TRƯƠNG DUỆ TRUYỆN
Trương Duệ tự Quân Tự,
người Thục Quận, Thành Đô. Nghiên cứu sách “Công Dương Xuân Thu”(17), tinh
thông cả Sử, Hán(18). Hứa Văn Hưu(19) ở Nhữ Nam sau khi vào Thục, cho rằng Duệ
làm việc chính xác mẫn tiệp, là loại người tựa như Chung Nguyên Thường(20) ở
Trung Nguyên. Thời Lưu Chương, được cử là Hiếu liêm, huyện trưởng huyện Ngư Phục,
khi về trong châu tạm thời làm Tùng sự, kiêm cả chức Tư mã trong quân. Trương
Phi từ Kinh Châu vào Thục qua Điếm Giang, Chương sai Duệ cầm quân, bày trận
ngăn cản Trương Phi ở Mạch Hạ thuộc Đức Dương, quân thua, trở về Thành Đô, làm
sứ giả cho Chương đến chỗ Tiên Chủ. Tiên Chủ hứa rằng sẽ dùng lễ quân chủ để
đãi Chương, sắp xếp thỏa đáng cho dân chúng trong thành, Duệ trở về, cửa thành
được mở ra. Tiên Chủ cho Duệ làm Thái thú Ba Quận, sau khi trở về được phong chức
Tư kim Trung lang tướng, chưởng quản việc chế tạo nông cụ và vũ khí chiến
tranh. Trước việc này, người dân Ích châu nổi lên, giết Thái thú Chính Ngang,
lão tướng tại bản địa là Ung Khải nổi tiếng ân đức lễ nghĩa ở phía nam phái sứ
giả đi bốn phương, thông đồng với Tôn Quyền ở xa. Tiên Chủ cho Duệ làm Thái thú
Ích Châu, Duệ trực tiếp đi thẳng tới châu quận. Khải ngông cuồng không chịu quy
phục, sau khi bắt lấy Duệ liền giả lời Quỷ giáo nói: “Trương phủ doãn như chiếc
hồ lô, bên ngoài tuy bóng nhưng trong thực ra lại thô ráp, không đáng để giết,
sai người trói lại đem đưa tới Ngô.” Vì thế liền đưa Duệ đến chỗ Quyền.
Gặp lúc Tiên Chủ qua
đời, Gia Cát Lượng sai Đặng Chi đi sứ Ngô, Lượng bảo Chi sau khi nói xong những
chuyện chủ yếu thì xin thả Duệ về. Duệ đến Đông Ngô đã được mấy năm, lưu vong ẩn
nấp khắp nơi, Quyền không biết đến, do đó đáp ứng Chi cho Duệ về. Lúc Duệ sắp
đi, Quyền triệu kiến Duệ đến, hỏi rằng: “Đất Thục có vị nữ tử ở góa họ Trác, tư
bôn theo Tư Mã Tương Như, phong tục của quý thổ sao lại có thể như vậy?” Duệ
đáp rằng: “Theo ngu ý của thần thì góa phụ họ Trác so với vợ của Chu Mãi Thần
còn hiền đức hơn.” Quyền lại nói với Duệ rằng: “Sau khi ngài trở về, nhất định
sẽ được làm quan trong triều đình Tây Thục, cuối cùng cũng chẳng cần làm lão
nông ở nơi đồng ruộng nữa rồi, ngài sẽ báo đáp ta như thế nào đây?” Duệ đáp rằng:
“Duệ mang tội mà trở về, tính mạng này sẽ phải giao cho quan chấp pháp xử trí,
nếu may mắn được miễn tội mà toàn thân, năm mươi tám năm trước là của phụ mẫu
ban cho, từ đó về sau là ân điển của đại vương.” Quyền nghe vậy thì vui vẻ cười
lên, tỏ vẻ coi trọng Duệ. Duệ sau khi ra khỏi cửa ngách, vô cùng hối hận vì đã
không giả vờ ngu ngốc, ngay sau đó liền lập tức lên thuyền, gia tăng tốc độ gấp
rút khởi hành. Tôn Quyền quả nhiên phái người đuổi theo, Duệ đã vào trong cảnh
giới Vĩnh An được mấy chục dặm, kẻ đuổi theo không thể đuổi kịp.
Đến đất Thục, Thừa tướng
Lượng dùng làm Tham quân, thay quyền giải quyết những việc trong phủ Thừa tướng,
lại kiêm nhiệm cả chức Trị trung Tùng sự(21) Ích Châu. Lượng xuất binh đóng ở
Hán Trung, Duệ dùng thân phận Xạ thanh Hiệu úy kiêm nhiệm chức Lưu phủ Trưởng lại
(22). Thường khen Gia Cát Lượng rằng: “Thưởng công không bỏ sót người ở xa, phạt
tội không ngại kẻ thân cận bên cạnh, tước vị không thể không có công lao mà lấy
được, hình phạt không thể vì người phú quý mà miễn bỏ, đây chính mà nguyên nhân
khiến cả người hiền lẫn kẻ ngu đều quên mình nỗ lực.” Năm thứ hai, đi lên phía
bắc để bàn chuyện với Lượng, người đưa tiễn có mấy trăm, xe chật cả đường. Duệ
viết thư cho người thân tín của mình rằng: “Gần đây phải đi đường xa, ngày đêm
nghênh đón khách khứa, không được ngủ ngon. Mọi người tự nhiên là đều tôn kính
Thừa tướng Trưởng lại, (thế nhưng) con trai Trương Quần chỉ là phụ giúp về mặt
này mà cũng mệt mỏi muốn chết.” Giọng điệu của ông vẫn luôn khôi hài và trôi chảy
như vậy.
Thần Tùng Chi xét:
nói năng khôi hài quý là ở chỗ tâm cơ mẫn tiệp, sách có sơ sót thì cần phải lưu
ý. Nay thấy sách viết rằng là nói chuyện khôi hài, thực không đúng với đạo lý.
Thuở nhỏ thân thiết với
Dương Cung ở Kiên Vi, Cung chết sớm, để lại đứa con côi còn chưa được mấy tuổi,
Duệ đón về và giữ lại, chia phòng cho cùng ở. Duệ còn hầu hạ mẹ Cung như với mẹ
mình. Con của Cung là Tức lớn lên, Duệ lấy vợ, mua nhà cửa ruộng vườn cho, để Tức
tách hộ ra riêng. Duệ giúp đỡ bạn cũ, cứu tế cho những người nghèo đói trong
tông tộc, những nghĩa cử như vậy rất nhiều. Sau lại được gia phong là Phụ Hán
Tướng quân, kiêm cả chức Trưởng lại như cũ. Năm Kiến Hưng thứ tám chết. Con là
Mạo kế nghiệp, nhiều lần đảm nhiệm chức Quận thú Giám quân ở ba quận. Em Mạo là
Đô, giữ chức Trung thứ tử hầu hạ cho Thái tử.
CHÚ THÍCH
(17). Còn gọi là “Công Dương Xuân Thu truyện”
hay “Công Dương truyện”, một trong những tác phẩm kinh điển của nho gia, do
Công Dương Cao thời Chiến Quốc viết.
(18). Sử chỉ “Sử Ký”
do Tư Mã Thiên Viết, Hán chỉ “Hán Thư” do Ban Cố thời Đông Hán viết.
(19). Hứa Tĩnh, tự
Văn Hưu, quyển 38.
(20). Chung Do, tự
Nguyên Trường, quyển 13.
(21). Một trong các
chức Tùng sự.
(22). Lưu phủ Trưởng
lại: tên chức quan, là vị Trưởng lại lưu lại phủ Thừa tướng để xử lý các việc
trong phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét