Phùng Ký Tài (1942– )
Lê Anh Minh dịch
Tác giả và tác phẩm:
Nhà văn hiện đại Phùng Ký Tài (Feng Jicai) sinh năm 1942 tại Thiên Tân, nguyên quán huyện Từ Khê, tỉnh Chiết Giang. Từ thuở nhỏ ông đã yêu thích mỹ thuật, văn học, âm nhạc, hoạt động thể thao. Năm 1960, tốt nghiệp Cao Trung xong, ông công tác tại Hội Nghiên cứu Hội hoạ Truyền thống Trung Quốc tại Thiên Tân. Đối với nghệ thuật dân gian và phong tục địa phương, ông có tình cảm rất sâu đậm. Năm 1974, ông điều hành Xưởng Mỹ thuật Công nghệ ở Thiên Tân. Năm 1978, ông điều hành Phòng Sáng tác và Bình luận (thuộc Cục Văn hoá Thiên Tân); sau đó làm chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Thiên Tân, chủ tịch Hiệp hội Văn nghệ Dân gian Trung Quốc, hội trưởng Hội Tiểu thuyết học Trung Quốc, v.v...
Tác phẩm: Nghĩa Hoà Đoàn (viết chung với Lý Định Hưng, hoàn tất năm 1977); Phô hoa đích kỳ lộ (lối rẽ trải hoa, 1979); A! (1979); Điêu hoa yên đẩu (ống tẩu khảm hoa, 1979); Ý-đại-lợi tiểu đề cầm (cây đàn vĩ cầm Ý); Vụ trung nhân (người trong sương mù); Cao nữ nhân hoà tha đích ải trượng phu (người đàn bà cao và ông chồng lùn, 1982); Nhất bách cá nhân đích thập niên (10 năm của 100 người); Thần đăng (đèn thần); Ngã tâm trung đích văn học (văn học trong tim tôi); v.v...
Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga.
*********
1.
Giả sử trong sân nhà bạn có một cây nhỏ, thân cây trơn láng. Rồi một ngày cây bỗng cong queo, càng nhìn càng thấy nó cong. Nhưng lâu ngày, bạn sẽ thấy quen mắt, dường như nó vốn phải có dáng vẻ như thế. Nếu có một ngày cây bỗng ngay thẳng trở lại, bạn sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng. Nó đơn điệu, tẻ nhạt, giống như cây gậy. Kỳ thực, nó chẳng qua phục hồi dáng vẻ ban đầu của nó mà thôi. Sao bạn lại bực mình cơ chứ?
Đấy là thói quen chăng? Này, đừng coi thường thói quen nhé! Vạn sự trên đời, đâu đâu cũng có thói quen. Nó chẳng phải là quy luật mà ta phải tuân theo nghiêm nhặt đâu, nhưng hễ coi thường nó bạn sẽ bực mình và xui xẻo. Bạn cũng đừng than phiền rằng nó ràng buộc bạn đến nỗi nhiều khi bạn tuân theo quy luật ấy một cách vô ý thức. Nói thí dụ, trước mặt cấp trên bạn có dám ăn nói lớn tiếng như thể mình là trùm ở đó không? Trước mặt các bậc lớn tuổi bạn có dám tuyên bố vung vít ý kiến của mình không? Khi chụp ảnh chung với nhiều người, bạn có thể đẩy những người tăm tiếng qua một bên rồi đứng xen vào chính giữa và cười toe toét không? Không thể; đương nhiên là bạn không thể. Thôi đừng nói mấy chuyện đó. Thí dụ khác, khi lấy vợ bạn có dám lấy một bà lớn hơn mình mười tuổi không? lực lưỡng hơn bạn không? hoặc cao hơn bạn một cái đầu không? Đừng vội trả lời nhé. Để tôi kể cho nghe một đôi vợ chồng như thế.
2.
Bà ta cao hơn chồng mười bảy xăng-ti-mét. Bà cao một mét bảy lăm; trong đám phụ nữ, bà ta như thể hạc đứng giữa bầy gà. Chồng bà cao chỉ một mét năm tám; hồi học đại học có biệt hiệu là Võ Đại Lang. Ông đứng ngang với dái tai của vợ, vậy mà nom như thấp đến hai cái đầu.
Về ngoại hình của họ à? Bà ta vừa khô, vừa gầy, vừa lép; mặt trông y như cái vợt bóng bàn chưa đánh vẹc ni. Ngũ quan thì ráng mà nhìn, chúng nhỏ và tầm thường như bức phù điêu đắp mỏng. Ngực lép, lưng thẳng, mông teo. Còn ông chồng giống như cây gậy ngắn bằng cao su thô kệch, đẫy đà, bóng nhẫy. Mọi thứ trên người ông ta – như bắp chân này, môi này, mũi này, ngón tay này – đều giống như mấy viên thịt nhỏ tròn ũm đàn hồi. Da dẻ ông ta mềm mại, mỏng mảnh, bóng láng. Cái chất mỡ dư thừa dưới da chiếu sáng ra. Còn cái huyết dịch sung mãn thấu qua da ửng hồng lên. Mắt ông ta rực sáng như hai bóng đèn dây tóc nhỏ với điện áp đầy đủ. Còn đôi mắt bà vợ giống như hai hạt pha lê lạnh lẽo. Hai người đi chung với nhau, chẳng thấy hài hoà, chỉ có tương phản, vậy mà cả ngày họ quấn quýt nhau như hình với bóng.
Lần nọ, một nhà hàng xóm của họ có bữa cơm nhân dịp gia đình sum họp. Cụ ông trong gia đình này sau khi uống nhiều rượu, thừa hứng mới lấy một cái bình cao ốm đã hết rượu đặt cạnh cái thố thịt heo ở trên bàn, rồi hỏi cả nhà: «Mấy người đoán xem nó giống cái gì đây?» Không chờ mọi người trả lời, ông già giải đáp luôn: «Là cái đôi vợ cao chồng lùn sống ở tầng lầu bên dưới đó.»
Mọi người đều cười ầm lên, cười mãi, ăn cơm xong mà vẫn còn cười.
Rốt cuộc vì sao mà họ thành một đôi?
Đây là vấn đề mà mười hộ sống trong toà nhà chung cư mang tên Đoàn Kết này quan tâm chú ý. Kể từ lúc họ kết hôn và dọn đến toà nhà này ở, những ma cũ ở đây luôn chĩa ánh mắt tò mò vào họ. Có người thì đặt dấu chấm hỏi trong đầu, nhưng có người nhịn không nổi đã nói ra miệng. Kẻ lắm mồm thì nghị luận lung tung. Đặc biệt là khi hai người đi ra khỏi cửa lúc trời mưa lất phất, bà vợ cao luôn cầm dù. Nếu có vật gì rơi trên mặt đất, tất nhiên ông chồng lùn cúi xuống nhặt lên. Mấy mụ già rỗi hơi sống trong toà nhà này thấy tình cảnh buồn cười ấy bèn chỉ chỉ trỏ trỏ, nín không được nên cười khùng khục trong họng. Người đứng đắn lo âu cảnh tượng ấy thành gương xấu cho trẻ con. Có mấy đứa trẻ hễ thấy đôi vợ chồng này liền cười ầm lên và nói đểu: «Ê! Đòn gánh dài, ghế đẩu thấp ...» Hai vợ chồng giả vờ không nghe thấy, chẳng nổi giận, cũng chẳng thèm trả lời.
Có lẽ như vầy: chính là họ vẫn giữ quan hệ khá lãnh đạm với mọi người sống trong toà nhà này. Một vài người không thích rỗi việc, hễ lên xuống lầu mà chạm mặt với họ, nhiều lắm thì cũng gật đầu chào mà thôi. Điều này khiến cho những kẻ thật tình muốn xoi bói hai người rất khó biết được điều gì. Chẳng hạn, hai người quan hệ thế nào? Tại sao sống thành một đôi? Ai là ai? Chẳng ai trả lời đúng, chỉ là đoán mò này nọ mà thôi.
Cái toà nhà chung cư kiểu xưa này, phòng ốc rất rộng rãi, hướng về hướng đông nên sáng sủa. Hành lang thì vừa hẹp vừa tối. Phía dưới có một cái sân rất lớn. Ở cổng sân có cái phòng nhỏ, chủ hộ là một lão thợ may. Vợ lão là một mụ mà tinh lực còn sung mãn lắm, khoái lê la nhà này sang nhà nọ, ba điều bốn chuyện, bới móc chuyện riêng tư thầm kín của gia đình người khác. Quan hệ vợ chồng của những người trong toà nhà này, chị dâu em chồng cãi cọ, ai siêng ai lười, lương ai bao nhiêu, mụ ta đều biết rõ tất. Hễ chưa biết rõ chuyện gì là mụ ta cũng trăm phương ngàn kế tìm hiểu cho bằng được. Lòng khát khao tri thức thậm chí biến kẻ ngu trở nên thông thái. Bản lãnh mụ ta về mặt này quả là vượt xa người phàm. Phân tích lời lẽ đối đáp của thiên hạ và quan sát sắc mặt của họ, là mụ biết tỏng họ thầm nghĩ gì. Chỉ cần khịt mũi là mụ biết ngay nhà nào thường ăn thịt, và do đó mà có thể tính ra tình hình thu nhập của họ. Không biết tại sao từ những năm 1960 đến nay, khu dân cư nào cũng có hạng người được chọn là «phần tử tích cực của đường phố», khiến cho thói thích can thiệp chuyện thiên hạ của bọn họ trở nên hợp pháp, năng lực và hứng thú của bọn họ cũng được phát huy. Xem ra Tạo Hoá không hề lãng phí một nhân tài nào cả.
Cho dù vợ lão thợ may chịu khó vô cùng, nhưng mụ không cách nào biết được lý do cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng kỳ cục không cân xứng mà ngày nào cũng đi ngang trước mắt mụ. Điều này khiến mụ rất khổ tâm, như thể tài ba của mụ đã gặp phải sự khiêu chiến mãnh liệt. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm, suy luận nát óc, rốt cuộc mụ đưa ra một lý lẽ rất thuyết phục mọi người: Trong cặp vợ chồng này, ắt một trong hai người bị một khuyết tật sinh lý nào đó. Nếu không, chẳng ai chịu lấy vợ lấy chồng so le hơn mình một cái đầu. Cơ sở lý luận của mụ rất đáng tin cậy: Cặp vợ chồng này lấy nhau đã ba năm mà vẫn chưa có con! Do đó toàn thể mọi người trong chung cư Đoàn Kết rất tin vào sự phán đoán thông minh của vợ lão thợ may này.
Nhưng sự thực đã không nể mặt ai cả, nó đã đánh bại vợ lão thợ may: Bà cao kều đã có mang. Những con mắt của mọi người không ngừng chiếu vào cái bụng nhô dần của bà ta. Cái bụng cách mặt đất khá cao nên trông càng lồ lộ. Ai ngạc nhiên cũng mặc, ai nghi ngờ cũng mặc, bà cao cứ sinh con. Mỗi khi trời nắng hay trời mưa, hễ cặp vợ chồng ra khỏi cửa thì bà vợ ẵm con, còn ông chồng cầm dù giương cao lên đi lúp xúp sau vợ, trông thật buồn cười. Đối với cặp vợ chồng lạ lùng, quấn quýt kỳ lạ như hình với bóng này, những kẻ hiếu kỳ trong chung cư càng thêm xoi bói. Mọi cách giải thích hợp lý họ đều nêu ra đủ, nhưng họ chẳng thấy cách giải thích nào phù hợp cho cặp vợ chồng này.
Vợ lão thợ may nói: «Hai người bọn họ chắc chắn đã che giấu chuyện gì. Nếu không, sao họ không chịu gần gũi người khác? Rồi có lúc sự thật phải lòi ra. Cứ chờ xem!»
Quả nhiên buổi chiều nọ có tiếng vật đổ bể phát ra từ căn hộ của hai vợ chồng ấy. Vợ lão thợ may bèn mượn cớ thu tiền quét sân, xông đến gõ cửa căn hộ của họ. Mụ cho rằng cái ẩn giấu lâu ngày ở hai vợ chồng này rốt cuộc đã lòi ra. Mụ phải tận mắt chứng kiến cảnh vợ chồng này cãi cọ nhau thế nào, phải bắt quả tang tiết mục cực kỳ sinh động này. Cửa mở ra, bà vợ cao cười cười, còn ông chồng lùn ở trong phòng cũng cười ha hả. Trên mặt đất chỉ có một cái dĩa bể nát. Vợ lão thợ may chỉ thấy bấy nhiêu. Mụ vội vã thu tiền quét sân. Trở về, ngồi suy nghĩ đến nửa ngày, mụ cũng không hiểu giữa hai vợ chồng họ đã nảy sinh chuyện gì. Một cái dĩa bể, không thấy cãi cọ, mà còn cười giỡn nữa, thật quái lạ!
Về sau, vợ lão thợ may được làm đại diện cho dân trong chung cư Đoàn Kết này. Khi phụ giúp công an kiểm tra hộ khẩu ở đây, mụ rốt cuộc tìm ra đáp án cho vấn đề khiến bao năm nay mụ hao phí quá nhiều tâm lực. Một đáp án đáng tin và chắc chắn như đinh đóng cột. Số là cặp vợ cao chồng lùn này đang công tác ở Sở Nghiên cứu Công nghiệp Hoá học. Ông chồng lùn là kỹ sư trưởng, lương tháng hơn 180 đồng. Bà vợ cao chỉ là một nhân viên hoá nghiệm phổ thông, lương không tới 60 đồng, hơn nữa bà ta xuất thân từ một gia đình nghèo, bố là một bưu tá lương thấp. Nếu không thế thì bà ấy làm sao lấy người chồng thấp hơn mình một cái đầu? Vì địa vị, vì tiền, vì cuộc sống quá tốt. Đúng vậy! Vợ lão thợ may tức tốc đem mẩu tin tình báo quý giá này thông báo cho mấy mụ già rỗi hơi trong chung cư Đoàn Kết biết. Người ta vốn theo cách thức tư duy của mình mà giải thích thế giới, cho nên mọi người đều tin lời vợ lão thợ may nói, không chút hoài nghi. Câu đố nằm trong lòng mọi người mấy năm nay giờ đã giải đáp. Mọi người đều hoát nhiên đại ngộ: Ông chồng lùn này là phú ông bị khiếm khuyết bẩm sinh, bà vợ cao là hạng thấy tiền mắt sáng rỡ. Khi đàm tiếu bà vợ cao kều và may mắn này, giọng nói của mấy mụ già thoáng vẻ uất ức, nhất là vợ lão thợ may.
3.
Vận mệnh tốt xấu của con người không thể trong một lúc mà thấy hết được.
Năm 1966, thế giới thu nhỏ của chung cư Đoàn Kết đột nhiên có tai hoạ ập xuống. Mỗi người đều có hoạ phúc. Cư dân trong toà nhà Đoàn Kết này gặp dịp đổi đời, đời sống mọi người biến chuyển rất lớn. Ông chồng lùn – kỹ sư trưởng – là người đầu tiên gặp tai bay vạ gió. Nhà bị lấy, đồ đạc dụng cụ trong nhà bị dọn đi sạch, bản thân thì bị đánh, bị giam trong «chuồng bò». Nghe nói ông ta bị tố rằng nhiều năm nay ông ta ban ngày thì công tác ở sở ban đêm về nhà thì ghi ghi chép chép các kết quả nghiên cứu thành sách, dự tính chạy ra nước ngoài đoàn tụ với một người bà con giàu có, và còn tính bán tài liệu tình báo khoa học kỹ thuật của quốc gia cho bọn tư bản nước ngoài nữa. Kiểu nói hoang đường này có rất nhiều người tin là sự thật. Bấy giờ thế sự đảo điên, người người tàn nhẫn đặt điều vu khống để vạch mặt một kẻ Hitler nào đó trong bọn họ. Mọi người trong sở nghiên cứu giam giữ chặt chẽ tay kỹ sư trưởng quyết không tha. Đe doạ, đánh đập, thi hành đủ cách trấn áp, họ còn buộc bà vợ đem nộp cái bản thảo mà chưa ai thấy, nhưng họ không đạt được kết quả gì. Có người đề xuất ý kiến tổ chức đại hội đấu tố ngay ở sân chung cư Đoàn Kết. Ai cũng sợ mất mặt trước thân nhân, bạn bè, và người quen. Nên chiêu này cũng là một áp lực đối với họ. Bởi mọi kiểu trấn áp đã thử hết mà vô hiệu nên đề nghị này được chấp nhận ngay.
Chưa bao giờ chung cư Đoàn Kết có cảnh tượng náo nhiệt như thế.
Buổi chiều có một bọn người từ sở nghiên cứu đến. Họ giăng sợi dây thừng giữa hai thân cây trong sân chung cư, rồi mắc vào đó một tấm bảng ghi tên của tay kỹ sư trưởng, bên trên đánh dấu tréo. Bên trong và bên ngoài sân dán đầy khẩu hiệu lớn nhỏ với khẩu khí đe doạ. Trên vách tường họ dán hơn 18 áp phích công bố «tội trạng» của tay kỹ sư. Hội nghị dự định khai diễn sau bữa cơm tối. Sở nghiên cứu còn phái đến một thợ điện, lắp bốn bóng đèn 500 watt. Vợ lão thợ may bây giờ được đề cử làm chủ nhiệm bảo vệ trị an, rất có quyền lực, rất đắc ý tự mãn, trông có vẻ đường bệ ra. Cả ngày nay mụ bận bịu túi bụi, nào là sai vặt mấy mụ già khác, nào là giúp dán mấy khẩu hiệu, nào là lo trà nước cho các vị cách mạng của Sở nghiên cứu. Dây điện để mắc đèn đóm là câu ra từ nhà mụ. Nhà mụ giống như đang chuẩn bị cho lễ cưới vậy!
Sau buổi cơm tối, vợ lão thợ may triệu tập mọi cư dân của chung cư tại sân. Bốn bóng đèn lớn chiếu sáng cả sân. Sân sáng rực giống như sân chơi thể thao ban đêm. Bóng của mọi người được phóng đại gấp mười lần và hắt lên vách tường toà nhà. Bóng của họ bất động, ngay cả trẻ con cũng không dám nhúc nhích. Vợ lão thợ may cầm đầu một bọn phụ nữ mang băng đỏ trên cánh tay trái. Mấy cái băng đỏ này bấy giờ hết sức uy phong. Họ trấn ngay ở cổng, không cho người ngoài xâm nhập vào sân. Một lát có một bọn rất đông của Sở nghiên cứu đến, họ cũng mang băng đỏ, áp giải cặp vợ cao chồng lùn. Bọn này vừa đi vừa hô khẩu hiệu rất hùng dũng, rất khí thế. Ông chồng đeo trên ngực một tấm bảng nhỏ, sợi dây vòng qua cổ; bà vợ thì không đeo. Hai người bị áp giải đến trước cái bục. Họ đứng song song, đầu cúi thấp xuống. Vợ lão thợ may chạy đến nói: «Tên này lùn quá, quần chúng cách mạng ở phía sau nhìn không thấy. Tôi có cách rồi!» Mụ chạy đi, đôi vai nung núc thịt của mụ rung theo. Mụ vào nhà lôi ra một cái thùng gỗ đựng xà bông. Mụ lật úp chiếc thùng rỗng xuống và bảo tay kỹ sư đứng lên, như vậy ông ta mới cao bằng bà vợ. Nhưng trong khoảnh khắc ấy ít ai quan tâm chiều cao của cặp vợ chồng lâm đại nạn này.
Đại hội bắt đầu tiến hành y theo cách thức thông thường. Tuyên bố khai mạc, hô khẩu hiệu, phát biểu lời hùng hồn phê phán đương sự, rồi lại hô khẩu hiệu. Áp lực đã đủ. Bắt đầu là buộc bà cao phải khai ra. Thế là họ xoay quanh vấn đề «bản thảo». Miệng lưỡi họ như gươm như súng cứ hướng đến bà cao mà tấn công. Người này hỏi, người kia hỏi, người nọ hỏi; tiếng the thé, tiếng khào khào, tiếng đục đục vang lên, truy bức... Bà cao cứ một mực lắc đầu. Lắc đầu thành thực. Nhưng thành thực đã hạ giá quá chừng. Tin vào sự thành thực này là phủ định mọi thứ trên đời. Bất kể bọn đàn ông nhảy ra dứ dứ nắm đấm trước mặt uy hiếp hay mấy tay xảo quyệt hỏi vặn vẹo để đánh bẫy, bà cao cứ lắc đầu khẩn thiết. Theo đà này, đại hội phê bình đấu tố chẳng có kết quả gì, không thành tích gì, thậm chí không có cách để chấm dứt. Bọn người của Sở nghiên cứu gặp khó khăn rồi. Sợ rằng đại hội này đầu rồng đuôi rắn đây, ắt phải đại bại trở về thôi.
Vợ lão thợ may đứng nghe nửa buổi, càng nghe càng hăng tiết. Mụ ta một chữ không biết đọc, đối với cái «bản thảo» gì đó thật không có chút hứng thú gì. Mụ cảm thấy bọn người Sở nghiên cứu ăn nói không đủ mạnh mẽ. Mụ bèn sấn tới, giơ cánh tay đeo băng đỏ lên, điểm mặt bà cao, hỏi lớn: «Nói đi. Tại sao mi lấy hắn làm chồng?»
Câu hỏi bất ngờ của mụ khiến bọn người Sở nghiên cứu chưng hửng. Không biết câu hỏi của bà phụ trách bảo vệ trị an này có quan hệ kỳ diệu gì với vấn đề mà Sở quan tâm.
Bà cao cũng sửng sốt, không biết vợ lão thợ may cớ sao đưa ra câu hỏi như vậy. Đây đâu phải là vấn đề mà toàn thế giới quan tâm. Bà ngước mặt lên. Khuôn mặt gầy gò nhăn nheo như lá khô vì bị dày vò mấy tháng nay đầy vẻ ngạc nhiên.
«Được rồi. Không dám trả lời hử? Để ta trả lời giùm cho mi nhé! Mi lấy hắn chỉ vì tiền chứ gì! Nếu hắn không có tiền, ai mà đi lấy gã lùn ấy!» Vợ lão thợ may gào lên. Giọng nói có phần đắc ý vì mụ cảm thấy như nhìn thấu tim đen của bà cao.
Bà cao không gật đầu, cũng không lắc đầu. Bà dường như cũng hiểu thấu ruột gan vợ lão thợ may. Ánh mắt bà rực lên nét ngạo nghễ, châm biếm, khinh bỉ.
«Được, được. Mi không thú nhận hả! Tên khốn ấy bây giờ tiêu rồi, xem mi còn bám được không!» Vợ lão thợ may vỗ ngực bộp bộp, tay quơ quơ lên. Có mấy mụ già chầu rìa trợ uy, mụ ta quả thật đắc ý cực điểm.
Bọn người ở Sở nghiên cứu thấy rối tung lên. Loại câu hỏi hồ đồ thế này tốt nhất là lờ đi. Mấy mụ già lạc đề cả ngàn dặm, còn làm không khí náo nhiệt hẳn lên. Không có căm phẫn thì buổi phê bình đấu tố này sao xong? Do đó bọn người ở Sở nghiên cứu cũng không cản trở, khiến mấy mụ già thừa thắng xông lên. Chỉ nghe giọng mấy mụ già quát:
– «Tổng cộng hắn cho mi bao nhiêu tiền? Hắn đã mua cho mi cái gì? Nói!»
– «Mi mỗi tháng có 200 đồng không đủ sao còn muốn trốn ra nước ngoài! Đẹp mặt chưa!»
– «Có phải đằng sau mi là Đặng Thác không?»
– «Bữa nọ mi gọi điện thoại đến Bắc Kinh là gọi cho ai? Có phải gọi cho Thôn Ba Nhà không?»
Đại hội có thành công hay không là hoàn toàn do ở bầu không khí. Bọn người của Sở nghiên cứu chủ trì đại hội phê bình đấu tố nhận thấy thời cơ đã chín, thừa lúc không khí náo nhiệt bèn hô hào mọi người gào to lên một loạt khẩu hiệu rồi giải tán. Bọn người của Sở nghiên cứu sau đó lên căn hộ của bà cao sục sạo, nạy từng viên gạch, bóc từng tấm giấy dán tường. Sục sạo săm soi một hồi mà chẳng thấy gì, họ bèn áp giải ông lùn đi, để bà cao ở lại.
Hôm sau bà cao ở miết trong nhà, khi trời tối mới ra khỏi cửa. Bà không ngờ rằng tuy căn hộ ngay cổng chung cư tắt đèn nhưng vợ lão thợ may trong đó vẫn nhìn qua ô cửa sổ để nghe ngóng động tĩnh. Thấy bà cao ra ngoài, mụ ta vội vàng lén bám đuôi. Đi sang hướng tây, vượt qua hai ngã tư, mụ chỉ thấy bà cao băng qua đường rồi dừng lại trước một căn nhà và khe khẽ gõ cửa. Vợ lão thợ may khom người nấp sau một trụ điện, nín hơi, mắt căng ra nhìn giống như đang rình để tóm một con thỏ sắp ra khỏi hang.
Có tiếng cửa mở kêu ken két. Một bà già bế đứa trẻ ra. Chỉ nghe bà già nói: «Việc xong rồi à?» Không nghe bà cao nói gì. Lại nghe tiếng bà già nói: «Bé ăn no, đã ngủ rồi. Bế nó về mau đi!»
Vợ lão thợ may hiểu ra đây là chỗ bà cao gởi con. Sự hí hửng của mụ bỗng nhiên bị tiêu tan. Bấy giờ bà cao bế con về nhà, lặng lẽ đi, chỉ nghe thấy bước chân trên đường. Vợ lão thợ may nấp sau cột điện không dám nhúc nhích, chờ bà cao đi khá xa rồi mới chạy mau về nhà.
Sáng hôm sau, khi bà cao bế đứa con ra khỏi nhà, hai mắt mọng đỏ. Không ai trong chung cư dám nói chuyện với bà, nhưng họ đều thấy mắt bà cao mọng đỏ. Đặc biệt những kẻ tham gia đấu tố bà cao buổi tối hôm trước có cảm giác là lạ như là tội lỗi. Họ quay mặt đi, lảng tránh ánh mắt của bà cao.
4.
Ông chồng lùn bị bắt từ sau buổi đấu tố, đến nay vẫn chưa được tha về. Theo lời vợ lão thợ may, ông lùn lại có vấn đề gì đấy nên đã bị tống vào ngục. Bà cao trở thành vợ của một tù nhân, rơi xuống tận đáy cuộc đời. Căn hộ rộng rãi của vợ chồng bà cao trong chung cư Đoàn Kết tất nhiên không còn phù hợp nữa. Bà cao bị ép buộc hoán đổi với vợ lão thợ may để lấy căn hộ bé tí của mụ ngay đầu cổng chung cư. Cũng được, như vậy bà cao khỏi phải gặp mặt bọn người trong toà nhà. Nhưng bọn họ đều có thể nhìn xuyên qua cửa sổ căn hộ nhỏ xíu này và trông thấy hình ảnh cô độc của bà cao. Không biết bà cao gởi đứa con ở đâu, thỉnh thoảng thấy thằng bé được đưa về nhà chơi mấy ngày. Bà cao trải qua những ngày nặng nề lặng lẽ cô độc. Hơn ba mươi mà trông già hơn rất nhiều.
Vợ lão thợ may phán: «Tôi thấy mấy mụ thế này chờ đợi tối đa chừng một năm là cùng. Tên lùn ấy mà không về là mụ ta sẽ cải giá thôi. Phải tay tôi thì tôi ly hôn và cải giá cho rồi. Tên lùn có trở về thì người cũng chẳng ra người, tiền bạc cũng đâu có nữa.»
Một năm trôi qua, ông lùn vẫn chưa được thả. Bà cao vẫn sống im hơi lặng tiếng. Đi làm, trở về, đốt bếp, xách cái giỏ to màu vàng và sờn rách đi chợ. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng thế... Nhưng rồi bữa nọ ông lùn xuất hiện. Bấy giờ cuối thu. Áo mỏng phong phanh, đầu húi trọc, dáng vẻ thay đổi rất nhiều. Toàn thân như co rúm lại, nước da không sáng láng nữa. Ông ta chạy thẳng lên căn hộ của mình. Nhưng lão thợ may thực thà là chủ hộ mới đã chỉ cho ông ta xuống căn hộ bên cổng chung cư. Bà cao đang ngồi bổ củi, nghe tiếng gọi của chồng liền đứng bật dậy, nhìn ông sửng sốt. Đã hai năm không gặp, cả hai đã thay đổi quá nhiều. Người thì khô cằn, kẻ thì tiều tuỵ. Người thì càng cao, kẻ thì càng lùn. Nhìn nhau một hồi, cả hai vội quay mặt đi. Bà cao chạy vào trong nhà. Ông chồng liền lấy búa bổ nốt đống củi, chất đầy hai thùng gỗ lớn; dường như ông ta sợ rằng sẽ có một tai hoạ nào đó sẽ đổ ập xuống họ bất cứ lúc nào. Rồi sau đó, hai vợ chồng như hình bóng không rời, đi làm hay về nhà, mọi thứ tái diễn như xưa. Mọi người trong chung cư xoi bói mãi cũng không thấy gì khác lạ, hứng thú dần nguội đi, rồi họ không quan tâm đến cặp vợ chồng này nữa.
Một buổi sáng nọ, bà cao gặp chuyện gì đó. Chỉ thấy ông lùn hốt hoảng chạy ra khỏi nhà. Một lát sau một chiếc xe cấp cứu đến chở bà cao đi. Liền mấy ngày, nhà họ không bóng người, ban đêm đèn đuốc tối đen. Hơn hai mươi ngày sau, ông lùn và một người lạ xuất hiện, khiêng bà cao trên một cái cáng, đưa vào nhà. Từ đó bà cao không ra khỏi nhà nữa. Ông lùn vẫn đi làm như thường lệ, đến chiều thì vội vã về nhà, đốt bếp lò và xách giỏ đi chợ. Cũng vẫn là cái giỏ mà hai năm qua bà cao ngày ngày thường dùng, nhưng trong tay ông, cái giỏ như to hơn và gần chạm tới đất.
Thời tiết ấm áp hơn, bà cao ra khỏi nhà. Khuôn mặt lâu nay không thấy ánh nắng trở nên trắng bệch như trát một lớp phấn trông rất khó coi. Bà cao đi không vững, chao qua trái, chao qua phải. Tay phải chống một chiếc gậy trúc, tay trái gập lại trước ngực. Chân trái cứng đờ, bước đi rất khó khăn. Nhìn là biết bà đã bị tai biến mạch máu não. Từ ngày ấy, mỗi sáng và mỗi chiều ông chồng dìu vợ đi quanh sân hai lần. Bà đi chậm chạp và khó khăn. Hai bàn tay ông giữ lấy cánh tay bị gấp của bà. Ông lùn quá, nâng cánh tay của bà thật khó khăn, nhưng ông tươi cười để khuyến khích bà bước đi. Bà cao nhấc chân trái cứng đơ lên khó khăn, ông lùn bèn dùng một sợi dây cột vào chân trái của bà. Đầu sợi dây thì nắm trên tay. Mỗi lần bà cao bước chân trái tới thì ông lùn kéo sợi dây lên. Tình cảnh thực kỳ dị và đáng thương. Những người trong chung cư Đoàn Kết thấy cảnh tượng ấy lấy làm xúc động. Bây giờ nếu chạm mặt ông bà thì họ chủ động gật đầu thân thiện chào ông bà...
5.
Bà cao không có nhiều may mắn nữa. Bà không thể ở lâu hơn nữa bên cạnh người chồng lùn rất mực yêu thương bà. Tử thần và cuộc đời đều vô tình đối với bà. Cuộc đời đã đánh gục bà, bây giờ tử thần lại lôi bà đi. Ông lùn giờ đây chỉ còn trơ trọi một mình.
Sau khi bà cao mất rồi, vận may mới mỉm cười với ông lùn. Ông được giải quyết theo chính sách, được trả lại vật dụng bị tịch thâu trước kia, được truy lãnh tiền lương. Chỉ có căn hộ bị vợ lão thợ may chiếm thì không lấy lại được. Trong chung cư Đoàn Kết người ta dò xét xem ông ta làm gì. Nghe nói không ít người trong Sở nghiên cứu đến giúp ông lùn tục huyền, nhưng ông cám ơn từ chối. Vợ lão thợ may nói: «Hắn ta thích hạng người gì, tôi biết tất. Cứ để đó cho tôi.»
Vợ lão thợ may đã qua thời cực thịnh của mụ, nên nay cũng trở nên khiêm tốn ôn hoà hơn. Quyền lực bị tước mất đi, mặt mụ chỉ còn gắn nụ cười lên đó mà thôi. Mụ mang theo một tấm ảnh chụp một cô gái trẻ xinh xắn, rồi đến căn hộ của ông lùn. Cô gái trong ảnh là cháu gái của mụ.
Mụ ngồi trong nhà ông lùn, vừa láo liên dòm ngó ước tính giá trị đồ vật trong nhà vừa gạ gã lùn giàu có lấy cháu của mụ. Mụ cười nhăn nhở, nói năng hăng say, bỗng nhiên mụ phát hiện nãy giờ ông lùn không hé miệng nửa lời. Sắc mặt ông đen sì. Phía sau ông, ở trên tường, treo bức ảnh chụp hồi đám cưới của hai vợ chồng. Vợ lão thợ may không dám lấy tấm ảnh của cháu gái ra, và tự động rút lui.
Mấy năm trôi qua, đến nay ông lùn vẫn sống một mình. Ngày chủ nhật ông rước con về nhà bầu bạn. Bọn người trong chung cư nhìn thấy cảnh ông cô độc một mình một bóng, rồi nghĩ đến chuyện hơn mười năm qua ông đã trải, dần dần họ hiểu ra nguyên do ông cứ sống độc thân như vậy... Gặp những hôm trời mưa, ông lùn cầm dù đi làm, có lẽ do thói quen ông luôn giương dù cao cao. Bấy giờ mọi người chợt có cảm giác lạ lùng rằng bên dưới chiếc dù ấy là một khoảng trống mà không có thứ gì trên đời có thể lấp đầy được.
* Viết tại Thiên Tân, ngày 16 tháng 2 năm 1982.
(Truyện đã đăng trên Thượng Hải Văn Học, số 5, năm 1982.)
Dịch theo nguyên tác: «Cao nữ nhân hoà tha đích ải trượng phu»
(trên http://news.xinhuanet.com/ ); có tham khảo bản dịch tiếng Anh của Gladys Yang trong tuyển tập The time is not yet ripe (Thời chưa chín) - Trung Quốc đương đại tác gia cập kỳ tiểu thuyết, Nxb Ngoại Văn, Bắc Kinh, 1995.
Đã in trong: Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc, Tp HCM, số 146: Xuân Đinh Hợi 2007.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét