Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

17. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN - Trần Thừa Tướng Thế Gia

Gảy đàn
Tranh Phó Bão Thạch, 

17. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN

(Tư Mã Thiên)
Trần Thừa Tướng Thế Gia

Trần thừa tướng tên là Bình, người làng Hộ Dũ, huyện Dương Vũ. Lúc nhỏ, Bình nhà nghèo ham đọc sách, có ba mươi mẫu ruộng, chỉ ở một mình với anh là Bá. Bá thường cày ruộng, cho Bình tha hồ đi học ở xa. Bình người cao lớn, đẹp trai. Có người nói với Bình:

- Anh nhà nghèo ăn gì mà béo như thế?

Người chị dâu ghét Bình không lo làm ăn, nói:

- Ăn cám thôi. Có ông chú như vậy chẳng bằng không có còn hơn.

Bá nghe vậy đuổi và bỏ vợ.

Bình lớn, muốn lấy vợ nhưng các nhà giàu chẳng ai chịu gả con cho, còn lấy người nghèo thì Bình lại cho là xấu hổ. Mãi về sau, Trương Phụ, một người nhà giàu ở Hộ Dũ, có người cháu gái, gả chồng năm lần nhưng chồng chết ngay, không ai dám lấy. Bình muốn lấy cô ta. Ở trong ấp có lễ tang. Bình nghèo, đến sớm về muộn, để giúp việc. Riêng Trương Phụ thấy Bình ở nơi đám tang, có ý kính trọng Bình. Bình cũng vì thế nên về muộn. Phụ theo Bình về đến nhà: nhà Bình ở một xóm nhỏ hẻo lánh ở gần thành, lấy chiếu làm cửa, nhưng ở ngoài cửa có nhiều dấu xe của những bậc trưởng giả, Trương Phụ về, bảo con là Trọng:

- Ta muốn gã cháu gái cho Trần Bình!

Trương Trọng nói:

- Bình nghèo không lo làm ăn, người trong huyện ai cũng cười những điều anh ta làm. Tại sao cha lại gả cháu gái cho anh ta?

Phụ nói:

- Có ai đẹp trai như Trần Bình mà nghèo mãi không? Rồi Phụ gả cháu gái cho Bình. Vì Bình nghèo, nên Phụ cho mượn tiền và lụa để làm lễ cưới, cho rượu thịt để đưa vợ về nhà.

Phụ răn cháu:

- Chớ thấy nó nghèo mà không phụng sự cẩn thận! Phải thờ anh là Bá như thờ cha, thờ chị dâu như thờ mẹ.

Sau khi lấy vợ là con gái họ Trương, việc tiêu dùng của Bình cũng khá hơn, việc giao du mỗi ngày một rộng.

Trong làng có lễ tế thần xã, Bình làm người chia thịt, chia rất cân. Các bô lão nói:

- Bé con họ Trần làm anh chia thịt giỏi đấy!

Bình nói:

- Chà chà! Nếu cho Bình này làm tể tướng cả thiên hạ, thì cũng làm giỏi như chia thịt vậy! (Đoạn 1 - Trần Bình thuở hàn vi. )

2. Trần Thiệp khởi nghĩa rồi làm vương ở đất Trần, sai Chu Thị bình định đất Nguỵ, lập Nguỵ Cữu làm Nguỵ Vương, đánh nhau với quân Tần ở Lâm Tế. Trần Bình trước đấy đã từ biệt người anh là Bá, cùng đám thanh niên đến theo Nguỵ vương Cữu ở Lâm Tế.

Nguỵ Vương cho làm thái bộc (Quan coi xe, ngựa). Bình bàn bạc với Nguỵ Vương nhưng Nguỵ Vương không nghe, lại có người gièm pha, nên Bình bỏ trốn. Mãi về sau, Hạng Vương cướp đất đến Hoàng Hà, Bình theo Hạng Vương, cùng Hạng Vương vào đánh nhà Tần, được phong tước khanh. Hạng Vũ về đóng làm vua ở Bành Thành. Hán Vương quay lại bình định được đất Tam Tần rồi đem quân về hướng đông, Ân Vương phản lại nước Sở (Xem Hạng Vũ bản kỷ).

Hạng Vũ bèn cho Bình làm Tín Vũ Quân đem những người khách của Nguỵ Vương Cửu ở Sở đi đánh Ân Vương, rồi quay về. Hạng Vương sai Hạng hân phong Bình làm đô uý, cho hai ngàn lạng vàng. Không được bao lâu, Hán Vương đánh bắt được Ân Vương, Hạng Vương giận muốn tra xét các tướng tá quan lại đi đánh Ân Vương ngày trước. Trần Bình sợ bị giết, bèn niêm phong vàng và ấn lại, sai sứ đưa về cho Hạng Vương, một mình cải trang chống kiếm chạy trốn. Bình đi qua Hoàng Hà, người chèo thuyền thấy Bình người đẹp lại đi một mình, ngờ là một viên tướng bỏ trốn, chắc trong người thế nào cũng có vàng ngọc, châu báu, nên trố mắt nhìn, muốn giết Bình. Bình sợ, cởi áo ở trần, chèo thuyền giúp. Người chèo thuyền thấy y không có gì nên thôi. Bình bèn đến Tu Vũ đầu hàng Hán, nhờ Nguỵ Vô Tri xin cho được yết kiến Hán Vương. Hán Vương mời vào.

Lúc bấy giờ, Vạn Thạch Quân tên là Phần làm hầu cận cho Hán Vương, tiếp danh thiếp của Bình, đưa Bình vào yết kiến. Bọn Bình bảy người đều vào. Hán Vương cho ăn, nói:

- Thôi, cứ về nhà trọ.

Bình nói:

- Thần có việc nên mới đến đây, điều thần sẽ nói ra, không thể quá ngày hôm nay.

Hán Vương bèn nói chuyện với Bình và lấy làm thích. Hán Vương nói:

- Ở nước Sở ngươi làm chức quan gì?

Bình nói:

- Làm đô uý.

Trong ngày hôm đó Hán Vương cho Bình làm đô uý, được ngồi cùng một xe với vua, cai quản các tướng. Các tướng nhao nhao lên, nói:

- Đại vương vừa mới được một thằng lính đào ngũ của nước Sở, không biết nó hay dở thế nào, mà đã cùng ngồi ngay một xe với nó, lại cho nó cai quản bọn chúng ta là bậc đàn anh nó.

Hán Vương nghe vậy lại càng thân cận với Bình. Và cùng Bình đi về đông đánh Hạng Vương. Đến Bành Thành, Hán Vương bị Sở đánh bại, dẫn quân về, thu thập binh sĩ tan tác đến Huỳnh Dương, cho Bình làm á tướng ở dưới quyền của Hàn Vương Tín, đóng quân ở Quảng Vũ. Bọn Giáng Hầu Quán Anh gièm pha Trần Bình, nói:

- Bình tuy đẹp trai nhưng cũng như hạt ngọc trên mũ thôi, bên trong chưa chắc đã có gì. Thần nghe nói Bình lúc ở nhà thông dâm với chị dâu, thờ nước Nguỵ không được người ta dung nạp, nên bỏ trốn sang Sở; theo Sở cũng không hợp, nên lại trốn sang Hán. Nay đại vương lại cho y làm quan cao, sai cai quản các tướng. Thần nghe Bình lấy vàng các tướng, ai đưa nhiều vàng thì được địa vị tốt, ai đưa ít thì phải địa vị xấu. Bình là hạng bầy tôi lật lọng, làm loạn, xin đại vương xét.

Hán Vương nghi ngờ Bình, gọi Nguỵ Vô Tri đến trách, Vô Tri nói:

- Điều thần nói là nói về tài năng, điều bệ hạ hỏi là hỏi về đức hạnh. Nay nếu có người đức hạnh như Vĩ Sinh (người trung tín thời xưa), Hiếu Kỷ (người có hiếu thời xưa), nhưng không dùng được việc gì trong việc quyết định thắng phụ, thì bệ hạ có hơi sức nào dùng đến làm gì? Sở, Hán đang chống nhau, thần tiến kẽ sĩ có mưu lạ, chỉ nên xem mưu kế của ông ta thực có lợi cho quốc gia hay không mà thôi. Còn về việc thông dâm với chị dâu và lấy vàng thì hơi đâu mà ngờ vực!

Hán Vương cho gọi Bình đến trách:

- Tiên sinh thờ nước Nguỵ không hợp, bèn qua thờ nước Sở, rồi lại bỏ Sở mà đi, nay lại cùng giao du với ta; người tín nghĩa lại hay thay lòng đổi dạ như thế sao?

Bình nói:

- Thần thờ Nguỵ Vương, Nguỵ Vương không thể dùng mưu của thần, cho nên thần bỏ đi thờ Hạng Vương. Hạng Vương không biết tin người, những người ông ta yêu dùng nếu không phải người họ Hạng, thì là anh em bên vợ, tuy có kẽ sĩ kỳ tài cũng không thể dùng được, cho nên thần bỏ Sở. Thần nghe Hán Vương biết dùng người, cho nên về theo đại vương. Thần mình trần đến đây, nếu không lấy vàng thì không có gì dùng, nếu như mưu kế của thần có cái gì có thể dùng được, thì xin đại vương dùng; nếu không dùng được thì số vàng vẫn còn ở đấy cả, thần xin gói lại nộp vào của công, xin được từ chức mà về.

Hán Vương bèn xin lỗi, thưởng cho nhiều của, phong làm hộ quân trung uý cai quản tất cả các tướng, các tướng không dám nói năng gì nữa.

Về sau Sở đánh gấp, cắt đứt đường ống, vây quân Hán Vương ở thành Huỳnh Dương. Quân Sở vây mãi, Hán Vương lo sợ, xin cắt đất từ Huỳnh Dương về phía tây để giảng hoà. Hạng Vương không nghe. Hán Vương nói với Trần Bình:

- Thiên hạ rối loạn, khi nào thời định?

Bình nói:

- Hạng Vương là người cung kính, yêu người, những kẻ sĩ thanh liêm, khí tiết, ưa lễ, thường theo ông ta. Nhưng về việc luận bàn công lao, phong tước, cấp đất, thì ông ta tiếc không muốn cho, nên kẻ sĩ cũng vì vậy mà không theo. Nay đại vương khinh người, ít để ý đến lễ, những kẻ sĩ thanh liêm, khí tiết không đến, nhưng đại vương có thể rộng rãi đối với người ta về mặt phong tước và cấp đất; cho nên những kẻ sĩ, vô sĩ, ham lợi phần nhiều theo Hán. Nếu như bỏ hai điều sở đoản, lấy hai điều sở trường của nhau thì bình định thiên hạ không khó gì. Vì đại vương tự thị, khinh người, nên không thể thu được những kẻ sĩ thanh liêm, khí tiết, nhưng có thể gây rối loạn ở nước Sở. Kìa Hạng Vương chẳng qua chỉ có mấy người tôi ngay thẳng là bọn Á Phụ, Chung Ly Muội, Long Thư, Chu Ân mà thôi. Nếu đại vương có thể tung ra mấy vạn cân vàng, làm kế phản gián, ly gián vua tôi họ, để cho Hạng Vương nghi ngờ. Hạng Vương vốn là người đa nghi, hay tin lời gièm pha thì bên trong thế nào họ cũng sẽ giết nhau. Hán nhân đó đem quân đánh, thì chắc chắn phá được Sở.

Hán Vương cho là phải, bèn đem ra bốn vạn cân vàng cho Trần Bình, mặc y tuỳ ý tiêu dùng, không hỏi đến việc phân phát thế nào.

Sau khi Trần Bình đã xuất nhiều tiền, tung phản gián vào quân Sở, phao tin rằng bọn Chung Ly Muội làm tướng của Hạng Vương, tuy lập được nhiều công, nhưng rốt cuộc vẫn không được cắt đất, phong vương, cho nên muốn hợp làm một với quân Hán để tiêu diệt họ Hạng mà chia đất đai nước Sở. Quả nhiên Hạng Vương không tin bọn Chung Ly Muội. Hạng Vương vốn đa nghi, sai sứ đến Hán, Hán Vương sai làm cỗ thái lao đưa lên. Thấy sứ của Sở, Hán Vương liền giả vờ kinh ngạc nói:

- Ta tưởng là sứ giả của Á Phụ, hoá ra sứ giả của Hạng Vương!

Bèn sai đem cất đi, sai lấy cơm rau đưa cho sứ giả nước Sở. Sứ giả nước Sở về báo lại với Hạng Vương tất cả. Quả nhiên Hạng Vương rất ngờ vực Á Phụ. Á Phụ muốn đánh gấp để hạ thành Huỳnh Dương, Hạng Vương không tin, không chịu nghe theo. Á Phụ nghe tin Hạng Vương ngờ vực mình, liền nổi giận nói:

- Việc thiên hạ đã xong xuôi cả rồi đấy, quân vương hãy tự làm lấy! Xin cho tôi mang nắm xương tàn trở về.

Á Phụ trở về, chưa đến Bành Thành, ung phát ở lưng mà chết. Đang đêm, Trần Bình bèn cho hai nghìn người con gái ra cửa đông thành Huỳnh Dương, quân Sở đánh vào đấy. Trần Bình bèn cùng Hán Vương chạy ra cửa thành phía tây. Rồi vào Quan Trung tập họp binh sĩ bị tan trước đây, lại kéo về hướng đông.

Năm sau, Hoài Âm Hầu phá được nước Tề, tự lập làm Tề Vương, sai sứ giả tâu với Hán Vương. Hán Vương. Hán Vương tỉnh ngộ, nên hậu đãi sứ giả nước Tề, sai Trương Tử Phòng lập Tín làm Tề Vương. Hán Vương lấy làng Hộ Dũ phong cho Bình, dùng những mưu kế kỳ lạ của Bình. Cuối cùng diệt được Sở, Bình thường làm chức hộ quân trung uý đi theo Hán Vương bình định Yên Vương là Tang Đồ (Năm – 202, Tang Đồ phản lại nhà Hán. Hán Cao Tổ đem quân dẹp).

Năm thứ sáu nhà Hán (201 trước công nguyên), có người dâng thư nói Sở Vương Hàn Tín làm phản. Cao Đế hỏi. Các tướng nói:

- Hãy mau mau đem quân chôn sống cái thằng nhãi ấy đi thôi!

Cao Đế im lặng. Hỏi Trần Bình. Bình cố ý từ tạ nói:

- Các tướng nói thế nào?

Vua kể đầu đuôi, Trần Bình nói:

- Có ai biết con người dâng thư lên nói rằng Tín làm phản không?

- Chưa.

Trần Bình hỏi:

- Tín có biết điều đó không?

- Không biết.

Bình nói:

- Về mặt tinh nhuệ thì quân của bệ hạ có hơn quân của Sở không?

- Không thể hơn.

Bình nói:

- Trong các tướng cầm quân của bệ hạ có ai có thể hơn Hàn Tín không?

- Không ai bằng.

Bình nói:

- Nay quân đã không tinh nhuệ bằng quân Sở, tướng cũng không bằng, mà lại đem binh đánh thì tức là thúc dục nó phải đánh. Thần trộm nghĩ đó là nguy cho bệ hạ.

Nhà vua nói:

- Bây giờ làm thế nào?

Bình nói:

- Thiên tử ngày xưa đi tuần thú (đi đến các nước chư hầu xét hỏi chính sự của các chư hầu), họp chư hầu. Phương nam có đầm Vân Mộng, họp chư hầu ở đất Trần. Đất Trần là giáp giới phía tây của đất Sở. Tín nghe thiên tử đi chơi hội họp thường, thì thế nào cũng cho là vô sự và ra khỏi bờ cõi để nghênh tiếp. Bệ hạ nhân đó bắt lấy. Việc này chỉ cần đến sức của một lực sĩ mà thôi.

Cao Đế cho là phải, bèn sai sứ giả báo với chư hầu sẽ họp ở Trần “Ta sẽ đi chơi về phương nam đến đầm Vân Mộng”. Ngay liền đó, vua cũng đi. Đến Trần, Sở Vương Hàn Tín quả nhiên ra ngoài cõi đón ở dọc đường. Cao Đế đã phòng bị sẵn võ sĩ. Thấy Hàn Tín đến, võ sĩ liền bắt trói ngay lại, chở vào xe sau. Tín kêu lên:

- Thiên hạ đã bình định rồi! Ta bị nấu là đáng lắm.

Cao Đế quay lại bảo Hàn Tín:

- Mày đừng có kêu! Mày làm phản đã rõ rành rành ra đấy!

Võ sĩ trói hai tay Tín. Hán Vương họp chư hầu ở Trần, bình định tất cả đất Sở. Khi quay về đến Lạc Dương. Hán Vương tha Tín, cho Tín làm Hoài Âm Hầu và chẻ phù (Khi phong tước cho ai thì viết công trạng lên một tấm tre gọi là “phù”, sau đó chẻ làm hai, một nửa nhà vua giữ, một nửa giao cho người công thần để lấy đó làm bằng), định phong tước cho các công thần.

Nhà vua bèn chẻ phù, phong cho Bình đời đời làm Hộ Dũ Hầu. Bình từ chối nói:

- Đó không phải là công của thần.

Nhà vua nói:

- Ta dùng mưu kế của tiên sinh nên chiến thắng được quân địch, thế không phải công tiên sinh là gì.

Bình nói:

- Nếu không có Nguỵ Vô Tri thì thần làm sao được tiến cử?

Vua nói:

- Nhà ngươi có thể gọi là người không quên gốc vậy.

Vua bèn thưởng cho Nguỵ Vô Tri rất hậu.

Năm sau, Bình làm hộ quân trung uý theo Hán Vương đánh Hàn Vương Tín làm phản ở đất Đại. Đột nhiên đến Bành Thành bị quân Hung Nô vây, bảy ngày không được ăn. Cao Đế bèn dùng kế lạ của Trần Bình, cho người đi sứ đến Yên Chi (Hoàng hậu của Hung Nô gọi là Yên Chi, vua Hung Nô gọi là Thiền Vu) của thiền vu. Do đó được giải vây. Cao Đế được ra, kế này bí mật trong đời không ai biết.

Cao Đế đi về hướng nam qua Khúc Nghịch, vua lên thành nhìn thấy nhà cửa rất lớn, nói:

- Huyện này hùng tráng làm sao! Ta đi khắp thiên hạ chỉ thấy có Lạc Dương và nơi này thôi.

Vua quay lại hỏi ngự sử:

- Số hộ khẩu Khúc Nghịch là bao nhiêu?

- Thời Tần có hơn ba vạn hộ, gần đây hay xảy ra việc chiến tranh, nhiều người trốn tránh, hiện nay chỉ có năm nghìn hộ.

Vua bèn ra lệnh cho ngự sử đổi Trần Bình làm Khúc Nghịch Hầu, cấp cho tất cả huyện, bỏ đất phong cũ là Hộ Dũ. Sau đó Bình thường làm Hộ Quân Trung Uý theo vua đánh Trần Hy và Kình Bố, sáu lần bày kế lạ tất cả, liền được phong thêm đất sáu lần tất cả. Những kế lạ của Bình có lẽ rất bí mật, trong đời không ai nghe nói là những kế gì.

Sau khi đánh phá quân của Kình Bố về, Cao Đế bị thương, đi chậm rãi đến Trường An. Yên Vương là Lư Quán làm phản, vua sai tướng quốc Phàn Khoái đem binh đánh. Sau khi đi, có người gièm pha Phàn Khoái. Cao Đế nổi giận nói:

- Khoái thấy ta mắc bệnh lại mong cho ta chết!

Vua dùng mưu của Trần Bình, gọi Giáng Hầu Chu Bột nhận chiếu chỉ ở bên giường, nói:

- Trần Bình phải mau mau đi ngựa trạm đưa Chu Bột đến làm tướng thay Phàn Khoái; khi Bình vào trong quân doanh thì phải lập tức chém đầu Phàn Khoái.

Hai người nhận chiếu chỉ rồi ruổi ngựa trạm đi, chưa đến quân doanh giữa đường bàn với nhau:

- Phàn Khoái là người cũ của nhà vua, lập được nhiều công, lại lấy em gái Lữ Hậu là Lữ Tu, đã thân lại sang, vua giận dữ nên muốn chém, nhưng sợ sau sẽ hối hận. Ta chỉ nên bỏ tù rồi đưa đến cho nhà vua, tuỳ ý nhà vua giết lấy.

Bình chưa đến quân doanh, lập đàn, lấy cờ tiết (cây cờ cán cong, treo những chùm lỏng gọi là mao tiết, là phù hiệu mệnh lệnh nhà vua), gọi Phàn Khoái đến. Phàn Khoái vâng theo chiếu, Bình liền trở mặt đối đãi, bỏ vào xe tù chở trạm đưa về Trường An, sai Giáng Hầu Chu Bột cầm quân thay Khoái, và bình định những huyện làm phản ở đất Yên (Trần Bình trong thời theo Lưu Bang).

3. Bình đang đi, nghe tin Cao Đế chết. Bình sợ Lữ Thái Hậu và Lữ Tu giận, bèn phi ngựa trạm đi trước. Bình gặp sứ giả mang chiếu ra lệnh cho Bình và Quán Anh đóng binh ở Huỳnh Dương. Bình nhận chiếu chỉ, lập tức lại phi ngựa về cung khóc rất thảm thiết, nhân tâu trình sự việc trước đám tang, Lữ Thái Hậu thương hại nói:

- Ông mệt nhọc, hãy ra nghỉ đã!

Bình sợ bị gièm, cố xin ở chầu chực trong cung, thái hậu bèn cho Bình làm lang trung lệnh, nói:

- Ông hãy giúp đỡ, dạy dỗ Hiếu Huệ.

Vì vậy, về sau việc gièm pha của Lữ Tu không có kết quả. Phàn Khoái về, được tha và phục tước ấp.

Năm thứ sáu đời Hiếu Huệ (189), tướng quốc Tào Tham chết, An Quốc Hầu là Vương Lăng được phong làm hữu thừa tướng, Trần Bình làm tả thừa thừa tướng. Vương Lăng vốn người đất Bái. Lúc đầu, Lăng làm một người quyền hào trong huyện, khi còn hàn vi, Cao Tổ coi Lăng như anh. Lăng ít văn hoa, chuộng khí phách, thích nói thẳng. Đến khi Cao Tổ nổi dậy ở Bái vào đến Hàm Dương, Lăng cũng tự mình họp bè đảng mấy nghìn người ở Nam Dương không chịu theo Bái Công.

Đến khi Hán Vương quay về đánh Hạng Tịch, bấy giờ Lăng mới đem binh theo Hán. Hạng Vũ bắt người mẹ của Lăng để ở trong quân doanh, sứ giả của Lăng đến, Hạng Vũ sai đặt mẹ Lăng ngồi quay mặt về hướng đông (Ngày xưa ngồi quay mặt về hướng đông là tôn quí ), muốn để vời Lăng. Khi mẹ của Lăng tiễn riêng sứ giả, bà khóc mà nói:

- Xin vì mụ già này, nói với Lăng hãy chăm chỉ thờ Hán Vương. Hán Vương là bậc trưởng giả, chớ vì già này mà có hai lòng. Tôi xin lấy cái chết để tiễn sứ giả.

Rồi đâm kiếm mà chết. Hạng Vũ giận, nấu mẹ Lăng. Lăng vẫn theo Hán Vương bình định được thiên hạ. Vì Lăng chơi thân với Ung Xỉ, Ung Xỉ là kẻ thù của Cao Đế, vả lại Lăng hồi trước không có chủ ý theo Cao Đế, nên mãi về sau mới được phong là An Quốc Hầu. An Quốc Hầu làm hữu thừa tướng, được hai năm thì Hiếu Huệ Đế chết. Cao Hậu muốn lập họ Lữ làm vương, hỏi Vương Lăng. Vương Lăng nói:

- Không được.

Hỏi Trần Bình. Trần Bình nói:

- Được.

Lữ Thái Hậu giận Lăng, cho Lăng làm thái phó của vua (Chức thái phó tuy cao nhưng không có thực quyền ), nhưng thực ra thì không dùng Lăng. Lăng giận, mượn cớ cáo bệnh xin từ chức, đóng cửa không vào triều, được bảy năm thì chết.

Sau khi Lăng không được làm thừa tướng. Lữ Thái Hậu bèn đổi Bình làm hữu thừa tướng, cho Tịch Dương Hầu Thẩm Tự Cơ làm tả thừa tướng. Tả thừa tướng không làm việc, thường lo việc ở trong cung (Ý nói Thẩm Tự Cơ vào ngủ với Lữ Hậu, nhưng vì việc xấu nên nói bóng). Tự Cơ cũng là người đất Bái. Khi Hán Vương bị hại ở Bành Thành thì Sở bắt thái thượng hoàng và Lữ Hậu làm con tin. Tự Cơ làm người xá nhân hầu hạ Lữ Hậu. Sau đó, theo Hán Vương đánh phá Hạng Tịch, làm chức hầu được Lữ Thái Hậu yêu. Đến khi làm thừa tướng ở trong cung, trăm quan muốn quyết định việc gì đều phải do y. Vì trước kia Trần Bình đã bàn mưu với Cao Đế bắt Phàn Khoái, cho nên Lữ Tu nhiều lần gièm pha Trần Bình:

- Trần Bình làm thừa tướng không lo công việc, ngày uống rượu ngon, thích chơi gái.

Trần Bình nghe nói, lại càng làm quá hơn trước. Lữ Thái Hậu nghe vậy riêng lấy làm mừng, nói với Trần Bình trước mặt Lữ Tu:

- Tục ngữ có câu “Miệng đàn bà, con trẻ nói không dùng được”. Chỉ cần ông với ta thôi, chớ sợ Lữ Tu gièm pha.

Lữ Thái Hậu lập bọn họ Lữ làm vương, Trần Bình giả vờ nghe theo. Đến khi Lữ Hậu chết, Bình và thái uý là Chu Bột cùng bàn mưu, cuối cùng giết tất cả bọn Lữ, lập Hiếu Văn hoàng đế. Đó vốn là mưu của Trần Bình. Thẩm Tự Cơ bị thải không được làm thừa tướng.

Hiếu Văn Đế được lập, Bình thấy rằng thái uý Bột thân hành đem quân giết họ Lữ, lập nhiều công nên muốn nhường địa vị tôn quí cho Bột, bèn cáo bệnh. Hiếu Văn Đế mới lên ngôi, thấy Bình cáo ốm lấy làm lạ hỏi, Bình nói:

- Trong khi Cao Đế, công của Bột không bằng công của thần, nhưng đến khi giết bọn họ Lữ thì công của thần không bằng Bột. Xin nhường chức hữu thừa tướng cho Bột.

Vì vậy, Hiếu Văn Đế bèn cho Giáng Hầu Chu Bột làm hữu thừa tướng, ngôi thứ nhất. Bình dời chức làm tả thừa tướng, ngôi thứ nhì. Cho Bình một ngàn cân vàng, lại phong thêm ba ngàn hộ. Được ít lâu, Hiếu Văn hoàng đế sau khi đã quen việc nước, triều hội hỏi hữu thừa tướng:

- Trong thiên hạ, một năm xét xử ngục hình bao nhiều người?

Bột tạ lỗi, nói:

- Thần không biết.

Nhà vua hỏi:

- Trong thiên hạ một năm tiền và thóc xuất nhập bao nhiêu?

Bột lại tạ lỗi, nói:

- Thần không biết!

Bột mồ hôi ra ướt đẫm cả lưng vì thẹn không biết trả lời như thế nào. Vua bèn hỏi tả thừa tướng Bình.

Bình nói:

- Đã có người lo việc ấy.

Vua hỏi:

- Ai lo việc ấy?

Bình nói:

- Bệ hạ nếu hỏi về việc xử ngục hình, thì hỏi quan đình uý, nếu hỏi về tiền và thóc thì hỏi quan trị túc nội sử.

Vua hỏi:

- Nếu việc gì cũng có người lo thì ông còn phải lo việc gì?

Bình tạ lỗi và nói:

- Muôn tâu bệ hạ! Bệ hạ không kể thần tài hèn sức mọn, cho thần lạm giữ chức thừa tướng. Chức vụ thừa tướng trên thì giúp thiên tử chỉnh lý âm dương, làm cho bốn mùa thuận; dưới thì nuôi vạn vật đều được thoả thích; bên ngoài thì trấn áp, vỗ về tứ di, chư hầu bên trong thì thân với trăm họ, làm cho các quan khanh và đại phu ai cũng đảm nhiệm tốt chức vụ của mình.

Hiếu Văn Đế khen phải. Hữu thừa tướng rất thẹn, đi ra trách Trần Bình:

- Sao ông không bày trước cho tôi biết để tôi trả lời!

Trần Bình cười:

- Ông ở địa vị của mình mà lại không biết chức trách của mình sao? Nếu bệ hạ hỏi số người ăn trộm ăn cướp ở Tràng An thì ông định nói liều sao?

Do đó, Giáng Hầu tự biết mình kém xa Bình. Sau một thời gian, Giáng Hầu cáo bệnh xin miễn, chuyên để một mình Trần Bình làm thừa tướng.

Năm thứ hai đời Hiếu Văn Đế (178), thừa tướng Trần Bình mất, hiệu bụt là Hiến Hầu. Con là Mại tập tước làm Cung Hầu, được hai năm thì mất. Con là Khôi tập tước làm Giản Hầu, được hai mươi ba năm thì mất. Con Khôi là Hà tập tước làm Hầu, được hai mươi ba năm, Hà phạm tội cướp vợ người ta bị chém vứt ở chợ. Tước bị xoá bỏ.

Xưa, Trần Bình nói:

- Ta nhiều âm mưu, đó là điều Đạo Gia (đạo Lão) cấm, hết đời ta là thôi, đời sau không thể hưng khởi được nữa. Đó là vì ta nhiều âm báo! Sau đó người chắt là Trần Chưởng nhờ bên họ ngoại nhà vua là họ Vệ (Trần Chưởng là rể của Vệ Thanh em trai của Vệ Hoàng Hậu, vợ Hán Vũ Đế), muốn nhờ họ Trần được phong lại, nhưng cuối cùng cũng không được (Đoạn 3 – Hành trang của Trần Bình trong thời Lữ Hậu và Hán Văn Đế).

4. Thái Sử Công nói: Khi Trần thừa tướng còn nhỏ, vốn ham học thuật của Hoàng Đế, Lão Tử. Trong khi chia thịt ở trên thớt, ông ta cũng đã có chí khí lớn! Len lỏi giữa nơi Sở, Nguỵ rối loạn, cuối cùng về với Cao Đế. Thường đưa kế lạ, cứu nạn rối ren, trừ được cái lo của nước nhà. Đến thời Lữ Hậu, là lúc biến cố nhiều nhưng Bình rốt cuộc vẫn tự thoát nạn, yên định được tôn miếu, khi chết được danh thơm, gọi là tướng hiền, há không phải trước sau toàn vẹn đó sao? Nếu không phải là bậc có mưu trí thì làm sao lại được như vậy?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét