Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TỪ HOÀNG TRUYỆN

 


TỪ HOÀNG TRUYỆN

Từ Hoảng tự Công Minh, người quận Hà Đông huyện Dương, từng làm Quận lại, theo Xa kỵ tướng quân Dương Phụng đánh dẹp giặc có công, được bái làm Kỵ Đô uý. Lý Thôi-Quách Dĩ làm loạn ở Trường An, Hoảng thuyết Phụng, lệnh cho người đưa thiên tử về Lạc Dương, Phụng theo kế ấy. Thiên tử qua sông Hoàng Hà tới An Ấp, phong Hoảng làm Đô Đình hầu. Lúc đến Lạc Dương, Hàn Tiêm-Đổng Thừa hàng ngày tranh đấu, Hoảng thuyết Phụng nên quy hàng Thái Tổ; Phụng muốn nghe theo, sau lại hối. Thái Tổ đánh Phụng ở huyện Lương, Hoảng bèn quy hàng Thái Tổ.


Thái Tổ trao binh quyền cho Hoảng, sai đánh bọn giặc ở huyện Quyển và huyện Nguyên Vũ, phá được, được bái làm Bì tướng quân. Rồi theo đi đánh Lã Bố, thu hàng tướng của Bố là bọn Triệu Thứ-Lý Trâu. Cùng với Sử Hoán chém được Tuy Cố ở Hà Nội. Lại theo đi đánh Lưu Bị, rồi theo đi phá Nhan Lương, vây đánh Bạch Mã, tiến đến Diên Tân, đánh tan Văn Xú, được bái làm Thiên tướng quân. Rồi giúp Tào Hồng đánh cường tặc là Chúc Tí ở Thuỷ Ẩn, phá được, lại cùng với Sử Hoán đánh quân vận lương của Viên Thiệu ở Cố Thị, có công rất lớn, được phong là Đô đình hầu.


Thái tổ vây huyện Nghiệp, phá Hàm Đan, Dịch Dương lệnh là Hàn Phạm vờ dâng thành hàng rồi lại chống cự, Thái Tổ sai Hoảng tấn công. Hoảng đến, buộc thư vào tên bắn vào trong thành, bày tỏ chuyện được mất. Phạm hối, Hoảng tức thì thu hàng. Xong đến nói với Thái Tổ rằng: "Hai người họ Viên(1) chưa phá được, các thành chưa bị hạ còn nghiêng tai mà nghe ngóng, hôm nay diệt sạch người Dịch Dương, hôm sau bọn họ đều tử thủ, sợ rằng Hà Bắc không yên định ngay được. Xin chúa công nhận cho thành Dịch Dương đầu hàng để các thành khác biết được, tất chẳng còn ai không theo gió mà quy thuận." Thái Tổ khen lời ấy.


Hoảng được biệt phái đánh Mao Thành, liền cho đặt phục binh ngầm đánh úp, phá được ba đồn binh. Rồi theo phá Viên Đàm ở Nam Bì, đánh bọn phản tặc ở Bình Nguyên, thắng được. Lại theo đi chinh phạt Đạp Đốn, được bái làm Hoàng dã tướng quân. Hoảng lại theo đi đánh Kinh Châu, riêng cầm quân đóng ở Phàn Thành, đánh dẹp giặc ở các huyện Trung Lư-Lâm Tự-Nghi Thành. Lại cùng với Mán Sủng đánh Quan Vũ ở Hán Tân, giúp Tào Nhân đánh Chu Du ở Giang Lăng.


Năm thứ mười lăm, đánh dẹp quân làm phản ở Thái Nguyên, vây Đại Lăng, lấy được, chém đầu lĩnh của giặc là Thương Diệu.


Hàn Toại-Mã Siêu làm phản ở vùng Quan Hữu, Thái Tổ sai Hoảng đóng binh ở Phần Âm để phủ dụ xứ Hà Đông, ban cho thịt bò và rượu, lệnh dâng lên mộ của tiền nhân. Thái Tổ đến Đồng Quan, sợ không sang sông được, cho triệu Hoảng đến hỏi, Hoảng nói: "Binh của minh công ở cả đây, mà giặc chẳng phục một cánh quân giữ Bồ Phản, rõ là chúng vô mưu vậy. Ta nên qua bến Bồ Phản, xắp xếp quân trước, để cắt đứt đường về, giặc có thể bắt được." Thái Tổ nói: "Hay." Rồi sai Hoảng lấy bốn nghìn quân bộ kỵ vượt sông. Đào hào còn chưa xong, trong đêm tên giặc là Lương Hưng dẫn hơn năm nghìn quân bộ kỵ tới vây đánh Hoảng, Hoảng đánh chúng bỏ chạy, quân Thái Tổ qua được sông. Vì thế phá được bọn Mã Siêu, Thái Tổ lại sai Hoảng giúp Hạ Hầu Uyên bình định rợ Đê ở Du Mi-Khiên Chư, cùng với Thái Tổ hội quân ở An Định. Thái Tổ về huyện Nghiệp, sai Hoảng cùng với Hạ Hầu Uyên bình định dư đảng giặc ở huyện Phu và huyện Hạ Dương, chém Lương Hưng, thu hàng hơn ba nghìn nhà. Sau lại theo Thái Tổ đánh Trương Lỗ. Thái Tổ biệt phái Hoảng đến đánh dẹp rợ Đê ở vùng núi Độc-Cừu Di, đều thu hàng được. Hoảng được thăng là Bình khấu tướng quân. Sau Hoảng giải vây cho tướng quân Trương Thuận. Lại đánh hơn ba chục đồn binh của bọn giặc là Trần Phúc, đều phá được.


Thái Tổ về huyện Nghiệp, lưu Hoảng cùng Hạ Hầu Uyên cự Lưu Bị ở Dương Bình. Bị sai bọn Trần Thức lập hơn mười doanh trại cắt đứt đường Mã Minh Các, Hoảng chia quân đánh phá, giặc tự gieo mình xuống sơn cốc, chết rất nhiều. Thái Tổ được tin, rất mừng, ban cho Hoảng được cầm Giả tiết, khen rằng: "Đạo lộ ấy, là nơi hiểm yếu của Hán Trung như yết hầu vậy. Lưu Bị muốn cắt đứt đường thông trong ngoài, để thủ giữ Hán Trung. Tướng quân một lần vọng động, phá kế của địch, thật là khéo lắm vậy."


Thái Tổ thân đến Dương Bình, rút toàn quân khỏi Hán Trung. Lại sai Hoảng trợ giúp Tào Nhân đánh Quan Vũ, đóng binh ở Uyển Thành. Gặp lúc sông Hán nước lên to, bọn Vu Cấm bị dìm. Vũ vây Nhân ở Phàn Thành, lại vây tướng quân Lã Thường ở Tương Dương. Quân sĩ của Hoảng đa phần là tân binh, khó tranh phong cùng với Quan Vũ, bèn tiến đến Dương Lăng Pha đóng quân.


Thái Tổ trở về, phái tướng quân Từ Thương-Lã Kiền đến chỗ Hoảng, lệnh rằng: "Phải đợi binh mã đến đủ, rồi cùng tiến." Quân giặc đóng ở Yển thành. Hoảng đến nơi, giả vờ đào hào xung quanh, ý chừng muốn cắt đứt hậu quân của địch, giặc đốt đồn bỏ chạy. Hoảng lấy được Yển thành, hai mặt quân doanh nối liền nhau, Hoảng tiến về phía trước, bọn giặc kéo lại vây vùng Tam Trượng. Còn chưa đánh, Thái Tổ trước sau sai bọn Ân Thự-Chu Cái đem hai mươi doanh quân(2) đến chỗ Hoảng. Giặc đóng trại ở Vi Đầu, lại chia quân đóng đồn ở Tứ Trủng. Hoảng đánh tiếng là tấn công vào trại Vi Đầu, nhưng ngầm tấn công Tứ Trủng. Vũ thấy trại Tứ Trủng sắp vỡ, thân dẫn năm nghìn quân bộ kỵ ra đánh, Hoảng đánh lại, địch chạy lui, Hoảng đuổi theo phá vòng vây, đánh tan quân địch, giặc lao đầu xuống sông Miện mà chết. Thái Tổ khen rằng: "Giặc đào hào kín mít rải chông chà mười phần trầm trọng, tướng quân hết sức đánh thu được toàn thắng, lại phá vòng vây của địch, chém được nhiều đầu giặc. Ta dụng binh ba hơn mươi năm, cũng có nghe đến cái khéo dùng binh của người xưa, mà chưa thấy có ai xông thẳng vào vòng vây của địch như vậy. Vả lại vòng vây ở Phàn Thành-Tương Dương, còn hơn vòng vây ở Thành Cử-Tức Mặc, công lao của tướng quân, còn hơn cả Tôn Vũ-Nhương Tư."


Hoảng chỉnh đốn quân quay về Ma Pha, Thái Tổ nghênh đón Hoảng cách đó bảy dặm, bày tiệc rượu mở đại hội. Thái Tổ nâng chén mời Hoảng, lại yên uỷ rằng: "Giữ vẹn được Phàn Thành-Tương Dương, là công lao của tướng quân vậy." Bấy giờ chư quân đều tụ tập ở đó, Thái Tổ đi lần lượt các doanh trại, sĩ tốt đều li tán hàng trận, mà quân doanh của Hoảng chỉnh tề, tướng sĩ xắp hàng bất động. Thái Tổ khen rằng: "Từ tướng quân có thể nói là có phong độ của Chu Á Phu vậy."


Văn Đế lên tức vương vị, lấy Hoảng làm Hữu tướng quân, tiến phong tước Lục Hương hầu. Lúc lên ngôi Đế, tiến phong Hoảng tước Dương hầu. Để Hoảng cùng với Hạ Hầu Thượng đánh Lưu Bị ở Thượng Dung, phá được. Lại lấy Hoảng trấn thủ Dương Bình, đổi phong tước Dương Bình hầu. Minh Đế lên tức vị, sai Hoảng cự tướng Ngô là Gia Cát Cẩn ở Tương Dương. Tăng thực ấp cho Hoảng hai trăm hộ, cộng cả số trước đây là ba ngàn một trăm hộ. Sau bị bệnh nặng, di mệnh rằng khi mất chỉ dùng thường phục an táng.


Hoảng có tính tiết tiện giản dị mà cẩn thận, khi dẫn quân đi thường cho người dò xét ở đằng xa, lúc trước đánh không thắng, lúc sau lại gắng đánh tiếp, truy đuổi quân địch giành thắng lợi, quân sĩ chẳng được nhàn hạ ngồi ăn. Hoảng thường than rằng: "Cổ nhân thường lo chẳng gặp được đấng minh quân, nay ta may mắn gặp được, phải lấy việc lập công để báo đáp, đâu vì danh dự cá nhân!" Hoảng trọn đời chẳng chịu nhún mình giao kết cùng người khác.


Năm Thái Hoà nguyên niên Hoảng chết, được ban thuỵ hiệu là Tráng hầu. Con Hoảng là Cái nối tự. Cái chết, con là Phách nối tự. Minh Đế chia ấp riêng cho Hoảng, phong hai người cháu của Hoảng làm Liệt hầu.


Khi trước, người ở Thanh Hà là Chu Linh là tướng của Viên Thiệu. Thái Tổ đi đánh Đào Khiêm, Thiệu sai Linh đốc xuất ba doanh quân trợ giúp Thái Tổ, đánh nhau lập được công. Thiệu gọi các tướng ấy bãi binh quay về, Linh nói: "Linh này xét người đã nhiều, không thấy ai được như Tào công, người ấy mới là minh chủ vậy. Nay đã gặp, sao lại bỏ?" Rồi ở lại không chịu về. Tướng sĩ ở đấy ái mộ Linh, đều theo Linh ở lại. Sau này Linh là tướng giỏi của Thái Tổ, tiếng tăm kém Hoảng một chút, làm quan đến Hậu tướng quân, được phong Cao Đường Đình hầu.


Sách Cửu châu xuân thu chép: Khi trước, người ở Thanh Hà là Quý Ung làm phản Viên Thiệu ở đất Du theo hàng Công Tôn Toản, Toản phái binh bảo vệ Ung. Thiệu sai Linh đánh Toản. Gia quyến Linh ở trong thành, Toản mang mẹ và em Linh đặt trên mặt thành, kêu gọi dụ dỗ Linh. Linh hướng vào thành chảy nước mắt khóc không ra tiếng nói: "Kẻ trượng phu đã bỏ thân mình theo người ta, há lại nghĩ đến gia đình ư!" Rồi hết sức đánh lấy được thành, bắt sống được Ung nhưng gia quyến đều chết cả.


Nguỵ thư chép: Linh tự Văn Bác. Thái Tổ bình Kinh Châu, sai Linh dẫn năm nghìn tân binh và một nghìn quân kỵ trấn thủ phía nam huyện Hứa. Thái Tổ răn rằng: "Tân binh ở Ký Châu, chớ nên đối xử nghiệt ngã, không lâu sẽ tề chỉnh, dù ý còn tấm tức. Khanh trước đây có tiếng là uy nghiêm, nên khéo dùng đạo lý khoan hoà, chẳng được như thế tất có biến." Linh đến Dương Địch, Trung lang tướng Trình Ngang quả nhiên làm phản, Linh lập tức chém Ngang, báo rõ tội trạng. Thái Tổ tự tay viết thư cho Linh rằng: "Ở trong quân vốn là chỗ nguy hiểm, bên ngoài phải đối phó với địch quốc, bên trong phòng gian mưu sinh biến khó lường. Xưa kia Đặng Vũ chia quân cùng Quang Vũ hành quân về Tây, gặp cái hoạ Tông Hâm-Phùng Âm, về sau chỉ đem được hai mươi bốn quân kỵ về Lạc Dương, uy vũ há vì thế mà giảm bớt? Lại gửi thư khẩn cầu ngươi có lòng trắc ẩn, sợ rằng làm quá sẽ đem đến nhiều điều tai hại hơn, vị tất đã như lời nói." Văn Đế lên tức vị, phong cho Linh tước Du hầu, tăng thêm thực ấp. 


Chiếu viết: "Tướng quân phò giúp Tiên đế, giữ việc binh nhiều năm, uy quá Phương-Thiệu, công vượt Giáng-Quán. Việc hay đã ghi, khen sao cho đủ? Trẫm vâng mệnh trời, làm vua bốn bể, tướng quân công cao, là bầy tôi xã tắc, được cùng trẫm hưởng phúc chung vui, mãi đến muôn đời. Nay phong cho ngươi làm Du hầu. Nhưng được phú quý mà chẳng về cố hương, cũng như mặc áo gấm đi đêm vậy. Bằng như ngươi có chí nguyện ở nơi nào khác, chớ có nói khó là được." Linh tạ rằng: "Là Cao Đường, thần xin ở chỗ đó." Vì thế Linh được đổi phong làm Cao Đường hầu, khi chết, được ban thuỵ hiệu là Uy hầu 


Bình rằng: Thái Tổ gây dựng công nghiệp, mà lương tướng lúc đương thời, có năm người đứng đầu. Vu Cấm rất cương nghị trịnh trọng, nhưng chẳng được vẹn toàn. Trương Cáp vì khéo quyền biến được người đời khen, Nhạc Tiến vì kiêu dũng quả cảm mà nổi danh, mà ta xem việc làm của mấy người ấy, không xứng với danh vọng. Ngờ rằng những ghi chép còn bỏ sót, không như Trương Liêu-Từ Hoảng rất đầy đủ rõ ràng vậy.


Chú thích:

(1) Đàm và Thượng.

(2) Mỗi doanh quân là năm trăm binh sĩ, như thế tức là một vạn binh.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét