Hình ảnh Bàng Đức (mặc khố), Vu Cấm bị bắt sống trong trận chiến tại Phàn Thành. Trong khi Vu Cấm sợ hãi xin quy hàng thì Bàng Đức hiên ngang không chịu quỳ. |
VU CẤM TRUYỆN
Vu Cấm tự Văn Tắc, là
người quận Thái Sơn huyện Cự Bình. Hoàng Cân nổi dậy, Bão Tín chiêu tập binh
lính, Cấm đi theo. Khi Thái Tổ cai quản Duyện Châu, Cấm cùng thuộc hạ đều đến
theo, được làm Đô Bá, thuộc quyền tướng quân Vương Lãng. Lãng thấy Cấm kỳ lạ,
tiến cử rằng tài của Cấm gánh vác được việc Đại tướng quân. Thái Tổ triệu kiến
và nói chuyện riêng, rồi bái làm Quân tư mã, sai dẫn binh đến Từ Châu, đánh huyện
Quảng Uy, lấy được, được bái làm Hãm trận Đô uý. Lại theo đi đánh Lã Bố ở Bộc Dương,
cầm riêng quân đánh tan hai doanh trại của Bố ở Thành Nam, lại biệt phái dẫn
quân đi đánh Cao Nhã ở Tu Xương. Sau theo đi đánh Thọ Trương-Định Đào-Li Hồ,
vây Trương Siêu ở Ung Khâu, đều đánh lấy được cả. Lại theo đi đánh dư đảng
Hoàng Cân là bọn Lưu Tích-Hoàng Thiệu, đóng quân ở Bản Lương , bọn Thiệu đang
đêm tập kích vào doanh trại của Thái Tổ, Cấm chỉ huy quân đánh tan bọn giặc,
chém được bọn Thiệu, thu hàng hết được quân lính. Cấm được thăng làm Bình lỗ Hiệu
úy. Rồi tới vây Kiều Nhuy ở đất Khổ, chém được bọn Nhuy cả thảy bốn tướng.
Cấm lại theo đến Uyển
thành, thu hàng Trương Tú. Tú lại làm phản, Thái Tổ tham chiến bất lợi, quân bại,
lui về Vũ Âm. Bấy giờ lòng quân rối loạn, hết thảy đều oán trách Thái Tổ, Cấm một
mình dẫn theo mấy trăm người, vừa đánh vừa lui, dẫu tử thương cũng không lìa bỏ
nhau. Quân giặc từ từ đuổi theo, Cấm thong thả chỉnh đốn đội ngũ, đánh trống mà
lui. Chưa đến chỗ Thái Tổ, thấy ở trên đường có hơn chục người bị thương trần
truồng bỏ chạy, Cấm hỏi nguyên cớ, họ đáp: "Vì bị binh Thanh Châu cướp
bóc." Nguyên trước đây, Hoàng Cân hàng, gọi là binh Thanh Châu, Thái Tổ
tha cho, vì thế mới dám nhân cơ hội làm giặc cướp. Cấm nổi giận, hạ lệnh cho mọi
người rằng: "Binh Thanh Châu đã về làm thuộc hạ Tào Công, mà còn quay lại
làm giặc ư!" Bèn cho đánh bắt, hạch tội. Binh Thanh Châu vội chạy đến chỗ
Thái Tổ tố cáo. Cấm về đến nơi, trước tiên cho lập doanh luỹ, không vào yết kiến
Thái Tổ ngay. Có người hỏi Cấm: "Binh Thanh Châu đã tố cáo ngài, ngài nên
mau chóng đến chỗ chúa công biện bạch đi." Cấm nói: "Nay kẻ địch đã ở
phía sau, sắp đuổi đến không chừng, chẳng sớm phòng bị, lấy gì đánh địch? Vả lại
chúa công thông minh, lời gièm pha tố cáo sao lọt được?" Rồi cứ thong thả
đào hào an định doanh luỹ xong, mới vào bái yết, bày giải rõ sự tình. Thái Tổ
hài lòng, bảo Cấm rằng: "Việc nguy nan ở Vị Thuỷ, ta thì vội vã, tướng
quân ở chỗ loạn lạc lại có thể chỉnh tề, đánh kẻ tàn bạo bền doanh luỹ, làm việc
có thứ tự chẳng bị động, dẫu danh tướng ngày xưa, đâu đã hơn được!" Vì thế
ghi công trước sau cho Cấm cả, phong Cấm làm Ích Thọ Đình hầu.
Cấm lại theo đi đánh
Trương Tú ở đất Nhưỡng, cầm giữ Lã Bố ở Hạ Bi, rồi biệt phái cùng với Sử
Hoán-Tào Nhân đi vây đánh Tuy Cố ở Xạ Khuyển, đánh tan bọn giặc chém được Cố.
Thái Tổ mới đi đánh
Viên Thiệu, binh Thiệu đông, Cấm tình nguyện làm tiên phong. Thái Tổ cho là
hùng tráng, bèn chia cho hai ngàn bộ tốt, sai Cấm làm tướng, giữ Diên Tân để cự
Viên Thiệu, Thái Tổ dẫn quân về Quan Độ.
Lưu Bị chiếm lấy Từ
Châu làm phản, Thái Tổ đông chinh Bị. Thiệu tấn công Cấm, Cấm giữ chặt, Thiệu
không đánh được. Cấm lại cùng bọn Nhạc Tiến dẫn năm ngàn quân bộ kỵ, đánh vào
biệt doanh của Thiệu, theo phía tây nam Diên Tân men sông đến hai huyện Cấp và
Hoạch Gia, đốt rụi hơn ba chục đồn trại, mỗi người đều chém và bắt được mấy
nghìn người, thu hàng tướng của Thiệu là bọn Hà Mậu-Vương Ma hơn hai chục người.
Thái Tổ lại sai Cấm cầm riêng cánh quân đóng ở Nguyên Vũ, đánh vào biệt doanh của
Thiệu ở bến Đỗ Thị, phá được. Cấm được thăng làm Bì tướng quân, sau theo về
Quan Độ.
Thái Tổ cùng với Thiệu
doanh luỹ liền kề, mới đắp toà thổ sơn(1) cùng đối trận. Quân của Thiệu bắn vào
trong doanh trại của Thái Tổ, sĩ tốt bị thương rất nhiều, quân ở trong kinh
hãi. Cấm đốc quân giữ thổ sơn, hết sức chiến đấu, chí khí càng phấn chấn. Thiệu
bị phá, Cấm được thăng làm Thiên tướng quân.
Ký Châu bình định.
Xương Hi lại làm phản, Thái Tổ phái Cấm đến chinh phạt. Cấm gấp rút tấn công
Hi; Hi cùng với Cấm là người quen cũ, đến chỗ Cấm xin hàng. Chư tướng đều cho rằng
Hi đã hàng, nên đưa ngay đến chỗ Thái Tổ, Cấm nói: "Chư quân không biết
thường lệnh của chúa công sao! Bị vây mới ra hàng chẳng tha được. Kẻ đã vâng mệnh
cứ theo phép mà làm, ta phải cân nhắc việc ở trên vậy. Hi tuy là người quyen
cũ, Cấm có thể thất tiết sao!" Rồi tự đến tham dự hành quyết Hi, sa nước mắt
mà chém." Bấy giờ xe quân của Thái Tổ tới, hay được tin ấy mới than rằng:
"Hi hàng chẳng đến chỗ ta lại hàng Cấm, há chẳng phải là số mệnh
sao!" Lại càng tôn trọng Cấm hơn.
Thần Tùng Chi cho rằng
bị vây mới ra hàng, phép dẫu chẳng tha; bắt giam mà đưa đi, là chưa làm trái mệnh.
Cấm từng chẳng vì Hi là bạn cũ vạn nhất mới cầu xin, mà mặc lòng giết người
quen, bỏ qua lời bàn của chúng nhân, sau bị bắt mà hàng, chết thêm tiếng xấu,
thích đáng làm sao.
Đông Hải đã bình, Cấm được bái làm Hổ oai tướng quân. Sau Cấm cùng với Tang Bá tấn công Mai Thành, bọn Trương Liêu-Trương Cáp đến đánh dẹp Trần Lan. Cấm đến nơi, Thành dẫn binh lính hơn ba ngàn người ra hàng. Đã hàng xong lại phản, bọn chúng chạy đến chỗ Lan. Bọn Liêu cùng với Lan cầm giữ nhau, quân lương thiếu thốn, Cấm vận lương đến xe trước sau chen chúc, Liêu mới chém được Lan-Thành. Cấm được tăng thêm thực ấp hai trăm hộ, cộng cả trước đây là hai ngàn hộ. Bấy giờ Cấm cùng với Trương Liêu-Nhạc Tiến-Trương Cáp-Từ Hoảng đều là danh tướng, Thái Tổ mỗi khi chinh phạt, đều lúc đi cho làm quân tiên phong, quay về cho đi đoạn hậu; mà Cấm trị quân rất nghiêm chỉnh, lấy được tài vật của địch, vô tư đem nộp, bởi thế được ban thưởng rất hậu. Nhưng bởi lấy phép chế ngự kẻ dưới, nên rất không được lòng quân sĩ.
Thái Tổ thường hận
Chu Linh, muốn tước quyền ở quân doanh. Bởi Cấm có uy lớn, Thái Tổ sai Cấm dẫn
mấy chục quân kỵ, mang lệnh thư, đến thẳng doanh trại của Linh đoạt lấy quân đội,
Linh cùng với bộ tướng chẳng ai dám động đậy; Thái Tổ cho Linh làm bộ hạ dưới trướng
Cấm, chúng đều kinh hãi bội phục, mới thấy Cấm đáng sợ như thế nào. Cấm được
thăng lên làm Tả tướng quân, ban cho Giả tiết việt, được chia thêm thực ấp năm
trăm hộ, phong cho một con trai là Liệt hầu.
Năm Kiến An thứ hai
mươi bốn, Thái Tổ ở Trường An, sai Tào Nhân đánh Quan Vũ ở Phàn Thành, lại phái
Cấm giúp đỡ Nhân. Mùa thu, có mưa lớn, Hán thuỷ mênh mông, đất bằng nước cao mấy
trượng, bảy cánh quân của bọn Cấm đều chìm nghỉm. Cấm cùng với chư tướng trèo
lên cao trông ra ngọn nước, không có chỗ trốn tránh, Vũ cưỡi thuyền lớn tới
đánh bọn Cấm, Cấm bèn hàng, chỉ có Bàng Đức chẳng chịu thất tiết phải chết.
Thái Tổ hay tin ấy, thương cảm than thở mãi, nói: "Ta biết Cấm đã ba mươi
năm, sao ngờ lúc lâm nguy gặp nạn, lại chẳng được như Bàng Đưc ư!" Lúc Tôn
Quyền cầm giữ Vũ, bắt hết được binh sĩ, Cấm lại bị bắt về Ngô. Văn Đế lên ngôi,
Quyền xưng thần, sai người đem trả Cấm về. Đế sai dẫn Cấm đến gặp, thấy râu tóc
bạc trắng, hình dung tiều tuỵ, dập đầu chảy nước mắt khóc. Đế uý lạo hiểu dụ rằng
cũng như việc của Tuân Lâm Phụ-Mạnh Minh(2), rồi phong Cấm làm An Viễn tướng
quân.
Nguỵ thư chép lại bài
chế rằng: "Xưa Tuân Lâm Phụ thua bại ở đất Bật, Mạnh Minh mất quân ở đất
Hào, Tần-Tấn chẳng hề bỏ, cho phục hồi tước vị. Về sau Tấn lấy được đất địch, Tần
làm bá ở Tây Nhung, tiểu quốc mỏn mọn, còn làm được như thế, huống chi nước vạn
thặng không được thế sao? Việc thua quân ở Phàn Thành, là thuỷ tai ập đến, chẳng
phải lỗi đánh trận, nay phục hồi tất cả chức quan của Cấm."
Lại phái đi sứ Ngô,
trước tiên lệnh đi lên Bắc đến huyện Nghiệp yết kiến Cao Lăng(3). Đế sai người
sớm vẽ ở trên tường lăng mộ bức hoạ Quan Vũ thắng trận, Bàng Đức phẫn nộ, Cấm
trong bộ dạng hàng phục. Cấm xem rồi, hổ thẹn mang lòng tức giận phát bệnh mà
chết. Con Cấm là Khuê nối tự được phong Ích Thọ Đình hầu. Cấm được ban thuỵ hiệu
là Lệ hầu.
Chú thích
(1) Núi đất.
(2) Hai người này là dũng tướng của hai nước Tần, Tấn thời
Xuân Thu, đi đánh trận bị thua, vẫn được dùng, sau này lập nên công trạng hiển
hách.
(3) Tào Tháo chết, Tào Phi lên thay, lúc xưng đế, an táng
cha ở Cao Lăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét