Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TÀO THÁO TRUYỆN (Phần V)

 


Hứa đô

TÀO THÁO TRUYỆN (Phần V)

Tháng bảy mùa thu, bắt đầu dựng tông miếu xã tắc của nước Ngụy. Thiên tử hỏi ba con gái của Công làm quý nhân, người còn nhỏ phải đợi lớn lên ở nước Ngụy.


Hiến Đế khởi cư chú chép: Sai sứ cầm cờ tiết theo Thái thường Đại tư nông An Dương Đình Hầu là Vương Ấp đem các đồ ngọc, năm vạn thất lụa, lụa đen nhạt, lụa sống đến đất Nghiệp làm lễ hỏi, năm người làm mối, đều lấy làm Nghị lang, làm việc Đại phu, một người làm Phó giới.


Tháng chín, xây đài Kim Hổ, đào kênh dẫn nước sông Chương vào rãnh Bạch Câu để thông vào sông. Tháng mười mùa đông, chia quận Ngụy làm bộ Đông, Tây, đặt quan Đô úy. Tháng mười một, bắt đầu đặt quan Thượng thư, Thị trung, Lục khanh.


Ngụy thị Xuân thu chép: Lấy Tuân Du làm Thượng thư lệnh, Lương Mậu làm Bộc xạ, Mao Giới, Thôi Diễm, Thường Lâm, Từ Dịch, Hà Quỳ làm Thượng thư, Vương Xán, Đỗ Tập, Vệ Kí, Hòa Trị làm Thị trung.


Mã Siêu tại huyện Hán Dương lại dựa vào người Khương, Hồ gây hại, vua của người Đê là Thiên Vạn làm phản theo Siêu, đóng quân ở huyện Hưng Quốc. Sai Hạ Hầu Uyên đánh chúng.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ mười chín, bắt đầu cày ruộng tịch điền. Người quận Nam An là Triệu Cù, người huyện Hán Dương là Doãn Phụng đánh Siêu, chém bêu đầu vợ con của Siêu, Siêu trốn đến Hán Trung. Hàn Toại chạy đến quận Kim Thành, vào làm bộ tướng của vua của người Đê là Thiên Vạn, đem hơn vạn quân kị Khương, Hồ đánh với Hạ Hầu Uyên, đánh phá được chúng, Toại chạy đến quận Tây Bình. Uyên cùng các tướng đánh huyện Hưng Quốc, làm cỏ huyện này. Bỏ các quận An Đông, Vĩnh Dương.


An Định Thái thú Quán Khâu Hưng sắp đến làm quan, Công răn nói: "Người Khương, Hồ qua lại với Trung Quốc, nên tự làm cho người ta đến theo, cẩn thận chớ khiến người ta bỏ đi. Có được người tốt thì khó, phải khuyên bảo người Khương, Hồ làm điều xằng bậy nhân đó để mưu lợi, không nên tự ý làm trái thói tục của họ, nếu tự ý làm thì không có ích". Hưng đến, sai Hiệu úy Phạm Lăng đến miền Khương Trung, Lăng quả nhiên dạy người Khương, sai họ tự xin làm Thuộc quốc đô úy. Công nói: "Ta biết trước như thế, dẫu chẳng phải thánh, nhưng phần lớn đúng thế".


Hiến Đế khởi cư chú chép: Sai quan Thái thường sự Đại tư nông An Đình Hầu là Vương Ấp cùng Tông chính Lưu Ngải đều cầm cờ tiết, năm người môi giới, đem xe nghựa lụa bó, cùng quan Cấp sự, Hoàng môn Thị lang, hai viên Dịch đình thừa, Trung thường thị đón hai quý nhân ở nước Ngụy. Ngày quý hợi tháng hai, lại ở tông miếu của Ngụy Công trao ấn thao cho hai quý nhân. Ngày giáp tí, đến cửa Diên Thu thuộc cung của Ngụy Công, đón quý nhân lên xe. Ngụy Công sai Lang trung lệnh, Thiếu phủ, Bác sĩ, Ngự sử thừa Hoàng cứu lệnh, Thừa tướng duyện thuộc theo hầu hộ tống quý nhân. Ngày quý dậu, hai quý nhân đến giữa đình Vị Thương, sai Thị trung Đan Tương Nhũng dẫn quân hổ bôn trước sau đi ngựa trạm đến đón. Ngày ất hợi, hai quý nhân vào cung, Ngự sử đại phu, quan hai nghìn thạch đem các Đại phu, Nghị lang hội ở giữa điện, hai quan khanh và hai viên Thị trung, Trung lang của nước Ngụy cùng với các công khanh của nhà Hán lên điện dự yến.


Tháng ba, thiên tử sai Ngụy Công giữ ngôi trên các Vương, Hầu, đổi trao cho ấn vàng, thao đỏ, mũ dải dài.


Hiến Đế khởi cư chú chép: Sai Tả trung lang tướng Dương Tuyên, Đình hầu Bùi Mậu câm cờ tiến đến trao ấn thao cho Ngụy Công.


Tháng bảy mùa thu, Công đánh Tôn Quyền.


Cửu châu xuân thu chép: Tham quân Phó Cán can rằng: "Việc lớn trị thiên hạ có hai, đấy là văn và võ; dùng võ thì ra uy trước, dùng văn thì tỏ đức trước, uy đức đủ để giúp nhau, đo đó phép vua mới vững. Ngày trước thiên hạ loạn lạc, trên dưới trật bậc, minh công dùng võ mà dẹp trừ. Mười phần yên đến chín. Nay kẻ chưa theo lệnh vua là Ngô và Thục. Ngô có cái hiểm của sông dài, Thục có cái trở của núi cao, khó dùng uy mà ép phục được, chỉ dễ dùng đức mà mà vỗ về. Kẻ ngu này cho rằng nên cất giáp nghỉ quân, nuôi quân dưỡng dân, chia đất ban phong, luận công tặng thưởng, như thế thì trong ngoài vững lòng, khuyến khích lập công, thế thì thiên hạ sẽ biết phép tắc vậy. Rồi sau dần mở mang trường học để dạy bảo đức hạnh mà nuôi dưỡng người có tiết nghĩa. Công có uy vũ vang lừng bốn cõi, nếu sửa văn để mưu đồ thì khắp dưới vòm trời, không ai không thần phục vậy. Nay đem mười vạn quân đóng ở bến sông lớn, nếu giặc dựa chỗ chắc nấp chỗ sâu, thì quân mã không thể trổ hết sức lực, mưu lạ kì không có chỗ dùng được, lúc ấy làm mất uy lớn lại làm cho lòng địch không phục. Mong minh công nghĩ đến nghĩa Ngu Thuấn múa khiên kích, giữ uy nuôi đức, lấy đạo mà đánh thắng". Công không theo, quân bèn chẳng lập công. Cán tự Ngạn Tài, người quận Bắc Địa, cuối cùng làm Thừa tướng thương tào thuộc. Có con là Huyền.


Lúc trước, người quận Lũng Tây là Tống Kiến tự xưng là Hà Thủ Bình Hán Vương, tụ quân ở huyện Bao Hãn, đổi niên hiệu, đặt trăm quan, được hơn ba mươi năm. Sai Hạ Hầu Uyên từ huyện Hưng Quốc đánh Tống Kiến. Tháng mười mùa đông, làm cỏ huyện Bao Hãn, chém Kiến, miền Lương Châu được bình.


Tháng mười một, Hoàng hậu của nhà Hán là Phục Thị buổi đêm gửi thư cho cha là Đồn kị hiệu úy Hoàn, nói là Đế từ khi Đổng Trác bị giết đến nay có ý oán giận Công, lời rất xấu xa, nghe tin, phế Hoàng hậu bắt chết, anh em đều bị khép tội.


Tào Man truyện chép: Công sai Hoa Hâm đem quân vào cung bắt Hậu, Hậu đóng cửa náu trong vách. Hâm phá cửa đập vách, bắt Hậu ra. Đế bấy giờ cùng ngồi với Ngự sử đại phu Si Lự, Hậu bị bắt đi chân trần qua, cầm tay Đế nói: "Không được sống cùng sao"? Đế nói: "Ta cũng không biết tính mạng ra sao". Đế bảo Lự nói: "Si Công, thiên hạ há có việc như thế chăng"! Bèn đem Hậu ra giết. Hoàn cùng họ hàng bị giết chết đến mấy trăm người.


Tháng mười hai, Công đến bến Mạnh Tân. Thiên tử sai Công đặt cờ mao đầu, cung điện treo dàn chuông khánh. Ngày ất mùi, lệnh rằng: "Kẻ sĩ có đức hạnh chưa hẳn được chọn dùng, kẻ sĩ được chọn dùng chưa hẳn đã có đức hạnh. Trần Bình há có đức hạnh, Tô Tần há giữ tín sao? Thế nhưng Trần Bình dựng nghiệp nhà Hán, Tô Tần giúp nước Yên yếu; do đó nói rằng, kẻ sĩ có cái tốt cái xấu, há bỏ được sao! Quan coi việc phải xét rõ ý này thì kẻ sĩ không bị ngăn chặn, quan lại không bỏ nghiệp vậy". Lại lệnh rằng: "Hình pháp là tính mạng của trăm họ, vậy mà có quan coi ngục trong quân không cho là như thế; lại nắm giữ sinh mạng của ba quân, ta rất lo lắng. Nay phải chọn rõ kẻ thông hiểu lí lẽ, sai nắm việc hình pháp". Do đó đặt quan Lí tào duyện thuộc.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai mươi, thiên tử lập con gái giữa của Công làm Hoàng hậu. Cắt các quận Vân Trung, Định Tương, Ngũ Nguyên, Sóc Phương, mỗi quận cắt một huyện để lĩnh dân, hợp lại lập thành quận Tân Hưng.


Tháng ba, Công đến phương tây đánh Trương Lỗ, đến ải Trần Thương, sắp từ quận Vũ Đô vào đất của người Đê, người Đê chặn đường, bèn sai bọn Trương Cáp, Chu Linh đi trước đánh phá chúng. Tháng tư mùa hạ, Công từ Trần Thương để ra Tản Quan, đến Hà Trì. Vua người của Đê đem hơn mười vạn quân mạnh dựa chỗ hiểm không phục; tháng năm, Công đánh giết chúng. Các tướng ở quận Tây Bình, Kim Thành là bọn Khúc Diễn, Tưởng Thạch cùng chém đem đầu Toại đến.


Điển lược chép: Toại tự Văn Ước, lúc trước cùng với người cùng quận là Biên Chương nổi danh ở miền tây. Chương làm Đốc quân tòng sự. Toại nghe lệnh đến kinh sư, Hà Tiến vốn nghe tên tuổi, cùng gặp riêng, Toại khuyên Tiến nên bắt giết bọn hoạn quan, Tiến không nghe theo, bèn xin về. Lúc người Lương Châu là bọn Tống Dương, Bắc Cung Ngọc làm phản, bầu Chương, Toại làm chủ, Chương chốc lát bệnh chết, Toại bị bọn Dương bắt, Toại bất đắc dĩ bèn đem quân làm loạn, đã ba mươi hai năm, đến đây thì chết, thọ hơn bảy mươi tuổi.


Linh Đế kỉ của Lưu Ngải chép: Chương còn có tên là Doãn.


Tháng bảy mùa thu, Công đến ải Dương Bình. Trương Lỗ sai em là Vệ cùng tướng là bọn Dương Ngang dựa vào giữ Dương Bình, chặn ngang núi đắp thành hơn mười dặm, đánh mà không chiếm được, bèn dẫn quân về. Giặc thấy đại quân rút, quân phòng bị trễ nải. Công lại ngầm sai bọn Giải Phiếu, Cao Tộ từ chỗ hiểm buổi đêm đánh úp, đại phá chúng, chém tướng chúng là Dương Nhâm, rồi đến đánh bọn Vệ, bọn Vệ buổi đêm chạy trốn. Lỗ tan chạy vào miền Ba Trung. Công đem quân vào huyện Nam Trịnh, thu hết vật báu, kho tàng của Lỗ.


Ngụy thư chép: Quân từ núi Vũ Đô đi nghìn dặm, trèo lên chỗ cao hiểm, quân sĩ mệt mỏi; Công do đó bày hội ăn lớn, quân chẳng ai không quên mệt.


Người vùng Ba, Hán đều hàng. Lại lấy quận Hán Ninh nhập vào quận Hán Trung; chia các huyện An Dương, Tây Thành của quận Hán Trung lập ra quận Tây Thành, đặt quan Thái thú; chia huyện Tích, quận Thượng Dung, đặt quan Đô úy.


Tháng tám, Tôn Quyền vây Hợp Phì, bọn Trương Liêu, Lí Điển đánh phá Tôn Quyền.


Tháng chín, bảy họ lớn của quận Ba là vua người Di tên là Phác Hồ, viên ấp hầu của người Tung là Đỗ Hoạch đem người Di, Tung ở quận Ba đến nội thuộc.


Tôn Thịnh nói: "Phác âm 'phu', Hoạch âm 'hộ' ".


Do đó chia quận Ba, lấy Hồ làm Ba Đông Thái thú, Hoạch làm Ba Tây Thái thú, đều phong Liệt hầu. Thiên tử lệnh Công thừa lệnh phân phong quan Thái thú, Tướng quốc của chư hầu.


Hán Ngụy xuân thu của Khổng Diễn chép: Thiên tử dùng Công coi xét ở ngoài, thưởng người có công, bái người nhanh nhẹn, lại lệnh Công được phân phong Mục thú, Tướng quốc của chư hầu, chiếu nói: "Việc lớn của quân đội là việc thưởng phạt, khuyến thiện trừ ác, không nên để lâu, cho nên Tư mã pháp chép: 'Thưởng không để lâu ngày', muốn cho dân nhanh thấy được lợi của việc thiện vậy. Xưa vào thời trung hưng, Đặng Vũ vào cửa quan, thừa lệnh bái Quân tế tửu Lí Văn làm Hà Đông Thái thú, Lai Thiệp lại thừa lệnh phong Cao Tuấn làm Thông lộ tướng quân, xét truyện về những người ấy, đều không xin lệnh trước, xét rõ việc mà phong bái, đấy là Thế Tổ thần minh, biết rõ tổn ích, đại khái là nêu bày uy phong mà ghi rõ công lớn vậy. Theo nghĩa Xuân thu, Đại phu ra khỏi nước, việc tự ý truyền lệnh, chỉ là tạm làm lợi xã tắc nhà nước mà thôi. Huống chi ông chuyên dùng lệnh của Tể bá, sửa trị chín cõi, dẹp yên Di, Hạ, lại đem quân ra nơi xa xôi, được thua chỉ trong chốc lát, nếu dừng thưởng để đợi chiếu lệnh thì làm lỡ việc, là cái mà trẫm không nỡ làm. Từ nay về sau, lúc làm việc tuyển chọn, cho được ý bái phong, được khắc ấn chương ban lệnh, khiến cho người trung nghĩa được khen thưởng, ông chớ nghi ngờ".


Tháng mười mùa đông, bắt đầu đặt danh hiệu của tước Hầu đến năm chức Đại phu, cùng tước Liệt hầu, Quan nội hầu lúc trước để thưởng người có công.


Ngụy thư chép: Đặt danh hiệu của tước Hầu có mười tám cấp, tước Quan trung hầu có mười bảy cấp, đều đeo ấn vàng thao tía; lại dặt tước Quan nội ngoại hầu có mười sáu cấp, đeo ấn đồng thao đen; năm chức Đại phu có mười lăm cấp, cũng đeo thao đen, đều không nhận tô thuế, cùng cảy thảy sáu bậc các Liệt hầu, Quan nội hầu trước kia.


Thần Tùng Chi cho rằng: Việc phong hão có lẽ có từ lúc này.


Tháng mười một, Lỗ từ miền Ba Trung đem quân còn lại đến hàng. Phong Lỗ và năm người con đều làm Liệt hầu. Lưu Bị đánh úp Lưu Chương, lấy Ích Châu, bèn chiếm miền Ba Trung; sai Trương Cáp đánh hắn.


Tháng mười hai, Công từ Nam Trịnh về, lưu Hạ Hầu Uyên giữ Hán Trung.


Lần đi này, Thị trung Vương Xán làm thơ năm tiếng để khen việc này nói: "Theo quân có vui khổ, hỏi rằng dựa vào gì? Dựa theo oai thần vũ, há để quân mệt lâu? Thừa tướng đánh Quan Hữu, lẫy lừng mà trổ oai, một trận diệt giặc xấu, lại áp phục Khương, Di, thu miền tây của giặc, dễ như cúi xuống nhặt, bày thưởng quá núi cao, rượu thịt tràn khe suối, trong quân đều no nê, người ngựa đều béo tốt, ngồi đi lại cưỡi về, ra vào có của thừa. Mở đất ba nghìn dặm, qua lại nhanh như bay, múa hát vào thành Nghiệp, chiếm được chẳng sai đâu"!


Tháng hai mùa xuân năm thứ hai mươi mốt, Công về đất Nghiệp, 


Ngụy thư chép: Ngày tân mùi, quan coi việc đem đồ thái lao đến, cúng tế ở tông miếu, ngày giáp ngọ bắt đầu tế mùa xuân, lệnh nói: "Người bàn cho rằng lúc tế tông miếu lên điện phải cời giày. Ta nhận mệnh phong, mang kiếm không cởi giày mà lên điện. Nay có việc ở tông miếu mà cởi giày là trọng Tiên công nhưng tiếm mệnh vua, kính phụ tổ nhưng khinh nhờn nhà vua, cho nên ta không dám cởi dày lên điện vậy. Lại lúc tế thì tắm rửa, lấy tay tưới nước mà không rửa, rửa cho sạch là kính, chưa nghe nói đến lễ không rửa, lại có câu 'Tế thần như thần đang ở đấy', cho nên ta tự mình lấy nước mà rửa vậy, lại cúi mình làm tế thần xong, kẻ dưới đều đứng dậy, chốc lát tấu nhạc cả buổi, có vẻ không mắc lỗi với liệt tổ, đợi tế không xong nhanh, cho nên ta ngồi đợi tấu nhạc tế thần xong mới đứng dậy. Nhận thịt tế thần, đem cho Thị trung, đấy là cung kính không ăn hết, ngày xưa tự mình coi việc cúng tế, cho nên ta ta tự thân tế thần, đem hết mang về. Trọng Ni nói: 'Dẫu trái ý mọi ngươi nhưng ta theo lễ cúi đầu dưới từ đường'. Lời này thành thật thay".


Ngày nhâm dần tháng ba, Công tự cày ruộng tịch điền.


Ngụy thư chép: Quan coi việc tấu nói: "Bốn mùa giảng võ cho nhà nông. Phép Hán luật Tần là ba mùa không giảng võ, chỉ có tháng mười là thử xe ngựa, đến phía nam cửa Trường Thủy, hội quân sĩ của năm trại mà bày bát trận tiến lui, gọi là 'thặng chi'. Nay binh đao chưa xếp, quân dân vẫn tập, từ nay về sau, có thể không giảng võ khắp bốn mùa, nhưng đến ngày lập thu thì chọn ngày lành mà hội xe ngựa, gọi là luyện quân, trên hợp với lễ, dưới đúng phép của nhà Hán". Hạ chiếu cho làm.


Tháng năm mùa hạ, thiên tử phong tước Ngụy Vương cho Công.


Hiến Đế truyện chép chiếu viết: "Đế vương từ xưa, dẫu hiệu xưng thay đổi nhau, các tước bậc không giống, đến như khen thưởng công lao, lập nên công đức, vực sáng dân chúng, truyền cho con cháu, họ khác cùng gần gũi, há có khác sao? Xưa thánh tổ ta chịu mệnh, dựng lập nền móng, tạo Khu Hạ ta, soi phép xưa nay, lập các bậc chức tước, phong hết sông núi để làm phên dậu, khiến họ khác được gần gũi, cùng chia đất đai, giữ nước mà làm vương, do đó giữ gìn được mệnh trời, yên ổn vạn dòng. Trải mấy đời được yên, vua tôi không rối. Thế Tổ trung hưng mà bấy giờ có khó có dễ, do đó giữ được mấy trăm năm, không phong tước cho chư hầu khác họ. Trẫm là kẻ không có đức, kế thừa nghiệp lớn, gặp lúc đất nước vỡ lở, bọn xấu gây hại, từ tây sang đông, cay đắng khổ sở. Thời bấy giờ, chỉ sợ chìm vào nơi gian khó thì làm nhục thánh đức của Tiên đế. Cậy anh linh của trời xanh, khiến ông giữ nghĩa giúp thân, oai động thần vũ, giữ trẫm nơi gian khó, giữ vững tông miếu, dân chúng Hoa Hạ giữ khí tiết, chẳng ai không chịu ơn. Ông chăm quá Tắc, Vũ, trung sánh Y, Chu, mà cúi mình tự khiêm nhường, giữ lễ cung kính, cho nên lúc trước mới phong ở nước Ngụy, ban cho ông tông miếu, sợ ông cho là trái mệnh, nghĩ rằng ông cố từ, cho nên mang chí âm thầm, phong ông làm Thượng công, muốn để thuận theo nghĩa lớn, chốc lát đợi thưởng lớn. Hàn Toại, Tống Kiến phía nam kết Ba, Thục, bọn phản nghịch tụ tập, mưu làm hại xã tắc, ông lại làm tướng, rồng bay hổ vồ, treo đầu tướng giặc, làm cỏ hang ổ của chúng. Lại đến đánh phương tây, trong trận Âm Bình, tự mình mặc giáp trụ, vào sâu nơi hiểm trở, diệt trừ giặc bọ, cắt bỏ hung ác, dẹp bằng miền tây, cờ tinh dài vạn dặm, thanh giáo lan xa, làm yên Khu Hạ ta. Hơn hẳn cái thịnh của thời Đường Ngu, công lớn của thời Tam đại, thế mạnh của Văn, Vũ, sự giúp đỡ của Đán, Thích, cơ nghiệp của Nhị tổ, công giúp đỡ của bọn anh hào; ôi bậc vua thánh hiền, làm tròn trách nhiệm của mình vẫn ban đất đai để báo đáp công thần, há như trẫm ít đức, dựa vào sự giúp đỡ của ông, mà khen thưởng không đủ, lấy gì để báo đáp thần minh, an ủi vạn cõi? Nay phong ông tước Ngụy Vương, sai dùng cờ tiết làm việc quan Ngự sử Đại phu, Tông chính Lưu Ngải đem ấn chiếu phong xã tắc tông miếu, ban cho bạch mao, hổ vàng từ bậc một đến năm, gậy tre có một đến mười đốt. Ông nhận ngôi vương, được làm Thừa tướng, lĩnh chức Kí Châu Mục như cũ. Mong dâng lại ấn chiếu dây thao Ngụy Công. Kính theo lệnh trẫm, thương yêu dân ngươi, lập nên công lớn, để nêu mệnh tốt của tổ tông ta". Ngụy Vương dâng thư ba lần từ chối, hạ chiếu ba lần không cho. Lại tự tay viết chiếu nói: "Bậc đại thành lấy công đức làm cao đẹp, lấy trung hòa làm giáo huấn, cho nên dựng nghiệp mà tên tuổi lẫy lừng, khiến cho trăm đời được mong, dựng đạo lập nghĩa, khiến cho công lao nên bắt chước, do đó công lao không cùng, tiếng tốt lan xa. Tắc, Khế mang cái thông minh của vua, Chu, Thiệu dựa cái trí lự của Văn, Vũ, dẫu nắm chức thứ yếu, ngẩng than cúi nghĩ, họ há bằng ông sao? Trẫm nghĩ công của người xưa, cao đẹp như thế, xét ông có công trung cần, nhiều lớn như thế, cho nên thường đem búa chẻ phù chặt ngọc, bày lễ ban lệnh, thức ngủ trằn trọc. Tự bỏ quên giữ văn lại không tu đức. Nay ông nhiều lần trái lệnh trẫm, thành khẩn cố từ, đấy không phải làm đẹp lòng trẫm mà giáo huấn cho đời sau vậy. Nên đè chí nén tiết, chớ lại cố từ".


Tứ hưu thư thế tự chép: Lương Hộc thay Công làm Bắc bộ úy.


Tào Man truyện chép: Công được Thượng thư Hữu thừa Tư Mã Kiến Công tiến cử. Lúc Công làm vương, gọi Kiến Công đến đất Nghiệp, cùng ăn uống, bảo Kiến Công nói: "Ta ngày nay có nên làm quan Úy nữa không"? Kiến Công nói: "Xưa kia Đại vương được cử, chỉ nên làm Úy thôi". Vương cười lớn. Kiến Công tên là Phòng, là cha của Tư Mã Tuyên Vương.


Thần Tùng Chi xét Tự truyện của Tư Mã Bưu chép rằng Kiến Công không làm Hữu thừa, ngờ là điều này không đúng, lại nữa Tấn thư của Vương Ẩn chép rằng Triệu Vương tiếm lập, muốn tôn tổ làm Đế, Bác sĩ Mã Bình bàn khen Kinh Triệu phủ quân xưa tiến cử Ngụy Vũ Đế làm Bắc bộ úy, giặc không vào cõi, như thế là có lầm.



Tào Tháo uống rượu ngắm trăng (tranh ukiyo-e)


Đêm trước trận Xích Bích, Tào Tháo mở yến uống rượu cùng chư tướng trên sông Dương Tử ngắm trăng. Đằng xa, dáng núi Nam Bình hiện lên lồ lộ. Có hai con quạ bay qua, cất tiếng kêu. Ông đã ngà ngà say, cắp ngọn giáo, mang một chén rượu ra mũi thuyền, làm nên bài Đoản ca hành nổi tiếng, với những câu nói lên chí mình (“vì đời người như sương sớm có được bao lâu“):

Ô thước nam phi,

Nhiễu thụ tam tạp,
Vô chi khả y.
Sơn bất yếm cao,
Thuỷ bất yếm thâm.
Chu Công thổ bộ,
Thiên hạ quy tâm.

Quạ bay về Nam

Liệng quanh cây ba vòng
Không cành nào đậu được.
Núi không hiềm cao
Nước không hiềm sâu
(Nếu ta như) Chu Công nhả cơm (để ra cổng tiếp hiền tài)
Thiên hạ sẽ quy tâm.

====

Thiền vu của người Ô Hoàn ở quận Đại là Phổ Phú Lư cùng hầu vương của mình đến chầu. Thiên tử sai con gái của Vương làm Công chúa, ban cho thực ấp. Tháng bảy mùa thu, Thiền vu của Nam Hung Nô là Hô Trù Tuyền đem vương hầu của mình đến chầu, dùng lễ khách mà đãi, rồi lưu lại nước Ngụy, sai Hữu hiền vương là Khứ Ti về coi nước mình. Tháng tám, lấy Đại lí Chung Do làm Tướng quốc.


Ngụy thư chép: Bắt đầu đặt chức Phụng thường Tông chính. 


Tháng mười mùa đông, luyện binh, 


Ngụy thư chép: Vương tự thân cầm trống vàng để lệnh tiến lui. 


rồi đánh Tôn Quyền. Tháng mười một, đến huyện Tiêu.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai mươi hai, Vương đem quân đến Cư Sào, tháng hai, đem quân đến Hách Khê phía tây sông. Quyền đắp thành tại Nhu Tu chống giữ, bèn đánh ép Quyền, Quyền rút chạy. Tháng ba, Vương dẫn quân về, để bọn Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Trương Liêu ở lại đóng quân ở Cư Sào.


Tháng tư mùa hạ, Thiên tử lệnh Vương bày cờ tinh, ra vào sai người dẹp đường. Tháng năm, làm cung Phán. Tháng sáu, lấy Quân sư Hoa Hâm làm Ngự sử Đại phu.


Ngụy thư chép: Bắt đầu đặt quan Vệ úy. Tháng tám mùa thu, lệnh nói: "Xưa Y Chí, Phó Thuyết xuất từ người hèn kém, Quản Trọng là giặc của Hoàn Công, đều dùng họ mà dựng nghiệp. Tiêu Hà, Tào Tham là chức quan huyện, Hàn Tín, Trần Bình mang tiếng nhục nhã, người ta đều cười họ, nhưng đều làm nên nghiệp vương, tiếng lưu nghìn năm. Ngô Khởi là tướng tham, giết vợ tự làm tin, đem vàng cầu quan, mẹ chết không về, nhưng tại nước Ngụy làm cho người Tần không dám ngó đến phương đông, tại nước Sở thì Tam Tấn không dám đánh phương nam. Nay thiên hạ không có người đức hạnh ở trong dân, và người dũng cảm quay mặt, gặp địch thì gắng đánh; như bọn quan văn phàm tục, tài cao nhưng đổi chí khác, có kẻ nhận làm tướng giữ thành, mang tiếng nhục nhã, người ta cười đức hạnh của họ, có người không có nhân, không hiếu mà có thuật trị quốc dùng binh, tên họ phải được biết đến, chớ có làm mất".


Tháng mười mùa đông, Thiên tử lệnh Vương đội mũ miện mười hai dải, ngồi xe vàng bạc, sáu ngựa kéo, đặt ngũ thời phó xa, dùng Ngũ quan Trung lang tướng Phi làm Thái tử của nước Ngụy.


Lưu Bị sai bọn Trương Phi, Mã Siêu, Ngô Lan đóng quân ở Hạ Biện; sai Tào Hồng chống chúng.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai mươi ba, Thái y lệnh của nhà Hán là Cát Bản cùng bọn Thiếu phủ Cảnh Kỉ, Tư trực Vi Hoảng làm phản, đánh đất Hứa, đốt doanh của Thừa tướng Trưởng sử Vương Tất,


Ngụy Vũ cố sự chép lệnh nói: "Trưởng sử Vương Tất là quan lại từ thời ta chiếm miền Kinh Cức, trung hậu chăm chỉ, lòng như sắt đá, là quan lại tốt của nhà nước vậy; trải qua lâu ngày mà không được mời đến, bỏ ngựa kì kí mà không cưỡi, há lúc gấp gáp lại cầu mời sao? Cho nên vời đến, cho làm chức vừa hợp, bái làm việc quan Trưởng sử như trước".


Tất cùng Dĩnh Xuyên Điển nông Trung lang tướng Nghiêm Khuông đánh chém chúng.


Tam phụ quyết lục chú chép: Bấy giờ có người quận Kinh Triệu là Kim Y, tự Đức Y, tự cho là nhiều đời là bầy tôi của nhà Hán, từ ngày Nhật Đê đánh Mông Hà La, trung thành nổi rõ, khí tiết nhiều đời. Thấy nhà Hán sắp đổi, nói là cuối có thể dấy lên, lại nói là nên gắng gỏi, bèn cùng bọn Cảnh Kỉ, Vi Hoảng, Cát Bản, con Bản là Mạc, em Mạc là Mục kết mưu. Kỉ tự Quý Hành, lúc nhỏ có tiếng tốt, làm Thừa tướng duyện, Vương rất kính trọng, chuyển làm Thị trung, giữ Thiếu phủ. Mạc tự Văn Nhiên, Mặc tự Trung Nhiên, thấy Y khảng khái có phong thái của Nhật Đê, lại gần gũi với Vương Tất, dó đó li gián họ, nếu giết được Tất, sẽ cậy thiên tử để đánh Ngụy Vương, phía nam giúp Lưu Bị. Bấy giờ thế Quan Vũ mạnh, mà Vương tại đất Nghiệp, để Tất coi binh xét việc ở đất Hứa. Bọn Văn Nhiên đem bọn người khác cùng hơn nghìn người trẻ của nhà mình buổi đêm đốt cửa đánh Tất, Y sai người làm nội ứng, bắn tên trúng vai Tất. Tất không biết kẻ đánh là ai, vì vốn gần gũi với Y, chạy đến nhờ Y, buổi đêm gọi Đức Y, người nhà Y không biết là Tất, nói là bọn Văn Nhiên, đáp lại nói: "Vương Trưởng sử đã chết sao? Việc các ngươi xong rồi"! Tất bèn đi đường khác chạy trốn. Có người nói: Tất muốn đến nhờ Y, người dưới trướng bảo Tất nói: "Nay việc rút cuộc biết ai đâu mà vào nhờ vậy"? Giúp Tất trốn đến phía nam thành. Vừa trời sáng, Tất vẫn sống, quân của bọn Văn Nhiêu tản ra, cho nên thua. Hơn mười ngày sau, Tất rút cuộc bị thương mà chết.


Hiến Đế Xuân thu viết: Bắt được bọn Kỉ, Hoảng, đem chém chúng, Kỉ gọi tên Ngụy Vương nói: "Chỉ hận ta không tự mưu nghĩ, rút cuộc bị bọn trẻ con làm sai"! Hoảng cúi đầu tát má, cho đến lúc chết. Sơn Dương Công tái kí chép: Vương nghe tin Vương Tất chết, giận lắm, gọi trăm quan của nhà Hán đến đất Nghiệp, lệnh rằng người dập lửa đứng bên trái, người không dập lửa đứng bên phải. Mọi người cho rằng người dập lửa đều không có tội, đều ở bên trái; Vương cho rằng: "Người không dập lửa là mới là người không giúp kẻ làm loạn, người dập lửa mới là giặc". Đều giết chúng.


Tào Hồng phá Ngô Lan, chém tướng của hắn là bọn Nhâm Quỳ. Tháng ba, Trương Phi, Mã Siêu chạy đến Hán Trung, người Đê ở huyện Âm Bình là Cường Đoan chém Ngô Lan, đem đầu đến.


Tháng tư mùa hạ, người Ô Hoàn ở các quận Đại, Thượng Cốc là bọn Vô Thần Đê phản, sai Yên Lăng Hầu là Chương đánh phá chúng.


Ngụy thư chép lệnh của Vương rằng: "Mùa đông năm ngoái trời có chướng lệ nhiều, dân có tang thương, quân dấy ở ngoài, người cày ruộng thiếu, ta rất thương xót. Nay lệnh trai gái quan dân rằng: gái tuổi mười bảy trở lên mà chưa có chồng con, nếu mười hai tuổi trở xuống mà không có cha mẹ anh em, tay không làm được việc, chân không đi được, và người không có vợ con anh em của cải thì được cấp ăn cả đời. Trẻ nhỏ thì được nuôi đến mười hai tuổi thì thôi; người nghèo khổ không tự làm ăn được thì tùy miệng ăn mà cấp phát. Người già cả chờ nuôi dưỡng từ tuổi chín mươi trở lên, nếu không làm việc được, nếu không làm việc thì ban cho một người giúp nuôi".


Tháng chín, lệnh nói: "Việc táng thời xưa, đều chọn đất cằn cỗi. Ta xem miếu thờ Tây Môn Báo ở trên ở cánh đồng phía tây là Thọ Lăng, dựa vào chỗ cao làm nền, không cắm rào không trồng cây. Theo Chu lễ, quan Trủng nhân coi giữ đất của mộ vua, mộ chư hầu ở bên trái phải, hướng phía trước, mộ khanh đại phu ở bên sau, phép tắc của nhà Hán cũng gọi là Bồi Lăng. Nay những công khanh đại thần liệt tướng có công, được táng theo bên Thọ Lăng, lấy chỗ rộng làm vành mộ, đủ để vừa nhau".


Tháng bảy mùa thu, luyện binh, rồi đến phía tây đánh Lưu Bị. Tháng chín, đến Tràng An.


Tháng mười mùa đông, tướng giữ huyện Uyển là bọn Hầu Âm phản, bắt Nam Dương Thái thú, cướp chiếm quan dân, chiếm huyện Uyển. Lúc trước, Tào Nhân đánh Quan Vũ, đóng quân ở Phàn Thành, tháng đó sai Nhân vây huyện Uyển.


Tháng giêng mùa xuân năm thứ tư, Nhân làm cỏ đất Uyển, chém Âm.


Tào Man truyện chép: Bấy giờ người quận Nam Dương khổ vì lao dịch, Âm do đó bắt Thái thú Đông Lí Bao, cùng quan dân làm phản, liên hòa với Quan Vũ. Nam Dương Công tào là Tông Tử Khanh khuyên Âm nói: "Túc hạ được lòng dân, làm việc lớn, gần xa chẳng ai không trông mong; nhưng bắt giữ tướng trong quận, mang tiếng phản nghịch lại vô ích, sao không thả ra. Ta với ông cùng gắng sức, nếu quân của Tào Công đến, quân của Quan Vũ cũng đến vậy". Âm theo lời, liền thả quan Thái thú. Tử Khanh nhân buổi đêm trèo thành ra ngoài, rồi cùng Thái thú thu dân còn sót vây Âm, lúc quân của Tào Nhân đến, cùng diệt Âm.


Hạ Hầu Uyên đánh với Lưu Bị ở Âm Bình, bị Bị giết. Tháng ba, Vương từ Tràng An ra Tà Cốc, đem quân thong thả đến gần Hán Trung, rồi đến Âm Bình. Bị dựa vào chỗ hiểm chống giữ.


Cửu châu xuân thu chép: Bấy giờ Vương muốn về, ra lệnh nói: "Gân gà". Quan thuộc không biết nói gì. Chủ bạ Dương Tu lại tự sắm sửa hành trang, mọi người kinh ngạc hỏi Tu nói: "Sao lại biết được"? Tu nói: "Gân gà, vứt nó đi thì đáng tiếc, ăn nó không được, để sánh với đất Hán Trung, biết là Vương muốn về vậy".


Tháng tư mùa hạ, dẫn quân về Tràng An.


Tháng bảy mùa thu, lấy phu nhân Biện thị làm Vương hậu. Sai Vu Cấm giúp Tào Nhân đánh Quan Vũ. Tháng tám, nước sông Hán tràn, vùi quân của Cấm, quân chìm, Vũ bắt Cấm, rồi vây Nhân. Sai Từ Hoàng cứu Nhân.


Tháng chín, Tướng quốc Chung Do vì Tây tào duyện Ngụy Phúng phản mà bị bãi chức.


Thế ngữ chép: Phúng tự Tử Kinh, người nước Bái, có tài mê hoặc dân chúng, gây động đất Nghiệp, Chung Do do đó mời gọi. Đại quân chưa về, Phúng ngầm kết đồ đảng. Lại cùng Trường Lạc Vệ úy Trần Y mưu đánh úp đất Nghiệp. Chưa đến hẹn, Y sợ mà báo cho Thái tử, bèn giết Phúng, kẻ chịu tội chết đến mấy chục người.


Gia giới của Vương Sưởng chép: "Người huyện Tế Âm là Ngụy Phúng". Mà đây chép là người nước Bái, không rõ.


Tháng mười mùa đông, đem quân về Lạc Dương.


Tào Man truyện chép: Vương sửa chữa lại sở Bắc bộ úy, lệnh phải lớn hơn lúc trước.


Tôn Quyền sau sứ gửi thư, xin đánh Quan Vũ đệ tự chuộc tội. Vương từ Lạc Dương xuống phía nam đánh Quan Vũ. Chưa đến, Hoảng đánh Quan Vũ, phá Vũ, Vũ chạy, Nhân được giải vây. Vương đem quân đến Ma Bản.


Ngụy lược chép: Tôn Quyền gửi thư xưng thần, khen ngợi mệnh trời, Vương đem thư của Quyền ra ngoài cho mọi người biết nói: "Thằng này muốn bắt ta ngồi trên miệng lò chăng"! Thị trung Trần Quần, Thượng thư Hoàn Giai tấu nói: "Nhà Hán từ thời An Đế đến nay, chính sự gửi cho nhà Công, quốc thống mấy lần dứt, đến thời ngày nay, chỉ có tên gọi, một thước đất một người dân đều không phải của nhà Hán nữa, vận kì lâu ngày đã hết, lịch số cũng đã cùng, không chỉ đến ngày nay. Cho nên giữa thời Hoàn, Linh, những người mưu trí sáng suốt đều nói: 'Nhà Hán đã hết, nhà Hoàng nổi lên'. Điện hạ ứng hẹn, thiên hạ mười phần mà có đến chín, theo giúp nhà Hán, dân chúng mong ngóng, xa gần khen ngợi, cho nên Tôn Quyền ở xa xưng thần, hợp với trời người, cùng nhau cất tiếng. Kẻ ngu này cho rằng nhà Ngu, Hạ không từ chối ngôi vị, nhà Ân, Chu không tiếc nối thay, sợ trời biết mệnh, không cớ gì phải nhường nhau".


Ngụy thị xuân thu chép: Hạ Hầu Đôn khuyên Vương nói: "Thiên hạ đều biết lộc nhà Hán đã hết, nhà khác đang nổi lên. Từ xưa đến nay, người trừ hại cho dân thì được trăm họ theo về, đấy là vua của dân vậy. Nay Điện hạ dùng binh hơn ba mươi năm, công đức sáng rõ với dân chúng, được thiên hạ nương dựa, theo mệnh trời thuận lòng dân, còn nghi gì nữa"! Vương nói: "Có câu nói: 'Ở nhà ban chính đạo, đấy cũng là chính đạo'. Nay mệnh trời tại ta, ta là Chu Văn Vương vậy".


Tào Man truyện và Thế ngữ đều chép Hoàn Giai khuyên Vương lên ngôi, Hạ Hầu Đôn cho rằng nên diệt Thục trước, Thục mất thì Ngô phục, nếu hai phương đã định thì sau đó theo vết xe của Thuấn, Vũ. Vương nghe theo. Lúc Vương hoăng, Đôn tiếc lời trước, phát bệnh chết.


Tôn Thịnh bình rằng: "Hạ Hầu Đôn thật là làm nhục quan lại nhà Hán, xin nhận ấn cho nước Ngụy, Hoàn Giai thật thà, có khí tiết thẳng thắn; xét truyện chép việc này, Thế ngữ chép nhầm vậy".


Tháng giêng mùa xuân năm thứ ba mười lăm, đến Lạc Dương. Quyền chém Vũ, đem đầu đến.


Ngày canh tí, Vương băng ở Lạc Dương, thọ sáu mươi sáu tuổi.


Thế ngữ chép: Thái Tổ từ Hán Trung đến Lạc Dương, dựng điện Kiến Thủy, cặt cây ở miếu Trạc Long thì máu cây chảy ra.


Tào Man truyện chép: Vương sai thợ gỗ là Tô Việt dời cây lê đẹp, đào lên, gốc bị thương đều chảy máu. Việt bẩm lên, Vương tự đến xem mà sợ hãi, cho là không phải điềm hay, trở về bèn sinh bệnh. Truyền lệnh lại rằng: "Thiên hạ còn chưa định yên, tạm không nên theo phép xưa. Táng xong phải đều bỏ áo tang. Các quân tướng đóng giữ đều không được rời khỏi doanh trại. Các quan lại đều theo chức phận. Liệm dùng áo thường mặc, không chứa vàng ngọc vật báu".


Thụy là Vũ Vương. Ngày đinh mão tháng hai, táng ở Cao Lăng.


Ngụy thư chép: "Thái Tổ tự thống lĩnh cả nước, diệt trừ bọn xấu, coi quân dùng binh, đại khái giống phép tắc của Tôn, Ngô, lại tùy việc mà bày kế lạ, lừa địch mà thắng, biến hóa như thần. Tự soạn sách binh pháp hơn mười vạn chữ, các tướng đánh dẹp đều đọc sách xét việc. Làm việc thì tự tay coi xét, kẻ vâng lệnh thì đánh thắng, kẻ làm trái phép thì bị thua. Đối trận với giặc, phong thái thong thả như chẳng muốn đánh, nhưng gặp đến thời cơ thì gắng sức thừa thắng, khí thế mạnh mẽ, cho nên hễ đánh là thắng. Giỏi biết nhìn người, khó ai che mắt, đánh Vu Cấm, Nhạc Tiến ở giữa trận, thu nạp Trương Liêu, Từ Hoảng trong đám thua chạy, họ đều giúp sức lập công, xếp vào hàng tướng giỏi; còn lại những kẻ xuất thân hèn kém mà cử làm Mục thú, không thể kể hết. Do đó lập nên nghiệp lớn, văn vũ đều đủ, cầm quân hơn ba mươi năm, tay không rời sách, ngày thì giảng sách võ, đêm thì đọc kinh truyện, trèo núi thì làm phú, làm thể thơ mới, mang theo đàn sáo, đều thành khúc nhạc. Tài sức hơn người, tự tay bắn chim bay, tự thân bắt thú dữ, từng một ngày ở huyện Nam Bì bắn bắt được ba mươi sáu con chim trĩ. Lúc dựng cung thất, sửa chữa khí giới, chẳng cái gì không theo phép tắc, đều dốc hết suy nghĩ. Tính hay tiết kiệm, không ưa xa xỉ, người trong cung không mặc áo gấm thêu, người hầu không đi dày hai màu, dùng trướng đủ để che gió, rách thì may vá, đệm chiếu mềm mại, không thêu thêm viền. Đánh thành chiếm ấp, thu được vật đẹp, thì đem ban hết cho người có công, thưởng cho người gắng sức, không tham nghìn vàng; nếu không có công mà mong ban thưởng, một tơ hào cũng không cho; bốn phương tiến dâng vật gì, đều cùng bầy tôi chung hưởng. Thường theo phép tắc tống tang, mặc áo liệm thây, có chỗ phiền nhiễu mà không có ích, phong tục lại làm sai, do đó tự làm áo quan cho lúc chết, chỉ có bốn cái tráp mà thôi.


Phó Tử chép: Thái Tổ xót cái xa xỉ việc lấy chồng, do đó con gái của Công gả cho người khác đều dùng màn đen, người hầu gái đi theo không quá mười người.


Bác vật chí của Trương Hoa chép: Thời Hán, người huyện An Bình là Thôi Viện, con của Viện là Thực, người quận Hoằng Nông là Trương Chi, em của Chi là Sưởng đều giỏi viết chữ thảo, mà Thái Tổ đứng sau họ. Hoàn Đàm, Thái Ung giỏi âm nhạc, người quận Phùng Dực là bọn Sơn Tử Đạo, Vương Cửu Chân, Quách Khải giỏi đánh cờ vây, Thái Tổ đều sánh ngang họ. Lại thích phép 'dưỡng tính', cũng hiểu phương dược, mời dẫn kẻ sĩ biết phương thuật, người quận Lư Giang là Tả Từ, người huyện Tiêu là Hoa Đà, người huyện Cam Lăng là Cam Thủy, người huyện Dương Thành là Khích Kiệm chẳng ai không đến, lại quen ăn củ dã cát dài đến một thước, cũng được ít nhiều uống rượu trậm.


Phó Tử chép: Các Vương, Công cuối thời Hán phần nhiều bắt chước áo của nhà vua, buộc khăn lụa làm đẹp, do đó bọn Viên Thiệu, Thôi Báo dẫu là tướng súy mà đều đội khăn lụa. Ngụy Thái Tổ thấy thiên hạ đổ nát, tài vật thiếu thốn, bắt chước mũ da xưa, giảm lụa gấm để làm mũ kháp, hợp với phong cách giản dị từng lúc, lấy màu để phân biệt sang hèn, đến nay vẫn dùng, có thể nói là hình dạng của quân dân không phải là hình dạng của vua quan vậy.


Tào Man truyện chép: Thái Tổ là người giản dị không trọng uy nghi, thích âm nhạc, ca kĩ ở bên cạnh, thường từ sáng đến tối. Áo mặc sờn bạc, thân tự đeo túi lớn để đựng vật nhỏ, khăn tay, có lúc đội mũ kháp để gặp tân khách, hễ nói chuyện với người khác thì đùa bỡn nói cười, đều không giấu diếm, lúc thì vui cười hớn hở, đến nỗi chạm đầu vào giữa bàn mân, món ăn dính vấy vào khăn đội, đại khái thoải mái như thế. Nhưng giữ phép tắc nghiêm túc, các tướng có người làm sai lệnh của mình thì theo hình pháp mà phạt tội, đến cả kẻ thù oán cũ cũng đều không đổi khác. Người bị tội giết, liền đối mặt khóc thương nhưng cũng không được tha sống. Lúc trước, Viên Trung làm Bái Tướng, từng muốn dùng hình pháp trị tội Thái Tổ, người nước Bái là Hoàn Thiệu cũng coi thường Thái Tổ; lúc tại Duyện Châu, người quận Trần Lưu là Biên Nhượng nói bàn có vẻ xúc phạm Thái Tổ, Thái Tổ bèn giết Nhượng, giết người nhà hắn, bọn Trung, Thiệu đều tránh nạn đến Giao Châu, Thái Tổ sai sứ giả đến chỗ Thái thú Sĩ Tiếp bắt giết họ. Hoàn, Thiệu ra đầu thú, quỳ tạ ở giữa đình, Thái Tổ bảo nói: "Quỳ mà tha chết được sao"! Rồi giết họ. Thường đem quân đi, qua ruộng lúa mạch, lệnh nói: "Quân sĩ không được phá lúa mạch, kẻ phạm cấm thì tội chết". Quân kị đều xuống ngựa, nắm lúa mạch để lôi giữ nhau, do đó Thái Tổ cưỡi ngựa vào giữa ruộng lúa mạch, sai quan Chủ bạ bàn tội; Chủ bạ theo phép Xuân thu, không phạt lây vào người trên. Thái Tổ nói: "Lập hình pháp mà tự phạm vào, làm sao sai được kẻ dưới? Nhưng ta là tướng quân, không thể tự sát, xin tự phạt". Do đó cầm kiếm cắt tóc vứt xuống đất. Lại có người thiếp yêu buổi ngày thường theo nằm nghỉ, dặn người thiếp rằng: "Chốc lát gọi ta dậy". Người thiếp thấy Thái Tổ nghỉ yên, không gọi dậy, lúc tự dậy, liền đánh chết người thiếp đó. Thường đánh giặc, thóc gạo không đủ, bảo riêng Chủ bạ rằng: "Làm thế nào"? Chủ bạ nói: "Nên lấy hộc nhỏ mới đủ". Thái Tổ nói: "Được". Sau trong quân nói là Thái Tổ dối quân, Thái Tổ bảo quan Chủ bạ nói: "Phải mượn cái chết của ông để làm yên lòng quân, không thế thì việc chẳng xong". Bèn chém Chủ bạ, đem đầu ra cho quân biết, nói: "Dùng hộc nhỏ, cướp gạo công, chém hắn ở cửa quân". Cái tàn ngược biến trá của Thái Tổ, đều đại loại như thế.


Bình rằng: Cuối thời Hán, thiên hạ đại loạn, anh hào cùng nổi dậy, mà Viên Thiệu như hổ vồ bốn châu, mạnh mẽ chẳng ai chống nổi. Thái Tổ tính kế bày mưu, đánh dẹp trong nước, tỏ phép hay của Thân, Thương, bày kế lạ của Hàn, Bạch, chọn dùng người hiền tùy vào tài năng, quyền biến ngang dọc, không hiềm thù cũ, rút cuộc nắm giữ mệnh vua, làm nên nghiệp lớn, riêng Thái Tổ có mưu lược sáng suốt hơn cả . Hoặc có thể nói là người khác thường, bậc hào kiệt hơn đời vậy.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét