Hình vẽ minh họa Mạnh Tử - Bảo tàng Cố cung Quốc gia |
1. Thái Sử Công nói:
- Tôi đọc sách Mạnh Tử đến chỗ Huệ Vương nước Lương hỏi, “Lấy gì làm lợi cho nước tôi”, không lúc nào không bỏ sách mà than: Than ôi! Lợi quả thực là đầu mối loạn vậy! Khổng Tử ít nói “lợi” là thường đề phòng cái gốc của “loạn”. Cho nên nói “theo lợi mà làm thì nhiều sự oán”. Từ thiên tử đến người thường, cái tệ tham lợi có khác gì nhau!
2. Mạnh Kha, người huyện Trâu, thụ nghiệp ở học trò của Tử Tư. Khi đã thông đạo lý, Mạnh Kha sang thờ Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương không biết dùng, ông đi sang Lương. Lương Huệ Vương cũng do dự, thấy những lời Mạnh Kha nói, cho là viễn vông không sát sự tình. Lúc bấy giờ Tần dùng Thượng Quân mà nước giàu binh mạnh; Sở, Nguỵ dùng Ngô Khởi mà đánh thắng làm yếu địch; Tề Uy Vương, Tề Tuyên Vương dùng bọn Tôn Tử, Điền Kỵ mà chư hầu hướng về đông chầu Tề. Thiên hạ đang lo hợp tung, liên hoành, lấy việc đánh nhau làm giỏi. Thế mà Mạnh Kha lại nói đạo đức của các đời Đường, Ngu, Tam Đại. Vì thế, ông đi đến đâu cũng không được vừa ý. Ông lui về cùng bọn Vạn Chương xếp đặt thứ tự trong Kinh Thi, Kinh Thư, thuật cái ý của Trọng Ni, làm ra bảy thiên sách Mạnh Tử.
Mạnh Tử, từ cuốn 'Myths and Legends of China',
1922 của E. T. C. Werner
Sau Mạnh Kha có bọn Trâu Tử, Tề có ba Trâu Tử. Trước tiên có Trâu Kỵ lấy việc đánh đàn cầm can Uy Vương, nhân đấy được dự chính sự, phong làm Thành Hầu mà nhận ấn tướng quốc. Ông ta sống trước Mạnh Tử. Thứ đến Trâu Diễn, sống sau Mạnh Tử. Trâu Diễn thấy những vị vua các nước càng hoang dâm, xa xỉ, không hay chuộng đức như các bậc đại hiền, trước sửa đức ở thân mình, rồi sau ban bố đức ấy đến kẻ dân hèn. Trâu Diễn bèn xem xét kỹ sự tiêu diệt, sinh trưởng của âm dương mà viết ra việc biến chuyển lạ lùng, viễn vông. Đầu đuôi thiên Đại Thánh hơn mười vạn chữ, lời lẽ mông mênh rộng lớn không giống lời thường thấy. Phải trước nghiệm vật nhỏ rồi cứ suy rộng ra đến chỗ vô bờ bến. Trước kể từ đời này rồi đi ngược lên đến thời Hoàng Đế. Các học giả cũng theo đại thể và đời thịnh suy, rồi nhân thế chép những điều lành điều gỡ, và các chế độ, suy xa ra đến khi trời đất chưa sinh, mờ mịt không thể khảo cứu mà xét đến cùng được. Trước tiên ông ta kể những danh sơn, rộng lớn, hang hốc, cầm thú, các sản vật quý do các thuỷ thổ sinh ra ở Trung quốc. Nhân thế, ông ta suy ra đến những cái ở ngoài bể, mà người ta không trông thấy được. Trâu Diễn nói, “từ khi khai thiên lập địa đến giờ, năm đức chuyển vần, việc chính trị mỗi thời mỗi khác nhưng đều phù hợp với sự chuyển vận ấy. Cái mà bọn nhà nho gọi là Trung quốc, chỉ chiếm một phần tám mươi mốt của thiên hạ. Trung quốc tên là Xích Huyện Thần Châu. Bản thân Xích Huyện Thần Châu có chín châu. Nhưng chín châu của vua Vũ không được kể vào số châu này. Ngoài Trung quốc có chín chỗ như Xích Huyện Thần Châu, tức là Cửu Châu. Rồi ở ngoài Cửu Châu ấy lại có bể nhỏ bao quanh, nhân dân cầm thú không thể giao thông với nhau như ở trong một khu, thế mới là một châu. Có chín châu như thế lại có bể cả bao bọc ở ngoài là chỗ trời đất giáp nhau. Học thuật của ông đều đại loại như thế. Song tóm lại, đều cốt ở nhân, nghĩa, tiết kiếm, những điều thi hành ở giữa vua tôi trên dưới, sáu bậc thân, đấy mới là bắt đầu thôi. Các bậc Vương công, đại nhân, thoạt tiên thấy thuyết của ông ta đều kính sợ lo lắng muốn thay đổi theo, nhưng sau không thể làm được. Vì thế Trâu Tử được trọng ở nước Tề. Trâu Tử đến nước Lương, Lương Huệ Vương ra tận ngoài đồng đón, giữ lễ khách chủ. Trâu Tử đến nước Triệu, Bình Nguyên Quân đi nghiêng người, áo quệt chiếu. Trâu Tử sang nước Yên, Chiêu Vương cầm chổi quét đất đi trước, xin ngồi vào chỗ các đệ tử để thụ nghiệp, dựng cung Kệ Thạch, thân hành thờ Trâu Tử làm thầy. Trâu Tử làm ra thiên Chủ Vận. Trâu Tử đi chơi các nước chư hầu được tôn kính như thế, đâu giống như Trọng Ni bị đói ở nước Trần, nước Thái; Mạnh Kha bị khốn ở nước Tề, nước Lương? Cho nên Vũ Vương lấy nhân nghĩa đánh Trụ mà nên nghiệp vương; Bá Di đói không ăn thóc nhà Chu; Vệ Linh Công hỏi việc chiến trận mà Khổng Tử không đáp; Lương Huệ Vương mưu đánh Triệu, Mạnh Kha nói việc Thái Vương bỏ đất Mân. Họ đâu phải chỉ biết a dua theo đời. Cầm cái cốt vuông muốn tra vào cái lỗ tròn, thì lọt sao được? Có người nói Y Doãn đội vạc mà giúp vua Thang, lập được nghiệp vương; Bách Lý Hề cho trâu ăn ở dưới xe mà giúp Mục Công nên nghiệp bá. Trước được hợp ý rồi sau mới đưa các vua ấy đến đạo lớn. Trâu Diễn nói tuy không theo khuôn phép, nhưng nếu đem dùng cũng có cái ý như đem vạc nấu trâu mà nấu gà chăng?
Trâu Diễn cùng các thầy ở dưới núi Tắc Môn nước Tề như bọn Thuần Vu Khôn, Thận Đáo, Hoàn Uyên, Tiếp Tử, Điền Biền, Trâu Thích đều làm sách nói việc trị loạn để cầu hợp ý các vua đương thời, nào có thể kể hết được!
Thuần Vu Khôn thử tài Trâu Kỵ |
3. Thuần Vu Khôn, người nước Tề, nghe rộng, nhớ nhiều, học không chuyên chú vào cái gì. Về việc can gián và du thuyết, Khôn hâm mộ tư cách của Án Anh, nhưng lại cốt ở chỗ đón ý nhà vua, nhìn xem sắc mặt. Có người khách đưa Khôn vào yết kiến Lương Huệ Vương. Huệ Vương đuổi các người tả hữu ra, ngồi một mình để tiếp kiến Khôn. Lần thứ hai, Khôn vẫn không nói gì. Huệ Vương lấy làm lạ, trách người khách:
- Ngươi khen Quản Trọng, Án Anh không bằng Thuần Vu tiên sinh. Nhưng lúc yết kiến quả nhân, quả nhân vẫn không được nghe gì. Có lẻ nào quả nhân không đáng để ông ta nói chuyện ư? Tại sao thế?
Người khách nói lại với Khôn. Khôn nói:
- Đúng thế! Tôi lần trước yết kiến nhà vua, thấy nhà vua đang nghĩ đến việc rong ruổi; lần sau lại yết kiến, thấy nhà vua để ý đến thanh âm. Vì thế, tôi im lặng không nói gì.
Người khách về báo lại đầu đuôi với Huệ Vương. Nhà vua cả sợ, nói:
- Ôi! Thuần Vu tiên sinh thật là thánh nhân vậy! Lần trước Thuần Vu tiên sinh đến thì có người dâng ta con ngựa hay, ta chưa kịp coi thì gặp tiên sinh đến. Lần sau, có người dâng ta người hát hay, ta chưa kịp thử cũng lại gặp tiên sinh đến. Quả nhân tuy đã đuổi người chung quanh ra ngoài, song lòng riêng quả thực đang nghĩ đến những cái đó.
Sau đó Thuần Vu Khôn lại đến yết kiến, nói chuyện suốt ba ngày ba đêm không mỏi. Huệ Vương muốn cho Khôn làm địa vị khanh tướng, Khôn bèn từ tạ để đi. Bấy giờ Huệ Vương lấy xe êm, thắng bốn ngựa, bó lúa, thêm ngọc bích và một trăm nén vàng tiễn Khôn. Khôn suốt đời không ra làm quan.
4. Thận Đáo là người nước Triệu. Điền Biền, Tiếp Tử là người nước Tề. Hoàn Uyên là người nước Sở, đều theo học thuyết về đạo đức của hoàng đế, Lão Tử, nhân mở rộng ra, xếp đặt ý nghĩa có thứ tự. Cho nên Thận Đáo làm Thập Nhị Luận, Hoàn Uyên làm Thượng Hạ Thiên, còn Điền Biền, Tiếp Tử đều có lời bàn luận.
5. Trâu Thích là người trong bọn môn đồ Trâu Diễn nước Tề, cũng chọn lọc lấy nhiều điều trong học thuật của Trâu Diễn để chép thành văn. Vì thế, Tề Vương khen ngợi Thích. Từ hạng Thuần Vu Khôn trở xuống đều được gọi là “Liệt đại phu”. Nhà vua sai làm cho toà nhà ở chỗ đường ngã năm ngã sáu có cửa cao nhà lớn, tỏ sự tôn trọng yêu quý, đón tiếp các tân khách của chư hầu trong thiên hạ để nói rằng nước Tề mời được các hiền sĩ trong thiên hạ.
6. Tuân Khanh người nước Triệu, năm mươi tuổi mới đi học ở nước Tề. Học thuyết của Trâu Diễn thì vu khoát, huênh hoang, chỉ nói suông. Trâu Thích thì văn hoa đầy đủ nhưng khó thi hành. Thuần Vu Khôn thì ở lâu mới có được điều hay. Cho nên người Tề có câu ca, “Nói trời nói đất là Diễn; vẽ rồng vẽ phượng là Thích, hơ bầu dầu xe (1) là Khôn”. Bọn Điền Biền đều đã chết trong thời Tề Tuyên Vương. Tuân Khanh là bậc thầy già nhất. Nước Tề tôn kính là “Liệt đại phu”, và Khanh ba lần làm tế tửu. Có người Tề gièm Tuân Khanh. Tuân Khanh bèn sang Sở. Xuân Thân Quân cho Tuân Khanh làm huyện lệnh Lan Lăng. Xuân Thân Quân chết rồi, Tuân Khanh lui về, nhân làm nhà ở Lan Lăng. Lý Tư có lần đến theo học và sau làm thừa tướng nước Tần.
Tuân Khanh ghét chính sự thời dơ đục, nước mất, vua hỏng luôn luôn nối nhau. Các vua không theo được đạo lớn mà lo cúng tế, bói toán, tin điều may, điều rủi. Bọn nho bỉ lậu, câu nệ, nhỏ nhen như bọn Trang Chu lại dùng lối khôi hài làm rối loạn phong tục. Tuân Khanh bèn xét những hành vi đạo đức của đạo Nho, đạo Mặc, xét nguồn gốc của việc hưng thịnh, bại vong, liệt thành thứ tự, làm ra sách vài vạn chữ, rồi chết, chôn ở huyện Lan Lăng.
Công Tôn Long |
7. Ở nước Triệu cũng có Công Tôn Long chủ trương thuyết “cứng” và “trắng” giống nhau và khác nhau và có lời nói của Kịch Tử.
Tượng Lý Khôi |
8. Ở nước Nguỵ có thuyết của Lý Khôi về việc dùng hết cái sức của đất. Ở nước Sở có sách Thi Tử, Trường Lô. Ở Châu A nước Tề có sách Hu Tử. Từ Mạnh Tử đến Hu Tử, đời có nhiều sách, cho nên không bàn chuyện của những người ấy.
Mặc Địch |
9. Mặc Địch là đại phu nước Tống, giỏi việc chống giữ, chủ trương tiết kiệm trong việc dùng. Có người bảo Mặc Địch đồng thời với Khổng Tử. Có người bảo sống sau Khổng Tử (Tư Mã Thiên rất chú trọng đến những nhà tư tưởng gia. Không những ông dành một thiên cho Khổng Tử, mà còn nói đến tất cả các nhà tư tưởng của Trung quốc cổ. Ngoài những thiên nói về Khổng Tử, Lão Tử, v…v…, tác giả còn viết thiên Trọng Ni đệ tử truyện, nói về các học trò của Khổng Tử như Tử Du, Tử Hạ, Nhan Hồi, v…v… và thiên Nho Lâm liệt truyện nói về các nhà Nho đời Tần và đời Hán ).
................................................
(1). Bầu đựng dầu của xe tuy hết dầu, nhưng hơ nóng thì còn có dầu chảy ra. Ý nói Thuần Vu Khôn có nhiều trí thức khó mà hết được.
o0o
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét