại sao “ăn uống tất có kiện cáo?” mà kiện cáo đâu có
nghĩa đông người bằng chiến tranh, đình đám chẳng hạn? Sự giải thích của tác
giả không khỏi có chỗ khiên cưỡng.
Lời giải thích về quẻ Cấu cũng rất gượng ép. Quẻ trên nó là
quẻ Quải. “Quải có nghĩa là quyết, phán quyết; phán quyết xong rồi thì biết
được lành hay dữ, tất có người mà gặp gỡ (!), cho nên sau quẻ Quải tới quẻ Cấu,
Cấu là gặp gỡ”.
Lại thêm, để giải thích, Tự
Quái truyện có khi dùng một nghĩa khác với nghĩa trong Thoán Từ và Hào Từ. Như
quẻ Nhu, Tự Quái truyện dùng nghĩa là
cần thiết, thức ăn, để cho có sự liên lạc về ý nghĩa với quẻ Mông (nhỏ thơ) ở trên nó: trẻ thơ cần
được nuôi bằng thức ăn cần thiết; nhưng trong Thoán Từ và Hào Từ thì
Nhu có nghĩa là chờ đợi.
Quẻ Tiểu súc cũng vậy: Tự
Quái truyện dùng theo nghĩa súc
là nuôi, mà Thoán Từ và Hào Từ thì cho súc là ngăn cản. Quẻ Đại súc, Hào
Từ cũng cho súc là ngăn cản (nhưng Thoán
Từ lại cho là súc tích).
Mặc dầu gượng ép như vậy, trong phần dịch các quẻ, chúng tôi
cũng sẽ trích trong Tự Quái truyện mà
đặt lên đầu từng quẻ.
VII. Tạp Quái Truyện
Sau cùng là Tự Quái
truyện giải thích linh tinh (tạp) về một số quẻ.
Truyện chỉ có một thiên gồm nhiều câu ngắn. Mỗi câu thường
gom hai hoặc bốn, sáu quẻ mà giải nghĩa rất vắn tắt, chẳng cho ta biết thêm
được gì cả, nhưng có vần hoặc lời đối nhau, như:
Câu đầu: “Càn
cương, khôn nhu, tỉ lạc, sư ưu, lâm, quan
chi nghĩa hoặc dữ hoặc cầu” (Quẻ Càn thì cứng, quẻ Khôn thì mềm, quẻ Tỉ thì
vui, quẻ Sư thì lo, còn nghĩa quẻ Lâm và quẻ Quan là cùng nhau đi với nhau hay
là tìm đến nhau).
Có câu rất tối nghĩa như: “Phệ hạp thực dã, bí vô sắc dã”
(Phệ hạp là ăn, Bí là không có màu sắc).
Bí là không có màu sắc, thật khó hiểu. Chu Hi giải thích là:
“Sắc trắng thì chịu được màu đẹp”, cũng chẳng giúp ta hiểu thêm được gì.
Legge (sách đã dẫn) cho truyện này chỉ là “jeu d’esprit”
(trò chơi dùng trí).
Tác giả có thể là một người đời Hán.
Tóm lại trong phần truyện:
Hai truyện đầu Thoán truyện và Tượng truyện
để giải thích Quái từ tức Thoán Từ
của Văn Vương và Hào Từ của Chu Công,
cần phải đọc.
Hai truyện kể: Hệ Từ truyện và Văn Ngôn
truyện có giá trị, nhiều ý nghĩa hơn cả.
Còn ba truyện cuối: Thuyết
Quái truyện, Tự Quái truyện, Tạp Quái truyện rất tầm thường, tệ nhất
là Tạp Quái truyện.
Bảy truyện đó – cổ nhân gọi là mười vì Thoán truyện, Tượng truyện,
Hệ Từ truyện, mỗi truyện kể là hai
(thượng và hạ) – hiển nhiên là do nhiều người trong nhiều thời đại viết (có thể
một số diễn lại tư tưởng của Khổng Tử, chứ ông không hề viết) cho nên giá trị
đã không đều, tư tưởng không nhất trí, lại thêm có nhiều chỗ thoát văn, tối
nghĩa (ngay cả trong Hệ Từ truyện
nữa: như đoạn 2 chương 8 Hạ truyện:
“Kì xuất nhập dĩ độ, ngoại nội sử tri cụ” 其出入以度外內使知懼 –
chẳng ai hiểu là gì) cho nên trong phần sau, chúng tôi chỉ dịch riêng Hệ Từ truyện, còn những truyện khác thì
trích ít nhiều đoạn cho vào chỗ giải thích mỗi quẻ, mỗi hào.
Sự trình bày
Kinh Dịch xưa và nay:
Thời mới đầu, Chu Dịch
sắp riêng phần kinh (Thoán Từ và Hào Từ) rồi mới tới phần truyện. Rồi
sau, bắt đầu có lẽ là Phí Trực và Trịnh Huyền đời Hán, kế tiếp là Vương Bật đời
Ngụy mới sắp lại, cho Thoán truyện, Tượng truyện và Văn Ngôn truyện (tức những truyện giải thích các quẻ, các hào) xen
vào phần kinh, sau mỗi quẻ, mỗi hào.
Như vậy chỉ còn Hệ Từ truyện, Thuyết Quái truyện, Tự Quái truyện, Tạp Quái
truyện là in riêng ở cuối phần kinh. Các bản Chu Dịch chữ Hán ngày nay đều trình bày như vậy.
Chúng tôi thấy cách đó tiện cho người đọc, và chúng tôi theo
cụ Phan Bội Châu, trích thêm Tự Quái
truyện cho vào đầu mỗi quẻ (như đã nói). Còn Thuyết Quái truyện và Tạp
Quái truyện, chúng tôi nghĩ giới thiệu
như trên đủ rồi, không dịch hoặc trích dẫn nữa.
Chú thích.
[21]. Chữ 易 và chữ 亦 đọc hơi giống nhau nên có thể lầm với nhau được. Người trong Nam đọc Dịch là Diệc, và có một số người ít học lại viết bói Dịch là bói Việt (vì Việt họ phát âm là Diệc).
[22]. Trong Đại cương triết học Trung Quốc II – tr.239-241, chúng tôi có nói 3 thuyết chính:
Thuyết của Hán Thư (Nho lâm truyện)
cho rằng Dịch truyện tức Thập Dực của
bọn Đỗ Điền Sinh, Đông Võ, Vương Đồng, Đinh Khoan… làm ra.
Thuyết của Sử kí cho rằng Dịch truyện do một số môn sinh gần và xa của Khổng như Hàn Tí Tử Hoằng (người Sở), Kiểu Tử Dung Tì (Giang Đông), Chu Tử Gia Thu (Yên), Điền Tử Trang Hà (Tề) … đời trước truyền cho đời sau mà làm ra.
Vũ Đồng (trong sách đã dẫn), theo thuyết này và bảo: “Mười thiên Dịch truyện còn lại ngày nay đại khái là tác phẩm của bọn người này”, và Dịch truyện xuất hiện lần lần từ sau thời Mạnh Tử tới đời Hán.
Một thuyết nữa của học giả Nhật Bản Đông Điều Nhất Đường: Dịch truyện có lẽ viết vào lúc Tần cấm Thi, Thư vì trong Dịch truyện không thấy dẫn một câu Thi, Thư nào.
Cả ba thuyết trên đều không nhận rằng Khổng Tử đã viết Thập Dực; có thể Khổng Tử chỉ phát huy những giáo lí cốt yếu rồi trong mấy trăm năm sau mỗi nhà thêm một chút; những nhà đó, Vũ Đồng gọi chung là Dịch Phái.
[Về thuyết của Sử kí, trong Đại cương triết học Trung Quốc (bản của Nxb Thanh Niên, cuốn 2, trang 289), hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê còn nói đến một người tên là Thương Cù nữa. Hai cụ viết: “Sử kí thì chép: “Thương Cù (hay Cồ) là người nước Lỗ… Khổng Tử truyền sách Dịch cho Thương Cù. Cù truyền cho người nước Sở là Hàn Tí Tử Hoằng (có sách chép là Hàn Tí Tử Cung). Hoằng truyền cho người Giang Đông là Kiểu Tử Dung Tì; Tì truyền cho…” (Goldfish)].
[23]. Câu này tối nghĩa, có người cho là vẫn nói về đạo Càn. Đại minh là mặt trời, chung thủy là ngày đêm, lục vị trời đất và bốn mùa: nghĩa vẫn không xuôi.
[24].
(Chữ Hán): sách in như vậy, không rõ có nghĩa gì? Chữ Hán của mấy chữ “dương
tại hạ dã” là: 陽在下也. (Goldfish)
Trung Dung,
chương 11: “Quân tử y hồ trung dung, độn thế bất kiến tri nhi bất hối”: Người
quân tử theo đạo trung dung, trọn đời, chẳng ai thấy, biết mình mà không ăn năn.
Văn ngôn, quẻ Càn, hào 1: “… độn thể vô muộn, bất kiến nhi vô
muộn”:… trốn đời mà không buồn, đời không cho mình là phải mà không buồn.
Trung Dung,
chương 13: “Dung đức chi hành, dung ngôn chi cẩn”: thi hành cái đức bình thường
(mà bất biến), cẩn trọng trong lời nói bình thường.
Văn ngôn, quẻ Càn, hào 2: “Dung ngôn chi tín, dung hành chi cẩn”:
Trong lời nói thường ngày, giữ
được đức tín, trong hành vi thường ngày, giữ được cẩn trọng.
Vì những chỗ giống nhau như vậy nên tác giả Văn ngôn không phải là Khổng Tử mà là
một người sống sau Tử Tư (tác giả Trung
Dung).
[28]. Ý muốn nói: vì có tam tài (ba ngôi) nên mỗi quẻ đơn gồm ba hào (mỗi hào cho một ngôi: hào 1 là đất, hào 2 là người, hào 3 là trời), rồi hai quẻ đơn chồng lên nhau (gấp đôi lên) thành 6 hào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét