Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

NHỊ CHỦ PHI TỬ TRUYỆN

 

QUYỂN 4 - NHỊ CHỦ PHI TỬ TRUYỆN

Cam Hoàng hậu, Mục Hoàng hậu, Kính Ai Hoàng hậu, Trương Hoàng hậu, Lưu Vĩnh, Lưu Lý, Lưu Tuyền

 

Chiêu liệt Cam Hoàng hậu
(Tranh minh họa Cam phu nhân trong "
Bách mĩ tân vịnh đồ truyện,
vẽ theo tích truyện Lưu Bị so sánh bà đẹp như pho tượng bằng ngọc")

NHỊ CHỦ PHI TỬ TRUYỆN


Cam Hoàng Hậu vợ Tiên Chủ là người đất Bái. Tiên Chủ tới Dự Châu, đóng quân ở Tiểu Bái, tùy tiện thu nạp. (Từ khi) Tiên Chủ mất vợ chính, (Hậu) thường cai quản công việc trong nội phủ. (Hậu) theo Tiên Chủ tới Kinh Châu rồi sinh Hậu Chủ. Gặp lúc quân Tào Công (đánh) đến, đuổi kịp Tiên Chủ ở Đương Đương Trường Bản, trong lúc khốn quẫn, (Hậu) bị bỏ lại sau cùng với Hậu Chủ. Nhờ có Triệu Vân bảo vệ mới thoát khỏi nguy nan. 


Sau (Hậu) mất, táng ở Nam Quận. Năm Chương Vũ thứ hai, được truy thuỵ là Hoàng Tư Phu Nhân, chuyển về an táng trong đất Thục, nhưng (linh cữu Hậu) chưa đưa về đến nơi thì Tiên Chủ đã qua đời.


Thừa tướng Lượng dâng lời rằng: "Hoàng Tư Phu Nhân sự tích hành vi đều rõ lòng nhân, một đời hiền thục cung thuận. Đại Hành Hoàng Đế (1) xưa còn tại thượng nhận làm phi tần, lại sinh ra Thánh thượng, nhưng số mệnh chẳng được lâu dài. Khi Đại Hành Hoàng Đế còn sống, lưu luyến nghĩa tình, thương phần mộ Hoàng Tư Phu Nhân để mãi ở chốn xa vời, riêng sai sứ giả đặc biệt đi đón đem về. Gặp ngay lúc Đại Hành Hoàng Đế băng. Nay linh cữu Hoàng Tư Phu Nhân đã về tới, mà tử cung(2) còn ở trên đường, lăng tẩm sắp hoàn thành, an táng nhập thổ đã có kỳ hạn. 

Thần thường cùng bọn Thái Thường Lại Cung bàn luận rằng: ‘Lễ Ký chép: ‘Dựng nên tình thương mến với mẹ cha mình trước thì dạy được dân tính hiếu thảo, dựng nên lòng tôn kính với bậc tôn trưởng của mình trước thì dạy được dân biết thuận tùng.’ Đừng quên cha mẹ, thân ta do họ sinh ra. Theo khuôn mẫu của sách Xuân Thu thì mẹ vì con mà được quý hiển. Xưa Cao Hoàng Đế truy tôn Thái Thượng Chiêu Linh Phu Nhân làm Chiêu Linh Hoàng Hậu; Hiếu Hoà Hoàng Đế cải táng cho mẹ ngài là Lương Quý Nhân, tôn hiệu là Cung Hoài Hoàng Hậu; Hiếu Mẫn Hoàng Đế cũng cải táng cho mẹ ngài là Vương Phu Nhân, tôn hiệu là Linh Hoài Hoàng Hậu. Nay Hoàng Tư Phu Nhân nên có tôn hiệu, để an ủi tâm tư chốn hàn tuyền. (Thần) thường cùng bọn Cung xét chuẩn mực việc đặt thuỵ thấy nên đặt đặt hiệu là Chiêu Liệt Hoàng Hậu. Kinh Thi chép: ‘Cốc theo phép nên khác nhà, chết theo phép nên cùng huyệt’, Lễ Ký chép: Thời thượng cổ không có hợp táng, từ trung cổ về sau tuỳ theo thời thế và địa phương mới có.

cho nên Chiêu Liệt Hoàng Hậu nên cùng hợp táng với Đại Hành Hoàng Đế. Thần khẩn cầu Thái Uý trình với tông miếu, tuyên cáo với thiên hạ, sửa soạn nghi lễ riêng để dâng lên”. 


(Hậu Chủ) phê đáp chuẩn thuận cho.


Tiên chủ Mục Hoàng Hậu người ở Trần Lưu, anh là Ngô Nhất(3). Mồ côi từ thưở nhỏ. Cha Nhất cùng Lưu Yên là chổ thâm giao, vì thế toàn gia theo Yên vào đất Thục. Yên có chí khác(4), mà lại nghe người giỏi tướng thuật nói Hậu có tướng đại quý, bèn khiến con trưởng là Mạo lúc ấy vẫn đi theo nạp Hậu làm vợ. Mạo chết(5), Hậu sống một mình. Tiên Chủ chẳng bao lâu sau  an định được Ích Châu, mà Tôn Phu Nhân thì lại quay về Ngô.


Hán Tấn Xuân Thu chép: Tiên Chủ đi vào Ích Châu, Ngô sai người đón Tôn Phu Nhân, Phu Nhân muốn cùng Thái Tử(6) về Ngô. Gia Cát Lương sai Triệu Vân dẫn quân chặn sông giữ Thái Tử lại mới ngăn cản được.


Thuộc hạ khuyên Tiên Chủ đón cưới Hậu. Tiên Chủ do dự vì Mạo là người cùng họ. Pháp Chính tiến lên nói rằng: ”luận đến chuyện thân sơ, sao so được với Tấn Văn và Tử Ngữ(7)”. Vì thế (Tiên Chủ) nạp Hậu làm Phu Nhân.


Tập Tạc Xỉ bàn rằng: Chuyên hôn nhân của con người là đầu mối của nhân luân, gốc rễ của vương hoá. Vì thế dẫu là thất phu cũng không thể không theo lễ huống hồ là bậc nhân quân. Tấn Văn bỏ lễ tòng quyền vốn là để cứu vãn sự nghiệp. Trước Tử Phạm nói: ‘Có việc cầu người, tất phải thuận theo người’. (Tấn Văn Công và Tử Ngữ) cùng nhau tranh đoạt quốc gia chứ không phải chỉ là người vợ mà thôi. Thật chẳng phải vô cớ mà làm chuyện trái lễ vậy. Nay Tiên Chủ không có quyền hành sự việc chi bức bách mà lại dẫn cái thất thố của tiền nhân làm ví dụ, thật không phải là cách mở đường cho bậc quân vương đi vào cái đạo của Nghiêu, Thuấn vậy. Tiên Chủ thuận theo, còn sai hơn.


Năm Kiến An thứ hai mươi tư, (Tiên Chủ) lập (Hậu) làm Hán Trung Vương Hậu. Tháng năm mùa hạ năm Chương Vũ nguyên niên, phong rằng: "Trẫm vâng mệnh trời, lên ngôi chí tôn, cai trị vạn quốc. Nay lấy Hậu làm Hoang Hậu. Sai Thừa tướng Lượng làm sứ giả đến trao ấn thụ (cho Hậu), kế thừa tông miếu, làm mẫu nghi thiên hạ. Hậu cung kính mà nhạn lấy!” Tháng năm năm Kiến Hưng nguyên niên, Hậu chủ nối ngôi, tôn Hậu làm Hoàng Thái Hậu, hiệu là Trường Lạc Cung. Nhất quan đến Xa Kỵ tướng quân, tước phong đến Huyện hầu. Năm Diên Hi thứ tám, Hậu hoăng, được hợp táng (với Chiêu Liệt Đế Lưu Bị) ở Huệ Lăng.


Tôn Thịnh viết trong Thục thế phổ rằng: Một người đẹp cung thuận, đắm chìm trong dòng họ người nam trong ba mươi năm, cũng không có gì là uỷ khuất cho người nam cả.


Hậu Chủ Kính Ai Hoàng Hậu, là con gái quan Xa Kỵ tướng quân Trương Phi. Năm Chương Vũ nguyên niên, được lấy làm Thái Tử Phi. Năm Kiến Hưng nguyên niên lập làm Hoàng Hậu. Năm (Kiến Hưng) thứ mười lăm hoăng, táng ở Nam lăng.


Hậu Chủ Trương Hoàng Hậu(8), em gái Kính Ai Hoàng Hậu lúc trước. Năm Kiến Hưng thứ mười lăm, nhập cung làm Quý Nhân. Năm Diên Hi thứ nhất, phong rằng: "Trẫm đảm đương kế tục nghiệp lớn, làm quân vương trị vì thiên hạ, thờ phụng giao miếu xã tắc. Nay lấy Quý Nhân làm Hoàng Hậu, lệnh cho người đảm nhiệm công việc của Thừa tướng là Tả tướng quân Hướng Lãng làm sứ giả cầm cờ tiêt đến trao ấn thụ. Khuyến khích tu sửa việc trong cung, hết lòng kính cẩn nghiêm trang mà thờ phụng. Hoàng Hậu cung kính mà nhận lấy!” Năm Hàm Hi nguyên niên, theo Hậu Chủ sang định cư ở Lạc Dương.


Hán Tấn Xuân Thu viết: Nguỵ đem cung nhân nước Thục ban thưởng cho chúng tướng chưa có vợ, Lý Chiêu Nghi nói: "Ta không thể đôi ba lần chịu nhục”, bèn tự sát.


Lưu Vĩnh tự Công Thọ, con trai Tiên Chủ, em của Hậu Chủ. Tháng sáu năm Chương Vũ nguyên niên, (Tiên Chủ) sai Tư Đồ (Hứa) Tĩnh lập làm Lỗ Vương, phong rằng: "Tiểu tử Vĩnh, nhận chăm sóc lấy đất đen. Trẫm vâng thứ tự trời ban, kế tục thống lĩnh đại nghiệp, noi theo chuẩn mực từ xưa, lập nên (cho con) quốc gia này, ở vùng đất phía đông, ơn huệ ban cho đầy đủ, đời đời phụ thuộc. Ô hô. Tuân lời trẫm dạy! Chỉ một nước Lỗ này, mỗi lần biến đổi đều theo đường thích hợp, phong hoá được bảo tồn. Dân tình yêu đạo đức, nhân thế vẫn ngợi khen. Làm vương xứ ấy phải vững lòng theo lễ ngiã, phủ dụ lấy học sĩ cùng lê dân, cùng hưởng cùng nên. Hãy cẩn thận mà gánh vác!” Năm Kiến Hưng thứ tám, (Hậu Chủ) cải phong (Vĩnh) làm Cam Lăng Vương. Buổi đầu, Vĩnh ghét Hoạn quan Hoàng Hạo, không lâu sau Hạo được tín nhiệm giao cho xử lý công việc, bèn vu cáo hãm hại Vĩnh. Hậu Chủ dần đần xa lánh Vĩnh, đến mức hàng chục năm (Vĩnh) không được vào triều kiến. Năm Hàm Hi nguyên niên, Vĩnh chuyển sang sống ở Lạc Dương, được bái làm Phụng Xa Đô Uý, tước phong Hương Hầu.


Lưu Lý tự Phụng Hiếu, cũng là con trai Tiên Chủ, em của Hậu Chủ, song không cùng mẹ với Vĩnh. Tháng sáu năm Chương Vũ nguyên niên, (Tiên Chủ) sai Tư Đồ (Hứa) Tĩnh lập (Lý) làm Lương Vương, phong rằng: ”Tiểu tử Lý, trẫm kế thừa thứ tự Hán triều, thuận với thiên mệnh, noi theo quy tắc thứ tự dài lâu, ban cho ngươi vùng đất ở phía đông, làm thuộc quốc của Hán đình. Chỉ một đất Lương này, đất đai cương vực đều là đồng ruộng, dân  quen giáo hoá, lấy đường hoà nhã mà theo phép tắc. Đến nơi tất thảy đều có tâm tình bao dong bảo vệ cho lê thứ. Đấy vĩnh viễn là đất phong của ngươi. Hãy kính cẩn làm vương xứ ấy!”


Năm Kiến Hưng thứ tám, (Hậu Chủ) cải phong (Lý) làm An Bình Vương. Năm Diên Hi thứ bảy chết. Con là Ai Vương Dận thừa kế, đến năm (Diên Hi) thứ mười chín thì chết. Con (của Dận) là Thương Vương Thừa nối tự, đến năm (Diên Hi) thứ hai mươi chết. Năm Cảnh Diệu thứ tư (Hậu Chủ) hạ chiếu rằng: "An Bình Vương do Tiên Đế sắc phong, ba đời đều yểu mệnh, việc kế thừa của quốc gia rơi rụng cạn kiệt. Trẫm lấy làm cảm thương đau đớn, nay lấy Vũ Ân Hầu Tập tiếp nhận vương vị.” Tập là con của Lý, năm Hàm Hi nguyên niên chuyển sang sống ở Lạc Dương, được bái Phụng Xa Đô Uý, tước phong Hương Hầu.


Hậu Chủ Thái Tử Tuyền, tự là Văn Thành. Mẹ là Vương Quý Nhân, vốn là người hầu của Kính Ai Trương Hoàng Hậu. Tháng giêng năm Diên Hi nguyên niên sắc phong rằng: ”Xét từ xưa, các bậc đế vương thuận theo thể chế lập người kế tục, làm phó phù trợ quốc thống chính là đạo thường cổ kim. Nay lấy Tuyền làm Hoàng Thái Tử, lam rực rỡ vẻ vang oai nghi của tổ tông. Lệnh cho người đảm nhiệm công việc của Thừa tướng là Tả tướng quân Hướng Lãng mang cờ tiết ra trao ấn tín. Nên gắng gỏi rèn luyện bản tính lương thiện trời ban, cung kính đạo nghĩa, học hỏi tin theo kinh điển lễ nghi, làm thêm nhiều điều thiện, tự giúp mình hoàn thiện phẩm hạnh, có thể không chuyên tâm tu chỉnh mà tự gắng sức vậy!” Lúc ấy (Tuyền) mười lăm tuổi. Mùa đông năm Cảnh Diệu thứ sáu, Thục mất. Tháng giêng năm Hàm Hi nguyên niên, Chung Hội gây loạn ở Thành Đô, Tuyền bị loạn quân làm hại.


Tôn Thịnh viết Thục thế phổ rằng: Các em của Tuyền là Dao, Tông, Toản, Kham, Tuân, Cừ sáu người. Thục bại, Kham tự sát, những người còn lại đều chấp thuận thay đổi chỗ ở. Gặp cơn đại loạn thời Vĩnh Gia(9), con cháu đều chết cả. Riêng cháu Vĩnh là Huyền chạy vào Thục, giữ một mạch nam đinh kế thừa An Lạc công nhà Ngụy sau (Lưu) Thiện. Vào năm Vĩnh Hoà thứ ba, thảo phát Lý Thế, (Tôn) Thịnh tham dự việc quân, có gặp Huyền ở Thành Đô.


Bình rằng.

Dịch nói: Có vợ chồng rồi mới có cha con, đấy là đầu mối nhân luân của con người, ân tình hội hợp thất sâu dày, tuyệt không có gì hơn được. Đó là việc quan yếu phải ghi chép để nghiền ngẫm xét tìm hình trạng một quốc gia.


 CHÚ THÍCH

(1) Vua chết chưa truy thuỵ và tôn miếu hiệu gọi chung là Đại Hành Hoàng Đế, trong trường hợp này là Lưu Bị.

(2) Quan tài của vua gọi là tử cung

(3) Ngô Ý, Trần Thọ viết Tam Quốc Chí vào thời Tấn vì kỵ huý của Tư Mã Ý nên viết thành Ngô Nhất.

(4) Ý nói Yên muốn tự lập làm vua.

(5) Mạo bị Đổng Trác giết, xem thêm Lưu Yên truyện, Thục thư quyển 1

(6) Ở đây chỉ Lưu Thiện, có điều lạ là vào thời điểm đó Lưu Bị thậm chí chưa lên ngôi Hán Trung Vương mà Thiện đã được gọi là Thái Tử.

(7) Tấn Văn chỉ Tấn Văn công còn Tử Ngữ là Tấn Hoài công con của Di Ngô Tấn Huệ công, cháu ruột Tấn Văn công. Tấn Văn công lưu lạc mấy chục năm ở nước ngoài, chớp cơ hội Tử Ngữ Tấn Hoài công mất lòng người, mượn thế lực nước Tần về nước làm vua, phải chấp nhận cưới con gái Tần Mục công vốn là vợ Tử Ngữ làm vợ.

(8) Bà này chết sau khi Thục mất nước nên không được đặt miếu hiệu, chỉ gọi là Trương Hoàng Hậu.

(9) Vĩnh Gia là niên hiệu của Tấn Huệ đế, trong những năm Vĩnh Gia các vương công nhà Tấn tranh chấp đánh lẫn nhau tạo ra một giai đoạn loạn lạc gọi là Vĩnh Gia chi loạn hay loạn Bát Vương.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét