QUYỂN 3 - HẬU CHỦ
Tranh vẽ Hán Hoài Đế Lưu Thiện |
HẬU CHỦ TRUYỆN
Hậu Chủ
huý Thiện, tự Công Tự, con trai Tiên Chủ. Năm Kiến An thứ hai mươi tư, Tiên Chủ
lên làm Hán Trung vương, lập (Hậu Chủ) làm vương Thái Tử. Đến khi xưng tôn hiệu
(1) có sắc(2) phong rằng: ”Duy ngay Tân Tị tháng năm năm Chương Vũ thứ nhất.
Hoàng Đế thuận nói: Thái Tử Thiện, trẫm gặp lúc vận mệnh nhà Hán lâm nguy, bọn
phản thần tặc tử tiếm đoạt. Xã tắc không người làm chủ, định ra khuôn phép cho
mọi người, tụ họp chính đạo. Thuận theo mệnh trời, trẫm nối ngôi báu. Nay lấy
Thiện làm Hoàng Thái Tử, kế thừa tông miếu, cung kính xã tắc. Lệnh cho người phụng
mệnh cầm cờ tiết là Thừa tướng Lượng khoan hãy trao ấn tín (Thái Tử cho Thiện).
Cung kính lắng nghe các bậc sự phụ (xem Thiện) mọi việc có đều đạt được ”hành
nhất vật nhi tam thiện”(3) hay chưa. Có thể không cần gượng ép (mà trao chức) vậy!”
Lễ ký
phần bàn về sự học nói: Người "hành nhất vật nhi tam thiện” duy chỉ có bậc Thế
Tử mà thôi. Trịnh Huyền(4) sau này nói: chữ "vật” giống như “sự” vậy.
Tháng
tư mùa hạ năm Chương Vũ thứ ba, Tiên Chủ hoăng ở Vĩnh An cung.
Tháng
năm (cùng năm), Hậu Chủ lên nối ngôi ở Thành Đô, lúc đó mười bảy tuổi. Tôn
Hoàng Hậu làm Hoàng Thái Hậu, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu.
Nguỵ
lược chép: Trước Bị ở Tiểu Bái, không ngờ quân Tào Công (đánh) tới, kinh hoảng
bỏ cả gia quyến, sau chạy vào Kinh Châu. Thiện lúc đó mới vài tuổi, thay đổi
tên họ bỏ trốn, theo người ta chạy sang phía tây vào địa phận Hán Trung rồi bị
họ đem bán. Đến năm Kiến An thứ mười sáu, Quan Trung loạn lạc, một người Phù
Phong lưu tán chạy nạn vào Hán Trung mua được Thiện. (Người ấy) hỏi ra, biết
Thiện là con nhà tử tế bèn nuôi như con, còn giúp (Thiện) lấy vợ, sinh được một
con. Lúc trước Thiện với Bị lạc nhau, còn biết được cha mình tự là Huyền Đức. (Bị)
có người thân cận mang họ Giản. Khi Bị chiếm Ích Châu liền dùng Giản làm tướng
quân. Giản được Bị sai đến Hán Trung, nghỉ tại phòng trọ dành cho sứ tiết trong
đô thành. Thiện bèn đến bái phỏng Giản. Giản tra vấn thẩm định, thấy mọi sự việc
bằng chứng đều tương hợp, mừng rỡ nói lại chuyện với Trương Lỗ. Lỗ bèn sai tẩy
trần tắm gội (cho Thiện) rồi đưa vào Ích Châu. Bị lập (Thiện) làm Thái Tử, lúc
đầu lấy Gia Cát Lương làm Thái Tử Thái Phó. (Sau) đến khi Thiện lên ngôi, dùng
Lượng làm Thừa tướng, uỷ thác mọi việc. Lại nói với Lượng: ”Chính là họ Cát đã
cứu Qủa nhân”. Lượng cũng vì Thiện chưa thông thuộc chính sự bèn tổng quản công
việc trong ngoài.
Triệu Vân cứu chúa |
Thần Tùng Chi bàn rằng: Nhị Chủ Phi Tử truyện chép ‘Hậu Chủ sinh ở Kinh Châu’. Hậu Chủ truyện chép ‘khi lên nối ngôi mười bảy tuổi’. Như vậy (Hậu Chủ) sinh vào năm Kiến An thứ mười hai. Năm (KiếnAn) thứ mười ba thua ở Trường Bản, Bị chạy bỏ cả vợ con. Triệu Vân truyện chép ‘Vân tự mình ôm con nhỏ chay thoát’ chính là Hậu Chủ vậy. Như thế Bị cùng Thiện chưa từng thất lạc. Lại có Gia Cát Lượng sau khi Thiện lên ngôi một năm lĩnh chức Ích Châu Mục, trong năm đó bút đàm với Chủ Bộ Đỗ Vi viết ‘Triêu Đình(5) nay mười tám tuổi’, cùng với truyện về Thiện là phù hợp, thứ tự không có gì sai lạc. Cho nên, Nguỵ lược nói Bị bại ở Tiểu Bái, Thiện lúc ấy tuổi vừa mới sinh, đến khi chạy vào Kinh Châu, có thể biết cha tự là Huyền Đức, đại khái khoảng năm sáu tuổi. Bị bại ở Tiểu Bái vào năm Kiến An thứ năm, tính đến khi Thiện lên ngôi, trước sau là hai mươi tư năm. Thiên tương ứng phải quá hai mươi tuổi. Lấy sự việc so sánh với nhau lý lẽ là không đúng. Như vây tất thuyết ở Nguỵ lược là xằng bậy vậy mà đến hai trăm năm sau vẫn còn được đem ra đàm luận, thật là lạ vậy. Lại xét các sách vở ghi lại cùng Gia Cát Lượng tập cũng không thấy nói Lượng từng làm Thái Tử Thái Phó.
Mùa hạ
năm Kiến Hưng nguyên niên, Tang Ca Thái Thú Chu Bao chiếm quận làm phản.
Nguỵ
Thị Xuân Thu chép: Ban đầu, Ích Châu Tòng Sự Thường Phòng đi xếp đặt công việc,
nghe tin Bao có lòng khác, bèn bắt Chủ Bộ (của Bao) tra khảo xét hỏi rồi giết
đi. Bao phẫn nộ tấn công giết chét Phòng, vu (cho Phòng) tội mưu phản. Gia Cát
Lượng giết các con Phòng, lại đầy bốn người em Phòng đi Việt Tuyển, muốn làm
yên lòng (Bao). Bao vẫn không chừa mà sửa đổi, dấy quân trong quân làm phản hưởng
ứng Ung Khải.
Thần
Tùng Chi bàn rằng: Phòng là bị Bao vu hãm, người chấp chính nên gạn lọc xét
đoán, sao lại có chuyện vì an định mà tuỳ tiện giết người vô tội để làm đẹp
lòng kẻ gian tặc được, chỗ này chắc không đúng vậy.
Từ trước,
quận Ích Châu có họ lớn của Ung Khải làm phản, bắt Thái Thú Trương Duệ giải
sang Ngô, chiếm quận không theo mệnh lệnh. Di vương ở Việt Tuyển là Cao Định
cũng dấy loạn. Năm ấy (Hậu Chủ) cưới Hoàng Hậu Trương thị. Lại sai Thượng Thư
lang Đặng Chi sang sứ kết thân với Ngô. Ngô vương sai sứ đáp lễ giảng hoà với
Thục. Cùng năm (hai bên) qua lại hoà hảo.
Mùa
xuân năm (Kiến Hưng) thứ hai, chuyên cần cầy cấy trồng trọt lương thực, đóng cửa
an dân.
Tháng
ba, mùa xuân năm (Kiến Hưng) thứ ba, Thừa tướng Lượng đi đánh bốn quận phía
nam. Bốn quận đều bình định được. Đổi tên quận Ích Châu thành quận Kiến Ninh.
Chia (một phần) quận Kiến Ninh và (một phần) quận Vĩnh Xương lập ra quận Vân
Nam. Lại chia (một phần) quận Kiến Ninh và (một phần) quận Tang Ca lập ra quân
Hưng Cổ. Tháng mười hai (năm đó) Lượng quay về Thành Đô.
Mùa
xuân năm (Kiến Hưng) thứ tư. Đô Hộ Lý Nghiêm từ Vĩnh An trở về đóng ở Giang
Châu, xây một thành lớn.
Nay là
thành cũ của Ba Quận.
Mùa
xuân năm (Kiến Hưng) thứ năm, Thừa tướng Lượng dẫn quân ra đóng đồn ở Hán
Trung, lập doanh trại trên sông Miện, phía bắc đường lớn Dương Bình.
Gia Cát Lượng tập chép: Tháng ba Thiện hạ chiếu rằng: ”Trẫm nghe đạo của đất trời, phúc ở lòng nhân mà hoạ do buông thả. Gom góp điều nhân là hưng thịnh, tích cóp điều ác là huỷ diệt, đấy là chuyện cổ kim thường thấy vậy. Như Thang, Vũ sửa đức mà thành vua; Kiệt, Trụ bạo tàn mà bị diệt.
Xưa kia gặp lúc phúc khí nhà Hán suy vi, lưới trời bỏ sót kẻ gian ác hung tàn. Đổng Trác gây ra tai hoạ làm hư hoại chấn động kinh đô. Tào Tháo là duyên do của tội ác, lén giữ quyền lực chí cao, tàn hại khắp cả nước, trong lòng không biết đến quân vương. Đứa trẻ mồ côi đứng một mình, lại dám đảo lộn ngôi thứ, cướp đoạt thần khí, thay họ đổi việc, làm nên sự tích xấu xa một thời.
Vào lúc bấy giờ, đất trời tăm tối, thiên hạ vô chủ, chính là lúc vận khí của vua ta trải qua cơn suy biến. Chiêu Liệt Hoàng Đế(6) riêng mình tỏ rõ đức sáng, quang minh xiển dương văn vũ, ứng với vận khí đất trời, ra tay dẹp loạn, mưu tính chuyện khắp bốn phương, thân người đều phò trợ, trăm họ cùng chung lo. Muôn dân hớn hở tôn phù. Kính vâng theo điềm triệu tốt lành, lập nên tôn hiệu, kế thừa thứ tự trời ban, sửa chữa hình thế khó khăn, hưng thịnh thời buổi suy bại, khôi phục lại sự nghiệp của tổ tông, gánh vác giềng mối lớn lao, không để tán thất rụng rơi xuông đất. Nhưng nhiều vùng còn chưa an định, (Tiên Đế) đã vội sớm xa lìa nhân thế. Trẫm còn thơ dại, nối theo nắm giữ cơ đồ, chưa quen huấn thị dạy dỗ, nhưng lấy ràng buộc của tổ tông làm trọng. Sáu cõi chưa vun đắp được, xã tắc chưa dựng xây xong, là điều (trẫm) luôn ưu tư mãi, mong được nâng đỡ cứu vớt làm rạng rỡ sự nghiệp trước kia. Chưa làm nên việc, trẫm rất lấy làm sợ hãi. Do đó thức khuya dậy sớm, không dám nghỉ ngơi, luôn theo một đường cần kiệm mong làm lợi cho việc nước. Khích lệ người có thân phận chuyên tâm vào việc trồng cấy để mau giàu mạnh sức dân, giao cho bậc hiền năng ngay thẳng đảm đương chức vị để có thể nghe lời can gián đàn hặc. Đoạn tuyệt hàng ý riêng tư mà nuôi tướng sĩ. Những mong vung kiếm bôn tẩu đường xa, trỏ đánh kẻ loạn tặc, hồng kỳ chưa vội phất, thì Phi sớm lìa đời, thật là củi ta chưa đốt mà đã tự cháy. Nhưng loài tàn ác có thừa nhơ nhuốc vẫn nghêng ngang phóng túng ở vùng Hà, Lạc(7), ngăn trở chẳng để việc binh được nghỉ ngơi.
Gia Cát thừa tướng cương nghị trung trinh, dốc lòng vì nước, (vì thế) Tiên đế trao việc thiên hạ, phù trợ quả nhân. Nay ban cho mao việt, cùng với phó thác trọng quyền, thống lĩnh bộ kỵ hai mươi vạn binh, nắm giữ nguyên nhung, thay trời tru phạt, trừ hoạn dẹp loạn, chiếm lại kinh đô, chính là dịp này.
Ngày xưa, Hạng Tịch(8) binh tướng hùng mạnh, chiếm đất nuốt châu, công nghiệp lớn lao, cuối cùng binh bại Cai Hạ, chết tại thành đông. Tông tộc giết nhau, bêu xấu ngàn năm. Nguyên do là vì không theo đạo nghĩa, lấn hiếp người trên, ngược đãi kẻ dưới vậy.
Ngày nay kẻ giặc bức vua, trời người đều oán. Nay được lệnh rồi, việc quân nên chóng, nhờ hồng phúc tổ tông tương trợ, đánh đâu thắng đó.
Ngô vương Tôn Quyền đồng lòng thương xót dân chúng tao loạn, giấu quân cùng mưu, lập thế ỷ giốc phía sau. Quốc quân các tộc vùng Lương châu ra lệnh cho chư hầu người Hồ nước Nhục Chi, Khang Cư đóng góp tiền của, hơn hai mươi người nước Khang Trực nhận chức Tiết Độ, đại quân bắc tiến, thống xuất binh mã, giương giáo đi đầu. Thiên mệnh đã đầy, nhân sự lại đủ, binh hùng thế mạnh, ắt phải vô địch. Phàm đao quân vương đạo, đã xuất chinh ắt chiến thắng, tôn phù chính nghĩa, ai dám đương cự.
Xưa, sự biến Minh Điều(9), quân binh vũ khí không lấm máu, trận chiến Mục Dã(10), người Thương trở giáo quy hàng. Nay cờ soái đi đầu, nơi nào đă qua, thật không muốn cùng binh độc vũ. Người dân nào biết bỏ tà quy chánh, mang giỏ cơm bầu nước nghênh đón vương sư, chiếu theo phép nước, mỗi ngươi phong thưởng, lớn nhỏ khác nhau. Người trong tông thất nhà Ngụy, bất kể trục hệ bàng chi, cân nhắc lợi hại, biết lẽ thuận nghịch, đến quy thụân ta, đều đươc phong tước.
Ngày xưa, Phụ Quả(11) đổi họ từ họ Trí, chỉ mong tông tộc khỏi tuyệt diệt; Vi Tử(12) bỏ nhà Ân, Hạng Bá(13) hàng nhà Hán, đều được vinh dự phong vương hầu. Đó là những gương sáng đời trước. Còn bọn mê lầm không tỉnh, trợ giúp giặc loạn, không phục vương mệnh, giết cả vợ con, không hề khoan xá. Tuyên cáo ân uy, nguyên soái ra uy, chẩn cứu nạn dân. Còn như chiếu thư luật lệnh, thừa tướng phát hịch khắp nơi. Làm rõ ý trẫm.”
Mùa
xuân năm (Kiến Hưng) thứ sáu, Lượng ra đánh Kỳ Sơn, không thắng được. Mùa đông
(năm ấy) lại ra Tán Quan, vây Trần Thương, hết lương phải rút lui. Nguỵ tướng
Vương Song mang quân đuổi theo Lượng. Lượng giao chiến (với Song) đánh bại,
chém chết Song rồi trở về Hán Trung.
Mùa
xuân năm (Kiến Hưng) thứ bảy, Lượng sai Trần Thức tấn công Vũ Đô, Âm Bình cuối
cùng thắng trận, an định được hai quận. Mùa đông (năm ấy), Lượng dời đại bản
doanh ở nam sơn đến vùng bình nguyên, lại xây Hán - Nhạc hai thành. Cùng năm
Tôn Quyền xưng đế, kết giao với Thục thề ước cùng chia thiên hạ.
Mùa
thu năm (Kiến Hưng) thứ tám. Nguỵ sai Tư Mã Ý từ Tây Thành, Trương Cáp từ Tí Ngọ,
Tào Chân từ Tà Cốc theo đường núi rất khoa trương tiến lại, muốn đánh Hán
Trung. Thừa tướng Lượng phòng bị bằng cách bền thành và làm kế thanh dã ở các dốc
núi. Trời mưa lớn cắt đứt đường xá, bọn Chân đều quay về. Cùng năm, Nguỵ Diên
đánh bại Ung Châu Thứ Sử nước Nguỵ là Quách Hoài ở Dương Khê. Chuyển phong Lỗ
Vương (Lưu) Vĩnh làm Cam Lăng Vương; Lương Vương (Lưu) Lý làm An Bình Vương đều
vì Lỗ Lương nằm tại biên giới với Ngô.
Tháng
hai mùa xuân năm (KiếnHưng) thứ chín, Lương lại ra quân vây Kỳ Sơn, lần đầu
tiên dùng trâu gỗ vận tải. Nguỵ tướng Tư Mã Ý, Trương Cáp ra cứu Kỳ Sơn. Tháng
sáu, mùa hạ (năm ấy), Lượng lương hết phải chuyển quân, Cáp đuổi theo đến chỗ
núi hoang, giao chiến với Lượng, bị trúng tên chết. Tháng tám, mùa thu (cùng
năm), phế đô hộ Lý Bình đưa ra quận Tử Đồng.
Hán Tấn
xuân thu chép: mùa đông tháng mười, từ Giang Dương đến Giang Châu co chim từ bờ
nam vượt sông bay sang bờ bắc mà không đến nơi rơi xuống nước chết có đến hàng
nghìn.
Năm
(Kiến Hưng) thứ mười, Lượng cho quân sĩ nghỉ ngơi, khích lệ việc trồng cấy ở
vùng đất cát, chế tác hoàn tất trâu gỗ ngựa máy, luyện binh giảng võ.
Năm
(Kiến Hưng) thứ mười một, Lượng ra lệnh cho các đơn vị chuyển lương, tập kết ở
cửa Tà Cốc, sắp xếp các kho lẫm (chứa lương) ở đó. Cùng năm, Nam Di Lưu Trụ làm
phản. Tướng quân Mã Trung đánh bại (Lưu Trụ) bình định vùng ấy.
Tháng
hai, mùa xuân năm (Kiến Hưng) thứ mười hai, Lượng từ Tà Cốc xuất chinh, lần đầu
tiên dùng ngựa máy vận chuyển. Tháng tám mùa thu (năm ấy) Lượng chết ở Vị Tân.
Chinh Tây Đại tướng quân Nguỵ Diên cùng Trưởng Sử phủ Thừa tướng Trương Nghi bất
hoà đem quân đánh lẫn nhau.Diên thất bại bỏ chạy. Chém đầu Diên, Nghi thông suất
ba quân quay về Thành Đô. Đại xá thiên hạ. Lấy Tả tướng quân Ngô Nhất(14) làm
Xa Kỵ tướng quân, ban cho giả tiết đốc lĩnh Hán Trung. Lấy Trưởng Sử lưu thủ phủ
Thừa tướng Tưởng Uyển làm Thượng Thư Lệnh nắm giữ toàn bộ quốc sự.
Tháng
giêng, mùa xuân năm (Kiến Hưng) thứ mười ba, phế Trung Quân sư Dương Nghi, đày
đến quận Tử Đồng. Tháng tư mùa hạ (năm ấy) , thăng Tưởng Uyển làm Đại tướng
quân.
Tháng tư năm (Kiến Hưng) thứ mười bốn, Hậu Chủ đến Tiễn,
Thần Tùng Chi xét: Tiễn là
tên huyện, thuộc Thục Quận.
Trèo
lên dốc núi quan sát, ngắm nước sông Vấn chảy qua, sau mười ngày quay về Thành
Đô. Dời quốc quân người Đê là Phù Kiện cùng hơn bốn trăm hộ người Đê từ Vũ Đô về
Quảng Đô.
Tháng
sáu mùa hạ năm(Kiến Hưng) thứ mười lăm, Hoàng Hậu Trương thị hoăng. Tháng giêng
mùa xuân năm Diên Hi thứ nhất, lập Hoàng Hậu Trương thị. Đại xá, đổi niên hiệu.
Lập con là Tuyền làm Thái tử, Dao làm An Định Vương. Mùa đông tháng mười một
(năm ấy), Đại tướng quân Tưởng Uyển ra
đóng quân ở Hán Trung.
Tháng
ba mùa xuân năm (Diên Hi) thứ hai, đề cử Tưởng Uyển làm Đại Tư mã.
Mùa
xuân năm (Diên Hi) thứ ba, sai Việt Tuyển Thái Thú Trương Nghi bình định quận
Việt Tuyển Tháng mười, mùa đông năm (Diên Hi) thứ tư, Thượng Thư lệnh Phí Y đến
Hán Trung, cùng Tưởng Uyển thương lượng bàn luận kế sách mưu lược, cuối năm
quay về.
Tháng
giêng mùa xuân năm (Diên Hi) thứ năm, Giám quân Khương Duy đị giám sát các đạo
quân bên ngoài từ Hán Trung về đóng đồn ở Phù huyện.
Tháng
mười mùa đông năm (Diên Hi) thứ sáu, Đại Tư mã Tưởng Uyển từ Hán Trung quay về
đóng quân ở Phù (huyện). Tháng mười một (năm ấy) đại xá. Lấy Thượng Thư lệnh
Phí Y làm Đại tướng quân.
Tháng
nhuận năm (Diên Hi) thứ bảy, Nguỵ Đại tướng quân Tào Sảng, Hạ Hầu Huyền tiến
vào Hán Trung. Trấn Bắc Đại tướng quân Vương Bình cự địch ở quanh Hưng Thế (Sơn).
Đại tướng quân Phí Y thống lĩnh chư quân ra cứu viện. Quân Nguỵ rút lui. Tháng
tư mùa hạ (năm ấy), An Bình Vương (Lưu) Lý chết. Tháng chín mùa thu, Y trở về
Thành Đô.
Tháng
tám mùa thu năm (Diên Hi) thứ tám, Hoàng Thái Hậu hoăng. Tháng mười hai (năm ấy)
Đại tướng quân Phí Y đến Hán Trung, tiến hành phòng vệ.
Tháng
sáu, mùa hạ năm (Diên Hi) thứ chí, Phí Y trở về Thành Đô. Mùa thu, đại xá.
Tháng mười một mùa đông, Đại Tư mã Tưởng Uyển chết.
Nguỵ lược chép: Uyển chết, Thiện bèn tự nắm giữ quốc sự.
Năm
(Diên Hi) thứ mười, các Hồ Vương vùng Lương Châu là Bạch Hổ Văn, Trị Vô Đái dẫn
bộ thuộc đến hàng. Vệ tướng quân Khương Duy đón tiếp phủ dụ, đưa về trú tại Phồn
guyện. Năm ấy người Di Bình Khang ở Vấn Sơn làm phản, Duy đến đánh, phá được giặc,
bình định vùng ấy.
Tháng
năm mùa hạ năm (Diên Hi) thứ mười một, Đại tướng quân Phí Y ra đóng đồn ở Hán
Trung. Mùa thu (cùng năm) dân thuộc quốc Phù Lăng làm loạn, Xa Kỵ tướng quân Đặng
Chi đến thảo phạt, đều phá được giặc, bình định được hết cả.
Tháng
giêng năm (Diên Hi) thứ mười hai, Nguỵ giết bọn Đại tướng quân Tào Sảng. Hữu tướng
quân (nước Nguỵ) Hạ Hầu Bá đến hàng. Tháng tư mùa hạ (cùng năm), đại xá. Mùa
thu (năm ấy), Vệ tướng quân Khương Duy xuất quân đánh Ung Châu, không thắng được
bèn quay về. Tướng quân Cú An, Lý Thiều hàng Nguỵ.
Năm
(Diên Hi) thứ mười ba, Khương Duy lại dẫn quân ra Tây Bình, không thu được kết
quả lại quay về.
Năm
(Diên Hi) thứ mười bốn, mùa hạ, Đại tướng quân Phí Y trở về Thành Đô. Mùa đông
(cùng năm) lại đi lên phía bắc, lưu lại ở Hán Thọ. Đại xá.
Năm
(Diên Hi) thứ mười lăm, Ngô Vương Tôn Quyền hoăng. (Hậu Chủ) Lập con là Tông
làm Tây Hà Vương.
Tháng
giêng mùa xuân năm (Diên Hi) thứ mười sáu, Đại tướng quân Phí Y bị hàng tướng
Quách Tuần giết hại ở Hán Thọ. Tháng tư mùa hạ (năm ấy), Vệ tướng quân Khương
Duy lại xuất quân ra Nam An, không thắng được phải trở về.
Tháng
giêng mùa xuân năm (Diên Hi) thứ mười bảy, Khương Duy trở về Thành Đô. Đại xá.
Tháng sáu mùa hạ (năm ấy), duy lại dẫn quyân ra Lũng Tây. Mùa đông, dời dân ba
huyện Địch Đạo, (Hà Gian) (Hà Quan), Lâm Thao vào sống ở Miên Trúc và Phồn huyện.
Mùa
xuân năm (Diên Hi) thú mười tám, Khương Duy về Thành Đô. Mùa Hạ (năm ấy) lại dẫn
quân ra Địch Đạo, cùng Ung Châu Thứ Sử nước Nguỵ là Vương Kinh giao chiến ở
Thao Tây, đại thắng. Kinh chạy về giữ thành Địch Đạo, Duy lui lại đóng ở Chung
Đề.
Mùa
xuân năm (Diên Hi) thứ mười chín, đề cử Khương Duy lên địa vị Đại tướng quân,
cai quản binh mã. Duy cùng Trấn Tây tướng quân Hồ Tế ước hẹn hội quân ở Thương
Nhai. Tế thất hẹn không đến. Tháng tám mùa thu (năm ấy), Duy bị Nguỵ Đại tướng
quân Đặng Ngải đánh bại ở Thượng Nhai. Duy rút quân trở lại Thành Đô. Cùng năm,
lập con là Toản làm Tân Bình Vương. Đại xá.
Năm
(Diên Hi) thứ hai mươi, nghe tin Nguỵ Đại tướng quân Gia Cát Đản ở Thọ Xuân làm
phản, Khương Duy lại dẫn quân ra Lạc Cốc, đánh đến Mang Thuỷ. Năm ấy đại xá.
Đổi niên hiêu thành Cảnh Diệu nguyên niên. Khương Duy quay về Thành Đô. Sử quan nói Cảnh tinh hiển hiện, vì vậy đại xa, đổi niên hiệu. Hoạn quan Hoàng Hạo bắt đầu nắm hết quyền chính.
Ngô Đại tướng quân Tôn Lâm phế chúa là (Tôn) Lượng, lập
Lang Nha Vương Tôn Hưu (làm vua).
Năm (Cảnh
Diệu) thứ hai, tháng sáu mùa hạ, lập con là Kham làm Bắc Địa Vương, Tuân làm
Tân Hưng Vương, Kiền làm Thượng Đảng Vương.
Tháng
chín mùa thu năm (Cảnh Diệu) thứ ba, truy thuỵ cố tướng quân Quan Vũ, Trương
Phi, Mã Siêu, Bàng Thống, Hoàng Trung.
Tháng
ba mùa xuân năm (Cảnh Diệu) thứ tư, truy thuỵ cố tướng quân Triệu Vân.
Tháng
giêng mùa xuân năm (Cảnh Diệu) thứ năm, Tây Hà Vương Tông chết. Cùng năm,
Khương Duy lại dẫn quân ra Hầu Hoà, bị Đặng Ngải đánh bại, quay về đóng ở Đạp
Trung.
Mùa hạ năm (Cảnh Diệu) thứ sáu, Nguỵ cất đại quân, lệnh cho Chinh Tây tướng quân Đặng Ngải, Trấn Tây tướng quân Chung Hội, Ung Châu Thứ Sử Gia Cát Tự mấy đường cùng tấn công. Vì thế (Hậu Chủ) sai Tả Hữu Xa Kỵ tướng quân Trương Dực, Liêu Hoá; Phụ Quốc tướng quân Đổng Quyết ra chống địch. Đại xá, đổi niên hiệu thành Viêm Hưng. Mùa đông năm ấy, Đặng Ngải đánh bại Vệ tướng quân Gia Cát Chiêm ở Miên Trúc.
(Hậu Chủ) dùng kế sách của Quang Lộc Đại phu Tiếu Chu, ra hàng Ngải, dâng thư rằng: ”Giới hạn phân chia Giang - Hán, nhìn rõ mới thấu thâm sâu. Đất Thục đẳng bậc ở ngoài rìa, nhỏ bé riêng một góc, lỗ mãng trái với mệnh trời, một thời dần dần đã trôi qua, cùng với kinh kỳ cách xa hàng vạn dặm. Thường nghĩ đến những năm Hoàng Sơ(15) Văn Hoàng Đế(16) chọn lấy Hổ Nha tướng quân là tiên phụ mà ban lệnh, tuyên bố mật chiếu, trình bày ân điển, (cho) thiết lập đất đai môn hộ, tỏ rõ đại nghĩa. Chỉ vì đức bạc tài hèn, tham việc tư riêng bỏ sót sự nghiệp, cúi xuống ngẩng lên làm hại phép nước, chưa thuận theo được kỷ cương. Thiên oai chấn động khắp nơi, thần người đều vì thuận với số mệnh mà theo về, việc khiếp hãi vương sư thần vũ chỉ là thứ yếu. Mạo muội cũng chẳng dám vắng mặt, xin quy phụ mà nghe theo mạng lệnh! Nay lập tức răn bảo các tướng quẳng thương cởi giáp; quan lại gắng sức gìn giữ kho tàng, một thứ cũng không huỷ hoại. Áo vải bình dân lương thực có dư cho phép nghỉ ruộng để đợi ân trạch sau này mà bảo toàn tính mạng cho trăm họ.
Cúi mong Đại Nguỵ ban bố ân đức, thiết trí giáo hoá. Như bậc tể phụ Y, Chu(17) bao dung người thua cuộc, chứa chấp kẻ khốn cùng.
Kính sai bọn bọn liêu thuộc ở tư gia là Thị Trung Trương Thiệu, Quang Lộc Đại phu Tiếu Chu, Phụ Mã Đô Uý Đặng Lương mang ấn tín đến dâng lên, thỉnh cầu mệnh lệnh, trình báo lòng thành, dâng nộp điều trung. Sống chết ban cho, chỉ tuỳ phán xét. Xe áo quan đang ở sát bên, không dám rườm lời mà phân bua cặn kẽ.” Hôm đó, Bắc Địa Vương Kham đau đớn vì mất nước mà chết. Trước giết vợ con, sau tự ải chết.
Hán Tấn
Xuân Thu chép: Hậu Chủ thuận theo kế sách của Tiếu Chu. Bắc Địa Vương Kham giận
nói: ”Nếu như lý đuối lực tàn, hoạ hoạn khó tránh, dù cho cha con vua tôi dựa
lưng vào tường thành mà đánh một trận, chết cùng xã tắc, cũng có thể gặp mặt
Tiên Đế vậy.” Hậu Chủ không chấp thuận, rút cuộc sai đưa ấn tín đi (dâng nộp).
Hôm ấy, Kham khóc trong Chiêu Liệt miếu, rồi trước giết vợ con sau tự sát chết.
Tả hữu không ai không rơi lệ khóc.
Thiệu, Lương cùng Ngải gặp nhau ở Lạc huyện. Ngải nhận được thư (hàng) rất mừng,lập tức viết thư hồi đáp,
Vương Ân Thục Ký chép: Thư hồi báo của Ngải nói: ”Phép tắc vương giả để lạc phương hướng, quần hùng trỗi dậy, long hổ chiến tranh, cuối cùng thuộc về chân chủ, đó đại khái là cái đạo đi về của thiên mệnh vậy. Từ xưa thánh đế rồi đến Hán Nguỵ, nhận mệnh trời làm vuatuyệt chẳng có ai không ở tại Trung thổ. Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư(18) đều là khuôn phép của thánh nhân, hưng thịnh nghiệp lớn mà không có nguồn gốc từ đó, chưa có ai là không đảo điên nghiêng đổ. Ngỗi Hiêu(19) nương tựa vào đất Lũng mà bị bại vong, Công Tôn Thuật(20) chiếm cứ đất Thục mà bị tiêu diệt là vết xe đổ làm gương từ đời trước vậy. Thánh Thượng anh minh, tể thần lương đống, sánh vai cùng nhau hưng khởi nhà vàng, lập nên huân lao to lớn một thời. (Tôi) Vâng mệnh lai chinh, vẫn nghĩ đến âm hưởng tốt lành nghe được, quả nhiên chỉ phiền sứ giả lại qua, thông báo phúc tin, đây chẳng phải việc của người, há là trời mở cửa hay sao! Xưa Vi Tử theo Chu, đích xác làm thượng khách. Bậc quân tử biết ứng phó, bảo tồn đạo nghĩa trong biến động, tới với lời lẽ ôn hoà khiêm cung, lấy lễ mà vác quan tài, đều là điển cố theo mệnh trời mà người sáng suốt đời trước đã làm. Nay bảo toàn quốc gia là thượng sách, huỷ hoại quốc gia là tầm thường. Tự mình không thấu hiểu thông suốt lý sự này, sao có thể tỏ rõ đạo nghĩa của bậc vương giả được!”
Thiện lại sai
Thái Thường Trương Tuấn, Ích Châu Biệt Gía Nhữ Siêu nhận lấy phù tiết. Sai Thái
Phó Trương Hiển đem mệnh lệnh ra răn bảo Khương Duy. Lại sai Thượng Thư lang Lý
Hổ đem hộ khẩu sổ dân đến nộp. Tổng cộng hai mươi tám vạn hộ, nam nữ chín mươi
tư vạn người, giáp binh tướng sĩ mười vạn hai nghìn, quan chức bốn vạn người. Gạo
hơn bốn mươi vạn hộc; vàng bạc các loại hai nghìn cân; gấm, lụa hoa, lụa màu, lụa
sống các loại hơn mươi vạn thếp và nhiều thứ khác.
sai
Thiệu Lương về trước. Ngải đến cửa bắc thành, Hậu Chủ khiêng quan tài, tự trói
đến cửa quân môn. Ngải đốt quan tài, cởi trói (cho Hậu Chủ) mời vào gặp mặt.
Tấn
Chư Công Tán chép: Lưu Thiện cưỡi xe la đến yết kiến Ngải không kể đến lễ số của
kẻ vong quốc.
(Ngải)
Nhân đó thuận theo quy chế phong Hậu Chủ làm Phiêu Kỵ tướng quân. Những người
tiết tháo xung quanh, gặp phải lời răn bảo của Hậu Chủ, về sau phải chịu khuất
phục. Ngải an trí Hậu Chủ trong cung cũ, tự mình qua lại thăm hỏi, chỗ nương nhờ
chưa có gì khe khắt. Tháng giêng năm sau, Ngải bị bắt. Chung Hội từ Phù đến
Thành Đô gây loạn. Chẳng được bao lâu Hội chết, trong Thục quân binh cướp bóc
giết tróc, người chết ngổn ngang mất vài ngày mới an ổn lại.
Cả nhà Hậu Chủ bị chuyển sang đông, không lâu đến được Lạc Dương.
Sách mệnh viết rằng: ”Duy tháng ba năm Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Nguyên thứ năm.
Hoàng Đế ngự ra bên ngoài chính điện. Sai quan
Thái Thường gia mệnh Lưu Thiện làm An Lạc huyện công. Trong lúc nhà trò hát xướng,
lên nghe lệnh trẫm! Ôi! Nối tiếp trời cao, nâng đỡ vạn vật, lấy điều hết thảy
cùng trông ngóng làm trọng yếu, an định thiên hạ, theo thời thế ôn hoà làm nên
hưng vượng. Tự mình dưỡng dục chúng sinh ấy là cái đạo của bậc quân vương. Mà
thuận theo ý trời ấy là cái nghĩa làm mẹ của muôn dân. Trên dưới quan lại thuận
hoà, vạn vật nhờ thế rồi mới tốt tươi, bách tính được hưởng thụ thái bình. Nếu
như Hán thị mất người nối vào tông thống, sáu cõi sẽ đều nhiễu nhương chấn động.
Bản Thái Tổ(21) thuận theo vận mệnh, hưng khởi nghiệp rồng, cứu giúp rộng rãi
khắp tám phương, là bởi dùng lẽ hoà theo đạo trời, thuận lòng lê dân, có tâm an
ủi vỗ về lớn nhỏ. Đương thời cha người nhân khi quần kiệt mạnh mẽ tương tranh
nhiều lần chẳng chịu an định. Lợi dụng trời đất xa xôi cách trở, chiếm giữ
thành trì xứ Thục, nên khiến một góc phía tây biên giới thành ra khu biệt,
cương vực bên ngoài ách tắc cách ngăn. Từ đó, chinh chiến không ngừng, bách
tính lê dân không được bảo an tính mạng, đến nay đã được gần năm kỷ(22). Di chí
tổ tông để lại trẫm luôn hằng nhớ, tâm tư mãi để vào việc vỗ về phủ dụ, tập họp
cả bốn bể, thống lĩnh quốc thổ cùng đi một đường, cho nên tu sửa lục quân, tỏ
rõ oai phong ở vùng Lương Ích. Công(23) đức độ cao vời, nghiêm nhặt kiên trì đạo
chính, chẳng sợ uỷ khuất đem thân làm tin, lấy tình thương dân toàn quốc làm trọng,
nén lòng sửa đổi lo toan, biến báo cập thời, hành vi lời nói đều theo thứ tự,
đáng được nhận phúc lộc vô cùng dành cho kẻ tả hữu, há có thể xa rời hay sao!
Trẫm rất đẹp lòng, vua tôi chung hưởng an bình rạng rỡ dài lâu, để tham cứu lời
răn dạy của tiền nhân, đáp đền công lao cho
người khai quốc. Noi theo tích cũ, này con bò đen, kia gói cỏ trắng, mãi
mãi là phụ thần nước Nguỵ, luôn luôn tôn kính vậy. Công nếu quả cung kính mà phục
tùng lệnh trẫm, có thể mở rộng đức tâm, cuối cùng rồi sẽ vẻ vang hiển hách.”
Thực ấp
vạn hộ, lụa được ban vạn thếp, nô tì một trăm người, ngoài ra các vật đều xứng
đáng. Con cháu có ba người làm Đô Uý, được phong Hầu hơn năm mươi người. Bọn
Thượng Thư Lệnh Phàn Kiến, Thị Trung Trương Thiệu, Quang Lộc Đại phu Tiếu Chu,
Bí Thư Lệnh Khích Chánh, Điện Trung Đốc Trương Thông thảy đều được phong làm Liệt
Hầu.
Hán Tấn Xuân Thu chép: ‘Tư Mã Văn Vương(25) cùng Thiện dự yến, trong tiệc cử hành nhạc điệu có nguồn gốc từ đất Thục. Người xung quanh đều động lòng cảm thương chua xót, nhưng Thiện vẫn cười nói như thường. Vương nói với Giả Sung rằng: ”Người vô tình có thể đến thế này sao! Ví phỏng dù Gia Cát Lượng còn tại thế, cũng không thể giúp đỡ dài lâu chu chu toàn cho nổi, huống chi là Khương Duy?” Gỉa Sung đáp: ”Nếu không phải vậy, Điện hạ vì cớ gì mà gồm thâu được.”
Ngày khác, Vương hỏi Thiện rằng: ”Có nhớ đất
Thục lắm không?” Thiện đáp: ”Chỗ này vui lắm, không nhớ gì Thục cả.” Khích
Chánh nghe được, xin gặp Thiện nói: ”Nếu Vương lại hỏi đến, nên khóc mà đáp rằng:
‘Phần mộ tổ tiên nằm ở đất Lũng Thục xa xôi, bởi vậy trong long thương nhó miền
tây, không ngày nào không không hoài niệm’, nhân đó mà nhắm mắt.”. Đến khi
Vương hỏi lại, (Thiện) đáp như trên. Vương nói: ”sao chỉ giống như lời Khích Chánh
vậy!” Thiện kinh hãi nói: ”Qủa đúng như lời ngài.” Tả Hữu đều bật cười.
Công
hoăng (24) năm Thái Thuỷ(25) thứ bảy ở Lạc Dương. Thục ký chép: Thuỵ là Tư Công
Tử Tuân Tự.
Bình rằng:
Hậu Chủ lúc uỷ nhiệm cho trung thân hiền tướng thì là bậc quân vương biết theo
lý lẽ, đến khi bị mê hoặc bởi hoạn quan, người hầu thì thành ra hôn quân ám
chúa. Sách nói rằng ”tơ sống không bền chắc, được cái dễ bị nhuộm” quả nhiên là
vậy! Lễ nói, quốc quân kế tục thể chế, vươt san năm mời thì thay niên hiệu,
nhưng ngay năm Chương Vũ thứ ba liền chuyển sang goi là Kiến Hưng. Tham cứu ý
nghĩa từ cổ đại, thấy (việc này) trái với đạo lý. Lại thêm quốc gia không thiết
lập cơ quan chuyên về sử sách, sự kiệ không có người biên chép, do đó việc làm
phần lớn bị bỏ sót, tai hoạ kỳ sự cũng chẳng được ghi lại. Gia Cát Lượng tuy
thông đạt ở mặt sách lược pháp lệnh, song cũng là loại tầm thường, vì vậy trải
qua nhiều năm mà chưa chu toàn được việc này. Nhưng coi sóc sửa sang công việc
mười hai năm niên hiệu không xê dịch, việc quân luôn phát động mà không tuỳ tiện
ban bố đại xá, cũng không phải là trác tuyệt hay sao. Từ khi Lượng chết về sau,
quy chế dần suy sụp, hơn kém rõ rệt vậy.
Hoa
Dương Quốc Chí chép: Thời Lượng làm Thừa tướng, có lời bàn rằng tiếc không có
công đại xá. Lượng đáp: ”Trị nước cần đức lớn chứ không dùng ơn nhỏ. Xưa Khuông
Hành(27), Ngô Hán(28) không đồng ý thi hành đại xá. Tiên Đế cũng từng có lời
sai ta chu toàn nhà của cho Trần Nguyên Phương, Trịnh Khang Thành(29), mỗi lần
gặp gỡ thì bẩm bạch báo lại. Cái đạo lý trị loạn tất phải là như vậy mà không cần
bàn chuyện đại xá. Cứ như Lưu Cảnh Thăng(30) hay cha con Quý Ngọc(31) mỗi năm lại
đại xá mà có giúp ích gì cho việc trị nước.”
Thần
Tùng Chi thấy rằng: ”Không tuỳ tiện ban bố đại xá” quả thật có thể tán dương.
Còn như ”niên hiệu không xê dịch” thì vẫn chưa đạt đến. Xét niên hiệu như Kiến
Vũ(32), Kiến An(33) đều rất lâu không thay đổi mà chưa nghe sử sách xưa kia đàm
luận ngợi khen gì. ”Coi sóc sửa sang công việc mười hai năm” không thể coi là
trác tuyệt. Tách biệt (giai đoạn trước và sau khi Lượng chết) vốn là có ý khác,
mà lập luận chẳng đến nơi. Sau khi Lượng chết là những năm niên hiệu Diên Hi có
đến hơn hai mươi năm sung mãn, (cho nên) nói đến ”quy chế dần dần suy sụp” lại
là chẳng đúng.
CHÚ THÍCH
(1)
Lên làm Hoàng Đế.
(2)
Chiếu vua ban dùng riêng cho việc phong chức ban tước.
(3)
Lam một việc đạt được ba điều thiện
(4) Đại
nho đời Hán.
(5) Đỗ
Vi tự nhận mình điếc nên giao thiệp bằng cách viết ra giấy, xem thêm Đỗ Vi truyện,
Thục thư quyển 12.
(6)
Chiêu Liệt là miếu hiệu của Lưu Bị.
(7)
Hoàng Hà, Lạc Thủy
(8) Hạng
Tịch là tên thật của Hạng Vũ.
(9)
Thành Thang nhà Ân Thương đánh bại vua cuối cùng nhà Hạ là Kiệt ở Minh Điều
nhưng không giết mà chỉ bắt kẻ thua trận đi đày ở Nam Sào.
(10)
Văn Vương đánh Trụ Vương nhà Ân Thương để lập nên nhà Chu, trận chiến quyết định
diễn ra ở Mục Dã. Quân nhà Thương đông hơn nhưng không muốn chiến đấu vì hôn
quân nên phần lớn buông giáo đầu hàng.
(11)
Phụ Quả vốn là Trí Quả của Trí thị - cường thần nước Tấn thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Trí Tử giao quyền điều hành Trí thị cho Trí Bá, Trí Quả không bằng lòng bèn đổi
sang họ Phụ, tuyệt giao với Trí thị nhờ đó tránh được họa diệt tộc khi Trí thị
bị Triệu thị, Ngụy thị, Hàn thị liên kết lật đổ.
(12)
Vi Tử (Khải) là em cùng mẹ của Trụ Vương, đầu hàng nhà Chu, lúc đầu giữ địa vị
khách khanh, sau khi Chu Công Đán dẹp tan cuộc nổi dậy của Vũ Canh - con trai
Trụ Vương ở đất Ân, nhà Chu phong tước Công (lớn nhất trong các chư hầu) ở đất ấy
để giữ hương hỏa nhà Ân Thương. Là người sáng lập nước Tống thời Xuân Thu Chiến
Quốc.
(13) Hạng
Bá là người tiệt lộ âm mưu thích sát Lưu Bang tại Hồng Môn yến của Hạng Vũ cho
Trương Lương về sau hàng Hán, được phong hầu.
(14)
Ngô Ý.
(15)
Tào Phi lên làm vua niên hiệu là Hoàng Sơ.
(16)
Ngụy Văn Đế Tào Phi.
(17) Y
Doãn nhà Thương và Chu Công Đán nhà Chu cả hai đều nổi danh hiền thân phụ
chính.
(18)
Theo truyền thuyết xưa của Trung Quốc, trên sông Hoàng Hà đã từng xuất hiện con
long mã trên mình có đồ (Đường vẽ ngoằn nghoèo) gọi là Hà đồ và trên sông Lạc
Thủy xuất hiện con thần qui, trên lưng có thư gọi là Lạc thư. Được coi là nguồn
gốc của văn hóa Trung Quốc.
(19)
Thủ lĩnh cát cứ khu vực Lũng Hữu đầu thời Đông Hán, bị Hán Quang Vũ đánh bại.
(20)
Thủ lĩnh cát cứ đất Thục đầu thời Đông Hán, từng xưng đế, bị Hán Quang Vũ đánh
bại.
(21)
Chỉ Tào Tháo, Tào Phi xưng đế truy thụy cho cha là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế.
(22) Mỗi
kỷ là 12 năm.
(23)
Lúc này Lưu Thiện được phong An Lạc huyện công nên Công ở đây là chỉ Lưu Thiện.
(24) Ở
đây Trần Thọ dùng chữ ”hoăng” như bậc quân vương thay cho chữ ”tử” hoặc ”tốt”.
(25)
Tư mã Chiêu.
(26)
Thái Thủy là niên hiệu của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm, Thái Thủy thứ bảy là năm 271.
(27) Đại
nho đời Hán.
(28)
Khai quốc công thần thời Hán Quang Vũ.
(29)
Không rõ là ai.
(30)
Lưu Biểu tự là Cảnh Thăng.
(31)
Lưu Chương tự là Quý Ngọc.
(32)
Kiến Vũ là niên hiệu của Hán Quang Vũ, kéo dài 32 năm từ 25 đến 56.
(33)
Kiến An là niên hiệu của Hán Hiến Đế, kéo dài 25 năm từ 196 đến 220.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét