Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

DƯƠNG HỒNG TRUYỆN

 

Lưu Bị

DƯƠNG HỒNG TRUYỆN


Dương Hồng tự Quý Hưu, nguời Vũ Dương quận Kiện Vi, thời Lưu Chương đã từng làm quan ở các quận. Tiên Chủ bình định Thục, Thái thú Lý Nghiêm lệnh cho Dương Hồng làm Công tào. Nghiêm muốn di chuyển quận nha, Hồng kiên quyết ngăn cản nhưng Nghiêm không chịu nghe theo, vì thế bèn bỏ chức Công tào, xin từ quan. Nghiêm tiến cử Hồng đến châu phủ, Hồng được nhậm chức Thục Bộ tùng sự. Lúc Tiên Chủ tranh đoạt Hán Trung, gửi thư khẩn cấp về muốn phái thêm binh, Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng hỏi Hồng về chuyện này, Hồng đáp: “Hán Trung là yết hầu của Ích Châu, là nơi quan trọng liên quan đến chuyện tồn vong, nếu không có Hán Trung thì sẽ không có Thục nữa, đó là cái tai họa ở trước cửa nhà. Trận chiến này, đàn ông phải tham gia chiến đấu, đàn bà phải tham gia vận chuyển, chuyện phát binh thì có gì phải nghi ngại nữa?” Khi ấy Thái thú Thục Quận là Pháp Chính theo Tiên Chủ lên phía Bắc, vì thế Lượng dâng biểu xin cho Hồng lĩnh chức Thái thú Thục Quận. Mọi chuyện Dương Hồng đều làm rất tốt, vì thế đã chính thức để Hồng nhậm chức đó. Không lâu sau, được điều làm Trị trung tùng sự Ích Châu.


Sau khi Tiên Chủ xưng tôn hiệu, đánh Đông Ngô không giành được thắng lợi, khi trở về lưu lại ở Vĩnh An. Thái thú Hán Gia là Hoàng Nguyên vì trước nay luôn bị Gia Cát Lượng cho rằng là người không tốt, nghe tin Tiên Chủ bị bệnh, sợ có tai họa, do đó liền dẫn quân toàn quận tạo phản, thiêu hủy thành Lâm Cùng. Khi ấy Lượng đang đi về phía Đông thăm hỏi bệnh tình Tiên Chủ, Thành Đô trống rỗng, cho nên Nguyên càng thêm không hề sợ hãi điều gì. Hồng lập tức khởi tấu với Thái tử, xin phái thân binh của thái tử, để  tướng quân Trần Hốt, Trịnh Xước đi đánh Nguyên. Mọi người đều cho rằng nếu Nguyên không thể bao vây Thành Đô, nhất định sẽ đi qua Việt Tây tới chiếm Nam Trung, Hồng nói: “Trước nay Nguyên vốn tính tình hung bạo, không hề có ân tình tín nghĩa với ai, sao có thể làm được như thế chứ? Chắc chắn là hắn sẽ ngồi thuyền đi xuống phía Đông, hi vọng chúa thượng có thể bình an, hắn sẽ đầu hàng và trở về chịu chết; nếu có điều gì dị thường, hắn sẽ chạy đến nước Ngô để mong được sống.” Hốt, Xước theo lời Hồng, quả nhiên bắt sống được Nguyên. Kiến Hưng nguyên niên, Hồng được ban tước Quan nội hầu, lại trở lại nhậm chức Thái thú Thục Quận, Trung Tiết tướng quân, sau lại làm Việt Kỵ hiệu úy, cai quản quận như cũ.


Năm Kiến Hưng thứ năm, Thừa tướng Lượng lên phía Bắc đóng ở Hán Trung, muốn dùng Trương Duệ làm Lưu phủ Trưởng sử, hỏi Hồng xem thế nào? Hồng đáp rằng: “Duệ trời sinh thông minh cẩn thận có thể biết được thị phi, sở trường là xử lý những sự vụ khẩn cấp, tài của Duệ có thể đảm đương được chức này. Thế nhưng tính Duệ không công bình, sợ rằng không thể chuyên cần với chức vụ, không bằng lưu Hướng Lãng lại. Lãng có ít tật, hợp với việc ấy hơn. Còn Duệ nên để theo hầu dưới trướng ngài, để y có thể cống hiến tài năng, như thế là tiện cả đôi đường.” Lúc xưa, Duệ và Hồng thân thiện với nhau. Khi Duệ bị đày ở Ngô, Hồng cai quản quận mà Duệ ở lúc trước. Con Duệ là Uất làm Quận lại, vì phạm phải lỗi nhỏ mà bị xử phạt, không hề được đặc cách. Sau khi Duệ trở về nghe thế, vô cùng căm hận, tình cảm với Hồng giảm bớt rất nhiều. Hồng sau khi thấy Lượng đi ra liền đến chỗ Duệ, thuật lại những lời mà mình đã nói với Lượng. Duệ trả lời Hồng rằng: “Ý Thừa tướng muốn để ta ở lại đã rất rõ ràng, Thái thú sao có thể ngăn cản nổi.” Khi ấy mọi người đều hoài nghi Hồng muốn tự mình làm Trưởng sử, có người thì nghi Hồng biết Duệ ghét mình, không muốn để Duệ nhậm chức quan trọng, quản việc ở hậu phương. Sau này Duệ bất hòa với Tỳ Diêm Hiệu Úy(23) là Sầm Thuật, hai người căm hận lẫn nhau. Lượng gửi thư cho Duệ rằng: “Ngài trước đây ở Mạch Hạ bị bại trận, doanh trại bị hủy hoại, ta vì ngài mà lo lắng, cơm ăn không biết ngon; sau ngài lại lưu vong đến Nam Hải, ta vì ngài mà cảm thấy buồn rầu, ngủ không được an giấc; đợi lúc ngài trở về, ta ủy thác cho ngài nhiệm vụ quan trọng, cùng phò tá vương thất, ta vốn cho rằng ta và ngài đã là giống như ‘thạch giao’ mà cổ nhân nói rồi. Ý của ‘thạch giao’ chính là đề cử cho kẻ thù để cho hai bên cùng đạt được lợi ích, cắt xương cắt thịt để biểu thị tấm lòng, còn không được khước từ lời nhờ vả, huống chi ta còn phải dựa vào Nguyên Kiệm (24), vậy mà ngài không thể nhịn sao?” Người bình luận vì vậy mà cho rằng Hồng không có tư tâm.


Thuở nhỏ Hồng không hiếu học, nhưng trung hậu trong sáng và thật thà bộc trực, coi việc công như việc nhà, phụng dưỡng mẹ kế rất hiếu thuận. Năm Kiến Hưng thứ sáu, chết khi đang làm quan. Ban đầu Hồng làm Công tào cho Lý Nghiêm, sau này Nghiêm còn chưa rời khỏi Kiên Vi để đi nhậm chức thì Hồng đã được làm Thái thú Thục Quận rồi. Hồng cất nhắc môn hạ là thư tá Hà Chi, Chi rất có tài năng và mưu lược, tiến cử làm Quận lại, mấy năm sau Chi đã được thăng làm Thái thú Quảng Hán, khi ấy Hồng vẫn còn ở Thục Quận. Vì thế những người ở vùng phía Tây đều khâm phục Gia Cát Lượng có thể để người ta phát huy được hết tài năng của bản thân.


Ích Bộ Kỳ Cựu truyện tạp ký chép: Mỗi lần triều hội Chi đều ngồi sau Hồng. Một lần hai người gặp nhau, Hồng đùa rằng: “Ngựa của ngài đi như thế nào?” Chi đáp: “Ngựa của kẻ dưới không dám đi, nhưng Thái thú cũng đâu có đánh.” Mọi người biết được chuyện này đều cảm thấy tức cười. Chi tự là Quân Túc, thuở nhỏ nghèo khó, là người độ lượng rộng rãi, hình thể to lớn, lại năng ăn uống, thích thanh sắc, không chủ trương tiết kiệm, vì thế không được nhiều người coi trọng. Có lần Chi mơ thấy cây dâu mọc trong giếng, Chi đem chuyện này đi hỏi người coi mộng Triệu Trực, Trực đáp: “Dâu không phải là vật trong giếng, ắt phải trồng nơi khác; bốn mươi thêm tám là bốn tám, tuổi ngài e không qua nổi con số đó.” Chi cười nói: “Được vậy là đã tốt rồi.” Chi làm Thái thú, sau kiêm thêm Đốc quân tùng sự. Khi ấy Gia Cát Lượng dùng pháp luật rất nghiêm khắc, thầm nghe Chi vui chơi buông thả, không chuyên cần với chức trách, muốn bắt Chi bỏ ngục. Mọi người đều sợ thay cho Chi. Chi nghe thấy tin này thì rất sợ hãi, nửa đêm thắp đèn đi gặp tù phạm, đọc hết các cáo trạng. Gia Cát đến nơi, Chi đã ngầm học thuộc lòng hết, đối đáp giải thích đều rất ổn thỏa, Lượng vô cùng kinh ngạc. Sau này được bổ nhiệm chức Huyện lệnh Thành Đô, khi ấy Bì Huyện thiếu chức Huyện lệnh, cho Chi kiêm luôn hai huyện. Nhân khẩu hai huyện rất nhiều, lại gần sát với kinh đô, cho nên kẻ gian cũng lắm. Mỗi lần thẩm vấn phạm nhân Hà Chi đều ngủ gật. Nhưng sau khi tỉnh lại là có thể nói rõ hết những chuyện tốt xấu mà người khác đã làm ra, mọi người đều sợ Hà Chi nhắc lộ ra chuyện xấu của mình, lại cho rằng Chi có phép thuật lợi hại gì đó, không có ai dám làm chuyện xấu. Lại có lần bảo người đếm một dãy các số, Chi chỉ nghe liền có thể nhớ được, không sai chút nào, sự tinh minh của Chi có thể thấy qua đó. Người Di ở quận Vấn Sơn khồng yên, Chi được cử làm Thái thú Vấn Sơn, người Di đều tin phục. Sau này Chi dời đến Quảng Hán, người Di liền tạo phản, họ nói: “Các ngươi tìm được người nào như Thái thú tiền nhiệm thì mới có thể khiến chúng ta khuất phục!” Khi ấy Hà Chi thân mang nhiệm vụ nặng nề, triều đình chỉ đành phái người trong tộc của Chi đảm nhiệm chức ấy, nhờ thế mà Vấn Sơn lại được yên ổn. Sau này Chi lại chuyển đến làm Thái thú Kiên Vi. Năm bốn mươi tám tuổi thì chết, đúng như lời Trực từng nói. Sau này lại có Vương Ly ở Quảng Hán cũng rất có tài năng, được bổ làm Đốc quân tùng sự, làm việc chắc chắn, cẩn trọng, sau khi Chi chết thì thay thi làm Thái thú Kiên Vi, cai trị rất tốt, tuy không thông minh bằng Chi nhưng tài hoa thì lại hơn hẳn.

 

CHÚ THÍCH

 (23) Tỳ Diêm Hiệu Úy: Chức danh do Lưu Bị đặt ra khi mới vào Thục, chuyên lo sản xuất và kinh doanh muối.

(24). Tên tự của Sầm Thuật




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét