Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

TRẦN QUẦN TRUYỆN

 

Trích đoạn “Tạ từ ở Tầm Dương" - Cừu Anh

TRẦN QUẦN TRUYỆN


Trần Quần tự Trường Văn, người quận Dĩnh Xuyên huyện Hứa Xương. Tổ phụ là Thật, cha là Kỷ, chú là Kham, đều là những người nổi tiếng.


Thật tự Trọng Cung, Kỷ tự Nguyên Phương, Kham tự Quý Phương.


Nguỵ thư chép: Đương thời, Thật là vị quan có đức, Kỷ-Kham đều có danh vọng lớn ở đời. Thật làm trưởng huyện Thái Khâu, gặp tai hoạ bè đảng, đi ẩn cư ở Kinh Sơn, xa gần coi là bậc tông sư(1).


Linh đế băng hà, Hà tiến làm phụ chính, tiến dụng kẻ sĩ trong thiên hạ, cho vời Thật, muốn lấy làm Tham quân, vì Thật già cả bệnh tật, quyết không khuất tiết theo lệnh, Kham làm Tư không duyện, chết sớm. Kỷ làm quan trải các chức Bình Nguyên tướng, Thị trung, Đại hồng lư, soạn được mấy chục thiên sách, người đời gọi Kỷ là Trần tử(2). Thật mất rồi, Tư không Tuân Sảng, Thái phó lệnh Hàn Dung đều để tang ba năm, bắt con cháu phải theo lễ. Ở bốn phương có mấy nghìn cỗ xe đến viếng, bọn Quách Thái ở Thái Nguyên chẳng ai không đến dự.


Phó tử chép: Thật mất, người khắp thiên hạ đến phúng điếu, lúc an táng Thật có ba nghìn người dự, lại có mấy trăm người mặc áo xô gai để tang.


Tiên hiền hành trạng chép: Đại tướng quân Hà Tiến phái thuộc hạ đến phúng viếng, đặt cho thuỵ hiệu là Văn Phạm tiên sinh. Vì thế, Thật, Kỷ đều nổi tiếng là bậc cao danh, mà Kham cũng được dự vào đó, người đời gọi họ làm Tam quân. Mỗi khi quan phủ hạ lệnh trưng triệu, tất cả ba người đều đến cùng lúc, lễ vật của công khanh, đại phu chất thành đống, bọn thừa, duyện lần lượt qua lại ba nhà(3).


Trăm họ ở Dự châu đều vẽ hình Thật, Kỷ, Kham treo ở trong nhà.


Lúc Quần còn nhỏ, Thật thường cho rằng Quần là người kỳ dị, bảo với các vị phụ lão ở trong họ rằng: "Thằng nhỏ ấy tất làm rạng rỡ tổ tông nhà ta." Khổng Dung ở nước Lỗ kiêu ngạo là có tài cao, ở vào giữa độ tuổi của Kỷ và Quần, trước đấy cùng với Kỷ là bạn hữu, về sau kết giao cùng với Quần, lại được Kỷ bái phong, vì thế nổi danh. Khi Lưu Bị đến Dự châu, cho vời Quần đến làm Biệt giá. Lúc Đào Khiêm bị bệnh chết, Từ châu nghênh đón Bị, Bị muốn qua đó, Quần thuyết Bị rằng: "Viên Thuật còn đang mạnh, nay ta về Đông, tất phải giao chiến với họ. Lã Bố nếu như tập kích ở phía sau tướng quân, tướng quân dẫu có được Từ châu, đại nghiệp tất không thành được." Bị sau cứ đi, cùng Viên Thuật giao chiến. Bố quả nhiên tập kích Hạ Bi, phái binh đến giúp Thuật, đại phá quân của Bị, Bị hận đã không dùng lời của Quần. Quần được tiến cử Mậu tài, rồi đổi làm Chá lệnh(4), không chịu đi, theo Kỷ đến lánh nạn ở Từ châu. Vừa lúc Lã Bố bị phá, Thái tổ cho vời Quần tới làm Tư không Tây tào duyện chúc. Bấy giờ có người tiến cử Vương Mô ở Lạc An, Chu Quỳ ở Hạ Bi, Thái tổ cho vời họ đến. Quần yêu cầu chỉ cho họ làm giáo chức(5), cho rằng Mô, Quỳ đức xấu, Thái tổ không nghe. Về sau Mô, Quỳ phạm tội trộm cướp bị giết, Thái tổ bèn tạ lỗi với Quần. Quần tiến cử người ở Quảng Lăng là Trần Kiểu, người ở Đan Dương là Đái Kiền, Thái tổ đều dùng họ. Sau này người Ngô làm phản, Kiền vì trung nghĩa tử nạn, Kiểu về sau là danh thần, người đời cho là Quần biết xét người. Quần được đổi làm chức lệnh ở các huyện Tiêu, Tán, Trường Bình, lúc cha mất Quần bỏ chức quan. Về sau vì Tư không duyện đề cử cao đệ, Quần được làm Trì thư Thị ngự sử, rồi chuyển sang làm tham mưu việc quân cho Thừa tướng. Nguỵ quốc kiến lập, Quần được thăng làm Ngự sử Trung thừa.


Thời ấy Thái tổ thương nghị việc khôi phục lại nhục hình, từng xuống lệnh rằng: "Làm sao có được người tài thấu hiểu chuyện cổ kim mà thông tỏ được cái đạo lý quyền biến của bậc quân tử, để có thể giúp ta quyết định việc này đây! Trước đây Trần Hồng Lư(6) cho rằng tử hình là cái cách ban ơn nhân đạo nhất, chính là nói về việc ấy vậy. Ngự sử Trung thừa có thể bầy tỏ rõ cái nghị luận của phụ thân khanh được chăng?" Quần thưa rằng: "Cha thần là Kỷ cho rằng nhà Hán loại bỏ nhục hình mà tăng hình phạt đánh roi, vốn xuất phát từ sự trắc ẩn nhân tâm nhưng số người chết lại nhiều thêm, việc đó nếu về danh nghĩa thì là nhẹ mà thực chất lại là nặng vậy. Danh nghĩa nhẹ thì dễ phạm tội, thực chất nặng thì hại đến dân. Thư Kinh viết: 'Chỉ có kính sợ ngũ hình, mới thành tam đức(7).' Dịch đặt ra các phép, xẻo mũi, chặt cẳng, cắt ngón chân, là dùng để phụ giúp việc chính trị, giáo dục người dân, trừng trị kẻ xấu khiến người phạm tội giảm đi. Vả lại giết người đền mạng, là hợp với phép xưa; đến như kẻ làm hại người ta, hoặc tàn huỷ thân thể họ mà chỉ cắt râu tóc của kẻ ấy, là trái với đạo lý ấy vậy. Nếu dùng lại hình phạt thời xưa, khiến cho kẻ phạm tội dâm phải vào tàm thất(8), kẻ phạm tội trộm cắp phải bị chặt chân, như thế thì vĩnh viễn không có kẻ dâm ô phóng đãng, đào tường khoét ngạch làm chuyện gian tà vậy. Trong ba nghìn thứ tội, dẫu chưa thể trừ bỏ hết, nếu người ta nghĩ đến mấy hình phạt ấy, thì đó chính là mối lo lắng của họ vậy, ta nên sớm cho thi hành. Theo pháp luật của nhà Hán thì giết người chưa hẳn là tội chết, lòng nhân thế là chưa đúng mức, nên ngoài cái tội chết, ta có thể dùng hình. Như thế, thì dùng hình là giúp cho người ta được sống, đủ để thay cho cái chết vậy. Nay dùng phép đánh roi để chết thay cho hình phạt không chết người, ấy là trọng thân thể mà coi thường tính mệnh của người ta vậy." Bấy giờ Chung Do cùng với Trần Quần bàn định cùng ý kiến, Vương Lãng cùng với những người khác cho rằng việc ấy chưa thể thi hành. Thái tổ rất khen lời của Do và Quần, song lấy cớ việc quân chưa dứt được, để bàn định thêm, cho nên việc đó tạm dừng.


Quần được chuyển sang làm Thị trung, lĩnh chức Thừa tướng Đông Tây tào duyện(9). Ở chốn triều đường, cứ việc hợp đạo lý thì làm(10), rất quý trọng danh nghĩa, chẳng làm việc trái đạo với người. Thời Văn đế còn ở ngôi Đông cung, rất kính trọng tài năng của Quần, lấy lễ bạn hữu mà tiếp đãi, thường khen rằng: "Từ khi ta có Hồi, các học trò ngày càng thân thiết với ta(11)."


Tào Phi tức vương vị(12), phong Quần làm Xương Vũ đình hầu, rồi chuyển sang làm Thượng thư. Việc định ra cửu phẩm pháp điển cho người làm quan, đó là ý kiến của Quần vậy. Lúc Tào Phi lên ngôi, Quần được thăng làm Thượng thư Bộc xạ, gia thêm chức Thị trung, rồi đổi làm Thượng thư lệnh, tiến tước Dĩnh hương hầu. Đế đi đánh Tôn Quyền, đến Quảng Lăng, sai Quần lĩnh chức Trung lĩnh quân. Đế quay về, ban cho Quần Giả tiết, đô đốc thuỷ quân. Lúc về Hứa Xương, lấy Quần làm Trấn quân Đại tướng quân, lĩnh Trung hộ quân, Lục thượng thư sự. Đế ốm nặng, Quần cùng với bọn Tào Chân, Tư mã Tuyên vương đều nhận dị chiếu làm phụ chính. Minh đế lên tức vị, tiến phong Quần làm Dĩnh Âm hầu, tăng thực ấp lên năm trăm hộ, cộng cả lúc trước là một nghìn ba trăm hộ, cùng với Chinh đông Đại tướng quân Tào Hưu, Trung quân Đại tướng quân Tào Chân, Phủ quân Đại tướng quân Tư mã Tuyên vương đều được mở phủ riêng. Ít lâu sau, được làm Tư không, giữ chức Lục thượng thư sự như trước.


Thời ấy, Đế mới bắt đầu gánh vác chính sự, Quần dâng sớ rằng: "Kinh Thi chép 'Lấy gương của Văn vương làm khuôn mẫu, muôn dân thấy mà tin theo(13)'; Lại nói 'Hãy làm gương cho vợ của mình, rồi đến anh em, cho đến khắp cả nước nhà(14).' Đạo lý từ đó mới gần gũi, mà người trong thiên hạ được cảm hoá dần. Từ khi tang loạn đến nay, gươm đao giáo mác chưa ngừng nghỉ, trăm họ không biết đến cội rễ của vương giáo, sợ hãi loạn lạc thái quá. Bệ hạ nhận lấy ngôi cao nhà Nguỵ, gánh vác cơ nghiệp của nhị tổ(15), thiên hạ hi vọng thời trị đã đến, chỉ nên dùng đức để cảm hoá người ta, ban ơn thương xót đến lê dân, thì trăm vạn dân may lắm. Nếu thần cạn ý như mọi người, để thị phi lẫn lộn, ấy là đại hoạ cho quốc gia vậy. Mà để quần thần chẳng hoà mục thì sẽ sinh ra đảng thù, có đảng thù thì vô cớ huỷ hoại sự yên vui, sự yên vui bị huỷ hoạn thì chân thật giả dối mất đi thật, chẳng thể không phòng bị kỹ lưỡng, lấy đó để dứt tuyệt mầm mống việc ấy."


Năm Thái Hoà trung, Tào Chân dâng biểu muốn theo mấy đường phạt Thục, từ Tà Cốc tiến vào. Quần cho rằng "Ngày trước Thái tổ đến Dương Bình tấn công Trương Lỗ, thu được nhiều lúa, đậu để bổ sung quân lương, Lỗ chưa hạ được mà lương thực đã thiếu thốn. Nay đã không xét nguyên do ấy, vả lại Tà Cốc hiểm trở, khó bề tiến lui, việc vận chuyển tất sẽ bị giặc cướp đánh chặn, nếu để nhiều binh để giữ nơi trọng yếu, tất sẽ hao tổn quân sĩ, chẳng thể không suy tính kỹ được." Đế theo lời bàn của Quần. Chân lại dâng biểu xin từ Tý Ngọ tiến quân. Quần lại bầy tỏ rằng hướng ấy ra quân rất bất tiện, cho rằng việc quân cần phải dụng kế. Đế hạ chiếu để Quần nghị bàn cùng với Chân, Chân được toại nguyện xuất quân. Bấy giờ là lúc mưa dầm liên miên, Quần lại cho rằng nên hạ chiếu gọi Chân về, Đế nghe theo.


Chú thích:

(1) Giai đoạn lịch sử này có nguyên nhân là vì hoạn quan lộng hành, giới trí thức đa phần ủng hộ ngoại thích diệt trừ hoạn quan, việc bại lộ nên rất nhiều trí thức thanh lưu bị bắt, giết, bị cấm đoán, lịch sử gọi sự kiện này là tai hoạ bè đảng. Trần Thật là trí thức, tránh hoạ bè đảng nên phải lánh đi ở ẩn, vì tài năng khác thường, được người ta gọi là 'tông sư', bậc thầy.

(2) Người đời khen ngợi Kỷ, coi Kỷ như những người soạn các trước tác, đưa ra luận thuyết, nổi tiếng ở đời như Trang tử, Lão tử, Phó tử... Tức là đánh giá Trần Kỷ rất cao vậy.

(3) Nguyên văn đoạn này là 'mỗi tể phủ tịch mệnh, suất giai đồng thì, cao nhạn thành quần, thừa duyện giao chí'. Hai chữ 'tịch mệnh' theo zdic giảng là 'trưng triệu, nhận mệnh'; hai chữ 'suất giai' thì được giảng là 'tất cả đều', hai chữ 'cao nhạn' được giảng là 'lễ vật của quan khanh, đại phu'. Theo sách Chu lễ, Xuân Quan - Đại Tông Bá thì quan khanh dùng lễ vật là con dê con, đại phu dùng lễ vật là chim nhạn. Xin dịch thoát ý cả câu như trên.

(4) Chức lệnh ở huyện Chá.

(5) Chức quan nhỏ, chỉ lo việc dạy học.

(6) Trần Hồng Lư tức là Trần Kỷ, cha Trần Quần, từng làm chức Đại Hồng Lư nên được gọi một cách kính trọng là Trần Hồng Lư.

(7) Ngũ hình là năm thứ hình phạt nặng thời cổ, mỗi loại lại chia ra nhiều cấp bậc khác nhau; tam đức là ba đức tính tốt của người ta.

(8) Tàm thất là cái nhà ngục để thiến người, kẻ bị thiến phải ở buồng kín như buồng tằm nên gọi là tàm thất.

(9) Cai quản việc ở cả Đông tào duyện và Tây tào duyện của phủ Thừa tướng.

(10) Câu này xuất xứ từ sách Luận Ngữ, nguyên cả câu trong Luận Ngữ là: 'Tử viết: Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tị.' Có nghĩa là 'Bậc quân tử với việc đời, không có gì là không có ý làm, không có gì là không có ý bỏ, cứ hợp nghĩa là làm.'

(11) Nguyên văn: 'Tự ngô hữu Hồi, môn nhân nhật dĩ thân', đây vốn là câu nói của Khổng tử khen trò giỏi của mình là Nhan Hồi. Tào Phi nói câu ấy cũng là có ngụ ý rằng 'từ khi mình có Trần Quần, thì người thân thiết với mình ngày càng nhiều'.

(12) Lên nối ngôi vương của Tào Tháo.

(13) Đây là một câu trong Kinh Thi. Nguyên văn trong sách là 'Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, vạn bang tác phu', có nghĩa là 'Trời ở trên cao, không mùi không vị, tấm gương của Văn Vương là khuôn mẫu, muôn dân thấy mà tin.". Chữ 'hình' ở đây được giải nghĩa như là 'nêu gương, tấm gương'.

(14) Đây cũng là một câu lấy từ kinh Thi. Nguyên văn là: 'Văn Vương hình ư quả thê, chí ư huynh đệ,

dĩ ngự ư gia bang'. Chữ 'quả thê' là chữ mà Văn Vương gọi vợ mình, sau này các vua chúa hay xưng là quả nhân, có lẽ lấy ý từ đây. Câu này hiểu là 'Văn Vương làm gương cho vợ của mình, rồi đến anh em, cho đến khắp cả nước nhà'.

(15) Tào Phi, Tào Tháo.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét