Nguyễn Thị Hoàng với
‘Tan trong sương mù’ – Hồ Trường An
(Trong 30 năm
qua, Hồ Trường An đã cho xuất bản nhiều tập nhận định, phỏng vấn văn
nghệ sĩ (Chân Trời Lam Ngọc, Theo Chân Những Tiếng Hát, Sàn Gỗ Màn Nhung, Ảnh
Trường Kịch Giới – 2012), song gần đây ông viết phê bình văn chương, là
lãnh vực thân cận của ông, bởi ông đọc nhiều và có óc quan sát tinh tế, trí nhớ
tỉ mỉ và viết cặn kẽ.)
Tan Trong Sương Mù * là một truyện tình của Nguyễn thị Hoàng, na ná như loại Liêu Trai Chí Dị, nhưng nó sâu sắc hơn nhiều truyện, [và] đi sâu vào tư tưởng như truyện dài The Portrait Of Jenny của Robert Nathan (đã được dịch ra Việt văn với cái tựa là Chân Dung Nàng Thơ). Truyện dài này đã được William Dieterle thực hiện thành cuốn phim cùng tựa với đôi tài tử Hoa Kỳ là Joseph Cotton và Jennifer Jones thủ vai chính. Còn truyện ngắn Tan Trong Sương Mù này đã được đưa vào tập truyện Bóng Lá Hồn Hoa cũng của Nguyễn thị Hoàng. Nhưng trong đoạn giới thiệu truyện ngắn Tan Trong Sương Mù này, bút giả vì không có quyển Bóng Là Hồn Hoa nên căn cứ vào quyển tuyển tập thơ văn Chuông Gióng Thênh Thang do Trung Tâm Văn Hóa Xã hội Phật Giáo Việt Nam tại Đức Quốc, (trụ sở ở Chùa Viên Giác, tỉnh Hannover) xuất bản.
Tan Trong Sương Mù là truyện tình
yêu có ẩn dụ. Tiếc thay nhà văn Võ Phiến khi viết về văn chương Nguyễn thị
Hoàng trong quyển hai của toàn bộ biên khảo Văn Học Miền Nam, lại
không đưa nó vào, coi như tác phẩm chứng minh. Ông chỉ xắn một đoạn trong truyện
dài Vòng Tay Học Trò, thay thế cho truyện ngắn này. Có phải chăng
ông không tìm được ẩn dụ trong truyện ngắn này, tức là trong cái sản phẩm tinh
thần mà Nguyễn thị Hoàng vô cùng đắc ý? Hay vì một lý do nào khác, chẳng hạn
ông chưa đọc truyện ngắn nầy?
Xin được kể:
Mở đầu câu chuyện, tác
giả kể rằng trong một cuộc hội nghị văn hóa ở Đài Loan, ông bà Mishio gặp một
người đàn bà Việt Nam kiều diễm và thanh lịch (ý chừng đó là một nhà văn nữ qua
hình bóng tác giả Nguyễn thị Hoàng). Thế là ông muốn vẽ trở lại, sau gần 20 năm
không sáng tác được bức họa nào. Cái ý định muốn vẽ trở lại ấy là dấu hiệu của
sự thay đổi nội giới của một họa gia tài ba người Nhật Bản kia.
Người đàn bà từ lúc gặp
gỡ cảm thấy quyến luyến đôi vợ chồng nhà họa sĩ kia. Ông trao cho nàng tấm danh
thiếp và ân cần mời nàng đến viếng nhà của họ.
Hôm người đàn bà đến viếng
nhà họa sĩ Mishio thì ông đi vắng. Chỉ còn bà vợ ở nhà. Bà Mishio chẳng biết
ngôn ngữ nào ngoài tiếng Nhật và người đàn bà lại không biết tiếng Nhật. Tuy vậy
người đàn bà vẫn nghe vẫn hiểu những gì bà Mishio nói. Tác giả bảo rằng như thường
nghe và hiểu được ngôn ngữ của những người chuyện trò trong chiêm bao (sic). Từ
lúc gặp nhau, người đàn bà cảm thấy có điều gì bí ẩn ở vợ chồng ông Mishio.
Nàng nhận thấy ông chồng già hơn vợ nhiều. Còn bà Mishio rất nhã nhặn và lịch
thiệp đối với khách viếng thăm. Bà bóng gió cho người đàn bà biết chút ít hoàn
cảnh cuộc sống lứa đôi của mình:
… bà Mishio bảo:
– Tôi chỉ mang thai một
lần, vào lúc gần ba mươi tuổi, nhưng bị tiểu sản và tôi cũng… rồi thì gần hai
mươi năm nay.
Khách kinh ngạc:
– Nếu vậy, bây giờ bà
đã… bốn mươi tuổi sao, xin lỗi, tôi phải hỏi thế, vì trông bà chỉ hơn hai mươi
tuổi.
– Phải, tôi chỉ mới hơn
hai mươi tuổi. Nhưng mà đã gần năm mươi… bà thấy là lạ lắm, phải không, đối với
tôi như vậy… đã hai mươi năm nay… (Chuông Gióng Thênh Thang, CGTT, trang
89)
Câu chuyện càng làm nữ
khách hoang mang nhiều hơn khi nàng theo nữ chủ nhân đi dạo vườn sau cơn mưa:
– Những bông hoa này, hồ
thả sen này, tôi chăm nom đã hai mươi năm nay.
– Hai mươi năm, không
thay đổi.
– Bây giờ thì thay đổi.
– Sao bà cho là thay đổi?
– Nhà tôi thay đổi thì
mọi thứ cũng phải thay đổi theo chứ, bà xem rồi tôi nữa, tôi là thứ thay đổi
trước nhất, bà sẽ thấy như thế.
Thưa bà, ông thay đổi,
làm sao bà biết được?
Bà khách quay nhìn lại.
Mặt bà Mishio trắng như phiến giấy với hai con mắt bỗng bừng lên một màu hồng
vàng kỳ lạ như mắt cá thia đỏ. Trong con mắt chợt đổi màu long lanh ấy, con
ngươi như sáng lên với một tia lửa hắt hiu ảm đạm, như ngọn đèn nhỏ được treo từ
một đáy sâu nào xa hút âm u.
– Từ lúc ấy, nghĩa là gần
hai mươi năm nay, nhà tôi chỉ trau chuốt lại những bức tranh dở dang, nhưng
không bao giờ vẽ một bức tranh mới nào. Nhà tôi bảo là những cảm xúc đã chết hết,
đã chết theo…
– Chết theo…
– Phải, chết theo…
nhưng bây giờ thì nhà tôi muốn vẽ tranh lại, nhà tôi đang đến họa một cảnh gần
chùa, cách đây không xa lắm. Nhà tôi vẽ, là một sự thay đổi.
– Như thế… bà nên mừng
đón sự thay đổi của ông chứ.
Sắc mặt bà Mishio trở lại
tươi thắm và bình thường như cũ:
– Vâng, thưa bà, đó là
điều đáng mừng, bao nhiêu năm nay, tôi chờ đợi sự thay đổi đó, khuyên nhủ nhà
tôi cần phải thay đổi đi kia mà, nhà tôi đã khăng khăng giữ lấy đời sống cũ, những
bức tranh cũ, những xúc động cũ. Nhưng bây giờ thì nhà tôi đã tìm thấy điều tôi
mong muốn, dù rằng như vậy thì tôi sẽ… thôi thưa bà, xin bà đừng nói những điều
đó nữa… (CGTT, các trang 89, 90)
Khi ông Mishio về, vợ
chồng ông mời người đàn bà dùng cơm. Bà Mishio vắng mặt luôn. Cũng như lần gặp
gỡ đầu tiên, đang lúc người đàn bà và vợ chồng ông ngắm cảnh thì nàng chợt thấy
bà vợ đâu mất. Ông chồng cho rằng bà vợ đi xuống dưới ấy (sic). Hôm nay, ông chồng,
thêm một lần nữa, cho nàng biết bà vợ cũng đi xuống dưới ấy (sic), như vào mọi
buổi trưa hôm trước. Nữ khách tưởng đó là vợ chồng ông Mishio có căn nhà nào
khác nữa. Nhưng ông Mishio khẳng định rằng đó là chỗ của nhà tôi (sic).
Người đàn bà được ông
Mishio cho xem tranh. Nhưng nàng bất chợt thấy cuối góc phòng có tấm tranh phủ
lụa vàng đặt trên giá vẽ. Nàng tiến lại giá vẽ. Ong Mishio ngần ngừ. Nhưng rồi:
Cuối cùng ông nói:
– Đó là bức tranh dở
dang cuối cùng của tôi. Từ ấy đến nay, tôi gác bút luôn, không thêm được nết
nào nữa.
– Bà nói ông vừa vẽ trở
lại, và hôm nay ông vừa đi họa thắng cảnh nào gần đây.
Ông Mishio cười buồn rầu:
– Tôi tưởng là có thể vẽ
lại được, nhưng tay đã cứng mất rồi. Trái tim già cỗi và những ngón tay cứng
khô.
Người đàn bà băn khoăn:
Bức tranh kia chưa
xong, sao ông không họa tiếp tục? Ông họa gì trong đó?
– Vợ tôi. Tôi vẽ bà ấy
mang thai ba tháng, hồi đó, tôi say mê vẽ đến bất kể một thứ gì khác, nhất là bức
tranh ấy… đến nỗi… mỗi ngày dù mệt nhọc đến đâu, nhà tôi cũng bị bắt buộc ngồi
làm mẫu cho tôi vẽ chừng ba bốn tiếng đồng hồ sau công việc mệt nhọc. Hồi đó,
chúng tôi nghèo cực lắm kia, tranh không bán được, và tôi cũng chưa có tiếng
tăm gì để làm ra được chút tiền, nhà tôi phải âm thầm tần tảo lo liệu lấy mọi
việc để giúp tôi yên ổn thì giờ tâm trí họa tranh.
Thời ấy, tôi không nghĩ
ra mọi sự tai hại của sự say mê của mình, cũng như không hề lưu tâm tới những
khổ sở mà nhà tôi vì tôi phải chịu đựng. Thế rồi kết quả, sau hơn một tuần kiên
nhẫn chịu đựng mệt mỏi, đau đớn quá mức để ngồi cho tôi vẽ, nhà tôi bị hư thai,
phải mổ rồi thì…
Người đàn bà bỗng lắng
nghe. Hình như một tiếng khóc nức nở mơ hồ từ bên kia bức tường giấy vọng sang.
Người đàn ông như không nghe, tiếp tục những ý nghĩ đắm chìm:
– Tiếc thay, tôi đã
dành lại cặp mắt cho nét vẽ cuối cùng. Cho nên không kịp nữa. Và bức tranh dở
dang.
Người đàn bà thắc mắc:
– Về sau, sao bà không
tiếp tục cho ông vẽ đôi mắt?
– Đôi mắt ư, trong bức
tranh bây giờ là hai vũng tối trống không. Và trong đời sống thì… chỉ còn là
cái nhìn xa vắng. Bà không thấy điều đó sao?
– Đôi mắt bà… tôi thấy,
nếu ông tiếp tục bức tranh bà thì đôi mắt ấy bây giờ không chừng đẹp hơn xưa.
– Tôi không thể hình
dung lại, tưởng tượng nhà tôi để vẽ lại. Cái gì xóa nhòa mờ mịt, một khoảng
cách vô bờ giữa chúng tôi ngăn chia tầm mắt và biến đổi cái nhìn.
Người đàn bà lạ lùng;
– Sao bà không ngồi
đây, và ông vẽ bà?
– Tôi không thể vẽ cái
bóng. (CGTT, các trang 92, 93)
Người đàn bà được chủ
nhân cho xem tranh. Tranh chưa hoàn tất: cặp mắt chưa vẽ xong, chỉ là hai khoảng
trống. Thế rồi tấm lụa vàng che tấm tranh biến mất. Ông Mishio cho nàng biết có
lẽ vợ ông sẽ bỏ đi biệt luôn, không bao giở trở lại nữa. Rồi đó, dưới ngòi bút
của Nguyễn thị Hoàng, độc giả còn chứng kiến cuộc đối thoại giữa ông Mishio và
một tiếng nói của bà vợ từ cõi mơ hồ vẳng lại. Chẳng hiểu nữ khách có nghe hay
không. Ở đây, tác giả chỉ muốn dành cuộc đối thoại này cho độc giả, chớ không cốt
dành cho nữ khách:
– Mình hiểu lầm tôi,
mình hiểu lầm tôi rồi, không phải như mình nghĩ đâu.
Ông Mishio nghe như
trong xa vắng có tiếng ai nói rất khẽ đáp lời mình thì thào:
– ông đừng chối, tôi đã
thấy rõ ông hơn chính ông nhìn thấy ông. Mặc dù chưa đến đâu, chưa xảy ra chuyện
gì, nhưng mà câu chuyện đã khởi đầu, nếu cứ tiếp tục, một lúc nào đó điều tôi
nghĩ về mình sẽ đúng. (CGTT, trang 96)
Cuộc sống lứa đôi của
ông Mishio, với cái bóng mây dầy đặc phủ trên tung tích và hành trạng bà vợ dần
dần được tác giả mở ra trước sự chứng kiến của người đàn bà kiều diễm và thanh
lịch kia. Tác giả áp dụng kỹ thuật điêu luyện của một cây bút viết tiểu thuyết
trinh thám.
Nhưng Tan Trong
Sương Mù là một truyện ngắn tuy dựa vào công việc thắt nút mở nút của
một cây bút viết truyện trinh thám để trình bày cho độc giả cái bí ẩn ma quái của
câu truyện, lại còn mở một chân trời nghệ thuật bao la và một chân trời tư tưởng
sáng lộng lẫy.
Rồi ông Mishio và người
đàn bà cùng hẹn đến một ngôi chùa cổ. Nơi đây ông mới cho nàng biết sự thật của
cuộc sống lứa đôi của ông. Từ lúc đưa độc giả vào câu truyện cho tới đây, tác
giả mới cho độc giả biết rằng ngay từ đầu bà Mischio xuất hiện không phải bằng
xương bằng thịt trước mặt người đàn bà kiều diễm kia, mà bằng hình ma bóng quế.
Thì ra, đúng như lời
ông đã kể, trước kia vợ chồng của họa sĩ Mishio yêu đương nhau thắm thiết. Khi
ông chưa nổi danh, bà phải vừa lo gánh mưu sinh vừa ngồi làm mẫu cho ông vẽ,
nên bà bị chứng tiểu sản. Tới đây, ông mới thú thật rằng chứng tiểu sản đã giết
chết vợ ông. Từ đó cho tới gần 20 năm sau, ông Mishio chỉ lo trau chuốt những bức
họa dở dang, chứ không vẽ thêm được bức nào.
Còn bà Mishio dù là đã
chết, nhưng vì mối tình u uẩn khắng khít đối với chồng, vì tấm lòng hoài vọng
tưởng niệm không nguôi của ông và nhất vì nỗi chết quá đột ngột bi thảm nên hồn
bà cứ quanh quẩn theo ông. Gần 20 năm qua, tên tuổi ông trở nên lừng lẫy, ông
được đi nhiều nơi, dự nhiều cuộc hội nghị văn hóa, luôn luôn có bà bên cạnh. Bà
ra điều kiện với chồng: bao giờ lòng ông vương một hình bóng người đàn bà nào
khác, bất cứ dưới hình thức nào thì bà sẽ tan biến đi; mối tình dù vượt qua hai
cảnh giới âm dương bao lâu vẫn tồn tại cũng sẽ không còn nữa. Ông cũng thú nhận
luôn mối cảm tình của ông đối với người đàn bà từ hôm gặp nàng tại hội nghị và
ông chỉ muốn họa một bức chân dung của nàng, dù chỉ là vài nét loáng thoáng. Do
đó mà tấm thảm kịch bắt đầu:
– Đêm qua… đêm qua, những
đêm trước… tôi chiêm bao thấy bà, từ khi… từ khi tôi gặp bà, tôi vẫn chiêm bao
thấy bà. Và cũng từ hôm ấy, tôi muốn vẽ tranh lại. Sau hai mươi năm thề rằng
không bao giờ vẽ nữa sau bức tranh không mắt của nhà tôi. Tôi mang giá vẽ ra khỏi
nhà, đi xa, tìm cảnh khuất vắng, pha màu, mong vẽ một cảnh nào đó, nhưng tôi cầm
bút lên, bất cứ nét nào cũng là nét dáng của bà mà thôi. Tôi phải dập xóa bức
tranh và mang khung lụa trắng trở về. Nhưng vô ích, nhà tôi biết hết, thấy hết,
nhà tôi biết tôi nghĩ gì về bà, tôi chiêm bao thấy bà, tôi sẽ họa hình lên khung
lụa mỗi lần ra khỏi nhà một mình…
Và nữa, nhà tôi cũng biết
tôi soi mình xuống ao sen.
Người đàn bà cười mơ mộng:
– Ông soi ngắm mình dưới
hồ sen sao?
– Xin bà đừng cười, tôi
phải nói ra điều không thể nói. Chính với hình bà, từ hôm gặp nhau, tôi sống lại
đời sống thực, tôi muốn thấy mình sự thật ra sao. Bao nhiêu năm nay, với hình
bóng trẻ trung không thay đổi của nhà tôi bên cạnh đời sống bình yên kia tôi cứ
tưởng mình vẫn còn như hai mươi năm xưa, nhưng tôi đã già rồi, tôi đã chôn sống
tôi hai mươi năm với một cái bóng, với một người đã chết. Điều đó cũng không
làm cho người chết sống lại, mà làm chết luôn đời sống của tôi. Hai mươi năm,
tôi không tình cảm, không họa tranh, không giao du với ai, không biết gì trong
đời sống bên ngoài, chỉ có nhà tôi, nhà tôi… tôi nhận ra những điều đó khi thấy
mái tóc trắng của mình cúi xuống trong hồ nước, và tôi ân hận vô cùng, tôi tiếc
đời sống. Từ phút đó, bao nhiêu ân tình và lòng chung thủy đối với nhà tôi gần
hai mươi năm, dù cũng còn đó, nhưng chừng như tiêu tan thành mây khói hết. Giữa
chúng tôi, sợi dây nối kết âm dương cũng đứt lìa… (Chuông Gióng Thênh
Thang, các trang 99, 100)
Sự hiện diện của người
đàn bà kéo họa sĩ Mishio trở lại đời sống, để ông nhìn sâu vào thực thể của đời
sống. Nhưng đã quá muộn; ông đã già rồi! Ông sẽ không được gì ở nàng, ngoài tấm
lòng cảm mến của nàng qua nghệ thuật và qua tình người. Nàng sẽ trở về xứ sở của
nàng. Còn ông, ông mất luôn cái bóng ma của người vợ. Và cũng có lẽ ông không
còn cơ hội xây dựng lại cái hạnh phúc mà ông có thể tìm lại sau khi vợ chết ít
lâu.
Cuộc sống dưới ngòi bút
của Nguyễn thị Hoàng trong truyện ngắn nầy là cuộc sống ngang trái và đầy hệ lụy.
Độc giả có cảm tưởng rằng nếu từ trước với một ý thức nhỏ nhoi, ông Mishio có
thể tránh được sự lầm lỡ kia. Lẽ sống đối với một kẻ có ý thức chín chắn thì ở
đâu mà chẳng có? Đời sống của ông Mishio quá khúc mắc éo le và sẫm buồn tẻ lạnh
bởi bóng ma của bà vợ án ngữ. Ông đã hoàn toàn sống với bóng ma của bà vợ, với
kỷ niệm hối tiếc ăn năn trong một quá khứ buồn thảm, tức là ông sống trong cõi
chết, trong ý thức tê liệt sượng chai. Quá khứ là gì? Là cái khoảng thời gian
đã qua, đã mất, đã chết. Nói rõ hơn quá khứ là bóng ma của thời gian. Còn kỷ niệm
cũng chỉ là bóng ma của biến cố. Ông Mishio không chịu sống với hiện tại, mà
chân trời viễn ảnh thì bít lối, tương lai cũng không cho ông mường tượng một
tia sáng nào, dù đó là một huyền ảnh đi nữa.
– … Đối với bà, tôi chỉ
có chút lòng cảm mến, đúng ra tôi đã tìm lại nguồn rung cảm thuần túy nghệ thuật
mà gần hai mươi năm trời nay đã khô cạn. Mà dù thế nào rồi ngày mai ngày kia,
bà lại đi, bà có phương trời của bà. Còn tôi, tôi với cái bóng già cỗi của mình
trong hồ sen, với hình ảnh nhà tôi chỉ còn trong trí nhớ, với những vết tích
thân yêu trong ngôi nhà vắng lặng kia, một mình… một mình với những chiếc dép
màu quanh thềm nhắc nhở những bước chân ra vào lững thững, những chiếc kimono
còn vương vất mùi hương hơi trong tủ, những chiếc gối thêu hoa, những chăn nệm
đượm nồng, những tách trà cúc hoa…
Những giọt nước mắt bồi
hồi nhỏ xuống má môi người đàn bà:
– Nhưng ông sẽ còn những
bức tranh, bức tranh bây giờ đã có hai con mắt của bà… bức tranh sẽ là bà.
– Bà lầm rồi, như tôi
nói, bao giờ nhà tôi mất đi hẳn, những nét trong tranh cũng sẽ mờ theo. Còn hai
con mắt mà bà thấy đó, không phải là hai con mắt đâu, mà là cái nhìn muốn nói với
tôi tất cả những điều tôi vừa nói với bà đó. Nhà tôi đã lấy tấm lụa vàng đi, vì
rằng… bức tranh bây giờ chỉ còn là tấm vải trống trơn không còn dấu vết màu sắc
hình nét nữa. Bà không tin lời tôi, nếu bà có thể trở lại phòng tranh, bà sẽ thấy
lời tôi nói. Nhưng ở đây cuối cùng rồi bà cũng sẽ thấy một cái gì đó làm cho bà
tin điều tôi nói là có thật. (CGTT, trang 101)
Cái gì đó tức là bà
Mishio xuất hiện với khuôn mặt xinh tươi của mình. Bà tiến về hai người rồi đi
nhanh như bay về phía sau chùa. Người đàn bà chạy theo, đến vùng sương mù, cất
tiếng gọi bà. Bà Mishio chậm bước quay lại. Khuôn mặt bà trở thành già nua, tóc
bạc phơ. Bà đi trong sương mù và như đì vào pho tượng đồng đen vừa mọc ra giữa
vùng sương trắng xóa.
Tan Trong Sương Mù là một truyện
tình có cái ẩn dụ sâu sắc mà trong văn chương Miền Nam Việt Nam từ 1955 cho đến
1975 chưa có truyện ngắn nào như vậy. Tôi còn nhớ trong bài tùy bút Hậu
Ức Viên Ký trong thi tập Gầy Hoa Cúc (do Rừng Trúc xuất
bản), tác giả Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội có nói về tấm mộ bia trong nghĩa trang
Mạc Đĩnh Chi. Bia có khác hàng chữ: C’est l’oubli des vivants qui fait
mourir les morts (chỉ có sự quên lãng của người sống mới giết chết người đã quá
cố). Câu này có thể nói lên trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa của văn chương
Nguyễn thị Hoàng trong Tan Trong Sương Mù. Khi vợ chết, ông Mishio
không thể nào quên được vợ. Như thế, bà tuy chết, nhưng vẫn còn sống trong tâm
tưởng của ông để ông nhớ nhung thờ phụng không nguôi suốt một thời gian dài (gần
20 năm). Nhưng sự xuất hiện của người đàn bà xa lạ làm cho tâm tưởng của ông
thêm một hình ảnh mới chen vào cái tâm tường mà bà vợ đã từng ngư trị hoàn
toàn… Dù hiện giờ ông không quên hẳn hình bóng của vợ mình, nhưng chỗ ngự trị của
bà không còn nguyên vẹn nữa, nó bị hình bóng nàng lấn chiếm. Dần dần hình ảnh
nàng sẽ choáng thêm rộng. Bà vợ biết rằng, từ đây chỗ chiếm ngự của mình sẽ thu
hẹp dần dần, và bà cũng sẽ dần dần không còn có chỗ nào để sống trong tâm tưởng
của chồng mình. Sự quên lãng của ông mới thật sự biến bà vợ thành người chết
đúng nghĩa; bà sẽ bị chồng quên lãng hoàn toàn, hình ảnh bà sẽ dần bị xoá nhòa
trong tâm tưởng của ông. Sự xóa nhòa ấy được tượng trưng bằng hình ảnh bà
Mishio tan rã trong vùng trời sương mù trắng xóa. Chân dung của bà vợ sẽ không
còn ghi khắc trong ký ức ông nữa. Ở đây, tác giả ẩn dụ bằng bức vẽ chân dung trở
thành bức vải trống trơn, màu sắc và đường nét phai nhòa luôn.
Điện ảnh của Pháp có một
cuốn phim kiệt tác của Jean Cocteau và với cái tựa đề là La Belle et la
Bête (dịch theo ý nghĩa của kịch bản là Giai Nhân và Quái Vật).
Từ hơn một nửa thế kỷ (từ 1945) cho tới nay, phim này được đánh giá là film
culte (phim đáng tôn thờ) đã từng thắp sáng tên tuổi đôi tài tử
Jean Marais và Josette Day. Thật ra, cốt truyện phim này được rút trong quyển Le
Magazin des Enfants (1757) của bà Jeanne Marie Leprince de Beaumont.
Truyện kể rằng: Một
thương gia đi buôn bán xa, trên đường về nhà lạc vào cánh rừng hoang khi màn
đêm buông xuống. ông tìm chỗ tá túc, rồi lạc bước đến lâu đài không một bóng người.
Tuy nhiên, ông có mâm cơm ngon lành để đỡ dạ, có chỗ ngủ sạch sẽ sang trọng để
qua đêm. Sáng hôm sau, trước khi rời khuôn viên để về nhà, ông hái một đóa hồng
để tặng cô gái út kiều diễm của ông, một đóa hồng đẹp và to như cô ta hằng ao ước.
Tức thì một quái vật mình người mặt thú hiện lên đòi giết ông. Ông hẹn tuần sau
sẽ đến lâu đài nạp mạng. Nhưng cô gái út thương yêu cha, quyết thay cha đến lâu
đài. Tại đây, nàng được quái vật trọng đãi, yêu thương. Dần dần nàng cảm mến
đương sự. Thì ra đương sự vốn là một hoàng tử tuấn tú bị mụ phù thủy trù ếm nên
trở thành quái vật. Mụ có hẹn rằng chừng nào có một cô gái kiều diễm thành thật
yêu thương đương sự thì đương sự sẽ hoàn lại hình dung xinh đẹp như xưa. Sau
cùng, cô gái nhận lời làm vợ quái vật vì nàng cảm thấy yêu đương chân thành
đương sự vì đó là một kẻ có tâm hồn cao thượng. Lập tức, quái vật biến trở lại
một hoàng tử hào hoa phong nhã. Chàng ôm lấy nàng và cùng nàng bay lên trời.
Như vậy ẩn dụ của chuyện La
Belle et La Bête là gì? Là khi nào ta yêu ai thì người đó dù xấu xí
cho thế mấy cũng trở thành nếu không xinh đẹp thì cũng duyên dáng mặn mà dưới mắt
ta. Sắc đẹp nào phải tuyệt đối, mà là do chiêu cảm của từng cá nhân. Có nhiều cặp
vợ chồng mà người ngoại cuộc thì thấy chồng xấu vợ đẹp hoặc chồng đẹp vợ xấu. Rồi
họ thắc mắc tại sao cô vợ đẹp có thể say đắm anh chồng xấu? Hoặc tại sao anh chồng
đẹp có thể hạnh phúc với cô vợ xấu? Họ quên rằng xấu với họ, nhưng đẹp hoặc quyến
rũ mặn mà đối với người trong cuộc (cuộc ân ái, cuộc hôn nhân…).
Lại nữa, vận sự cả hai
bay lên trời còn có thêm cái ẩn dụ là đi vào cõi lạc phúc ngoài thế gian này.
Phim La Belle
et La Bête vẫn chỉ là một cốt truyện dành cho thiếu nhi giải trí.
Nhưng có lẽ vô tình tác giả tạo được cái ẩn dụ sâu sắc về phương diện tình yêu,
về phương diện tâm lý. Tình cờ qua một chiêu cảm trong sáng tuyệt vời, hai điện
ảnh gia Jean Cocteau và René Clément nắm bắt được cái ẩn dụ ấy để hình thành một
cuốn phim bất hủ trong kho tàng tinh hoa của điện ảnh nước Pháp.
Trái lại, Nguyễn thị
Hoàng có lẽ chưa bao giờ đọc bài Hậu Úc Viên Ký của bà Mộng
Tuyết Thất Tiểu Muội căn cứ trên ý nghĩa của câu thệ nguyện khắc vào mộ bia
trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi: C’est l’oubli des vivants qui fait
mourir les morts để dựng nên truyện ngắn Tan Trong Sương Mù.
Ngoài ra, chị còn lấn sang lãnh vực huyền nhiệm của hội họa. Bút pháp của chị ở
đây vẫn bay bướm, hoa lệ như tự xưa giờ, vẫn đầy nhạc điệu du dương, tuy nó hơi
rổng sáo, tuy nó hơi thời thượng nhưng không lòe loẹt lộ liễu như bút pháp ở
trong tác phẩm khác.
Chúng ta hãy đọc đoạn
mô tả chân dung người đàn bà thanh lịch và kiều diễm đóng vai trò động lực
chính của tấn thảm kịch:
Người đàn bà ngồi đó, một
tay nâng tách trà, một tay tì nhẹ lên thành trường kỷ cẩn xa-cừ, hai chân khép
nép xếp vào nhau, tà áo đen dài ẻo lả buông xuống tận mũi hài thêu hoàng hạc lượn,
mái tóc nhung đen vén cao từng lọn nhỏ và thanh trên đỉnh đầu để hé một nét cổ
trắng ngần chảy xuống khung ngực áo rộng hình vuông lấp lánh một cành huyết ngọc
bên phía trái.
Trong khung mắt vương
buồn, người đối hiện vẫn tìm thấy một lấp lánh ánh sắc tươi vui, hân hoan, như
thứ ánh đèn lồng hò hẹn trong vườn cây tăm tối sao mờ, dấu hiệu của một giờ
tình tự đằm thắm. Nét mày cong thỉnh thoảng cau lại như hỏi han ân cần, như hờn
giận nũng nịu, như vòi vĩnh van lơn làm nõn nà đôi gò má cao phơn phớt một
thoáng hồng man mác tỏa xuống đôi môi san hô non mấp máy giấu che hai hàm răng
màu lựu non he hé từng lời nói tiếng cười. Giọng nàng nhỏ, thanh, nhưng rõ như
tiếng vang xa được lọc qua những tầng thanh khí trong vắt vắng im, nghe xa vời,
như từ cõi nào vọng vang, mà gần gũi như thủ thỉ gần kề bên gối. (CGTT,
trang 81)
Nguyễn thị Hoàng có óc
quan sát mãnh liệt và tinh nhuệ. Cho nên sự miêu tả của chị tràn ngập nét tạo
hình độc đáo với một bút pháp kiều diễm và thơ mộng. Xin cùng đọc một bữa cơm của
người Nhật đãi khách đến từ phương xa.
Bữa cơm thanh đạm,
nhưng ngon lành, gồm một chén canh cải nấu với cá, một dĩa tôm nhỏ lột vỏ chiên
bột ăn kèm với khoai chiên, một dĩa nhỏ dưa gang ướp mật rượu và đường màu mã
não, những khoanh trứng gà luộc trên một dĩa xà lách thật tươi ghim từng trái
táo đen, hạnh nhân và hạnh đào màu đỏ. Tất cả được trình bày trong bát dĩa bằng
thứ gỗ đen và nhẹ, cẩn hoa và chim hạc, bướm và những cánh tùng già. Những hạt
cơm trắng, dẻo vít lên đầu mút đũa nhẹ tênh màu đỏ thắm. (CGTT, trang
91)
Ngày xưa, các cụ ta
sáng tác những bài thơ ẩn dụ để nói lên cái thân thế, cái chí khí cùng hoài bão
và tâm sự của mình. Họ dùng những đồ vật, những con vật lẫn những nhân vật đều
tầm thường để vịnh thành thơ. Nhưng ẩn sau mặt chữ, độc giả đối diện với những
vấn đề rộng lớn và những tình ý mênh mông về chuyện kinh bang tế thế, về chuyện
khuynh đảo thời thế nhiễu nhương, về con đường giành lại chủ quyền dân tộc để
canh tân tổ quốc… Nhưng ở truyện ngắn, truyện dài, ít có ai dùng phép ẩn dụ cả.
Còn tệ hơn nữa, những nhà biên khảo, những nhà phê bình chỉ quen quan sát và nhận
định văn chương tâm lý ái tình, văn chương phong tục, văn chương hiện thực và
văn chương tân hiện thực mà không ngó ngàng gì tới văn chương sâu rộng hơn,
nghiêng về ẩn dụ, về tư tưởng triết học, tâm linh…
Cái nhìn của họ mắc cạn
ở mặt chữ, không thể xuyên qua mặt chữ nên họ không tìm được ẩn dụ, tư tưởng
trong văn chương. Cho nên Tan Trong Sương Mù từ bấy lâu nay như kẻ mặc
áo gấm lộng lẫy đi đêm. Nói rộng hơn, các phê bình gia Việt Nam vốn chưa quen
tìm ẩn dụ trong nhiều tác phẩm của văn chương quốc tế để hướng dẫn người đọc.
Bà Jeanne Marie
Leprince de Beaumont có cái may mắn khi viết truyện La Belle et La Bête vì
nó được điện ảnh gia Jean Cocteau bắt gặp được cái ẩn dụ tuyệt vời của bà trong
câu truyện cổ tích đó. Nguyễn thị Hoàng thì chẳng được cái vinh hạnh đó. Tan
Trong Sương Mù là truyện ngắn mà chị đắc ý nhất do chính tay chị đưa
vào tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta do
nhà xuất bản Sóng ấn hành. Chị đã giải thích cái ẩn dụ đó ở phần ghi tiểu sử của
chị cùng cái lý do chị chọn truyện ngắn này đóng góp cho tuyển tập này. Nhưng
chẳng ai thèm đọc thèm tin. Sau đó, nó không được nhà văn hay nhà phê bình nào
nhắc nhở tới. Tại sao thế? Có lẽ đa số không có kinh nghiệm về công việc tìm ẩn
dụ chăng? Hoặc có lẽ từ lâu họ bị thành kiến ác nghiệt ám ảnh họ: Nguyễn Thị
Hoàng chỉ biết làm điệu làm dáng trong văn chương, chỉ biết dùng chữ đao to búa
lớn mà không chịu đi sâu vào lãnh vực tư tưởng chăng?
Tìm ẩn dụ trong văn
chương là làm được bước khởi hành để đi vào chiều sâu của tác phẩm, trước khi đọc
tác phẩm văn chương có tư tưởng tâm linh hoặc triết học. Nhưng chẳng có phê
bình gia Việt Nam nào chịu chia sẻ với Jean Cocteau để làm công việc đó. Đa số
đùn công việc soi sáng và tìm tòi ẩn dụ cho các cao tăng thạc đức trong việc
thuyết giảng Kinh Phương Đẳng và Kinh Đại Thừa của Phật Giáo mà thôi.
Từ trước đến nay, các
nhà phê bình của chúng ta khi gặp một quyển sách có tư tưởng triết học, hay tư
tưởng tâm linh như tác phẩm của Dostoievski, Hermann Hesse, Georges Bernanos… họ
lờ đi, rồi bỏ qua luôn. Có nào ai khi xem phim Lã Sinh Môn của
Akira Kurosawa, rồi đề cập cái ẩn dụ về sự thật Tuyệt đối, sự thật toàn vẹn? Sự
thật tự xưa giờ chỉ hiển lộ tùy theo khía cạnh cảm nhận của từng cá nhân, tùy
theo vị trí cái nhìn của từng cá nhân. Như thế làm sao chúng ta cho rằng đó là
sự thật vẹn toàn?
Lại nữa, hình như đa số
những tay biên khảo và những nhà phê bình văn chương chúng ta chỉ chiêm ngưỡng
theo hướng đi của Vũ Ngọc Phan cùng Hoài Thanh và Hoài Chân thuở tiền chiến. Và
họ cũng chỉ biết đi theo dấu vết của Cao Huy Khanh tại Miền Nam Việt Nam trước
1975. Họ quên rằng vào thời tiền chiến không có nhà thơ nào lấn sâu vào lãnh vực
tư tưởng như Nhất Hạnh, Giản Chi, Võ Chân Cửu, Nguyễn Tôn Nhan ở miền Nam, sau
Hiệp định Genève. Và như Thân thị Ngọc Quế, Đặng thị Quế Phượng, Như Chi ở hải
ngoại. Còn về bên văn xuôi, thời tiền chiến làm sao có những tác giả kiêm tư tưởng
gia như Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Thanh
Tâm Tuyền, Võ Phiến (chỉ riêng qua hai tập truyện Phù Thế, Ảo Ảnh).
Riêng Cao Huy Khanh vẫn là một phê bình gia lỗi lạc, nhưng anh chưa có kinh
nghiệm nhiều về việc đọc lối văn thoát khỏi cái vòng cương tỏa của hiện thực và
tân hiện thực. Cho nên Cao Huy Khanh không thể leo lên cái vị trí của Henri
Troyat vốn là một nhà văn ăn khách chứ không phải là nhà phê bình chuyên môn của
văn học Pháp. Nhưng khi viết nguyên một cuốn biên khảo về văn chương của văn
hào Dostoiesvki, ông nắm bắt được ngay những then chốt tâm linh, tôn giáo mà
ông Dostoiesvki dựng thành các tác phẩm L’Idiot ấy.
Như thế, chúng ta có thể
hiểu được tại sao Tan Trong Sương Mù chịu số phận hẩm hiu, thiệt
thòi.
.
(Nguồn: hocxa.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét