LÃ KHẢI TRUYỆN
Lã Khải tự Quý Bình,
người quận Vĩnh Xương, huyện Bất Vi.
Tôn Thịnh Thục thế phổ
chép: Trước, nhà Tần dời hết con cháu họ hàng của Lã Bất Vi vào Thục Hán. Thời
Hán Vũ Đế khai phá phía tây Nam Di, lập các quận huyện, dời nhà họ Lã tới đó,
nhân thế mới gọi là huyện Bất Vi.
Lã Khải làm Ngũ quan duyện và Công tào ở quận. Bọn Ung Khải nghe tin Tiên chủ mất ở Vĩnh An, lại càng thêm kiêu căng ngạo mạn. Quan Đô hộ Lý Nghiêm sáu lần viết thư cho Ung Khải, phân tích lợi hại, Ung Khải chỉ trả lời có một lần rằng: Người ta nói trên cao chẳng có hai mặt trời, dưới đất chẳng có hai vua, nay thiên hạ chia ba, phương nào cũng nói mình chính thức, bởi thế người ở nơi xa xôi lo sợ nghi ngờ, chẳng biết theo ai vậy.
Rồi vẫn phóng túng kiêu ngạo như trước. Ung Khải lại hàng Ngô, Ngô từ xa đặt Ung Khải làm Thái thú Vĩnh Xương. Vĩnh Xương nằm ở phía tây quận Ích Châu, đường giao thông tắc nghẽn, ngăn cách hoàn toàn với Thục, Thái thú quận (Ung Khải?) sửa chữa đường đi, Lã Khải cùng Phủ thừa của Thục quận là Vương Kháng đốc suất, khích lệ dân chúng, đóng cửa biên giới cự Ung Khải. Ung Khải mấy lần truyền hịch khắp Vĩnh Xương, tuyên truyền đủ thứ.
Lã Khải đáp lại hịch rằng: Trời giáng xuống loạn lạc, gian hùng thừa cơ, thiên hạ đều nghiến răng căm hận, vạn quốc đều thương tiếc, từ kẻ bầy tôi cho tới nàng hầu chẳng ai không dốc hết gân sức, gan óc lầy đất, để trừ quốc nạn. Phục duy tướng quân một đời thụ Hán ân, tôi cho rằng đây chính là lúc tướng quân tụ tập binh tướng, xông lên phía trước, trên có thể báo quốc ân, dưới chẳng phụ tiền nhân, công ghi vào sử sách, danh để tới nghìn thu. Sao lại đi làm kẻ nô bộc cho Ngô Việt, bỏ gốc lấy ngọn vậy ư?
Xưa vua Thuấn chuyên cần việc dân đến nỗi chết ở Thương Ngô (13), thư tịch đều khen ngợi Thuấn, tiếng lưu tới vô cùng. Vua băng hà ở bến sông, thật đáng thương thay! Văn, võ đều nghe lệnh, thịnh vượng khắp nơi nơi. Tiên đế như con rồng bay lên, hải nội đều nghe tiếng, thừa tướng sáng suốt, tự nhiên trời ban an khang. Mà tướng quân lại chẳng thấy giường mối của thịnh suy, cái điềm của thành bại, ví như lửa cháy nơi cánh đồng, dẫm đạp nơi sông băng, lửa tắt băng tan, biết dựa vào đâu? Ngày xưa tiên tổ của tướng quân là Ung hầu (14) vốn gây oán nghiệt còn được phong chức, Đậu Dung (15) hiểu biết thế thịnh hưng, trở về với cội nguồn, đều lưu danh tới mai sau, hậu thế ca ngợi.
Nay Gia Cát thừa tướng tài trí siêu quần, thấu rõ tương lai, nhận mệnh thác cô của Tiên đế, phò trợ ấu chúa, chẳng ghen ghét ai, chỉ ghi công mà bỏ qua lầm lỗi. Tướng quân nếu có thể triệt để thay đổi ý định, dừng chân lùi bước, thì chẳng khó theo kịp cổ nhân, đáng là người đứng đầu cõi biên thùy vậy! Xưa nước Sở chẳng cung kính, Tề Hoàn Công (16) trách mắng thật phải, Phù Sai tiếm xưng (17), người Tấn chẳng được lâu bền, huống chi kẻ thần tử lầm lỗi với chúa, có ai mong muốn theo không (18)? Thiết nghĩ chuyện xưa, kẻ bầy tôi không kết giao vượt biên giới, bởi thế trước sau có đi mà không có lại (19). Nhận được cáo thị của tướng quân, nỗ lực quên ăn quên ngủ, cho nên lược bày những suy nghĩ cá nhân, mong tướng quân xét rõ vậy. Lã Khải ân uy gồm đủ, trong quận tin cậy, bởi thế giữ được trật tự ở đó.
Đến lúc Thừa tướng Gia Cát Lượng nam chinh thảo phạt Ung Khải, đã lên đường,
thì Ung Khải bị tướng tá của Cao Định giết chết. Lượng tới phương nam, dâng biểu
rằng: Quận lại ở Vĩnh Xương là Lã Khải cùng Phủ thừa Vương Kháng ở nơi xa xôi vẫn
giữ vững lòng trung, hơn mười năm trời; Ung Khải, Cao Định áp bức phía đông bắc,
mà Lã Khải, Vương Kháng vẫn giữ trọn tiết nghĩa chẳng chịu cấu kết. Thần chẳng
ngờ phong tục ở Vĩnh Xương lại chính trực vô cùng như vậy! Rồi cho Lã Khải làm
Thái thú Vân Nam, phong tước Dương Thiên Đình hầu. Sau Lã Khải bị người Di phản
loạn hại chết, con là Lã Tường nối dõi. Còn Vương Kháng cũng được phong làm
Đình hầu, nhậm chức Thái thú Vĩnh Xương.
Thục thế phổ chép: Lã
Tường sau làm Nam Di hiệu úy đời nhà Tấn, con Tường cùng cháu làm Thái thú Vĩnh
Xương. Lí Hùng đánh phá Ninh Châu, họ Lã không theo, cố thủ ở quận. Vương Kháng
cũng giữ trọn được tiết tháo.
CHÚ THÍCH
(13) Vua Thuấn mất tại
bến sông Tương trong lúc đi tuần thú ở Thương Ngô.
(14) Theo sách Khổng Minh Gia Cát Lượng của Trần
Văn Đức thì Ung Khải là hậu duệ của Hợp Hương hầu Ung Sỉ.
(15) Đậu Dung là quan
trấn thủ đất Hà Tây thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Sau ông mang đất Hà Tây
quy phục Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, được phong thưởng rất nhiều.
(16) Tề Hoàn Công là
vị vua giỏi của nước Tề thời Chiến quốc, nước Tề lúc ấy được sự phò tá của Quản
Trọng trở thành bá chủ chư hầu.
(17) Phù Sai là vua nước Ngô thời Chiến quốc. Ban
đầu ông dùng hai đại thần là Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ khiến nước Ngô rất cường thịnh,
đánh bại nước Việt. Sau ông tham tranh giành quyền bá chủ với nước Tấn mà không
nghe lời Ngũ Tử Tư đề phòng tai vạ phía sau (nước Việt) nên cuối cùng bị Việt
Vương Câu Tiễn tiêu diệt.
(18) Ý Lã Khải đoạn này là: Đến làm vua một nước mạnh
còn chẳng được các nước khác theo, nữa là một kẻ bầy tôi phản chúa, tất chẳng
có ai theo.
(19) Ý Lã Khải là: bầy tôi không thể đối xử với
người ngoài nước mình theo kiểu bạn bè có đi có lại được. Đây hàm ý chuyện Ung
Khải vốn là quan của Hán triều lại theo Ngô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét