Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

ĐIỂN VI TRUYỆN

 


ĐIỂN VI TRUYỆN


Điển Vi, người quận Trần Lưu huyện Di Ngô (1). Tướng mạo khôi ngô, sức lực hơn người, có chí lớn và khí tiết, thường hành hiệp trượng nghĩa. Lưu thị ở Tương ấp (2) có thù oán với Lý Vĩnh ở Tuy Dương (3), nhờ Vi báo thù giúp. Trước Vĩnh từng làm huyện trưởng huyện Phú Xuân (4), canh cổng rất nghiêm ngặt. Vi ngồi xe mang gà rượu tới, giả làm khách, cửa mở ra, đem theo chủy thủ vào giết Vĩnh, còn giết cả vợ y, sau đó từ từ đi ra, lấy đôi kích trên xe, bỏ đi. Gần nơi Vĩnh ở, tất cả đều vô cùng sợ hãi. Người đuổi theo có mấy trăm, đều không dám đến gần. Đi được bốn năm dặm, gặp được đồng bạn, nhờ thế không phải đánh nhau nữa mà thoát được đi. Qua việc này hào kiệt khắp nơi đều biết tiếng.


Giữa năm Sơ Bình (5), Trang Mạc dấy binh khởi nghĩa, Vi theo làm lính, ở dưới trướng của Tư mã Triệu Sủng. Cờ trong nha môn vừa dài vừa to, không ai nâng lên được, Vi một tay nhấc lên, Sủng kinh ngạc vì sức mạnh đó. Sau này đi theo Hạ Hầu Đôn, mấy lần chém đầu giặc lập công, được phong làm Tư mã. Thái Tổ thảo phạt Lữ Bố ở Bộc Dương (6). Bố có một nhánh quân khác đồn trú ở phía tây Bộc Dương, cách Bộc Dương chừng bốn năm mươi dặm, Thái Tổ nhân đêm đánh úp, đến khi trời sáng thì phá được. Chưa kịp trở về, gặp cứu binh của Bố phái tới, ba mặt vây công. Lúc đó Bố đích thân dẫn quân đến đánh, từ sáng sớm cho tới lúc mặt trời lặn, đánh nhau mấy chục lần, giằng co quyết liệt. Thái Tổ chiêu mộ người xông lên hãm trận, Vi dẫn đầu, đem theo mấy chục người ứng mộ, tất cả đều mặc hai lớp giáp nặng, vứt bỏ thuẫn, chỉ cầm trường mâu trường kích. Lúc đó phía tây lại khẩn cấp, Vi lao vào, cung nỏ của giặc bắn bừa ra, tên bay tới như mưa, Vi coi như không thấy, bảo với mấy người thủ hạ của mình rằng: "Khi nào giặc còn cách mười bước thì bảo ta." Mấy thủ hạ nói: "Mười bước rồi." Vi lại nói: "Năm bước thì gọi." Mọi người đều sợ, vội vã nói: "Địch đến rồi!" Vi tay cầm hơn mười chiếc kích, hô lớn mà lao lên, những người ngăn cản đều không ai không bị đánh ngã. Quân của Bố cuối cùng cũng lui, lúc đó trời cũng vừa tối. Thái Tổ bèn dẫn quân về. Sau chuyện này được phong làm Đô úy, làm tả hữu bên cạnh Thái Tổ. Vi mang theo thân binh mấy trăm người, thường xuyên đi vòng quanh đại trướng. Vi khỏe mạnh giỏi võ, các tướng sĩ dưới quyền cũng đều là được tuyển lựa, mỗi lần chiến đấu thường đi đầu hãm trận. Vì thế được thăng làm Hiệu úy. Tính tình trung thành cẩn thận, thường hầu hạ bên Thái Tổ cả ngày, đêm ngủ ở trướng bên cạnh, hiếm khi về nhà riêng. Thích uống rượu, tửu lượng hơn người, mỗi lần được tham gia yến tiệc đều ăn mạnh uống khỏe, bên cạnh phải có mấy người cung ứng không ngừng mới đủ, Thái Tổ cho là tráng sĩ. Vi thích dùng những loại vũ khí như song kích lớn và trường đao, trong quân đều thường nói với nhau rằng: "Tráng sĩ dưới trướng có Điển quân, nâng đôi song kích tám mươi cân."



Điển Vi chết trận Uyển Thành

Thái Tổ chinh thảo Kinh Châu, đển Uyển thành (7), Trương Tú tới đầu hàng. Thái Tổ vô cùng mừng rỡ, khoản đãi Tú và các tướng soái, bày tiệc rượu thịnh soạn. Khi Thái Tổ mời rượu, Vi cầm búa lớn đứng sau, lưỡi búa dài tới cả thước, Thái Tổ tới trước mặt ai, Vi liền giơ búa nhìn chăm chăm vào người đó. Tiệc rượu tàn, Tú và các tướng soái vẫn không dám ngẩng lên nhìn. Mười mấy ngày sau Tú làm phản, đánh úp doanh trại của Thái Tổ, Thái Tổ xuất chiến bất lợi, được khinh kỵ dẫn đi. Vi đứng đánh ở giữa cửa, giặc không thể vào trong, chỉ có thể chia ra theo các cửa khác mà vào. Lúc đó bên Vi còn có hơn mười người, đều liều mình tử chiến, không ai không phải là một địch mười. Giặc ở trước sau đều đến khá nhiều, Vi dùng trường kích đánh phải đánh trái, đâm vào một cái, mười mấy người liền đổ gục. Người bên cạnh đã tử thương gần hết, Vi cũng bị mấy chục vết thương, vẫn dùng binh khí ngắn tiếp chiến, vật lộn với quân địch. Vi kẹp chết hai tên giặc, giặc không dám tiến đến nữa. Vi lại lao lên phía trước đánh giết quân giặc, giết được mấy người, vết thương nặng thêm, cuối cùng trợn trừng mắt mắng lớn rồi chết. Lúc này giặc mới dám tiến đến phía trước, cắt lấy đầu Vi, đưa cho nhau xem, còn tranh nhau tới gần xem thân thể Vi. Thái Tổ lùi đến Vũ Âm(8), nghe tin Vi chết, rơi nước mắt, chiêu mộ dũng sĩ nhân lúc địch không phòng bị lấy xác Vi về, phát tang cho Vi. Thái Tổ còn đích thân đến trước linh cữu bái tế, phái người đưa linh cữu về Tương ấp chôn, phong con là Mãn làm Lang trung. Mỗi lần xa giá đi qua thường dừng lại bái tế. Thái Tổ nhớ đến Vi, phong Mãn làm Tư mã, cho ở bên cạnh mình. Văn Đế kế thừa vương vị, phong Mãn làm Đô úy, ban cho tước Quan nội hầu.


Chú thích:


(1): Phía tây nam huyện Ninh Lăng tỉnh Hà Nam ngày nay. (2): Phía tây huyện Tuy tỉnh Hà Nam nay.

(3): Phía nam huyện Thương Khâu tỉnh Hà Nam nay. (4): Huyện Phú Dương tỉnh Triết Giang ngày nay. (5): Niên hiệu của Hán Hiến Đế.

(6): Phía nam huyện Bộc Dương tỉnh Hà Bắc ngày nay.

(7): Thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam ngày nay.

(8): Phía tây bắc huyện Tất Dương tỉnh Hà Nam ngày nay.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét