TRUYỆN THƯƠNG TỪ
Thương Từ tự Hiếu
Nhân, người quận Hoài Nam. Lúc đầu làm quan trong quận. Giữa năm Kiến An, Thái
Tổ chiêu dân đóng đồn làm ruộng ở quận Hoài Nam, lấy Từ làm Tuy tập Đô úy. Cuối
năm Hoàng Sơ, làm Trường An Lệnh, trong sạch có tài, quan dân sợ mà yêu Từ. Giữa
năm Thái Hòa, chuyển làm Đôn Hoàng Thái thú, quận ở tại miền tây, gặp thời loạn
mà ngăn cách, hai mươi năm không có quan Thái thú, các họ lớn xưng hùng, bèn lấy
đó làm tục. Các quan Thái thú trước kia là bọn Doãn Phụng cũng chỉ theo tục cũ
mà thôi, không có sửa đổi. Từ đến, ràng buộc kẻ quyền thế, cứu giúp kẻ nghèo
khó, rất có lĩ lẽ. Các họ lớn cũ có nhiều ruộng đất thừa mà dân thường lại
không có đất cày bừa; Từ theo số người mà giảm thuế, dần dần khiến cho họ được
trồng trọt trên đất của mình. Trước đây việc kiện tụng tù ngục ở các huyện rất
nhiều mà các quan huyện không xử được, phần nhiều dồn đọng; Từ tự mình xem xét,
cân nhắc nặng nhẹ, nếu không đáng tội chết thì phạt đánh đòn, mỗi năm chỉ có
không quá mười người bị xử phạt. Lại nữa thường ngày người Hồ ở Tây Vực(1) muốn
đến dâng nạp, mà bọn cường hào nhiều lần ngăn chặn, lại lấy làm của riêng, lừa
dối lấn áp, phần nhiều không được rõ ràng. Do đó người Hồ oán giận, Từ đều vỗ về
họ, những người muốn đến Lạc Dương đều cho đi qua quận, những người muốn ở lại
quận, sai quan lại xét công bằng, thường đem tiền của đến sở xin gặp và cùng
trao đổi, sai quan dân hộ tống trên đường, do đó người Hồ vui mừng khen ân đức
của Từ. Được mấy năm thì chết ở sở quan, quan dân thương cảm như có tang người
thân, vẽ hình của Từ để nhớ hình dáng. Lúc người Hồ ở Tây Vực nghe tin Từ chết,
đều cùng tụ hội ở dưới sở quan Mậu kỉ Hiệu úy và Trưởng lại để phát tang, có
người còn lấy dao rạch lên mặt để nêu rõ lòng thành, lại lập miếu thờ cùng cúng
tế Từ.
Ngụy lược chép: Người
quận Thiên Thủy là Vương Thiên nối thay Từ, dẫu noi theo vết cũ nhưng không bằng
được vậy. Sau đó người quận Kim Thành là Triệu Cơ thay Thiên, lại không bằng
Thiên. Đến giữa năm Gia Bình, người huyện An Định là Hoàng Phủ Long thay Cơ làm
Thái thú. Lúc trước, người quận Đôn Hoàng rất không biết cách làm ruộng, thường
dẫn nước vào ngập úng, làm cho rất ướt thấm rồi mới cày. Lại không hiểu rõ cách
cày bừa, chỉ dẫn nước vào rồi trồng, công sức của người trâu đã phí mà thu gặt
lúa lại ít. Long đến, dạy họ cách cày bừa, lại dạy cách dẫn nước, do đó vụ mùa
đầy đủ, giảm được hơn nửa công sức mà gặt lúa được hơn gấp năm lần. Lại nữa tục
của người quận Đôn Hoàng là đàn bà mặc váy, buộc dây như ruột dê, dùng một tấm
vải. Long lại cấm mặc mà sửa lại, nhưng sửa lại quá mức. Do đó người quận Đôn
Hoàng cho rằng Long nghiêm nghị cứng cỏi không bằng Từ, còn như chăm chỉ ban
ân, mưu lợi cho dân thì cũng chỉ đứng sau Từ.
Từ thời Thái Tổ cho đến
năm Hàm Hi, Ngụy Quận Thái thú người nước Trần là Ngô Quán, Thanh Hà Thái thú
người huyện Lạc An là Nhâm Úc, Kinh Triệu Thái thú người quận Tế Bắc là Nhan Phỉ,
Hoằng Nông Thái thú người quận Thái Nguyên là Lệnh Hồ Thiệu, Tế Nam Tướng người
nước Lỗ là Khổng Nghệ, có kẻ thương xót tù ngục, có kẻ chăm chỉ ban ân, có kẻ
giữ thân trong sạch, có kẻ vạch rõ kẻ gian, đều là quan lại ăn lộc hai nghìn thạch(2)
tài giỏi.
Hành trạng của Quán,
Úc không được thấy.
Ngụy lược chép: Nhan
Phỉ tử Văn Lâm, có tài học. Thặng tướng gọi làm Thái tử Tẩy mã. Đầu năm Hoàng
Sơ, chuyển làm Hoàng môn Thị lang, sau đó làm Kinh Triệu Thái thú. Lúc trước,
dân quận Kinh Triệu từ sau khi Mã Siêu bị phá, nhiều người dân không chuyên việc
trồng trọt, lại qua mấy vị quan ăn lộc hai nghìn thạch đến, chỉ lo việc trước mắt,
không lo giúp dân bày kế lâu dài. Phỉ đến làm quan, liền sai các huyện thuộc sửa
sang bờ ruộng, trồng cây dâu. Bấy giờ nhiều người dân không có xe, trâu, Phỉ lại
dạy dân nhân lúc nhàn rỗi mà đi chặt cây gỗ, sai chuyển đến cho thợ đẽo làm xe.
Lại dạy người dân không có trâu, sai nuôi heo chó rồi bán để mua trâu. Lúc đầu
dân cho là rườm rà, nhưng trong một vài năm, nhà nhà đều có xe đi, trâu lớn. Lại
dựng trường học, chọn dùng quan dân muốn đọc sách, tha cho lao dịch. Lại nữa ở
trong phủ mở vườn rau, sai quan lại lúc nhàn rỗi thì vun xới. Lại dạy dân lúc
chuyển tô thuế, lấy hai bó rơm đều đặt ở chỗ thuận tiện trên xe trâu, vào mùa
đông băng giá thì đốt bó rơm để làm mực viết. Do đó giáo hóa trỗi dậy, quan chẳng
lấn dân, dân cũng chẳng cầu quan. Quận Kinh Triệu liền tiếp với các quận Phùng
Dực, Phù Phong, đường đi của hai quận đã xấu trở, ruộng đất lại cỏ mọc hoang,
người dân đói rét, nhưng ở quận Kinh Triệu lại ngay ngắn sáng sủa, giàu đủ thường
đứng đầu vùng Ung Châu. Phỉ lại giữ thân trong sạch, chỉ trông vào tiền lương
mà thôi, do đó quan dân sợ Phỉ bị chuyển đi vậy. Đến giữa năm Thanh Long, Tư Mã
Tuyên Vương lập chợ quân(3) ở Trường An, nhưng quan lại trong quân nhiều lần
xâm lấn dân trong huyện, Phỉ đem việc báo cho Tuyên Vương. Tuyên Vương bèn cả
giận gọi quan trông coi chợ quân đến, sai đánh một trăm gậy ở trước mặt Phỉ. Bấy
giờ Trường An Điển nông cùng ngồi với Phỉ, cho rằng Phỉ nên tạ ân, bèn tự đùn đẩy
Phỉ. Phỉ không chịu tạ, hồi lâu mới nói: "Phỉ đứng xem minh công làm quan ở
địa phương, lại muốn nắn sử quân dân, tất không được bao che vậy. Vậy mà quan
Điển nông tự ý đùn đẩy, muốn sai Phỉ tạ minh công, đấy là không phải ý của minh
công vậy". Tuyên Vương bèn trị nghiêm quan quân. Từ đó về sau, trại quân,
quận huyện đều đâu vào đấy. Mấy năm sau, chuyển làm Bình Nguyên Thái thú, quan
dân khóc lóc chặn đường, xe không đi được, chậm chạp trễ nải, hơn mười này mới
ra được khỏi quận, đi về phía đông đến núi Hào thì mắc bệnh nặng. Lòng của Phỉ
vốn vương vấn quận Kinh Triệu, người nhà đi theo thấy Phỉ bệnh nặng, khuyên Phỉ
rằng: "Bình Nguyên nên tự cố gắng giữ sức". Phỉ nói: "Ý ta không
muốn đến Bình Nguyên, các ngươi gọi ta, sao lại không nói là Kinh Triệu vậy"?
Rồi chết, đưa tang về Bình Nguyên. Người quận Kinh Triệu nghe tin, đều tự khóc
lóc, lập bia ghi công, đến nay vẫn khen Phỉ. Lệnh Hồ Thiệu tự Khổng Thúc. Cha
làm quan thời nhà Hán, làm Ô Hoàn Hiệu úy. Đầu năm Kiến An, họ Viên ở tại Kí
Châu, Thiệu bỏ quận cũ đem người nhà đến huyện Nghiệp. Năm thứ chín, lại ra đến
ấp Mao Thành huyện Vũ An. Gặp lúc Thái Tổ phá huyện Nghiệp, thấy áo mũ của Thiệu
mà nghi ngờ, hỏi rõ tổ tiên mà biết được cha của Thiệu, bèn cởi trói, cho làm
Quân mưu duyện. Vẫn làm tể thú(4). Sau lại chuyển làm Thặng tướng Chủ bạ, ra
làm Hoằng Nông Thái thú. Ở đấy trong sạch như băng tuyết, vợ con ít khi được đến
phủ quan; làm việc thiện mà dạy, khoan thứ mà đối đãi, không ưa bắt giam, chẳng
ghen ghét kẻ dưới. Bấy giờ, trong quận không có người hiểu kinh truyện, bèn hỏi
qua các quan, có người muốn đi xa tìm thầy, liền sai đi, lệnh đến quận Hà Đông
gặp Nhạc Tường học kinh truyện, hiểu rõ mới về, nhân đó lập trường học. Do đó
việc học ở quận Hoằng Nông dấy lên. Đến đầu năm Hoàng Sơ, gọi về làm Vũ lâm
lang, chuyển làm Hổ bôn Trung lang tướng, được ba năm thì bệnh chết. Lúc trước,
có người trong họ của Thiệu là Ngu, vào thời còn mặc áo trắng thường có chí lớn,
mọi người bảo là Ngu tất làm cho họ Lệnh Hồ được vinh dự, nhưng riêng Thiệu lại
cho rằng: "Tính Ngu phóng túng, không lo tu đức mà lại muốn làm cao, tất
diệt họ ta". Ngu nghe được lời Thiệu, trong lòng không vui. Đến lúc Thiệu
làm Hổ bôn Trung lang tướng, mà Ngu đã làm qua nhiều chức quan, ở đấy có danh
tiếng. Ngu gặp Thiệu, nhân đó ung dung nói đến việc cũ, nói khích Thiệu rằng:
"Lúc trước nghe nói đại nhân bảo rằng Ngu không có ích, ngày nay gặp Ngu lại
nói thế nào"? Thiệu nhìn kĩ mà không đáp. Nhưng bảo riêng với vợ con mình
rằng: "Xem chừng tính hắn vẫn như cũ. Ta xem thấy được, rút cuộc tất thua
diệt. Nhưngkhông biết ta còn sống lâu để ngăn ngừa được không? Chỉ nhờ vào các
ngươi vậy"! Sau khi Thiệu chết, hơn mười năm sau, Ngu làm Duyện Châu Thứ sử,
quả nhiên mưu phế lập với Vương Lăng, người nhà bị di diệt. Con Thiệu là Hoa, bấy
giờ làm Hoằng Nông Quận thừa, vì là họ hàng xa nên không bị khép tội. Xét Khổng
thị phả chép: Khổng Nghệ tự Nguyên Tuấn, là dòng dõi của Khổng Tử vậy. Ông nội
là Trù, tự Nguyên Củ, làm Trần Tướng. Vào thời Hoàn Đế của nhà Hán dựng miếu thờ
Lão Tử ở ấp Lại huyện Khổ, vẽ hình Khổng Tử trên vách; Trù làm Trần Tướng, dựng
bia Khổng Tử ở trước tranh, nay vẫn còn. Tổ tiên của Nghệ đều làm quan ăn lộc
hai nghìn thạch, Nghệ làm Tán kị Thường thị, dâng sớ can gián, lời nói tại Tam
thiếu đế kỉ. Làm đến chức Đại hồng lư. Con là Tuân, tự Sĩ Tín, thời nhà Tấn làm
Bình đông Tướng quân Vệ úy.
Bình rằng: Nhâm Tuấn
lúc trước dấy quân nghĩa để theo về Thái Tổ, mở đất trồng lúa, kho tàng thêm đầy,
lập nên công lao vậy. Tô Tắc ra oai để dẹp loạn, đã có cái tài của việc trị
dân, lại thẳn thắn ngang ngang, tráng liệt đáng khen. Đỗ Kì khoan hòa coi việc,
ban ân cho dân. Trịnh Hồn, Thương Từ có cách giúp đỡ trăm họ. Trông xem đều là
các quan Thái thú tài giỏi của nhà Ngụy đấy! Thứ thường nêu rõ việc chính trị
thời ấy, luận biện kinh truyện, đại khái đáng xem vậy.
Chú thích
(1) Tây Vực: chỉ vùng đất phía tây Trung Quốc, thuộc vùng
Tân Cương, Trung Á ngày nay vậy.
(2) Quan lại ăn lộc hai nghìn thạch: chỉ quan Thái thú, hằng
năm được cấp bổng hai nghìn thạch lúa.
(3) Chợ quân: chỉ chợ mua bán trong quân đội, do quân đội
lập ra để mua bán và trao đổi hàng hóa với dân thường.
(4) Tể thú: chỉ quan lại ở địa phương thời xưa như quan
Thái thú, Thứ sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét