Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

TIÊU CHU TRUYỆN


Tiêu Chu

 

TIÊU CHU TRUYỆN

Tiêu Chu tự Duẫn Nam, người ở thuộc quốc Tây Sung vùng Ba Tây. Cha (của Chu) là Tịnh, tự Vinh Thuỷ, nghiên cứu kỹ Thượng Thư(23), đồng thời hiểu biết sâu xa nhiều liệu kinh sách và Đồ, Vĩ(24). Châu quận thỉnh mời, đều không chịu nhận. Châu lại đặt làm Gỉa Sư Hữu Tòng Sự. Chu lúc nhỏ mồ côi, sống với mẹ và anh, đến khi trưởng thành đam mê cổ sự kiên trì học tập, nhà nghèo mà chưa từng hỏi đến chuyện tài sản. Thường tụng đọc sách vở điển tịch, mừng rỡ cười một mình quên cả ăn ngủ. Tham cứu tinh tường lục kinh, văn thơ càng giỏi. Hơi hiểu thiên văn, nhưng không chuyên tâm vào đó. Văn chương chư tử chẳng có lòng nghĩ tới, không noi theo bất cứ một ai. Mình cao tám thước, tướng mạo mộc mạc giản dị, tính cách khiêm nhường thành khẩn không giả dối, chẳng có tài biện bác nhanh nhạy nhưng ẩn tàng kiến thức thông tuệ.

Trong những năm Kiến Hưng, Thừa tướng Lương lĩnh Ích Châu Mục, lệnh cho Chu làm Khuyến Học Tòng Sự.


Thục Ký chép: Lần đầu Chu yết kiến Lượng, tả hữu (của Lượng) đều cười. Khi (Chu) đã đi ra, có viên quan đề nghị không cười nữa, Lượng nói: ”Ta ngồi trên còn không nhịn nổi, huống chi tả hữu.”

Lượng chết nơi đất địch, Chu ở nhà nghe được tin tức liền hoả tốc chạy đến. Lúc đó có chiếu thư ngăn chặn cấm đoán, chỉ một mình Chu nhờ nhanh chân mà đi được tới nơi. Đại tướng quân Tưởng Uyển lĩnh Thứ Sử (Ích Châu), dời (Chu) làm Điển Học Tòng Sự, đứng đầu việc học trong châu.

Hậu Chủ lập Thái Tử, lấy Chu làm Bộc(25), rồi chuyển làm Gia Lệnh. Đương thời Hậu Chủ rất hay ra ngoài, đi chơi các nơi, tiếng xấu hưởng lạc càng thêm lan rộng. Chu dâng sớ can rằng: ”Xưa Vương Mãng(26) bại vong, anh hào cùng quật khởi, chiếm cứ châu quận, muốn đoạt thần khí(27). Lúc đó hiền tài chí sĩ suy nghĩ mong mỏi có chỗ để theo về. Chưa hẳn là (cân nhắc) ở điểm thế lực lớn hay nhỏ mà chỉ ở chỗ đức dày hay mỏng. Canh Thuỷ(28), Công Tôn Thuật(29) thời bấy giờ đều có vây cánh rất nhiều, thế lực mạnh mẽ, tuyệt chẳng kiềm chế ham muốn phóng đãng, lười làm việc thiện, săn tìm đồ ăn uống, không biết quan tâm đến dân tình.Khi Thế Tổ(30) mới đến Hà Bắc, bọn Phùng Dị(31)khuyên rằng: ‘Hành vi của người (cầm quyền) đương thời  là không thể theo được.’ (Thế Tổ) bèn xét lại các vụ án oan, tiết kiệm chi dùng, luôn tuân theo pháp độ. Bởi vậy bắc châu ca ngợi, thanh danh vang xa khắp bốn phương. Vì thế Đặng Vũ(32) từ Nam Dương đuổi  theo;  Ngô Hán(33), Khấu Tuần(34) chưa biết ThếTổ mà ở xa đã nghe về đức độ việc làm nên dung mưu kế quyền biến khởi sự ở Ngư Dương, Thương Cốc, dùng kỵ binh đến đón (Thế Tổ) về Nghiễm A. Ngoài ra xem lề lối phong thái mà hâm mộ phẩm hạnh đến mức mắc bệnh vẫn mang theo áo quan cố đến để nương nhờ như bọn Bi Dung, Cảnh Thuần, Lưu Thực đếm không hết được. Nhờ đó có thể từ yêú hoá mạnh, giết Vương Lang(35), nuốt Đồng Mã(36), bẻ Xích Mi(37) làm thành đế nghiệp vậy. Đến khi đóng tại Lạc Dương, thường muốn khinh xuất ra ngoài, xa giá đã được đánh ra, Diêu Kỳ(38) can rằng: ‘Thiên hạ chưa được yên bình, thần quả thật không chịu được thấy bệ hạ vì những việc nhỏ nhặt mà tính chuyện ra ngoài.’ (ThếTổ) lập tức quay xe về. Đến lúc đánh Ngỗi Hiêu (39), giặc cướp ở Dĩnh Xuyên nổi dậy. Thế Tổ đã về đến Lạc Dương, chỉ sai Khấu Tuần đến (Dĩnh Xuyên đánh dẹp). Tuần nói: ‘Dĩnh Xuyên vì bệ hạ đi đánh giặc nơi xa, cho nên gian tặc làm phản, chưa biết bệ hạ đã về tới, sợ không có cơ hội mà đầu hàng. Bệ Hạ tự thân đến nơi, phản tặc Dinh Xuyên tất sẽ lập tức quy phục.’ (ThếTổ) bèn tới Dĩnh Xuyên, rốt cục như lời Tuần nói. Cố sự không có việc gì gấp, không tham mạo muội ra thành; khi chuyện khẩn yếu đến, không theo ham muốn tự cầu an, của bậc đế vương có lòng mong cầu điều thiện xưa là như vậy. Truyện cũ chép: ‘Trăm họ không tính trước bước cậy nhờ’, thành (được đại nghiệp) là vì lấy đức lớn làm đầu mà thôi. Nay nhà Hán gặp vận khí gian nan, thiên hạ chia ba, đúng là lúc kẻ sĩ mong mỏi chờ trông bậc anh hùng sáng suốt vậy. Bệ hạ là người chí hiếu, để tang quá ba năm, hễ nhắc đến (tiên đé) là rơi lệ, dù chồng chất xót thương mà không quá độ. Lại kính người hiền, dùng người tài, khiến cho họ tận hết khả năng, đã đầy đủ lại càng thêm yên ổn. Vì thế trong nước hoà hợp thống nhất, lớn nhỏ cùng chung sức. Thần không thể dãi bày gì được nữa. Song thần không đảm đương nổi một nguyện vọng lớn lao, nguyện vọng mà quảng đại lê dân không làm nổi. Người gánh vác sự nghiệp quan yếu trọng đại, phải dùng tài sức vất vả khác với người thường, vượt qua vô vàn gian khó, giỏi đi con đường khổ ải chẳng ai hay, mà lại kế thừa sự nghiệp nơi tông miếu chứ không phải kẻ truy cầu hạnh phúc. Vì thế mới được muôn dân tuân theo mà suy tôn là chúa thượng vậy. Cho đến lúc bốn mùa tế tự, bệ hạ hoặc có việc không tới, còn bận đi thưởng ngoạn thượng uyển long trì, hoặc đã xuất cung ở bên ngoài. Thần vốn dốt nát trì trệ, lòng riêng không sao tự an ổn được. Người lo nghĩ đến trách vụ bản thân mình gánh vác, không có lúc rảnh rang mà tận tình vui vẻ. Chí nguyện của Tiên Đế, sự nghiệp vẫn chưa thành, quả thật không phải lúc tận tình hoan lạc. Mong bệ hãem xét giảm bớt quan chứ lo việc nhạc nhã và kiến thiết cung sở chốn hậu cung. Tu sưa suy tôn ân trạch của Tiên đế, dưới lại dạy dỗ cháu  con tực hành tiết kiệm.” (Hậu Chủ) dời Chu làm Trung Tán Đại Phu, vẫn trông nom Thái Tử.

Vào thời ấy, quân binh (Thục Hán) nhiều lần xuất chiến, trăm họ tàn tạ mệt mỏi. Chu cùng Thượng Thư Lệnh Trần Chi(40) bàn lẽ lợi hại của việc ấy, bác bỏ hết (luận điệm của Chi) bằng bài luận quốc thù. Bài luận ấy viết: ”Nhân vì ta ở nơi tiểu quốc, nhưng bắt đầu xây dựng quốc gia lớn mạnh lên, cùng tranh giành thế cục với cừu địch. Trong nước lại có bậc cao hiền hỏi Phục Ngu Tử rằng: ‘Nay việc nước chưa yên, trên dưới đều nhọc lòng, trong những biến cố thời cổ đại đã qua, có những chuyện yếu có thể thắng mạnh, phương pháp (của nhưng việc đó) là thế nào?’ Phục Ngu Tử đáp: ‘Tôi thường nghe, kẻ coi sóc chỗ lớn mà không biết lo âu thường bị người coi khinh, kẻ lo liệu chỗ nhỏ mà biết toan tính luôn được nhiều người yêu thích. Nhiều người coi khinh tất sinh loạn, nhiều người yêu thích tất bình an, đấy là đạo lý thông thường vậy. Xưa Chu Văn(41) nuôi dân, lấy ít làm nhiều; Câu Tiễn(42) an ủi trăm họ, dùng yếu hạ mạnh, chính là phương pháp này.’ Bậc công khanh cao hiền nói: ‘Trước kia Hạng mạnh Hán yếu, giao chiến với nhau, không có ngày nào an ổn, mà Hạng Vũ cùng nhà Hán hẹn ước lấy Hồng Câu phân định giới tuyến, mỗi bên cùng muỗn trở về an ủi dân mình; Trương Lương cho rằng lòng dân đã định thì khó lòng cử sự được, bèn tìm thống soái để đuổi Vũ, cuối cùng diệt được Hạng thị, há là mong dùng cách của Văn vương mà lo việc hay sao? Bát đầu kiến lập quốc gia, phương pháp là địch có hoạ hoạn, ta nhân sơ hở ấy, vây hãm chốn biên thuỳ, mong gán thêm tai vạ cho chúng rồi nhân đó mà trừ diệt nó đi.’ Phục Ngu Tử nói: ‘Trong khoảng Ân Chu giao thời, vương hầu nhiều đời hưởng tôn kính, lễ quân thân dài lâu bền chắc, dân dã chuyên chú thành quen, gốc rễ thâm sâu khó nhổ lên, nền tảng vững chắc khó đổi dời. Còn vào lúc bấy giờ, há chỉ một Hán Tổ có ý vung kiếm quất ngưa dành thiên hạ hay sao? Khi ấy là buổi sau khi nhà Tần bãi bỏ lệ phân phong, chấm dứt đặt quận thú. Dân chúng mỏi mệt vì lao dịch cho Tần triều, nếp tốt trong thiên hạ băng hoại sụp lở, khi ngờ sao Tuế đổi ngôi, lúc nghĩ mặt trăng mất quân bình, chim thú cũng sợ hãi, không biết theo về nơi đâu. Hào kiệt thì nhau tranh đấu, hùm sói giằng co, nhanh chóng chiếm lấy thì thu hoạch nhiều, chậm rãi đi sau thì bị nuốt gọn. Nay ta đem so sánh với chuyện kiến lập quốc gia thì đều có khác biệt về thời thế, đã không phải lúc Tần mạt giữa cơn náo loạn mà quả thực  có hình thế của khi sáu nước cùng cát cứ. Cho nên có thể theo Văn vương, khó theo Hán Tổ. Lê dân mệt nhọc là điềm báo trước sinh ra bất mãn, rối loạn. Trên phóng tung, dươí buông tuồng thì tình huống tan vỡ bắt đầu phát lộ. Ngạn ngữ nói: ‘Vừa bắn cầu may vừa lo ngã, không bằng nhắm kỹ’, là vì kẻ sĩ chẳng đưa mắt nhìn theo điều lợi nhỏ, không để bị thành kiến biến đổi suy tính. Cơ hội thích hợp sau mới xuất hiện thì tính toán đúng đắn sau mới đưa ra. Trước đây quân của Thang, Vũ(43) không cần nhiều lần chinh chiến mà thắng địch, thật đã coi trọng sức dân mà tính toán thời cuộc kỹ càng vậy. Ví thử gấp dùng vũ lực, lạm dụng chiến tranh, đất tan thế lạ, bất hạnh gặp phải nguy nan, dầu có bậc trí giả phù trở cũng không thể trù hoach hết  được.

Còn như hấp tấp xoá trộn loạn xạ lớn lao, xuất nhập không có lúc yên bình, để sóng tran nước cuốn hết con đường cũ, qua núi vượt sông không cần chèo lái mà vẫn sang được bờ bến mới, ta là kể ngu xuẩn thật nghĩ rằng không  làm được.”

Sau (Chu) được thăng Quang Lộc Đại Phu(44), ngôi vị chỉ dưới Cửu Khanh. Tuy vậy Chu không tham dự chính sự chỉ lấy việc thực hành nề nếp mà xây phép tắc. Người đương thời có hỏi han bàn luận việc lớn (Chu) thường y theo kinh sách mà ứng đối nhưng sau sinh ra sự việc tốt lành cũng là nhờ ở tư vấn (của Chu) thích hợp vậy.

Mùa đông năm Cảnh Diệu thứ sáu, Nguỵ Đại tướng quân Đặng Ngải hạ được thành Giang Do, ruổi dài mà tiến, nhưng trong Thục tấu sớ nói rằng địch quân không tiến được nữa nên khốngắp xếp phòng thủ các thành. Đến khi nghe tin Ngải theo đường Âm Bình thâm nhập, bách tính hoảng loạn, tất cả nháo nhác chạy vào nơi sơn dã, không thể ngăn cấm nổi. Hậu Chủ khiến quần thần họp bàn, song không ai nghĩ được kế sách gì. Hoặc bàn Thục với Ngô vốn là đồng minh nên có thể chạy sang Ngô. Hoặc nghĩ đất Nam Trung có bảy quận nên có thể chạy xuống phía nam.Riêng Chu nói rằng: ”Tự cổ đến nay, không có bậc thiên tử bỏ nước mà đi sống nhờ. Nay nếunếu vào đất Ngô, tất nhiên phải thần phục (Ngô). Mà chính lý chẳng khác được là lớn có thể thôn tính được nhỏ, đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Từ đó mà nói, Nguỵ có thể gồm thâu Ngô còn Ngô không thể thôn tính Nguỵ là chuyện dễ hiểu vậy. Cùng nhỏ bé phải xưng thần, aiganf gũi hơn thì lớn, nhiều lần chịu nhục phải đầu hàng sao so được với một lần chịu khuất? Còn như mong chạy xuống phía nam, thì phải là kế sách được chuẩn bị từ lâu rồi sau mới có thể thi hành nổi. Nay đại địch đã đến nơi, hiểm hoạ thất bạingay trước mắt, mỗi người đầu giữ lòng riêng, không một ai có thể nương tựa được. Ngay lên đường nỗi sợ hãi bùng lên, tình thế biến hoá khôn lường, sao đi được đến tận phía nam!” Quần thần có người căn vặn Chu rằng: ”Nay Ngải ở cách chẳng xa, sợ rằng không nhận đầu hàng, nếu vậy phải làm sao?” Chu nói: ”Nay Đông Ngô chưa chịu khuất, tình thế không thể không cho (hàng) được. Sau khi đã nhận (cho hàng) không thể không dùng lễ (mà đối đãi). Nếu Bệ Hạ hàng Nguỵ, Nguỵ không cắt đất để phong cho Bệ Hạ, Chu xin đem thân tới kinh đô, dùng cổ nghĩa mà tranh đấu.” Mọi người không thay đổi được lý lẽ của Chu.

Hậu Chủ đối với việc chạy về phía nam còn do dự, Chu dâng sớ rằng: ”Có người nói với Bệ Hạ rằng bắc binh tiến đã sâu, mong dùng kế chạy về phương nam, thân ngu muội lấy làm bất an. Sao vậy? Nam phương xa xôi vốn là đất của người Di, bình thường không hề nghe theo sắp đặt cho nên đã mấy lần phản loạn. Từ khi Thừa tướng Lượng nam chinh, lấy sức mạnh quân sự mà bức bách, cuối cùng mới may mắn buộc được họ phải phục tùng. Sau đó (họ) cung ứng cho việc trưng thu của nhà nước, chủ yếu dùng vào việc binh, vẫn lấy làm oán hận. Đó là những người gây lo lắng cho quốc gia vậy. Nay vì quẫn bách, muốn đến nương nhờ (họ), sợ rằng tất lại phản loạn, ấy là một. Bắc binh đánh tới, tất chẳng phải chỉ lấy Thục mà thôi, nếu chạy về nam, tất nhân khi thế lực của người suy giảm, thừa cơ đuổi theo, ấy là hai. Nếu đến được nam phương, ngoài phải chông chọi kẻ địch, trong phải cung ứng chi dùng, phí tổn tăng cao mà không có chỗ để thu lại, (vật chất của) người Di sẽ hao tổn rất lớn. (Hao tổn) lớn tất nhanh làm loạn, ấy là ba. Xưa Vương Lang ở Hàm Đan tiếm hiệu, lúc ấy Thế Tổ ở Tín Đô, sợ bức bách của Lang, muốn bỏ về Quan Trung. Bi Dung can rằng: ‘Minh công trở về phía tây thì dân thành Hàm Đan không nguyện quên bỏ cha mẹ, quay lưng lại với thành chủ mà ngàn dăm tiễn đưa nữa, như vậy có thể mong tránh được nghịch tặc hay sao.’ Thế Tổ nghe theo, cuối cùng phá được Hàm Đan. Nay quân bắc đến nơi, Bệ Hạ muốn chạy về phía nam, thật sợ là lời xưa của Bi Dung lại ứng vào việc bây giờ, ấy là bốn. Mong Bệ Hạ sớm định liệu, có thể thu được chức tước đất đai; nêu đi xuống phía nam, tình thế khốn cùng mới chịu quy thuận, tai hoạ sẽ rất sâu sắc. Dịch(45) viết: ‘Cương trực là ở lời lẽ. Biết được mà không biết mất, biết giữ mà không biết bỏ. Biết được mất tồn vong mà không làm trái lẽ, chỉ bậc thánh nhân mới làm nổi!’ Lời thánh nhân khi  hiểu  số  mệnh    không  cẩu  thả  tất    như  vậy.  Cho  nên  Nghiêu, Thuấn(46) thấy con không tài giỏi, biết trời có người để trao cho mà tìm  người để nhường ngôi. Con tuy không được như cha, nhưng hoạ chẳng nảy mầm, mà hướng đến việc trao ngôi giúp đỡ cho người hoạ sao đến được. Xưa Tử Vi là con cháu Ân Thương tự trói cầm ngọc theo về Vũ Vương, há lấy làm vui sao, là bất đắc dĩ thôi.” (Hậu Chủ) vì thế bèn theo kế của Chu. Họ Lưu khỏi phải ưu tư, một nước được nhờ, đều do mưu của Chu cả.

Tôn Xước(47) bình rằng: ”Tiêu Chu khuyên Hậu Chủ ra hàng. Có thích  hợp chăng? Rằng: ‘Thân làm Thiên Tử mà phải xin hàng cầu mạng, còn nhục nào hơn? Ôi nếu xã tắc chết thì chết, nếu xã tắc mất thì mất. Tiền nhân sửa sang lại việc tiếm đoạt của Nguỵ quốc, cùng Nguỵ chẳng đội chung trời. Mà đổ lỗi cho cha, cúi đầu thờ kẻ nghịch, có thể nói là cẩu thả mà trộm sống. Sao lại khoa trương là giữ chính đạo được.

Tôn Thịnh(48) nói: ” Nghĩa lý Xuân Thu là quốc quân chết theo xã tắc, khanh đại phu chết cùng chức phận, huống chi Thiên tử, sao có thể chịu nhục với người! Chu khiến đấng quân vương cao vạn bậc sống trộm tránh tạm, bỏ lễ cầu lợi, rút lại trông mong tí chút vẻ vang, thật đáng ngờ vậy. Vả chăng lời (Chu bàn) thế sự, vẫn còn chưa tận lý. Sao vậy? Thiện tuy là chúa tầm thường, song thật chưa tàn ác như Kiệt, Trụ; Chiên tranh tuy thường xảy ra mạn bắc nhưng còn chưa đến mức tan lở. Cho dù vua tôi không thể dựa lưng vào tường thành cùng nhau quyết một trận tử chiến vẫn còn có thể lui về phía đông mà nghĩ kế về sau. Lúc ấy La Hiến(49) nắm đại quân giữ Bạch Đế, Hoắc Doặc lĩnh tinh binh thủ Dạ Lang. Đất Thục hẹp mà hiểm trở, sông sâu núi cao, sóng dữ đỉnh nhọn cách ngăn, không bước nào đi trót lọt mà qua được. Gỉa sử lấy hết thuyền bè, thủ giữ Giang Châu, mộ binh Nam Trung, cầu viện Đông Quốc(50) thì Khương, Liêu(51) năm tướng tự nhiên là thuận theo, ba quân nước Ngô vâng mệnh cũng nhanh chóng kéo tới. Sao không nghĩ đến những lẽ đó mà gửi thân vào chỗ tất mất nước vậy? Quân Nguỵ đánh tới, đã dốc toàn lực, muốn đuổi theo thì phải dựa vào thuyền bè lướt theo ngọn sóng, muốn ở lại thì quân binh hết hạn nhiều lo lắng. Vả chăng co duỗi có thời, tình thế biến động lớn lao,từ từ dựa vào lòng dân mà nghĩ mưu gắng sức; lấy sức quân để đánh kẻ tự mãn biếng lười, ấy là cách Viết Vương đánh bại Hạp Lư, Điền Đan(52) bẻ gãy Kỵ Kiếp đó. Sao phải vội vã đích thân đi làm tù binh vậy, cứ xuống giữ vững tường thành với địch nhân, đến hết lòng chém đá đành ôm hận chứ. Cát Sanh(53) hát rằng: ‘Không giúp gì cho công việc thì đừng nghe, lúc yên ổn có thể xét kỹ về kẻ dưới!’ Lời lẽ hào hùng có thể dựng nên ý chí của người lười biếng. Xem xét thất bại ngày xưa của Yên, Tề, Kinh, Việt, hoặc là nước tan chúa mất hoặc lấc treo chim chạy, cuối cùng khả dĩkiến công dưng nghiệp, khôi phục xã tắc, há rằng trời giúp hay cũng nhờ ở mưu người. Ngả theo cách dùng kế mòng cẩu thả mà tồn tại, nhận lời của Tiếu Chu, có thể xây dựng nền móng của đất phong nào, thu được tiếng tăm tốt đẹp gì? Thiện đã là chúa hôn ám, Chu cũng thật là đứa nô thần. Phương lược của Thân Bao(54), Điền Đan, Phạm Lãi,(55) Đại Phu Chủng(56) thật cũng còn xa mới nghĩ ra!”

Đương thời, Tấn Văn Vương làm tướng quốc nước Nguỵ, vì Chu có công bảo toàn cho quốc gia, nên phong (cho Chu) làm Dương Thành Đình Hầu, lại hạ thư vời Chu. Chu lên đường đi đến Hán Trung thì ốm nặng không đi được nữa. Mùa hạ năn Hàm Hi thứ hai, Ba Quận Văn Lập theo đường Lạc Dương về Thục, đến bái phỏng Chu. Chu mời Lập nghỉ ngơi, nhân đó viết vào tấm ván bảo Lập rằng: ”Điển Ngọ thình lình a, Nguyệt Dậu kết thúc a.” Điện Ngọ là chỉ Tư Mã, Nguyệt Dậu thì chỉ tháng tám. Đến tháng tám quả nhiên Văn Vương băng.

Hoa Dương Quốc Chí(57) chép: Văn Lập tự Nghiễm Hưu, thưở nhỏ nghiên cứu Mao Thi, Tam Lễ(58), các sách đều lầu thông. Thứ sử Phí Y chọn lấy làm Tòng Sự, rồi vào (cung) làm Thượng Thư Lang(59) sau lại được mời làm Đại tướng quân Đông Tào Duyện(60). Nguỵ gồm thâu Thục, đặt ra Lương Châu, trước tiên lấy Lập làm Biệt Gía Tòng Sự(61), tuyển chọn tú tài. Năm Thái Thuỷ thứ ba nhà Tấn được bái làmTể Âm Thái Thú, thăng làm Thái Tử Trung Thứ Tử. Lập tâu lên rằng: ”Con cháu các đại quan đã tận trung chết vì chức vụ của nước Thục cũ, dù là kẻ sĩ trong quận trong nước hay là người bất tài đều sống như thường dân. Lại có bọn con cháu của Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Phí Y lưu lac trôi dạt trong cương giới. Mỗi người đều nên được cân nhắc tài năng sắp xếp thu dụng để an ủi vỗ về lòng người đất Ba, đất Thục, (đồng thời) làm sụp đổ tham vọng của người Ngô”. Công việc được thi hành, (Lập) được chuyển làm Tán Kỵ Thường Thị(62), dâng lời thay đổi phủ quyết phần lớn được chấp thuận. Dần dần thăng lên chức Vệ Uý(63), người trong triều đều bội phục là kẻ tài năng cao thượng, nổi danh hiền thần đương thời. Tâu chương thơ phú đàm luận ca tụng của Lập tổng công có mười thiên.

Nhà Tấn lên ngôi, lại hạ chiếu sai địa phương giục Chu khởi hành. Chu (đành) ngồi xe nhanh chóng đến Lạc Dương, năm Thái Thuỷ thứ ba thì tới nơi. Vì bệnh chưa thuyên giảm mà lại được bái làm Kỵ Đô Uý(64) bèn tự trình bày (rằng) không có công lao gì mà được phong, xin trả lại chức tước đất dai nhưng đều không được phép.

Năm (Thái Thuỷ) thứ năm, Dữ Thường vốn là người trung chính trong châu, làm xong công việc đã định, xin về nhà nghỉ ngơi, qua từ biệt Chu. Chu nói (với Thường): ”Xưa Khổng Tử thọ bảy mươi hai tuổi; Lưu Hướng (65), Dương Hùng(66) bảy mươi mốt tuổi chết. Nay ta tuổi qua bảy mươi, vẫn hâm mộ phong độ Khổng Tử còn lưu lại, có thể cùng kết cục với Lưu, Dương. Sợ rằng chẳng sống được bao lâu nữa, chưa chắc đã qua nổi năm sau, không có dịp nào tái kiến. Chu biết thuật dự tính nên mới có lời này. Mùa thu năm( Thái Thuỷ) thứ sáu, làm Tán Kỵ Thường Thị, vì bệnh nặng không nhận chức, đến mùa đông thì chết.

Tấn Dương Thu tái chiếu chép: ”Trẫm rất cảm thương, ban triều phục một bộ, áo một thếp, tiền năm mươi vạn.” Con cháu Chu thuận thảo tâu lên: ”Lúc Chu lâm chung bình tĩnh trối lại rằng: ‘(Ta) ốm bệnh đã lâu, chưa từng triều kiến, nêu quốc gia ban ân tặng cho triều phục, áo quần đồ đạc đừng mặc cho ta. Khi đem về mả cũ, đường xá hiểm trở đi lại khó khăn, (nên) làm sẵn ra chiếc áo quan thật nhẹ’. Việc tẩm liệm đã xong, xin gửi lên những thứ được ban tặng.” Chiếu ban đem y phục trở lại, cấp ngay cho áo quan.

Tổng cộng sáng tác học thuật của Chu như Soạn Định Pháp Huấn, Ngũ Kinh luận, Cổ Sử Khảo còn để lại hơn một trăm thiên.

Ích Bộ Kỳ Cựu truyện chép: Ích Châu Thứ Sử Đổng Vinh vẽ tranh Chu treo trong trường học của châu. Lệnh cho Tòng Sự Lý Thông viết bài tán rằng: ”Thâm sâu Tiêu Hầu, giỏi cổ nho học, nhắc nhở chân tính, là báu vật của đạo làm người, chiếu soi cõi thế ngập tràn dối gian, tên tuổi thanh cao, công nghiệp rạng rỡ, ghi tạc trước sau. Hậu học vãn sinh khâm phục tài đức, không lời nào không tán thưởng, nương vào các vị tiền nhân, lấy nét đan thanh lam nên bức hoạ. Chao ôi, ngài về trên trang giấy, rỡ ràng khuôn mẫu gương soi.”

Chu có ba con trai là Hiền, Hi, Đồng. Con út là Đồng rất yêu thích sự nghiệp của Chu, cũng lấy trung hậu thành thật, chất phác mộc mạc làm đường lối, được cử làm Hiếu Liêm, rồi phong Tích Lệnh, được triệu làm Đông Cung Tẩy Mã(67) song không tới.

Con Trưởng của Chu là Hi, con Hi là Tú tự Nguyên Ngạn. Tấn Dương Thu viết: Tú tính tình thanh cao điềm đạm, không quan hệ với thế nhân, biết sắp có đại loạn, dự định cắt đứt mọi liên quan với người đời, theo huynh đệ xa lánh cả những người hàng xóm thân cận nhất. Châu quân đòi mời, đến khi Lý Hùng(68) chiếm Thục có an bài xe đến đón Tú, lại có chú của Hùng là Tương, con của Tương là Thọ đều ra lệnh đòi, (Tú) đều không đến. Năm Vĩnh Hoà(69) thứ ba, An Tây tướng quân Hoàn Ôn(70) bình định đất Thục, dâng biểu tiến cử Tú như sau:”Thần nghe chất phác quá thì thiệt thòi nhưng là tiêu chí biểu lộ lòng cao thượng, (chẳng những thế) vào lúc tăm tối đạo bị đắm chìm còn là cách tuyên dương phép tắc trung trinh. Cho nên có người xuống chỗ nước sâu mà rửa tai(71) để chấn chỉnh tập tục tối tăm ở chốn xa xôi; lại có người vững lòng sửa nghiệp để liên tục khuyến khích tiết nghĩa trên đời. Bậc quân vương của một thời không ai là không coi trọng sự nghiệp riêng, lấy đó mà kiên trì thói tục để dạy dân, an định một dòng cầu thắng. Cúi nghĩ Đại Tấn ta ứng vào điềm lành cai quản thiên hạ, vận số không thường thuận lợi, đương thời gặp phải gian nan, thần châu gò đồi hoang phế, tam phương ly tan đổ nát, rừng sâu vắng thanh âm lưới săn thỏ rung lên, hang núi bặt tiếng vó câu rộn rã. Những người hiểu biết lấy thế làm đau lòng, bậc nhã sĩ cũng vì điều ấy mà thán tiếc. Bệ Hạ kế thừa hưng khởi thánh đức, sẵn mang phương lược khôi phục nghiệp trời. Thần phụng mệnh đi tuần thú, bắt hết kình nghê, tuyên dương giáo hoá, thăm hỏi các bậc kỳ lão, tìm kiếm những nguời tài hoa ẩn dật; như là Vũ La vùng đât hoang Nghê, Trác, lại nhớ đến Vương Thục(72) còn giữ lòng trung lúc nước Tề sắp mất. Riêng nghe Ba Tây Tiêu Tú chăm lo tiết tháo, ngay thẳng vững vàng, ôm đức lớn mà ở ẩn, tiếng thanh cao truyền trên sóng Vị Hà. Ở vào thời hoàng gia gặp đường mòn mỏi, Trung Hoa người người ngoảnh nhìn mà đau xót, núi sông nào ai cải biến để chờ mong. Mọi người xông pha nghiêng ngả gian nan; mệnh khổ thường chốc lấy, quyền thế gian tà bức bách luôn, phải đành gửi thân nơi miệng hổ, mối nguy chung đã sớm phô bày, mà vẫn đứng dâng cao khí tiết, thề không khuất nhục đầu hàng. Đóng cửa dấu thân, không ra mặt vì nguỵ triều không chính thống. Tiên chẳng chịu tuân theo, vượt lên hiểm hoạ diệt thân; lui không tiếc mưu kế lạ, ứng phó kẻ tuần tra. Dù Viên, Ý(73) lưu lại vùng Thang, Lạc hay Mặc Trữ(74) giữ yên biển Liêu Đông, phương sách nào cũng là trác việt. (Thần) mệt mỏi cũng chẳng dám bỏ không không bái phỏng, (thấy) ở phía tây ngày nay (Tú) rất được mọi người ca tụng. Ôi tuyên dương đức độ, kính lễ hiền sĩ là đầu mối của giáo hoá; tôn sùng gương sáng, phân biệt lễ tiết là sự vụ cao cả của thánh minh. Nay sáu cõi chưa an định, sài lang vẫn chắn đường cẩu thả bạc bẽo bỏ lê dân, làm cho lời đạo nghĩa chẳng vang vọng. Lại càng nên chấn chinh đắp xây nghi lễ để sửa sang cái tệ lưu lạc ẩn lánh. Nếu kẻ tài ba được mang ơn triệu tập bằng lụa trắng cũng đủ ngăn chặn phong hoá đổ nát, đưa thói phóng túng trở lại quỹ đạo phép tắc, về với trào lưu kĩnh ngưỡng sâu xa, phục tùng vương hoá lâu dài vậy.” Đến khi Tiêu Kính làm phản gây loạn, (Tú) tị nạn ở Đãng Cừ thuộc Xuyên Trung. Tông tộc và người cùng quê đên nương nhờ tính đến hơn trăm người. Năm Tú tam mươi tuổi, mọi người làm lễ thọ lên lão, muôn luân phiên gánh vác (chăm sóc). Tú khước từ răng: ”Các vị đều có người già yếu (phải trông nom), nay trước hết phải mưu cứu giúp họ. Tôi còn đủ khoẻ để lo lấy mình, thât không muốn những năm cuối đời phải phiền quý vị.” Sau hơn mười năm, chết tại nhà.

 

CHÚ THÍCH

 (23)  Thượng Thư: Bộ cổ sử tương truyền do Khổng Tử biên soạn, gọi là Thư, từ thời Hán gọi là Thượng Thư.

(24)  Tên gọi tắt của vĩ thư. Tức là sách mượn nghĩa kinh để luận về phù phép điềm ứng, gồm có thất vĩ bảy bộ: Dịch vĩ, Thư vĩ, Thi vĩ, Lễ vĩ, Nhạc vĩ, Xuân thu vĩ, Hiếu Kinh vĩ. Tương truyền là chi lưu của kinh, cũng do tay đức Khổng Tử làm cả. Người sau thấy trong sách có nhiều câu nói về âm dương ngũ hành nên mới gọi sự chiêm nghiệm xấu tốt là đồ vĩ hay sấm vĩ .

(25)  Gia Lệnh: Tức Thái Tử Gia Lệnh một chức quan thuộc phủ Thái tử, được đặt ra từ đời Tần, vào hàng ngũ phẩm hưởng lương nghìn thạch.

(26)  Vương Mãng: Quyền thần nhà Tây Hán, sau lật nhà Hán lập ra vương triều Tân.

(27)  Ý nói muốn xưng vương xưng đế.

(28)  Canh Thuỷ: Tức Hán Canh Thuỷ Đế tên là Lưu Huyền, thủ lĩnh quân Lục Lâm, sau khi triều Tân của Vương Mãng bị quân Xích Mi đập tan, lên làm vua nối tiếp nhà Hán, sau đầu hàng quân Xích Mi.

(29)  Công Tôn Thuật: Thủ lĩnh cát cứ vùng Ích Châu cuối thời nhà Tân đầu thời Tây Hán, bị Hán Quang Vũ đánh bại.

(30)  Thế Tổ: Hán Quang Vũ Đế.

(31)  , (32), (33), (34) Khai quốc công thần thời Đông Hán.

(35)  Vương Lang: Nguyên là một thầy bói, vào cuối thời Tân đầu thời Tây Hán tự xưng con cháu Hán Thành Đế nhà Tây Hán, xưng vương ở Hàm Đan bị Hán Quang Vũ đánh bại, chết.

(36)  Đồng Mã: Nhóm nghĩa quân phát triển lớn mạnh nhật vùng Hà Bắc cuối thời Tân đầu thời Tây Hán.

(37)  Xích Mi: Đạo nghĩa quân mạnh nhất đông Trung quốc cuối thời Tân đầu thời Tây Hán, thủ lĩnh là Phan Sùng, bị Hán Quang Vũ đánh bại.

(38)  Diêu Kỳ: Khai quốc công thần thời Hán Quang Vũ, vào thời điểm được nhắc tới đang chỉ huy quân cấm vệ.

 

(39)  Ngỗi Hiêu: Thủ lĩnh cát cứ vùng Hữu Lũng cuối thời nhà Tân đầu thời Tây Hán, bị Hán Quang Vũ đánh bại.

(40)  Trần Chi: Sủng thần nước Thục giai đoạn hậu kỳ Tam Quốc. Kế nhiệm Lã Nghệ làm Thượng Thư Lệnh. Xem thêm Đổng Hoà truyện.

(41)  Chu Văn: Tức Chu Văn vương, vốn là vua một nước chư hầu nhỏ của nhà Thương, nhờ khoan hậu và giảm tô thuế mà phát triển được lực lượng, tạo ra cơ sở cho sự hình thành của nhà Chu.

(42)  Câu Tiễn: Vua nước Việt thời chiến quôc, sau khi thua nước Ngô, khéo an ủi động viên dân chúng cuối cùng diệt được kẻ địch.

(43)  Thang vương đánh Kiệt lập ra nhà Thương, Chu Vũ vương đánh Trụ lập ra nhà Chu đều chi quyết chiến một trận mà định thiên hạ.

(44)  Quang Lộc Đại Phu: Chức danh đứng đầu hàng Đại Phu, chuyên lo việc nghị luận, lương hai nghìn thạch.

(45)  Dịch: Tên gọi tắt của Kinh Dịch.

(46)  Nghiêu nhương ngôi cho Thuấn; Thuấn nhường ngôi cho Vũ đều theo phép chọn người tài chứ không theo huyết thống.

(47) Tôn Xước: Tác giả ”Du Thiên Sơn phú”, danh sĩ đại thần thời Đông Tấn.

(48) Tôn Thịnh: Sử gia Đông Tấn, tác giả ”Nguỵ thị xuân thu”, Tấn dương thu”.

(49)  Thục tướng xem thêm Thục thư quyển 11 Hoắc Tuấn truyện.

(50)  Chỉ Đông Ngô.

(51)  Khương Duy, Liêu Hoá. Trong chiến cuộc năm 263 phía Thục chỉ có bốn tương chủ chốt thường được nhắc đến là Khương Duy, Liêu Hoá, Trương Dực, Đổng Quyết. Không biết ở đây nói năm tướng thì người cuối là ai, Thượng Thư Lệnh Phàn Kiến chăng hay Hữu tướng quân Diêm Vũ

(52)  Điền Đan: Danh tướng nước Tề thời Chiến quốc, có công đánh bại tướng nước Yên là Kỵ Kiếp khôi phục nước Tề.

(53)  Cát Sanh: Một điệu hát trong Kinh Thi.

(54)  Thân Bao: Thân Bao Tư trung thần nước Sở thời chiến quốc. Sở bị Ngô đánh bại sắp diệt vong, Thân Bao Tư sang Tần cầu viện, đứng khóc ở sân rồng nước Tần mấy ngày đêm làm vua Tần động lòng mà phát quân cứu viện.

(55)  (56) Trung thần nước Việt thời chiến quốc, phò tá Câu Tiễn quang phục quốc gia đánh bại kẻ thù.

(57)  Hoa Dương Quốc Chí: Bộ sách chép về lịch sử ba châu Lương, Ich, Trữ do Thương Cừ đời Đông Tấn biên soạn.

(58)  Tam Lễ: Nghi lễ, Chu lễ, Lễ ký.

(59)  Thượng Thư Lang: Quan chế đời Hán, những người được địa phương cử làm Hiếu Liêm mà có tài năng thì tuyển vào phòng Thượng Thư giúp Hoàng đế xử lý việc nước, mới vào gọi là Thủ Thương Thư lang trung”, sau một năm gọi là Thượng Thư Lang, sau ba năm là Thị Lang.

(60)  Đông Tào Duyện: Như chủ nhiệm văn phòng ngày nay.

(61)  Biệt Gía Tòng Sự: Chức quan đứng đầu hàng thư lại trong châu, mỗi khi Thứ Sử xuất tuần đặc biệt đị theo lo việc công.

(62)  Tán kỵ thường Thị: Chức danh, đời Tấn là cố vấn tuỳ tùng Hoàng Đế.

(63)  Vệ Uý: Chức quan, đời Tân chưởng quản quân khí, nghi trượng, màn trướng của Hoàng Đế.

(64)  Kỵ Đô Uý: Một trong ba chức Đô Uý đời Tấn, thường chỉ được phong cho ngoại thích.

(65)  Lưu Hướng: Danh nho, nhà văn hoá lớn đời Hán.

(66)  Dương Hùng: Danh nho Đông Hán, khi Vương Mãng lập triều Tân từng nhảy lầu tự sát để tỏ thái độ bất hợp tác (nhưng không chết)

(67)  Đông Cung Tẩy Mã: Tuỳ tùng đôi khi là bạn học của Thái Tử.

(68)  Lý Hùng: Người tộc Ba thuộc Đãng Cừ quận Ba Tây, khai quôc Hoàng Đế nước Hán Thành thời thập lục quốc.

(69)  Vĩnh Hoà: Niên hiệu của Tấn Mục Đế, Vĩnh Hoà thứ ba là năm 347.

(70)  Hoàn Ôn: Đại tướng, danh thần Đông Tấn.

(71)  Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Sào Phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Do trả lời: “Ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua.” Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên giòng nước cho uống. Do hỏi tại sao, Phủ đáp: “Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm.”

(72)  Vương Thực: Trung thần nước Tề thời chiến quốc,lúc Yên đánh Tề, muốn phong quan chức cho Vương Thục thì ông ta nói “ Trung thần bất sự nhị quân, trinh nữ bất cánh nhị phu’.

(73)  Viên, Ý: Chưa rõ là ai.

(74)  Mặc Trữ: Được nhắc đến trong Tam Quốc diễn nghĩa như bạn của Hoa Hâm, đại nho đương thời, ẩn cư ở Liêu Đông khi quay về Trung Quốc theo lệnh đòi của Tấn Vũ đế bằng đường biển gặp bão các thuyền trong đoàn đều đắm chỉ riêng thuyền Mặc Trữ thoát nạn, được cho là có thần linh phù hộ.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét