Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

CHU QUẦN TRUYỆN

 


CHU QUẦN TRUYỆN

Chu Quần tự Trọng Thực, người Lãng Trung quận Ba Tây. Cha (Quần) là Thư tự Thúc Bố, lúc nhỏ theo học Dương Hậu người Quảng Hán, danh tiếng ngang với Đổng Phù, Nhậm An. Vài ba lần được gọi (ra làm quan) nhưng cuối cùng đều không tới. Người đương thời hỏi rằng: Sách “Xuân Thu Sấm” có nói: ‘Thay thế nhà Hán là Đương Đồ Cao’, lời này nghĩa là sao? Quần nói: “Đương Đồ Cao là (nhà) Ngụy đấy.” Kẻ có học trong vùng ngầm truyền nhau lời này (của Thư). Quần được Thư dạy dỗ từ thưở bé, chuyên tâm vào việc xét thời tiết. Nhà (Quần) giàu nhiều nô bộc, trong sân dựng một ngôi lầu nhỏ, thường sai gia nhân luân phiên túc trực quan sát thiên tượng bất kể ngày đêm, vừa thấy một biểu hiện nào lập tức báo với Quần để Quần tự thân ra xem xét. Vì vậy hễ có thay đổi thời tiết, không có gì (Quần) không trông thấy, do đó lời (Quần nói về khí hậu, điềm triệu) đa phần chính xác. Châu Mục Lưu Chương mời làm Sư Hữu Tòng Sự.


Tục Hán thư chép: ”Năm Kiến An thứ bảy, Việt Tây có nam tử hoá thành nữ nhân. lúc ấy Quần nói thời Ai Đế đã từng có chuyện này, đây là điềm sắp có việc thay triều đổi đại. Đên năm Kiến An thứ hai mươi lăm, Hiến Đế quả nhiên nhận phong về Sơn Dương(1). Tháng mười năm (Kiến An) thứ mười hai, có sao chổi với đuôi chim thuần xuất hiện ở địa phận Kinh Châu. Quần nói ấy là điềm Kinh Châu Mục chết và mất đất. Mùa thu năm sau, Lưu Biểu chết, Tào Công dẹp yên Kinh Châu. Tháng mười hai năm (Kiến An) thứ mười bảy, có sao chổi với năm quầng. Quần nói ấy là điềm các thổ hào địa phương cát cứ miền tây đều mất đất. Lúc bấy giờ, Lưu Chương chiếm Ích Châu, Trương Lỗ chiếm Hán Trung, Hàn Toại chiếm Lương Châu, Tống Kiến chiếm Phu Hãn. Mùa đông năm sau, Tào Công sai Thiên Tướng đánh Lương Châu. Năm (Kiến An) thứ mười chín, (Tào Công) bắt được Tống Kiến; Hàn Toại chạy vào Khương Trung rồi bị giết. Mùa thu cùng năm, Chương mất Ích Châu. Mùa thu năm (Kiến An) thứ hai mươi, Tào Công tấn công Hán Trung, Trương Lỗ ra hàng.


Tiên Chủ bình định đất Thục, an bài (Quần) làm Nho Lâm Hiệu uý. Tiên Chủ muốn cùng Tào Công tranh đoạt Hán Trung, hỏi Quần. Quần đáp rằng: ”Được đất mà không được dân. Nếu tiến quân vào chỗ hẻo lánh xa xôi, tất gặp bất lợi, phải cẩn thận đề phòng!” Thời ấy Châu Hậu bộ Tư mã Thục Quận Trương Dụ cũng hiểu việc chiêm bốc, tài vượt quá Quần, Dụ tự Nam Hoà, can Tiên Chủ rằng: “Không nên tranh chiến Hán Trung, ra quân tất bất lợi.” Tiên Chủ không dùng lời Dụ. Qủa nhiên được đất mà không được dân. (Tiên Chủ) sai bọn tướng quân Ngô Lan Lôi Đông tiến quân vào Vũ Đô, đều chết chẳng quay về, đúng như lời Quần nói. Vì thế cử Quần làm Mậu Tài.


Dụ lại nói riêng với người rằng: “Sao Thái Tuế ở phương Canh Tí, thiên hạ có việc đổi triều. Khí số họ Lưu đã hết. Chúa Công được Ích Châu, sau chín năm, vào khoảng Dần Mão thì mất.” Người ấy mật trình (với Tiên Chủ) lời ấy. Trước Tiên Chủ cũng Lưu Chương gặp gỡ ở Phù Thành(2), Dụ làm Tòng Sự cho Chương, ngồi hầu bên cạnh. Tiên Chủ nói vui rằng: ”Xưa tôi ở huyện Trác(3), (huyện ấy) đặc biệt có nhiều người rậm râu. Đông tây nam bắc đêu là các loại râu. Trác Lệnh gọi là Chư mao nhiễu Trác(4)”. Dụ liền  đáp rằng: ”Khi trước có người làm Trưởng ở vùng Lộ đất Thượng Đảng, được thăng làm Lệnh ở huyện Trác. Sau từ quan về nhà, người đương thời nếu viết ra, ghi là Lộ tất thiếu Trác, ghi Trác lại thiếu Lộ bèn viết là Lộ Trác quân.(5)” Tiên Chủ vốn không râu, vì vậy Dụ mới đem chuyện này ra nói. Tiên Chủ (đối với truyện ngày ấy) vẫn ôm giữ trong lòng chẳng bỏ qua. Nay lại càng thêm giận vì lời nói (Dụ) mới tiết lộ ra, bèn (lấy cớ rằng) Dụ cản tranh chiến Hán Trung không chính xác, giam Dụ vào ngục, rồi đem giết. Gia Cát Lượng đâng biểu xin tội cho. Tiên Chủ đáp rằng: “Hoa lan thơm ngát nảy nở cửa ngoài, không thể không bẻ”. Đem (xác) Dụ bêu ngoài chợ. Sau này, nước Nguỵ được lập nên, Tiên Chủ qua đời đều như Dụ đã đoán. Dụ hiểu tướng thuật, mỗi lần giơ gương lên soi đều tự biết mình sẽ phải tội tử hình, vì thế thường đánh rơi gương xuống đất.

 

Quần chết, con là Cự không truyền được thuật (chiêm bốc).

 

CHÚ THÍCH

(1) Hán Hiến đế bị ép nhường ngôi cho Tào Phi và được triều đình mới phong làm Sơn Dương Công.

(2) Lưu Bị vào Thục với danh nghĩa giúp Lưu Chương đánh Trương Lỗ, Chương tiếp Bị ở Phù Thành.

(3) Lưu Bị quê ở Trác huyện.

(4) Râu vây lấy Trác.

(5) Có thể hiểu là : Chàng Trác không râu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét