Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Sông ngòi Việt Nam - VI. HỆ THỐNG SÔNG THU BỒN – VU GIA


Đoạn cuối dòng Thu Bồn giáp với cầu Cửa Đại

 

VI. HỆ THỐNG SÔNG THU BỒN – VU GIA:


Hệ thống sông Thu Bồn có các chi lưu lớn: sông Cái, sông Bung, chảy vào sông Vu Gia, nhập với sông Thu Bồn chảy ra cửa Đại và một phần chảy vào sông Hàn ra vịnh Đà Nẵng.


1. Sông Thu Bồn:

- Sông Thu Bồn, là một trong những sông nội địa lớn nhất Việt Nam, với diện tích lưu vực rộng 10,350km2. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa Tam Quang, huyện Núi Thành. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia, hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người Quảng Nam. Phần lớn diện tích lưu vực sông chảy trong địa phận Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, phần thượng nguồn một phần nằm trên đất Kon Tum và Quảng Ngãi.


- Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có ranh giới với các lưu vực:

+ Phía Bắc giáp lưu vực sông Cu Đê.

+ Phía Nam giáp lưu vực sông Sê San, sông Trà Bồng.

+ Phía Đông giáp biển Đông và lưu vực sông Tam Kỳ.

+ Phía Tây giáp với Lào.


- Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh cao 2,598m thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (Nam Quảng Nam- Bắc Kon Tum); phần thượng lưu này được gọi là Đak Di. Sông chảy ngược lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức. Khi đi qua đây, sông nhận thêm nhiều chi lưu là các sông, suối nhỏ. Đoạn chảy qua Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh. Bắt đầu khi đi qua địa phận Quế Sơn, Duy Xuyên, sông mới bắt đầu được gọi là Thu Bồn. Khi chảy qua ranh giới giữa Duy Xuyên và Đại Lộc, Thu Bồn nhận chi lưu lớn nhất ở tả ngạn, đó là sông Vu Gia. Sông đổ ra biển Đông ở cửa Đại. Cách cửa Đại không xa ngoài khơi là cù lao Chàm. Trước khi ra biển, sông tạo ra một số phân lưu như sông Ba Chươm, sông Cổ Cò, sông Đình, sông Đò, sông Hội An.


- Thượng lưu của sông Thu Bồn có các phụ lưu cấp II lớn như Sông Khang, sông Vang, sông Tranh, sông Gềnh Gềnh. Tại thị trấn Vĩnh Điện, một phần nước của sông Thu Bồn đổ vào chi lưu Vĩnh Điện dẫn nước vào sông Hàn và đổ ra cửa Đà Nẵng.


2. Sông Vu Gia: 

Là một trong hai sông hợp thành hệ thống sông Thu Bồn nên cũng gọi hệ thống sông Thu Bồn- Vu Gia. Lưu vực sông Vu Gia nằm về phía bắc lưu vực sông Thu Bồn thuộc địa phận các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Đại Lộc và Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng. Sông Vu Gia có các phụ lưu cấp II quan trọng gồm sông Bung, sông Kôn, sông Cái. Chiều dài dòng chính tính từ thượng nguồn sông Cái đến cửa Hàn (Đà Nẵng) dài 204km. Tổng diện tích lưu vực đến thị trấn Ái Nghĩa (huyện lị huyện Đại Lộc) đạt 5,180km2. Phần thượng nguồn sông Vu Gia có một phần lưu vực nằm trên đất Kon Tum, thuộc huyện Đắc Glei với tổng diện tích lưu vực đạt 500km2. Tại Ái Nghĩa, sông được gọi với một tên khác là sông Quảng Huế và đổ nước vào sông Thu Bồn. Sông được chia thành 2 chi lưu Sông Yên và sông Chu Bái. Sông Yên chảy về phía An Trạch, sau đó nhập lưu với sông Túy Loan chảy vào sông Hàn, Đà Nẵng.


Theo tính toán cơ bản, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều công trình thủy điện.


3. Sông Túy Loan:

- Sông Túy Loan, còn tên gọi khác sông Thủy Loan, là một phụ lưu của sông Cầu Đỏ (hay sông Cẩm Lệ, sông Hàn tùy theo từng đoạn), chảy hoàn toàn trong địa phận huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Sông này dài khoảng 30 km, bắt nguồn từ vùng núi Bà Nà ở phía Tây Hòa Vang. Sông chảy theo hướng Tây-Đông, đến xã xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang thì hợp lưu với sông Yên tạo thành sông Cầu Đỏ.


- Sông Túy Loan có hai chi lưu lớn là sông Lỗ Đông ở hữu ngạn từ phía Tây Nam Hòa Vang chảy tới và một sông nhỏ bên tả ngạn. Cả hai chi lưu này nhập vào sông Túy Loan tại xã Hòa Phong. Sông Lỗ Đông có một chi nhỏ là sông Đồng Nghệ.Diện tích lưu vực sông Túy Loan là 160 km².


4. Sông Hàn:

- Sông Hàn, tức Hàn Giang bắt đầu từ ngã ba sông giữa Quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng, tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Sông có dòng chảy từ Nam lên Bắc.


- Đoạn từ ngã ba sông nói trên ngược về phía thượng nguồn tới chỗ cầu Đỏ, được gọi là sông Cẩm Lệ. Đoạn tiếp theo về phía thượng nguồn gọi là sông Cầu Đỏ.


5. Sông Cầu Đỏ: 

Sông Cầu Đỏ do hai con sông Yên và sông Túy Loan (còn gọi là sông Tuy Loan) hợp lại mà thành ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Sông Yên là một phân lưu của sông Vu Gia chảy từ bên huyện Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam sang. Còn sông Túy Loan bắt nguồn từ phía Tây huyện Hòa Vang, chảy về phía Đông; đến xã Hòa Phong thì nhận hai chi lưu là sông Lỗ Đông ở hữu ngạn từ phía Tây Nam Hòa Vang chảy tới và một sông nhỏ bên tả ngạn.


6. Sông Yên:

- Sông Yên là một phân lưu của sông Vu Gia và là một chi lưu của sông Cầu Đỏ. Sông tách ra khỏi sông Vu Gia ở chỗ giáp ranh giữa các xã Đại Hòa và Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), chảy lên phía Bắc qua giáp ranh giữa xá Đại Hiệp (Đại Lộc) với các xã Điện Tiến và Điện Hồng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), rồi chảy qua ranh giới xã Hòa Khương và xã Hòa Tiến, giữa xã Hòa Tiến và Hòa Phong (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) rồi hội lưu với sông Cầu Đỏ.


- Trên sông tại địa phận xã Hòa Khương và Hòa Tiến có đập thủy lợi An Trạch được xây từ thời Pháp thuộc.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét