Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Ma học trò

 


Ma học trò

Truyện ngắn Di Li

Rõ một điều rằng, làm cái anh thầy giáo là sự lựa chọn hết sức ngờ ngệch. Bởi lẽ sau 16 năm đèn sách, anh vui mừng hớn hở vẫy tay chào bảng phấn và sách bút, nhưng rồi sau đó lại dại dột gắn bó với chúng suốt đời. Khổ một nỗi, đã trót chen chân với nghề bảng phấn rồi, anh sẽ không tài nào mà dứt ra được.

Hồi đó tôi về một trường trung cấp làm giáo viên. Ngày ấy ai thích làm thầy giáo, nhưng cả hai họ nhà tôi đều nêu những khó khăn khi bươn ra làm thuê cho doanh nghiệp và so sánh với nghề cao quý, là người kỹ sư của tâm hồn. Bố tôi bảo rằng HDI của ta đang tăng và phần lớn là nhờ vào giáo dục. Hơn nữa chẳng cần làm sếp mà cũng đựơc khối người nghe theo, ấy chính là lũ học trò. Tôi xuôi dần và thi đỗ công chức, trở thành thầy giáo 3 tháng ngay sau khi tốt nghiệp. Dạy hết một học kỳ, tôi được cử đi công tác Thái Nguyên. Trước khi lên đường, các đồng nghiệp len lén nhìn tôi cười bí hiểm. Một chị đã lên đó trước tỏ vẻ thương tình.

- Tụi học sinh ở đó hơi nghịch, nhưng Quang nhà mình cũng kinh qua hết mấy lớp cá biệt ở đây rồi còn gì. Lên đó để ý thằng Tuân béo, đừng lơ là nó ngay từ phút đầu tiên.

Tôi cười tủm trong bụng, bận rộn với các đồ đạc mang theo. Tôi vứt ba lô lên xe máy và thong thả phóng ra ngoại ô, bụng nghĩ đến mấy trò phá phách của lũ học trò: Hỏi khó thầy giáo? Cho học sinh nữ ăn mặc bắt mắt rồi ngồi lên bàn đầu để ngắm thầy? Ăn quà vặt, hút thuốc lá, nắm tay nhau trong lớp học? Ngày xưa đi học tôi còn nghịch hơn tụi học trò bây giờ ấy chứ. Trời bắt đầu mưa nặng hạt nên tôi không phóng nhanh được. Tôi cho rằng mình không thể vào Thái Nguyên như giờ đã định vì cơn mưa này. Cơn mưa tháng ba khiến tôi tê cóng cả hai tay. Những rặng cây ven đường bắt đầu tím thẫm lại. Khi tôi còn cách thành phố chừng 20 cây số nữa thì… xe tự động đỗ lại. Lúc đó là 9 giờ tối. Tôi kiểm tra xăng, bugi… đều ổn cả. Lúc này tôi mới định hình được tình thế tồi tệ của mình. Con đường hun hút tịnh không một bóng người. Những ngọn núi đen sì thấp thoáng sau màn mưa nhắc chừng rằng xung quanh nơi này hẳn không có nhà dân. Ðói, rét, mệt, chẳng ăn thua gì với một thằng trai 23 tuổi, nhưng tôi có một nỗi sợ còn khủng khiếp hơn nhiều. Tôi rất sợ ma. Ngay bên vệ đường là một nghĩa địa khổng lồ. Thỉnh thoảng ánh chớp loà lên soi rõ những lùm đất còn mới nguyên, những vòng hoa nằm rải rác đã nhão nhoẹt vì nước mưa tạo nên các hình thù quái lạ. Hai đầu đường hút dài như vô tận. Bấy giờ, bất kỳ một tiếng động nào ngoài tiếng mưa rả rích đều làm tôi hãi hùng. Ðến độ có lúc chiếc áo mưa của tôi sột soạt vì những cử động của chính mình cũng khiến tôi giật bắn lên.

Tôi cố tập trung vào cơn cồn cào ở dạ dày để quên đi, nhưng những hình ảnh ma quỷ trong các câu chuyện tôi được nghe kể cứ rõ mồn một từng chi tiết. Ma mặt thớt thường hoá thành anh xích lô tốt bụng đèo khách lỡ độ đường về. Vừa đi vừa trò chuyện rôm rả đến nửa đường tình cờ quay lại thấy mặt anh ta phẳng lì như cái thớt. Khách ngất đi, lúc tỉnh dậy thấy mình đang nằm vắt vẻo trên một cái mả mới tinh. Ma cây cứ nửa đêm hoá thành cô gái đẹp đi bán bánh bao. Khách bửa ra ăn thử thấy trong toàn gián với nhện, nhìn lên định bắt đền đã thấy cô gái thè cái lưỡi đỏ lòm dài như đòn gánh cười khanh khách. Rồi ma nam nấp dưới hồ rút chân người, ma xó di chuyển mọi đồ đạc, ma trơi lập lờ ngoài cánh đồng trêu đùa kẻ yếu bóng vía, ma gà có viền mắt vàng khè sống chui lủi trong núi, ma chành trốn trong chum sành, ma lai hú gọi tận cao nguyên. Thậm chí cả ma sói, ma cà rồng chuyên hút máu người trong những cánh rừng Bắc Âu âm u, và thây ma sống bên châu Phi cũng như tập trung cả lại để giật tung mọi tế bào thần kinh của tôi. Tôi lấy chiếc xe làm điểm tựa đề phòng mọi sự tấn công từ phía sau và bắt đầu cầu nguyện thành tiếng, gọi tên từ ông Khổng Tử, Mạnh Tử cho đến Anselm, Rousseau và Décartes 1. Ðúng vào lúc tuyệt vọng nhất thì một âm thanh ầm ì từ phía xa báo hiệu một chiếc xe sắp chạy tới. Những hình ảnh vẫn còn túm chặt trong đầu khiến tôi thay vì mừng rỡ lại đầy cảnh giác với cái vật đang chuyển động. ánh đèn pha quét vào chiếc xe cũng đang rúm ró như chủ nhân của nó. Cái bóng trùm áo mưa lừ lừ tiến lại phía tôi. Tôi quát to.

- Ðứng lại. Người hay ma?.

Khuôn mặt bịt kín bằng một chiếc khăn tối màu càng khiến ảo giác của tôi tăng lên. Người kia cúi xuống chiếc xe của tôi.

- Ma mà chữa được cho anh chiếc xe này cũng tốt. Hay muốn đứng đây ngắm nghĩa địa. Ðây là nơi tập trung nhiều ma nhất vùng này đấy.

- Sao phải bịt mặt?

- Ði mấy chục cây số muốn thủng mặt vì mưa hả ông nội?

Dứt lời anh ta đứng dậy, đạp nổ máy. Chiếc xe lại ro ro như thể lúc nãy nó bị ma ám vào. Ân nhân của tôi trèo lên xe.

- Xe của anh nên bảo dưỡng bộ chế hoà khí. Anh về Thái Nguyên hả? Tốt nhất nên đi cùng tôi đề phòng nó lại chết máy lần nữa.

Tôi líu ríu đi theo anh ta. Chúng tôi không nói lời nào cho đến tận lúc về tới Thái Nguyên. Khi xe vào đến thành phố, đã 12 giờ đêm. Những mái nhà u ám im lặng trong mưa rét. Bất chợt tôi nghe vẳng xa xa tiếng thanh la, chuông mõ như gọi hồn ma quỷ cốc lên từ cõi âm. Âm thanh ngày càng tới gần, và lờ mờ trong làn mưa một đoàn người di chuyển chầm chậm đầy ma quái. Tôi hét lên thất thanh.

- Cái gì thế?.

Người kia cười ha hả.

- Anh chưa nhìn thấy đám ma bao giờ hả. Thôi chào nhá.

Tôi cuống lên.

- Cho tôi hỏi trường Nghiệp vụ du lịch Bình Minh.

Anh ta ngần ngừ.

- Anh đến đấy làm gì giờ này?.

Không muốn để lộ thân phận mình trong hoàn cảnh bất đắc dĩ này, tôi nói bừa.

- Bác bảo vệ ở đó là chú tôi.

Hoá ra ngôi trường nằm ngay góc quẹo trước mặt. Tôi nhận phòng, một căn nhà cấp bốn chừng hơn chục mét vuông kế ngay phòng bảo vệ. Chặng đường dài mệt nhọc và nỗi sợ hãi vẫn còn ám ảnh làm tôi chìm luôn vào giấc ngủ đầy mộng mị.

Sáng hôm sau, tôi có mặt tại lớp học đúng giờ. Cũng là một dãy nhà cấp bốn nằm đối diện căn phòng tôi ở. Trời vẫn mưa lất phất và bầu trời thì tối một cách quái gở. Lớp học lợp mái ngói, những chiếc bàn gỗ ẩm mốc và bức tường lở lói bổ sung vào khung cảnh thê lương của một ngày không lấy gì làm đẹp trời. Khiếp hơn, chiếc cửa sổ bên tay mặt duy nhất sát cạnh bàn giáo viên lại trông ra một khu vườn um tùm cây cối với hơn chục ngôi mộ nằm rải rác. Không đủ can đảm thò tay với cánh cửa sổ phía bên ngoài, tôi bảo một cô bé ngồi bàn đầu với hai bím tóc dài tận đầu gối.

- Ra đóng giúp thầy cánh cửa cho đỡ gió.

Tức thì một giọng con trai lên tiếng phản đối.

- Thưa thầy, người ta muốn xem thầy giảng bài đấy ạ.

- Ai?

- Những người ngoài kia.

Một tên học trò béo ị ngồi cuối lớp, mấy chiếc răng cửa to tướng như răng thỏ đang trân trối nhìn tôi, đầu hất hất về phía cửa sổ. Tôi bắt đầu nghẹt thở, vờ tiến về giữa lớp.

- Tôi là Quang, phụ trách môn nghiệp vụ lễ tân, sẽ dạy các em trong vòng bốn tuần. Du lịch là một ngành dịch vụ quan trọng và trong thế kỷ 21, du lịch sẽ trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế của nước ta.

Những tiếng nhao nhao bắt đầu ồ lên.

- Thưa thầy Thái Nguyên sẽ trở thành mũi nhọn chứ ạ?

- Thầy ơi, chỉ còn 275 ngày nữa là sang thế kỷ 21, chúng em sắp thành đầu tàu rồi.

- Sao tóc thầy nghệ sĩ thế, thầy cắt ở đâu đấy ạ?

Hơn 50 đứa học trò, đứa ngồi đăm chiêu, đứa mặt mũi hớn hở, đứa nheo mắt tinh quái, đứa thản nhiên câng cáo. Tôi bắt đầu cảm thấy sự đe dọa vô hình. Tôi khoanh tay trước ngực, đầu ngẩng cao.

- Comenxki 2 nói rằng: Những kẻ giàu có mà không có học vấn thì chẳng khác gì những con lợn béo ị vì ăn nhiều cám. Những người nghèo khổ mà thiếu hiểu biết thì cũng không khác gì những con lừa đau khổ buộc phải tải nặng. Một người có hình thức đẹp mà không có văn hoá chỉ là một con vẹt có bộ lông hào nhoáng.

- Thầy ơi cần phải có một bộ luật mới để bảo vệ động vật nuôi.

- Thế thì chúng em là loài bò sát đấy ạ.

Tên học trò béo ị đứng bật dậy, hai tay chắp trước ngực, khuôn mặt nghiêm trang giả tạo một cách đáng ghét và ngân nga giọng như bắt đầu bài diễn văn.

- Thưa thầy, chúng em xin thầy hãy rủ lòng thương xót cứu rỗi chúng em thoát khỏi cảnh sống kiếp động vật.

Hắn ta cười hô hố và bắt nhịp cho cả một tràng cười với đủ mọi thanh âm đa dạng. Tôi thay đổi chiến thuật.

- Thôi nhé. Tôi bắt đầu điểm danh. Các em biết nguyên tắc rồi, nếu em nào nghỉ quá 20 phần trăm số tiết sẽ bị học lại.

Quả nhiên lũ học trò ngồi im thin thít để chờ nghe tên mình. Tôi dò đến tên Nguyễn Văn Tuân, sinh năm 1980.

- Em có mặt.

Tên học trò xấc xược nhất lớp nói dõng dạc một cách hài hước khiến tiếng rúc rích lại nổi lên. Ðúng là Tuân béo. Tôi ra vẻ không để ý đọc tiếp.

- Lê Thái Vân.

Im lặng.

- Lê Thái Vân. Bạn này nghỉ học?

Có vài tiếng nho nhỏ ở bàn đầu.

- Bạn ấy mất rồi ạ. Chắc trường quên chưa gạch tên.

Tôi định hỏi tiếp xong lại thôi.

- Các em mở trang 4.

Tụi học trò không mất trật tự như tôi tưởng. Trái lại ngồi im lặng một cách đáng ngờ, như thể chúng đang chuẩn bị thực hiện một âm mưu hết sức mờ ám. Tôi dạy hết hai tiết và nhân giờ giải lao ra đầu hồi đứng hút thuốc. Tôi ngắm ngôi trường. Chỉ là một chiếc sân bé tẹo xen giữa hai dãy nhà cấp bốn mà một dãy là lớp học còn một dãy dành cho giáo viên và học sinh nội trú. Tuy nhiên không hiểu sao dãy kia không có người ở ngoài phòng tôi và phòng ông bảo vệ già cách đó hai gian. Riêng lớp học cũng chỉ có độ bốn lớp. Ðang giờ nghỉ nên chúng nô đùa ầm ĩ trong lớp học. Tuy nhiên những âm thanh vui nhộn đó cũng không thể xua đi không khí ảm đạm của ngôi trường, hay ít ra do tôi cảm nhận thế. Vứt điếu thuốc, tôi bước vào phòng nghỉ giáo viên. ở đó có ba chị, có vẻ là giáo viên ở đây, đang chuyện trò rôm rả. Thấy tôi bước vào, họ ngừng cả lại dò xét. Tôi cất tiếng.

- Chào các chị. Hôm nay trời ẩm ướt quá.

Họ rót cho tôi một tách trà nóng và bắt chuyện.

- Hôm nay em mới lên à? Thấy học sinh ở đây thế nào?

Tôi cười gượng.

- Dạ, các em ngoan và rất hiếu học ạ.

Tôi buộc phải nói ra câu xã giao ấy mà lòng buồn rầu rĩ. Một chị đứng tuổi, mặc áo hoa tay bồng, tóc tết đuôi sam phía sau cười thông cảm.

- Ừ, tụi học sinh ở đây hơi nghịch nhưng tâm tính tốt. Mà đa phần hoàn cảnh đều vất vả nên nhiều lúc cách cư xử cũng khác học sinh Hà Nội.

Tôi hoà nhập nhanh chóng và bắt đầu đi vào những điều cần hỏi.

- Sao khu vườn phía sau lớp nhiều mộ thế chị, mà lại chưa dọn đi?

Chị trẻ nhất có nước da rất trắng, áng chừng hơn tôi vài ba tuổi hạ giọng.

- Trước đây trường này là nghĩa địa của những người vô gia cư. Hồi nạn đói năm 45, người chết nhiều lắm, chôn chung cả ở đây. Mãi vừa rồi chính quyền mới trưng dụng để làm trường học. Cũng là do anh Ðĩnh hiệu trường làm đơn mở trường dạy nghề cho các em.

Tôi nổi da gà.

- Nghĩa là ngay chỗ mình ngồi á?

- Tất nhiên. Khắp mọi nơi. Cả khu lớp học lẫn khu ở. Em đừng sợ, các tiểu sành được dọn đi hết rồi.

- Nhưng vẫn còn một số trong khu vườn sau lớp học.

- Mọi người kể rằng mấy cái đó không rời đi được, vì cứ hễ ai động vào là y như rằng bị trúng gío cấm khẩu. Có người về nhà còn hoá điên mất một tháng. Lúc tỉnh ra mới kể suốt mấy ngày vừa rồi hôm nào cũng được mời đến một khu nhà lá. Người ngợm ở đó ăn mặc rách rưới nhưng ăn uống linh đình lắm. Hỏi ăn món gì thì người kia bảo không biết, chỉ cười ngây ngô.

Tôi uống nốt chén trà và quay vào lớp, cố gắng tránh chiếc cửa sổ. Trời vẫn mưa rả rích và có vẻ ngày càng tối hơn.

- Các em bật điện lên.

- Thưa thầy mất điện rồi ạ.

Tôi cố ghìm lại để khỏi văng ra một từ khó chịu. Tôi tiếp tục bài giảng và bất chợt cảm thấy điều gì đó không ổn. Tôi nhẩm đếm lại số học sinh trong lớp, và đếm lại đến ba lượt.

- Sao trong sĩ số chỉ có 53 mà ở đây có tận 54?.

- Sĩ số 54 chứ thầy? 

- Tôi biết rồi, nghĩa là trừ bạn Thái Vân ra.

Cực chẳng đã tôi đành phải nhắc đến tên người học trò vắng mặt. Tôi vốn không bao giờ thích kêu tên những người đã chết. Trong ánh sáng lờ mờ của lớp học, tôi nhận ra một cô gái ngồi ngay cạnh Tuân béo. Rõ là lúc nãy Tuân béo ngồi cạnh học trò Quốc Hữu. Tin chắc vào trí nhớ của mình từ lúc điểm danh đầu giờ, tôi trỏ tay.

- Bạn nữ này là ai?

Cả lớp im lặng, ngơ ngác. Ngay cả Tuân béo lúc này cũng ngẩn người ra.

- Thầy bảo ai ạ?.

Tôi đanh giọng lại.

- Tôi hỏi người ngồi cạnh em?

- Là bạn Quốc Hữu ạ.

Tôi bắt đầu gầm lên.

- Ý tôi hỏi bạn nữ ngồi cạnh em.

- Cả bàn em toàn nam ạ. Chắc thầy thấy Quốc Hữu giống gay quá đây mà.

Cả lớp bắt đầu cười rinh rích.

- Tôi không đùa.

Từ một chuyện rất nhỏ, tôi thấy sự việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi lũ học trò trở nên bất hợp tác. Tuân béo đứng hẳn lên. Nhìn mặt hắn và cả lớp, tôi biết không ai đùa hết.

- Thưa thầy, bàn em có 5 con trai ạ. Không có bạn nữ nào. Em không hiểu ý thầy định nói gì?.

Tôi luống cuống.

- Cả lớp, tôi hỏi bạn nữ ngồi cạnh Tuân là ai?.

Toàn bộ những cái đầu còn lại quay xuống ngơ ngác, tỏ vẻ không hiểu. Tôi điên tiết.

- Thôi, tôi hỏi chính em. Em nữ áo trắng ngồi cạnh Tuân đứng lên và nói cho tôi biết em tên là gì?.

Cô gái ngồi cạnh Tuân mặc chiếc áo trắng nhờ nhờ và vì ngồi cuối lớp, lại trong cảnh tranh tối tranh sáng nên tôi không rõ mặt cô ta. Chỉ biết cô bé rất trắng với đôi mắt to đen buồn rười rượi và mái tóc cũng đen dài lấp gần hết khuôn mặt. Kỳ cục, cô gái chỉ chăm chắm nhìn tôi vẻ ủ ê như không nghe thấy tôi nói gì. Tôi nhắc lại.

- Nếu em không đứng lên tôi sẽ lên mời ban giám hiệu.

Cả lớp nhìn tôi khó hiểu. Tuân béo lại đứng dậy, vẻ nghiêm trọng.

- Em xin thề với thầy rằng bàn em không hề có bạn nữ nào và ngồi cạnh em là bạn Quốc Hữu. Chỗ cạnh em trước đây thì có một bạn nữ thật, là bạn Thái Vân. Nhưng giờ bạn ấy… Thế thầy nhìn thấy người như thế nào ạ?

Sống lưng tôi lạnh toát, trả lời thằng Tuân như một cái máy.

- Một bạn nữ da trắng, tóc dài, mắt đen.

Một học trò nữ da ngăm ngăm ngồi bàn đầu giở chiếc ảnh trong ví.

- Có đúng bạn này không thầy?

Tôi nhìn xuống cô gái cuối lớp, vẫn với khuôn mặt đượm buồn ngồi lặng lẽ như không mảy may để ý đến những điều người khác đang nói về mình.

- Ðúng rồi.

Có vài tiếng nói rất nhỏ.

- Ðúng là bạn Thái Vân rồi. Thỉnh thoảng bạn ấy vẫn đến lớp.

Thốt nhiên một làn khói mảnh bốc lên bao phủ lấy khuôn mặt trắng bệch của Thái Vân. Tuân béo bất ngờ rú lên một tiếng thất thanh, cả lớp nhốn nháo, còn tôi, theo phản xạ đủ thu hết sức lực còn lại nhấc đôi chân nặng hơn chì chạy như bay ra khỏi lớp.

Trong lúc tinh thần hoảng loạn, tôi đâm sầm vào một người đàn ông đang đi giữa sân trường. Ông này chừng ngoài 40, khuôn mặt thông minh và thân thiện, mặc bộ comple màu xanh cổ vịt. Ông ta nhìn tôi mỉm cười, hàm răng sáng bóng kỳ lạ.

- Cậu là Quang hả. Tôi tên Ðĩnh. Mới lên hôm qua phải không? Ðang giờ dạy chạy đâu mà như ma đuổi thế?

Tôi ấp úng, vẫn còn đủ tỉnh táo để biến báo.

- Em định lên nhờ ban giám hiệu điểm danh cho hôm đầu. Em là giáo viên mới chưa thuộc hết mặt nên...

Ông Ðĩnh cười ha hả.

- Chắc tụi học sinh nó lại quậy chứ gì. Không sao, các em ở đây chăm học lắm. Hôm nào cũng đi đủ hết. Cậu đứng ngoài chờ, để tôi vào dặn dò.

Tôi đứng nép dưới hàng hiên, hít một hơi căng lồng ngự để lấy lại bình tĩnh. 5 phút sau, ông hiệu trưởng ra ngoài miệng tươi cười.

- Ðủ rồi, 53 đứa, cậu vào dạy tiếp đi.

Tôi cuống lên.

- 54 em cơ ạ.

- Trước đây thì thế nhưng có một em nữ mới bị bệnh tim mất tháng trước, giờ chỉ còn 53.

Tôi hoảng hốt.

- Nhưng ban nãy em đếm trong lớp có 54.

Ông Ðĩnh nhìn tôi không hiểu.

- Cậu vào đây với tôi.

Tôi đi sau ông bước vào lớp. Cô gái ban nãy biến mất. Ðúng là bàn của Tuân béo chỉ có 5 nam sinh. Ông Ðĩnh đếm lại thành tiếng và xoa tay.

- 53 mà. Chắc ban nãy cậu đếm nhầm. Thôi thừa còn hơn thiếu. - Ông ta bông đùa, vỗ vai tôi và bước ra khỏi lớp.

Tôi chạy theo.

- Có khi nào bạn bè của các em ấy đến chơi không ạ?

- Không bao giờ, vì các giáo viên của chúng tôi luôn điểm danh rất kỹ. Nội quy nhà trường không cho phép bất kỳ người lạ nào vào lớp học. Bảo vệ cũng rất nghiêm ngặt trong việc này.

Tôi thẫn thờ quay vào lớp và suýt ngất xỉu khi nhìn thấy ở vị trí ban nãy lại hiện lên gương mặt của Thái Vân. Tôi tựa lưng vào tường “Các em làm bài tập trang 6. Cuối giờ tôi thu bài” rồi vội vã bỏ ra ngoài.

Hôm đó, tối mịt tôi mới quay lại trường, sau một buổi chiều ngồi lì trong một quán cà phê bình dân. Ngôi trường nằm trong ngõ nhỏ cách đường cái chừng 50 mét, xung quanh tịnh không bóng người ở, chỉ có đồng không mông quạnh và một khu vườn hoang um tùm lá. Lúc này ngôi trường chìm trong bóng tối. Những ô cửa sổ khoét thành mấy cái lỗ đen ngòm như ẩn chứa bên trong không chỉ là bàn là ghế. Các phòng học ban ngày chở tiếng cười nói của mấy trăm học sinh giờ im lìm đáng sợ. Duy nhất có ngọn đèn vàng lờ nhờ trong phòng bảo vệ đầu hồi là nhắc nhở tôi về sự tồn tại của con người. Tôi tiến về phía ánh sáng. Ông bảo vệ cỡ ngoài 60, thấp bé, quê kệch và nhạt nhẽo. Giá mà ở nơi đô thị đầy ánh sáng thì có thể tôi và ông ta chẳng có chuyện gì để nói với nhau. Nhưng giờ nhìn thấy ông ta tôi mừng húm như thể chiếc phao cứu nạn. Tôi bắt chuyện

- Hôm nay trời ẩm ướt quá.

Nhưng ông già có vẻ hờ hững như đã quen với sự cô độc hàng thế kỷ.

- Chào cậu.

- Bác cho cháu sang ngủ cùng cho vui nhé. Ở một mình thật buồn quá.

Ông ta không buồn nhìn tôi.

- Tuỳ cậu. Tôi còn một chiếc giường xếp đấy.

Tôi sung sướng mở chiếc giường ông bảo vệ lôi từ gầm giường ra và thậm chí không dám quay về căn phòng tối om để thay quần áo nữa.

- Bác đã nhìn thấy ma bao giờ chưa?

- Khối. - Ðôi mắt người bảo vệ già bỗng ánh lên kỳ lạ khiến tôi run như cầy sấy - Hồi tôi còn đi bộ đội. Có lần lạc đường vào ngủ nhờ một ngôi nhà nằm trên sườn đồi. Chủ nhà là một bà goá có cô con gái chưa chồng. Hai mẹ con tiếp đón tôi niềm nở và mặc dù lúc đó là nửa đêm, vẫn ra ngoài vườn thịt cho tôi một con gà giò rồi nấu một nồi cháo nóng. Tôi ăn xong ngon lành leo lên giường ngủ tới sáng bảnh. Sáng dậy chả nom thấy ai, đoán là hai mẹ con đi ra đồng. Lúc đó có mấy người đốn củi đi qua nhìn thấy tôi mới ngạc nhiên hỏi tôi làm gì ở đấy. Tôi kể lại câu chuyện hôm qua thì họ hết hồn nói rằng ngôi nhà đó bỏ hoang. Trước ở đó có hai mẹ con bà goá thật. Họ hoạt động cách mạng nhưng đã bị địch bắt và xử bắn rồi. Chắc chắn người tôi gặp đêm qua là oan hồn của họ đấy thôi. Tôi chả sợ. Nghĩ rằng ma mà đón tiếp mình tử tế như vậy thì cũng phải biết ơn họ. ở đây tôi cũng gặp khối. Thỉnh thoảng cứ có người vào xin lửa rồi lại kêu đói, kêu rét, ăn mặc rách rưới chẳng giống ai, ra nhìn theo thấy mất hút vào mấy khu vườn hoang kia. Chả ma thì là gì. Nhưng mình có làm điều gì xấu đâu mà sợ. Ma cũng từng là người giống mình cả thôi.

Tôi bỗng cảm thấy hối hận vì đã xin vào đây ngủ nhờ, hối hận vì không cáo ốm mà từ chối lên đây dạy học, hối hận vì đã ưng thuận đi làm thầy giáo và bỗng nhiên thấy oán trách bố mẹ tôi hơn bao giờ hết. Tôi buột miệng.

- Thế có bao giờ mình nhìn thấy ma giữa ban ngày không bác?

- Có chứ. Ðấy là những con ma có căn số nặng, linh hồn không thoát đi được nên cứ lẩn khuất nơi chốn cũ.

- Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy ma phải không bác?

- Ðúng thế. Chỉ những người hợp với cõi âm thôi. Ðấy là những người có khả năng đặc biệt. Như tôi chẳng hạn.

Tôi chẳng thích cái khả năng đặc biệt này tí nào. Tôi đâm sợ ông bạn già mới quen này, và tự nhiên, sợ luôn cả chính tôi nữa. Không biết ngày mai tôi có phải đối diện với Thái Vân lần nữa không, trong khi không ai nhìn thấy cô bé cả. Ðêm thứ hai. Tôi có một giấc mơ hãi hùng.

° ° °

Thái Vân vẫn lên lớp, ngồi ghi chép đầy đủ. Khuôn mặt đượm buồn nhìn tôi không chớp. Những đứa khác cũng thôi không giở trò trêu ghẹo tôi nữa. Quả như ông Ðĩnh nói, chúng khá chăm học. Tuy nhiên giờ thì tôi không còn hứng khởi nào để giảng bài nữa. Nỗi sợ hãi làm tôi tê liệt cả đầu óc. Tôi lên lớp trong tâm trạng u u mê mê, hư hư thực thực. Nỗi khổ lớn nhất của người thầy giờ tôi mới thấm thía, ấy là anh không được phép bỏ học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vì bất kỳ lý do gì ngoài ốm phải nhập viện. Chị Hoa béo dạy cùng bộ môn tôi bị học sinh đặt tên là Hắc Phong, có lần sốt đùng đùng vẫn cố lên lớp. Hỏi sao không nghỉ kêu phiền phức lắm. Tôi bỏ về Hà Nội vì lý do gì, bịa ra một căn bệnh cấp tính hợp lý? Lũ học sinh sẽ không có người dạy trong mấy hôm cho đến khi trường cử được người khác lên thay. Ðể có được người lên thay ấy phòng đào tạo sẽ phải bố trí thay đổi toàn bộ giờ giảng. Mọi thứ sẽ rối tung lên. Hay tôi nói thật về con ma kia? Khéo người ta cho rằng tôi đã phát điên cũng nên.

Cơn mưa phùn rả rích không có vẻ gì là ngớt. Tôi vẫn phải đối diện với cái không khí nhợt nhạt ấy hàng ngày, đối diện với những ngôi mộ vô chủ lũ lượt nằm xếp lớp ngoài cửa sổ, với đôi mắt u buồn của Thái Vân và tối tối co ro trên chiếc giường xếp hôi mùi cớm nắng. Tôi bắt đầu thích nghi với không khí kỳ quặc ở ngôi trường, cố gắng nhìn thẳng vào những thứ làm tôi sợ hãi. Tôi gầy xọp đi. Chiều chiều vẫn giở sách ra soạn bài, cảm thấy ngôi nhà quen thuộc đầy ánh sáng và tiện nghi nằm giữa khu phố sầm uất cạnh Hồ Gươm như một giấc mơ xa vời. Tôi quen dần với những con phố hẹp buồn tẻ, quen với những quán cà phê ghế nhựa thiếu internet và điện thoại không dây, quen với những đứa học sinh lôi thôi luộm thuộm, cách pha trò nhạt nhẽo của mấy chị giáo viên giờ giải lao, câu chuyện ma quái hàng tối của ông bảo vệ già, rồi đôi lúc còn ngỡ rằng có khi tôi sinh ra là để nhập vào cái không khí ảo ảo thực thực đầy màu xám này cũng nên.

Lũ học trò lại ngày càng ham học một cách đáng ghét. Thậm chí Thái Vân cũng ham học không kém, như thể cô bé thấy tiếc những ngày còn sống vậy. Nhiều khi tôi quên mất thân phận của Thái Vân, còn định gọi cô lên đọc bài. Làm cái anh thầy giáo hay ở chỗ cho dù có tâm trạng thế nào nhưng cứ hễ học trò nó hau háu ngồi nghe lại hăng máu lên mà giảng say sưa. Thằng Tuân béo lạ thay, không quậy phá nữa và mấy lần nhìn tôi len lén như định nói gì song lại thôi. Thấm thoắt chỉ còn ba ngày nữa là tôi được về nhà. Cơn mưa phùn may thay đã tạnh từ hôm trước. Sáng ấy, ông bảo vệ báo cho tôi một tin rất sốc là bà vợ già của ông sẽ ở quê lên thăm. Vì vậy tôi liệu mà thu xếp chỗ ngủ, ông ta sẽ không cho mượn chiếc giường xếp hôi mùi cớm nắng ấy nữa. Dù đã quen với cái không khí kỳ dị của ngôi trường nhưng việc phải ngủ một mình trong căn phòng đen ngòm mà biết đâu dưới nền vẫn còn vài cái tiểu sành còn sót lại là một chuyện khác hẳn.

Tối đó, sau khi quán cà phê quen thuộc của tôi đóng cửa sau lời đuổi khéo của bà chủ quán “Gớm, nom thế mà đã 11 giờ, cậu về ngủ sớm đi rồi mai còn lên lớp”, tôi còn lang thang chừng non một tiếng nữa. Con đường vắng lặng đến nỗi tôi có thể nghe rõ tiếng bánh xe chà sát lên mặt đường lổn nhổn đá dăm. Ðèn đường đã tắt hết và lúc này chỉ còn ánh sáng duy nhất rọi từ chiếc đèn pha của tôi. ánh đèn màu vàng nhạt bất chợt lướt qua một người mặc sơ mi trắng đang đạp xe đằng trước, là một cô gái. Chẳng mấy chốc khoảng cách giữa tôi và cô ta thu hẹp dần. Cô gái quay đầu lại, đối diện với ánh đèn pha sáng loá. Là Thái Vân. Nụ cười lần đầu tiên tôi nhìn thấy với hàng răng trắng đều tăm tắp.

- Em chào thầy ạ.

Tôi không nhớ mình nằm dưới mặt đường bằng cách nào, vì cú phanh đột ngột hay do mặt đá dăm trượt vào bánh xe nhưng não của tôi đã tê liệt. Khuôn mặt trắng toát của Thái Vân cúi xuống càng làm tôi khiếp đảm.

- Thầy có sao không ạ?

Tôi thều thào.

- Tránh xa tôi ra. Ðã là ma sao không siêu thoát đi. Còn ám tôi làm gì?

Thái Vân bật khóc.

- Thầy ơi. Em không phải là Thái Vân đâu. Em là Bích Hoa. Trò này là do tụi Tuân béo bày ra. Cả cái vụ đốt hương làm khói nữa. Em xin lỗi thầy.

Lúc này tôi như bị ném từ một hồ nước đóng băng tê cóng vào đống lửa đang bén cao từ những cành cây khô nỏ. Cánh tay tôi đau điếng song tôi thấy có chỗ khác còn đau hơn.

- Tôi không tưởng tượng nổi.

Bích Hoa cuống quýt.

- Thầy ơi, chỉ vì em không có điều kiện đi học nên Tuân béo mới bày ra đủ trò. Em đã định nói với thầy nhưng em sợ.

Mơ ước của tôi mấy hôm trước đã trở thành sự thật. Cánh tay của tôi bị rạn sau cú ngã xe và tôi từ chối sự thăm hỏi của lũ học trò trong bệnh viện. Hôm cuối cùng, tôi vẫn cố lên lớp với cái tay bó bột trắng toát. Tôi chỉ nói vỏn vẹn một câu.

- Tôi đã lặn lội gần trăm cây số đến đây để mong gặp các em. Vậy mà tôi thất vọng.

Hơn 50 khuôn mặt xanh lét. Cả Tuân béo cũng cúi gằm mặt xuống. Chúng tôi chia tay nhau chẳng vui vẻ gì.

Sáng hôm sau, trời rất đẹp nhưng tôi đã chán ngán cái thành phố này đến tận cổ. Cái cảm giác mình là một thằng ngốc trên bục giảng suốt một tháng qua làm tôi phiền muộn. Ðúng vào lúc tôi loay hoay tìm cách dắt chiếc xe bằng một tay ra cửa, thì có tiếng lao xao rộn lên trong sân trường vắng lặng. Tất cả lũ học trò quý hoá của tôi đã tề tựu đông đủ, dẫn đầu là Tuân béo và Bích Hoa. Tuân béo tay xách chiếc ba lô cho tôi, mắt nhìn đi hướng khác.

- Em xin lỗi thầy. Chỉ vì hôm thầy bị hỏng xe giữa đường, thấy thầy… sợ ma nên em tính đùa chút xíu. Chúng em vẫn luôn tôn trọng thầy.

Tôi trố mắt lên nhìn Tuân béo và chợt nhớ ra cái dáng mập tròn trong chiếc áo mưa màu tím than. Tuân béo lúc này mới dám nhìn tôi.

- Thầy không phải đi ô tô đâu. Ðể em đưa thầy về tận Hà Nội.

° ° °

 

Có một vài lý do khiến tôi không thể nào ghét lũ học trò được, cho dù đôi lúc chúng còn khó chịu hơn tụi yêu ma quỷ quái. Bích Hoa năm nào cũng gửi cho tôi một gói trà vào ngày 20 tháng 11. Mùa thu năm ngoái, tôi tình cờ gặp cô bé trong một hội chợ du lịch, đang đứng giới thiệu sản phẩm trà của gian hàng. Mới tuần trước, Bích Hoa cũng gửi thư từ trong Nam ra khoe rằng đã chuyển hẳn sang một công ty du lịch lớn và cô bé được tiến cử phụ trách bộ phận nội địa. Tuân béo cũng hay gọi điện hỏi thăm. Cậu này hồi đi học còn làm thuê cho cửa hàng sửa xe máy giờ đã mở một nhà hàng ăn uống ở Thái Nguyên. Nghe đâu còn có tham vọng đầu tư vào dịch vụ du lịch Hồ Núi Cốc.

--------------------------------
1Tên các nhà sư phạm nổi tiếng
2Jan Amot Comenski, nhà lý luận dạy học được tôn vinh là Ông tổ của nền sư phạm cận đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét