Auguste Strobl người đẹp Đức TK19. Tranh Joseph Karl Stieler |
Gói thuốc lá
Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ
VII
Bốn giờ 35
Cái xác chết trên gác người ta đã đem cáng vào nhà thương gần đấy. Phố
Richaud vẫn vắng ngắt. Một, hai bóng người qua lại thưa thớt ở xa, tận đường
Hàng Bông. Một chút ánh sáng yếu ớt của ban mai thong thả lan khắp nơi. Trời tạnh
ráo và hứa một ngày không đến nỗi bức lắm.
Người nhà 44 bis đã dạn với tấn kịch bi thảm và bí hiểm đè nén tâm
trí, trong mấy giờ khuya khoắt và nặng nề. Họ mệt mỏi đến nỗi không muốn tìm hiểu
một ý nghĩ bối rối nào. Câu nói của Kỳ Phương tuy là một lời báo hiệu dị thường,
lúc khác sẽ khiến họ bị lung lạc hơn, nhưng lúc ấy chỉ có một hiệu lực chậm chạp
và yếu ớt.
"Tôi còn sợ xảy ra nhiều chuyện, mà nhiều chuyện chẳng lành nữa
kia".
Câu ấy chỉ thêm một phần bóng đen vào cái đêm tối quá dày đặc từ trước.
Cho nên lúc bọn nhà chuyên trách điều tra xong ra về cả, thì ông cụ Lương và
hai người trẻ tuổi xuống nhà dưới, im lặng ngồi gần nhau như không còn một ý
nghĩ gì.
Bọn phóng viên báo Thời Thế cũng vừa ra khỏi, chỉ còn Văn Bình ở lại
ghi nốt mấy điều cần cho bài tường thuật, rồi về sau...
Một hơi thở dài của ông cụ làm Thạc giật mình ngẩng đầu lên, nhưng Huy
bỗng ra hiệu cho đừng ai lên tiếng, Huy mắt mở lớn, miệng mím lại, trỏ một ngón
tay lên gác và lắng tai nghe.
Bình ngừng bút, cũng nghếch một tai lên. Anh nhận thấy có những tiếng
bước chân đi, rồi tiếng vấp chạm vào một chiếc ghế. Im một lát, tiếng chân lại
kéo lê trên sàn gác từ giữa tới góc nhà.
- Trên gác... còn đèn không?
Câu hỏi của Huy nhỏ quá, phải đoán ra mới hiểu. Thạc khẽ đáp:
- Không, tôi vặn tắt cả rồi. - Mặt anh xám đi như đổ chàm, anh đưa mắt
nhìn hai bên, thấy người kia cũng thế.
Một tiếng động nữa ở phía kê những hòm quần áo.
"Người lạ mặt" trên gác hình như lục lọi gì.
Hốt nhiên, Thạc đứng lên chạy vụt về phía cầu thang, và tiếng chân nện
trên bực làm rung chuyển cả sự hoảng hốt...
Tức khắc Bình và Huy cũng chạy lên theo.
Tiếng Thạc quát tháo vang lên trong mấy tiếng tát đánh và tiếng kêu
khóc:
- Ấy, con lạy cậu, con lạy cậu.
- Con bò! Mày làm gì trên này?
Thạc lôi một người ra giữa nhà thì Bình và Huy nhận ra là thằng nhỏ.
- Mày lên đây làm gì? Đồ khốn nạn!
Thằng nhỏ đưa hai cánh tay khuỳnh che đỡ trận đòn giáng trên đầu nó, vừa
khóc, vừa nói:
- Con lên để quét nhà với thu dọn...
- Thu dọn cái gì bây giờ?
- Dạ, con tưởng... cũng như mọi hôm.
Thì ra đó chỉ là một việc tự nhiên, một việc thường ngày, mà trong trường
hợp khác thường này họ quên không nghĩ ra.
Thạc bực tức đuổi thằng nhỏ xuống rồi ra cửa sổ trông tả trông hữu như
vẫn còn nghi ngờ.
Huy và Bình toan đến sau anh, bỗng anh quay ngoắt lại gọi lớn:
- Nhỏ! Nhỏ! Nhỏ!
Thằng nhỏ chưa kịp xuống, nhưng anh cũng vội giục:
- Bình, Huy, giữ lấy nó ở đây... Giữ lấy nó!
- Cái gì thế?
- Thì cứ giữ lấy nó đã... Tôi vừa trông thấy một đứa rình dưới đường.
- Nhưng mà...
Thạc không nghe nữa, đâm bổ xuống thang:
- Hừ, quân khốn nạn... Các anh giữ lấy thằng nhỏ, nghe chưa?
Hai người trên này nghe theo, giữ chặt lấy tên đầy tớ, kéo nó ra cửa sổ
nhìn xuống thì chỉ thấy Thạc cắm cổ chạy về phía hàng Bông như một thằng cuồng,
và rẻ ngoặc vào ngõ Hội Vũ.
Thạc đứng lại lớn tiếng:
- Nó chạy vào ngõ Hội Vũ rồi..
Bình hỏi:
- Nó là ai?
- Đứa đứng rình chớ ai... Ngõ này có những ba đường vào, phải đón đầu
mới được.
Bình vội gọi:
- Thế thì để tôi xuống, anh Huy cứ giữ thằng nhỏ ở đây...
Bình chạy xuống cuối phố, ngược lại với đường của Thạc, rẽ về tay phải
và xông vào cái lối ngõ Hội Vũ ăn ra đường Phố Nhi. Bình không gặp một bóng người
nào, tuy lúc ấy trời cũng đã sáng.
Đến ngã ba, anh chực rẽ về ngõ ra Hàng Bông thì chợt trông thấy Thạc nằm
gục xuống một bên cổng nhỏ. Đó là cái cổng dẫn tới một dãy nhà khuất và tồi tàn.
Bình chực đỡ Thạc dậy, bỗng lùi lại kêu:
- Ô này!
Máu nhuộm đỏ cả một cánh tay áo của Thạc, và một con dao cắm ngập trên
bả vai anh ta.
Đôi mắt kinh dị của Bình bỗng lại trông thấy một mảnh giấy trắng bên
thân hình rũ xuống và lúc ấy bất tỉnh.
Đó là tấm danh thiếp trên có những chữ X. A. E. X. I. G. viết bằng bút
chì, Bình nhận ra chính là tấm danh thiếp biến đi một cách bí mật lúc nãy.
Lật mặt sau, Văn Bình đọc thấy hàng chữ in tên người Thổ Nông An Tăng...
Mắt Bình mở trừng trừng như chưa tin hẳn cái cảnh mình trông thấy là
thực.
Việc xảy ra đột ngột quá, nhanh chóng quá. Người thiếu niên trai
tráng, bạn của anh, vừa mới trò chuyện với anh không đầy năm phút trước, thế mà
bây giờ đã thành một cái xác tội nghiệp, nằm gục bên vệ đường. Anh rùng mình
lên, ngơ ngác nhìn mấy ngả đường ngõ vắng. Trong khoảng khắc, anh thoáng có cảm
giác rất kinh khủng như thấy sự huyền bí độc ác còn lẩn quất đâu đây. Anh nghĩ
ngay đến tên Thổ, và tưởng tượng cách hành động táo bạo của nó: nó rình ở dưới
nhà, bị Thạc trông thấy, lừa cho Thạc đuổi theo đến ngõ hẻm, quay lại, lạnh
lùng giết Thạc rồi biến đi.
Anh không tưởng đến sự tìm bắt hung thủ vì anh tin chắc là không thể bắt
được, và cũng không nghĩ đến sự hô hoán lên. Sự kinh ngạc ban đầu đã qua, anh
quỳ một gối bên Thạc, đặt tay vào ngực thấy tim vẫn còn thoi thóp, tuy vết
thương rất nguy hại và máu ra rất nhiều. Lúc ấy Bình mới định được vị trí.
Bình vội đứng dậy, chạy ra phố Richaud gọi Huy báo qua cho biết cái
tin dữ dội rồi lập tức chạy về phía nhà thương. Anh gắt với người gác cổng:
- Người ta sắp chết, ông nghe ra chưa?
Nhưng người gác cổng vẫn chưa chịu để cho Bình vào. Anh toan lớn tiếng
thì vừa may gặp Kỳ Phương ở trong đi ra cùng với ông thanh tra mật thám. Mai
Trung hỏi:
- Cái gì thế, ông Văn Bình?
Bình thuật vắn tắt việc Thạc bị giết. Câu chuyện dứt thì Kỳ Phương bảo:
- Mau lên, hai ông đi gọi thầy thuốc để tôi chạy ra xem... Ngõ Hội Vũ
phải không?
- Vâng, ngõ Hội Vũ.
Năm phút sau, khi Văn Bình, Mai Trung và một viên y sĩ ở nhà thương ra
đến nơi thì Thạc đã tắt nghỉ.
Kỳ Phương không để ý đến ai, vẫn chăm chú cúi xuống con dao cắm trên
vai Thạc. Chàng ta không giữ vẻ bình tĩnh như lúc ở bên cạnh xác Đường nữa. Hai
mắt mở lớn, mày cau lại dưới cái trán tư lự, Phương nhắc lại mãi một câu:
- Quái lạ, quái lạ hết sức!
Một lát, Phương đứng thẳng dậy, lắc đầu thở dài nói với mọi người:
- Thực quá sức tưởng tượng. Tên Thổ này hình như có ý trêu chọc mình.
Phương giơ tấm danh thiếp ra hỏi:
- Ông Văn Bình đã thấy tấm danh thiếp này lúc nãy phải không?
- Phải.
- Mà chính là tấm danh thiếp trước mặt ông Đường mà các ông kêu mất
lúc nãy?
- Vâng...
- Thế là nghĩa lý gì? Một mặt là những chữ X. A. E. X. I. G., một mặt
là Nông An Tăng, tên thằng Thổ... Nó để lại dấu vết của nó sau hai lần án mạng
làm gì? Đó là câu đe dọa ư, hay đó là lời nguyền rủa? Hay là một khẩu hiệu bí mật?
Hừ! Kỳ dị! Mà sao nó giết cả ông Thạc nữa? Ông Bình, ông thấy thế nào?
BÌnh thuật lại việc xảy ra từ lúc nghe thấy tiếng động trên gác, Thạc
bắt được thằng nhỏ đang tìm tòi gì trên ấy, cho đến lúc Thạc thấy bóng một người
mà Bình chắc chỉ là tên Thổ và đuổi theo tên Thổ đến chỗ này.
- Ông có trông thấy tên Thổ không?
- Không.
- Vậy sao ông biết ông Thạc đuổi tên Thổ?
- Tôi đoán thế. Vả lại tấm danh thiếp này...
- Tấm danh thiếp này là dấu vết của nó phải. Nhưng...
Phương không noí hết, cúi đầu ngẫm nghĩ một lát rồi lại thở dài:
- Tất nhiên trong vụ này còn có người nữa, có lẽ còn nhiều người nữa,
chứ một người chưa dễ có những cách hành động xuất quỷ nhập thần đến thế.
Rồi nhìn Mai Trung, Phương nói tiếp:
- Ông thanh tra còn nhớ đấy chớ? Cụ chủ nhà khai rằng có nghe thấy tên
Thổ nói và như nói với một người thứ hai. Vậy ít ra trong vụ này cũng có hai
người. Hai người cùng nguy hiểm như nhau, cùng giỏi như nhau...
Phương thong thả lấy gói thuốc lá ra, chậm chạp đưa một điếu lên môi,
lặng lẽ đánh diêm, để cái diêm cháy gần đến tay mà vẫn chưa châm hút. Cái dấu
hiệu trang trọng của sự suy tưởng trầm ngâm ấy khiến cho mọi người đứng gần
không ai dám hỏi hay nói một lời nào. Bỗng dưng Phương bảo viên y sĩ:
- Xong rồi! Ông đốc có thể cho khiêng xác ông Thạc vào nhà thương.
Rồi Phương thản nhiên quay đi, đánh một que diêm thứ hai, thở mau những
hơi khói đầu tiên, mắt thờ thẫn nhìn lên như cố tìm lấy một ngôi sao còn sót
trên bầu trời buổi sớm.
Mai Trung nhẹ tiến gần lại, hỏi nhỏ:
- Thế nào?
Phương nâng đôi lông mày lên nhìn người mật thám như nhìn người lạ.
Trung lại hỏi nữa:
- Thế nào? Ông đã tìm được manh mối gì chưa?
Im một lát, Phương trả lời bằng một câu kỳ dị:
- Năm ngày phải xong một việc phải làm bằng hai, ba tuần hay một
tháng! Hừ! Khó khăn! Khó xong được lắm.
- Kìa! Việc gì? Xong việc gì?
Phương vẫn một giọng:
- Có khi lâu hơn nữa! Hừ hừ! Thủ phạm thực tài tình!
- Thế ra ông không... ông chưa...
Nhưng Kỳ Phương đã ngắt lời và hỏi đột ngột:
- Ông Mai Trung! Ông có thể tin ở sự tận tâm của tôi được chứ?
-...?
- Ông có thể trao cho tôi năm người rất lanh lợi trong những bộ hạ của
ông được chứ?
- Sao không được?
- Mà những người ấy hết sức lanh lợi?
- Lanh lợi, thông minh, kín đáo, can đảm, đủ.
- Được, vậy bây giờ tôi xin nói quyết rằng thế nào hung thủ hai vụ án
mạng cũng bị bắt. Thế nào ta cũng bắt được, mà chỉ có ta là bắt được thôi. Ta
đương đầu không phải với một người, một tên Nông An Tăng nhưng với cả một cuộc
hành động ngấm ngầm khôn khéo nữa... Ngay từ phút này, cuộc chiếc đấu bắt đầu
khai, một bên là bọn giết người cùng theo một hiệu lệnh, một bên là ta. Nhưng
ta phải thắng!
- Tôi chắc thế, nhưng... vừa rồi ông nói đến một bọn, đến cái hiệu lệnh.
Hiệu lệnh nào?
- Cái hiệu lệnh bí mật trên cái danh thiếp của Tăng, những chữ kỳ dị
này nếu không phải là một cái lệnh kín, một ước khoán bí mật, hay một khẩu hiệu
gì thì không thể là gì khác được nữa. Việc này tôi còn đương xét, nhưng cấp bách
hơn là phải nỗ lực săn bắt được Tăng.
Tôi đã nghĩ được nhiều cách vây đón rất chu đáo, và chắc năm hôm nữa
hung thủ sẽ ở trong lưới chúng ta...
Mai Trung có vẻ băn khoăn:
- Nhưng mà ông Lê Phong...
Phương cười:
- Ông không lo. Ông Lê Phong khi bảo với ta chỉ nay mai thành công thì
tôi biết ngay một là ông nói ngoa, hai là ông đi lầm đường; cả hai đàng cùng có
thể làm cho ông sai lời hứa được.
Lúc người ta khiêng cái xác đi khỏi, Phương vừa liếc trông Văn Bình vừa
ghé nói vào tai Mai Trung:
- Một người tin tài Lê Phong nhất, là Văn Bình, mà cũng sinh ngờ bạn
và xem chừng muốn dò hỏi phương pháp của tôi. Lúc nãy ông ta muốn ngỏ ý phỏng vấn
tôi nhưng tôi tìm được cách nhã nhặn từ chối.
Trung nghe lời nói mạnh bạo của Phương mới vững lòng và chợt nhận thấy
rằng, trong hai vụ án mạng này, ông quan tâm đến Lê Phong hơn là đến hung thủ.
← VI. Thủ đoạn VIII.Ngón tay của cô Mai Hương→
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét