Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

KHÍCH CHÁNH TRUYỆN

 


 

KHÍCH CHÁNH TRUYỆN  


Khích Chánh tự Lệnh Tiên, người Yển Sư thuộc Hà Nam. Tổ phụ Chánh là Kiệm, cuối thời Linh Đế làm Ích Châu Thứ Sử, bị giặc cướp sát hại. Lúc ấy thiên hạ đại loạn nên cha Chánh là Ấp phải lưu lại đất Thục. Ấp làm Doanh Đô Đốc dưới trướng Tướng Quân Mạnh Đạt, theo Đạt hàng Ngụy rồi làm đến Trung Lệnh Sử. Chánh vốn tên là Toản. Lúc nhỏ cha chết, mẹ đi lấy chồng khác, lẻ loi trơ trọi cô độc một mình nhưng chăm học thư thái với cảnh thanh bần, đọc hết các thư tịch cổ. Năm hai mươi tuổi đã có thể sáng tác văn chương, được vào triều làm Bí Thư, sau đổi làm Lệnh Sử rồi thăng thành (Thượng Thư) Lang sau lên đến (Thượng Thư) Lệnh. Tính Chánh không ham danh lợi chỉ đặc biệt say mê ý vị văn chương, từ Tư Mã, Vương, Dương, Ban, Phó, Trương, Thái các loại văn sách để lại cho đến sách hay, bài luận đẹp đương thời, nếu Ích bộ mà có là cậy cục tìm tòi, những điểm chính yếu đều có xem qua. Từ lúc làm việc trong nội cung bắt đầu ở cạnh nhà hoạn quan Hoàng Hạo. Trải qua ba mươi năm, Hạo lên đến mực tôn quý, thao túng quyền hành, vũ lộng uy thế. Chánh không đến nỗi bị Hạo ghét mà cũng không được Hạo ưa. Vì vậy chức quan không quá sáu trăm thạch nhưng tránh được lo lắng ưu tư.


Chánh dựa vào khuôn phép tiên hiền, mượn lời văn giãi bày tâm sự, đặt tên là Thích Cơ, bài văn này kế tiếp được ý tứ thông đạt của Thôi Nhân(75). Văn viết rằng:

Có người mang ý mỉa mai nói với tôi rằng: ”Nghe chuyện xưa ghi chép lại, kẻ mưu sự ví thử bao gồm được cả thời thế thì thanh danh và sự nghiệp sẽ vẹn toàn. Thứ nữa là đến kẻ tiếng tăm tạo dựng nhờ hành động, các bậc hiền minh thời trước cho là cư xử hấp tấp vội vàng. Âý thế cho nên sáng tác quy chế, xây dựng khuôn phép không phải đúng thời thì không thành tựu được. Người có danh thơm để lại, tiếng khen lưu truyền mà chẳng xây nên huân nghiệp thì cũng không được sách vở ghi chép. Công lao rõ rệt thì danh vọng tất thành. Còn như mưu sự cũng lại đợi chờthì thế xem nên làm hay bỏ thì thân chết danh mất, vốn là nỗi hổ thẹn của người quân tử vậy. Vì thế người thấu triệt sự đời phải nghiên cứu phương pháp, tìm tòi sâu xa đến hết những điều ẩn giấu, xem xét dấu hiệu xoay vần của đất trời, kiểm tra lẽ thịnh suy của loài người. Kẻ thuyết khách thì rong ruổi đàm luận. Bậc tài trí thì ứng phó biến báo. Mưu thần thì tính toán kế sách. Võ sĩ thì gắng sức ra uy. Sương tụ mây hợp, gió bay chớp phóng. Xét đoán cho thích hợp, cân nhắc lấy cơ hội, lựa chọn sử dụng đặc điểm của thế cuộc. Gặp nhỏ thời co, gặp lớn thời duỗi, chăm lo việc công, sao nhang việc riêng. Tuy tuỳ chỗ bị uốn cong nhưng chẳng bao lâu lại thẳng, cuối cùng hiển lộ được quang huy. Nay chân vạc chia ba, đã lâu chưa được thái bình, bốn bể đều âu sầu phiền muộn, trẻ trai đều mắc hoạ suy tàn. Thương cho đạo nghĩa bị vùi lấp chìm đắm, xót cho lê dân phải nghiêng ngửa hoang hoá. Qủa thật đúng là lúc thánh hiền ra tay cứu vớt, là buổi liệt sĩ hết sức lập công vậy. 

Tôi đây(76) vốn tài cao rực  rỡ, khí chất ngọc châu, xem rộng biết nhiều, để tâm tới đạo thuật, không có chỗ sâu xa nào không nghi đến cùng cực, không có chỗ kin đáo nào không suy đến tường tận; Đứng thẳng người mà nhận lệnh, chủ yếu chăm lo chỗ thâm u bí mật(77), thoả mãn với dây thao đỏ cánh cửa con, đúng là nắm giữ chỗ yết hầu đầu lưỡi, chín lần tra xét không dời đổi, chỉ có vào mà chẳng có ra, 


Thượng Thư viết: Ba lần ghi chép thì tra xét được sự tích, ba lần tra xét thì cầm nắn được sự thăng giáng của u minh. Chín lần tra xét là hai mươi bảy năm.


tìm tòi chỗ thật giả từ trước đến nay, toan tính cho lẽ được mất công việc thời thế. Dù có lúc hiến một kế, ngẫu nhiên dâng một lời, cơi nới trách  nhiệm làm quan nọ, an ủi miếng cơm đạm bạc kia nhưng vẫn chưa có thể dâng nạp hết lòng trung, tưới trọn ruột gan, xếp đặt phương lược, dùng không thiên lệch, ra ân cho đám lê dân, khiến cho những văn bản hèn mọn vô ích của tôi có được chút anh danh. Mà cũng là nới lỏng dây cương, cân nhắc ổn thoả, quay về nẻo cũ. Thay đổi đường lối cũng phải giữ vững xe kiệu. Mạc tình điêù khiển càng nên thương cho ngựa kéo. Đi lại nhiều lần rất cần thẩm định nghiêm ngặt. Niêm yết rõ ràng có lợi cho đường lối đi về. Quan trọng là soi tỏ con đường bình an, gieo vãi giống lan thu để lại tiếng thơm cho đời. Dù cho đường lối của tôi là đường lối tầm thường cũng không theo đó hưng thịnh hay sao!”


Tôi nghe mà than rằng: ”Hỡi ôi! Lại có lời sai trái đến thế này sao! Con người ta lòng dạ chẳng giống nhau. Sự thật nếu như chỉ nhìn ở bên ngoài dù là sáng sủa đẹp dễ, đã tốt lại xinh cũng chỉ như nhìn qua ống nhỏ, chọn lấy giỏ con. Gĩư mãi điều mình thấy chưa thể nói là đã hình dung được giới hạn của tám phương, hiểu biết rõng ràng tỉ mỉ được vạn sự”


Lại có người nóng nảy hấp tấp, cố kiềm chế mà dương mắt nói: ”Thế là thế nào! Thế là thế nào!”


Tôi đáp lời rằng: ”Ngu Đế(78) dùng chuyện ngoài mặt tuân theo để khuyên răn(79), Khổng Thánh lấy việc tự thảo mãn chinh mình làm lầm lỗi. Nếu lời của anh đúng với điều tôi nghĩ sẽ giảng giải được lời tôi đàm luận cùng anh.


Xưa vào thời hồng hoang, ban đầu là mông muội, Tam Hoàng(80) ứng vào  Đồ Lục(81), Ngũ Đế nhận được điềm lành, rồi thì đến nhà Hạ, nhà Thương, đấy là điển tích trong sách vở. Sau họ Cơ(82) suỵ bại đạo lý khiếm khuyết, nhưng được các vị bá vương phò tá giúp đỡ. Rồi họ Doanh(83) hung ác tàn bạo, nhai nuốt tám cõi. Lúc ấy dọc ngang mây nổi, nhưng kẻ gian ác xảo trá nhiều như sao trên trời, những chuyện xấu xa quái lạ nổi lên tựa đàn ong. Vì vậy mưu kế tài khéo mới bắt đầu manh nha nảy mầm, hoặc dùng để tô điểm sự thật mà đối đáp với giả dối, hoặc dùng để ỷ vào cái xấu mà cầu mong hiển đạt, hoặc dùng để làm trái đạo lý mà bức bách người trên, hoặc dùng để nuôi dưỡng tài nghề mà kiêu ngạo lấy thân. Quay lưng với lẽ phải mà tôn sùng điều gian trá, bỏ quên sự chính trực mà về theo thói xu nịnh. Lòng trung không được rõ ràng chắc chắn, đạo nghĩa không đều đặn sửa sang. Cho nên Ưởng(84) tận hết phương pháp mà chỉ thành sai nhầm, Tư(85) làm hỏng đạo nghĩa mà xây nên gian trá, Lữ (86) ngôi vị cao sang mà tông tộc bị diệt,  Hàn(87) lập ra lý luận mà phải chịu gia hình chứ có ai cố tình đâu? Điều lợi làm người ta thay lòng, ân sủng khiến người ta loá mắt. Lẫy lừng cờ biển vẽ rồng, xinh xinh áo quần xe cộ, cẩu thả mà gặp may, tạm bợ mà thành sự, hoặc trái hoặc nghiêng, dâm tà chìm đắm, tự mình buông thả, ngang ngược cùng cực. Nhạc ngựa chưa treo đã ra đứng giữ càng xe, nhà chính chưa vào đã lật kèo bẻ cột. Thế là trời thu ánh sáng lại, đất rút ân trạch về, người xót lấy thân, quỷ bỏ hạn định. Lúc đầu lên tới núi cao cuối cũng rơi xuong rãnh tối. Sáng manh vinh hiển tốt tươi, tối thành hồn ma tiều tụy.Cũng chỉ bởi các bậc hiền nhân quân tử mưu tính sâu suy ngi xa, sợ hãi trước tội lỗi này, đề cử những thứ quá cao siêu, dấu đuôi trong chỗ bùn lầy(88), tránh xa cõi đời ô trọc vậy. Đấy há chẳng phải là khinh nhờn chủ, coi thường dân mà chểnh mảng với thế sự hay sao? Sao chẳng thay đổi trước tác, tạo nên lời dạy bảo ngăn cấm, vịnh tụng khen ngợi chỗ khiêm hoà thầm lặng để thần minh nghe thấu mà sử dụng thắp sáng đường lối cho đời.


Từ nhà Đại Hán ta, ứng với điềm trời, thuận theo lòng dân, pháp lệnh lo liệu sâu dày, sáng tựa mặt trời mùa xuân. Cúi xuống bắt chước phép tắc của đất, ngẩng lên làm theo chuẩn mực của trời, gieo rắc ân điển lớn lao để chấn hưng thời thế, ban bố giao hoá tốt đẹp mà chuyên nhất, vua tôi bước vào quy phạm, mọi người giữ lấy lòng thành, chiểm được niềm tin rộng rãi truyền mãi mãi, biểu dương trách nhiệm cứu giúp cho đời. Kẻ sĩ không chuộng vẻ vang hão huyền giả dối, người dân có công cũng sẽ khắc ghi, rõ ràng minh bạch không mỏi mệt, những mong tạo phúc đến hết lòng. Nhưng đạo có lúc hay lúc dở, vất có lúc dùng lúc bỏ, lúc âm vang, lúc câm lặng, lúc chói sáng, lúc mịt mờ. Như Chu Dương không có giữa mùa thu, Huyền Âm(89) bị chặn lúc đầu xuân. Cho nên cái yên hoà thời Phục Hi đã trôi đi mà ược vọng thong dong còn treo đó, vận khí đã ẩn tránh mà tinh anh thần diệu vẻ vang vẫn còn mãi được tuyên dương. Xung, Chất không được lâu dài; Hoàn, Linh(90) đổ ngã suy sụp. Anh hùng phân tán khắp nơi, hào kiệt chùm lợp cõi đời. Nhà nhà lén lút luận bàn đoạn tuyệt, người người chất chứa toan tính chia lìa. Vì vậy khách tung hoành thình lình phơi bày hoài bão, kẻ xảo trá  đột nhiên thổ lộ miệng mồm.


Nay lưới trời đã nối liền, ân trạch dựng lên phía trời tây. Tuân theo khuôn phép bao la của tổ tiên, ràng buộc nhân sĩ bằng tước vị đường hoàng. Chấn hưng Ngũ Giáo để sửa sang phong tục, tăng cường Cửu Đức(91) để cứu vớt lê dân. Cung kính soi sáng chuyện thờ tự để tế xuân(92), tính toan đường Hoàng Đạo để giúp sự thật. Tuy kẻ đối lập chưa chịu theo về, người sai trái chưa được minh bạch, nhưng thánh nhân đã để lại lời khuyên dạy, đại khái không cần tham lam. Vì vậy vua tôi hai lòng hoà hợp chốn triều đình, muôn dân hớn hở tôn kính nơi sơn dã. Động theo nguyên tắc nghiêm cẩn, tĩnh theo quy củ đời đời. Uy nghiêm tài giỏi hơn đời, thế thư như thời Nguyên Khải(93); Có lỗi lầm tất hiểu ra, nhân đức khác gì Nhan Tử; Khuôn phép vì dân cứng cỏi, thái bình giống thửơ Nhiễm, Quý(94); Ưng Dương(95) tung cánh oai hùng, mưu sư như là Y, Vọng(96). Tổng hợp lương sách của anh hào, dung nạp ba kế của nhà họ Tiết(97). Xếp đặt mưu kế của Trương Trần(98), dốc sức chinh phạt để cứu đời. Âý là nắm giữ tài ba mà không gấp gáp chứ nào phải rảnh rang ngồi bóc bẹ măng khô trong bụi cỏ um tùm hay sao.


Riêng tôi đây bất tài, bị trói buộc bởi chuẩn mực triều cương, phó thác sinh mệnh nơi trời, tâm can nhờ cậy vào lẽ phải. Vui cùng chỗ sâu rộng của biển xanh, tán thán cái vút cao của Trung Nhạc(99), nghe Trọng Ni(100) khen nhà Thương, cảm cái tình xóm làng giáo dưỡng giúp ích cho bản thân, ấy là cách nấu canh trong lúc bình thời, cũng có chút nỗ lực để bỏ điều sai trái. Vi vậy tôi chỉ mù mờ mà nói bừa, đương thời có quan hệ với văn hiến là những lúc hội họp với bạn văn ở chỗ chợ làng, cùng nhau ngơ ngẩn rong chơi nơi bờ ruộng, mong mỏi tăng thêm may mắm cát tường, nỗ lực tích cóp lời khuyên bảo. Nếu như phù hợp thì lấy chỗ u tối của mình hoà lẫn vào cái  sáng láng của người, tiến lên nhận lấy dấu hiệu chở che. Còn như trái ngược thì là do chính mình thân phận tầm thường, lại tự lui về giữ cái dốt nát của bản thân. Tiến lui mặc lòng tính toán, không giả dối, chẳng hão huyền, tuân theo bản chất vui vẻ cùng trời. Làm người như thế còn gì phải ân hận nữa? Thế là chỉ nhập mà không xuất, có mà dường như không. Hẹp hòi ở chỗ thường tỉnh táo như Khuất Nguyên(101), dung tục ở chỗ mong say sưa như Ngư Phủ(102). Rầy rà ở chỗ xem thường hành vi đáng xấu hổ như Liễu Quý(103), nóng nảy ở chỗ cao giọng giận dữ như Di, Thúc(104). Phù hợp  không cho là được, trái ngược không coi là mất. Được không hạn chế sự bài xích, mất chẳng u sầu vì sợ hãi. Không vui vì người đi trược hạ cố tâng bốc, không theo đuôi người đi sau mưu tính chê bai. Không bán danh dự để cầu ân trạch, không chối tội danh để tránh biếm truất. Thế thì còn phận sự nào phải cởi bỏ? Còn có miếng cơm nào phải quan tâm? Còn có sách lược nào phải phản bác? Còn có lời trung nào phải dự phần? Cửu khảo không đổi thay, vững chắc mà nắm giữ điều ấy vậy.


Nay kẻ sĩ hăng say chất chồng như núi, người tài xuất chúng hiện có rất nhiều, giống như loài có vảy ẩn mình trong biển lớn, chẳng khác loài có lông tụ hội ở Đặng Lâm(105). Loài chim bay qua không thể gọi là ít, loài cá mè nổi không kịp gọi là nhiều. Vả chăng dương thần ẩn kin giữa thời Đường(106),  âm tính lính ứng ở thời Thương, cầu khấn Dương Hu thì biết được tin tức hồng thuỷ, tế lễ ở Tang Lâm thì nước ngọt thấm nhuần.


Hoài Nam Tử chép(107): Vua Vũ trị thuỷ, đích thân cầu khẩn ở  sông Dương Hu. Thời Thang đại hạn, vua tự mình cầu đảo trong rừng Tang Lâm. Thánh nhân lo cho dân, làm như thế là sáng suốt vậy.


Lã Thị Xuân Thu chép(108): Xưa vua Thành Thang nhà Ân thắng vua Kiệt nhà Hạ mà thiên hạ đại hạn, ba năm không dứt. Thang bèn tự mình cầu đảo ở Tang Lâm rằng: ” Tôi là một người có tội, không liên quan gì đến vạn phương. Vạn phương có tội, là do một mình tôi. Không thể vì một người chưa gắng gỏi mà khiến thượng đế huỵ đi đại vận mệnh của dân Thương.” Thang ở đó cắt tóc, bẻ móng tay, định tự mình hy sinh, để cầu phúc ở thượng đế. Dân rất đẹp lòng, mưa lớn rơi xuống.


Làm hay nghỉ vốn có đạo lý. Mở hay đóng vốn có kỳ hạn. Thầy ta đã để lại lời dạy dỗ, không có giận dữ thì không có lỗi lầm, giao phó sinh mệnh mà tỏ lòng cung kính thi sao ta lại từ nan? Lời nói đã tận hết, đường chỉ một mình đi. Quay lại đoạn ban đầu, tổng hợp tiếng thơm nơi thư tịch cổ, tìm kiếm văn chương họ Khổng còn lưu lại, trang điểm lời lẽ diệu kỳ để xét tới đạo lý, noi theo phép tắc tổ tiên mà đưa vao pháp chế. Phải lẽ như Thúc Hật(109) lúc nhàn tàng giao du, đáng khen như họ Sở(110) đi ra chốn xa xôi. Thu lấy lẽ biết dừng biết đủ mà trở về đàm luận, thể hiện cái chính khi hạo nhiênmà tu sửa biên thuỳ. Mừng có tường vách xung quanh mà an nhiên vui vẻ, bỏ bớt việc trách móc hối hận ở thói đời hiện tại. Xét đến lòng này chưayên tịnh thư thái để biết sợ cại đoạn cuối đường lấm bùn nhơ. Luôn thẳng thắn tìm tòi mà tăng thêm hiểu biết, phơi bày hoài bão bên trong mà răn bảo khuyên nhủ. Xưa Cửu Phương xem xét lấy tinh chất là quý nhất, Tần Nha lẳng lặng suy tư ở hình thái đặc thù.


Hoài Nam Tử chép: Tần Mục Công bảo Bá Nhạc rằng: ”Ông tuổi đã cao rồi, trong họ nhà ông có ai có thể dùng để tìm ngữa hay đeựơc chăng?” Đáp rằng: ”Tướng ngựa hay có thể từ hình dáng gân cốt mà biết được. Tướng ngựa tốt nhất thiên hạ thì hoặc chìm, hoặc mất, hoặc trái ngược, hoặc chẳng lộ ra. Một trong những chỗ hoặc ấy là tướng của con ngựa hay nhất thiên hạ đó, trên đờikhó có cách nhìn ra. Con của thần đều vào hàng kém cỏi, có thể chỉ ra được con ngựa hay mà không thể chỉ ra con ngựa tốt nhất trong thiên hạ. Với ngựa tốt nhất thiên hạ, thần vốn có lòng kính trọng người đan giỏ kiếm củi là Cửu Phương Nhân. Người nay xem tướng ngựa không hề kém thần. Xin hãy sai người đó.” Mục Công gặp người này, sai đi tìm ngựa. Ba tháng sau, người ấy trở về, bảo rằng: ”Đã tìm ra ngựa, hiện ở Sa Khâu(111).” Mục Công nói: ”Ngựa thế nào?” Đáp rằng: ”Ngựa cái sắc vàng.” (Mục Công) Sai người đến lấy thì lại là con ngựa đực sắc đen. Mục Công không vui, triệu Bá Nhạc đến hỏi rằng: ”Hỏng rồi! Cái người ông tiến cử đi tìm ngựa đó! Đến màu lông và đực cái còn không không thể phân biệt nổi, lại còn có thể biết được loại ngựa nào?” Bá Nhạc bùi ngùi thở dài than: ”Đến mức chuyên chú là như thế đấy! Chính vì vậy mà nghìn vạn người khác thần không kể tới. Gỉa sử Nhân quan sát thiên cơ thìchỉ cần chỗ tinh chất mà bỏ qua chỗ thô hào, dựa vào bên trong mà quên mất bên ngoài, xem cái cần xem mà không xem chỗ không cần xem, nhìn chỗ cần nhìn mà bỏ xót chỗ không cần nhìn. Nếu như ông ấy lấy cách làm ấy mà xem tướng ngựa thì đấy sẽ là con ngựa quý vậy.” Ngựa đem về đến nơi, quả nhiên là ngựa tốt nhất thiên hạ. Hoài Nam Tử lại chép: Bá Nhạc, Tần Nha, Hàn Phong, Cát Thanh mỗi người xem tướng ngựa theo một cách song đều là những người hiểu ngựa; Đại để là Cửu Phương quan sát tinh thần, Tần Nha kiểm tra hình dáng.


Tiết Trúc phân biệt bảo vật mà thanh dự trải dài Việt Tuyệt Thư (112)chép: Xưa Việt Vương Câu Tiễn có năm thanh bảo kiếm, nổi danh khắp thiên hạ. Có người khách có tài xem kiếm tên là Tiết Trúc. Vương bèn vời đến hỏi: ”Ta có năm thanh kiếm bảo kiếm, mời ông chỉ bảo cho.” Rồi lấy ra (hai thanh) Hào Tào, Thần Khuyết. Tiết Chúc nói: ”Đều không phải (là bảo kiếm).” Lại lấy ra Thần Câu, Trạm Lư. Chúc nói: ”Xem kiếm sao, thấy nhuần nhuyễn như việc làm của hàng lão luyện. Xem độ sáng, thấy vẩn vẩn như nước mới tràn đê. Xem đường vân, thấy đứt gẫy như băng sắp tan lở. Cây nay gọi là Thần Câu chăng?” Vương nói: ”Đúng vậy.” Lại hỏi rằng: ”Có người nếu lấy giá trị ba làng có chợ, tuấn mã nghìn con, hai thành nghìn nhà ra đổi, có nên chăng?” Tiết Chúc nói: ”Không nên! Vào thời tạo kiếm này phải phá núi Xích Cân(113) để lấy thiếc chôn vùi trong đó, làm cạn khe Nhược Tà(114) để chọn đồng dưới đáy sâu. Thần mưa đổ nước quét dọn, thần sấm đánh trống, Thái Ất xuống xem, thiên thần giáng hạ. Âu Dã Tư noi theo tinh khí của trời , gom hết kỹ xảo mà làm. Kiếm đầu gọi là Thần Câu, kiếm sau gọi là Trạm Lư. Nay núi Xích Cận đã đóng, khe Nhược Tà sâu chẳng thể dò. Âu Dã Tử thì đã chết. Dù cho nghiêng thành đong vàng,  đổ ngọc lấp suối cũng không đổi được một vật như thế. Ba làng có chợ, tuấn mã nghìn con, hai thành nghìn hộ cũng chẳng đủ để nói lời đồng ý!”


Hồ Lương gửi gắm tiếng đàn mà tiếng tăm để lại.


Hoài Nam Tử chép: ”Hồ Ba đánh đàn sắt mà cá Tầm nghe được. Lại viết rằng: Tiếng hát của Hồ Lương có thể làm giống thế nhưng người khác hát thì không thể.


Tề Khách vỗ đùi mà giúp đỡ Điền Văn.


Thần Tùng Chi chép: Xét chỗ này nói tân khách dưới trướng Mạnh Thường Quân Điền Văn có thể làm tiếng gà gáy sang để giúp ông nay vượt tai ách. Thường thì khi làm giả tiếng gà gáy sáng tất nhiên đầu tiên phải vỗ đùi để làm hiệu như con gà vỗ cánh.


Sở Khách ăn trộm để bảo vệ Kinh Sở.


Hoài Nam Tử chép: Tướng nước Sở là Tử Phát thích tìm tòi kẻ sĩ có tài nghề kỹ xảo. Nước Sở có người giỏi nghề ăn trộm, đến bái phỏng (Tử Phát) mà nói: ”Nghe nói ngài tìm kẻ sĩ có tài nghề kỹ xảo, tôi có nghề ăm trộm, vốn cũng là kỹ xảo đủ để làm một tên người lính vậy.” Tử Phát nghe được, áo không kịp thắt đai, mũ không kịp đội thẳng vội ra ngoài lấy lễ mà tiếp đãi. Tả hữu can rằng: ”Ăn trộm là đạo tặc trong thiên hạ, sao lại lấy lễ mà đãi?” Tử Phát đáp: ”Điều này không phải là cái các ngươi hiểu được đâu.” Chẳng bao lâu, nước Tề xuất quân đánh Sở. Tử Phát cầm quân ra địch, ba lần thua trận. Các quan Đại phu được coi trọng ở nước Sở tất cả đều hết cách. Quân Tề càng lúc càng mạnh. Vào lúc ấy người lính vốn là ăm trộm tiến lên thưa: ”Thần có nghề mọn, xin vì ngai mà ra sức.” Tử Pháp đáp: ”Ừ.” Người ăn trộm ngay đêm ấy ra đi, tháo trướng của tướng nước Tề đem về dâng cho Tử Phát. Tử Phát sai người đem trả, nói rằng: ”Có người lính đi kiếm củi, thu được trướng của tướng quân. Sai sứ trả lại để lấy chỗ làm việc.” Hôm sau (người ăn trộm) lại đến lấy cái gối. Tử Phát lại sai đem trả. Hôm sau nữa lấy cái trâm. Tử Phát lại sai đem trả. Quân Tề biết chuyện cả sợ. Tướng Tề nói với thư lại, mưu sĩ rằng: ”Hôm nay không quay về, sợ rằng quân Sở lấy đầu ta.” Tức thì toàn quân rút lui.


Ung Môn cầm đàn mà giảng giải thông suốt.


Hoàn Đàm Tân Luận(115) chép: Ung Môn Chu lấy tiếng đàn mà yết kiến. Mạnh Thường Quân nói: ”Tiên sinh gảy đàn, có thể khiến Văn này buồn thương chăng?” Đáp rằng: ”Những người bị tiếng đàn của tôi khiến cho nảy dạ u buồn là những người trước được kính trọng mà sau bị khinh khi, xưa giàu sang mà nay bần hàn, bị ruồng bỏ đè nén nơi hang cùng ngõ chật,  không giao tiếp được với hàng xóm bốn bên. Hoặc là những người tài năng vượt bậc, giữ khí chất mang lòng thành mà bị gièm pha gặp mai mỉa, tạo thành thù oán mà chẳng có người tin. Hoặc là người kề cận tình nhân sinh ra ân ai, chẳng có hận sầu đã phải chia lý, đi đến tận góc trời mà chẳng hẹn ngày tái hội. Hoặc là người lúc nhỏ không có mẹ cha, lớn lên không có thê tử, ra ngoài lấy đồng hoang làm xóm giềng, trở về lấy hang hốc làm nơi ở, khốn khó từ sáng đến chiều không ai xót thương chiếu cố. Nếu là những người ấy, chỉ nghe quạ lượn kêu vang, gió thu thổi khẽ là đã đau lòng. Thần chuyên chú đưa ra điệu đàn như tiếng thở dài, chưa có ai không bi thống mà rơi lệ khóc. Còn như túc hạ thì ở nơi lầu cao nhà lớn, buồng sâu cửa liền, trương là buông rủ, gió mát luồn qua, xướng ca cười nói ngay trước mặt, nịnh nọt hầu hạ ở kề bên. Hễ vỗ tay gõ nhịp, Trịnh thiếp liền ca múa. Lấy âm thanh réo rắt làm vui tai, sắc đẹp tịnh tế làm say mắt. Đua trên mặt nước thì cưỡi thuyền rồng, dựng cờ lông chim, khua cần câu cá chẳng đo vực có sâu. Chơi ngoài cánh đồng thì dẫm lên chỗ phẳng, rong ruổi nơi rộng rãi, dùng nỏ cứng bắn chim bay trên cao, lấy dũng sĩ cản mãnh thú. Đặt rượu, tấu nhạc, say đắm quên về. Vào lúc bấy giờ, dù trời đất có sập xuông cũng chẳng bằng một chút trông mong. Dù tôi có thảo gảy đàn vẫn chưa thể lay động được túc hạ.” Mạnh Thường Quân nói: ”Cố nhiên!” Ung Môn Chu nói: ”Nhưng tôi trộm nghi túc hạ cũng có chuyện buồn. Vua trong xó nhà mà khiến nước Tần khốn đốn chính là ngài, Liên hợp năm nước mà đánh Sở lại cũng là ngài. Thiên hạ ngày nay chưa được vô sự, không hợp tung thì liên hoành. Hợp tung tất Sở làm vương. Liên hoành tất Tần xưng đế. Người người đều biết hễ Tần Sở mà mạnh tất đến báo thù nơi đất Tiết(116) cỏn con. Tình thế giống  như mài rìu mà chặt cây nấm vậy. Bậc thức giả trong thiên hạ không ai không vì túc hạ mà lạnh lòng. Đạo trời không phải luôn luôn thịnh, nóng lạnh luân phiên nhau tiến lùi. Thiên thu vạn tải về sau, tông miếu tất không được tế tự, lầu cao cũng sụp rồi, sông cong hoá ra thẳng. Mộ phần cỏ gai mọc ,cho cầy cáo trú thân. Mục đồng tuổi nhỏ lững thững bước chân qua cao giọng ca rằng: ”Tôn quý thay Mạnh Thường Quân, cũng là giống như thế này thôi!” Mạnh Thường Quân nghe mà bùi ngùi than thở, lệ tràn mi vẫn chưa rơi. Ung Môn Chu lấy đàn ra đánh, từ từ lay động Cung Chuỷ, vỗ gõ


Giốc Vũ(117) cuối cùng thành giai điệu. Mạnh Thường Quân liền sụt sùi nói: ”Tiên sinh gẩy đàn khiến Văn thành ra như kẻ vong quốc vậy.”


Hàn Ai giữ cương nên nức tiếng.


Lữ Thị Xuân Thu chép: Hàn An làm nghe đánh xe ngựa.


Vương Bao Thánh Chúa Đắc Hiền Thần Tụng(118) viết: Kíp đến khi đóng ngựa vào cho khuyết thì co gối, sớm đứng xen vào giữa đám xe, Vương Lương(119) cầm dây cương, Hàn Ai bám thành xe, phóng minh rong ruổi, nhanh như ánh sáng lướt đi, qua thành vượt quốc tựa đạp trên chỗ đất bằng, đuổi theo tia chớp, truy tìm gió bay, chuyển động khắp tám phương, một hơi đi vạn dặm, sao khoảng khoát vậy thay! Nhờ người ngựa tương đắc đó.


Lô Ngao(120) bay lượn nơi Huyền Khuyết(121), Nhược Sĩ đứng thẳng giữa mây xanh.


Hoài Nam Tử chép: Lô Ngao du ngoạn ở Bắc Hải, đi qua Thái Âm, vào nơi Huyền Khuyết, đến tận Mông Cốc thì gặp ở đó một người. Người này mắt sâu mà mũi đen, cổ cong, vai diều hâu, trán rộng mà mặt gầy thanh thao đứng giữa trời đón gió nhảy múa. Người ấy ngoai lại nhìn thấy Lô Ngao thì thong thả hạ tay xuống, ẩn mình dưới khối đá. Lô Ngao cúi xuống xem, thấy người ấy cuồn mình như xác rùa mà ăn trái Hợp Lê(122). Lô Ngao nói với người ấy rằng: ”Chỉ có Ngao là người bỏ bè lìa bạn, xem đến tận cùng ngoài sáu cõi ở đây ngoài Ngao thì chẳng có ai! Ngao từ nhỏ đã thích lang thang, lớn lên cũng không hiểu biết mà thay đổi được nên đã đi khắp bốn phương. Riêng có núi non cực bắc là chưa được ngắm nhìn. Nay rốt cuộc gặp được ngài ở đây. Chắc là ngài có thể kết giao vơi Ngao chứ!” Nhược Sĩ ấy cười mà nói rằng: ”Ha ha! Người là người Trung Châu, bằng vào đâu mà khẳng định đây đã là xa? Chỗ này thuận theo ánh sáng nhật nguyệt mà đeo tinh tú, làm nên âm dương, sinh ra bốn mùa, là chỗ thường nhân cho là vùng đất vô danh, vì vậy mà chất ngất thâm ảo vậy. Nêu ta ở đây đi về phía nam đến đồng Võng Lượng thì sẽ nghỉ tại làng Trầm Mặc ở phía bắc, đến tận xóm Minh Minh ở phía tây, thông với anh sáng Hồng Mông(123) ở phía đông. Nơi này dưới không có đất, trên không có trời, tai nghe không rõ, mắt nhìn tất hoa, bên ngoài giống như có dòng nước rẽ ngang luân lạc đắm chìm, tất cả còn lại đêu xa ngoài ngàn dặm. Vì thế ta cũng chưa thể ở. Nay ngươi vừa du ngoạn đã đến tận đây, rồi lại nói đã xem tất cả mọi nơi, há cũng chẳng phải nơi này không còn là xa nữa hay sao! Như thế thì ngươi ở lại đây, ta hẹn với mênh mang mịt mù ở xa xôi hoang vu khác, không thể ở đây lâu được.” Nhược Sĩ nói đoạn vung tay thẳng người đứng lên thì đã tiến vào giữa đám mây. Lô Ngao ngửa cổ nhìn theo thì không thấy đâu nữa, bèn than: ”Ta so sánh với người này như con trùng dưới đất so với chim Hồng Hộc, đi cả ngày chưa nổi một ly một tấc đã nghĩ rằng xa, thất chẳng đáng buồn sao!”


Tôi thật không có tài nghệ như những người vừa kể cho nên bèn bình tĩnh tại chỗ mà chờ đợi.


Năm Cảnh Diệu thứ sáu, Hậu Chủ theo kế của Tiếu Chu, sai sứ xin hàng Đặng Ngải. Thư hang do Chánh viết ra. Tháng giêng năm sau, Chung Hội dấy loạn ở Thành Đô, Hậu Chủ chuyển sang đông đến Lạc Dương. Lúc bấy giờ rối loạn vội vã, đại thần nước Thục không có ai đi theo giúp đỡ. Chỉ có Chánh cùng Điện Trung Đốc là Trương Thông người ở Nhữ Nam bỏ vợ con đơn độc theo hầu. Hậu Chủ nhờ Chánh giúp đỡ phương lược rất vừa ý, hành động không lầm lỡ, bèn than thở bùi ngùi, hận hiểu Chánh quá muộn.Người đời nghị luận đều khen ngợi (Chánh). (Chánh) được ban tước quan Nội Hầu. Trong những năm Thái Thủy được bổ dụng làm An Dương Lệnh, sau thăng làm Ba Tây Thái Thái Thú. Năm Thái Thủy thứ tám có chiếu ban rằng: ”Chánh xưa ở Thành Đô, gian nan giữ nghĩa, không trái lòng trung. Đến khi được bổ dụng, hết lòng với chức vụ, có công lao sửa sang việc nước, vì thế lấy Chánh làm Thái Thú ở Ba Tây.” Năm Hàm Trữ thứ tư Chánh chết, thơ phú từ luận còn để lại hơn trăm thiên.


Bình rằng: Đỗ Vi tu thân điềm đạm, không xu phụ người đương thế. Chu Quần bói toán việc trời có bằng cớ. Đỗ Quỳnh trầm mặc tỉ mỉ cẩn thận, mọi việc làm ra đều thông thạo. Hứa, Mạnh, Lai, Lý kinh lịch sâu rộng, hiểu biết rất nhiều. Duẫn Mặc tinh thông Tả Thị. Tuy họ chẳng được tán dươpng về đạo đức cùng sự nghiệp nhưng chắc chắn đều là học sĩ một thời. Tiếu Chu biện luận lo liệu uyên bác lưu loát, là bậc đại nho một thưở, có được phong phạm của Đổng, Dương. Khích Chánh văn từ tươi sáng, có thần thái của Trương, Thái lại được ngợi khen ở việc làm, là bậc quân tử biết chọn vậy. Hai người sau cùng ở Tấn không có tích trạng gì, phần lớn là ở Thục, vì vậy chép vào thiên này.


Trương Phan xét Tiêu Chu trình bày kế sách hàng Ngụy, đại khái vốn đã dự liệu Lưu Thiện yếu hèn nhu nhược, không có lòng dạ cong queo mà gây ra tai họa, cho nên mới có thể làm như vậy. Nếu gặp phải người khác, đang lúc phẫn hận, dù (Chu) không có ý làm hại người ta, nhưng người ta chuộng cái chết vì hổ thẹn nhục nhã hoặc nổi giận muốn giết người để lập uy trong một lúc thì dẫu không gặp họa sát thân cũng bị nghi ngờ vậy.

 

CHÚ THÍCH

(75)  Thôi Nhân: Văn học gia thời Hán.

(76)  Tôi đây: Khích Chánh tự xưng.

(77)  Chỉ công việc chức vụ của Khích Chánh là Bí Thư.

(78)  Ngu Đế: Chỉ vua Thuấn, được vua Nghiêu nhường ngôi cho mà lập nên nhà Ngu.

(79)  Ngoài mặt tuân theo: Nguyên văn: diện tòng, lấy từ câu ”Nhữ vô diện tòng, thối hữu hậu ngôn” trong Thượng Thư

(80)  Tam Hoàng, Ngũ Đế: Là những vị vua đầu tiên trong thời kỳ huyền thoại của dân tộc Hán, có công đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai. Ngày nay các học giả bên Tàu không thống nhất được với nhau về danh tự của các vị vua này.

(81)  Đồ Lục: Sách mệnh của các thiên thần ban cho.

(82)  Họ Cơ: Họ của các vua nhà Chu, bắt đầu bằng Chu Văn Vương Cơ Phát, là triều đại trị vì nước Tàu kế tiếp sau nhà Thương.

(83)  Họ Doanh: Họ của các vua nước Tần diệt nhà Chu, thôn tính chư hầu

(84)  Ưởng: Thương Ưởng.

(85)  Tư: Lý Tư.

(86)  Lữ: Lữ Bất Vi.

(87)  Hàn: Hàn Phi Tử. Cả bốn người đều là những nhân vật chủ chốt đề xướng hình thức quản lý

Pháp trị ở nước Tần và đều có kết cục xấu.

(88)  Dấu đuôi trong chỗ bùn lầy: Lấy tích vua nước Sở sai người mời Trang Tử. Trang Tử hỏi rằng: Có con rùa sống ngàn năm, xác khô được vua Sở cất gĩư trong tay áo. Liệu con rùa ấy muốn sống mà kéo lê cái đuôi trong bun hay muốn chết để người ta giữ xác. Viên quan đi mời nói: Muốn sống để lê đuôi trong bùn. Trang Tử bảo: Ngươi về đi, ta cũng muốn lê đuôi trong bùn thôi.

(89)  Chu Dương, Huyền Âm: Theo quan niệm của Đạo gia, Chu Dương là dương khí của trời đất thịnh vào mùa xuân tán vào mùa thu; Huyền Âm ngược lại, đại diện cho âm khí, thịnh vào mùa thu tán vào mùa xuân.

(90)  Xung, Chất, Hoàn, Linh: Xung Đế, Chất Đế, Hoàn Đế, Linh Đế bốn vị vua nhà Hán lần lượt trị vì trước khi Đổng Trác tiến vào Lạc Dương phế lập Hiến Đế. Xung Đế, Chất Đế chết từ lúc còn rất trẻ. Hoàn Đế, Linh Đế trị vì gặp nhiều loạn lạc như Hoạn Thị, Đảng Cố, Hoàng Cân.

(91)  Cửu Đức: Thượng Thư chép Cao Dao danh thần của vua Vũ nói Thiên Tử cần có Cửu Đức. Em chưa rõ Cửu Đức là những đức gì.

(92) Tế Xuân: Nguyên văn: 礿 Dược Tế: Chỉ ngày tế xuân thời nhà Hạ và nhà Thương.

(93)  Nguyên Khải: Đời Nghiêu họ Cao Tân có tám người tài gọi là Bát Nguyên, họ Cao Dương cũng có tám người gọi là Bát Khải. Nguyên Khải chỉ nhân tài đông đúc, thứ hạng rõ rệt.

(94)  Nhiễm, Quý: Em chưa rõ là ai.

(95)  Ưng Dương: Một loại chim dữ thường được thêu trên cờ trận.

(96)  Y, Vọng: Y Doãn, Lã Vọng.

(97)  Ba kế nhà họ Tiết: Không rõ có phải là ba mức thiết đãi tân khách của Mạnh Thường Quân ở đất Tiết chăng?

(98)  Trương, Trần: Trương Lương, Trần Bình.

(99)  Trung Nhạc: Trung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam.

(100) Trọng Ni: Khổng Tử.

(101) Khuất Nguyên: Người nước Sở thời Chiến Quốc, tác giả Ly Tao, Thiên Vấn.

(102) Ngư Phủ: Nhân vật trong bài văn cùng tên của Khuất Nguyên.

(103) Liễu Quý: Người nước Lỗ thời Chiến Quốc, nổi danh trung tín thành thực.

(104) Di, Thúc: Bá Di, Thúc Tề.

(105) Đặng Lâm: Sơn Hải Kinh chép: Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, khát uống nước Vị Hà mà không đủ, muốn lên phía bắc uống nước ở đại hồ nhưng chưa đi đến nơi thì đã chết khát. Gậy trong tay rơi xuống hoá thành Đặng Lâm. Rừng này nằm ở phía bắc nước Sở, trong truyền thuyết là khu rừng lớn và bí hiểm.

(106) Đường: Nhà Đường Ngu của vua Thuấn.

(107) Hoài Nam Tử: Cuốn sách do Hoài Nam Vương Lưu An và tân khách soạn vào thời Cảnh Đế nhà Tây Hán, thuộc loại tạp thư mang tư tượng đạo gia thời tiền Tần kết hợp với bách gia chư tử, có giá trị trong nghiên cứu văn hoá Tần Hán.

(108) Lữ Thị Xuân Thu: Cuốn sách do Lữ Bất Vi trước tác vào giai đoạn cuối thời Chiến Quốc.

(109) Thúc Hật: Thúc Hướng Dương Thiệt Hật, đại phu nước Tấn thời  Chiến Quốc, ung dung nhàn hạ giúp quân Tấn làm bá chư hầu.

(110) Họ Sở: Cháu tằng tôn của Sở Nghiễm là Sở Mạnh Đạt dẫn cả họ chạy đi tị nạn ở Sa Lộc Sơn ngoài Đông Hải khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán.

(111) Sa Khâu: Nay thuộc Hà Bắc.

(112) Việt Tuyệt Thư: Thư tịch cổ chép về lịch sử hai nước Ngô Việt thời Chiến Quốc. Xuất xứ, niên đại, tác giả hiện đã thất truyền không tra cứu rõ ràng được.

(113) Xích Cận: Còn gọi là núi Cận, thời Xuân Thu nằm ở huyện Ngân thuộc nước Việt.

(114) Khe Nhược Tà: Là dòng suối chảy ra từ núi Nhược Tà, lúc hàn vi Tây Thi giặt lụa ở suối này nên còn có tên khác là suối Hoán Sa.

(115) Hoàn Đàm Tân Luận: Bài luận do Hàn Đàm viết vào thời Hán.

(116) Đất Tiết: Đất phong của Mạnh Thường Quân.

(117) Cung, Thủy, Giốc, Vũ: Cùng với Thương hợp thành năm cung của nhạc cụ đông Á.

(118) Vương Bao Thánh Chúa Đắc Hiền Thần Tụng: Bài Tụng của Vương Bao.

(119) Vương Lương: Ngươi nước Tấn, đánh xe cho đại phu Triệu Giản Tử, nổi tiếng giỏi dong xe.

(120) Lô Ngao: Còn gọi là Lô Sanh, thuật si người nước Tề (cùng có thuyết nói ông ta vốn là người nước Yên), từng vì Tần Thuỷ Hoàng cầu tiên dược trường sinh của tiên nhân. Sau thấy Tần Thuỷ Hoàng không nghe lơi khuyên can, làm việc trái đạo nên trốn đi đi lánh nạn ở Cố Sơn. Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh truy bắt mà không tìm thấy.

(121) Huyền Khuyết, Bắc Hải, Thái Âm, Mông Cốc: Đều là những địa danh nằm ở cực bắc trong huyền thoại của đạo gia.

(122) Hợp Lê: Chắc là tiên quả.

(123) Võng Lượng, Trầm Mặc, Minh Minh, Hồng Mông: Đều là địa danh trong huyền thoại.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét