Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TÔ TẮC TRUYỆN

 


TÔ TẮC TRUYỆN


Tô Tắc tự Văn Sư, người quận Phù Phong huyện Vũ Công. Thời trẻ vì có học vấn và phẩm hạnh nên có tiếng tăm, được đề cử Hiếu liêm và Mậu tài, công phủ cho vời, đều không tới. Sau bắt đầu làm Thái thú Tửu Tuyền, rồi chuyển đến An Định, Vũ Đô, ở đâu cũng có uy danh.


Ngụy thư chép: Tắc là người cương trực, ghét kẻ ác, thường muốn bắt chước làm người như Cấp Ảm(1).


Ngụy lược chép: Tắc trước đó mang họ Trữ, năm Hưng Bình trung, Tam Phụ có loạn, đói khát cô cùng, đi tránh nạn ở đất bắc. Làm khách trọ ở An Định, nương nhờ kẻ nhà giàu là Sư Lượng. Lượng đãi ngộ Tắc không xứng, Tắc bùi ngùi than rằng: "Cái thời thiên hạ yên định, sẽ chẳng còn lâu nữa, tất ta về làm chức quận thú, sẽ nhún mình tiếp đãi bọn học trò." Về sau Tắc cùng với bọn Cát Mậu ở Phùng Dực trốn ở trong núi Thái Bạch phía nam quận. Lúc Tắc ra làm Thái thú An Định, thì bọn Sư Lượng đều muốn chạy trốn, Tắc nghe tin, sớm sai người đến phân tích rõ ràng, và dùng lễ báo đáp lại Lượng.


Thái tổ chinh phạt Trương Lỗ, đi qua quận ấy, gặp Tắc rất hài lòng, sai Tắc làm quân hướng đạo. Lỗ bị phá, Tắc phủ dụ yên định được các rợ Đê ở Hạ Biện, thông đường đi Hà Tây, được chuyển sang làm Thái thú Kim Thành. Bấy giờ sau cơn tang loạn, dân chúng lưu li tan tác đói khát cùng cực, số hộ khẩu hao tổn, Tắc vỗ về rất cẩn trọng. Bên ngoài chiêu mộ phủ dụ rợ Khương Hồ, thu được trâu và dê của họ, nuôi dưỡng kẻ bần cùng người già lão, trong vòng tuần trăng, dân lưu tán đều quay về, thu được mấy nghìn nhà. Tắc bèn ban rõ lệnh cấm, kẻ nào phạm phải lập tức giết ngay, người theo lệnh tất có thưởng. Tắc tự mình dạy dân cấy trồng, năm ấy mùa màng bội thu, bởi thế người theo về nương cậy ngày một đông. Lý Việt ở Lũng tây làm phản, Tắc thống suất người Khương Hồ vây đánh Việt, Việt lập tức xin quy phục. Thái tổ băng hà, người ở Tây Bình là Khúc Diễn làm phản, xưng là Hộ Khương hiệu úy. Tắc thống suất quân binh thảo phạt, Diễn sợ, xin hàng. Văn Đế vì cái công ấy, gia thêm cho Tắc chức Hộ Khương hiệu úy, ban cho tước Quan nội hầu.


Ngụy danh thần tấu chép tờ lệnh của Văn Đế hỏi Thứ sử Ung châu là Trương Ký rằng: "Tô Tắc trước đây đảm nhiệm chức vụ Thái thú Kim Thành một thời gian ngắn, đã có công vỗ về bình trị dân Di, nghe nói lại xuất quân sang tây yên định vùng sông Hoàng, gây dựng thanh thế cho Hà Tây, ta rất khen ngợi. Cái công lao của Tắc, có thể ban thêm tước vị và thực ấp được hay chăng? Phong tước là việc quan trọng, cho nên ta đem ra hỏi khanh. Khanh hãy bí mật trình bày ý của mình, và chớ có tuyên bố lộ tin tức ra bên ngoài." Ký đáp rằng: "Quận Kim Thành, trước đây bị Hàn Toạn giết chóc áp bức, người bị chết kẻ lưu vong, hoặc chạy trốn sang chỗ Nhung Địch, hoặc bị hãm hại trong vòng cướp bóc, số hộ còn lại chẳng đầy năm trăm. Tắc đến nhận chức, bên trong phủ dụ chỗ điêu tàn, bên ngoài tụ họp kẻ ly tán, đến nay số hộ đã có hơn nghìn. Lại có các chủng tộc rợ Khương ở Lương Thiêu, trước đây giúp Toại cùng làm ác, sau khi Toại chết gục, đã vượt ra khỏi thành luỹ. Tắc trước sau chiêu dụ vỗ yên, hơn ba nghìn bộ lạc theo đến quận, Tắc đều cấp chẩn tỏ ân uy, phát huy được hiệu dụng của chức quan. Bọn Khúc Diễn ở Tây Bình khởi xướng tạo gian mưu, Tắc lại xuất quân, soi xét chỗ yếu hại của chúng, Diễn lập tức theo mệnh đưa người đến làm con tin, giặc Lương phá sạch. Tắc đã có công lao cứu giúp dân, lại có tài hoà Nhung Địch, hết sức tiết tháo trung trinh. Gặp được bậc chân chúa thánh minh, kẻ có công lao tất được biên chép lại. Nếu Tắc được ban thêm tước ấp, thực đủ để khuyến khích kẻ trung thần, đã hết lòng gắng sức vì phong tục vậy."


Về sau Diễn lại câu kết với các quận lân bang làm loạn, Trương Tiến ở Trương Dịch bắt Thái thú Đỗ Thông, Hoàng Hoa ở Tửu Tuyền không vâng lệnh Thái thú Tân Cơ, Tiến và Hoa đều tự xưng là Thái thú để hưởng ứng quân phản loạn. Lại có ba tộc người Hồ ở Vũ Uy cùng hợp nhau vào cướp bóc, giao thông bị cắt đứt. Thái thú Vũ Uy là Quán Khâu Hưng cáo cấp với Tắc. Bấy giờ các hào kiệt ở Ung, Lương đều nổi lên cướp bóc ở xứ Khương Hồ theo bọn Tiến, người trong quận đều cho rằng Tiến mạnh chẳng thể đương nổi. Lại thêm tướng quân Hác Chiêu, Ngụy Bình trước đấy đều đóng đồn ở Kim Thành, cũng nhận chiếu đánh giặc nhưng không sang phía tây được. Tắc bèn triệu kiến các quan lại đứng đầu trong quận và bọn Hác Chiêu cùng với các đầu lĩnh người Khương Hồ bàn tính rằng: "Nay giặc tuy đông đảo, nhưng đều mới tập hợp, hoặc bị cưỡng bức phải theo, vị tất đã đồng lòng; ta nhân sơ hở mà đánh chúng, người thiện kẻ ác tất chia lìa nhau, chia lìa thì tất quy phục ta, ta thêm quân mà bên kia hao tổn vậy. Khi quân ta đã thật đông, thì khí thế lực tăng gấp bội, ta thống suất quân tiến lên đánh dẹp, phá chúng tất xong vậy. Nếu đợi đại quân đến, cầm giữ nhau lâu ngày, người thiện không quy phục ta, tất hợp tác với kẻ ác, thiện ác đã kết hợp, hình thế khó mà bỗng chốc chia lìa. Dẫu đã có chiếu mệnh, ta làm trái mà hợp lẽ quyền biến, chuyên quyền cũng có thể được vậy." Vì thế bọn Chiêu nghe theo, bèn phát binh cứu Vũ Uy, thu hàng ba tộc người Hồ ở đó, rồi cùng với Hưng đánh Tiến ở Trương Dịch. Diễn nghe tin, đem ba nghìn quân bộ kỵ nghênh đón Tắc, Từ lại đến giúp quân đội, nhưng thật ra muốn làm kế quyền biến. Tắc dụ dỗ cùng tương kiến, nhân đó chém hắn, rồi ra quát mắng quân lính, đảng giặc đều tan chạy. Tắc bèn cùng với chư quân vây Trương Dịch, phá được, chém Tiến và dư đảng của hắn, chúng đều ra hàng. Diễn thua quân, Hoa sợ, buông thả những kẻ bị bắt và xin hàng, Hà Tây binh định. Tắc liền quay về Kim Thành. Được tiến phong tước Đô đình hầu, hưởng thực ấp ba trăm hộ.


Tắc được trưng triệu về bái làm Thị trung, cùng với Đổng Chiêu là đồng liêu. Chiêu từng gối đầu lên đầu gối Tắc mà ngủ, Tắc đẩy đầu Chiêu ra, nói: "Đầu gối của Tô Tắc, chẳng phải nịnh cái đầu của người ta vậy." Khi trước, Tắc cùng với Lâm Tri hầu là Thực nghe nói Ngụy thị thay nhà Hán, đều phanh áo ra đau lòng mà khóc, Văn đế nghe nói Thực như thế, nhưng không nghe nói đến Tắc. Khi đế ở Lạc Dương, từng ung dung nói rằng: "Ta ứng vận trời mà thụ thiện, nhưng nghe nói có kẻ khóc lóc, sao vậy?" Tắc cho là mình bị hỏi, râu ria đều vểnh cả lên, toan dùng chính luận để đối đáp. Quan Thị trung là Phó Tốn bấm móng tay vào Tắc nói: "Chẳng phải là nói ngài vậy." Vì thế Tắc liền dừng lại.


Nguỵ lược chép: Theo lễ xưa, quan Thị trung là kẻ thân cận được coi xét việc sinh hoạt hàng ngày của vua, cho nên tục gọi là 'Chấp hổ tử'. Ban đầu có người đồng quận với Tắc là Cát Mậu, bấy giờ làm ra làm huyện lệnh huyện Phủ Lịch, được thăng làm Nhũng tán. Mậu gặp Tắc, giễu cợt rằng: "Đường tiến thủ của sĩ đồ chẳng phải dừng lại ở chức Chấp hổ tử." Tắc cười nói: "Ta chẳng thể bắt chước ngươi cung kính thong thả ruổi xe hươu được vậy." Khi trước, Tắc ở Kim Thành, nghe nói Hán đế truyền ngôi vị, cho là vua đã băng hà, bèn phát tang; sau nghe nói vua còn sống, bởi vì không xét được rõ ràng, mới có ý lặng yên. Lâm Tri hầu Thực tự thương cảm là có lỗi với ý muốn của Tiên đế, cũng oán giận cảm kích mà khóc. Sau này Văn đế xuất du, nghĩ lại hận Lâm Tri, cho nên bảo tả hữu rằng: "Nhân tâm không hoà, nên lúc ta lên ngôi, trong thiên hạ có kẻ khóc to." Lúc ấy kẻ bầy tôi đi theo biết được lời Đế nói, có người phát ngôn ra, nên Tắc cho là nói mình. Tắc muốn xuống ngựa tạ lỗi. Thị trung Phó Tốn trố mắt nhìn Tắc, Tắc bèn tình ngộ.


Một đoạn dưới chưa thể dịch nổi (có bác nào giúp được chăng?)

孙盛曰:夫士不事其所非,不非其所 ,趣舍出处,而岂徒哉!则既策名新,质异代,而方怀二心生忿,欲奋 爽言,岂大雅君子去就之分哉?诗云"士也罔极,二三其德。"士之二三 丧妃偶,况人臣乎?


Văn đế hỏi Tắc rằng: "Trước kia ngươi phá Tửu Tuyền, Trương Dịch, thông sứ với Tây Vực, quận Đôn Hoàng dâng biếu một viên ngọc châu lớn dài một tấc, ngươi có thể xin thêm được không?" Tắc đáp rằng: "Nếu bệ hạ làm cho giáo hoá thấm khắp Trung Quốc, ân đức truyền tới nơi sa mạc, dù chẳng cầu thì châu báu cũng tự đến, chẳng đáng quý lắm sao." Đế lặng yên. Về sau Tắc theo Đế đi săn, chốt chuồng thú bị mở ra, mất một con hươu, Đế cả giận, ngồi trên hồ sàng(2) rút đao ra, cho bắt hết bọn đốc lại, sắp đem chém chúng. Tắc khấu đầu nói: "Thần nghe rằng bậc thánh vương đời xưa chẳng vì cầm thú mà hại người ta, nay bệ hạ đang hưng thịnh cái giáo hoá của Đường Nghiêu(3), mà vì việc săn bắn làm vui mà sát hại nhiều quan lại, ngu thần cho rằng không nên. Thần bạo dạn lấy cái chết để cầu xin!" Đế nói: "Khanh, là kẻ bầy tôi thẳng thắn vậy." Rồi xá tội hết cho bọn ấy. Nhưng vì thế mà bị Đế kiêng sợ. Năm Hoàng Sơ thứ tư, Tắc bị giáng chức làm Đông Bình tướng. Chưa đến nhận chức, bị bệnh chết ở trên đường, được ban thuỵ là Cương hầu. Con Tắc là Di nối tự, không có con nối, em là Du được tập tước. Du, năm Hàm Hi trung làm quan Thượng thư.


Du tự Hưu Dự, từng trải qua chức vị Thái thường Quang lộc đại phu, thấy nói ở Tấn bách danh quan. Sơn Đào khải sự(4) khen Du là người thực sự trung hậu và có trí mưu.


Thần Tùng Chi xét con của Du là Thiệu, tự Thế Tự, làm thầy của Ngô vương. Vợ của Thạch Sùng(5), là con gái của anh trai Thiệu. Thiệu có thơ ở Kim Cốc tập. Em của Thiệu là Thận, làm tả Vệ tướng quân.


Chú thích:

(1) Cấp Ảm tự Trường Nhụ, người quận Bộc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam), là danh thần đầu thời Tây Hán, xuất thân từ gia tộc thuộc hàng danh môn, bảy đời làm công khanh đại phu, bản thân từng trải nhiều chức vụ, như Thái tử tẩy mã, Yết giả, Huỳnh Dương lệnh, Thái thú Đông Hải, sau dự vào hàng Cửu Khanh; là người nghĩa hiệp nổi tiếng, nhân dân rất quý mến.

(2) Hồ sàng là dụng cụ giống như cái ghế xích đu vừa nằm vừa ngồi, có thể gấp lại được.

(3) Thời thịnh trị của vua Nghiêu, vua Thuấn.

(4) Sơn Đào, tự Cự Nguyên, là một người trong Trúc Lâm thất hiền, người thời Tây Tấn, quê ở quận Hà Nội huyện Hoài, rất giỏi học thuyết Lão, Trang, giao du với Kê Khang, Nguyễn Tịch. Khi Tư Mã Ý và Tào Sảng tranh quyền, ông giấu mình không tham gia vào vụ việc. Tư Mã Ý chấp chính, cử ông làm Tú tài, Lang Trung, rồi thăng làm Thượng thư bộ Lang. Thời Tư Mã Viêm, làm Đại hồng lư, rồi Thị trung, Lại bộ Thượng thư, Thái tử Thiếu phó, tả Bộc xạ. Rất có tài bình luận, nên được người đời gọi là 'Sơn Đào khải sự'.

(5) Thạch Sùng, tự Quý Luân, làm văn học gia thời nhà Tấn, nổi tiếng là người đẹp trai, thời nhỏ có tên là Tề Nô. Năm Nguyên Khang nguyên niên, làm chức Thứ sử Kinh châu, giầu có không ai lường được. Năm Vĩnh Khang nguyên niên, bị vu là đồng đảng của Tư Mã Doãn, bị giết, gia sản bị tịch thu. Lại có một sách khác nói rằng Sùng trải các chức Thái phó, Chinh lỗ tướng quân, Giám quân Từ Châu, trấn thủ Hạ Bi, rồi làm Vệ uý, Sùng siểm nịnh tên quý thích là Giả Mật. Lúc Giả Mật bị bãi miễn chức quan, Sùng cũng bị bãi chức, của cải mất hết.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét