Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TRUYỆN TRỊNH HỒN

 


Phong cảnh tranh Lan ying đời nhà Minh

TRUYỆN TRỊNH HỒN


Trịnh Hồn tự Văn Công, người huyện Khai Phong quận Hà Nam. Ông tổ là Chúng, cha Chúng là Hưng, đều là nhà Nho có tiếng.


Tục Hán thư chép: Hưng tự Công Cống, làm Gián nghị Đại phu. Chúng tự Tử Sư, làm Đại Tư nông.


Anh Hồn là Thái, cùng bọn Tuân Du mưu giết Đổng Trác, làm Dương Châu Thứ sử, chết.


Hán kỉ của Trương Phan chép: Thái tự Công Nghiệp. Thủa trẻ có tài lược, nhiều mưu kế, biết thiên hạ sắp loạn, bèn ngầm giao kết hào kiệt. Nhà giàu tiền của, có bốn trăm khoảnh ruộng mà thường không đủ ăn(1), nổi danh miền Sơn Đông. Cử Hiếu liêm, ba phủ(2) mời, xe công(3) đến gọi, đều không đến. 


Vào lúc Hà Tiến phụ chính, gọi dùng kẻ sĩ nổi tiếng, lấy Thái làm Thượng thư Thị lang, thêm chức Phụng xa Đô úy. Tiến sắp giết bọn quan Hoàng môn,(4) muốn gọi Đổng Trác về giúp, Thái bảo Tiến rằng: "Đổng Trác cường bạo ít nghĩa, chí không muốn đủ, nếu mượn hắn giúp triều đình, trao cho việc lớn, đấy là khiến cho hắn thỏa lòng làm hại triều đình vậy. Lấy oai đức của minh công, dựa vào chức cao của quan A hành(5), tự ý xét việc, giết kẻ có tội, thực là không cần đợi Trác giúp đỡ vậy. Vả lại việc có biến, tấm gương không xa". Lại bày kể việc quan trọng thời ấy, Tiến không nghe theo, bèn bỏ chức mà đi. Bảo người quận Dĩnh Xuyên là Tuân Du rằng: "Hà Công không dễ phụ chính được vậy". Sau đó Tiến bị hại, quả nhiên Trác chuyên quyền, phế vua. 


Quân nghĩa miền Quan Đông nổi dậy, Trác mở hội nghị phát đại quân, quan lại đều sợ Trác, chẳng ai dám làm trái. Thái sợ thế mạnh của Trác, lo càng khó ngăn, bèn nói: "Trị nước tại đức, không tại dùng quân". Trác không vui nói: "Nếu thế, quân không có ích sao"? Mọi người chẳng ai không biến sắc mặt, vì Thái mà run rẩy. Thái bèn giả nói lí đáp rằng: "Không phải là không có ích, vì miền Sơn Đông không đáng để phát binh vậy. Ngày nay người miền Sơn Đông bàn nhau muốn dấy binh, châu quận liên kết với nhau, dân chúng kéo theo, chẳng ai không nổi lên vậy. Nhưng Trung Quốc từ thời vua Quang Vũ đến nay, không còn nghe được tiếng gà gáy chó sủa, trăm họ lâu ngày quên đánh trận. 


Trọng Ni(6) có nói: 'Đừng dạy dân đánh trận, dạy đánh trận là dạy cho dân bỏ chạy vậy'. Dẫu quân đông nhưng không thể gây hại, đấy là một điều. Minh công nổi lên ở miền tây, thủa trẻ làm tướng của nhà nước, quen thuộc việc quân, nhiều lần xông trận, nổi danh thời nay; lấy đó mà uy hiếp dân chúng, dân chúng tất theo phục, đấy là hai điều. Viên Bản Sơ(7) là con em nhà công khanh, sinh ở kinh sư, thân như đàn bà; Trương Mạnh Trác(8) làm quan trưởng ở huyện Đông Bình, ngôi chẳng vững vàng; Khổng Công Tự(9) bàn luận hay tốt, chỉ biết nói suông, không có tài giúp quân, không có sức dãi dầu sương gió; nếu xông vào đao nhọn, quyết tranh thắng bại, đều không phải là đối địch của minh công, đấy là ba điều. Xét quân sĩ miền Sơn Đông, không có kẻ sức kìm được ngựa căng được dây cung, không có kẻ dũng cảm như Mạnh Bôn(10), không có kẻ khỏe sánh với Khánh Kị(11), không có kẻ có cái tín ở trận thành Liêu(12), không có kẻ bày kế sách như Lương, Bình(13); chẳng dùng được quân mạnh, chẳng lập công được, đấy là bốn điều. Lại như quân ấy, chẳng bầu chọn nhau, ngôi vị không lập, đều dựa vào quân đông, người người nhốn nháo, đến xem thành bại, không chịu cùng lòng hợp sức, đi đứng lộn xộn, đấy là năm điều. 


Các quận miền Quan Tây, phía bắc liền quận Thượng Đảng, Phùng Dực, Phù Phong, An Định, từ xưa đến nay, nhiều lần đánh với rợ Hồ, trai gái đều quen cầm kích nắm mâu, kéo cung lắp tên, nếu dùng quân khỏe ấy để đánh quân dân bỏ quên việc đánh trận của miền Sơn Đông, cũng như xua bầy dê vào hổ sói, quân ấy tất thắng, đấy là sáu điều. Vả lại quân mạnh trong thiên hạ, ngày nay đều không hơn được quân của miền Tinh, Lương, Hung Nô, Đồ Các, Hoàng Trung, Nghĩa Tòng, tám bộ rợ Khương miền tây, đều là quân mà trăm họ sợ phục, mà minh công lấy họ làm nanh vuốt thì kẻ dũng mãnh còn run sợ, huống chi là kẻ yếu đuối đây! Đấy là bảy điều. Lại nữa tướng súy của minh công đều là người tim bụng, lĩnh quân lâu ngày, từ thời đánh trận Tam Nguyên, Giáp Khẩu đến nay, ân tín sáng rõ, kẻ trung thành có thể dùng ở nơi xa, người mưu trí có thể sai đi làm sứ giả, lấy đó mà đánh quân lộn xộn ô hợp của miền Quan Đông, thực là chẳng ngang nhau. Đấy là tám điều. Nếu bên ấy đánh thì có ba điều thua: Đem quân loạn đánh quân trị là thua, đem quân tà đánh quân chính là thua, đem quân nghịch đánh quân thuận là thua. Ngày nay minh nắn sửa việc nước, diệt trừ hoạn quan ác nghịch, giúp đỡ kẻ trung nghĩa; lấy ba điều đức ấy để chống với ba điều thua ấy, vâng lệnh đánh kẻ có tội, còn ai dám chống? Đấy là chín điều. 


Miền đông có Trịnh Khang Thành(14), học rộng xưa nay, do đó bọn nhà Nho đến tụ tập; người quận Bắc Hải là Bính Căn Củ(15), trong sạch thẳng thắn, là tấm gương của kẻ sĩ. Nếu các tướng bên ấy noi theo kế sách của hai người ấy, xét rõ cái thế yếu mạnh, các nước Yên, Triệu, Tề, Lương không phải là không mạnh nhưng cuối cùng bị nhà Tần diệt, bảy nước Ngô, Sở(16) không phải là không có quân đông nhưng dám qua đất Huỳnh Dương, huống chi ngày nay minh công có đức chính rõ ràng, có kẻ làm đùi tay giúp đỡ, vậy mà bên kia muốn làm loạn để tìm lấy cái tiếng bất nghĩa, tất không khen ngợi nhau, không bày mưu ác. Đấy là mười điều. Nếu chọn nghe mười việc ấy thì không có việc đem quân để làm kinh động thiên hạ, khiến cho dân chúng không bị nạn binh đao, không phải tụ tập. Nếu bỏ đức mà chỉ dựa vào quân đội, đấy là khinh cái oai trọng vậy". Trác bèn vui, lấy Thái làm Tướng quân, lĩnh các quân đánh miền Quan Đông. Có kẻ bảo Trác rằng: "Trịnh Thái mưu lược hơn người, lại có ý muốn kết mưu với người miền Sơn Đông, nay trao quân mã cho hắn, lại cho đến chỗ phe đảng của hắn, sợ rằng gây lo lắng cho minh công". Trác lại thu quân mã của Thái, giữ lại làm Nghị lang. Sau lại mưu với Vương Doãn giết Trác, Thái chạy từ cửa Vũ Quan mà thoát được, quay về miền đông. Sau đó Tướng quân Viên Thuật lấy làm Dương Châu Thứ sử, chưa đến sở quan, trên đường chết, bấy giờ bốn mươi mốt tuổi.


Hồn đem con nhỏ của Thái là Mậu tránh nạn đến miền Hoài Nam, được Viên Thuật lấy lễ khách đãi rất hậu. Hồn biết Thuật tất thua. Bấy giờ Hoa Hâm làm Dự Chương Thái thú, vốn thân thiện với Thái, Hồn bèn vượt sông đến nương dựa Hâm. Thái Tổ nghe nói Hồn tu đức, gọi về làm Duyện thuộc, lại chuyển làm Hạ Sái Trưởng, Thiệu Lăng Lệnh. Bấy giờ thiên hạ chưa định, dân điều phiêu tán, không lo trồng trọt; sinh con không biết làm gì mà sinh sống, do đó đều không đủ nạp thuế. Hồn ở đấy thu lấy các đồ sắn bắt, bắt phải trồng trọt, lại mở màn ruộng lúa, theo cách geo hạt. Lúc đầu dân sợ bị tội, sau đó dần dần được đầy đủ, không ai không no đủ; sinh con trai gái, phần nhiều đặt tên chữ là Trịnh. Gọi về làm Thặng tướng Duyện thuộc, chuyển làm Tả Phùng Dực.


Bấy giờ bọn Lương Hưng(17) bắt hơn năm nghìn người dân làm giặc cướp, các huyện không chống được, đều lo sợ, ở nhờ trong quận. Người bàn đều cho rằng nên dời đến chỗ hiểm, Hồn nói: "Bọn Hưng cướp phá, gây hại nơi núi hiểm. Dẫu có kẻ đi theo nhưng đại khái là bị bắt ép mà thôi. Ngày nay nên mở rộng đường lối, ban bố ân tín. Nếu vào chỗ hiểm tự giữ, đấy là tỏ cái yếu kém vậy". Bèn thu tập quan dân, sửa thành quách, làm các đồ phòng giữ. Rồi phát quân đuổi giặc, làm rõ thưởng phạt, cùng nhau giao hẹn, các điều giao hẹn, bảy phần mười là ban thưởng. Do đó trăm họ vui mừng, đều tự muốn đi bắt giặc, bắt được nhiều đàn bà, tiền của. Bọn giặc có kẻ mất vợ con, đều về xin hàng. Hồn trách phạt người bắt lấy đàn bà của họ rồi trả vợ con về cho chúng, do đó giặc tự cướp giật lẫn nhau, phe đảng tan lở. Lại sai quan dân có kẻ đáng tin, chia ra các hang núi chiêu dụ, do đó giặc theo nhau ra hàng, lại sai quan lại của các huyện đều đem về huyện mình để an tập chúng. Bọn Hưng sợ, đem người còn lại tụ ở Phu Thành. Thái Tổ sai Hạ Hầu Uyên đến giúp quận huyện đánh chúng, Hồn lĩnh quan dân đi trước, chém được Hưng cùng phe đảng của hắn. Lại có giặc là bọn Cận Phú, bắt đem Hạ Dương Trưởng, Thiệu Lăng Lệnh cùng quan dân vào núi hiểm, Hồn lại đánh phá bọn Phú, bắt lại quan trưởng của hai huyện ấy, lấy các đồ mà bọn giặc cướp được đem về. Vừa lúc có người là Triệu Thanh Long giết Tả Nội Sử là Trình Hưu, Hồn nghe tin, sai tráng sĩ đến chém bêu đầu hắn. Trước sau có hơn bốn nghìn nhà theo phục. Do đó bọn giặc trong núi đều bình, dân yên ổn làm việc. Chuyển làm Thượng Đảng Thái thú.


Thái Tổ đánh quận Hán Trung, lấy Hồn làm Kinh Triệu Doãn. Hồn thấy trăm họ mới tụ tập, lập phép dời chỗ ở, sai kẻ mặc áo dày đui cùng nhóm với người áo mỏng, người tin cầy đi cùng với người già cả, sai chăm chỉ trồng trọt, nêu rõ phép cấm, vạch rõ kẻ gian. Do đó dân yên ổn trồng trọt, giặc cướp cũng ngừng nghỉ. Lúc đại quân vào Hán Trung, việc chuyển chở lương thực cho quân là quan trọng nhất. Lại sai dân làm ruộng ở Hán Trung, không ai bỏ trốn. Thái Tổ thêm khen ngợi, lại gọi về làm Thặng tướng Duyện thuộc. Văn Đế lên ngôi, làm Thị ngự sử, bái thêm Phụ mã Đô úy, chuyển làm hai chức Bình Dương Thái thú, Bái Quận Thái thú. Quận ấy ẩm thấp, nước ngập lụt, trăm họ đói thiếu. Hồn ở tại giữa hai huyện Tiêu, Tương, đào kênh rạch, mở ruộng nước, người trong quận đều cho là không tiện, Hồn nói: "Địa thế thấp trũng, nên khơi dòng nước, mưu cái lợi nuôi cá trồng lúa làm kế lâu dài, đấy là cái gốc làm dân no đủ vậy". Rồi tự thân lĩnh quan dân, tạo lập công việc, trong một mùa đông đều làm xong. Năm đó được mùa to, ruộng lúa đều tăng, thường nạp tô thuế, dân được cái lợi ấy, khắc bia đá khen công, gọi là 'Trịnh Bi'(18). Chuyển làm Sơn Dương Thái thú, Ngụy Quận Thái thú, cách trị như cũ. Lại thấy trăm họ trong quận khổ vì thiếu cây gỗ, lại dạy dân trồng cây du(19) làm rào, cùng trồng thêm năm loại quả(20), cây du đều mọc thành bờ rào, năm loại quả sum suê. Vào đất Ngụy Quận, thôn ấp ngay ngắn như một, dân có được đồ dùng đầy đủ. Minh Đế nghe tin, hạ chiếu khen ngợi, bố cáo thiên hạ, chuyển làm Tướng tác Đại tượng. Hồn trong sạch làm việc công, vợ con không tránh khỏi cảnh đói rét. Lúc chết, lấy con là Sùng làm Lang trung.


Tấn Dương thu chép: Con Thái là Mậu, tự Lâm Thúc. Thái thân thiên với Hoa Hâm, Tuân Du. Lúc gặp Mậu, nói: "Trịnh Công Nghiệp chẳng mất dòng dõi vậy". Lúc đầu làm Lâm Truy Hầu Văn học, dần dần chuyển làm Quang lộc Đại phu. Năm Thái Thủy thứ bảy, lấy Mậu làm Tư không, cố từ chối không nhận, chết ở nhà. Con là Mặc, tự Tư Huyền. Tấn chư công tán chép: Mặc nối giữ nghiệp nhà, vì thật thà mà được khen, làm đến Thái thường. Em Mặc là Chất, Thư, Hủ, đều làm quan. Con Mặc là Cầu, thẳng thắn có hiểu biết, làm Thượng thư Hữu bộc xạ, Lĩnh tuyển. Em Cầu là Dự, làm Thượng thư.


Chú thích


(1) Nhà giàu tiền của, có bốn trăm khoảnh ruộng mà thường không đủ ăn: ý nói nhà giàu tiền, có bốn trăm khoảnh ruộng của nhưng giao kết hào kiệt, ban phát cung cấp, cho nên thường không đủ ăn.

(2) Ba phủ: Ba phủ chỉ ba phủ của quan Thái úy, Tư đồ, Tư không.

(3) Xe công: Xe công chỉ xe ngựa của nhà vua đi đón người khác về kinh sư làm quan.

(4) Hoàng môn: Hoàng môn chỉ hoạn quan ở trong cung. Bấy giờ thời Linh Đế nhà Hán, bọn hoạn quan chuyên quyền làm bậy, do đó Tướng quân Hà Tiến mưu giết bọn này.

(5) A hành: A hành chỉ chức Tể tướng đứng đầu trăm quan.

(6) Trọng Ni: tức Khổng Khâu tự Trọng Ni, chỉ Khổng Tử.

(7) Viên Bản Sơ: tức Viên Thiệu tự Bản Sơ.

(8) Trương Mạnh Trác: tức Trương Mạc tự Mạnh Trác.

(9) Khổng Công Tự: tức Khổng Trụ tự Công Tự.

(10) Mạnh Bôn: Mạnh Bôn là dũng sĩ nước Tề thời Chiến quốc, có sức khỏe hơn người

(11) Khánh Kị: Khánh Kị là con của vua Ngô là Liêu thời Xuân thu, sức khỏe hơn người.

(12) Cái tín ở trận thành Liêu: theo Chiến quốc sách chép rằng: "Lúc trước, tướng nước Yên đánh thành Liêu, có người gièm vu, tướng nước Yên sợ bị giết, bèn giữ vững thành Liêu, không dám về nước. Điền Đan đánh thành ấy hơn một năm, nhiều quân sĩ bị chết, nhưng không hạ được thành Liêu. Lỗ Liên bèn viết một bức thư buộc vào mũi tên rồi bắn vào trong thành, khuyên tướng nước

Yên rút quân, tướng nước Yên tin phục, rút quân mà về, giải vây nước Tề.

(13) Lương, Bình: chỉ Trương Lương, Trần Bình là mưu thần giúp Hán Cao Tổ dựng nghiệp.

(14) Trịnh Khang Thành: tức Trịnh Huyền tự Khanh Thành.

(15) Bính Căn Củ: tức Bính Nguyên tự Căn Củ.

(16) Bảy nước Ngô, Sở: chỉ bảy nước chư hầu thời vua Cảnh Đế của nhà Hán là Ngô, Sở (), Triệu, Tế Nam, Truy Xuyên, Giao Tây, Giao Đông. Năm thứ ba thời vua Cảnh Đế, vua Ngô là Lưu Tị mưu phản, liên kết với vua các nước Sở, Triệu, Tế Nam, Truy Xuyên, Giao Tây, Giao Đông ở phía đông, phát hai mươi vạn quân vượt sông Hoài đi về phía tây, lại liên kết với người Hung Nô ở phía bắc, người Đông Việt ở phía nam. Cảnh Đế sai Thái úy Chu Á Phu đi đánh, đóng quân ở Huỳnh Dương, tạm xem động tĩnh, rồi sai chặn đường vận lương của quân Ngô, Sở, cuối cùng phá được, người Đông Việt giết vua Ngô là Lưu Tị, vua sáu nước kia phải tự sát, bảy nước đều bình.

(17) Lương Hưng: Lương Hưng là tướng súy miền Quan Trung, từng liên kết với Mã Siêu, Hàn Toại chống Tào Tháo.

(18) 'Trịnh Bi': Trịnh Bi nghĩa là ao do Trịnh Hồn đào.

(19) Cây du: du là một loài cây cao lớn, gỗ chắc, thường mọc ở vùng có khí hậu ôn hòa như ở miền bắc Trung Quốc, Triều Tiên.

(20) Năm loại quả: thời xưa chỉ năm loại cây quả thường được trồng ở miền bắc Trung Quốc là đào, hạnh, mận, táo, giẻ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét