Tượng Mã Lương thờ trong Võ Hầu Từ |
MÃ LƯƠNG TRUYỆN
Mã Lương tự Quý Thường,
người đất Nghi Thành thuộc Tương Dương. Nhà Lương có năm anh em đều là bậc anh
tài, riêng Lương lông mày có sắc trắng, người trong vùng thường nói: “Họ Mã năm
người, mày trắng tài nhất.” Tiên Chủ thu được đất Kinh Châu, vời Lương làm Tòng
sự. Lúc Tiên Chủ vào Thục, rồi Gia Cát Lượng sau cũng theo vào, Lương ở lại
Kinh Châu gửi thư cho Lượng nói: ‘’Nghe Lạc Thành đã đổ, đúng là vận hạnh trời
ban. Tôn huynh gánh vác kỳ vọng giúp đời, sắp xếp sự nghiệp quang quốc hẳn thấy
điều này.
Thần Tùng Chi nghĩ
Lương cùng Lượng kết nghĩa anh em, hoặc thành bạn bè thân thiết; Lượng tuổi cao
hơn, Lương quen gọi Lượng là ‘’tôn huynh’’.
Nam nhi thời loạn thế
nhờ vào suy nghĩ sâu xa, xét đoán rõ ràng sau trước, dẫu chẳng tài ba, vẫn mong
tương hợp cùng thời thế. Thuận theo phong độ
từ hoà nhã đạm, ý chí cao cả lớn lao, cần cù gieo đức với đất trời, khiến
cho ngay nay lại được nghe rõ phép tắc, thế sự lại được phục hồi chính đạo, như
âm điệu cao diệu của khúc nhạc nước Tề, lời lẽ chánh trực của nước Trịnh, nước
Vệ. Giống như tâm tư của ống sáo cây đàn mong bàn tay thư thái của Bá Nha(8)
sai sử, dẫu chẳng có Chung Kỳ(9) mà không bị bỏ quên!’’ Tiên Chủ dùng Lương làm Tả Tướng quân duyện.
Sau (Tiên Chủ) sai
(Lương) sang sứ nước Ngô. Lương nói với Lượng rằng: ‘’Nay phụng quốc mệnh, bàn
việc hoà hảo hai nước, mừng thay cho Lương được làm trung gian với Tôn Tướng
quân.’’ Lượng nói: "Xin ngài tự viết điệp văn.’’ Lương liền viết rằng: "Vua
chúng tôi sai văn thần Mã Lương ở vào hàng hậu bối, còn chưa có công danh qua
thăm nối tình hữu ái. Thỉnh các vị nhân sĩ hào kiệt, quan chức anh tài hai xứ
Kinh Sở tận sức giúp cho để người thường làm nổi việc hay, đảm đương công chuyện
tốt đẹp đến tận cùng. Lòng thành mong được xét xoi mà chấp thuận, cung kính mà
nghe lệnh.’’ (Tôn) Quyền rất kính trọng.
Khi Tiên Chủ xưng tôn
hào, lấy Lương làm Thị Trung. Lúc sang đông đánh Ngô, sai Lương đến Vũ Lăng
chiêu nạp người Man ở Ngũ Khê, thủ lĩnh người Man đều nhận ấn tín, nghe theo mệnh
lệnh. Tiên Chủ bại ở Di Lăng, Lương cũng bị hại. Tiên chủ dùng con Lương là Bỉnh
làm Kị Đô uý.
Em Lương là Tắc, tự
Âú Thường, vốn làm Tòng Sự ở Kinh Châu theo Tiên Chủ vào Thục, được phong Miên
Trúc, rồi Thành Đô lệnh, sau làm Việt Tuyển Thái Thú. Tài chí hơn người, giỏi
bàn kế sách, Thưa Tướng Gia Cát Lượng trọng đãi khác thường. Tiên Chủ khi sắp mất
bảo Lượng rằng: ‘’Mã Tắc nói lời quá sự thật, không thể đảm đương việc lớn,
ngươi nên cẩn thận đánh giá người này!’’ Lượng còn không cho lời ấy là phải,
dùng Tắc làm Tham Quân, thường cùng đàm luận từ sáng đến tối.
Tương Dương ký chép:
‘’Năm Kiến Hưng thứ ba, Lượng đi đánh Nam Trung, Tắc tiễn hơn mười dặm. Lượng hỏi: "Tuy cùng bàn thảo suốt năm qua, nay còn có đổi thay sang suốt nào đáng nói
ra chăng?’’ Tắc đáp: "Người Nam Trung dựa vào địa thế xa xôi hiểm trở , lâu
nay không chịu phục tùng. Tuy hôm nay dẹp tan, ngày mai lại làm phản. Nay ngài
đang muốn tiến ra phương bắc thảo phạt cường tặc. Bọn họ nếu biết được binh lực
trong nước suy giảm sẽ lại tức khắc làm loạn. Còn như giết sạch người Di để trừ
hậu hoạn thật không phải việc làm của người có lòng nhân, mà dẫu có muốn cũng
không phải là việc có thể làm ngay được. Kẻ biết cầm quân tất phải lấy công tâm
làm đầu, phá thành là phụ, thâu tóm lòng người là chính, cử binh quyết chiến là
thứ yếu, xin Thừa Tướng xét kỹ mà thu phục nhân tâm của người Di.’’ Lượng nghe
lời ấy, tha Mạnh Hoạch, bình định phương nam. Đương thời khi Lượng còn sống,
người nam không dám làm phản.
Năm Kiến Hưng thứ
sáu, Lượng dẫn quân ra hướng Kỳ Sơn, tướng tài như bọn Nguỵ Diên, Ngô Nhất(10)
khi ấy đều ra trận. Trong quân đàm luận mọi người đều muốm lấy (Trương)
Nghi(11) chấp chưởng quân tiên phong.
Nhưng Lương không nghe, đề bạt Tắc thống lĩnh đạo tiền quân, giao chiến với Nguỵ
tướng Trương Cáp tại Nhai Đình, bị Cáp đánh bại, quân sĩ tan tác hết. Lượng ra
quân không thu được chút công nào, phải rút về Hán Trung. Tắc bị giam trong ngục
rồi chết, Lượng xót thương rơi lệ. Lương chết năm ba mươi sáu tuổi, Tắc chết
năm ba mươi chín tuổi.
Tương Dương ký chép: "Tắc sắp chết gửi thư cho Lượng viết: 'Minh công coi Tắc như con, Tắc coi Minh công như cha. Mong Minh công nhớ đến phong thái giết Cổn mà dùng Vũ, để quan hệ bình sinh giữa chúng ta không vì việc này mà đứt đoạn, Tắc chết xuống hoàng tuyền cũng không ân hận.'
Đương thời ai cũng rơi lệ xót thương. Lượng thân đến bái tế,
lại đãi con côi của Tắc như khi Tắc còn sống. Tưởng Uyển khi ấy phụng mệnh đến
Hán Trung thăm hỏi có can Lượng rằng: ”Xưa nước Sở giết Đắc Thần(12) mà Tấn văn
công(13) lấy làm mừng rỡ. Nay thiên hạ chưa định đã vội bỏ người tài chí, há chẳng
đáng tiếc lắm sao.” Lượng sa lệ đáp: "Tôn Vũ sở dĩ có thể khắc chế người trong
thiên hạ là nhờ có pháp luật nghiêm minh. Ấy là chuyện Dương Can(14) làm trái
phép, Nguỵ Giáng(15) giết tuỳ tùng. Nay bốn bể chia lìa, chính là lúc việc binh
đao vừa mới bắt đầu, nếu không thi hành pháp luật thì biết lấy gì để thảo phạt
giặc giã.”
Tập Tạc Xỉ luận rằng:
“Gia Cát Lượng chẳng có tài lo toan hết mọi việc quốc gia, há chẳng phải thế
sao. Người làm tể phụ cần nghe lời can gián mà giúp nước sao nỡ cố làm sai để
thu xếp việc công; Sở Thành Vương khi xưa hôn ám mà Đắc Thần chỉ biết nghĩ đến
mình, cố đánh nên suy bại nặng nề.
Nay nước Thục ở nơi
xa xôi nhỏ hẹp, nhân tài ít ỏi, lại giết người tuấn kiệt, trở lại chọn dùng kẻ
tầm thường, lấy pháp kỷ nghiêm minh thay cho năng lực, ấy là cái lẽ không đánh
mà bại vậy, dẫu có thành đại sự cũng khó lắm thay. Vả lại Tiên Chủ từng răn bảo,
Tắc không thể cho đảm đương việc lớn, há chẳng phải nói hắn bất tài sao. Lượng
nghe lời nhắc nhở mà chẳng vâng theo, không xét ra Tắc là kẻ không dùng được.
Làm Tể Tướng một nước, muốn tận dụng hết tài lực trong thiên hạ nhưng không xét
tài trao quyền, tuỳ chí giao việc. Hiểu ra cơ sự thôi đã muộn, lại trái lời
khuyên răn của chủ, xét việc trong thất bại liền giết người hữu ích, thật khó gọi
là trí giả vậy.”
CHÚ THÍCH
(8) Bá Nha: Cao thủ âm nhạc Trung Hoa cổ đại.
(9) Tử Kỳ: Còn gọi là Chung Tử Kỳ rất hiểu âm luật tri âm
của Bá Nha.
(10) Ngô Nhất: Vốn là Ngô Ý, Trần Thọ kỵ húy Tư Mã Ý viết
thành Ngô Nhất
(11) Trương Nghi: Thục tướng, xem thêm Trương Nghi truyện
(12) Đắc Thần: Thành Đắc Thần mãnh tướng nước Sở dưới triều
Sở Thành vương thời Xuân Thu. Được ban miễn tử bài. Tiền nhiệm Lệnh doãn Đấu Tử
Văn tiến cử làm người kế nhiệm. Lúc Thần dẫn quân Sở đi tranh bá ở Trung
Nguyên, Sở Thành vương ra lệnh, chắc thắng mới đánh, bằng không phải xử hòa để
bảo tồn thực lực và vị thế nước Sở. Thần quyết giao chiến, đại bại ở Thành Bộc.
Bị Sở vương xử chết. Vi Giả nhắc chuyện miễn tử bài, cho rằng Thần kiêu dũng nếu
có người trầm tĩnh giúp đỡ tất có ngày khôi phục được uy danh quốc gia. Sở
Vương vội ban lệnh ân xá nhưng Thần đã chết.
(13) Tấn Văn Công: Một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, đối thủ
của Thành Đắc Thần.
(14) (15) Dương Can, Ngụy Giáng: chưa biết là ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét