NGỤY THƯ QUYỂN 24 - Hàn Thôi Cao Tôn Vương
truyện
Hàn Kỵ, Thôi Lâm, Cao Nhu, Tôn Lễ, Vương
Quán
Vũ nữ đang múa thướt tha trong khi Hàn Hy Tái đang đánh trống -
Trích đoạn Hàn Hy Tái dạ yến đồ - tranh Cố Hoành Trung
TÔN LỄ TRUYỆN
Tôn Lễ tự Đức Đạt,
người Trác quận huyện Dung Thành. Thái tổ bình định U châu, cho triệu Lễ làm Tư
không quân mưu duyện. Lúc mới xảy tang loạn, Lễ cùng với mẹ lạc nhau, người đồng
quận là Mã Đài tìm được mẹ của Lễ, Lễ đem cả gia tài chu cấp cho Đài. Về sau
Đài phạm tội bị xử tử hình, Lễ ngầm chỉ dẫn cho Đài vượt ngục rồi ra đầu thú,
xong việc, Đài nói: "Thần theo đạo nghĩa không thể bỏ trốn." Rồi đến
ngay chỗ quan Thứ gian Chủ bộ là Ôn Khôi nhận tội. Khôi khen ngợi, bạch rõ với
Thái tổ, Thái tổ hạ lệnh giảm tội cho cả hai người xuống một bậc.
Sau Lễ được đổi sang
chức Quận thừa ở Hà Gian, rồi thăng làm Đô uý Huỳnh Dương. Bọn đạo tặc ở Sơn
Trung có mấy trăm tên, giữ vững nơi đất hiểm, làm hại dân chúng; triều đình bèn
cho Lễ làm Lỗ tướng(1). Lễ đến nhậm chức, mở kho lương, phát chẩn cho dân, tuyển
mộ quân binh, chiêu nạp kẻ ra hàng, khiến bọn đạo tặc bị chia rẽ, vùng ấy lập tức
yên bình. Lễ lần lượt làm Thái thú các quận Sơn Dương, Bình Nguyên, Bình Xương,
Lang Nha. Rồi theo Đại tư mã Tào Hưu đi đánh Ngô ở Giáp Thạch, Lễ đưa lời can
gián cho rằng không nên vào sâu trong đất địch, Hưu không nghe nên bại trận. Lễ
được thăng làm Thái thú Dương Bình, sau về triều làm Thượng thư.
Minh đế đang sửa sang
cung thất, nhưng thời tiết không thuận, thiên hạ thiếu lương thực. Lễ cố can
ngăn, việc sai dịch được bãi bỏ, có chiếu rằng: "Cung kính thu nhận lời
nói thẳng, sẽ khiến cho dân chúng làm theo." Bấy giờ Lý Huệ làm Giám tác,
lại tấu xin đợi một tháng, việc xây dựng sẽ xong hẳn. Lễ đi đến công trường,
không dâng chiếu lại lần nữa, phao lên rằng có chiếu giải tán dân, Đế lạ về ý ấy
nhưng không trách tội.
Đế đi săn ở núi Đại
Thạch, có con hổ vụt đến bên xe, Lễ liền quăng roi nhảy xuống ngựa, định vung
kiếm phạt con hổ, Đế chiếu lệnh cho Lễ lên ngựa. Lúc Minh đế sắp băng hà, lấy
Tào Sảng làm Đại tướng quân, nên Sảng được tin tưởng, ở bên giường nhận di chiếu,
bái Lễ làm Trưởng sử cho Đại tướng quân, thêm chức Tán kỵ thường thị. Lễ thành
thật chính trực, Sảng chẳng thấy tiện, mới dùng Sảng làm Thứ sử Dương châu,
thêm chức Phục ba tướng quân, ban cho tước Quan nội hầu. Đại tướng quân nước
Ngô là Toàn Tông thống suất mấy vạn binh lính đến xâm lấn cướp bóc, bấy giờ
binh lính ở trong châu đang kỳ nghỉ, ở đó không có bao nhiêu. Lễ thân dẫn vệ
binh đến ngăn chúng, giao chiến ở Thược Pha, từ sáng đến chiều tối, tướng sĩ tử
thương quá nửa. Lễ xông pha giẫm đạp đao gươm, ngựa bị mấy vết thương, tay vẫn
cầm dùi trống, hăng hái chẳng đoái hoài đến thân mình, bọn giặc phải lui. Có
chiếu thư uý lạo, ban cho bảy trăm xấp lụa. Lễ vì những quân sĩ bị chết bày cỗ
tế tự khóc lóc, thương gào xé ruột, lấy hết số lụa giao cho gia quyến người chết,
không lấy chút gì cho mình.
Lễ được vời về triều
bái làm Thiếu phủ, sau ra ngoài làm Thứ sử Kinh châu, rồi thăng làm Ký châu mục.
Thái phó Tư Mã Tuyên Vương bảo Lễ rằng: "Nay có việc tranh chấp địa giới
giữa Thanh Hà và Bình Nguyên đã tám năm, trải qua hai đời Thứ sử, không thể giải
quyết được tranh chấp; việc của Ngu, Nhuế đợi đến Văn Vương mới xong(2), ngươi
nên khéo léo giải quyết sao cho phân minh rõ ràng." Lễ nói: "Việc kiện
tụng đất đai thì có chứng cứ là khu mộ địa để chứng nghiệm, xét xử thì lấy
chính kiến của các vị bô lão già cả, mà người già thì chẳng thể dùng roi đánh đập,
lại nữa là khu mộ địa hoặc là đã di chuyển tới nơi cao ráo phẳng phiu, hoặc là
bị dời đi vì cừu thù. Như những điều nghe được hiện nay, dù là Cao Đào(3) cũng
còn khó giải quyết. Nếu muốn làm cho không có kiện tụng, nên dùng địa đồ trước
đây của Liệt tổ(4) thời phong đất ở Bình Nguyên mà quyết định. Hà tất phải suy
tìm điển cố thời xưa, để thêm chương từ kiện tụng? Trước kia Thành Vương lấy lá
ngô đồng đùa bỡn Thúc Ngu(5), Chu công liền phong đất cho Thúc Ngu. Nay địa đồ
tàng trữ ở thiên phủ, căn bản có thể ngồi một chỗ mà quyết đoán, há phải đợi chờ
người đến tận châu quận ấy phân xử sao?" Tuyên vương nói: "Phải đấy.
Nên phân chia theo địa đồ." Lễ đến nơi, án theo địa đồ chia các vùng thuộc
huyện Bình Nguyên. Nhưng Tào Sảng tin lời của người ở Thanh Hà, hạ chiếu thư rằng:
"Địa đồ chẳng nên dùng, nên tham chiếu những điểm khác biệt." Lễ dâng
sớ rằng: "Quản Trọng giúp đỡ kẻ làm bá, khí độ của ông ấy lại nhỏ, mà còn
có thể tước đoạt Biền Ấp của họ Bá, mà khiến cho không ai có lời oán thán. Thần
nhận trách nhiệm làm Mục bá(6), vâng lệnh thánh triều minh xét địa đồ, chứng
nghiệm làm rõ bờ cõi địa giới, địa giới huyệt Thật lấy sông Vương Ông làm mốc;
còn huyện Phụ lấy Mã Đan Hậu để thẩm hạch, huyện Trá lấy sông Minh Độc làm mốc.
Ví như không có kiện tụng, ngờ là phủ quan lầm lẫn. Thần trộm nghe được rằng lời
của số đông thì nấu chảy được vàng, khiến đá nổi gỗ chìm, ba người nói dối thì
lời như hổ dữ, từ mẫu quăng thoi(7). Nay hai quận tranh bờ cõi đã tám năm, một
sớm quyết xong, duyên do từ việc phân tích rõ bức địa đồ, mới có thể tìm xét mà
đính chính được. Quận Bình Nguyên ở giữa hai con sông, theo hướng đông đi lên, ở
giữa có đê Tước, đê Tước ở phía tây nam huyện Cao Đường, vùng đất tranh chấp ở
phía tây bắc Cao Đường, cách xa hơn hai mươi dặm, như thế có thể khiến người ta
thở dài sa nước mắt. Phân tích rõ địa đồ mà tấu lên thì huyện Phụ không vâng
chiếu lệnh, thế là thần hèn nhát vô dụng chẳng làm nổi chức trách của mình, thần
còn mặt mũi nào hưởng tước lộc hư hão đây." Xong lập tức mặc áo đi giầy,
gióng xe đợi triều đình bãi chức. Sảng thấy bản tấu của Lễ, cả giận. Bèn hặc tội
Lễ có ý oán vọng, kết tội phạt năm năm. Ở nhà hết hạn phạt, chúng nhân đa phần
vì Lễ đưa lời xin, triều đình phong cho Lễ làm Thành môn hiệu uý.
Bấy giờ vua Hung Nô
là Lưu Tĩnh có binh lính thuộc hạ cường thịnh, còn người Tiên Ti mấy lần vào cướp
ở biên giới, triều đình bèn dùng Lễ làm Thứ sử Tinh Châu, gia thêm chức Chấn vũ
tướng quân, cho cầm cờ tiết, hộ Hung Nô trung lang tướng. Lễ qua gặp Thái phó
Tư Mã Tuyên Vương, sắc mặt có ý giận dữ mà không nói. Tuyên Vương hỏi:
"Ngươi được Tinh Châu, còn chê bai gì? Hay tức giận về việc phân chia địa
giới mà mất danh phận chăng? Nay sắp chia biệt đi xa, sao chẳng vui mừng?"
Lễ nói: "Minh công sao nói ra cái điều vụn vặt quái gở vậy! Lễ dẫu bất đức,
há vì chức vị hay việc đã qua mà có ý giận sao? Ta vốn cho là Minh công noi được
vết chân Y, Lã(8), khuông phò Nguỵ thất, trên báo sự phó thác của Minh đế, dưới
gây dựng công huân cho vạn đời. Nay xã tắc sắp nguy nan, thiên hạ binh biến, Lế
này vì thế mà không vui vậy." Liền đó chảy nước mắt ròng ròng. Tuyên Vương
nói: "Ngài hãy thôi khóc, nên tạm nhẫn nhịn cái không thể nhẫn vậy."
Sảng về sau bị giết, Lễ về triều làm Tư lệ hiệu uý, trước sau coi xét việc ở bảy
quận trong năm châu, đều có uy tín. Lễ được thăng làm Tư không, phong tước Đại
Lợi đình hầu, thực ấp trăm hộ. Lễ thời ấy cùng người đồng quận là Lô Dục cùng một
bọn, nhưng tình cảm hay có bất hoà. Hai người dù đắp đổi vắn dài, nhưng danh vị
từa tựa như nhau. Năm Gia Bình nguyên niên Lễ chết, được ban thuỵ là Cảnh hầu.
Cháu là Nguyên nối tự.
Chú thích:
(1) Tướng quốc nước Lỗ.
(2) Nước Ngu và nước Nhuế là chư hầu ở phía Tây nhà Thương thời vua Trụ, vì biên giới ở Điền Dã sinh ra tranh chấp, họ tới xin Văn Vương phân định.Văn Vương mời họ tới nước Chu, thấy dân chúng và trăm quan sống theo lễ nghĩa, trên kính dưới hoà, nhường nhịn giúp đỡ nhau, hai vua Ngu, Nhuế đều xấu hổ, nói với nhau rằng: "Tiểu nhân như chúng ta, sao dám lên điện diện kiến bậc quân tử để nhờ phân xử?". Hai người không gặp Văn Vương nữa, đã đều chủ động nhường vùng đất vốn đang tranh giành nhau ấy cho nhau, thế là vùng đất đó bị để không, người đời sau gọi đó là "Nhàn điền" hay là "Nhàn nguyên". Chư hầu xung quanh nghe chuyện ấy, kéo nhau tới xin quy thuận nhà Chu, thế là thiên hạ ba phần, nhà Chu có hai phần."
(3) Là đại thần của vua Nghiêu, một trong năm bầy tôi giỏi
nhất.
(4) Tức là Tào Tháo.
(5) Chu Thành Vương thời nhỏ cùng em trai là Thúc Ngu
chơi ở vườn sau hoàng cung, Thành Vương cắt chiếc lá ngô đồng thành hình viên
ngọc, đưa cho em, nói: "Anh dùng cái này phong cho em là chư hầu."
Chu Công biết chuyện, xin Thành Vương chọn ngày tốt phong Thúc Ngu làm chư hầu.
Thành Vương cười nói: "Chỉ là đùa thôi." Chu Công nói: "Thiên Tử
không thể nói đùa, vì đã nói gì, sử quan ghi lại lời ấy, đại thần truyền bá điều
ấy." Thành Vương bèn phong đất Đường cho Thúc Ngu. Đó là câu chuyện
"Tiễn đồng phong đệ" nổi tiếng trong cổ sử Trung Hoa.
(6) Tôn Lễ là Ký châu mục, toàn quyền cai quản cả văn và
võ ở Ký châu, nên nhận mình là làm chức Mục bá.
(7) Chỗ này Tôn Lễ có ý nói rằng lời nói của nhiều người
thì có sức mạnh của tin đồn, thị phi điên đảo, có thể làm người ta tin rằng đá
nổi được mà gỗ thì chìm, ba người nói dối thì có sức mạnh như hổ dữ, đến bà mẹ
của người hiền như Tăng Sâm cũng tin là con trai bà giết người.
(8) Y Doãn, đại thần nhà Thương; Lã Vọng, đại thần nhà
Chu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét