NGỤY THƯ QUYỂN 18 - Nhị Lý Tang Văn Lã Hứa
Điển nhị Bàng Diêm truyện
Lý Điển, Lý Thông, Tang Bá, Tôn Quan, Văn
Sính, Lã Kiền, Hứa Chử, Điển Vi, Bàng Đức, Bàng Dục, Diêm Ôn
Bàng Đức sa cơ trong trận Phàn Thành
BÀNG ĐỨC TRUYỆN
Bàng Đức tự Lệnh
Minh, người quận Nam An huyện Hoàn Đạo. Thời trẻ làm lại ở châu quận, chức Tòng
sự. Năm Sơ Bình trung, theo Mã Đằng đánh dẹp các tộc Khương-Đê làm phản. Mấy lần
lập được chiến công, ít lâu được thăng lên chức Hiệu uý. Năm Kiến An trung,
Thái tổ đánh dẹp Đàm-Thượng ở Lê Dương, Đàm phái bọn Quách Viên-Cao Cán cướp lấy
vùng Hà Đông, Thái tổ sai Chung Do đốc suất các chư tướng ở Quan Trung đánh dẹp
bọn ấy. Đức đi theo con của Đằng là Siêu chống cự Viên-Cán ở Bình Dương, Đức
làm tiên phong, tiến đánh Viên-Cán, đại phá quân địch, đích thân chém đầu Viên.
Nguỵ lược chép: Đức
chém được một thủ cấp, không biết đó là Viên. Sau khi tan cuộc chiến, chúng
nhân đều nói Viên đã chết mà không tìm được thủ cấp. Viên, là cháu ngoại của
Chung Do. Về sau Đức từ từ bỏ cái túi xuống thì bên trong có một cái đầu rơi
ra, Do nhìn thấy cái đầu ấy liền khóc. Đức tạ lỗi với Do, Do nói: "Viên
tuy là cháu ta, nhưng là kẻ quốc tặc. Khanh hà cớ gì mà tạ ta?"
Đức được bái làm
Trung lang tướng, tước Đô đình hầu. Sau này Trương Bạch Kỵ làm phản ở Hoằng
Nông, Đức lại theo Đằng đi chinh phạt, phá Bạch Kỵ ở vùng Lưỡng Hào. Mỗi khi xuất
chiến, thường xung phong hãm trận đánh lui quân địch, dũng khí trùm ba quân.
Sau Đằng được vời về làm Vệ Uý, Đức ở lại làm thuộc hạ của Siêu. Thái tổ phá
Siêu ở Vị Nam, Đức theo Siêu trốn vào vùng Hán Dương, giữ Ký thành. Sau lại
theo Siêu chạy vào Hán Trung, nương nhờ Trương Lỗ. Thái tổ bình định Hán Trung,
Đức theo chúng nhân ra hàng. Thái tổ thấy Đức kiêu dũng, lập tức bái làm Nghĩa
tướng quân, phong tước Quan Môn Đình hầu, ăn lộc ba trăm hộ.
Bọn Hầu Âm-Vệ Khai làm
phản ở huyện Uyển, Đức dẫn quân bản bộ hợp với Tào Nhân cùng vây đánh huyện Uyển,
chém Âm-Khai, rồi xuôi Nam đóng quân ở Phàn thành, đánh Quan Vũ. Các tướng ở
Phàn thành thấy anh họ của Đức ở Hán Trung, đều nghi ngờ.
Nguỵ lược chép: Anh họ
của Đức tên Nhu, bấy giờ ở đất Thục.
Đức thường nói rằng:
"Ta đã chịu quốc ân, về nghĩa phải lấy cái chết để báo đáp. Ta muốn thân
chinh đi đánh Quan Vũ. Năm nay nếu ta không giết được Vũ, tất Vũ sẽ giết
ta." Sau thân chinh cùng với Quan Vũ giao chiến, bắn trúng vào trán Vũ. Bấy
giờ Đức thường cưỡi ngựa trắng, quân của Vũ gọi Đức là Bạch mã tướng quân, mọi
người đều kiêng sợ. Nhân sai Đức đóng quân cách phía bắc Phàn Thành mười dặm, gặp
lúc trời đổ mưa lớn hơn mười ngày, nước sông Hán mênh mông, dưới chân Phàn
Thành đất bằng sâu năm sáu trượng, Đức cùng chư tướng tránh nước ngập ở trên
đê. Vũ cưỡi thuyền đến đánh, lính ở trên thuyền lớn bốn bề cùng bắn tên lên
trên đê. Đức không mặc áo giáp che tên, nhưng tên không bắn trúng. Tướng quân Đổng
Hành và bộ tướng là Đổng Siêu muốn hàng, đều bị Đức chém chết. Giao chiến từ
sáng sớm đến quá trưa, Vũ càng đánh mạnh, tên hết nhắn, lại dùng đoản binh đánh
tiếp. Đức bảo Đốc tướng là Thành Hà rằng: "Ta nghe bậc lương tướng chẳng sợ
cái chết để cẩu thả thoát thân, kẻ sĩ cứng cỏi chẳng huỷ danh tiết để cầu sống,
hôm nay, là ngày ta chết đây." Rồi càng đánh càng hăng, khí thế càng mạnh
mẽ, nhưng nước dần dâng cao, tướng sĩ đều ra hàng. Đức cùng một viên tướng cầm
cờ chỉ huy, là hai người khoẻ nhất, cùng giương cung đặt tên, cưỡi một chiếc
thuyền nhỏ định quay về doanh trại của Nhân. Nước lớn thuyền bị lật, cung tên
rơi mất, chỉ đành bám vào chiếc thuyền trôi trong làn nước, lúc bị Vũ bắt được,
Đức đứng thẳng không chịu quỳ. Vũ bảo rằng: "Anh ngươi ở Hán Trung, ta muốn
dùng ngươi làm tướng, sao chẳng sớm hàng đi?" Đức chửi Vũ rằng: "Thằng
ranh con, sao dám bảo ta hàng! Nguỵ vương có trăm vạn giáp binh, uy chấn thiên
hạ. Lưu Bị nhà mày chỉ là kẻ tầm thường thôi, há có thể địch nổi sao! Ta thà
làm con ma ở nước Nguỵ, chẳng thèm làm tướng của lũ nghịch tặc vậy." Sau
cùng Đức bị Quan Vũ giết hại. Thái tổ nghe tin rất đau xót, khóc rỏ nước mắt, rồi
phong cho hai con làm Liệt hầu. Văn đế lên tức vương vị, liền sai người tới mộ
Bàng Đức ban cho thuỵ hiệu, có chiếu sách rằng: "Trước kia Tiên Chẩn bị giết
mất đầu, Vương Trục đâm cổ tự vẫn, bỏ thân tuẫn tiết, đời xưa đã ngợi khen(1).
Nghĩ rằng sự quả cảm cương nghị của quân hầu đã sáng rõ, việc vong thân vì quốc
nạn đã thành danh, nổi tiếng đương thời, nghĩa cao sánh với tiền nhân, quả nhân
thương xót lắm, nay ban cho thuỵ là Tráng hầu(2)." Lại ban cho bốn người bọn
Hội(3) tước Quan nội hầu, đều được thực ấp trăm hộ. Hội có phong độ dũng liệt của
cha, làm quan đến chức Trung uý tướng quân, tước Liệt hầu.
Thục ký của Vương Ẩn
chép: Chung Hội bình Thục, đem theo một đội quan nhạc, rước thi hài Đức về an
táng ở huyện Nghiệp, trong mộ đầy đủ thân thủ như lúc sinh tiền.
Thần Tùng Chi xét rằng
Đức chết ở Phàn thành, Văn đế lên tức vị, lại phái sứ giả đến chỗ mộ của Đức,
thì thi thể của Đức chẳng thể ở Thục được. Thế thì cái thuyết của Vương Ẩn là
hão huyền vậy.
Chú thích:
(1) Tiên Chẩn là
nguyên soái nước Tấn, ra trận bị giặc bắt, không hàng, giặc cắt lấy đầu; Vương
Trục là tướng nước Tề, đi đánh trận, bị giặc bắt, không chịu hàng, đâm cổ tự vẫn.
Hai người đều nổi danh, được đời sau ca ngợi.
(2) Tráng là mạnh mẽ
vậy.
(3) Tức Bàng Hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét