Trích đoạn Núi rừng mùa thu – Cừu Anh |
TRẦN KIỂU TRUYỆN
Trần Kiểu tự Quý Bật,
người quận Quảng Lăng huyện Đông Dương. Lúc đi tránh loạn ở Giang Đông đến Đông
Thành, từ chối theo mệnh của Tôn Sách và Viên Thuật, quay về bản quận. Thái thú
Trần Đăng mời làm Công tào, sai Kiểu đến huyện Hứa, bảo rằng: "Người ở huyện
Hứa luận bàn, bình phẩm về ta không được tốt lắm; túc hạ hãy vì ta đến đó xem
xét, rồi quay về chỉ giáo cho ta biết." Kiểu đi rồi quay về nói: "Tôi
nghe ngôn luận xa gần, hầu hết nói rằng minh phủ kiêu căng tự đại." Đăng
nói: "Nói đến gia môn hòa mục, đức hạnh vẹn toàn, ta kính trọng anh em Trần
Nguyên Phương; nói tới sự băng thanh ngọc khiết, khuôn phép lễ nghĩa, ta kính
trọng Hoa Tử Ngư; nói về sự hiểu biết chính trực, ghét cái ác như thù, ta kính
trọng Triệu Nguyên Đạt; nói về nghe rộng nhớ dai, tài hoa lỗi lạc, ta kính trọng
Khổng Văn Cử; nói tới anh hùng kiệt xuất, có mưu lược bá vương, ta kính trọng
Lưu Huyền Đức(1). Ta tôn kính người khác như thế, sao ta lại là người kiêu ngạo
được! Ngoài ra những việc nhỏ nhặt tầm thường ta đối xử với các vị, vậy có biên
chép hết cả lại mà đánh giá được hay chăng?" Đăng nhã nhặn ý tứ đến như thế,
mà đối với Kiểu lại rất đỗi kính trọng.
Vì quận trị bị Tôn
Quyền phái Khuông Kỳ vây hãm, Đăng ra lệnh cho Kiểu cầu cứu với Thái tổ. Kiểu
thuyết Thái tổ rằng: "Bỉ quận tuy nhỏ, nhưng về hình thế đối với quốc gia
là trọng yếu, nếu ngài ra ân cứu viện, lấy nơi đó làm phên dậu, thì mưu đồ của
người Ngô sẽ dứt, vùng Từ Châu được yên ổn lâu dài, thanh danh uy vũ chấn động
nơi xa, sự nhân ái được lưu truyền, những kẻ chưa phục tùng quốc gia, theo gió
kéo đến mà nương tựa, rồi tôn sùng đức hạnh nuôi dưỡng uy thế, đó là sự nghiệp
của bậc bá vương vậy." Thái tổ cho Kiểu là bậc kỳ tài, muốn lưu lại. Kiểu
từ chối nói: "Bản quốc có mối nguy treo ngược, tôi chạy vội đến cáo cấp,
dù cho không học đòi được Thân Tư, há dám quên cái nghĩa của Hoằng Diễn được
chăng(2)?"
Sách Tân tự của Lưu
Hướng chép: Tề Hoàn công cầu hôn với nước Vệ, nước Vệ không nghe, mà gả con cho
nước Hứa. Nước Vệ bị nước Địch đánh, Hoàn công không cứu. Thi thể của Vệ Ý công
bị người nước Địch ăn mất, duy có buồng gan là còn. Ý công có người bầy tôi là
Hoằng Diễn, vừa mới đi sứ trở về, hủy hoại thân mình ở chỗ buồng gan nói:
"Vua ở bên trong, thì bầy tôi ở bên ngoài." Rồi mổ bụng mình bỏ buồng
gan vào trong bụng mà chết. Tề Hoàn công nói: "Nước Vệ có bầy tôi như thế
mà còn bị diệt, quả nhân không có được người như vậy, chết không biết ngày nào
đây!" Bèn cứu nước Vệ, yên định ngôi quân vương nước ấy.
Thái tổ bèn phái quân
tới cứu. Quân Ngô đã lui về, Đăng đặt rất nhiều quân mai phục, ngầm dẫn binh đuổi
theo, đại phá chúng.
Thái tổ cho vời Kiểu
làm Tư không duyện thuộc, phong cho làm Tương lệnh, Chinh nam Trưởng sử(3),
Thái thú Bành Thành, Lạc lăng, Tây bộ đô úy Ngụy Quận. Có người dân ở Khúc Chu
vì cha bị bệnh, dùng trâu để cầu cúng, huyện kết tội phải chém ở giữa chợ(4).
Kiểu nói: "Người ấy là hiếu tử vậy." Bèn dâng biểu xin tha người ấy.
Kiểu được thăng làm Thái thú Ngụy Quận. Bấy giờ trong nhà giam có mấy nghìn người,
bị giam giữ đến mấy năm trời, Kiểu cho rằng pháp chế của nhà Chu có ba điển,
pháp luật của nhà Hán có ba chương, nay tham cái đạo lý nặng nhẹ, mà giam giữ
tù phạm lâu là tai họa, có thể nói là sai lầm vậy. Kiểu tự mình xem xét hết tội
trạng của phạm nhân, trong một lúc bàn bạc rồi quyết định. Đại quân đông chinh,
Kiểu về triều làm Thừa tướng trưởng sử. Quân quay về, Kiểu lại làm Thái thú Ngụy
Quận, rồi chuyển sang làm Tây tào duyện.
Kiểu theo đi đánh Hán
Trung, rồi quay về triều làm Thượng thư. Đi chưa đến huyện Nghiệp, Thái tổ băng
ở Lạc Dương, quần thần câu nệ đạo thường, cho rằng Thái tử lên tức vị, phải đợi
chiếu mệnh. Kiểu nói: "Vương mất ở bên ngoài, thiên hạ sợ hãi. Thái tử nên
nén đau thương lên tức vị, để úy lạo và ràng buộc lòng trông ngóng xa gần. Vả lại
các con của đại vương ở ngay bên cạnh, ví như người này người kia sinh biến,
thì xã tắc nguy mất." Rồi lập tức bố trí quan viên và bày biện đủ lễ nghi,
xong xuôi hết trong ngày. Hôm sau, dùng lệnh của Vương hậu(5), sách mệnh cho
Thái tử lên tức vị, đại xá thiên hạ. Văn Đế nói: "Trần Quý Bật vào lúc
quan trọng khẩn yếu, mưu lược sáng suốt hơn người, đích thực là kẻ tuấn kiệt một
thời vậy." Đế đăng cơ, chuyển Kiểu sang tạm nhận chức Lại bộ, phong tước
Cao Lăng đình hầu, thăng làm Thượng thư lệnh.
Minh đế lên tức vị,
Kiểu được tiến tước Đông hương hầu, hưởng thực ấp sáu trăm hộ. Có lần xa giá thốt
nhiên đến cửa Thượng thư, Kiểu quỳ xuống hỏi Đế rằng: "Bệ hạ đến đây là
mong muốn điều gì vậy?" Đế nói: "Ta muốn đến xem ngươi coi xét văn
thư mà thôi." Kiểu nói: "Việc đấy là chức phận của thần, chẳng phải
là thứ Bệ hạ nên xem. Nếu thần không xứng với chức phận đó, thì xin Bệ hạ hãy
phế truất thần. Bệ hạ nên về đi thôi." Minh Đế rất xấu hổ, lên xe ra về.
Kiểu thành thực và chính trực đến như thế.
Thế Ngữ chép: Lưu Diệp
lúc trước diện kiến Đế, nhân đó dèm pha Kiểu là chuyên quyền. Kiểu sợ, đem hỏi
con trưởng là Bản, Bản không biết làm thế nào. Con thứ là Khiên nói: "Chủ
thượng là bậc thánh minh thông đạt sự lý, đại nhân là bậc đại thần, nay nếu
không hợp nhau, bất quá chẳng làm tước công nữa." Mấy ngày sau, Đế cho triệu
kiến Kiểu, Kiểu lại hỏi hai con, Khiên nói: "Bệ hạ có ý nguôi, cho nên mới
gặp đại nhân vậy." Kiểu gặp Đế, cuối ngày, Đế nói: "Lưu Diệp tố cáo
ngươi, trẫm có cho xem xét ngươi; trong lòng trẫm đã rõ rồi." Rồi đem năm
nậm rượu bằng vàng trao cho Kiểu, Kiểu từ chối. Đế hỏi: "Ngươi cho là ân
huệ quá ít chăng? Ngươi đã biết tấm lòng của trẫm, song vợ con ngươi chưa biết
được nguyên cớ vậy." Đế lo lắng cho xã tắc, hỏi Kiểu: "Tư Mã Công là
kẻ trung chính, có thể nói là kẻ bầy tôi giỏi của xã tắc được chăng?" Kiểu
nói: "Ý là chỗ triều đình trông vào; việc xã tắc, thì chưa biết được."
Kiểu được gia thêm chức
Quang lộc đại phu, rồi thăng làm Tư đồ. Năm Cảnh Sơ nguyên niên thì chết, được
ban thụy là Trinh hầu.
Nguỵ thị Xuân Thu
chép: Kiểu vốn là con của họ Lưu, sinh ra bởi người cậu hôn phối với người
trong dòng tộc. Từ Tuyên thường chê bai việc ấy, lúc nghị sự ở triều đình cho
đó là thiếu sót. Thái tổ tiếc Kiểu là người tài trí độ lượng, muốn giữ toàn vẹn
cho Kiểu, bèn hạ lệnh rằng: "Từ khi tang loạn đến nay, phong tục và giáo
hoá điêu bạc, lời bàn luận báng bổ, khó mà dùng để chê bai được. Chuyện từ năm
Kiến An thứ năm về trước, nhất thiết chớ có bàn luận. Đem chuyện từ giai đoạn
trước mà luận bàn phỉ báng, sẽ vì tội đó mà trị tội."
Con của Kiểu là Bản nối
tự, trải các chức Quận thú, Cửu khanh. Ở đâu cũng giữ kỷ cương, được khen ngợi
là có cương lĩnh, có thể khiến cho quần hạ hết lòng. Có tài làm thống soái,
không quen với việc nhỏ, chẳng đọc sách về pháp luật mà được Đình uý khen ngợi,
hơn hẳn bọn Tư Mã Kỳ, tinh luyện về đạo lý văn vẻ. Sau được thăng làm Trấn bắc
tướng quân, được ban Giả tiết đô đốc các việc quân sự ở Hà Bắc. Rồi chết, con
là Sán nối tự. Em của Bản là Khiên, năm Hàm Hi trung là Xa kỵ tướng quân.
Xét Tấn thư chép:
Khiên tự Hưu Uyên, là công thần sáng nghiệp nhà Tấn, ngôi vị đến Thái phó, được
phong làm Cao Bình quận công.
Khi trước, Kiểu làm
Công tào ở quận, đi sứ qua địa giới huyện Thái Sơn. Thái thú Thái Sơn người
Đông Quận là Tiết Đễ, kết làm thân hữu. Lúc đùa bỡn bảo Kiểu rằng: "Làm quận
lại mà giao du với quan Nhị thiên thạch, được vua của nước láng giềng khuất
thân theo làm bồi thần đi du ngoạn, chẳng cũng đúng sao?" Đễ sau làm Thái
thú Nguỵ Quận, rồi làm Thượng thư lệnh, ngôi vị đều kém hơn so với Kiểu.
Thế Ngữ chép: Đễ tự
Hiếu Uy. Năm hai mươi hai tuổi, làm Tòng sự ở Duyện châu, rồi làm Thái thú Thái
Sơn. Khi trước, Thái tổ bình định Ký Châu, lấy Đễ và người ở Đông Bình là Vương
Quốc làm tả hữu Trưởng sử, sau làm đến chức Trung lĩnh quân, đều hết sức trung
trinh chuyên cần với công việc, là quan lại tiêu biểu ở đời.
Chú thích:
(1) Tức là Trần Kỷ (chú của Trần Quần); Hoa Hâm; Triệu Dục
(danh sĩ Từ Châu, có nói đến ở Đào Khiêm truyện); Khổng Dung; và Lưu Bị.
(2) Nước nhà bị nguy khốn, Thân Bao Tư cầu viện nước Tần,
khóc bảy ngày liền ở trước sân, vua Tần phát binh cứu viện, Thân Bao Tư mới chịu
trở về; còn về Hoằng Diễn, phần chú của Bùi Tùng Chi đã nói rõ.
(3) Tức là quan Trưởng sử của Chinh nam tướng quân Tào
Nhân.
(4) Thời xưa đặc biệt chú trọng nông nghiệp, trâu cày là
vật nuôi rất quan trọng với nghề nông.
Vô cớ giết trâu, dùng để cúng tế là tội rất nặng.
(5) Tức Biện thái hậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét