NGỤY THƯ QUYỂN 29 - Phương kỹ truyện
Hoa Đà, Đỗ Quỳ, Chu Kiến Bình, Chu Tuyên,
Quản Lộ
Danh y Hoa Đà |
TRUYỆN HOA ĐÀ
Hoa Đà tự Nguyên Hóa,
người huyện Tiêu nước Bái, còn có tên là Phu.
Thần là Tùng Chi xét:
Chữ 'phu' cổ giống nhau với chữ 'chuyên', nhiều người viết chữ không phân biệt
được. Mà Đà tự Nguyên Hóa thì tên của Đà phải là Phu vậy.
Du học ở Từ Châu, thuộc
làu mấy quyển kinh. Bái Tướng là Trần Khuê cử Hiếu liêm, Thái úy Hoàng Uyển mời,
đều không đến. Hiểu thuật dưỡng tính(2), người bấy giờ cho rằng Đà sống trăm tuổi
mà dáng vẻ vẫn khỏe mạnh. Lại giỏi làm thuốc, cách trị bệnh của Đà là dùng
thang(3) thuốc không trộn hơn vài loại thuốc, phân tích trong đầu, không cần tự
tay tính đếm, nấu sôi rồi cho uống, nói rõ công hiệu và cấm kị khi dùng thuốc,
uống xong sẽ khỏi. Nếu phải cứu(4) thì không quá một hai chỗ, mỗi chỗ không quá
bảy, tám tráng(5), bệnh cũng trừ được. Nếu phải châm(6) thì không quá một hai
chỗ, lúc châm nói: "Cảm ứng kéo đến chỗ đấy, nếu đến, nói ta biết".
Người bệnh nói: "Đã đến". Mới liền nhổ châm, bệnh cũng chữa khỏi. Nếu
mầm bệnh tụ ở trong, là chỗ mà thuốc châm không đến được thì phải ổ xẻ, lại cho
người bệnh uống bột 'ma phất tán'(7), chốc lát người bệnh lại như ngủ say không
biết cái gì, nhân đó mổ xẻ. Nếu bệnh ở trong ruột, lại mổ ruột mà tẩy rửa rồi
khâu bụng mà bôi cao(8) lên bụng; bốn, năm ngày say sẽ khỏi, không đau, người bệnh
cũng không tự thức dậy được, trong vòng một tháng liền khỏe lại vậy.
Phu nhân(9) của Cam
Lăng Tướng ngày trước có thai sáu tháng, bụng đau không yên, Đà xem mạch(10), nói:
"Thai đã chết rồi". Sai người dùng tay mò để biết ở chỗ nào, nếu ở
bên trái là con trai, ở bên phải là con gái. Người ta nói: "Ở bên
trái". Do đó làm thang thuốc cho uống, quả đúng sinh ta một con trai, rồi
khỏi.
Huyện lại(11) là Doãn
Thế khổ vì tứ chi(12) mỏi mệt, trong miệng khô, không muốn nghe tiếng người, tiểu
tiện(13) không lợi. Đà nói: "Thử ăn món ăn nóng, nếu mồ hôi ra thì sống; nếu
không có mồ hôi ra thì ba ngày sau sẽ chết". Liền ăn món ăn nóng nhưng
không có mồ hôi ra, Đà nói: "Tạng khí(14) đã hết ở trong, nếu kêu khóc sẽ
chết". Đúng như Đà nói.
Phủ lại(15) là Nghê Tầm,
Lí Diên cùng đến, đều đau đầu, nóng thân, bị đau giống nhau. Đà nói: "Tầm
phải tháo dạ, Diên phải phát mồ hôi.". Có người hỏi sao lạ vậy, Đà nói:
"Tầm bị bệnh ở ngoài thân, Diên bị bệnh trong thân, cho nên trị phải
khác". Liền đều cho thuốc, ngày sau cùng khỏe dậy.
Người huyện Diêm Độc
là Nghiêm Hân và mấy người cùng đến đợi Đà, vừa đến, Đà bảo Hân nói:
"Trong người ông khỏe không"? Hân nói: "Vẫn như thường". Đà
nói: "Ông có bệnh nặng thấy ở mặt, không nên uống nhiều rượu". Ngồi
xong đi về, đi được mấy dặm, Hân bỗng đau đầu hoa mắt rơi xuống xe, người ta chở
đưa về nhà, giữa đêm thì chết.
Viên Đốc bưu ngày trước
là Đốn Tử Hiến mắc bệnh đã khỏi, đến chỗ Đà xem mạch, nói: "Vẫn yếu, chưa
khỏe lại, chớ làm việc vất vả, giao hợp tất chết. Nếu sắp chết phải lè lưỡi ra
mấy tấc". Vợ hắn nghe tin hắn bệnh khỏi, đem theo hoăn trăm người nhà đến
xem, giữa đêm giao hợp, trong vòng ba ngày sau phát bệnh, đều như Đà nói.
Viên Đốc bưu là Từ
Nghị mắc bệnh, Đà đến xem bệnh. Nghị bảo Đà nói: "Hôm trước sai Y tào lại
Lưu Tổ châm vị quản(16) xong, lại càng ho khan, muốn nằm mà chẳng yên". Đà
nói: "Châm không đúng vị quản, châm nhầm phải gan vậy. Nay nên ăn ít, nếu
không năm ngày sau không cứu được". Rút cuộc như Đà nói.
Người huyện Sơn Dương
là Trần Thúc Sơn có con trai nhỏ hai tuổi bị bệnh, lúc tiểu tiện thường khóc,
càng ngày thêm khốn. Hỏi Đà, Đà nói: "Mẹ nó lúc mang thai có chứa khí âm,
trong vú lạnh rỗng, do đó con bị nhiễm khí lạnh của mẹ, cho nên khiến cho bệnh
không khỏi ngay được". Đà cho bốn viên 'vật nữ uyển hoàn'(17), uống mười
ngày liền khỏi.
Phu nhân của Bành
Thành (18) buổi đêm đi nhà xí bị con bọ cắn vào tay, rên rỉ không thôi. Đà làm
thang thuốc ấm gần sôi, ngâm tay vào trong đó, cuối cùng được khỏe, nhưng vẫn
sai người thân nhiều lần nấu thang thuốc làm cho tay ấm, một sớm liền khỏi.
Quân lại(19) là Mai Bình bị bệnh, bỏ quan về nhà, nhà ở quận Quảng Lăng nhưng đi chưa đến hai trăm dặm, sai người thân dừng lại. Chốc lát, Đà tình cờ đến chỗ của chủ nhân, chủ nhân(20) sai Đà xem bệnh cho Bình, Đà bảo Bình nói: "Nếu ông gặp ta sớm thì bệnh không thể đến thế này. Nay bệnh đã nặng, đi về nhanh mới gặp được người nhà, năm ngày sau tất chết". Liền đi về, như lời mà Đà nói.
Đà đi đường, thấy một
người bị bệnh nghẽn họng, ăn uống mà không tháo dạ(21) được, người nhà đang
dùng xe muốn chở đến chỗ thầy thuốc. Đà nghe tiếng người bệnh rên rỉ, dừng xe đến
xem, bảo người bệnh nói: "Vừa đi qua bên đường có một chum giấm tỏi lớn, đến
lấy ba thăng mà uống, bệnh tất tự khỏi". Liền theo lời Đà, đứng thổ ra một
con trùng(22), rồi treo bên xe, muốn đến báo cho Đà. Đà vẫn chưa về, con nhỏ
đang chơi ngoài cửa, ngẩng mặt lên nhìn, tự bảo nhau nói: "Người này giống
với người bệnh bên xe đã gặp cha ta". Người bệnh đi vào ngồi, thấy trên
vách nhà phía bắc có treo mấy chục con trùng.
Lại có một viên Quận
thú(23) mắc bệnh, Đà cho rằng phải làm cho người này phát giận mới khỏi, bèn nhận
nhiều tiền của của người này mà không chữa trị, không lâu lại bỏ đi, để thư lại
mắng người này. Quận thú quả đúng cả giận, sai người đuổi bắt giết Đà. Con của
Quận thú biết được, sai thuộc quan không đuổi nữa. Quận thú đã quá tức giận, thổ
mấy thăng máu đen mà tự khỏi.
Lại có một Sĩ đại
phu(24) không khỏe, Đà nói: "Ông bệnh nặng, nên mổ bụng ra lấy mầm bệnh.
Nhưng ông thọ cũng không quá mười năm nữa, bệnh không giết được ông. Nếu ủ bệnh
mười năm nữa, tuổi thọ cũng hết, không bằng để ta mổ xẻ". Sĩ đại phu không
chịu đau bệnh, muốn phải trừ đau. Đà bèn ra tay, bệnh đau dần đỡ, được mười năm
thì chết.
Quảng Lăng Thái thú
Trần Đăng mắc bệnh, trong ngực nhức nhối, mặt đỏ, không ăn. Đà xem mạch nói:
"Trong dạ dày của Phủ quân(25) có mấy thăng con trùng sắp gây thành ung nhọt,
là do ăn thịt sống gây ra vậy". Liền làm hai thăng thang thuốc, cho uống một
thăng trước rồi dần dần cho uống hết. Uống xong, thổ ra hơn ba thăng con trùng,
đầu đỏ mà đều cử động, nửa thân như mang cá sống, bệnh đau lại khỏi. Đà nói:
"Bệnh này sau ba năm lại phát, nếu gặp thầy thuốc giỏi mới cứu giúp được".
Đến kì quả đúng phát bệnh, bấy giờ Đà không ở đó, như lời Đà mà chết.
Thái Tổ nghe nói liền
gọi Đà, Đà thường ở bên tả hữu. Thái Tổ khổ vì đầu trúng gió, hễ phát bệnh thì
tim loạn, mắt hoa, Đà châm huyệt cách(26), châm đến đâu đỡ đến đó.
Đà biệt truyện viết:
"Có người mắc bệnh hai chân què không đi được, ngồi kiệu đến chỗ Đà, Đà từ
xa thấy, nói: 'Ta đã châm cứu làm thuốc nhiều rồi, không cần phải xem mạch'. Liền
sai người cởi áo, cứu mấy chục chỗ trên lưng, mỗi chỗ cách nhau một tấc, có chỗ
năm tấc, lộn xộn không giống nhau. Nói là mỗi cứu đều có mười tráng, cứu xong
thì khỏe liền đi được. Sau lại cứu ở gần gáy một tấc, các chỗ trên dưới ngay ngắn
thẳng đều như hình sợi kẻ vậy".
Vợ của Lí Tướng quân bệnh nặng, gọi Đà xem mạch, nói: "Sinh non mà thai không ra được". Tướng quân nói: "Nghe nói là sinh non nhưng thai đã ra rồi". Đà nói: "Xem mạch, thai chưa ra vậy". Tướng quân cho là không đúng. Đà bỏ đi, người vợ có vẻ đỡ chút ít. Hơn trăm ngày sau lại phát bệnh, lại gọi Đà, Đà nói: "Lúc trước xem mạch có thai. Lúc trước đáng sinh hai con, một con ra trước, máu ra rất nhiều, con sau không sinh kịp. Mẹ không tự biết, người bên cạnh cũng chẳng hay, không đón ra, bèn không sinh được. Thai chết, mạch máu không về được, tất khô cục ở gáy, cho nên khiến cho nhiều lần đau gáy. Nay làm cho thang thuốc cùng châm một chỗ, cái thai chết ấy tất ra". Cho uống thang thuốc rồi châm, người vợ đau đớn như muốn sinh. Đà nói: "Cái thai chết này lâu ngày đã khô, không tự ra được, phải sai người móc ra". Quả đúng có một cái thai con trai chết, tay chân đầy đủ, màu đen, dài đến một thước.
Kĩ thuật cao siêu của
Đà đại loại như thế. Nhưng vốn là kẻ sĩ mà lấy việc làm thuốc lập nghiệp, ý thường
tự hối, sau Thái Tổ nắm chính sự, bị bệnh thêm nặng, sai Đà đến xem. Đà nói:
"Bệnh này khó chữa, chăm lo chữa trị, có thể kéo dài năm tháng". Đà
xa nhà lâu ngày có ý về, nhân đó nói: "Nay nhận được thư nhà, đang muốn
xin về". Đến nhà, lại lấy cớ vợ bệnh mà từ chối, nhiều lần hẹn mà không
quay lại. Thái Tổ gửi thư gọi, lại sai quận huyện điều lệnh. Đà cậy vào tài
năng mà khinh ghét việc hầu hạ, vẫn không lên đường. Thái Tổ cả giận, sai người
đến xem xét. Nếu vợ bệnh thật thì ban cho bốn mươi hộc đậu, tha cho tội hoãn
lâu ngày; nếu có lừa dối thì bắt chở đến. Do đó chở đến đất Hứa giam vào ngục.
Xét hỏi mà nhận tội. Tuân Úc xin nói: "Đà có thuật giỏi, cứu được mạng người,
nên tha cho hắn". Thái Tổ nói: "Không lo, thiên hạ ngày nay không có
bọn chuột này chăng"? Rồi xét hỏi Đà đến chết, Đà sắp chết, lấy một quyển
sách trao cho quan coi ngục, nói: "Nó có thể cứu người". Quan coi ngục
sợ phạm pháp không nhận, Đà cũng không ép, lấy lửa đốt sách. Sau khi Đà chết, bệnh
đau đầu của Thái Tổ chưa khỏi, Thái Tổ nói: "Đà có thể trị khỏi bệnh này,
nhưng hắn là kẻ tiểu nhân có ý kéo dài bệnh để được trọng được dùng nhiều, nếu
ta không giết kẻ này, cuối cùng hắn cũng không giúp ta cắt trừ cái gốc rễ của bệnh".
Sau đó con yêu là Thương Thư mắc bệnh, Thái Tổ than nói: "Ta giết bừa Hoa
Đà, khiến cho con nhỏ bị chết vậy".
Trước đây, Quân lại
là Lí Thành khổ vì ho khan, ngày đêm không ngủ được, có lúc thổ ra máu mủ, đến
hỏi Đà. Đà nói: "Ông bị bệnh trúng độc trong ruột, đấy là nguyên nhân gây
ho; không phải từ phổi vậy. Nay cho ông hai tiền thuốc tán, nếu thổ ra hơn ha
thăng máu mủ thì ngừng uống, tự chăm sóc, một tháng có thể đỡ vừa, phải tự giữ
gìn, một năm sẽ khỏi. Sau mười tám năm sẽ có một lần phát lại, lại uống thuốc
tán này, cũng khỏe lại được. Nếu không dùng thuốc này, sẽ phải chết". Lại
cho hai tiền thuốc tán nữa, Thành lấy thuốc rồi đi. Năm, sáu năm sau, trong người
thân có người mắc bệnh giống Thành, bảo Thành nói: "Ông nay khỏe mạnh, ta
sắp chết, sao lại nỡ không nhanh cho ta uống thuốc ấy mà lại giấu đi,
Thần là Tùng Chi xét:
Tiếng cổ, nói giấu là khứ.
để đợi điều không
lành? Hãy cho ta mượn dùng trước, ta khỏi rồi sẽ vì ông mà đến chỗ Hoa Đà xin
thêm thuốc". Thành cho người đó. Rồi đến huyện Tiêu, vừa lúc Đà bị bắt, vội
vàng không chịu đi xin. Mười tám năm sau, bệnh của Thành lại phát, không có thuốc
chữa, do đó mà chết.
Đà biệt truyệt viết:
"Có người vào giữa năm Thanh Long gặp Sơn Dương Thái thú người quận Quảng
Lăng là Lưu Cảnh Tông, Cảnh Tông nói là giữa năm Trung Bình mấy lần gặp Hoa Đà,
cách trị bệnh của Đà là dùng tay bắt mạch, hiệu nghiệm như thần, người quận
Lang Nha là Lưu Huân làm Hà Nội Thái thú có con gái gần hai mươi tuổi, trên đầu
gối chân trái có vết thương, có vết mà không đau. Vết thương lành mấy chục ngày
sau lại phát, cứ như thế bảy, tám năm, đón Đà đến xem, Đà nói: 'Nó dễ trị thôi.
Phải lấy được bã gạo, một con chó lông vàng, hai con ngựa khỏe đến đây'. Lấy
dây thừng buộc cổ chó, xua ngựa chạy kéo chó đi, ngựa chạy hết cỡ, tính ra ngựa
chạy được hơn ba mươi dặm, nhưng khó không đi được, lại sai người đi bộ dẫn đi,
tính ra đến năm mươi dặm. Lại lấy thuốc cho người con gái đó uống, người con
gái liền nằm ngủ không biết gì nữa, rồi lấy dao lớn cắt phần trước của chân ở
sau gần bụng chó, lấy chỗ mà mình cắt hướng vào vết thương, chỉ cách hai, ba tấc.
Dừng lại chốc lát, nếu có con trùng từ vết thương chảy ra lại lấy cái dùi sắt
đâm ngang xuyên đầu trùng. Trùng ở trong da vẫy động hồi lâu, chốc lát không động
nữa, lại kéo ra, dài đến ba thước, thân giống rắn, chỉ có chỗ mắt mà không có
con người, lại có vảy ngược. Lấy cao tán bôi vào vết thương, sau bảy ngày liền
khỏi. Lại có gười mắc bệnh đau đầu, đầu không cử động được, mắt cũng không nhìn
được, đã nhiều năm rồi. Đà sai cởi hết áo rồi treo người ngược lại, khiến cho đầu
cách mặt đất một hai tấc, lấy vải thấm nước lau rửa thân thể, lau quanh người,
đợi xem các mạch, đều lộ ra năm màu, Đà sai mấy học trò lấy dao sắc rạch mạch,
máu năm màu chảy ra hết, chỉ thấy máu màu đỏ, rồi cho người xuống, lấy cao xoa
khắp bụng, mồ hôi ra quanh người, lấy bột 'đình lịch khuyển huyết tán'(27) cho
uống, bèn khỏi. Lại có một người đàn bà mắc bệnh nhiều năm, người ta gọi là người
bệnh nóng lạnh. Giữa tháng mười một mùa đông, Đà sai người bệnh ngồi trong máng
đá, giữa buổi sáng rót nước lạnh chảy vào máng, nói là phải rót nước đủ trăm lần.
Mới bảy, tám lần rót, vừa lúc người bệnh run rẩy sắp chết, người rót nước sợ
hãi, muốn dừng. Đà lệnh phải rót đủ. Sắp đến lần rót thứ tám mươi, khí nói lại
bay ra, cao vùn vụt đến hai, ba thước. Rót đủ trăm lần, Đà lại sai người đốt lửa
sưởi ấm giường, cho nằm xuống, hồi lâu sau mồ hôi chảy ra, xoa bột, mồ hồi khô
ráo mới khỏi. Lại có người bệnh nửa trong bụng rất đau, trong hơn mười ngày,
tóc mai rơi rụng, Đà nói: 'Đấy là do lá lách bị vỡ nửa rồi, phải mổ bụng chữa
trị vậy". Cho uống thuốc nằm ngủ, mổ bụng ra xem, quả đúng lá lách đã bị vỡ
nát hơn nửa. Lấy dao cắt ra, xẻo bỏ thịt thối, lấy cao bôi vào vết thương, lấy
thuốc cho uống, trăm ngày sau khỏe lại".
Người huyện Quảng
Lăng là Ngô Phổ, người huyện Bành Thành là Phàn A đều theo học Đà. Phổ dựa theo
thuật trị bệnh của Đà, cứu chữa được nhiều người. Đà bảo Phổ nói: "Thân
người phải được lao động, nhưng không nên quá sức. Lao động thì cốc khí(28) được
tan hóa, mạch máu được chảy suốt, bệnh không sinh được, tựa như then cửa không
mục vậy. Cho nên người tiên thời xưa bày ra cách luyện tập như con gấu nghển cổ,
con cú quay đầu, kéo dãn thân eo, hoạt động các đốt xương để được khỏi già. Ta
có một thuật gọi là 'trò diễn của năm loài vật', một là hổ, hai là hươu, ba là
gấu, bốn là vượn, năm chim, cũng để trừ bệnh, lại làm lợi cho bàn chân, nay
truyền lại cho ngươi. Nếu trong người không khỏe thì diễn trò của một con vật ấy,
đến khi mồ hôi thẫm đẫm ra thì bôi phấn lên, lúc đó thân thể sẽ khỏe khoắn,
trong bụng cũng muốn ăn".
Phổ làm theo trò ấy,
sống đến hơn chín mươi tuổi, tai mắt sáng suốt, răng xương chắc chắn. A giỏi
thuật châm, bọn thầy thuốc đều nói rằng trong phần lưng và bụng ngực không được
châm bừa, chỉ châm không quá bốn phân, nhưng A lại châm vào lưng sâu đến một,
hai tấc, có khi châm vào huyệt cự khuyết(29) nơi bụng ngực sâu đến năm, sáu tấc,
mà bệnh liền đều khỏi. A theo Đà xin thuốc có thể giúp ích cho người, Đà lấy bột
'tất diệp tán'(30), bột 'thanh niêm tán '(31) cho A. Một thăng bột 'tất diệp
tán', mười bốn lạng bột 'thanh niêm tán', lấy đó mà trộn, nói rằng uống nhiều
có thể diệt trùng, làm lợi cho ngũ tạng(32), thân thể nhanh nhẹn, khiến cho tóc
đầu không trắng. A theo lời ấy, thọ hơn trăm tuổi. Tất diệp có ở nhiều chỗ,
thanh niêm có ở ấp Phong, nước Bái, huyện Bành Thành và huyện Triều Ca thôi.
Đà biệt truyện viết:
"Thanh niêm còn có tên là 'địa tiết', lại có tên là 'hoàng chi', chủ trị
ngũ tạng, làm lợi tinh khí(33). Vốn có từ người đi lầm vào núi, được người tiên
cho uống, về báo cho Đà. Đà cho là hay, liền bảo với A, A lại giữ kín. Người gần
đây thấy A sống lâu mà khí lực khỏe mạnh thì lấy làm lạ, bèn đòi A cho uống,
tìm cách chuốc rượu say rồi bày nói ra. Thế là thuốc được dùng, nhiều người được
uống, đều có công hiệu lớn".
Văn Đế luận bàn việc
bọn Khích Kiệm viết: 'Người quận Dĩnh Xuyên là Khích Kiệm có tài bỏ ăn gạo, chỉ
ăn phục linh(34). Người huyện Cam Lăng là Cam Thủy cũng giỏi vận khí, già mà có
dáng trẻ. Người quận Lư Giang là Tả Từ biết thuật phác đạo(35). Đều làm quân lại.
Trước đây, Kiệm đi đến, mua phục linh lại càng thêm nhiều. Nghị lang người huyện
An Bình là Lí Đàm học bỏ ăn gạo, ăn phục linh ấy, uống nước lạnh, tháo dạ lợi
nhưng nguy hiểm mất mạng. Sau khi Thủy đến, mọi người không ai là không ngưỡng
mặt trông mong, kêu gọi xin học, Quân mưu Tế tửu người quận Hoằng Nông là Đổng
Phân học theo nhưng làm sai cách, khí tắc không thông, lâu sau mới thông. Tả Từ
đến, lại liền trao dạy thuật phác đạo, người đến phủ là Nghiêm Tuấn, đến theo hỏi
học. Người bị thiến hoạn thực là không thể học thuật ấy vậy, người ta đua đòi mới
đến như thế. Giữa năm Quang Hòa, Bắc Hải Vương là Hòa Bình cũng ưa học đạo thuật,
tự muốn thành tiên. Người quận Tế Nam là Tôn Ung thuở nhỏ cũng học Hòa Bình,
theo đến kinh sư. Gặp lúc Hòa Bình bệnh chết, Ung nhân đó táng Hòa Bình ở huyện
Đông Đào, lấy được hơn trăm quyển sách, mấy túi thuốc đều táng theo Hòa Bình.
Sau đó học trò là Hạ Vinh nói là thây Hòa Bình đã mục rữa. Ung đến nay vẫn tiếc
vì không lấy được sách quý thuốc tiên. Lưu Hướng(36) bị lời văn của sách Bảo
kê(37) mê hoặc, Quân Du(38) bị lời nói của Tử Chính(39) cảm dụ. Người mê lầm thời
xưa, há chỉ có một người thôi'!".
Đông A Vương(40) làm bài Từ đạo luận viết: "Người đời có phương sĩ(41), bậc Vương ta gọi họ đến xem hết, huyện Căm Lăng có Cam Thủy, quận Lư Giang có Tả Từ, huyện Dương Thành có Khích Kiệm. Thủy có tài vận khí đạo dẫn, Từ hiểu thuật phòng trung(42), Kiệm giỏi bỏ ăn gạo, đều nói là sống đến ba trăm tuổi. Cuối cùng mời hợp vào cả ở nước Ngụy, thực là sợ rằng bọn người này bày trò gian xảo để lừa dối người, làm việc yêu tà để mê hoặc dân, há lại muốn thấy thần tiên ở Doanh Châu(43) mà cầu yên ở biển đảo, bỏ xe vàng mà ngồi kiệu mây(44), vứt sáu con ngựa kí(45) mà cưỡi rồng bay sao? Từ Nhà vua và Thái tử cho đến các anh em đều cho là đáng cười, không tin được vậy. Nhưng bọn Thủy biết Nhà vua đối đãi chúng chỉ một lúc, không cấp bổng nhiều cho quan lại, không thưởng thêm cho người không có công, biển đảo khó mà đi đến được, sáu phất(46) khó mà đeo được, rút cuộc không dám dâng câu trống rỗng, không dám gửi lời văn khác thường nữa. Ta từng thử Khích Kiệm bỏ ăn gạo trăm ngày, tự thân cùng hắn ngủ nghỉ, chỉ được đi lại trong nhà thoải mái thôi. Phu nhân của hắn không ăn bảy ngày thì chết nhưng Kiệm vẫn như thường. Mà lại không bị tổn tuổi thọ, có thể tránh bệnh mà không sợ bị đói khát vậy. Tả Từ giỏi tu thuật phòng trong, dẫu sai lầm nhỏ thôi cũng mất mạng rồi, nếu tự thân không có có chí trong trắng lắm thì chẳng ai làm được. Cam Thủy già mà có dáng trẻ, các thuật sĩ(47) đều cùng theo học hắn. Nhưng Thủy nói nhiều làm ít, lại hay nói lời quái lạ. Ta thường gọi đến làm tả hữu, chỉ nói chuyện với hắn, hỏi việc mà hắn làm, nói lời mềm mỏng để dụ dỗ hắn, dùng lời đẹp đẽ để dạy bảo hắn, Thủy bảo ta nói: 'Thầy ta vốn là họ Hàn, tự Thế Hùng, ta từng cùng thầy luyện vàng ở biển Nam Hải, trước sau được mấy chục vạn cân, có ném mấy vạn cân vàng xuống biển'. Lại nói: 'Vào thời Chư Lương(48), người Hồ miền tây đến cống len thơm, đai buộc eo, đao cắt ngọc, bấy giờ tiếc vì không lấy'. Lại nói: 'Có nước ở phía tây của nước Xa Sư(49), có đứa trẻ sinh ra thì trên bàn tai lộ ra lá lách, muốn ăn ít mà chạy lại nhanh'. Lại nói: 'Bắt lấy một đôi cá chép dài năm tấc trộn nấu cùng với thuốc, cho vào trong cao nấu sôi, có con cá chép vẫy đuôi mở mang, bơi lặn chìm nổi tựa như ở vực nước, một con cá chép trong đó đã chín thì ăn được'. Bấy giờ ta hỏi nói: 'Ta thử làm theo được không'? Thủy nói: "Thuốc này cách xa đây hơn vạn dặm, chỉ có ở biên giới; Thủy không tự đi nên không có được vậy'. Lời nói không cùng(50) như thế, còn nhiều nữa khó mà chép hết, cho nên tạm chép những chuyện lạ nhất trong đó ra đây. Thủy mà gặp được Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế thì lại như bọn Từ Thị, Loan Đại(51) vậy".
Chú thích:
(1) Phương kĩ: chỉ những người có kĩ thuật hơn người như
làm nghề bốc thuốc, dưỡng sinh.
(2) Thuật dưỡng tính: thuật tu dưỡng tâm tính.
(3) Thang: thuốc nấu với nước cho sôi rồi uống.
(4) Cứu: là một phương pháp trị bệnh dùng lá ngải làm
thành nén hoặc cuộn rồi đốt hơ vào huyệt trên
người.
(5) Tráng: mỗi lần đốt ngải để cứu là một tráng.
(6) Châm: là phương pháp trị bệnh dùng kim chích vào huyệt
trên người.
(7) Bột 'ma phất tán': là một loại thuốc bột do Hoa Đà
pha chế dùng để gây mê.
(8) Cao: tức thuốc mỡ dầu để bôi lên vết thương.
(9) Phu nhân: tên gọi tôn trọng đối với vợ của quan lại
hoặc quý tộc.
(10) Mạch: máu chảy trong các mạch, ý nói nhịp đập của
tim đẩy máu đi khắp thân thể.
(11) Huyện lại: quan lại của huyện.
(12) Tứ chi: chỉ hai tay và hai chân.
(13) Tiểu tiện: hoạt động của khứ bỏ chất bã ra khỏi cơ
thể, tức đái.
(14) Tạng khí: khí trong ngũ tạng.
(15) Phủ lại: quan lại trong phủ quan.
(16) Vị quản: ống dẫn vào dạ dày.
(17) Viên 'vật nữ uyển hoàn': một loại thuốc viên của Hoa
Đà
(18) Phu nhân của Bành Thành: vợ của quan lại của huyện
Bành Thành.
(19) Quân lại: quan lại làm việc trong quân đội.
(20) Chủ nhân: người thay chủ trông coi việc nhà.
(21) Tháo dạ: tức đại tiện, khứ chất bã khỏi cơ thể qua hậu
môn.
(22) Con trùng: chỉ con vật thân dài như hình con rắn. Có
lẽ chỉ con giun, con sán.
(23) Quận thú: tức quan Thái thú đứng đầu quận.
(24) Sĩ đại phu: chỉ người có chức vị quan tước hoặc người
đọc sách có tiếng tăm.
(25) Phủ quân: tên gọi tôn trọng đối với quan Thái thú đứng
đầu quận, hoặc Tướng quốc của một quận.
(26) Huyệt cách: huyệt ở đốt thứ bảy trên xương sống, ở
giữa ngực và bụng.
(27) Bột 'đình lịch khuyển huyết tán': một loại thuốc bột
do Hoa Đà chế ra.
(28) Cốc khí: khí trong dạ dày.
(29) Huyệt cự khuyết: huyệt trên phần bụng, gần phần ngực.
(30) Bột 'tất diệp tán': một loại thuốc bột làm từ lá cây
sơn.
(31) Bột 'thanh niêm tán': một loại thuốc bột, có lẽ có
màu xanh.
(32) Ngũ tạng: tức năm bộ phận trong bụng là: tim, gan,
phổi, lá lách, thận.
(33) Tinh khí: khí gốc trong người.
(34) Phục linh: một loại nấm mọc trên gốc cây.
(35) Thuật phác đạo: thuật dưỡng sinh.
(36) Lưu Hướng: tự Tử Chính, học giả thời Tây Hán.
(37) Bảo kê: chỉ sách 'Bảo kê vạn tất thuật' mà Lưu Hướng
từng sửa chữa.
(38) Quân Du: có lẽ chỉ Trương Kham tự Quân Du, một nho
sĩ thời Đông Hán.
(39) Tử Chính: có lẽ chỉ Lưu Hướng.
(40) Đông A Vương: tức Tào Thực, được phong làm Đông A
Vương.
(41) Phương sĩ: người luyện thuốc muốn để thành tiên.
(42) Thuật phòng trung: thuật dưỡng sinh giữ khí.
(43) Doanh Châu: chỉ các đảo ngoài biển phía đông, tương
truyền phương sĩ là Từ Phúc thời Tần trốn đến đấy.
(44) Kiệu mây: thần tiên lấy mây làm xe kiệu.
(45) Ngựa kí: ngựa khỏe dùng để kéo xe.
(46) Phất: áo của quan lại và quý tộc có hoa văn.
(47) Thuật sĩ: chỉ chung những người có kĩ thuật nào đó
như thầy thuốc, thầy bói, nhà Nho, nhà luyện
đan...
(48) Thời Chư Lương: không rõ.
(49) Nước Xa Sư: một nước ở phía tây Trung Quốc thời xưa.
(50) Không cùng: ý nói lí lẽ xa vời, không có thực.
(51) Từ Thị, Loan Đại: Từ Thị còn gọi là Từ Phúc là một
phương sĩ thời Tần Thủy Hoàng, đi tìm thuốc trường sinh rồi trốn ra Doanh Châu.
Loan Đại phương sĩ thời Hán Vũ Đế, bày chuyện thần tiên để mê hoặc Vũ Đế, cuối
cùng bị Vũ Đế giết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét