QUYỂN 9 - ĐỔNG LƯU MÃ TRẦN ĐỔNG LÃ TRUYỆN
Đổng Hòa, Lưu Ba, Mã Lương, Trần Chấn, Đổng
Doãn, Lã Nghệ
Đổng Doãn |
ĐỔNG DOÃN TRUYỆN
Đổng Doãn tự Hưu
Chiêu, con trai quan Chưởng Quân Trung Lang tướng Đổng Hoà. Tiên Chủ lập Thái tử,
Doãn được tuyển làm Xá nhân, theo hầu dắt ngựa. Hậu Chủ kế vị, phong (Doãn) làm
Hoàng Môn Thị lang. Thừa tướng Lượng huy quân bắc chinh, đóng ở Hán Trung, lo Hậu
Chủ phú quý liền năm, khó phân vàng đá, lại thấy Doãn lòng dạ kiên cường công
minh liêm chính, muốn uỷ thác sự vụ trong cung. Dâng sớ tâu rằng: "Bọn Thị
Trung Quách Du Chi, Phí Y, Thị Lang Đổng Doãn, đều do Tiên Đế tuyển chọn đề bạt
để lại cho Bệ hạ, đến lúc suy xét nguyên tắc lợi hại, dâng hết lời trung chính
là nhiệm vụ của họ. Ví như trong cung có việc, bất kể lớn nhỏ, tất thảy cùng
thương nghị ắt có thể sửa chữa, bổ khuyết lỡ lầm thu được lợi ích. Còn như
không có lời lẽ bày tỏ được đức sáng, thì phải trách phạt bọn Doãn, để làm rõ sự
lười biếng của họ.’’ Lượng lại mời Y làm Tham Quân, Doãn lên làm Thị Trung lĩnh
Hổ Bôn Trung lang tướng, chỉ huy Túc vệ thân binh.
Du Chi tính tình cao
khiết hiền hoà, là người chu đáo.
Sở Quốc tiên hiền
truyện viết: Du Chi người Nam Dương, tài danh nổi tiếng đương thời.
Nhận trách nhiệm dâng
lời can gián, Doãn chuyên tâm làm việc. Lấy ngăn ngừa đề phòng mà giải quyết sự
vụ, dốc lòng hết sức khuông phò nêu cao đạo lý. Hậu Chủ thường muốn tuyển thêm
mỹ nữ sung vào hậu cung, Doãn dẫn sự tích các vị cổ đại thiên tử hậu phi không
quá mười hai người, nay cung tần đã đủ, không nên tăng thêm, cuối cùng cố giữ
không nghe theo. Hậu Chủ càng thêm tôn trọng nể vì. Thượng Thư Lệnh Tưởng Uyển
lĩnh Ích Châu Thứ Sử, dâng sớ nhường cho Y và Doãn, lại có biểu rằng: "Doãn
phục vụ trong cung đã nhiều năm, phò tá vương thất, nên ban danh vị đất đai để
tán dương công lao khó nhọc.’’ Doãn cố từ không nhận. Hậu Chủ trưởng thành dần,
tuổi cao quý hoạn quan Hoàng Hạo. Hạo có tài xu nịnh, thuận theo ý vua, muốn
tham dự triều chính. Doãn thường trước nghiêm mặt khuyên chủ, sau trách mắng cật
vấn Hạo. Hạo sợ Doãn, không dám làm trái. Doãn còn tại thế, chức vị của Hạo chỉ
là Hoàng Môn thừa.
Doãn từng hẹn hò ngao
du yến ẩm cùng bọn Thượng Thư Lệnh Phí Y, Trung Điển quân Hồ Tể, cùng nghiêm cẩn
phụng giá hành sự, nhưng Lang Trung Tương Dương Đổng Khôi đến nhà sửa đạo chính
cho Doãn. Khôi tuổi trẻ chức thấp, đề nghị Doãn huỷ bỏ cuộc vui, quay ngựa trở
về, Doãn không đồng ý nói: "Ta sở dĩ ra ngoài chỉ là muốn cùng bạn tốt dạo
chơi đàm luận, nay ngài cố ý bẻ cong lý lẽ, thổi phồng sự việc, bỏ cuộc đàm luận
này, dự buổi yến tiệc kia, chẳng có ý nghĩa gì cả.’’ Bèn ra lệnh cởi xe, cùng bọn
Y bỏ cuộc không đi nữa. (Doãn) giữ đạo chính với kẻ dưới thường là như thế vậy.
Tương Dương ký chép:
Đổng Khôi tự Hưu Tư, người Tương Dương. Vào Thục, làm Tuyên Tín Trung Lang theo
Phí Y sang sứ nước Ngô. Tôn Quyền từng say rượu hỏi Y rằng: "Dương Nghi, Nguỵ
Diên đều là loại trẻ trâu nhỏ mọn, tuy tuỳ nơi tuỳ lúc làm được điều nọ điều
kia hữu ích, song khi giao cho trọng nhiệm, tất không thể xem thường, nếu một
mai không còn Gia Cát Lượng, tất họ sẽ gây hoạ làm loạn vậy. Các ông bối rối,
sao không biết đề phòng nỗi lo này, đã để lại mưu lược quyết sách cho cháu con
chưa?’’ Y ngạc nhiên ngoái lại nhìn, không thể đáp ngay được. Khôi nhìn Y nói: "Ngắn gọn có thể đáp rằng, lâu dài không hoà hợp cùng nhau được tất sinh ra
những thù hận riêng tư, nhưng chưa có dấu vết biểu hiện gì cũng khó dựng tường
mà chế ngự ý niệm của người ta. Nay đang lúc đánh dẹp cường địch, công lao do
năng lực mà có, sự nghiệp nhờ tài trí mà thành, nếu thôi không dùng những người
ấy để phòng hậu hoạn thì cũng như dùng sách lược đục thuyền bẻ chèo mà phòng
sóng to gió ngược, không phải là kế lâu dài vậy.’’ Quyền vừa ý cười lớn. Gia
Cát Lượng nghe chuyện, cho là lời hiểu biết. (Khôi) trở về chức cũ được ba
ngày, vời vào Thừa tướng phủ dặn dò, thăng làm Ba Tây Thái Thú.
Thần Tùng Chi xét:
Hán Tấn xuân thu cũng chép câu này, song không nói là lời của Đổng Khôi, ngôn từ
cũng hơi khác biệt. Vậy xem ra hai sách chép hai chuyện bất đồng. Bổn truyện viết: "Khôi tuổi nhỏ chức thấp’’, nếu như từng vào Thừa tướng phủ nghe dặn bảo, ra
làm Ba Quận Thái Thú, tất chức vị không phải như đã chép. Có thể thấy sách này
có lời đáng ngờ chưa thể thẩm định rõ ràng được vậy.
Năm Diên Hi thứ sáu,
thăng thêm chức Phụ Quốc tướng quân. Năm (Diên Hi) thứ bảy làm Thị Trung thủ
Thượng Thư Lệnh làm phó cho Đại Tướng quân Phí Y. Năm (Diên Hi) thứ chín, chết.
Hoa Dương quốc chí
chép: Đương thời người Thục gọi Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Phí Y cùng Doãn bốn
tướng là Tứ Anh đệ nhất hào kiệt.
Trần Chi kế nhiệm
Doãn làm Thị Trung, cùng Hoàng Hạo trong ngoài hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, Hạo bắt
đầu được tham dự vào chính sự. Sau khi Chi chết, Hạo từ Hoàng Môn lệnh lên làm
đến Trung Thường thị, Phụng Xa Đô Uý, nắm giữ quyền bính, thao lộng triều cương
cho đến khi mất nước. Người Thục không ai không tưởng nhớ Doãn. Đến khi Đặng Ngải
đến Thục, nghe tiếng Hạo gian ác, bèn bắt giữ, muốn đem giết, nhưng Hạo hối lộ
nhiều cho bộ hạ của Ngải, được tha.
Chi tự Phụng Tông,
người Nhữ Nam, cháu ngoại của anh trai Hứa Tĩnh. Thuở nhỏ mồ côi, lớn lên trong
nhà Tĩnh. Tuổi trẻ đã nổi tiếng, dần dần được tuyển vào chức Tào Lang, diện mạo
thần thái rất uy võ nghiêm trang.
Nhiều tài năng, giỏi
toán thuật, Phí Y rất lấy làm lạ, cố đưa lên kế tục Doãn làm nội thị. Lữ Nghệ
chết, Chi lại lên làm Thị Trung thủ Thượng Thư Lệnh, them Trấn Quân tướng quân,
Đại tướng quân Khương Duy tuy ngôi vị ở trên Chi, song luôn thống lĩnh tướng sĩ
bên ngoài, hiếm khi đích thân vào chầu tham dự chính sự. Chi trên phụng mệnh
vua, dưới thân hoạn thị, quan hệ mật thiết, tình cảm sâu xa, quyền lớn hơn Duy.
Năm Cảnh Diệu nguyên niên chết, Hậu Chủ đau tiếc, khóc thương rơi lệ, bèn hạ
chiếu rằng: "Chi giữ chức một kỷ, ôn hoà giữ phép, cung kính hữu lễ,thuận
nghĩa ích dân, công nghiệp huy hoàng rạng rỡ. Mạng chẳng dài lâu, trẫm lấy làm
thương tiếc. Người sống để tiếng tốt, tất chết thêm mỹ thuỵ , thuỵ là Trung Hầu.’’.
Ban cho con là Xán tước Nội Hầu, đề bạt con thứ là Dụ vào chức Hoàng Môn thị
lang.
Từ khi Chi được sủng
ái, Hậu Chủ nhớ lại rất giận Doãn ngày xưa, địa vị (của Doãn) từ đó bị xem thường,
cũng bởi Chi là người xu nịnh,cùng Hạo ở bên trong cấu kết dần dần thêm bớt xúc
siểm chuyện cũ mà ly gián. Cháu Doãn là Hoành, thăng làm Ba Tây Thái Thú.
Thần Tùng Chi lấy con
Trần Quần là Thái, con Lục Tốn là Kháng, đời trước truyền lại đời sau, con nối
theo cha tính cách tái hiện không khác biệt, cùng Vương Túc, Đỗ Thứ, Trương Thừa,
Cố Thiệu một dòng, tuyệt chẳng khác nhau, duy chỉ có Doãn một mình sai trái, kiến
giải chưa được rõ ràng, so với đương thời Doãn có tiếng tăm địa vị tốt đẹp cao
sang, sự tích lại càng sai lạc. Cùng với Hạ Hầu Huyền, áo cũ đều có sừng thú sắc
đỏ trang hoàng, cũng là người xa xỉ, Nguỵ thư đề danh tự trong quyển Chư Hạ Hầu
Tào truyện, vậy mà đến lúc chết không mặc thêm chút đồ hoa lệ; Hay Trần Vũ với
biểu cùng tận Thiên Tướng Quân, đều là những việc đã qua không xét rõ được vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét