Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

LÝ KHÔI TRUYỆN

 


LÝ KHÔI TRUYỆN

Lý Khôi tự Đức Ngang, là người ở quận Kiến Ninh, huyện Du Nguyên. Trước làm quan đốc bưu của quận, dượng là Thoán Tập làm Kiến Linh lệnh, có vi phạm, Khôi xét tội Tập rồi miễn quan chức. Thái thú Đổng Hòa thấy Tập là người thuộc họ lớn ở địa phương, nên bỏ qua việc đó không nghe Khôi.


Hoa dương quốc chí chép: Tập sau làm quan tới Lĩnh quân.


Sau Đổng Hòa tiến cử Khôi lên châu, Khôi đang lặn lội trên đường thì nghe tiên chủ từ ải Hà Manh hồi binh tấn công Lưu Chương. Khôi biết Chương tất thua, mà Tiên chủ tất thắng, bèn thoái thác chức Quận sử, lên bắc gặp Tiên chủ ở Miên Trúc. Tiên chủ khen Khôi, đưa theo tới Lạc Thành, sai Khôi tới Hán Trung giao hảo với Mã Siêu, Siêu bèn vâng lệnh. Thành Đô đã định, Tiên chủ lĩnh chức Ích Châu mục, lấy Khôi làm Công tào thư tá chủ bộ. Sau có tù binh vu cáo Khôi làm phản, quan lại muốn bắt giải đi, Tiên chủ biết rõ chẳng phải như thế, lại thăng Khôi làm Biệt giá tòng sự.  Năm Chương Vũ nguyên niên, Lai Hàng đô đốc Đặng Phương chết, Tiên chủ hỏi Khôi: Ai có thể thay được? Khôi đáp: Mỗi người đều có sở trường sở đoản, bởi thế Khổng Tử mới nói: Có dùng mới biết tài. Vả lại Minh chủ ở trên cao, kẻ bày tôi phải thật lòng, giống như chiến dịch Tiên Linh, Triệu Sung Quốc (12) nói: Chẳng ai ngoài lão thần. Nay thần chẳng dám đo lường việc chọn lựa, chỉ xin bệ hạ xét cho rõ việc ấy. Tiên chủ cười nói: Bổn ý của Cô là nhắm khanh vậy. Rồi lấy Khôi làm Lai Hàng đô đốc, cho giữ cờ tiết, lĩnh chức Giao Châu thứ sử, đóng tại huyện Bình Di.


Thần Tùng Chi hỏi thăm người đất Thục, họ nói Lai Hàng cách Thục hơn hai nghìn dặm, lúc ấy chưa có Ninh Châu (宁州), gọi là Nam Trung, mới lập chức Trù Hàng đô đốc để cai trị cả xứ ấy. Đến thời nhà Tấn mới phân làm Ninh Châu.


Tiên chủ mất, Cao Định làm bậy ở Việt Huề, Ung Khải ngang ngược ở Kiến Ninh, Chu Bao nổi loạn ở Tang Ca. Thừa tướng Lượng nam chinh, bắt đầu từ Việt Huề, còn Khôi giữ đường Kiến Ninh. Tướng các huyện tụ tập làm loạn, vây quân Khôi ở Côn Minh. Lúc ấy binh Khôi ít mà địch nhiều, lại không nghe được tin về Lượng, mới bảo người Nam rằng: Quan quân đã hết lương, muốn rút lui, tôi xa quê đã lâu, nay được trở về, chẳng lên bắc nữa, mà muốn cùng các ông bàn mưu tính kế, bởi thế mới chân thành tương cáo. Người Nam tin Khôi, bởi thế vòng vây lơi lỏng. Khôi nhân đó ra đánh, đại phá quân Nam, đuổi giết tàn quân địch, phía nam tới Bàn Giang, phía đông thông với Tang Ca, cùng với Lượng thanh thế tương liên. Đất Nam đã bình xong, Khôi có nhiều quân công, được phong làm Hán Hưng Đình hầu, An Hán tướng quân. Sau quan quân quay về, người Di ở phía nam lại phản loạn, giết chết quan cai trị ở đấy. Khôi tự mình đem quân thảo phạt, trừ sạch kẻ ác, dời hết những nhà có ảnh hưởng ở đó về Thành Đô, cho thu thuế, trừ người già không phải nộp, trâu cày, chiến mã, vàng bạc, da tê giác của người rợ sung vào quân, bởi thế phí dụng đầy đủ. Năm Kiến Hưng thứ bảy, bởi Giao Châu thuộc về Ngô, Khôi được cho thôi chức Thứ sử Giao Châu, đổi làm Thái thú Kiến Ninh, về ở quận nhà. Sau dời tới Hán Trung, năm Kiến Hưng thứ chín thì mất. Con là Di nối dõi. Con của em Khôi là Cầu, làm Hữu bộ đốc của Ngự lâm quân, theo Gia Cát Chiêm chống cự Đặng Ngải, chết tại trận chiến ở Miên Trúc.

 

CHÚ THÍCH

(12) Triệu Sung Quốc là danh tướng nhà Hán. Đời Hán Tuyên Đế, ông đã già vẫn hăng hái xung phong xin đi đánh giặc Khương và nói như trên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét