NHÂM TUẤN TRUYỆN
Nhâm Tuấn tự Bá Đạt,
người quận Hà Nam huyện Trung Mâu. Thời Hán mạt nhiễu loạn, xứ Quan Đông đều chấn
động. Trung Mâu lệnh là Dương Nguyên lo lắng sợ hãi, muốn bỏ chức quan mà chạy.
Tuấn thuyết Nguyên rằng: "Đổng Trác là kẻ đầu sỏ làm loạn, thiên hạ tuyệt
chẳng ai dám nhìn thẳng, nhưng chưa có ai nổi dậy trước, không phải là họ không
có lòng, mà về hình thế là chưa dám đó thôi. Minh phủ nếu có thể khởi xướng việc
này, tất có người hoà nhịp vậy." Nguyên nói: "Phải tính thế
nào?" Tuấn nói: "Nay vùng Quan Đông có hơn mười huyện, có thể lấy được
số binh chẳng ít hơn vạn người, nếu quyền nghi làm công việc của Hà Nam doãn, tổng
hợp hết các lực lượng mà dùng, không ai không giúp ta vậy." Nguyên theo kế
ấy, lấy Tuấn làm Chủ bộ. Tuấn bèn vì Nguyên dâng biểu xin tạm làm công việc của
phủ doãn, sai các huyện giữ vững, rồi phát binh. Vừa đúng lúc Thái tổ khởi sự ở
Quan Đông, vào địa giới Trung Mâu, mọi người chẳng biết theo ai, Tuấn một mình
cùng với người đồng quận là Trương Phấn nghị bàn, đem cả quận quy phục với Thái
tổ. Tuấn lại thu nhặt riêng mấy trăm người trong tông tộc cùng gia binh của tân
khách, xin theo Thái tổ. Thái tổ rất hài lòng, dâng biểu xin cho Tuấn làm Kỵ đô
uý, đem em họ gả cho Tuấn, rất thân mật và tín nhiệm.
Thái tổ mỗi khi chinh
phạt, Tuấn thường ở lại để chu cấp cho quân đội. Thời ấy hạn hán mất mùa, lương
ăn cho quân chẳng đủ, Vũ Lâm giám là Tảo Chi người Dĩnh Xuyên kiến nghị lập đồn
điền, Thái tổ dùng Tuấn làm Điển nông Trung lang tướng, chiêu mộ bách tính tụ tập
làm ruộng ở Hứa Hạ, được trăm vạn hộc lúa, các quận trong nước lần lượt đặt chức
Điền quan(1), trong mấy năm ở địa phương thóc lúa chất chồng, kho đụn đều đầy
tràn. Chiến dịch Quan Độ, Thái tổ sai Tuấn chủ trì vận chuyển quân dụng khí giới
lương thảo. Giặc mấy lần cướp bóc cắt đứt đường vận lương, vì thế Tuấn lệnh cứ
một nghìn xe là một bộ, mười đạo cùng tiến song song, lại bầy trận nhiều tầng lớp
để bảo vệ lương thực, giặc không dám tiếp cận. Quân lương được đủ đầy, việc bắt
đầu ở Tảo Chi mà thành công ở Tuấn.
[Nguỵ vũ cố sự chép lại
tờ lệnh rằng: "Cố Thái thú Trần Lưu là Tảo Chi, thiên tính trung thực tài
năng. Ban đầu cùng dấy nghĩa binh, đi đánh dẹp khắp nơi. Sau Viên Thiệu ở Ký
châu, cũng thích Chi, muốn có được ông ta. Chi thác thân nương cậy vào ta đã
lâu, ta sai lĩnh chức Đông A lệnh. Loạn Lã Bố, Duyện Châu đều làm phản, duy có
huyện Phạm và Đông A còn vẹn toàn, bởi chi dùng binh lính hết sức giữ thành.
Sau này đại quân thiếu lương, được Đông A dùng kế, đó là cái công của Chi vậy.
Đến lúc phá Hoàng Cân yên định huyện Hứa, lấy được cơ nghiệp của giặc. Chi gánh
vác việc gây dựng kiến lập đồn điền, bấy giờ kẻ nghị bàn đều nói nên tính trâu
thu thóc, luật lệ ruộng đất đã định. Sau khi thi hành, Chi bẩm bạch rằng cho
thuê trâu và thu thóc, số thu lớn mà lương thực chẳng tăng, lúc có lũ lụt hạn
hán thiên tai lại giảm, rất không tiện lợi. Lại đưa ra ngôn luận, Cô cũng cho rằng
nên như cũ, thu được nhiều chẳng nên thay đổi lại. Chi cũng giữ ý mình, Cô chẳng
biết theo ai, sai Chi cùng với Tuân lệnh quân(2) nghị bàn việc ấy. Bấy giờ cố
quân Tế tửu Hầu Thanh nói: 'Luật lệ lấy quan trâu, để tính quan điền. Như lời
Chi bàn, với quan thì tiện, với khách thì bất tiện.' Thanh nói rông dài, để
lung lạc Lệnh quân. Chi cũng tự tin, cứ đúng kế hoạch mà bẩm bạch, giữ phương
pháp phân ruộng. Cô liền cho là đúng, sai Chi làm Đồn điền Đô uý, thi hành việc
thiết lập điền nghiệp. Đến lúc mùa màng thì thu hoạch lớn, sau này nhân vì có
ruộng lớn, đồ quân dụng được phong túc, từ đó diệt sạch bè lũ phản nghịch, yên
định thiên hạ, để hưng thịnh vương thất. Chi gây dựng kỳ công, bất hạnh chết sớm,
truy tặng cho một quận, còn chưa xứng với công lao. Nay ta suy nghĩ nhiều về việc
ấy, Chi nên được thụ phong, để dằng dai đến nay, đó là lỗi lầm của Cô vậy. Con
của Chi ở trong, nên gia phong cho quan tước, để tế tự Chi khiến cho việc ấy
không hủ nát.]
[Văn sĩ truyện chép:
Chi vốn họ Cức, vì tiền nhân đi tránh loạn, mới đổi thành họ Tảo. Cháu của Chi
là Cứ, tự Đạo Ngạn, thời nhà Tấn làm Thứ sử Ký châu. Con của Cứ là Tung, tự là
Đài Sản, làm Tán kỵ Thường thị. Đều có tài danh, biên soạn ra nhiều sách vở.
Anh của Tung là Điến, tự Huyền Phương, làm Thái thú Tương Dương, cũng là người
có văn tài.]
Thái tổ thấy công lớn
của Tuấn, bèn dâng biểu phong Tuấn làm Đô đình hầu, thực ấp ba trăm hộ, lại
thăng làm Trường Thuỷ hiệu uý.
Tuấn khoan hậu có độ
lượng mà hiểu sự tình, mỗi lần bày tỏ sự việc, Thái tổ phần nhiều cho là phải.
Vào giữa lúc mất mùa, Tuấn đi thu thập con côi bị bỏ rơi của bằng hữu về, những
kẻ bần khốn trong ngoài họ hàng, chu cấp tiếp giúp cho, tín nghĩa được người đời
xưng tụng. Năm Kiến An thứ chín thì chết, Thái tổ sa nước mắt rất lâu. Con Tuấn
là Tiên nối tự. Tiên chết, không có con, nước bị trừ bỏ. Văn Đế truy xét công
lao của bầy tôi, ban cho Tuấn thuỵ là Thành hầu. Lại người con giữa của Tuấn là
Lãm làm Quan nội hầu.
Chú thích:
(1) Quan coi việc trồng trọt.
(2) Tức Tuân Úc, xem quyển 10 (Tuân Du truyện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét