Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Một thời đại hết thuốc chữa

 


Tranh vẽ minh họa quần thần nhà Minh

Luận Anh Hùng - HẢI THỤY

3. Một thời đại hết thuốc chữa

Thực ra, rất nhiều người thừa nhận chính tích của Hải Thuỵ.

 

Sau khi Hải Thuỵ bị miễn chức tuần phủ Ứng Thiên, người kế nhiệm là Chu Đại Khí. Cao Củng và Trương Cư Chính luôn có thư cho Chu Đại Khí, bàn về chuyện phải như thế nào với chính sách của Hải Thuỵ. Cao Củng và Trương Cư Chính tuy là địch thủ, đều chủ trương bãi miễn Hải Thuỵ, nhưng gần như đều nhất trí đánh giá cao Hải Thuỵ. Thứ nhất, không thể phủ nhận toàn bộ những việc Hải Thuỵ đã làm, Cao Củng ngay từ đầu đã nói rõ ý chính: "Những việc Hải Thuỵ đã làm, nếu nói đúng cả, chưa hẳn; nếu nói sai cả, cũng chưa hẳn". Thứ hai, bọn họ đều cho rằng, mục đích của Hái Thuỵ là trừ ác, động cơ là vì dân, chí có cách làm là chưa thoả đáng. Thậm chí Trương Cư Chính còn dùng khẩu khí biện giải thay cho Hải Thuỵ: "Cách làm tuy có quá đáng, nhưng lòng dạ lại vì dân", tóm lại xuất phát điểm của động cơ là rất tốt. Thứ ba, bọn họ đều cho rằng chính sách của Hải Thuỵ chỉ có thể điều chỉnh, không thể vứt bỏ. Trương Cư Chính có phần khách khí hơn, nói: "Sau khi xuống tuyết, cho thêm hơi ấm, người ta sẽ hoài xuân, chẳng cứ phải thay đổi hết phép tắc để theo người". Cao Củng lại nói như đinh đóng cột: "Nếu không điều chỉnh chỗ quá khích, bất cận nhân tình của ông ta thì hẳn là không được, nếu lại bỏ hết chỗ đau xót vì tệ nạn, làm chủ cho dân, thì lại càng không được”. Cái chữ càng trong càng không được chỉ rõ, điều khẳng định của Cao Củng về việc làm của Hải Thuỵ nhiều hơn hẳn những điều phủ định, thậm chí còn không muốn phủ định những chỗ chưa đủ của Hải Thuỵ, cũng không thể phủ nhận phương hướng loại bỏ tệ nạn, làm chủ cho dân của Hải Thuỵ.

 

Xem ra, không thể coi Cao Củng và Trương Cư Chính là hai kẻ xấu, càng không phải là những kẻ tầm thường. Họ đều rất tỉnh táo, rất hiểu biết. Cả hai đều không vì chán ghét con người Hải Thuỵ mà phủ nhận nhân phẩm, nhân cách của Hải Thuỵ cùng những phương hướng chính xác của Hải Thuỵ, cũng không vì Hải Thuỵ đã bị bãi quan mà như đá ném xuống giấy, truy bức tới cùng, nói là Hải Thuỵ sai lầm hoàn toàn. Hai vị nguyên lão này có phần như là "chèo thuyền trong bụng tể tướng". So ra thì, Hải Thuỵ có phần trẻ con khi chửi mắng tất cả.

 

Điều mà Cao Củng, Trương Cư Chính không hợp với Hải Thuỵ chính là phương thức và phương pháp. Cao Củng nói Hải Thuỵ là quá khích, Trương Cư Chính nói là quá đáng, về phần mình, Hải Thuỵ có cảm giác là chưa đủ. Với vẻ lo nghĩ, buồn rầu, Hải Thuỵ từng nói, lúc này chữa bệnh cho đất nước chỉ còn một vị thuốc là: Cam thảo. Thuốc để xử thế chỉ là hai chữ: Hương nguyện! Hương nguyện còn là hương nguyên, Mạnh Tử định nghĩa là: "Hoà cùng thói tục, hợp với đời dơ, ăn ở dường như trung tín, hành động dường như liêm khiết, mọi người đều ưa thích, tự cho là phải, mà không thể cùng vào đạo của Nghiêu Thuấn. Rõ ràng, hương nguyện là giả dối, là phô diễn, lấy lòng bốn phương, lung lạc tán thưởng, không nói tới nguyên tắc, bề ngoài là liêm khiết, tự khép mình, thực tế là cùng với hủ tục, hợp với đời bẩn. Người như vậy, kê đơn chữa bệnh cho đất nước, đương nhiên, chỉ có một vị ngon ngọt là cam thảo, trị không khỏi bệnh và cũng trị không chết người. Hải Thuỵ cho rằng phải dùng tới loại thuốc mạnh. Hải Thuỵ có tấu sớ dâng lên hoàng đế Gia Tĩnh, đó chính là vị thuốc mạnh, vị dẫn thuốc là sinh mạng của chính mình. Hải Thuỵ hy vọng vị thuốc đó có thể làm cho hoàng đế bừng tỉnh và đất nước phấn chấn lên. Tiếc là bệnh về thể xác và tư tưởng của vị hoàng đế đã nhập vào xương rồi, cuối cùng thì ô hô mất mạng. Chả trách, khi được tin, Hải Thuỵ đã khóc rống lên, Hải Thuỵ khóc vì cái chết của hoàng đế và cũng khóc vì phương thuốc đó không hiệu nghiệm.

 

Lúc này, khó khăn lắm Hải Thuỵ mới có cơ hội chữa bệnh cho đất nước, đương nhiên không thể bỏ qua. Vì vậy, vừa đến nhận chức tuần phủ Ứng Thiên, Hải Thuỵ đã giơ dao múa búa, sấm chớp vang trời, thậm chí không sợ sửa sai quá mức. Lúc Từ Giai vừa hoàn trả ruộng đất, lẽ ra Hải Thuỵ đã nên thôi. Vì nó đã có ảnh hưởng tốt, lũ đại địa chủ như Thẩm Khải thấy ngay cả với Từ Giai, Hải Thuỵ cũng không bỏ qua, đành phải chủ động hoàn trả số ruộng đất đã cướp đoạt. Lúc đó Hoàng Nhân Vũ cũng nói: "Nếu Hải Thuỵ dùng phương thức trừng trị một cảnh cáo trăm, tuyên truyền rộng rãi án của Từ gia và một số kẻ khác làm gương, bọn nhà giầu lùa dối người nghèo sẽ phải khiếp sợ", thế thì "trong không khí ngoài cứng trong mềm, Hải Thuỵ sẽ thành công", nhưng Hải Thuỵ gần như không hiểu "đạo của văn võ là khi cứng thì mềm", nhiệt tình làm việc của Hải Thuỵ không chỉ không giảm, mà còn gấp bội mỗi khi nghe tin thắng lợi. Hải Thuỵ thấy không vui, nếu chỉ ngồi ở nha môn nhận đơn tố giác (như đã nói, mỗi tháng có tới bảy, tám ngàn lá đơn), Hải Thuỵ còn đến tận phủ huyện để nghe tố tụng, hỏi han từng đơn, thẩm lý từng đơn, đã làm là làm tiếp, dây cương đấu tranh ngày một căng.

 

Chỉ riêng Hải Thuỵ mới có nhiệt tình đó. Sở dĩ phải làm việc như điên như dại, vì vừa chân ướt chân ráo đến nơi, Hải Thuỵ đã phát hiện thấy những việc cần làm đang rối như tơ vò và cần phải chấn hưng ngay mọi việc đã bê trệ. Hải Thuỵ thấu hiểu, một người không phải là tiến sĩ, không có chỗ dựa là các ông lớn, được gánh vác trọng trách là điều đặc biệt trong những điều đặc biệt, vậy chỉ còn cách là ra sức làm việc, mới có thể báo đáp đất nước, không phụ hoàng ân. Hơn nữa, lúc này Hải Thuỵ đã hơn năm mươi tuổi, thời gian làm việc không còn nhiều, đúng là "thời gian không biết chờ đợi". Vì vậy Hải Thuỵ luôn bị áp lực, giống như Hàn Dũ năm nào "muốn làm thánh minh trừ thói tệ, chịu đan mục nát tiếc năm tàn". Ngoài ra, Hải Thuỵ còn có suy nghĩ: Trên đời này không có bữa tiệc nào là không tàn, không có chức quan nào là mãi mãi, Hải Thuỵ này lại càng như thế, chỉ có thể một ngày làm quan thì một ngày phải hết sức, có thể làm được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Để đẩy nhanh tiến độ công trình trị thuỷ sông Tùng Giang, Hải Thuỵ cho dựng văn phòng làm việc ngay tại công trường, cho giết ba tên giám quan bất lực và thi thể của chúng được cuốn chiếu, chôn trước văn phòng. Kết quả, tiến độ công trình trở nên rất nhanh. Một viên tuần án ngự sử vốn muốn cản trở và hãm hại Hải Thuỵ chưa kịp ra tay thì công trình đã hoàn thành. Viên tuần án nọ chỉ còn biết ôm đầu thở dài: "Công trình để đời đã bị hắn giành mất". Đương nhiên, khi viên tuần án kia cho người đào mồ ba kẻ bị giết, thấy có ba con lợn béo, ba tên giám quan đã được Hải Thuỵ giấu ra nơi khác.

 

Công trình thuỷ lợi có thể được tiến hành khẩn trương như vậy, nhưng công trình chính trị thì không hề đơn giản. Lúc này nhìn lại, thấy việc làm của Hải Thuỵ lúc đó có phần giản đơn. Hải Thuỵ thụ án nhiều đến như vậy, cũng có thể coi là đơn giản. Nhưng vấn đề đụng tới lại là những vấn đề hết sức phức tạp: Như là đo đạc lại ruộng đất, hoàn trả nông điền, bình phản oan ngục, chỉnh đốn trị an, sửa sang thuỷ lợi, giải tán mộ binh, chỉnh đốn lại trị, khảo hạch quan viên, quyết định một loại thuế mới, đâu đâu cũng là việc cũ, ăn sâu bám rễ rất khó bỏ, đã tiến hành là động tới toàn thể, nhưng lực lượng của Hải Thuỵ lại rất mỏng, đã không có điều khoản pháp luật chính xác, cũng không có cơ cấu chuyên môn đắc lực, chỉ bằng vào nhiệt tình chính trị, cùng những trực giác về thiện và ác, đã hỵ vọng nhanh chóng gỡ hết mớ bòng bong, chỉ một buổi đã thanh trừ hết những tệ nạn của trăm năm, điều đó không thể thành công, đương nhiên không cần phải nói.

 

Bọn chúng thường lấy việc Hải Thuỵ cải cách ở Ứng Thiên để hạch tội Hải Thuỵ, chúng ra tay rất hăng và khí thế ghê gớm. Cấp sự trung Đới Phượng Tường còn nói bừa, dưới sự cai trị của Hải Thuỵ, tá điền không dám nộp tô cho nghiệp chủ, người vay tiền không dám trả lại, dân gian lưu truyền câu nói "trồng ruộng tốt không bằng tô cáo vặt". Nếu Hải Thuỵ không thanh liêm đến nhường ấy, e đã được coi là khốc lại kiểu như Chu Hưng và Lai Tuấn Thần. Nội các cũng rất lo lắng về cách làm của Hải Thuỵ. Họ nghĩ ngay tới một vị thầy thuốc, vị này từng cho bệnh nhân ăn rất nhiều ba đậu, còn hùng hồn kể rằng, sách thuốc từng viết "phải cẩn thận khi dùng ba đậu", đương nhiên, cần phải trọng dụng loại người này. Còn như, vị thầy thuốc là Hải Thuỵ, nội các thấy cần phải nhanh chóng thu lại chức tuần phủ, để đất nước Đại Minh vốn đã bị bệnh, không bị Hải Thuỵ nhiệt tình chữa trị quá mức, khiến người nghiêng ngựa ngả.

 


Tượng hoàng đế Vĩnh Lạc trong Trường Lăng

Hải Thuỵ quyết định cầu cứu Trương Cư Chính.

 

Lúc còn ở kinh thành, chừng như Hải Thuỵ đã gặp gỡ Trương Cư Chính. Theo Hải Thuỵ, Trương Cư Chính là người có đầu óc, không như lũ quan viên chuyên ngồi không ăn sẵn, hệt như lũ đàn bà. Lúc này, Trương Cư Chính đã có ba năm ở nội các, là thượng thư bộ Lại, là đại học sĩ điện Vũ Anh. Vì vậy Hải Thuỵ mong muốn Trương Cư Chính sẽ đứng ra chủ trì công lý. Cũng như Hải Thuỵ, Trương Cư Chính từng chủ trương đổi mới chính trị, tăng cường pháp luật và cũng căm ghét bọn địa chủ Tô (Tô Châu), Tùng (Tùng Giang), nhưng lại tỏ ra bất lực trước sự cầu viện của Hải Thuỵ. Trương Cư Chính có thư cho Hải Thuỵ, nói: "Luật ba thước không thi hành ở nước Ngô lâu rồi, nay mà gò vào khuôn phép hẳn không chịu nổi". Còn nói thêm, lúc này triều đình đã bàn nhiều về Hải Thuỵ: "Ngoa ngôn sôi sục, người nghe lo sợ". Vì vậy, Trương Cư Chính tự thấy hổ thẹn trước miếu đường và cũng hổ thẹn là người nắm giữ pháp luật mà không làm được gì.

 

Xưa nay, người người luôn chê trách lá thư của Trương Cư Chính, cho rằng Cư Chính lúc đồng tình lúc chê trách, thật dối trá vô cùng. Tôi lại nghĩ, Cư Chính đã nói lên sự thực. Đúng, cả triều đình lúc đó đã coi Hải Thuỵ như cái gai trong mắt, cần phải vứt bỏ nhanh, Trương Cư Chính nói giúp Hải Thuỵ mấy câu, liệu có gì là hay ho, huống chi Cư Chính vẫn còn chưa đồng tình với cách làm của Hải Thuỵ. Đương nhiên, không nên trách Trương Cư Chính.

 

Vậy, bản thân Trương Cư Chính đã làm như thế nào? Hình như cũng chẳng làm gì cả.

 

Trương Cư Chính được coi là một trong số những chính trị gia nổi tiếng nhất thời Minh. Vào năm hoàng đế Vạn Lịch đăng cơ (năm 1572), bằng phương thức tập kích bất ngờ, như tiếng sét ngang tai. Cư Chính đã đánh đổ Thủ Phụ Cao Củng, đến năm Vạn Lịch thứ mười (năm 1582) qua đời, có hơn mười năm là Nguyên Phụ Kiên đế sư. Trước lúc qua đời chín ngày, Cư Chính được gia phong hàm thái sư, trở thành người có vinh dự đặc biệt ở triều Minh. Trong mười năm đó, Vạn Lịch hoàng đế là học trò của Cư Chính (Vạn Lịch đăng cơ lúc mới có chín tuổi), Từ Thánh hoàng thái hậu ân sủng, tín nhiệm Trương Cư Chính hết mức, vì vậy, trong mười năm đó ý chỉ của Trương Cư Chính cũng là thánh chỉ của hoàng đế, đồng ý chỉ của thái hậu. Phần lớn văn võ trong triều là người Cư Chính bồi dưỡng và đề bạt. Đương nhiên, Hải Thuỵ không dám quay lưng lại với một người quyền lực như vậy.

 

Địa vị của Trương Cư Chính và Hải Thuỵ tuy có khác biệt, nhưng tác phong của hai người phần lớn là giống nhau: Luôn hăng say làm việc, có nhận thức có trách nhiệm, không hề run sợ, tác phong mạnh mẽ... Có điều Trương Cư Chính ít liêm khiết, nhiều quyền mưu hơn Hải Thuỵ. Không nên nghi ngờ gì về tài năng chính trị của Trương Cư Chính, sức hút của con người này cũng khiến người ta phải nghiêng ngả. Trương Cư Chính thông minh tuyệt đỉnh, nhạy bén hơn người, hiểu sâu nhớ dai, hơn nữa còn biết trọng lễ nghĩa, tu nhân tích đức, trong ngoài luôn biểu hiện phong độ cần có của vị hiền tướng. Lúc hoàng đế Long Khánh tạ thế, Cư Chính và Cao Củng đều có mặt trong nội các. Cao Củng là thủ phụ, Cư Chính là thứ phụ. Thời Minh không có chế độ tể tướng, chỉ có chế độ các thần (đại thần trong nội các), nên thứ phụ có nghĩa gần như "phó thủ tướng thứ nhất". Nhưng mọi đình thần thời đó đều ác cảm với các thần số một Cao Củng và thiện cảm với các thần số hai Cư Chính. Để bài xích Cao Củng, được hoạn quan Phùng Bảo vẽ đường mách lối, Trương Cư Chính đã có một hiệp định bí mật về chính trị với mẹ đẻ của Vạn Lịch là Lý quý phi, điều kiện là tôn Lý quý phi làm "Từ Thánh hoàng thái hậu" ngang hàng với "Nhân Thánh hoàng thái hậu" đích mẫu (Ạ) của Vạn Lịch. Hành vi không đẹp với các đồng liêu chính phái rốt cuộc vẫn được chấp nhận. Lúc đó, nhân duyên của Trương Cư Chính là tốt, uy vọng cao quý, nói chung là toàn vẹn.

 

Tiểu hoàng đế Vạn Lịch nhìn Trương Cư Chính vừa kính vừa ngại. Hoàng đế Vạn Lịch tên là Chu Dực Quân, Vạn Lịch là niên hiệu, khi chết, miếu hiệu là Thần Tông. Trước thời Minh, có rất nhiều niên hiệu của một hoàng đế, trong số đó, niên hiệu của Võ Tắc Thiên là nhiều nhất, có lúc đổi hiệu đến mấy lần trong một năm, vì vậy lịch sử thường xưng hô các vị hoàng đế bằng thuỵ hiệu hay miếu hiệu, như Hán Vũ đế, Đường Thái Tông. Hai triều Minh, Thanh hoàng đế chỉ có một niên hiệu (trừ Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn có hai lần đăng cơ). Mọi người đều quen xưng hô bằng niên hiệu, như Vạn Lịch thời Minh, Ung Chính thời Thanh. Vạn Lịch và hai người mẹ của mình luôn có sự kính trọng đặc biệt với Trương Cư Chính, thường gọi là "Nguyên phụ Trương tiên sinh". Vì Trương Cư Chính đã giúp họ, cô nhi quả mẫu, loại bỏ Cao Củng - một thủ phụ hoành hành bá đạo, luôn có bụng không thần phục. Thực ra, đó là âm mưu của Trương Cư Chính và Phùng Bảo. Lúc khóc trước linh cữu, Cao Củng nói: "Thái tử mười tuổi trị thiên hạ thế nào đây", từ đó, Phùng Bảo đổi thành "thằng bé mười tuổi, làm thiên tử thế nào đây", lúc câu nói sau truyền đến hậu cung, hai cung thái hậu hết sức kinh ngạc, hoàng đế Vạn Lịch mặt cũng biến sắc. Sau đó, với sự sắp đặt tinh tế của Trương Cư Chính, vào một buổi sáng, đột nhiên Cao Củng bị tước mất toàn bộ quan hàm chức vị, bị đuổi khỏi kinh thành, trở về nguyên quán, được giao cho địa phương quản thúc nghiêm ngặt. Nghe nói, lúc đó Cao Củng đang quỳ trước trăm quan, và bất thần như bị sét đánh, đã gục xuống và bất tỉnh, cuối cùng lại là Trương Cư Chính đến vực dậy, Cao Củng mới thất thểu bước ra ngoài.

 

Trương Cư Chính có công hộ giá cần vương, thêm nữa, Cư Chính phong thái trang trọng, đạo mạo trang nghiêm, thông minh tuệ trí, bác học đa tài, từng câu chữ đầy lý lẽ, mỗi việc làm luôn thoả đáng, từng cử chỉ luôn hợp lý hợp thể, khiến cho vị hoàng đế mười tuổi và hai bà mẹ phải phục sát đất, đương nhiên, Cư Chính được coi là tổng thiết kế sư việc triều chính và là tổng trưởng giáo dục của hoàng đế.

 

Nhưng Trương Cư Chính bị đổ còn thảm hơn Hải Thuỵ nhiều. Sau khi qua đời được nửa năm, Cư Chính bị phát giác và phê phán về mọi mặt, gồm những tội danh khi quân hại dân, thu nhận hối lộ, mua quan bán tước, nhiệm dụng người của mình, buông thả lũ nô bộc, kết bè lập đảng, thao túng triều chính, lòng dạ phản trắc, thậm chí còn có người tố giác Cư Chính có ý soán vị mưu phản. Hai năm sau, tức là vào năm Vạn Lịch thứ mười hai (năm 1584), gia sản bị tịch thu bằng sạch, con trai đầu đã tự sát trong quá trình gọi là "truy thu tang vật". Bốn tháng sau, tội của Cư Chính được ban bố thành năm hạng mục: Vu cáo thân vương, chiếm đoạt vương phủ, kìm chế ngôn quan, bưng bít thánh đế, chuyên quyền loạn trị. Với những tội ác đó, lẽ ra phải mở quan tài băm nát thi thể, nay gia ân xá miễn, nhưng mấy người em và hai con trai đều phải sung quân ra vùng đất hiểm.

 

Có đúng là Trương Cư Chính đã phạm những tội ác vừa nói ở trên không còn là vấn đề chưa rõ và cũng không quan trọng. Trong đấu tranh chính trị ở thời cổ đại Trung Quốc, những nguyên nhân khiến một nhân vật hàng đầu thân bại danh liệt, thường bị những lời nói đường hoàng, có vẻ như thật che khuất. Trương Cư Chính từ chỗ được “vạn người xưng tụng" đã biến thành kẻ bị "vạn người chửi rủa", nguyên nhân thực sự là đã đắc tội với toàn bộ giới quan trường, chẳng khác gì nguyên nhân làm Hải Thuỵ bị bãi quan. Có điều, tội của Hải Thuỵ là huỷ hoại quỵ chế của quan trường, còn Cư Chính đã đụng tới bát cơm của chúng. Họ giống nhau ở chỗ, đều nhận thấy tệ nạn quá nhiều, cần phải sửa đổi, làm mới. Chỗ khác biệt là Hải Thuỵ chú ý tới liêm chính, vì thấy phải làm chủ cho dân; Cư Chính chú ý tới hiệu suất, vì mục đích là nước giàu binh mạnh. Muốn loại bỏ hủ bại hô hào liêm chính, chỉ cần đề cao tinh thần đạo đức, khôi phục chế độ thời Hồng Vũ là xong; còn như muốn nâng cao hiệu suất vận hành cả bộ máy nhà nước thì nhất thiết phải biến pháp. Biến pháp là động tới toàn bộ hệ thống thần kinh của giới quan trường, tổn hại đến lợi ích đã có hoặc sắp có của nhiều người, khiến cho kế hoạch thăng quan phát tài của nhiều người trở thành bong bóng. Vì vậy "sự phẫn nộ của giới quan lại" đối với Cư Chính càng lớn.

 

Ít ra cũng có tới hai sự kiện khiến bọn quan văn căm hận Trương Cư Chính.

 

Sự kiện thứ nhất, Trương Cư Chính đã mượn danh nghĩa hoàng đế trách cứ và lệnh cho các địa phương phải thu đủ mọi khoản thuế theo quỵ định. Nhìn bề ngoài thì mệnh lệnh đó không có gì là không thoả đáng; làm ruộng nộp thuế để đất nước có lương thực, là việc thiên kinh nghĩa địa xưa nay phải làm. Nếu không nộp đủ, phải bổ sung là đương nhiên, trừ trường hợp có thiên tai, triều đình sẽ có lệnh đặc biệt để miễn giảm. Nhưng tình hình thực tế hiện nay là: Khắp nơi trong toàn quốc, bất kể là huyện giàu hay nghèo, bất kể là năm thiên tai hay năm được mùa, thuế má không bao giờ nộp đủ. Nguyên nhân đại thể là thế này: Triều đình có một ngàn một trăm huyện, tình hình sẽ khác nhau là lẽ tự nhiên, vì thế ngạch thuế và mức thuế ở các huyện cũng khác nhau. Nghe nói tổng số thuế ở huyện khá giả gấp ba trăm đến bốn trăm lần một huyện còn nghèo khổ, khó khăn. Điều này sẽ tạo nên một tâm lý bất bình đẳng. Ở một huyện nghèo, ý thức nộp thuế của mọi người rất thấp. Với họ, được nộp thuế ít là việc đương nhiên, thiếu một ít thuế cũng chẳng là gì. Vì ai cũng hiểu là họ nghèo, không đủ tiền nộp thuế. Thế là, họ không nộp bất kể một thứ thuế nào, so với những vùng giàu có, mức sống quá ư tồi tệ, nếu đóng đủ thuế, thì còn gì để sống? Hơn nữa, thuế má vốn đã rất nhẹ, nếu đóng đủ cũng chẳng là mấy, việc gì cứ phải cân đo đong đếm? Đất nước Đại Minh, đất rộng người đông, tài nguyên phong phú, còn phải nghĩ tới mấy đồng tiền bọ kia làm gì? Những vùng giàu có bớt ra một chút của giắt răng là đủ. Nông dân và địa chủ những vùng còn nghèo khó, đều đã làm việc như đã thấy, tự nhiên có thể nộp thì cứ nộp, không nộp thì thôi.

 

Nông dân và địa chủ những vùng giàu có lại nghĩ khác. Họ cho rằng "khắp gần trời nay đều là đất của vua, mọi người đều là bề tôi của vua" phải được đối xử công bằng như nhau, dựa vào đâu bảo chúng tôi phải đóng nhiều, người khác được đóng ít. Huyện nghèo đất hẹp người thưa, tổng ngạch thuế má ít đi một chút thì đã sao, nhưng không thể có hai loại thuế suất. Thực tế thì khác biệt lại quá lớn, như thuế ruộng ở phủ Tô Châu, chiếm chừng 20% thu nhập của nông thôn còn ở huyện Tào, Sơn Đông chiếm 9%. Ở Lật Dương càng ít, chỉ từ 1% đến 5%. Lật Dương cách Tô Châu không là bao, nhưng thuế suất lại khác biệt một trời một vực, chẳng trách tâm lý dân Tô Châu là không bình thường. Tính ra, những vùng giàu có chỉ cần nộp 60% tiền thuế, đã bằng tổng số tiền thuế những vùng nghèo khó, đã cống hiến không ít. Số tiền còn lại, tự nhiên có thể nộp thì cứ nộp, không nộp thì thôi.

 

Kết quả, bất luận là huyện giàu, huyện nghèo, chỉ có thể thu được sáu phần tiền thuế, bốn phần còn lại chưa có hồi kết. Con số đó cũng đáng kể. Mọi người đều hiểu, chống lại việc nộp thuế là phạm vương pháp. Điền chủ không thể không nộp một ít, quan địa phương không thể không thu một ít, bằng không sẽ mất mũ ô sa. Nhưng nếu chỉ thu được sáu phần, tuy gọi là quá bán, cũng đủ để nói dân chúng chống thuế, quan lại vô năng. Vì đã có con sô 60% làm vật đệm, nên mọi người không hề sợ sệt, không phải đóng tiếp bốn phần thuế còn nợ, và đó đã trở thành luật, được ngầm ước định giữa quan và dân.

 

Còn một điểm nữa cũng rất quan trọng, tức là phần thu thêm, ngoài số tiền thuế quỵ định để dân chúng phải nộp như thóc gạo hao hụt trong quá trình vận chuyển, như bạc vụn đã đúc thành khối cũng không khỏi có hao hụt. Để bổ sung vào chỗ hao hụt đó, lúc thu thuế còn phải thu thêm một khoản khác, gọi là "mễ hao" và "hoả hao". Khoản tiền thu thêm "thường lệ" này thực chất là thu nhập thêm của quan lại các cấp, ngay cả Hải Thuỵ cũng có phần, có điều Hải Thuỵ tuyên bố là mình không nhận. Các quan lại địa phương khác đều nhận số tiền này. Thực tế, một viên quan địa phương nếu có khéo léo lập thêm một danh mục khác, ngoài các khoản thu thông thường, thì vẫn được coi là quan thanh liêm, như ở phần trước đã nói, tiền lương của quan lại triều đình rất thấp, lương bổng hàng năm của quan lớn nhị phẩm cũng chỉ được một trăm năm mươi hai lạng bạc, không đủ để chi tiêu. Để duỵ trì cuộc sống tươm tất một chút, họ không thể không có "thu nhập không minh bạch". Quan kinh thành phải dựa vào sự "hiếu kính" của quan địa phương; quan địa phương phải bám vào phần "lệ thường" này. Cho nên phần thu nhập này, nói thẳng ra là tham ô, nhưng lại được công nhận là hợp lý hợp pháp, ít ra cũng là bình thường, nên gọi là "lệ thường". Một chế độ coi "tham ô là hợp pháp" thì tính hợp lý của chế độ đó đã có vấn đề lớn, nhưng không có ai dám tỏ ra nghi ngờ chế độ.

 


Thần đạo dẫn tới các lăng mộ trong Thập Tam Lăng.

Người dân có thể nợ thuế nhà nước, nhưng đối với các khoản thu thường lệ thì không được thiếu. Các quan địa phương tuy không thu đủ được tiền thuế nộp vào quốc khố, nhưng các khoản thu thường lệ thì không thiếu một xu. Như vậy, việc nợ bốn phần thuế còn lại, là có lợi cho dân, không hại gì cho quan, chỉ có đất nước là thiệt thòi. Đất nước thiệt thòi, không người xót xa. Thứ nhất, đất nước rộng lớn, giàu có, có thiệt thòi một chút cũng chẳng sao. Thứ hai, đất nước là cao quý, vời vợi, thiệt hay không thiệt liên quan gì tới bọn tiểu dân. Hơn nữa, đất nước thu được nhiều thuế như vậy, nhưng chắc gì đã thu cho dân, để dân dùng, mà để phụng dưỡng hệ thống quan liêu đông đảo và số ít kẻ hoang phí. Số tiền dùng để bảo vệ biên cương, tu sửa công trình thuỷ lợi chắc cũng không quá nhiều. Còn như tiền để phát triển kinh tế, nâng cao sức sản xuất hoặc làm lợi cho số đông những người nộp thuế chắc gì đã có ai nghĩ tới. Đã vậy, chúng ta nộp nhiều như thế để làm gì?

 

Đương nhiên, trách nhiệm vẫn còn, quan địa phương cũng thúc cũng giục, nhưng một khi cả trăm ngàn chủ hộ dây dưa kéo dài để không nộp thuế thì cũng chẳng có quan địa phương nào ứng phó mãi được. Vì các hộ lớn có chỗ dựa vững chắc, một viên huyện lệnh thất phẩm, vị tất đã dám dây vào. Còn như một tên dân đen cùng khổ, thấp cổ bé họng, cũng tự có cách riêng của mình, tức là "cần lương không có, cần mạng chỉ có một". Cố nhiên, bọn huyện lại có thể trói người không nộp thuế để xử trị, nhưng pháp luật không trị tội số đông, nên chỉ có thể trừng trị một để đe doạ trăm. Có điều việc nợ thuế đã thành việc của toàn bộ nông hộ, nên cách trừng phạt đó cũng không mấy hiệu quả. Nhưng thuế cũ chưa nộp xong, sẽ thành gánh nặng cho thuế mới. Về phía các quan, họ tìm đủ mọi cách để có thể miễn giảm phần thuế chưa thu, và nếu được thì quan nào đề xuất ra biện pháp đó sẽ được coi là quan tốt quan thanh liêm, là quan "làm chủ cho dân", là quan phụ mẫu "yêu dân như con". Làm như vậy khác gì khích lệ việc nợ thuế. Cuối cùng thì việc nợ thuế cũng như việc thu khoản phụ thu trở thành "lệ thường".

 

Để nước giàu binh mạnh, đương nhiên Cư Chính không thể để thói xấu đó tồn tại. Và như vậy, Cư Chính không còn là "đầy tớ của dân" mà trở thành "kẻ thù của dân". Đây là áp lực lớn với các phủ, huyện địa phương và lê dân trăm họ cũng hết lời oán than. Ngay cả các đại thần chính phái trong triều khi nghe tin, cũng không đồng tình. Họ hiểu rõ, để phủ, huyện bỏ tiền túi ra nộp thuế, khác gì muốn lấy da hổ? Số tiền nợ thuế phải là lông dê lấy từ thân dê, do những người dân quê cắt xén trên thân một chú dê non. Họ cũng hiểu, mỗi tờ lệnh của đất nước phải được các quan lại thi hành, trong quá trình thi hành lại bị dưới bớt xén, trên vơ vét, gánh nặng trên vai dân chúng càng thêm nặng, thu nhập của quốc khố chắc gì đã thêm nhiều? Vì thế, họ mới hỏi: Kho bạc kinh thành và địa phương đã được chất đống như núi, sao còn phải tranh lợi với dân? Thế chẳng phải đã bức các quan lại địa phương phải gõ đầu dân đen, thậm chí là đánh đập cho đến chết: Thế rồi từ vấn đề về pháp chế là cần hay không cần có quy tắc nghiêm túc trong chuyện thu thuế của đất nước, được chuyển hoá dần thành vấn đề về đạo đức là cần hay không cần thể tình trăm họ, làm lợi cho dân, cần hay không cần xây dựng một xã hội như thời Nghiêu Thuấn. Một khi lập luận này được hình thành thì "đúng sai" sẽ bị đảo lộn, quan lại địa phương bê trễ không nộp thuế là quân tử, Trương Cư Chính bảo vệ chính sách pháp kỷ nghiêm túc trở thành tiểu nhân.

 

Vì người trước trọng nghĩa, kẻ sau là hám lợi, người trước thể tình dân chúng, kẻ sau bóc lột trăm họ. Nhưng vấn đề ở ba chỗ: Những điều phái phản đối nói lại hoàn toàn là sự thực, không thể nói họ sai lầm. Thương dân gắn bó với yêu nước, và đất nước hết thuốc chữa cũng là điều đương nhiên.

 

Sự việc thứ hai khiến Cư Chính "mất lòng dân" là "khảo thành pháp" mới do ông đưa ra. Thi cử, sử dụng, đề bạt và khảo sát, xưa nay vẫn là bộ phận quan trọng trong chế độ chính trị đất nước. Hai việc trước còn có phần dễ dàng, vì có chế độ khoa cử và tiến cử. Ngược lại khảo sát thành tích lại là việc quan trọng khiến người ta phải đau đầu, nó liên quan tới việc thăng nhiệm hoặc bãi miễn quan chức, và vô cùng lợi hại đối với mọi quan viên, đã không thể không lưu tâm lại không thể quá lưu tâm. Không lưu tâm, việc khảo sát thành tích là vô bổ; quá lưu tâm không tránh khỏi đắc tội với người khác, dẫn tới đấu tranh giữa các phe phái trong quan trường, làm cho cục diện không yên, đất nước rối loạn.

 

Hơn nữa, khi sự việc được tiến hành cụ thể, lại nẩy sinh hai vấn đề lớn: Một là, ai khảo sát. Hai là, khảo sát như thế nào. Xét từ mặt lý luận, hoàng đế là người có tư cách khảo sát quan viên nhất. Đây là việc nói thì dễ, làm thì khó. Chưa nói tới một hoàng đế trẻ con chừng mười tuổi như Vạn Lịch không làm được mà ngay như hoàng đế tinh anh như Đường Thái Tông Lý Thế Dân chắc gì đã nắm hết được chính tích cùng những biểu hiện của mọi quan viên trong triều? Lúc Trương Cư Chính còn tại chức, vương triều Đại Minh có hơn một ngàn một trăm huyện, có hơn hai vạn quan văn các cấp. Quan viên nhiều như vậy, ai là người biết được hết? Ngay như hoàng đế, cũng không thể nhận biết hết hai ngàn quan viên ở kinh thành.

 

Cho nên việc khảo sát quan văn, chỉ có thể nhờ vào người khác, khảo sát quan kinh thành phải dựa vào cấp trên của họ, khảo sát quan viên địa phương phải dựa vào các quan kinh thành. Nhưng các quan kinh thành lại không ưu việt, hơn hẳn các quan viên địa phương như sách vở từng nói. Các quan kinh thành, lương bổng đã thấp lại không có khoản thu thường lệ, nên hầu hết phải dựa vào sự "hiếu kính" từ các quan lại địa phương. Đốc phủ các tỉnh, mỗi lần có lễ phẩm dâng lên lục bộ thượng thư, giá trị của lễ vật tương đương mười lần lương bổng cả năm của các vị. Người bị khảo sát chính là "cha mẹ lo bề ăn mặc" của người đi khảo sát, vậy tính chính xác và tính tin cậy, liệu có bị thay đổi nhiều không?

 

Ngoài tiền vàng ra còn có tình người. Nếu là người cùng huyện cùng tỉnh còn có "hương nghị", nếu là trúng tuyển cùng năm còn có "niên nghị", nếu là sui gia của các con, còn có "nhân nghị". Thực tế thì các quan kinh thành và các quan địa phương luôn có những mối quan hệ đó. Hoặc là môn sinh, hoặc là chỗ quen biết cũ, hoặc là mới biết, tùng người đều có phe phái, đều có chỗ dựa. Đối với người cùng phe phái, người có quan hệ, nếu không chiếu cố thì đừng mơ tới chuyện còn tồn tại ở chốn quan trường. Thế là kết quả của khảo sát lần nữa lại bị thay đổi.

 


Một bức tượng hình người dọc hai bên của Thần Đạo

Khảo sát thế nào cũng là vấn đề rất lớn. Khảo sát chính tích thời Minh chia làm ba cấp, gọi là xứng chức, bình thường và không xứng chức. Cụ thể có tham, khốc, phù phiếm, không đủ (không đủ tài lực), lão, bệnh, bãi (tức là phế, nhu nhược vô năng), bất cẩn. Lão bệnh nên từ chức nghỉ ngơi, là phù phiếm và không đủ nên giáng chức điều đi noi khác, là bãi (phế) và bất cẩn nên đổi cho chức danh nhàn rỗi, là tham và khốc nên cách chức làm dân. Một chế độ như vậy được xem là cẩn thận tỉ mỉ, nhưng thực tế lại là hàm hồ sơ lược.

 

Như một viên quan nào đó, sau ba năm nhận chức chưa làm được gì, nhưng cũng không có sai sót lớn thì được bình là bình thường, chưa đủ, cũng có thể được bình là ổn định, không phù phiếm. Còn như muốn biết một người được bình như thế nào, cần phải xem quan hệ của anh ta với người khác như thế nào, công sức anh ta bỏ ra bợ đỡ cấp trên, lấy lòng quan kinh thành là bao nhiêu.

 

Việc khảo sát chính tích làm như thế này rất khó có được sự công bằng và công tâm. Nhưng sự ổn định của đại cục quan trọng hơn nhiều so với tiền đồ của một số người. Vì muốn duy trì sự ổn định của triều cục, một số người ưu tú phải chịu thiệt thòi một chút, cũng là sự hy sinh cần thiết. Hơn nữa, công việc khảo sát chính tích được tiến hành chặt chẽ không buông lỏng, còn phải xem nhu cầu chính trị để thường xuyên có sự điều chỉnh. Nếu triều đình cảm thấy không khí trầm lắng, việc làm hiệu suất thấp, cần phải chấn hưng tinh thần, bỏ cũ lấy mới, thì tiêu chuẩn sẽ chặt chẽ hơn. Ngược lại, khi thấy chính cục lung lay, lòng người dao động, nguy cơ từ bốn phía, cần phải ổn định lòng dân, vỗ về trăm quan, thì tiêu chuẩn sẽ nới lỏng ra một chút. Vì vậy tiêu chuẩn của khảo sát là trừu tượng mơ hồ, để có thể phù hợp với nhu cầu tiến thoái của nền chính trị.

 

Nhưng Trương Cư Chính lại cho là không thể hàm hồ. Cư Chính làm việc cần mẫn, thiên về lý, luôn tự mình đối chiếu các con số thống kê, thậm chí còn soạn ra các biểu mẫu khai báo, quy định thời hạn báo cáo, rất nhiều những chi tiết nhìn qua là nhớ. Khảo sát quan viên là việc lớn biết chừng nào? Đương nhiên, không thể qua loa, càng không thể ấp úng mù tịt. Vì vậy Cư Chính quy định, các quan lại địa phương phải có những câu trả lời về chính tích của mình, các cơ quan trung ương, khoa, bộ phải ghi chép lại theo tháng, năm, còn quy định các hạng mục cụ thể, như thu nộp các loại thuế thiếu, khả năng truy bắt lũ cướp, phỉ... phải có con số cụ thể, ngày giờ đạt được các hạng mục đó. Như huyện lệnh huyện A thu hồi toàn bộ số thuế nợ, thời hạn không quá nửa năm; huyện lệnh huyện B chỉ thu được một nửa, với thời gian là một năm; huyện lệnh c không thu được đồng nào, tự nhiên A là thượng đẳng, B là trung đẳng và c là hạ đẳng. Vì có đáp án đã ghi chép, có con số để so sánh, nên huyện c không phục cũng hết đường nói.

 

Rõ ràng, cách nói cách nghĩ của Cư Chính giống hệt cung cách của Hải Thuỵ. Sau khi nhận chức tuần phủ Ứng Thiên, Hải Thuỵ cảm thấy xót xa về cách khảo sát quan viên "toàn những câu có nhiều ý, rất ít những vấn đề cụ thể, hiện thực, lời lẽ không rõ ràng", nên đã quỵ định ra "Khảo ngữ sách thí", nội dung gồm: Tài thức, trị dân, trị binh, giáo hoá, ngục tụng, quân điền, khai khẩn, tích cốc, trong mỗi hạng mục có nhiều mục nhỏ, để các quan phụ trách khảo tích cứ từng mục từng mục điền vào, không lẫn lộn. Và cũng không thể lẫn lộn được. Vì ngoài hạng mục "tài thức" ra, các hạng mục khác đều rất cụ thể, làm được thì làm, không làm được thì không làm; làm đúng hay sai đã có sự thực và con số làm chứng. Nếu chính tích các hạng mục đều ở mức bình thường thì không thể bình hạng mục tài thức thuộc loại trên.

 

Cung cách làm việc của Hải Thuỵ và Trương Cư Chính thể hiện đầy đủ tác phong quan viên phái thực tế và biện pháp khảo tích khác trước. Nhưng tác phong và cách làm này vừa ngược lại với chính sách cơ bản của đất nước, vừa trái với lề thói truyền thống của giới quan trường. Kể từ ngày hoàng đế Hồng Vũ dựng nước, vương triều Đại Minh chưa hề nghĩ phải làm gì để nước giàu dân mạnh. Trọng tâm và xuất phát điểm của mọi chế độ chính trị kinh tế là để vương triều được ổn định, chính quyền vững mạnh và nhất là đảm bảo cho ngôi vị hoàng đế không dao động, đại quyền tồn tại mãi mãi. Vì vậy cần phải duy trì nền kinh tế tiểu nông ở mức thấp - tương ứng với đó, việc quản lý của chính phủ phải đơn giản, qua loa và ở mức thấp; còn như hiệu suất hành chính quá cao là không đúng, vì lúc đó địa phương cơ sở sẽ lo sợ, sẽ bị chê trách là "dân không còn đường sống", khiến hoàng đế cũng thấy bị uy hiếp và bị chê trách là "mưu đồ không chính đáng". Hải Thuỵ đã để lại phiền hà như ở loại thứ nhất; Trương Cư Chính phạm phải điều cấm kỵ như ở loại thứ hai.

 

Rõ ràng, thất bại của Hải Thuỵ và Trương Cư Chính là ở chỗ, họ muốn đưa toàn bộ đất nước vào quỹ đạo chính trị được bản thân họ thiết kế. Điều đó giống như là cưỡng chế hoặc thuyết phục con người phải giảm béo vì sắc đẹp, tất nhiên sẽ tự chuốc lấy sự nhàm chán. Thế là, trong bọn họ một bị bãi miễn khi còn sống, một bị thanh toán sau khi đã chết. Vì lý do đó, một thuộc hạ cũ của Trương Cư Chính là Thẩm Thời Hành sau khi nhận chức thủ phụ, đã ra sức sửa đổi cách làm của họ, mọi thứ đều ngược lại. Nhưng có một điều thú vị là, Thẩm Thời Hành cũng chẳng hay ho gì. Sau khi đã hành động ngược lại hoàn toàn với hai người kia, năm Vạn Lịch thứ mười chín (năm 1591), Thẩm Thời Hành hết cách lấy lại thăng bầng cho hoàng đế và các triều thần, phải từ chức và trước đó còn mang tiếng là "hai mặt". Những tin tức được tiết lộ qua đó thật là đáng để suy ngẫm.

 

Thẩm Thời Hành là viên quan được Trương Cư Chính cất nhắc, là thủ phụ trong chín năm sau khi Trương Cư Chính qua đời. Lần thứ ba Hải Thuỵ được phục chức, có thể là do Thời Hành sắp xếp. Vì vậy, Thời Hành mới có thư gửi Hải Thuỵ. Thẩm Thời Hành, người huyện Ngô, Tô Châu, so với các vị: Hải Thuỵ người Quỳnh Sơn, Hải Nam; Trương Cư Chính người Giang Lăng, Hồ Bắc; Cao Củng người Tân Trịnh, Hà Nam thì có phần khôn khéo giảo hoạt hơn một chút, và cũng vui vẻ nho nhã hơn một chút; về tính cách không khác mấy với Từ Giai người cùng quê Tùng Giang, Hoa Đình (nay là Thượng Hải). Vì vậy dư luận nhất trí công nhận ba vị thủ phụ Cao Củng, Trương Cư Chính và Thẩm Thời Hành: Cao Củng độc đoán, Trương Cư Chính bá đạo, Thẩm Thời Hành khiêm tốn hoà nhã. Thêm vào đó, Thẩm Thời Hành giữ nghiêm phận quân thần với Vạn Lịch, không coi mình là thầy của vua, vì vậy trong thời gian nhận chức thủ phụ, Thời Hành luôn được Vạn Lịch tôn trọng và tín nhiệm, cũng được gọi là "tiên sinh", không phải là "khanh". Sau khi Thẩm Thời Hành rời chức dưỡng lão, Vạn Lịch luôn quan tâm và quyến luyến Thẩm Thời Hành, thường cử người đến gia đình thăm hỏi, tặng lễ vật. Thẩm Thời Hành có hai mươi ba năm nghỉ ngơi yên vui, tại quê hương yên tĩnh và qua đời lúc tám mươi tuổi ngay tại dinh thự của mình, có một kết cục tốt đẹp hơn Hải Thuỵ, Trương Cư Chính và Cao Củng.

 

Thẩm Thời Hành thông minh, biết làm người, lòng dạ cũng không tồi. Thời Hành tự tư một chút, nhát gan một chút, giỏi mẹo một chút, không làm những việc xả thân vì người và cũng không làm những việc hại người lợi mình. Với những việc không tổn hại đến lợi ích của mình, Thẩm Thời Hành cũng có thể nói vài câu đạo lý, hoặc ngấm ngầm giúp đỡ, thể hiện tình cảm chính nghĩa. Trương Cư Chính đưa Thẩm Thời Hành vào nội các, bồi dưỡng thành người kế tục, và cũng mong muốn có người lưu tâm đến mình sau khi đã qua đời. về điểm này, Thẩm Thời Hành không làm được và cũng không thể làm được. Sau khi gia sản Trương Cư Chính bị tịch thu, Vạn Lịch không chỉ tức giận mà còn tức giận hơn trước nhiều. Lúc đó nói đỡ cho Trương Cư Chính khác gì tự đưa cổ mình vào máy chém, đương nhiên Thẩm Thời Hành không làm. Nhưng khi có người dâng sớ xin xử Trương Cư Chính tội đại nghịch bất đạo, phải mở quan tài băm xác, Thẩm Thời Hành hết sức bất mãn với thái độ giậu đỗ bìm leo đó. Thế là Tham Thời Hành đã nói với Vạn Lịch, bằng lời lẽ mù mờ, rằng sớ tấu đã vu cáo hãm hại người khác mưu phản, chỉ sợ nay mai lôi kéo theo những lời gièm khác, đó không phải là không khí cần có một triều đại sáng sủa. Điều đó đã đánh trúng vào lòng dạ Vạn Lịch: Vạn Lịch sợ nhất là bị người khác nói mình là hôn quân nên đã đồng ý không truy cứu tiếp. Thẩm Thời Hành đã từ bốn lạng loại bỏ ngàn cân, cứu được Trương Cư Chính, loại bỏ nốt tệ nạn vu cáo, đây chính là điểm thông minh của Thẩm Thời Hành.

 

Còn một điểm nữa cũng đáng nói. Sau khi đã qua đời, Trương Cư Chính còn bị cả triều công kích, Thẩm Thời Hành là người kế nhiệm, ông đã không phủ nhận sai lầm để thoát thân, cũng không khuếch đại sai lầm làm vốn nắm quyền của riêng mình. Thẩm Thời Hành thực sự cầu thị, đánh giá công bằng tội của Trương Cư Chính, để sửa sai và điều chỉnh. Theo Thời Hành, Trương Cư Chính ngoài những vấn đề như quá tự tin, nghiêm khắc tỉ mỉ, thấy đúng thì không nhường, tác phong sinh hoạt chưa phải bàn, những sai lầm lớn khác, sai lầm cơ bản là chưa làm rõ được tính chất của đất nước, chưa hiểu rõ rằng để duy trì sinh mạng của đất nước phải dựa vào trung ương tập quyền và chủ nghĩa quan liêu. Nhìn bề ngoài, tưởng như trung ương tập quyền, chủ nghĩa quan liêu là hai thứ khác nhau. Nhưng nghĩ xem, vào thời buổi không có phương tiện hiện đại như điện báo, điện thoại... một văn kiện từ địa phương gửi trung ương phải mất cả tháng. Hoàng đế không ra khỏi cung, cách biệt với tình hình địa phương, quan lại kinh thành không có mặt ở hiện trường nên vị tất đã phán đoán chính xác. Thêm nữa, lời lẽ trong sớ tấu lại hoa mỹ, khiến người đọc không hiểu rõ nội dung, không nắm được điểm chính, thậm chí không hiểu đầu của tai nheo ra sao, vì vậy khi có quyết sách và phán đoán, tránh sao khỏi sai lầm của chủ nghĩa quan liêu. Nhưng nếu không thỉnh thị với từng sự việc thì cũng chẳng có cách gì để thể hiện quyền ở trung ương cho nên, phản chủ nghĩa quan liêu là phản trung ương, tập quyền. Trung ương tập quyền đẻ ra chủ nghĩa quan liêu, nay dựa vào trung ương tập quyền để phản đối chủ nghĩa quan liêu, chẳng phải là ta có thù với ta, cùng là ta mà lại không chung sống được sao?

 

Rõ ràng, muốn duy trì trung ương tập quyền, cần phải ủng hộ chủ nghĩa quan liêu; và muốn ủng hộ chủ nghĩa quan liêu, cần phải duy trì hiện trạng, ủng hộ tập đoàn quan văn. Mục tiêu chính trị của đất nước vốn không cao, chỉ cần trăm họ không đói không rét, quan viên giữ yên vị trí, tức là thiên hạ thái bình, vận nước hưng thịnh, vậy cần năng lực mạnh, hiệu suất cao như vậy để làm gì? Ngược lại, chính lệnh cứ như sấm sét, khảo tích phải công bằng, đúng mức, chỉ tổ làm cho tập đoàn quan văn thấy sợ hãi và bất an, vậy thì nhiệm vụ tể tướng là phải giữ cho được một chính phủ năng lực thấp, hiệu suất thấp. Ở đây, ổn định là trên hết. Điều quan trọng nhất là không để tập đoàn quan văn chia rẽ. Dù chưa thể đồng tâm hiệp lực thì ít ra cũng là yên ổn vô sự. Cho nên, dù Từ Giai bị chửi là "tay điều đình trong nước", Thẩm Thời Hành bị trách là "nghênh đón cả bốn phía", nhưng cả hai con người thông minh tới từ Giang Nam đều cho rằng đó chính là chức phận cần phải thực hiện. Thủ phụ tuy không là tể tướng, nhưng cũng tương đương như tể tướng. Chức phận của tể tướng là những gì? Không phải là thu thuế, quản lý tài chính tốt (là việc của bộ Hộ), không phải là luyện quân lính bảo vệ biên cương (là việc của bộ Binh), không phải là thẩm lý án kiện, trừng trị tội phạm (là việc của bộ Hình), thậm chí cũng không phải là nhiệm mệnh quan lại, phân xử liêu thuộc (là việc của bộ Lại) hay sao? Tể tướng luôn phải cai quản những việc đó, nhưng điều quan trọng hơn, là "điều chỉnh âm dương", giải quyết tốt mối quan hệ giữa quân và thần, thần và thần, thần và dân, phải giữ được "sinh thái cân bằng" trong lĩnh vực chính trị. Nói trắng ra, tể tướng phải là "người hoà giải công việc", tức là phải lấy lòng cả tám mặt, lôi kéo cả tám mặt. Có thể lấy được lòng là tốt, chỉ sợ không được lòng người! Bi kịch của Thẩm Thời Hành là ra sức để lấy lòng tất cả nhưng đều phí công vô ích. Vì thế, Thẩm Thời Hành cảm thấy đau lòng và ấm ức.

 

Phải nói là Thẩm Thời Hành đã gắng công hết sức. Năm Vạn Lịch thứ mười ba (năm 1585), Thẩm Thời Hành tấu xin hoàng đế bệ hạ bãi bỏ cách thức khảo sát của Trương Cư Chính, cho rằng biện pháp đó là không hợp lý, không công bằng. Việc có thu được đủ thuế hay không, không tuỳ thuộc vào năng lực và sự cố gắng của các quan; liệu bọn giặc phỉ có đến cướp vào lúc thu thuế, còn nhiều nguyên nhân khách quan khác. Nếu lấy đó làm giá trị để bình giá khảo sát, chỉ dẫn tới các quan viên cơ sở làm giả báo giả, bức họ phải vu cáo người lương thiện thành đạo tặc, đó không phải là không khí của thánh triều, vậy cứ nên làm như cũ, mơ hồ mê muội tiến hành khảo sát là tốt nhất. Trong việc "kinh sát" hai năm sau đó, Thẩm Thời Hành đã giơ cao tay, tung lưới vây mở ra một mặt, quan viên lớn bé ai nấy đều được yên vị, chỉ có ba mươi ba người bị bãi miễn hoặc giáng chức, và họ đều thuộc bộ môn không quan trọng. Việc Thẩm Thời Hành làm được coi là biểu hiện chấp hành chế độ khảo tích nghiêm túc. Thế là, Thẩm Thời Hành được dân chúng hoan hô, long nhan hoàng đế bệ hạ cũng ngời ngời, tỏ ý hài lòng.

 

Nhưng bốn năm sau đó, uy vọng của Thẩm Thời Hành đã hạ xuống tới mức thấp nhất. Nguyên nhân cơ bản là Thẩm Thời Hành chỉ nhìn thấy mặt yêu cầu được ổn định của tập đoàn quan văn, chưa nhìn thấy mặt yêu cầu có biến động của họ. Điều này giống như lúc đánh bài. Nếu chỉ cứ rửa bài không, thì không thể xuất hiện người thắng mới, và cuộc chơi sẽ bị ngừng lại. Như vậy thì, cái gọi là sự đoàn kết ổn định vĩnh viễn, về cơ bản là không thể. Rồi sẽ có người xuất hiện, sinh sự đúng sai, mượn gió bẻ măng, hòng lấy hạt dẻ trong lửa, khuấy nước bắt cá, và tốt nhất là vứt bỏ nhà cái tể tướng hoặc thủ phụ là nhà cái (cứ coi hoàng đế là ông chủ của sòng bạc, bất luận ai thắng ai thua, ông chủ luôn có "tiền hồ", cho nên có hoàng đế còn khích lệ trò chơi này), tự nhiên người ta xông vào người đứng đầu. Huống chi lúc đó, phần tử gây rối lại có miệng lưỡi rất hay (1). Thẩm Thời Hành đành phải xin lui. May sao có sự ủng hộ của Vạn Lịch, việc xin lui của Thẩm Thời Hành không mất nhiều sĩ diện.

 

Hải Thuỵ, Trương Cư Chính, Thẩm Thời Hành, ba người có tính cách, quan điểm, tác phong khác nhau, nhưng đều thất bại bởi cùng một đối tượng - tập đoàn quan văn hoặc quan trường, còn ba người họ lại luôn muốn cải thiện hoặc ủng hộ quan trường. Hải Thuỵ lấy mình làm nguyên tắc, muốn lấy đạo đức để loại bỏ tệ hại, kết quả là tiếng oán than khắp nơi; Trương Cư Chính muốn cách tân, lấy pháp lệnh để thúc đẩy tinh thần kết quả là nhiều người chống lại; Thời Hành lại thoả hiệp vỗ về, mong điều hoà và duy trì đoàn kết, kết quả bạn bè phản lại, người thân xa rời. Họ đều thất bại, "thương thay vô bổ, hao tổn tinh thần". Rõ ràng, đất nước đã hết thuốc chữa!

 

--------------------------------

1     Đề mục này chính là vấn đề lập tự của nhà vua, trong cuốn sách này không triển khai. Độc giả có hứng thú, xin tham khảo hai cuốn "Mười lăm năm Vạn Lịch" của Hoàng Nhân Vũ và "Đầu và cuối của ba vụ án" của Ôn Công Nghĩa (Tác giả).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét